[Việt Nam] Trăng Nước Chương Dương
Chương 3 : 3 (2)
Người đăng: Lịch sử Việt Nam
Ngày đăng: 14:05 23-09-2018
.
Tới trưa, Dã Tượng dẫn lính hỏa đầu bưng mâm rượu vào trướng hổ hầu cơm Trần Quốc Tuấn. Anh thấy vị tướng già đang ngồi ngắm nghía cây giáo vàng cướp được của giặc trong trận Chương Dương. Vẻ mặt của Quốc công Tiết chế đã trở về bình lặng, tuy nhiên mấy nếp nhăn trên trán vẫn là dấu hiệu một sự suy nghĩ sâu xạ Dã Tượng khoanh tay chờ lệnh. Trần Quốc Tuấn hiểu ý anh bèn nói:
- Vén rèm lên.
Dã Tượng sai cuốn rèm. Hôm nay trời quang. Nắng đầu hạ rực rỡ ùa vào trướng hổ làm cho Trần Quốc Tuấn phải khoan khoái nheo mắt lại. Ông vươn vai ngâm khẽ hai câu thơ của Văn Thiên Tường: “Người ta tự cổ ai không chết, Lưu lại lòng son trong sử xanh”
- Hừ! Lưu lại lòng son trong sử xanh. Văn tướng công ơi, Người có biết bao nhiêu bạn tâm đắc tương kỳ trên đất nước này.
Ông cầm cây giáo vàng dựa vào góc lều trận, búng thử ngón tay trỏ vào lưỡi giáo. Lưỡi giáo đặc! Ông mỉm cười bảo Dã Tượng:
- Cho gọi Yết Kiêu ngay lập tức. Bảo nó chọn sang đây mười người lính thật thạo nghề chèo lái.
Dã Tượng đưa mắt cho người lính hỏa đầu, ra một lệnh thầm để anh ta hầu rượu vị tướng già rồi quay ra. Người lính hỏa đầu rót rượu cau vào chiếc chén bạc lớn, so đôi đũa ngà đặt ngang chiếc bát gốm Tức Mặc màu men da mận chín. Trần Quốc Tuấn nâng chén uống một hơi dài. Ông ăn cơm rất ngon miệng. Theo đúng lệ tự đặt ra, ông ăn đủ năm bát cơm, uống ba chén rượu rồi đứng dậy truyền:
- Triệt!
Người lính hỏa đầu mau mắn dọn bàn. Trần Quốc Tuấn thay hia, xỏ chân vào đôi dép cỏ cho mát và bước ra cửa lều trận. Ông nhận thấy sự tấp nập của hành trung doanh đang ở mức cực kỳ sôi động. Quân vận tải lương cỏ đánh trâu kéo những chiếc xe chở nặng. Tiếng bánh xe quay nghiến kẽo kẹt rền rĩ. Quân viễn thám, thông hiệu cưỡi trên lưng những con ngựa chiến mép sùi bọt phi như bay; dải áo, ngù giáo, thắt lưng lụa màu đeo kiếm tung cuộn phần phật như bị tiếng nhạc ngựa làm động. Những tì tướng coi quản các phần việc lương cỏ (thuốc, khí giới) xe cộ, thuyền, ngựa... hối hả đi lại, ra lệnh, quát tháo rầm rĩ; các tướng coi quản những phần việc thông hiệu, thám báo, từ lệnh làm việc trầm mặc hơn, nhưng họ cũng kê ván ngay cửa lều trận của mình thành văn án. Các tì tướng và binh lính các hành doanh trên chiến trường ven kinh thành cũng đang đổ về mang cáo, mang bản khai công trạng đến nộp ở chỗ làm việc của Trương Hán Siêu và Dã Tượng. Trần Quốc Tuấn nhận thấy bóng áo chiến màu chàm của những đội dân binh vùng ba đầu sông. Ông cũng nhận ra những tì tướng mặc áo tía, người của đạo cận vệ bảo vệ Thượng hoàng và Quan gia. Tất cả đều hối hả linh hoạt như én, như sóc. Đột nhiên, Trần Quốc Tuấn chợt nghĩ đến chiếc cối xay lúa quay tít đi trong một chuỗi dài tiếng động không dứt như tiếng sấm nguồn đầu mùa hạ. Một sự so sánh không đúng lắm, nhưng nó rất gần gụi ông về cảm giác. Trần Quốc Tuấn nhìn ra xạ Bên ngoài đất đóng của hành trung doanh, một số đội quân thuộc các hành doanh quanh vùng Thăng Long được lệnh điều về đang hối hả cắm lều trận và bắc bếp thổi cơm. Một đô lính trạo nhi giải tù binh đi ngang qua bãi trống trước mặt Trần Quốc Tuấn. Những tên giặc Nguyên khi ngồi ngựa nom to lớn, mặt phèn phẹt như cái thớt. Ấy thế mà lúc chúng đi bộ, cứ như lũ vịt lũ ngan, đầu to, chân ngắn ngủn lạch bà lạch bạch. Nhìn thấy Trần Quốc Tuấn, đô lính trạo nhi giơ giáo tung hô:
- Quốc công muôn tuổi! Quốc công muôn tuổi!
