[Việt Nam] Trăng Nước Chương Dương

Chương 1 : 1 (1)

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 14:05 23-09-2018

Chương Dương cướp giáo giặc, Hàm Tử, bắt quân thù Thái bình, nên gắng sức, Non nước vẫn nghìn thụ Trần Quang Khải __ Khi Trần Quốc Tuấn từ vùng đầm lầy Màn Trò ra đến cái bãi sa bồi bên bờ Thiên Mạc, trời đã sang nửa đêm về sáng. Bên kia con sông rộng mênh mang, lửa quân ta đốt thuyền giặc còn bùng lên nhuốm đỏ mây trời. Gió đêm đầu mùa hạ thổi mạnh, phả mùi phù sa màu mỡ tanh lạnh xộc lên mũi vị tướng già và đoàn tùy tùng im lặng. Trần Quốc Tuấn tụt đôi hài cỏ xách lên tay, giẫm chân không lên cát ẩm. Một cảm giác rợn mát làm cho ông rên một tiếng thầm trong lòng. Thiên nhiên sau mấy ngày rét quái nàng Bân bây giờ trở lại rõ ràng tiết trời mùa hạ. Đêm sâu thẳm, mây chì ẩm ướt phủ kín bầu trời và gió nồm thổi lộng lên. Trần Quốc Tuấn chỉ nhìn thấy sông đêm hun hút và lấp lánh đôi nếp sóng gợn phản chiếu lửa Chương Dương. Vị tướng già nhìn về phía bắc, về phía Thăng Long. Nhưng ông chỉ thấy bóng đêm thăm thẳm. Lửa hiệu truyền tin của giặc nhấp nháy trong những chòi cao đặt rải rác cả một vùng rộng lớn bên ngoài kinh thành. Trần Quốc tuấn cười gằn, mắng thầm: - Hà... bây giờ thì chúng mày truyền đi những tin gì?... ra những lệnh gì nhỉ?... Ông quẳng đôi hài cỏ xuống đất, xỏ chân vào. Ông ngoảnh nhìn: Dã Tượng và quân tướng tùy tùng vẫn im lặng chờ lệnh. Trần Quốc Tuấn vui vẻ nói: - Trước hết là tắm cái đã. Nhà ngươi cắt canh này, phái người chắp mối với quân giữ đất này, rồi cũng cho lính tắm đi. Bãi sông xao động tiếng lệnh, tiếng vó ngựa, tiếng binh khí chạm nhau. Trần Quốc Tuấn cởi quần áo, lội xuống làn nước mát lạnh, mát đến nỗi ông phải thít lên, xuýt xoa sung sướng. Thế là đã bảy hôm nay ông mới được tắm một lần vui thú thế này. Ngay từ sau trận Hàm Tử, khi các chiến sĩ trong đạo quân của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật còn đang lùng bắt tàn binh giặc ở ven sông Thiên Mạc thì Trần Quốc Tuấn đã chuyển hành doanh từ phía nam đồng bằng vào vùng bãi lầy Màn Trò để chỉ huy sát sao hơn cuộc tiến quân diệt địch ở vùng chiến trường trọng yếu ngoài chân thành Thăng Long. Trong bãi Màn Trò bùn lầy nước đọng, Trần Quốc Tuấn không tắm giặt và ông cũng nghiêm cấm binh tướng dưới quyền tắm giặt bằng thứ nước ấy. Mùa này phấn cỏ, phấn hoa lau càng làm cho người ta ngứa ngáy, nhất là lúc mồ hôi râm rấp trong người. Khi lệnh đánh thủy trại giặc đã ban, Trần Quốc Tuấn lại chuyển ngay hành doanh ra sát chiến trường. Trên đường, tin tức chiến thắng ông nhận được thật giòn giã. Quân ta đánh rất mạnh vào thủy trại Chương Dương, đốt gần hết đội chu sư của giặc và đánh tan cả cánh quân giặc từ Thăng Long ra cứu viện. Ông tướng chỉ huy trận đánh tài tình ấy chính là Thượng tướng quân Chiêu Minh vương Trần Quang Khải, người đã tặng ông tập thơ Lạc Đạo buổi ông xuất sư cách đây hơn bốn tháng. Những người trong đoàn tùy tùng cũng đã xuống tắm, trừ những giáp sĩ tỏa đi canh phòng. Trần Quốc Tuấn sải tay bơi ra dòng nước chảy. Ông lộn người, trăn trở, áp mái đầu xuống nước và hụp hẳn xuống cho nước lạnh ngấm vào da đầu... Sau một hồi lâu vùng vẫy dưới nước, Trần Quốc Tuấn lên bờ. Dã Tượng đã soạn hầu ông bộ áo chiến mới, sạch sẽ. Ông gỡ tóc, búi gọn và chít lên đầu chiếc khăn lượt thâm, cài thêm một chiếc trâm ngà cho chặt. Sau khi đã thay hài cỏ bằng đôi hia nỉ cho ấm chân, Trần Quốc Tuấn gọi Dã Tượng đến, ra lệnh: - Hành doanh sẽ đặt ở đầu bãi này ngay trên con đường về làng Xuân Đình. Nhà ngươi cho cắm lều trận của ta, cho đặt hiệu lửa, hiệu cờ và cho đòi cánh quân chiến thắng Chương Dương nạp bản khai công. Dã Tượng chắp tay tuân lệnh, nhưng viên gia tướng chưa đi ngay và hình như bối rối muốn nói thêm điều gì vậy. Trần Quốc Tuấn ngạc nhiên nhìn Dã Tượng, cố tìm trong thứ ánh sáng ít ỏi của trăng mờ xem vẻ mặt viên gia tướng thế nào. Ông hỏi: - Sao thế? - Bẩm Quốc công, con cho cắm lều trận cả ở đây chứ ạ? Trần Quốc Tuấn muốn cười phá lên: - Rồi đốt lửa nấu cơm nữa chứ gì? Thôi được, nhà ngươi cứ cho đốt lửa đun nước, nấu cơm. Còn lều trận thì... chậc... ta... Ông muốn nói rằng lều trận thì không cần. Ông bước lại gần viên gia tướng. Ông đã là người cao lớn, nhưng không sao so được tầm vóc với viên tướng đội voi trận mới được cất nhắc lên hành doanh chỉ huy đoàn tùy tùng. Trần Quốc Tuấn hiểu nỗi băn khoăn của Dã Tượng. Anh ta lo lắng cho sức khỏe của ông. Vài ngày nay, trời đổi tiết từ xuân sang hạ, chợt ẩm, chợt khô, chợt mát, chợt lạnh, dễ làm người già yếu phải cảm. Nhưng cũng chính mấy ngày rày, thế chiến trường làm cho người ta vui khoẻ ra. Thoạt đầu là Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật bất chợt hành quân mau lẹ từ bãi lầy Màn Trò ra, chặn đoàn thuyền chiến của Toa Đô ở cửa Hàm Tử. Đạo quân giặc này sau những ngày xông xáo ở biên giới Việt - Chiêm cố chiếm một thế uy hiếp mặt lưng quân ta nhưng đã bị chặn đứng lại, bị đánh mòn. Toa Đô được lệnh đại nguyên soái Thoát Hoan dẫn quân về vùng Thăng Long để hai đạo quân Thoát Hoan, Toa Đô ghé tựa vào nhau, bởi vì lúc đó chính đạo quân của Thoát Hoan cũng đang bị sa lầy trong một thế trận trùng điệp mà mỗi chuyến tải lương, mỗi đêm đóng đồn có thể bị dân binh ta đánh úp. Toa Đô ra bằng đường sông. Đoàn chiến thuyền của nguyên soái Toa Đô đến cửa Hàm Tử thì bị đánh hết sức thần tốc và tan rã ngay trước mắt tướng tá giặc đứng ở các chòi nhìn ra trong thủy trại Chương Dương. Toa Đô bị đẩy xuống mé hạ lưu sông Thiên Mạc. Hai cánh quân giặc thế là không ghé gẩm nương tựa được vào nhau. Kế sách chọn đạo quân Toa Đô diệt trước quả là sáng suốt. Trần Quốc Tuấn còn nhớ như in, khi được tin Toa Đô từ biển vào cửa sông, các tướng muốn đánh ngay, nên bồn chồn chờ đợi lệnh ra quân chẹn giặc, nhưng ông đã bình tĩnh suy nghĩ và chọn chiến trường công kích là vùng sông bãi mênh mang này. Đánh ở đây có lợi là diệt xong quân Toa Đô, ta quay