[Việt Nam] Trăng Nước Chương Dương

Chương 1 : 1 (2)

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 14:05 23-09-2018

.
Người dẫn đường trong đội quân viễn thám của Trần Quốc Tuấn là chú bé nô tì Hoàng Đỗ, chú bé chăn ngựa trong đạo quân của Trần Bình Trọng. Bây giờ thì chú không còn là nô tì nữa. Chú được nhiều ông tướng quý mến sau khi chú mang trọn vẹn một bản mật lệnh tối quan trọng của Trần Quốc Tuấn gửi tới tay Chiêu Minh vương Trần Quang Khải khi ấy đóng ở mặt nam. Gần đây, chú là người dẫn đường cho Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật và Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản đi qua bãi lầy Màn Trò để đánh trận Hàm Tử lừng lẫy. Chiêu Văn vương muốn giữ rịt chú trong đạo quân riêng của mình mà cuối cùng phải nhả chú ta ra khi hành doanh cho tùy tướng cầm một thẻ phù Hưng Đạo xuống. Hành doanh truyền lệnh tiểu tướng quân Hoàng Đỗ phải có mặt nội trong hai trống canh để đưa Chiêu Minh vương Trần Quang Khải đến quân doanh chỉ huy trận đánh tiêu diệt đoàn chiến thuyền giặc ở bến Chương Dương. Hoài Văn hầu còn mê chú ta hơn nữa. Hoài Văn đã cầm tay cậu bé dẫn đi thăm trại quân cắm đầy lều trận màu đỏ của sáu trăm gã thiếu niên hào kiệt rất trẻ, rất nhộn nhạo, rồi thủ thỉ với cậu bé một buổi sương chiều buông nhanh trên đầm lầy: - Này hiền đệ! (Hoài Văn ít khi kiểu cách thế.) Hay là hiền đệ về đây làm phó tướng cho ta nhá. Nhưng cậu bé mủm mỉm cười nhìn thẳng vào đáy mắt hầu tước trẻ tuổi. Chả lẽ có bao nhiêu thiếu niên anh kiệt đất Việt đều ở cả trong đội quân kéo lá cờ đề sáu chữ này. Mà từ chối Trần Quốc Toản thì không nỡ, Hoàng Đỗ tặng Trần Quốc Toản sáu gang gấm Chiêm Thành làm thắt lưng đeo kiếm cho duyên dáng và nói: - Thưa hầu gia, được về cùng một đội quân với hầu gia hẳn tôi sung sướng lắm, nhưng còn mệnh lệnh quân ngũ thì sao? Mà lính viễn thám chúng tôi xưa nay lại chưa hề sai lệnh. Bây giờ Hoàng Đỗ về hành doanh của Trần Quốc Tuấn làm người dẫn đường và là tì tướng chỉ huy đô viễn thám tùy tùng của Quốc công Tiết chế. Đêm nay, cậu ta được lệnh ra đón người của quân doanh Chương Dương mang về bản khai công. Khi đã được lệnh đốt lửa trên bãi sa bồi, Hoàng Đỗ thấy nhói lòng trước cảnh sông bãi quen thuộc. Cậu bé bồi hồi đi rất chậm về phía bóng tối của bãi sông. Ngày tháng trôi đi sao nhanh thế. Mới đó mà đã gần ba tháng rồi. Nhớ lại cái buổi sáng mùa xuân ấy, Hoàng Đỗ được gặp lại cha mình sau mấy năm ròng cậu bị đem bán làm nô tì. Cuộc gặp gỡ trong hai ngày sôi động ngắn ngủi như một giấc mợ Một trận đánh đã diễn ra trên bãi sông này. Cha cậu, ông già Màn Trò, đã chết ở đây trong trận đánh mà Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng cũng đã đem tính mạng của mình đền nợ nước và tạ lại ơn vua tri ngộ. Hoàng Đỗ đứng im lặng trên bãi sông, hai tay tỳ trên chiếc khiên mây dựng thẳng. Chỉ chưa đầy ba tháng, Hoàng Đỗ đã đường bệ làm sao trong bộ áo chiến quân viễn thám. Cổ cậu đeo chuỗi răng cá sấu chín mươi chín chiếc, chiếc thứ một trăm không phải một chiếc răng, lại là một chiếc khóa bạc nhỏ xíu thường đeo ở cổ chân trẻ con để lấy khước mà Trần Quốc Tuấn đã giao cho cậu. Đây là chuỗi răng ông già họ Hoàng đã tặng Trần Bình Trọng. Bảo Nghĩa vương cho cậu khi trả lại danh vị người tự do cho cậu và nhận cậu là em nuôi, trước khi ông và ông già Màn Trò bước vào trận đánh quyết tử và cùng oanh liệt tử tiết trên bãi sông này. Hoàng Đỗ thầm thì như muốn nhờ gió trời kỳ diệu đưa những lời khấn khứa tới người cha thân yêu ở tận đâu đó trong thế giới bên kia: - Cha ơi! Hãy về nghe con nói! Đêm nay, quân ta đốt thuyền chúng nó bên Chương Dương kia kìa. Chúng nó đốt làng Xuân Đình, chúng nó đốt làng ta, đốt bao nhiêu là làng mạc khác. Chúng nó... chúng nó đốt cả cây cối, bây giờ thì quân ta đốt lại chúng nó... Bên kia sông, lửa thù đốt thủy trại Chương Dương lại bùng lên, chắc là lửa bén vào kho sơn hay kho thuốc pháo hiệu chi đó. Lửa bùng lên, nhưng mãi tiếng nổ bụp mới chuyền đến bên này sông. ánh mắt Hoàng Đỗ long lanh ánh lửa. Mây trời đêm nay thấp, vần vụ màu bồ quân. Hoàng Đỗ đằm trong những cảm xúc trái ngược. Cậu hả dạ vì những trận thắng lớn vừa diễn ra; cậu bâng khuâng vì những kỉ niệm xưa trở về, bảng lảng ở quanh mình; cậu lại háo hức vì cuộc chiến đấu trước mắt sẽ đầy bất ngờ. Hoàng Đỗ chậm rãi đi sát xuống lới nước. Bước chân cậu in dấu hài cỏ lên mặt cát phù sa ẩm. Trên bãi sa bồi rộng mênh mang này, Trần Bình Trọng và ông già Màn Trò đã bày thế trận tử chiến ở chỗ nào? Những người lính Thánh dực, bạn của Đỗ, đã lập chiến lđá bằng khiên mây theo hướng nào? Những ai đã nằm xuống ở chỗ này?... Hoàng Đỗ như thấy những người thân thiết xưa ở quanh quất đâu đây, họ muốn nhắn gì với cậu. Có lúc, Đỗ nghe tiếng họ cười nói bên tai khiến cậu phải ngoảnh đầu nhìn... nhưng không phải, đó chỉ là tiếng gió, tiếng nước chảy... Sông đêm thăm thẳm, đất lở ì ùm đâu đây... Hoàng Đỗ cảm thấy bên mình như có Trần Bình Trọng, có cha cậu, có những người lính Thánh dực, bạn cậu. Những người ấy cùng với Hoàng Đỗ, nhẹ nhàng, im lặng, nhanh nhẹn bày trận, đánh trận đánh kỳ diệu bên bờ Thiên Mạc, trận đánh mà quân đôi bên tham chiến chưa đầy ba nghìn người, nhưng mai sau những bậc tướng kỳ tài sẽ mãi mãi ngẫm ngợi về giá trị của nó. Đột nhiên như một người mê ngủ lúc tỉnh lại tỉnh rất nhanh nếu có cái gì quật mạnh vào lý trí, Hoàng Đỗ nhận ra trên sông đêm có