Trần Quốc Tuấn cười. Bọn tù binh dừng lại sụp xuống lạy như chày giã gạo. Chúng sợ bị đem chém đầu cắt tai. Trần Quốc Tuấn lại cười. Ông ngoảnh lại bảo mấy tay kiếm hộ vệ đi lấy một thùng bánh nếp, bánh tẻ đến tung hê cho bọn tù binh. Chắc là chúng đói lắm, nên có đứa vồ lấy bánh cạp cả lá. Lính trạo nhi áp giải phải dùng roi mây dọa vụt cho mấy cái quằn lưng, chúng mới chịu phép ăn từ tốn. Trần Quốc Tuấn nghĩ thầm “Quân kẻ cướp khốn kiếp, phải roi vọt mới dạy chúng mày ra người!”. Bọn tù dây đi rồi, Trần Quốc Tuấn bước đến cửa lều trận của Trương Hán Siêu. Đây là một trong mấy nơi nhộn nhịp huyên náo nhất của hành trung doanh. Trương Hán Siêu và các quan từ lệnh bước vội ra khỏi án, nghênh đón Trần Quốc Tuấn. Trương Hán Siêu trình ông một phong thư của Thiên Thành quốc mẫu (vợ Trần Quốc Tuấn). Ông lơ đãng ngắm bì thư in nền chìm những bông thạch lan. Ờ, mùa này lan đá Yên Tử nở. Những năm trước, ông thường cùng vài gia tướng đi kiếm lan đá. Những bông lan đá trắng tinh khiết mọc từ kẽ đá đỉnh núi dường như chỉ dành cho khách tao nhã. Đáng tiếc, ông đã có ý định kiếm lan đá tặng cho một con người mà ông cho rằng cái gì đẹp của thiên nhiên nên dành cho anh tạ Đó là Đỗ Vỹ. Kể từ mùa thu năm ngoái, ông xa Đỗ Vỹ. Anh ta đảm nhận công việc dò tìm tin tức về địch bên phía bắc biên thùy. Những tin tức anh ta đưa về thật quý giá biết bao nhiêu, và chỉ có thể đền thưởng anh ta bằng những món quà quý giá từ tay ông trao cho, như lan đá. Nhưng Đỗ Vỹ còn đâu! Theo thám báo của ta, trong trận giặc phá cửa quan Anh Nhi, chúng bắt được Đỗ Vỹ và đã sát hại con người tài hoa đàn hay, thơ hay, vẽ giỏi ấy rồi. Ông bỏ phong thư vào túi da cá đeo bên mình, ông không muốn để bề dưới nhìn thấy ông làm một việc gì thuộc về cuộc đời riêng.
- Cụ Uẩn tử trận rồi, nhà ngươi biết chưa?... Ừ, thế thì thảo biểu dâng Quan gia xin ban cấp tử tuất cho... cho người nối dõi và kể cả việc ông cụ Màn Trò nữa nhé.
Trương Hán Siêu nhanh chóng ghi lời Trần Quốc Tuấn lên một thẻ tre để lưu nhớ. Các tướng khiêng ra cửa lều trận một chiếc ghế phủ nệm da gấu mời Quốc công ngồi.
- Nào có món gì ngọt ngào đem ra đây.
Ý ông muốn vui với tướng dưới trướng và cũng là cách cố ý để xóa đi nỗi tiếc nhớ Đỗ Vỹ trong lòng. Trong quân chỉ có mứt gừng và ô mai ngọt để chữa bệnh, nhưng Trương Hán Siêu bỗng à lên một tiếng. Anh đi vội vào lều trận. Một lát sau, anh bước ra bưng một mâm đầy ngật những miếng mứt làm bằng thứ quả gì lạ lắm. Anh mời Quốc công nếm.