sang công kích ngay quân Thoát Hoan. Chiêu Minh vương Trần Quang Khải hết sức tâm đắc với ông. Khi Trần Quốc Tuấn nói ý định chọn chiến trường ở Hàm Tử thì Thượng tướng quân xin nhận sẽ là người chỉ huy ở Chương Dương. Quả hai người đã thực sự hiểu nhau. Bây giờ Hàm Tử đã trở thành một chiến thắng cực lớn. Chương Dương cũng đã xong, chỉ còn chờ bản khai công của Chiêu Minh vương để định việc thưởng công những tướng binh xuất sắc. Chiến thắng! Con người hưng phấn hẳn lên. - Cứ đốt lửa lên! Mấy ngày rày đốt lửa là đuổi giặc chứ không phải là gọi giặc đến đâu. Chỉ cần cuộn ngọn cờ tiết chế cất đi và phái các dũng sĩ viễn thám đi tuần bằng ngựa xa ra là được. Dã Tượng vâng một tiếng vui vẻ và chạy đi. Một lát sau, tiếng vó ngựa của lính viễn thám đã gõ lộp bộp trên mặt đất và nhiều đống lửa được đốt lên trên bãi cát sa bồi soi tỏ một khoảng không gian nhỏ trong thiên nhiên sâu rộng. Những người lính trong đoàn tùy tùng của Trần Quốc Tuấn cười nói vui vẻ. Họ bắc bếp, người hầm cháo, người thổi cơm, người đun nước sôi pha trà. Một vài chiến sĩ dùng những cán giáo gãy bỏ rải rác trên bãi, nhanh chóng buộc thành một cái bàn nhỏ dùng làm bàn trà đặt trước mặt Trần Quốc Tuấn. Trần Quốc Tuấn trìu mến nhìn những người lính của mình. Ông biết Dã Tượng và họ lưu tâm chăm sóc ông, nhưng đêm nay ông không muốn ngồi trong lều trận. Ông muốn được đắm mình vào không gian mênh mông dưới một vòm trời chiến thắng hơn là dưới một mái lều. Mé dưới kia là cửa Hàm Tử chiến trường của một võ công mà nghìn đời sau sẽ còn nhắc đến; một chiến thắng cách đây chưa quá một tuần trăng, còn để lại dấu vết trong những mảnh ván thuyền, những chiếc khiên mây, khiên da, những mẩu cán giáo gãy... và cả xác quân thù kết thành bè trong nước quẩn vụng sông. Bên kia là bến Chương Dương, lại một chiến trường chắc cũng sẽ ghi vào bia đá bia miệng vạn cổ không mòn. Mảnh đất ông đang đứng kỳ lạ biết bao. Hà tất phải dùng một mái lều trận thay vòm trời ngời ngợi chiến công này. Không cần dựng lều nhưng Trần Quốc Tuấn không từ chối binh lính hầu trà được. Vị tướng già điềm đạm ngắm những người dưới quyền. Họ và ông đã lăn lộn khắp các chiến trường. Chỉ vài tháng thôi, nhưng cái nghĩa cùng sống cùng chết đã gắn bó họ với ông. Hành doanh của Trần Quốc Tuấn vẫn gồm hai đoàn tướng sĩ. Một đoàn đông hơn, gồm các tướng coi về từ lệnh, về sổ sách lương tiền, về bốc thuốc, về cung cấp khí giới, về ấn tín binh phù, về tin tức do thám... Một đoàn khác, quen gọi là đoàn tùy tùng, ít người hơn. Một đô lính viễn thám bảy, tám chục nghĩa sĩ cưỡi những con ngựa cực nhanh đóng yên nhỏ, nhẹ; những người lính viễn thám mang toàn vũ khí ngắn, cung đơn, họ cưỡi ngựa tuyệt giỏi và chèo thuyền nan cũng tuyệt giỏi, chuyên việc dò tìm tin tức địch và việc thông hiệu với các cánh quân. Một ngũ lính hộ vệ gồm năm tay kiếm Siêu quần chọn trong đội quân gia nô hương Vạn Kiếp. Vài người lính hỏa đầu coi việc cơm rượu hầu Quốc công. Vài