mấy đốm lửa đuốc. Hoàng Đỗ nhìn chăm chú. Đó là lửa của những bó đuốc thuyền ai đang từ bên kia sông sang ngang. Một thuyền, hai thuyền... ba thuyền. Những con thuyền dần dần rõ hình. Bóng người ngồi thuyền cũng rõ dần, rồi một giọng hát thật khỏe, thật trẻ vời vợi cất lên: Bồng ới ơ... Ơ chở lửa Chương Dương Lửa lồng bóng nước ơ... Ơ... nước lồng bóng trăng Bồng ới ơ... Ơ... tôi treo ngọn giáo vàng Chở ông hoàng bảy sang ngang bến này ơ... Ờ... Ờ... Chà, cái anh nào hát hay thế! Hoàng Đỗ giơ hai tay làm loa miệng gọi to: - A... Ô... Ô... Thuyền ai đấy?... Ô... Đó là cách gọi hỏi của quân ta trên các triền sông Bạch Đằng, Thiên Đức, Thiên Mạc... Từ thuyền xa, tiếng người vừa hát đáp lại: - A... Ô... Thuyền ông hoàng bảy đây! À, thuyền của Trung Thành vương, ông hoàng chỉ huy vùng ven thành Thăng Long. Hoàng Đỗ gọi to: - Cặp bến này! Mấy con thuyền thuận dòng xuôi rất nhanh vào bến. Khi gần tới bến, một người từ mũi chiếc thuyền đi đầu chống sào ghìm con thuyền gằm mũi đứng sững lại như một kỵ sĩ tài giỏi ghìm ngựa vậy. Cách cắm sào ấy làm cho Hoàng Đỗ phải khen thầm. Cậu tò mò ngắm người trên thuyền. Nom cách ăn mặc, Hoàng Đỗ hiểu những người trên thuyền có người là dân binh, có người là lính trạo nhi, đi hầu một vị tướng mặc áo chiến may bằng vóc tía. Hoàng Đỗ chắp tay vái: - Bẩm đức ông, Quốc công chờ đức ông đã lâu. - Ta biết, ta biết. Lệnh đến, ta sang ngay nhưng quãng sông này rộng quá. Quốc công đang ở kia phải không? Vị tướng chỉ về phía những đống lửa đốt trên bờ sông Thiên Mạc rồi ngoảnh bảo tả hữu: - Bắn lửa hiệu báo về Chương Dương là ta đã sang sông rồi. Nói xong, vị tướng dẫn những người dưới quyền đi về phía lửa trại. Còn một người ở lại. Hoàng Đỗ tò mò ngắm anh ta dưới ánh lửa bó đuốc được cắm xuống bãi cát. Cũng là một cậu bé, trạc mười sáu tuổi, vạm vỡ, lùn, nét mặt nghịch ngợm, bướng bỉnh ở cái trán dô, cái mũi hếch, cái miệng rộng có những chiếc răng to khỏe, trắng bong. Cậu ta mặc bộ áo chiến lính trạo nhi, tay áo xắn đến khuỷu, ống quần bện lên khỏi gối, vai đeo một cánh cung sơn vạch đỏ vạch đen, ngang sườn giắt một lưỡi dao găm dài và một cái... dùi sắt. à, té ra đây là một anh lính trong đội trạo nhi chuyên ngụp lặn đục trộm thuyền giặc, đánh chìm không biết bao nhiêu chiếc rồi. Té ra một anh lính của Yết Kiêu là thế này đây! Chú lính trạo nhi lấy một chiếc tên trong bao. Đầu chiếc tên quấn giẻ tẩm nhựa. Chú ta châm đầu tên vào bó đuốc và hạ cung nạp tên... Vệt tên lửa xẹt lên trời như một vệt tinh cầu màu đỏ nhạt. Từ bên trời Chương Dương, một vệt lửa khác cũng kẻ một đường trên nền mây bồ quân. Anh lính trạo nhi khoác cung vào vai, ngoảnh bảo Hoàng Đỗ: - Chào chú bé! Đưa anh đến