[Việt Nam] Trăng Nước Chương Dương

Chương 5 : 5 (4)

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 14:08 23-09-2018

.
Đến chiều, Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản dẫn quân sang sông để tiến về sông Như Nguyệt. Ngoài sáu trăm thiếu niên hào kiệt, đội quân của hầu tước Hoài Văn còn tăng thêm mấy nghìn dân binh kinh thành. Những người dân binh các phường phố qua mấy tháng chiến đấu đã mau chóng trở nên những người lính thiện chiến, dày dạn, nhưng từ cách nai nịt, cách cầm binh khí người ta vẫn nhận ra một chút gì đó của kinh thành duyên dáng. Đội quân vừa đi vừa hát. Sau đoàn quân, lính coi ngựa dắt theo mấy chục con chiến mã Thát Đát. Đội quân mang cờ đề sáu chữ vừa khuất sau lđá tre làng Xuân Đình thì tướng quân Phạm Ngũ Lão dẫn quân Thánh dực trẩy quạ Đội quân này nổi tiếng vũ dũng thiện chiến. Phạm Ngũ Lão và các tì tướng hiên ngang trên lưng những con ngựa chiến lực lưỡng. Giàn trống đồng, chiêng đồng của quân Thánh dực giữ nhịp đi cho toàn đội. Những lá cờ đại, những lá phướn mang hiệu từng vệ bay phấp phới. Thỉnh thoảng lính thông hiệu phi ngựa ngược xuôi, miệng quát lớn: - Tránh ra, tránh ra cho ngựa quan trẩy. Những đội dân binh lộ Khoái và lộ Quốc Oai cũng ra sông qua đò Chương Dương. Hai làng Xuân Đình, Chương Dương được lệnh phải làm việc quân ở bến đò, lúc nào cũng có thuyền đậu ở hai bên bờ sông, thuyền to để chuyên chở quân và lương thảo, thuyền nhỏ dành cho lính thông hiệu, lính hỏa bài. Dân binh tiến về vùng giáp kinh thành để rút bớt quân tinh nhuệ mặt trận này đem lên mai phục ở các triền sông vùng đông bắc. Trong lúc đó cả một vùng rộng lớn ven kinh thành, hiệu cờ, hiệu khói đôi bên cùng báo những tin tức cấp bách, nhưng hiệu của giặc khá rối loạn chứng tỏ các đơn vị của ta đã làm chủ được chiến trường. Sẩm tối, Chiêu Minh vương sang sông. Bên trại Chương Dương, đoàn chu sư của đức ông hoàng ba đã cắm cờ và nêu hiệu ở đầu thuyền, sẵn sàng nhổ neo. Chiêu Minh vương dẫn sang Màn Trò cả tì tướng, thư nhi trong hành doanh của ông, chứng tỏ đạo quân lớn ấy cũng sắp lên đường. Hành trung doanh của Trần Quốc Tuấn được lệnh cuốn cờ, nhổ lều trại. Quân sĩ chia nhau, người thu dọn lều cọc, lương thực, xếp lên lưng những con ngựa thồ, người làm cơm đêm và nắm cơm cho hai bữa nữa. Chiêu Minh vương cưỡi trên lưng một con ngựa ô lĩnh cực đẹp, vó trước bên phải có một vệt lông trắng nõn làm cho nó có vẻ nghịch ngợm lúc phi nước kiệu nhỏ. Trần Quốc Tuấn đón Chiêu Minh vương ở cửa trại. Ông cũng sai đem ngựa đến. Con ngựa tía mật của đức ông Tiết chế hí vang lên. Hai đức ông tế ngựa ra ven sông, sau lưng là một đoàn tùy tùng đông đảo. Màu chiến bào tía của hai đức ông, màu áo chiến các vệ, các đô, màu thắt lưng, khăn võ của các tướng dưới ánh lửa của hàng trăm bó đuốc càng rực rỡ. Tiếng loa thét lệnh, tiếng trống đồng, tiếng tù và, tiếng pháo hiệu của rất nhiều đội quân đóng chung quanh làm huyên náo cả cảnh sông đêm vốn dĩ êm tĩnh. Chiêu Minh vương nói với Trần Quốc Tuấn: - Bên chỗ đệ tưởng đánh dứ mà hóa đánh thật! Tiếng nói của Chiêu Minh vương bị bạt gió nên Trần Quốc Tuấn nghe không rõ. Ông rướn người trên lưng ngựa hỏi to: - Vương đệ bảo cái gì thật? - À!... Có nhiều trận đánh dứ để quấy rối giặc, nhưng mà chúng nó chống cự yếu ớt quá thành ra quân ta ùa vào diệt đồn luôn. Chúng nó hết kiếp rồi! Hai đức ông cười ha hả. Bên kia sông, lửa đuốc kéo giăng giăng thành nhiều đường trên cánh đồng rộng lớn. Trần Quốc Tuấn hỏi: - Quân nào trẩy