người lính khác coi việc áo quần, thuốc men. Ngoài ra còn mấy thư nhi theo Trương Hán Siêu giữ việc sao, thảo sớ tấu, mệnh lệnh của Quốc công và của hành doanh. Toàn bộ đoàn tùy tùng đặt dưới quyền coi quản của Dã Tượng. Đó là một toán quân gồm những người thân cận nhất, cần thiết nhất với việc di động để xem xét mặt trận và chỉ huy tác chiến của Trần Quốc Tuấn. Lần này đoàn tùy tùng của Trần Quốc Tuấn còn có thêm một ông quan chép sử trong Quốc sử viện đi theo. Ông quan chép sử này được Trần Quốc Tuấn rất quý nể và không bị liệt vào đoàn tùy tùng. Vị tướng già coi ông như khách của hành doanh. Người ấy là sử gia Lê Văn Hưu. Sử gia họ Lê năm xưa tiến triều sau một khoa thi tiến sĩ. Ông Lê đỗ thứ hai, đỗ bảng nhỡn, đúng cái năm Tiên đế định lệ đặt tên đầu tiên cho ba ông đỗ đầu tiến sĩ là trạng nguyên, bảng nhỡn, thám hoa. Bây giờ, cụ bảng nhỡn sử gia ấy ngồi bên, trên một khúc củi rều. Ông cụ cũng vừa tắm xong, đã mặc áo sạch, mặc thêm áo phòng lạnh và đang nhấm một cánh hoa hồi cho nóng cổ, nóng ngực. Ông cụ thực ra đã được nhà vua cho về di dưỡng tuổi già mấy năm nay ở vùng ấp phong quê nhà, nhưng khi có giặc xâm lược, ông cụ thấy việc chép sử thật quan trọng biết bao nhiêu khi các sự kiện tày đình xảy ra trên đất nước. Vì vậy, ông cụ lại dâng sớ xin Quan gia cho mình được trở lại làm việc trong Quốc sử viện. Quan gia đã cho sứ giả về quê ông cụ, triệu ông cụ về kinh. Nhưng chính lúc Lê Văn Hưu về kinh, cũng là lúc giặc phạm bờ cõi và tình thế thay đổi rất nhanh. Giặc phá vỡ cửa quan Anh Nhi, giặc tràn qua sông Nguyệt Đức, sông Thiên Đức. Quân cưỡi ngựa của chúng tung hoành cả một miền Đông Ngàn, Lạng Giang, rồi chúng chiếm cả kinh thành Thăng Long. Triều đình bỏ kinh thành. Thượng hoàng và Quan gia được Trần Quốc Tuấn phò đi lánh nạn. Lê Văn Hưu cũng chống gậy theo vua về Thiên Trường, trong khi các sử quan khác dưới quyền ông cụ được chia đi các lộ, các cánh quân lớn để ghi chép lại cho thật đúng các sự việc đã xảy ra. Lê Văn Hưu sau đó luôn luôn đi theo hành doanh của Quốc công Tiết chế. Mấy tháng đầu của chiến tranh, giặc đang thế mạnh. Trần Quốc Tuấn ra lệnh cho các tướng chia quân về các lộ, các hương, giấu quân trong rừng, trong vùng đầm lầy... tránh chọi sức với giặc. Nguyên soái Thoát Hoan hung hăng sai tên tướng Ô Mã Nhi đem khinh binh đuổi bắt vua tạ Trần Quốc Tuấn phải lập một đoàn tùy tùng nhanh, gọn nhưng sắc sảo tuyệt vời, phò vua tránh giặc, ra Hải Đông, vào Yên Tử, lúc chạy bộ, lúc xuống thuyền, long đong suốt hai tháng trọng xuân, quý xuân. Trong những ngày gian nan ấy, Lê Văn Hưu vẫn ở trong đoàn tùy tùng của Quốc công Tiết chế. Trần Quốc Tuấn chú ý chăm nom ông cụ một cách hết sức kín đáo kể từ cách xếp chỗ ngủ cho ông cụ những đêm mưa phăn đến cách cử những tay kiếm giỏi đi kèm để bảo vệ Ông cụ. Về sau, việc tránh nạn càng gặp khó khăn, Trần Quốc Tuấn phái người mang gạo, mang lương khô cho ông cụ, nhưng ông già chép sử nhất định không chịu