ông tướng coi quan trung doanh. Hừ, cái anh chàng hỗn xược tệ. Hoàng Đỗ cười thầm và cũng hơi bực. Hoàng Đỗ dẫn anh lính trạo nhi đi về phía lửa trại. Đỗ liếc nhìn anh ta và hỏi: - Tên là gì? - Là Hùng. Là Hoa Xuân Hùng. Anh ta cũng nhìn lại Đỗ và ghẹo: - Biên vào gấu áo ấy. - Biên thế để làm gì? - Để mà nhớ. Hễ sau này có gặp thì tránh đi. Anh ta cười. Cái anh Hùng này không hỗn đâu, chỉ nghịch thôi, nghịch lắm thì phải. Hoa Xuân Hùng hất hàm hỏi Hoàng Đỗ: - Vào lính viễn thám lâu chưa? - Ba tháng. - Đạo quân nào? - Ởhành trung doanh. Thế là đến lượt Hoa Xuân Hùng ngợp. Lính viễn thám hành trung doanh nổi tiếng như cồn. Họ có một ông đội trưởng em nuôi Bảo Nghĩa vương, đã từng sóng ngựa với Quốc công Hưng Đạo vương, với Thượng tướng quân Chiêu Minh vương Trần Quang Khải, đã từng đứng trên cùng một mũi thuyền với Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật trong trận Hàm Tử và chao ôi, kỳ quái biết bao nhiêu, đã từ chối khéo không nhận làm phó tướng của hầu tước Hoài Văn. Hoa Xuân Hùng tò mò ngắm chú lính viễn thám quắt nhỏ, rắn như cái đinh. Hùng nhìn thấy chuỗi răng cá sấu trên cổ anh lính viễn thám... Hùng dừng lại, giơ tay gỡ chiếc răng sấu giơ xem. Hoàng Đỗ cười, hai mắt nheo lại: - Răng cá sấu đấy. Chỉ là răng cá sấu thôi. Hoa Xuân Hùng lại nhìn Hoàng Đỗ. Chẳng có lẽ thế. Nhưng mà vào lính viễn thám đã ba tháng rồi. Thứ lính này mới được đặt ra cũng mới ba tháng thôi chứ bao nhiêu. - Làm lính dùi thuyền lâu chưa?- Hoàng Đỗ hỏi - Mới. Cũng ba tháng. Hoàng Đỗ nắn bắp tay anh lính trạo nhị Khá thật! Hoàng Đỗ dẫn anh ta đến trước Dã Tượng. Anh ta nộp bản khai công của hành doanh Chương Dương. Sau đó, anh ta kể cho Dã Tượng nghe trận đánh thủy trại giặc, chiến công của đội đục thuyền Yết Kiêu... * * * Bằng một giọng trầm buồn, Trần Quốc Tuấn đã kể xong đêm tuẫn tiết của Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng cho Lê Văn Hưu nghe. Đôi mắt mệt mỏi của ông già chép sử đăm đăm ngắm màu lửa than trong ổ lửa quây bằng cả mấy súc gỗ lớn. Trần Quốc Tuấn nói: - Thiên Mạc là một trận ta mất một vị tướng tài giỏi, trung dũng, mất một đội quân thiện chiến, nhưng xét về toàn cục, đó là một chiến thắng cực lớn. Trần Quốc Tuấn đứng dậy, nhìn cảnh đêm thăm thẳm bốn bề. Ông nói chậm rãi: - Không có Thiên Mạc, sao có được Hàm Tử, Chương Dương. Trong một cuộc binh đao, các trận đánh dù to dù nhỏ đều có cân lượng của chúng. Những trận đánh ấy kết liền nhau, những cái này là mầm của những cái kia, những cái sau là hoa là quả của những cái trước. Trần Quốc Tuấn giơ miếng hộ tâm phiến lên ngắm kỹ một lần nữa. Trên mảnh đồng thau dày nặng ấy có những vệt xước rất sâu không phải là vân chạm chìm trên đó. Những vết gì vậy? Vết đinh trên khiên giặc xiết vào? Vết tên? Vết kiếm?... - Bẩm Quốc công, tướng quân Bảo Nghĩa được phong vương chính hôm người tử tiết? - Phải. Trần Quốc Tuấn nghiêm nghị nhìn chăm chú gương mặt trang trọng của Lê Văn Hưu. Đằng sau vầng trán đầy những nếp nhăn kia, những ý nghĩ gì đang kết tinh lại? Trần Quốc Tuấn hỏi khẽ: - Tiên Sinh xét trận Thiên Mạc thế nào? Lê Văn Hưu im lặng thêm một lúc nữa trước khi đáp lại: - Bẩm Quốc công, tôi chưa dám định giá từng trận.- Ông già trầm ngâm giờ lâu rồi tiếp: - Có lẽ phải qua mươi năm nữa. Còn bây giờ, trước hết là chép đúng sự việc đã xảy ra. Có lẽ phải chép đến một dòng. Trần Quốc Tuấn nghiêng mái đầu. Ông với tay cầm một thanh đóm cháy châm mồi thuốc lào. Chiếc điếu cày bằng trúc kêu rít lên vui vẻ. Trần Quốc Tuấn phà khói, mắt lim dim, rồi thình lình ông sững người quắc cặp mắt sáng, nhìn chằm chằm ông già chép sử: - Một dòng... một dòng à? Quả là Trần Quốc Tuấn sửng sốt, nhưng Lê Văn Hưu lại nghĩ rằng vị tướng già không hài lòng. Ông già chép sử điềm đạm: - Bẩm vâng. Gương tử tiết ấy phải chép đến một dòng. Có lẽ mấy cành củi chụm bếp có cành là gỗ xoan đào nên cứ nổ lách tách. Tàn lửa bắn lên, có cánh rơi vào vạt áo của ông già chép sử. Nhưng ỷ vải áo dày nhuộm vỏ dà, Lê Văn Hưu vẫn ngồi yên lặng, Trần Quốc Tuấn ngắm dáng ngồi chững chạc của Lê Văn Hưu và ông thấu hiểu sức chứa đựng của mỗi chữ ghi trong quốc sử. Chính vào lúc đó, Lê Văn Hưu, bằng lối kể rất ngắn gọn, thuật lại những điều mà chính ông đã hỏi được và đã ghi lại về trận đánh trên bãi sông Thiên Mạc: - Bẩm Quốc công, tôi được biết trận đánh trên đất này có một nghĩa sĩ tử tiết không phải là người trong quân ngũ mà là một lão nông bản thổ. Trần Quốc Tuấn bằng lòng về cách làm việc tỉ mỉ của Lê Văn Hưu, nhưng ông không khen ra lời. Ông không quen và không thích khen như vậy, ông chỉ im lặng và cũng điềm đạm chờ xem ông già chép sử nói gì thêm nữa. Cũng đã lâu lắm rồi, mặc dù Lê Văn Hưu luôn luôn có mặt ở hành trung doanh, nhưng vì Trần Quốc Tuấn bận rất nhiều việc, nên bữa nay Lê Văn Hưu mới được Quốc công cho ngồi hầu chuyện tay đôi. Tuy vậy, Lê Văn Hưu vẫn không vội vã. Ông già chép sử trầm lặng suy nghĩ. Ông nghĩ... và cặp mắt già nua thâm thúy lim dim. - Bẩm Quốc công, gương tử tiết của lão nông bản địa này có nên chép lại không? Trần Quốc Tuấn lưỡng lự. Ông muốn trả lời rằng chép vào sử hay không chép vào sử một sự kiện gì đó là công việc của nhà chép sử. Nhưng một khi... Không nên phụ lòng kỳ vọng của người khác. - Phải chép! Hai người cùng ngồi im lặng và đằm vào mối suy nghĩ sâu đọng riêng...
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
 
Trở lên đầu trang