- Ừ, cái thứ mứt quái quỷ gì mà ngon nhỉ?
Miếng mứt ngọt lịm như tẩm mật, lại phảng phất có mùi thơm của biển mặn, của phong vị viễn phương. Đó là thứ mứt cướp được của giặc trong trận đánh thủy trại Chương Dương vừa quạ Trong một kho chứa lương, quân ta thấy mấy thạp đựng thứ mứt này. Tra hỏi tù binh, có đứa khai rằng đấy là món ăn tráng miệng luôn luôn có trên bàn tiệc của nguyên soái Thoát Hoan và phó nguyên soái A Lý Hải Nha.
- Mứt gì thế?
Trần Quốc Tuấn nếm một miếng nữa và hỏi. Các tướng cùng trả lời, người thì bảo nó là mứt chà chà, người bảo là mứt cà, người bảo mứt thìa là, làm cho Trần Quốc Tuấn thích thú bật cười:
- Y! Nó là mứt làm bằng quả chà là đây mà.
Các tướng nghếch mắt nhìn nhau.
- Cái cây chà là giống cây dừa xứ ta, quả nó mọc thành chùm, ăn tươi cũng ngon, làm mứt thì thế này đây. Ta có nghe một nhà sư Tây Vực nói về thứ cây này rồi.
Trần Quốc Tuấn cho phép các tướng cùng nếm thử thứ mứt của giặc. Không khí gắn bó đầy tráng khí của một đội quân cha con bách chiến bách thắng. Một con ruồi bay đến vo vẹ Rồi hai con. Mới đầu hạ, ruồi đã Sinh sôi nảy nở nhanh thế. Mật mứt chà là gọi ruồi đến mỗi lúc một nhiều, bay vo ve quanh mâm mứt, Trương Hán Siêu phải lấy một cái quạt nan phẩy đuổi chúng. Nhưng có vài con cứ sà xuống mâm mứt định đậu vào. Trương Hán Siêu phải đập phạch cái quạt xuống, mấy con ruồi tham ăn mới hoảng sợ bay đi. Nhìn Trương Hán Siêu đuổi ruồi, Trần Quốc Tuấn đột nhiên ngừng nhai, hai mắt ông nhìn sững rồi ông mỉm cười. Ông vứt cái hột chà là xuống đất, lấy chân nhấn nó xuống nữa.
- Nếu mày hợp thủy thổ xứ này thì cứ việc mọc lên, cứ việc khai hoa kết quả.
Ông bảo viên tướng coi lương:
- Phát rượu cho hành trung doanh, phát cho lính thông hiệu viễn thám. Mà nếu còn mứt chà là thì phát cho mỗi người một miếng. Bảo họ rằng ta khao trước chiến thắng giải phóng kinh thành. Và nhớ đuổi ruồi đi.
Ông vui vẻ hẳn lên, hai mắt đột nhiên nheo lại, đuôi mắt rạn chân chim vừa hóm hỉnh vừa hí hước. Trong không khí vui vẻ ấy, ông cùng các tướng hành trung doanh xem xét lại hình thế chiến trường. Trương Hán Siêu, bằng cách nói ngắn, đủ, trình bày: “- Một là tin khẩn cấp từ vùng Lục Đầu báo về là Nguyễn Địa Lô và thổ hào Nguyễn Lĩnh, Nguyễn Thế Lộc đem dân binh áo chàm chặn địch ở cửa rừng Ma Lục. Nguyễn Địa Lô bắn chết Chương Hiến hầu Trần Kiện”. Trương Hán Siêu nói ấp úng:
- ... Bẩm, Nguyễn Địa Lô bắn chết đức... đức ông Trần Kiện.
Trần Quốc Tuấn chau mày, hé miệng định nói rồi lại kìm được. Cách giữ lễ của Trương Hán Siêu làm cho ông ngượng thêm. Trần Kiện là người thân, là máu mủ của hoàng tộc. Nhưng bây giờ nó là tên phản quốc. Ông nén giận, gượng nói:
- Gọi nó là tên đại gian Kiện! “- Hai là tướng giặc Thoát Hoan và A Lý Hải Nha sai lập nhiều ụ lửa, lập nhiều cột đèn lồng, lập nhiều nêu cờ dây. Chúng rõ ràng đang cố dùng các loại thông hiệu này để có thể mau chóng cứu ứng cho nhau.
- Ba là trong trận Chương Dương, quân ta đã diệt được một tên Việt gian lợi hại. Tên này là một tên hướng đạo rất thuộc đường. Nó đã từng làm thủ túc của Trần Ích Tắc và biệt hiệu của nó là đô Trâu”.