để cho ai mó tay vào cái níp chứa những thẻ tre và mấy cuốn sách bìa cậy. Xuống thuyền, Lê Văn Hưu ôm cái níp khư khư; đêm ngủ, ông cụ gối đầu lên níp. Bây giờ ông cụ ngồi kia, trên một khúc củi rều. Trần Quốc Tuấn nheo mắt. Kín đáo ngắm ông già chép sử. Năm Trần Quốc Tuấn mới mười bảy tuổi, ông già chép sử kia đang độ tráng niên. Hoàng thân Hưng Đạo đã đứng trên thềm điện Thiên An, chứng kiến Lê Văn Hưu lạy tạ Ơn vua cho đỗ bảng nhỡn. Năm ấy là năm Thiên ân Chính Bình thứ mười sáu (1247). Ông nghè trẻ được vua ban ân cho vinh quá về quê chơi rồi trở về kinh làm việc trong Quốc sử viện. Trần Quốc Tuấn làm quen với nhà sử học. Mỗi lần ông từ Vạn Kiếp về kinh đều đến thăm Lê Văn Hưu, trước là tỏ lòng tôn trọng người hiền, nhưng chính là để hỏi nhà sử học này về phép trị nước của các đời trước, về việc lễ, tế trong triều, về phong tục của trăm họ từ thuở hỗn mang đến giờ... Có một điều kỳ lạ là ông già chép sử rất ít nói mà Trần Quốc Tuấn vẫn rất hợp chuyện. Ông già chép sử có một cách ngồi im lặng rất chững, đôi mắt ông đăm đắm xa xôi làm cho Trần Quốc Tuấn sau mỗi lần đàm đạo thường thấy mình trầm lắng xuống. Ông già bàn chuyện thời xưa mà tưởng đâu như chuyện quanh mình vậy. Người ta có cảm giác mọi việc của các bậc đế vương, của công hầu, của sĩ dân đều đã được khối óc kia nghiền ngẫm kỹ lưỡng quá rồi. Nhưng còn nghiền ngẫm được thêm nữa thì ông cứ làm trước khi chép vào sách sử một dòng nào đấy kể lại một việc có dính líu đến sự hưng phế của xã tắc, đến sự còn mất của một triều vua, đến sự thịnh suy của một dòng họ, đến danh thơm tiếng xấu nghìn đời của một con người. Sau mỗi lần đàm đạo với Lê Văn Hưu, Trần Quốc Tuấn thường tự hỏi mình xem đã thực hiểu chưa về phép tắc xét đoán trời, xét đoán người của ông già chép sử. Trần Quốc Tuấn liệt Lê Văn Hưu vào loại người ít ỏi của mỗi thời, thậm chí của nhiều thời. Ông già thật là một bậc quốc sĩ mà những người đọc sách hễ được gặp là phải kính, phải nể. Đêm nay, trong lửa ấm trú quân, Trần Quốc Tuấn lại một lần đàm đạo với Lê Văn Hưu, và hầu trà hai người là một tay kiếm hộ vệ giỏi. Vị tướng già dùng cán giáo gạt mặt cát cho phẳng. Ông muốn nhân lúc nghỉ này nói cho ông già chép sử hiểu diễn biến của chiến trường. Lửa rừng rực soi tỏ gương mặt vũ dũng quắc thước của vị tướng già. Ông bẻ một mẩu que vẽ trên nền cát cho Lê Văn Hưu xem thế đất vùng Thiên Mạc... Mẩu que cày cát ẩm chợt hất lộ ra một vật vuông vắn. Trần Quốc Tuấn kinh ngạc cầm vật đó lên, dùng ống tay áo lau sạch đi và nhận ra đó là một mảnh hộ tâm phiến bằng đồng thau. Ông tò mò ngắm vân mây khắc chìm trên hộ tâm phiến và hiểu rằng vật này đã từng được đính trên ngực áo chiến của một người lính túc vệ thượng đô nào đó trong quân Thánh dực. Đột nhiên, một niềm bi tráng dâng lên trong lòng ông, dâng mãi lên, và vị tướng già bồi hồi thuật lại cho nhà chép sử nghe trận đánh kỳ lạ bên bờ Thiên Mạc của Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang