[Dịch] Ngược Về Thời Minh (Hồi Đáo Minh Triều Đương Vương Gia)

Chương 53 : Cẩm Y đề đốc

Người đăng: 

- Mã ngoạ tào (1)! Ha ha ha, Dương tướng công, cậu lại thua rồi. Lưu Cẩn vỗ tay cười lớn ra vẻ cực kỳ đắc ý. Dọc đường nhàn rỗi, Lưu Cẩn thường xuyên mời Dương Lăng lên xe lão chơi cờ giết thời gian. Kỳ nghệ của lão không quá cao minh, nhưng khi phát hiện kỳ nghệ của Dương Lăng còn tệ hơn mình, lão lại bỗng trở thành kẻ mê cờ, hằng ngày lấy sự chà đạp Dương Lăng làm niềm vui. Dương Lăng hừm một tiếng, đáp: - Ván này không tính. Tôi ăn quân của ông, ông bèn chơi xấu hoãn lại một nước, bằng không chỉ còn một pháo một mã, bất kể thế nào cũng không phải là đối thủ của tôi. Không được, không được, chơi lại! Lưu Cẩn vội chặn tay y, đắc ý cười nói: - Phong độ, phải có phong độ chứ Dương tướng công! Hà hà, hôm nay bốn ván ta đã thắng ba rồi. Vị gian thần lộng quyền tương lai này khi chưa đắc thế lại giống hệt như một người bình thường, không ngừng gật gù đắc chí. Ở chung với lão lâu ngày, Dương Lăng đã vứt bỏ sự kiêng kỵ vốn có, hai người xem nhau như bạn chí thân. Lưu Cẩn vừa nói vừa vén rèm xe nhìn ra ngoài, đoạn vui vẻ bảo: - Đến rồi, sắp vào đến thành rồi! Dương Lăng nghe vậy cũng ló đầu ra ngoài quan sát. Dưới ánh hoàng hôn chập choạng, cổng thành trang nghiêm to lớn ở phía trước đã đập ngay vào mắt. Dương Lăng vén rèm trước bước ra ngoài, đứng trên càng xe quan sát. Có mười sáu tay thị vệ cấm quân mở đường, quan thủ thành hoàn toàn không dám ngăn trở, đội xe nghênh ngang chạy vào thành. Lưu Cẩn cũng bước ra ngoài đứng cạnh y, hai tay bỏ vào trong ống tay áo, cười tít mắt: - Dương tướng công, đây chính là kinh sư của Đại Minh chúng ta, cậu thấy thế nào? Dương Lăng chăm chú quan sát thành Bắc Kinh thời này. Mặc dù trong thành nhà cửa san sát, người đi đường đông đúc náo nhiệt, song ngoại trừ một vài quán rượu lác đác gần xa cùng với phủ đệ của các công thần công tướng, hết thảy nhà cửa dường như đều không cao quá hai trượng. Đưa mắt nhìn ra xa, hiển nhiên quần thể kiến trúc nguy nga lộng lẫy nằm thấp thoáng nơi ánh tà dương ấy chính là hoàng thành. Lưu Cẩn hỏi: - Dương tướng công, có cần tìm một khách sạn để trọ trước không? Bây giờ trời đã tối, ngày mai giờ dần ba khắc ta sẽ ở ngoài ngọ môn dẫn Dương tướng công vào kiến giá. Dương Lăng còn chưa trả lời, Liễu Bưu không biết tự lúc nào đã lặng lẽ đi tới trước mặt y dõng dạc báo: - Công tử, Dương lão thái gia đã sai người đi gấp tới kinh thành mua một khu nhà ở phố Hộ Quốc Tự để công tử ở rồi. Chúng ta có về thẳng nhà hay không? Dương Lăng và Lưu Cẩn đều hơi ngẩn người. Vẻ mặt Lưu Cẩn hơi khó coi, lão vốn cho rằng Dương Lăng là một gã dịch thừa nghèo nên lão không nghĩ đến việc vơ vét một ít từ y. Nhưng trông tình hình thế này, nhà họ Dương ở Kê Minh có vẻ còn là một tài chủ địa phương, thế mà Dương Lăng lại không có chút biểu hiện đối với mình, thật là không ra sao cả! Đi báo tin cho người đỗ đạt còn được chút tiền thưởng, mình đi báo tin cho Hoàng thượng, chẳng lẽ lại không đáng tiền hay sao? Lúc này Liễu Bưu lại tháo một bao vải trên vai xuống, đặt lên xe. Bao vải vừa chạm vào xe liền vang lên những tiếng "lách cách", xem ra đồ vật bên trong cũng không nhẹ. Liễu Bưu mỉm cười nói: - Lưu công công, đây là chút đặc sản địa phương mà lúc đi lão thái gia đã căn dặn mang theo biếu ngài, mời công công mang về nếm thử cho tươi ạ! Gia đình nông thôn chỉ có chút lễ vật nhỏ, thật không đủ để bày tỏ lòng thành. Lưu Cẩn nhìn cái bọc nặng trình trịch đó, ước chừng tối thiểu cũng phải hai trăm lạng bạc, liền lộ vẻ hớn hở, quay đầu sang cười nói với Dương Lăng: - Dương tướng công khách khí quá rồi! Trong cung thứ gì cũng không thiếu, nhưng mà những thổ sản nông thôn này thì… thật sự là không có nhiều. Ha ha ha, tấm lòng này của cậu thật đáng quý! Biết đây nhất định là do Cẩm Y vệ chuẩn bị sẵn, Dương Lăng vội cười, đở lời: - Đâu có, đâu có! Chỉ là chút vật mọn không đáng bày lên bàn tiệc, Lưu công công thích là tốt rồi. Lưu Cẩn cười tươi hơn hớn: - Thích chứ, thích chứ! Ta rất thích ăn mấy thứ đặc sản địa phương thế này. Nếu như Dương tướng công đã có chỗ ở, vậy ta sẽ trở về đại nội phục mệnh, sáng mai ta chờ đón Dương tướng công ở ngoài ngọ môn. Ngay sau đó, Lưu Cẩn hí hửng chỉ huy đội xe quay trở về hoàng thành, còn hai chiếc xe ngựa của Dương Lăng thì rẽ vào hướng phố Hộ Quốc Tự. Dương Lăng vừa trở về xe của mình, Ấu Nương đã nghe được loáng thoáng cuộc trò chuyện, bèn thích chí ôm lấy cánh tay y hỏi: - Tướng công, chúng ta đã có nhà ở kinh sư rồi sao? Dọc đường đi tiểu cô nương này cũng có tâm trạng riêng, nghĩ hiện giờ phu quân đã là quan ngũ phẩm của Cẩm Y vệ, lại là Thị độc bên cạnh thái tử gia, trong lúc ăn nói lẫn đi đứng mình không thể làm điều vượt quá khuôn phép khiến cho tướng công bị mất thể diện được. Vốn nghe nói các phu nhân hay tiểu thư con nhà danh gia vọng tộc ra khỏi nhà đều ngồi im trong xe, cho nên sau khi vào thành Bắc Kinh, nàng vẫn luôn ngồi im trong xe, thậm chí không dám vén rèm cửa xe. Hiện giờ cỗ xe đang đi trên con phố lớn phồn hoa, vậy mà nàng vẫn không biết thành Bắc Kinh ra như thế nào. Dương Lăng hôn phớt lên môi nàng rồi đáp: - Ừm! Hẳn là do Cẩm Y vệ thu xếp. Kế đó y lại ghé vào tai Ấu Nương bảo: - Hôm nay vừa mới vào thành, chúng ta không nấu cơm. Tối nay tướng công sẽ đưa nàng đi dạo phố. Ấu Nương nghe xong lập tức lộ vẻ vui mừng, gật đầu lia lịa: - Vâng vâng! Ấu Nương còn chưa được nhìn xem thành Bắc Kinh ra làm sao, thật muốn đi mở mang kiến thức một chút. Nếu không có tướng công đi cùng, Ấu Nương không dám ra ngoài đâu! Dương Lăng bật cười hỏi: - Ngay cả giặc Thát còn không sợ, thế mà Ấu Nương lại sợ đi dạo trên phố lớn ở kinh sư này à? Ấu Nương hồn nhiên đáp: - Tướng công! Chàng không dẫn thiếp đi, người ta là phụ nữ sao dám tự tiện la cà dạo phố chứ, sẽ khiến người ta chê cười đó. Dương Lăng nói: - Nàng thật! Nhà chúng ta không có mấy quy củ đó, thích ra ngoài thì cứ ra ngoài, dạo phố hay mua sắm gì cũng được. Nói rồi Dương Lăng nhìn vẻ xinh xắn của Ấu Nương, trong lòng thầm nghĩ: "Giờ mà là thời hiện đại, để cô bé này mặc áo thun với quần bò, tóc cột lại một túm, nhất định sẽ là một nữ sinh xinh đẹp tươi mát. Mình sẽ cùng nàng đi xem phim, uống cà phê, nếu nàng nhanh mồm nhanh miệng chút thì sẽ đi đến chỗ đám gian thương mà kỳ kèo trả giá, hề hề. Có điều nếu đặt vào thời đó thì mình làm gì tốt phúc có được nàng?!" Thấy ánh mắt sáng rực của Dương Lăng lom lom nhìn mình, khuôn mặt Ấu Nương càng thêm ửng đỏ. Nàng mắc cỡ cúi đầu bẽn lẽn: - Tướng công, chúng ta ở phố Hộ Quốc Tự, không biết chùa Hộ Quốc này có cao tăng có thể, có thể… Nói đến đây mặt nàng lập tức đỏ bừng, không nói tiếp được nữa. Dương Lăng lập tức chấn động, cả người cũng nóng lên. Đêm trước khi đi, Dương Lăng đã phải kỳ kèo rồi mềm mỏng khẩn cầu mãi cô bé này cuối cùng mới chịu học bài "thổi tiêu dưới trăng" trong tâm trạng vừa thấp thỏm lo sợ vừa xấu hổ. Cái mùi vị tiêu hồn lúc đó, dù có nói ra người ngoài cũng thật khó mà hiểu hết được. Lần này phải đi đường xa vất vả, chung quanh lại có nhiều người, cho nên y cũng không dám có cử chỉ thân mật với Ấu Nương. Giờ nghe nàng nói vậy, Dương Lăng lập tức ngứa ngáy trong lòng, "bích ngọc phá qua thời, tương vi tình điên đảo. Cảm lang bất tu noản, hồi thân tựu lang bão. (2)" Ấu Nương quả thật là một “tiểu gia bích ngọc” (xem 2) chân chính, thật không biết khi thật sự cùng nàng điên loan đảo phượng, một hồi xuân sắc vô biên đó sẽ nóng bỏng đến như thế nào? Dương Lăng cười gian manh nói: - Đúng! đúng! Tối nay chúng ta hãy đi tìm một vị đại hoà thượng để khai quang, sau đó để nàng gặp gỡ ”tiểu hoà thượng” của ta một chút mới được. Ấu Nương vội nói: - Không được, như vậy không được đâu tướng công! Chúng ta nhất định phải gặp đại hoà thượng, tiểu hoà thượng thì có mấy năm đạo hạnh chứ? Ấu Nương không dám đem tính mạng của chàng ra đùa đâu! Khoé miệng Dương Lăng hơi nhếch lên, vẻ mặt cổ quái, y đáp: - Nhất định phải gặp đại hoà thượng sao? Nhưng mà tiểu hoà thượng này của tướng công nếu chưa được nương tử mến yêu của ta khai quang gia trì (3), trải qua muôn vàn thử thách, làm sao có thể tu thành đại hoà thượng được? Tuy Ấu Nương ngây thơ thuần khiết, nhưng nàng không hề kém thông minh, thấy lời nói của tướng công có phần kỳ lạ, nàng chớp chớp đôi mắt ngọc nghi hoặc nhìn y. Dương Lăng mỉm cười ôm lấy Ấu Nương, ghé vào tai nàng thì thầm mấy câu. Ấu Nương khẽ kêu lên một tiếng, vừa giận vừa thẹn đấm nhẹ người tướng công mấy cái, rồi đỏ mặt cắn môi lườm y, giận dỗi nói: - Ngày mai tướng công phải gặp Hoàng đế rồi, cần phải nghỉ ngơi thật tốt! Tối nay Ấu Nương sẽ không gặp bất cứ hoà thượng nào hết. Dương Lăng cười trêu: - Như thế sao được? Để ta xem thử bên ngoài có chùa miếu nào hay không, tối nay nhất định phải để nương tử mở cửa đón khách, nghênh tiếp tiểu hoà thượng của ta vào nhà. Nghe tướng công nói mấy lời đáng xấu hổ đó, Ấu Nương nhũn cả người ra, ngả vào lòng y thở gấp, không dám lên tiếng đáp lời. Dương Lăng vén rèm kiệu lên nhìn ra bên ngoài. Người đi đường tới lui tấp nập, trên đường hàng quán san sát, xem ra con đường này cũng khá phồn hoa. Hàn Ấu Nương cũng tò mò ló đầu ra ngoài nhìn quanh. Nàng thấy Liễu Bưu, Dương Nhất Thanh đang cuốc bộ bên cạnh cỗ xe, bên góc đường ở đằng xa có một người đang đứng. Liễu Bưu nhìn về phía kẻ đó làm nhanh vài động tác tay, kẻ đó gật đầu, bỏ tay trái xuống bên người rồi cũng làm rất nhanh vài động tác đáp trả, sau đó xoay người bỏ đi. Động tác của hai người vừa nhanh lại vừa tự nhiên, nếu không phải Hàn Ấu Nương tinh mắt, tâm tư lại cẩn thận, nhất định sẽ không chú ý tới. Hàn Ấu Nương lấy làm lạ quay đầu gọi: - Tướng công! Chợt lúc này Dương Nhất Thanh ở bên ngoài hô lớn: - Đã đến nhà rồi, mời công tử và phu nhân xuống xe! Bị tiếng gọi của Dương Nhất Thanh cắt ngang, Hàn Ấu Nương bèn nuốt lời muốn nói vào. Dương Lăng vén rèm xe, thấy trước mặt là một khu nhà xây theo lối tứ hợp viện (4), trước cửa có một khoảnh đất trống, trồng hai hàng hoè Long Trảo, cửa vào khu nhà đang mở, có thể nhìn thấy bên trong ngăn nắp sạch sẽ, xem ra vừa mới được sửa sang không lâu. Hàn Ấu Nương cũng nhảy xuống xe, lòng đầy vui sướng quan sát ngôi nhà mới của mình. Trong sân, ngoại trừ một giếng nước, chính giữa còn có một vườn hoa, hai bên là chái nhà, ngay phía trước là ba gian nhà ngói xanh. Xem ra chủ cũ của khu nhà này khi trước cũng là một hộ giàu có neo người, không biết Cẩm Y vệ làm thế nào mà mua được? Liễu Bưu và Dương Nhất Thanh mang tất cả hành lý vào nhà. Khu nhà này tuy mới mua không lâu, song hết thảy dụng cụ sinh hoạt đều đã đầy đủ, tiết kiệm cho bọn họ không ít thời giờ mua sắm bày biện. Nhác thấy trời hãy còn sớm, Hàn Ấu Nương hăng hái xắn tay thực hiện quyền lợi bà chủ nhà, bố trí lại căn nhà mới của mình, rộn ràng trong niềm hạnh phúc. Chuyện ra phố ăn cơm và đi chùa gặp đại hoà thượng đã bị nàng dẹp sang một bên mất hút. Dương Nhất Thanh đến bên cạnh Dương Lăng, vẻ mặt bí hiểm bẩm: - Đại nhân! Đề đốc chỉ huy sứ Trương đại nhân nghe tin đại nhân đã vào kinh, muốn được gặp ngài, chúng ta có đi ngay bây giờ không? - Ồ! Dương Lăng lập tức đứng dậy. Thủ lĩnh tối cao của Cẩm Y vệ muốn tiếp kiến y, y làm sao dám chậm trễ? Sau khi nói vội với Ấu Nương một tiếng xong, y lập tức cùng Liễu Bưu và Dương Nhất Thanh đi ra ngoài. Dương Lăng đã nghe hai người Liễu Bưu và Nhất Thanh nói qua, nha môn của ty chỉ huy sứ Cẩm Y vệ không hề được đặt trong thành Bắc Kinh mà đặt tại Thiên Tân vệ (5), nhưng ty Bắc Trấn Phủ, bộ phận quan trọng nhất trong Cẩm Y vệ lại được đặt trong kinh thành. Thành thử một năm thì quá nửa thời gian đề đốc chỉ huy sứ Cẩm Y vệ không ở Thiên Tân vệ, mà công tác trong thành Bắc Kinh. Ty Bắc Trấn Phủ được đặt ở phía bắc thành Đông An, ngay sát cổng chính của Đông xưởng. Cái thành Bắc Kinh to như vậy, ngoại trừ hoàng thành, cũng chỉ có nơi này là yên tĩnh nhất. Vừa rẽ vào con đường đó, trên đường lập tức vắng tanh, không có lấy một bóng người. Lúc đi ngang qua "Đông Tập Sự xưởng" (tên đầy đủ của Đông Xưởng – ND.), Dương Lăng hiếu kỳ nhìn vào bên trong, không biết đám nha sai, đầu lĩnh, rồi còn cả xưởng công, đốc công trong đó có thân hoài tuyệt kỹ như trong phim hay không. Tiếc là mặt trời sắp lặn, ngoại trừ hai tên nha sai đứng ngoài canh gác ra, không thấy bất kỳ người nào. Đi tiếp về phía trước chính là nha môn của ty Bắc Trấn Phủ, cũng không có gì khác biệt với những nha môn bình thường khác, trước cổng đặt hai con sư tử đá lớn, còn có Đới Đao thị vệ của Cẩm Y vệ đứng canh gác bên ngoài. Được hai người Liễu, Dương dẫn vào trong nha môn