- Đô Trâu là thằng nào nhỉ?
Trần Quốc Tuấn biết làm sao được đến một tên vô danh tiểu tốt như đô Trâu dù cho nó đã từng là đô vật nổi tiếng lộ Đà Giang. Dã Tượng phải đỡ lời Trương Hán Siêu nhắc lại chuyện đô Trâu đã vật thi với Yết Kiêu và bị Yết Kiêu đánh bại. ít năm sau, hai người gặp lại nhau ở Thăng Long và đô Trâu gây sự với Yết Kiêu làm nổ ra cuộc đánh lộn làm vỡ chợ Cầu Đông. Nghe nói đến đấy thì Trần Quốc Tuấn nhớ ra hết. Ông cười ngất:
- Té ra oan gia gặp oan gia.
Ông nhận định rất nhanh: các cánh quân địch không ghé tựa được vào nhau và đang khốn đốn cả. Tướng giặc hoang mang nửa muốn chạy, nửa cố ở vì sợ về nước bị trị tội. Ông ra lệnh cho Trương Hán Siêu: “- Thảo sớ dâng Thượng hoàng và Quan gia xin huy động lính cận vệ và dân binh phủ Thiên Trường sẵn sàng chặn đánh tiêu diệt đạo bại binh của Toa Đô.
- Thảo lệnh cho hành doanh của Chiêu Minh vương dùng dân binh đánh úp các ụ lửa, cột nêu, cột đèn lồng, rồi đốt ụ lửa, đốt đèn lồng, kéo các dây cờ lên. Tay chân.
- Gọi đức ông hoàng bảy sang hành trung doanh đem theo hai ngũ lính trạo nhi thật giỏi.
- Chọn một nghìn quân tinh nhuệ chờ lệnh.
- Quân tinh nhuệ bờ bắc sông Thiên Đức mai phục chờ diệt địch.
Đùng lính thông hiệu mang lệnh cho các hành doanh Nguyệt Đức, Nhật Đức, Lục Đầu và vùng Chi Lăng sẵn sàng tiêu diệt giặc khi chúng chạy qua”.
Thế là từ lệnh thảo bay baỵ Thông hiệu, viễn thám, người lên ngựa, kẻ xuống thuyền, mang những ống công văn sơn son tỏa đi các ngả. Các đài cờ được lệnh kéo những cờ hiệu nhiều màu báo lệnh. Hành trung doanh vợi người đi rất nhanh. Các đội quân đóng quanh hành trung doanh cũng phá bếp, nhổ cọc lều kéo đi. Trần Quốc Tuấn trở về lều trận lúc trời đã xế chiều. Vị tướng già thấy ông già chép sử đứng chờ ở cửa lều. Trần Quốc Tuấn vén rèm cửa cho phép Lê Văn Hưu vào trong trướng hổ. Ông chỉ một cái ghế bảo ông già ngồi xuống. Ông cười, bảo ông già chép sử:
- Tiên sinh này, bọn tướng giặc đang bói toán lung tung. Thế là thế nào?
- Bẩm, thế là giặc sợ.
- Sợ thì chúng nó sợ lâu rồi. Đây là chúng nghi hoặc, phải hỏi quỷ thần về chuyện của người đó.
- Bẩm, bây giờ chúng sợ lẫn nhau!
Trần Quốc Tuấn nghiêng mái đầu suy nghĩ. Ừ đúng! Ông già này nói được một điều chắc như cái chốt vì kèo. Bọn tướng giặc, tên nào dám đưa cái lệnh bỏ chạy bây giờ? Ông lại góc lều cầm ngọn giáo vàng lên:
- Này tiên sinh, ngọn giáo này do chính tay vua giặc trao cho nguyên soái giặc. Để làm gì?...
Trần Quốc Tuấn dằn cây giáo xuống án:
- Để san phẳng nước tạ Kẻ địch của chúng ta cuồng vọng thế đấy.
Ông kể cho Lê Văn Hưu nghe một chuyện về vua tôi giặc. Thành Cát Tư Hãn, Đại hãn đầu tiên của Thát Đát, có một chiến tướng đánh đông dẹp bắc trận nào cũng thắng. Gã này tên là Giê Bệ Trước, Giê Bê làm tướng ở một nước khác. Khi Thành Cát Tư Hãn đánh diệt nước này thì bắt được Giê Bệ Giê Bê xin được đấu võ theo luật Thát Đát. Luật này cho phép bại tướng được đấu với một tướng Thát Đát. Đấu tay đôi, nếu thắng thì được tha chết và thành tướng Thát Đát, nếu thua sẽ bị chọc cọc vào hậu môn dựng nêu ngoài bãi pháp trường cho đến chết. Khi được đấu tay đôi, Giê Bê không có khí giới và ngựa.