bên kia thế? - Không phải quân. Dân đấy. Dân mé nam kinh thành trở về làng. - Vừa đúng lúc gặt chiêm sớm. Lúa năm nay thế mà được mùa tọ Đi đến đâu cũng thấy cánh đồng tốt bời bời... Trần Quốc Tuấn thấy lòng sung sướng, thơ thới. Binh đao xảy ra trên đất Việt nhưng trăm họ nước Việt càng tỏ rõ sức sống mãnh liệt của mình. Công lao giữ nước, công lao làm đẹp làm giàu cho đất nước là do ý chí và bàn tay của triệu triệu người Việt vun góp vào. Hai bên bờ những dòng sông Việt lừng lẫy chiến công, những người dân Việt lại sẵn sàng vào một mùa lúa mới khi lửa binh đao đang tắt dần dần. Đêm hè, gió thổi lộng lên... Hai đức ông và đoàn tùy tùng ra đến bờ sông Thiên Mạc lúc đầu canh hai. Hiệu lửa từ hành doanh Kiêu Kỵ báo tin về: đức ông hoàng bảy đã đem quân lén qua sông Cơ Xá từ lúc chẽng vẽng tối! Trần Quốc Tuấn bảo Trần Quang Khải: - Ta chờ hiệu lửa báo tin Giang Khẩu rồi lên đường là vừa. Chắc khoảng cuối canh một, trận đánh bắt đầu. Nếu đánh nhanh thì bây giờ đã xong từ lâu rồi. Hai đức ông lên trên một gò đất cao nhìn về phía Thăng Long, nhưng mấy đêm rày nhiều đám cháy bốc lên đó đây, chẳng thể nào phân biệt được cháy ở đâu và cháy cái gì. Chiêu Minh vương nhìn trời vần vụ mây, nói: - Gió đông - Đông bắc, trời không trở lạnh lắm đâu. - Nhưng lúc rút ra bằng đường sông thì cũng cần áo ấm lắm đấy. Không khí chờ đợi thật khắc khoải. Ngay những con ngựa chiến hình như cũng hiểu lòng chủ, chúng gõ móng bồn chồn, thỉnh thoảng lại hí khẽ trong họng. Trần Quốc Tuấn đăm đăm nhìn bóng đêm mỗi lúc mỗi nhạt dần. Trăng đã lên! Đêm nay mười sáu trăng treo, mọc muộn. Trời nhiều mây nên ánh sáng lúc tỏ, lúc mờ. Trần Quốc Tuấn nhớ lại đêm đầu tiên ông trở lại đất này. Mới hai đêm mà sao ông tưởng như lâu lắm rồi. Hai đêm qua đi nhưng vòm trời Thiên Mạc vần vụ mây mù đã đem lại cho ông nhiều thay đổi. Những gì đã xảy ra trên mảnh đất kỳ diệu này sẽ được ghi vào quốc sử? Trận Thiên Mạc của Trần Bình Trọng; trận Hàm Tử của Trần Nhật Duật; trận Chương Dương của Trần Quang Khải. Trăng nước, cỏ cây chứng kiến những chiến công kỳ diệu ấy. Đấy là những chiến công sẽ được chép trang trọng trên những trang sử vàng chói lọi. Nhưng còn biết bao nhiêu trận đánh mà sử sách sẽ không chép tới: những trận đánh úp kho lương kho cỏ, những trận đánh chiếm nêu cờ nêu đèn, những trận đánh bọn thám mã giặc vướng đường, phải kể hàng trăm hàng ngàn trận đánh như vậy đã diễn ra, đã không chép vào chính sử! Ngay cả trận Giang Khẩu nữa, có thể ông già chép sử kia cũng không dành được một dòng nào để chép cho một câu trang trọng. Cả một võ công đánh Tống bình Chiêm lẫy lừng của bậc tướng tiền bối Lý Thường Kiệt trước đây hơn một trăm năm, cũng chỉ được nửa trang trong quốc sử. Chính Trần Quốc Tuấn đã đọc đi đọc lại nửa trang sử ấy. Nhưng đêm nay, ông mới hiểu thấu đáo rằng dù cho có đem tất cả vàng của đất nước đúc lại cũng chưa xứng với nửa trang sử đó. Cảm ơn các bậc tiền liệt, tất cả các bậc tiền liệt. Các Người đã đem thân mình đền đáp non sông, xây dựng non sông. Tên tuổi các Người dù được ghi trang trọng hay không chép vào quốc sử thì nhân dân đất Việt vẫn đời đời nhớ ơn. Nhân danh cá nhân ông, nhân danh những người còn sống và sẽ Sinh thành trên đất Việt, Trần Quốc Tuấn thành kính tưởng nhớ và ghi sâu công ơn của các tiên liệt. Giữa canh ba, hiệu nêu Kiêu Kỵ báo tin chiến thắng Giang Khẩu, nhưng cùng lúc đó đoàn thúng cóc từ Thăng Long thuận dòng xuôi về Thiên Mạc cũng cập bến. Từ bến thuyền, Trung Thành vương