Thành Cát Tư Hãn đã đưa ngự thương và con ngự mã màu trắng của mình cho Giê Bê đấu. Trận thử sức đó, Giê Bê thắng và y trở thành một tướng kiệt hiệt của Thành Cát Tư Hãn. Gã Đại hãn sai Giê Bê đem quân đánh các nước Ba Tư, Đại Hồi... Sau một năm chinh chiến, Giê Bê diệt hàng loạt nước. Tên lính đánh thuê này tạ Ơn Thành Cát Tư Hãn bằng cách dâng lên Đại hãn một vạn con ngựa trắng và một ngọn giáo đúc bằng vàng nữ trang thu được trên mình hoàng hậu, cung phi các vương triều bị diệt. Ngọn giáo vàng đó sau trở thành vật thiêng truyền quốc của giặc. Hễ tướng nào được sai đi làm cỏ một nước sẽ được vua trao tay ngọn giáo này. Và bây giờ thì nó nằm đây! Ông già chép sử khẽ nhổm trên chiếc ghế ngắm ngọn giáo, ngắm những hàng chữ kỳ dị chạm chìm trên cán giáo, ngắm mớ lông ngù nhuộm đỏ tươi, ngắm lưỡi giáo rộng bản bóng láng. Ông già chép sử mỉm cười. Giáo thiêng nằm đây, tướng giặc chưa dám chuồn về nước được! Nhận xét của ông hồi đêm thế mà đúng. Ông ngập ngừng định hỏi Trần Quốc Tuấn một điều gì đó, nhưng có tiếng giày ở cửa lều trận, tiếng người tướng hộ vệ phiên canh hỏi với người chạy qua:
- Này! Đi đâu mà như ma đuổi ấy?
Tiếng đáp lại vui đùa:
- Đi xem thi bắn ở ngoài bãi kia kìa.
Trần Quốc Tuấn xưa nay rất thích môn bắn cung. Qua mấy tháng chinh chiến, ông càng thích thú tài bắn của binh tướng dưới trướng. Ông đứng phắt dậy bảo Lê Văn Hưu:
- Ta ra xem lính bắn thi.
Ông đi trước. Lê Văn Hưu và những tướng hộ vệ đi theo sau. Những người lính thuộc hành trung doanh đang đứng ở đầu một cái bãi trồng khoai mà reo hò. Trần Quốc Tuấn khéo léo đi vòng phía sau lưng họ để đến bãi. Ông dừng lại trên một gò đất nhô cao có những cây lau bông nở trắng xóa. Từ đây đến chỗ đám đông cách gần chục trượng. Đám lính đang đứng quanh hai người cầm cung. Trần Quốc Tuấn nhận ra một người là Hoàng Đỗ, chú đội trưởng lính viễn thám của mình: còn một người mặc áo lính trạo nhi là người theo hầu Trung Thành vương đêm quạ Đầu bãi đằng kia cắm một cái bia. Ở hồng tâm có đến mươi mũi tên cắm chi chít. Cuộc thi bắn hẳn bất phân thắng bại, nên đám đông bàn tán xôn xao và hai người thì hẳn đang mặc cả điều kiện với nhau. Anh lính trạo nhi bảo:
- Đẩy bia xa ba trượng nữa!
Hoàng Đỗ gạt đi:
- Đâu phải cứ bắn xa là giỏi.
Anh lính trạo nhi vặn:
- Thế thì thế nào mới là bắn giỏi?
Hoàng Đỗ vỗ vào bụng:
- Là biết bắn bằng cái bụng này này.
Hoàng Đỗ chạy về phía bia, rút dao bới luống khoai moi ra một củ khoai chiêm bằng nắm taỵ Chú ta đặt củ khoai lên đầu, đứng thẳng, mặt hướng về phía đám đông. Tiếng chú ta cất lên từ xa:
- Bắn đi... Có dám bắn không?