đi như chạy lên phía Trần Quốc Tuấn và Trần Quang Khải. Đến nơi, Trung Thành vương hất chiếc áo khoác lông cáo tuyết xuống đất, chống kiếm quỳ một gối ra mắt hai vị tướng văn tướng võ của nước Việt. - Kính lạy hai đức ông! Nhờ phúc ấm của tổ tông, của hoàng triều, đồn Giang Khẩu đã ra tro, đoàn thuyền giặc đậu trên sông Tô Lịch đã ra tro, tướng giặc Mã Vinh đã bị bắn chết. Binh tướng tùy tùng đứng chung quanh giơ cả binh khí lên cao, hét lên sung sướng: - Đức ông hoàng bảy muôn tuổi! Đức ông hoàng bảy muôn tuổi! - Đức ông lưu thủ kinh thành muôn tuổi! Muôn tuổi! Trần Quốc Tuấn nâng Trung Thành vương dậy. Hai mắt đức ông hoàng bảy sáng quắc lên dưới lửa đuốc. Trần Quốc Tuấn gỡ chiếc bài vàng chạm rồng đeo ở cổ mình, choàng lên ngực Trung Thành vương. Ông nói: - Tướng quân hễ xuất trận là lập công. Thật không hổ trai họ Đông A! Trần Quốc Tuấn ngoảnh nhìn Trần Quang Khải. Mọi dự đoán đã thành rồi! Đến lúc phải chia tay! Trần Quốc Tuấn cầm lấy tay Thượng tướng quân. Ông nhủ: - Trừ hại cho trăm họ xong thì đến lúc làm lợi cho trăm họ! Ta đã thảo sớ dâng Quan gia. Em sẽ đem đại binh xuôi về đón Ngự giá tiến quân diệt Toa Độ Mặt Thăng Long sẽ giao cho em hoàng bảy. Trần Quang Khải cố hỏi: - Như vậy vương huynh không có mặt để phò giá đem quân chiến thắng về kinh thành chăng? - Đúng vậy! Thăng Long sẽ giải phóng sớm. Bây giờ ta tiến quân đánh A Lỗ, rồi qua sông mai phục ở Lục Đầu. Giặc có thể lại sang, nên ngay lần này phải đánh cho tan niềm tin vô địch của chúng. Nghe Trần Quốc Tuấn nói sẽ đích thân chỉ huy trận A Lỗ, Trần Quang Khải đăm đăm nhìn bậc đàn anh ân, uy, trí, dũng. Ông rất hiểu Quốc công Tiết chế; ngoài các đức tính ân, uy, trí, dũng ra, Trần Quốc Tuấn còn là một vị tướng có lòng nhân đạo vô tận. Quốc công thân đánh A Lỗ đâu phải vì trận này khó đánh mà chính để tạ lòng các bậc tiên liệt, nhất là những người vô danh đã trận vong. Trần Quốc Tuấn bảo Lê Văn Hưu: - Tiên Sinh đi theo đức ông Chiêu Minh vương. Lễ ban sư hồi trào sẽ cực kỳ long trọng, cần đến sử bút của tiên sinh để lưu lại muôn đời. Ông liếc nhìn Trần Quang Khải: - Có thể lúc đó đức ông Chiêu Minh nổi hứng sẽ làm được một vần thơ tuyệt diệu. Bài thơ tráng khí võ công ấy chép vào chính sử càng rực rỡ phải không tiên sinh? Trần Quang Khải, Trung Thành vương lạy từ Trần Quốc Tuấn để đem quân lên đường. Đội thúng cóc hai mươi chiếc theo đức ông hoàng bảy nay còn mười một chiếc. Hoa Xuân Hùng, tay phải quấn vải buộc chéo lên cổ, cầm cung ở tay trái, đứng tần ngần nhìn Hoàng Đỗ. Trần Quốc Tuấn liếc thấy. Ông cười hóm hỉnh: - Lại đây! Cung thủ nhất tiễn lập công! Ông cho phép Hoa Xuân Hùng về đoàn tùy tùng của hành trung doanh chỉ huy những người lính trạo nhi mới họp thành đô để tiện di chuyển trong vùng nhiều sông đầm. Ông nghĩ thầm Hoa Xuân Hùng đã đánh một trận không chép trong chính sử thì sẽ cho chú ta vinh dự - cùng với ông- lập một võ công cũng không chép trong chính sử. Thiên Mạc- Hàm Tử - Chương Dương chợt ngời lên dưới ánh trăng. Mây trôi. Trăng sáng. Nước Thiên Mạc đều đều xuôi về biển Đông. Trần Quốc Tuấn thấy mình được nâng cao lên, có nhiều thay đổi trong tâm hồn. Nhờ ơn tổ tông, nhờ sự dạy dỗ của những người đã khuất, ông hiểu biết sâu xa hơn về chiến tranh giữ nước, hiểu biết sâu xa hơn về sức chứa đựng của mỗi chữ trong sử xanh. Trần Quốc Tuấn ra lệnh xuất quân. Hành trung doanh tiến về phía A Lỗ. __ Thăng Long năm Hổ
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
 
Trở lên đầu trang