Đám đông lặng đi. Cái lối bắn bia sống này đòi hỏi thần kinh của bia sống phải cực kỳ cứng cỏi. Trần Quốc Tuấn nhìn thấy Hoa Xuân Hùng ngắm nghía cây cung sơn vạch đỏ vạch đen trong taỵ Anh lính trạo nhi tháo dây cung, thay dây cung mới. Anh ta mở nắp ống tên, chọn một chiếc rồi chậm rãi bước lên mấy bước. Không khí trường bắn trầm lặng, không một tiếng động, không một cử động và có lẽ không có một hơi thở nữa. Chỉ đầu bãi đằng kia tiếng Hoàng Đỗ vẫn nheo nhéo:
- Sao lâu thế? Bắn có một mũi mà lâu thế! Nát cả khoai rồi!
Hoa Xuân Hùng từ từ giương cung. Trần Quốc Tuấn cũng nín thở, ông biết sức cây cung đơn trong tay Hoa Xuân Hùng hơi đuối tầm tên so với khoảng cách giữa anh ta và củ khoai chiêm trên đầu Hoàng Đỗ. Hoa Xuân Hùng khẽ vặn người cho tay phải kéo dây cung được trường hơn. Đó là kiểu bắn Bạt gió, sở trường của cung thủ gia nô vùng Bình Than- Vạn Kiếp. Chỉ thấy một cái gì xẹt đi mơ hồ như ảo giác của một người hoa mắt. Củ khoai tung đi.
Sau một lát lặng ngắt, tiếng reo hò mới nổi lên ầm ĩ. Hoàng Đỗ cười toét miệng, cầm củ khoai có mũi tên cắm xuyên qua đi về phía đám đông. Vì đi ngược lại nên Hoàng Đỗ nhìn thấy Trần Quốc Tuấn. Chú lính viễn thám há mồm, ớ mặt ra. Trần Quốc Tuấn rời gò lau đi về phía đám đông. Binh lính thôi cười, thôi hò reo, muốn chuồn mà chân như chôn xuống đất. Trần Quốc Tuấn cầm lấy cây cung của Hoa Xuân Hùng ngắm nghía. Cây cung làm bằng gỗ dâu chuốt đuôi chuột cực kỳ tinh xảo. Dây cung còn mới tinh bện bằng tóc người rất săn, rất đều. Cán cung, chỗ tay cầm bằng xương thú trắng ngà có chạm chìm bốn chữ: “Nhất tiễn lập công. Ông mỉm cười. Thấy Hưng Đạo vương cười, mọi người thở ra nhẹ nhõm. Không khí tưng bừng lại tiếp diễn. Trần Quốc Tuấn khen:
- Nhà ngươi bắn kiểu bạt gió đúng cách đấy!
Đoạn ông quay hỏi đám đông:
- Các ngươi xét tài bắn của nó thế nào?
Mọi người cùng ồ lên:
- Bẩm Quốc công, tuyệt xảo ạ! Một mũi tên bắn là một lần lập công.
Hưng Đạo vương bước lại trước mặt Hoàng Đỗ hỏi vặn:
- Còn ý nhà ngươi thế nào?
Anh lính viễn thám cúi đầu thưa:
- Bẩm Quốc công, bắn đến thế thì có một không hai.
Hưng Đạo vương ngoảnh lại hỏi Hoa Xuân Hùng:
- Thế còn nhà ngươi?
Anh lính trạo nhi cúi đầu ngẫm nghĩ một lát rồi mới đáp:
- Bẩm Quốc công con xin hòa.
Hưng Đạo vương cười ngất, đưa trả cung cho Hoa Xuân Hùng. Ông không nói gì thêm cả, ông không muốn nói gì thêm để khen ngợi tình đồng ngũ và cái tài thiện chiến của binh lính thân yêu dưới trướng ông. Ông chỉ hỏi Hoa Xuân Hùng một câu:
- Ai dạy ngươi phép bắn bạt gió?
Hoa Xuân Hùng cúi đầu xuống, đôi mắt tối lại. Một lát sau, anh ta mới ngẩng đầu lên:
- Bẩm Quốc công, thầy của con mới chết cách đây vài hôm.
Trần Quốc Tuấn chau mày. Thế thì ông hiểu rồi. Đây là một anh lính trạo nhi trong đội lính đánh trên sông của Yết Kiêu. Ông thầy dạy võ trong đội quân này là cụ Uẩn. Trần Quốc Tuấn ngoảnh lại bảo binh lính:
- Hãy khắc vào dạ cho cứng tay cung tay giáo! Thôi, ai về việc nấy! Mà về sau, thi bắn cấm bắn bia sống!
Binh lính tản đi...
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Bình luận truyện