của ty Bắc Trấn Phủ, Dương Lăng bước vào một đại sảnh. Trên bức tường màu trắng trên sảnh vẽ một con mãnh hổ hạ sơn. Mãnh hổ sống động như thật, nhe nanh múa vuốt, như thể chực vồ xuống. Bên trong đại sảnh yên tĩnh uy nghiêm, Liễu Bưu và Dương Nhất Thanh bước đến cửa thì không dám đi vào tiếp, cho nên tất nhiên phải có quan quân Cẩm Y vệ khác mời y đi vào. Dương Lăng đang đứng trong sảnh, khoanh tay ngắm nhìn con mãnh hổ chợt sau lưng có người cười rộ bảo: - Dương đồng tri đến rồi sao? Thật không may, Trấn phủ sứ đại nhân đã dẫn người đi Kim Lăng rồi. Hạ quan là Vu Vĩnh, thiên hộ Cẩm Y vệ, ở đây chờ đón Dương đại nhân. Dương Lăng vội vàng quay người, luôn miệng nói: - Không dám, không dám, chào đại nhân! Rồi y tròn xoe mắt nhìn, thoáng ngẩn ra, người đứng trước mặt y đích thực đang mặc một bộ phi ngư phục (6) của Cẩm Y vệ, hông đeo Tú Xuân đao, nhìn trang phục thì đúng thật là một thiên hộ. Vậy nhưng người này lại tóc vàng, mắt xanh, mũi lõ, da dẻ trắng một cách khác thường, không ngờ lại là người châu Âu. Gã thiên hộ tên Vu Vĩnh ấy thấy Dương Lăng ngẩn người ra thì mỉm cười, kế đó dùng khẩu âm Bắc Kinh nói: - Hạ quan Vu Vĩnh! Đại nhân vừa mới đến kinh thành, để hôm khác hạ quan sẽ thiết tiệc mời đại nhân. Ha ha ha, sau này cùng làm quan triều đình, rất mong được đại nhân dìu dắt nhiều hơn. À phải rồi, Đề đốc đại nhân chờ ngài đã lâu, mời đi theo hạ quan ra mắt đề đốc đại nhân trước! Dương Lăng chắp tay cảm tạ rồi đi theo vị Cẩm Y vệ người nước ngoài này vòng qua đại sảnh. Hai bên hành lang đều là những căn phòng nối tiếp nhau, Vu Vĩnh dẫn Dương Lăng đến trước cửa một căn phòng, mở cửa phòng rồi mỉm cười mời: - Đại nhân, mời vào! Dương Lăng gật đầu cảm tạ, đoạn sải chân bước vào. Chỉ thấy những cây nến to đặt trên đĩa treo cạnh bốn vách tường soi căn phòng sáng choang, một người đàn ông trung niên mặc y phục nho sĩ đang ngồi đằng sau chiếc bàn dài mỉm cười. Thấy y bước vào, người đó mới đặt quyển sách trong tay xuống. Biết chắc người này chính là Trương Tú Trương đại nhân, thủ lĩnh tối cao của Cẩm Y vệ, Dương Lăng bèn vội bước tới, quỳ một gối xuống, thực hiện quân lễ: - Hạ quan Dương Lăng tham kiến đề đốc đại nhân! Trương Tú nheo mắt đánh giá y một lượt, rồi hài lòng cười nói: - Tốt, quả nhiên là tuổi trẻ có triển vọng. Dương đồng tri ngồi đi, chớ nên khách khí! Dương Lăng cũng lén quan sát vị Trương đại nhân này, thấy ông ta tuổi trạc ngũ tuần, vẻ mặt ôn hoà, hào hoa phong nhã, bộ dạng không hề có khí thế của kẻ nắm giữ binh quyền lẫn sinh tử của người khác trong tay. Ở ngoài cửa, Vu Vĩnh vòng tay nói: - Đề đốc đại nhân, Dương đại nhân! Hạ quan xin được cáo lui trước! Nói đoạn hắn quay về phía Dương Lăng mỉm cười thân thiện, kế đó nhẹ nhàng khép cửa phòng. Thấy vẻ mặt đăm chiêu của y, Trương Tú cười lớn nói: - Vu Vĩnh là hậu duệ của người Sắc Mục (7), nghe nói quê quán ở xứ sông Ranh (8) gì đó, vốn dĩ còn là quý tộc vùng bản địa. Lúc đại quân triều Nguyên tây chinh đã bắt về hơn vạn nô lệ tóc vàng mắt xanh, trong đó có cả tổ tiên của y. Bây giờ trong kinh sư vẫn còn hơn một ngàn hộ gia đình như y đang cư trú. Đến lúc này Dương Lăng mới hiểu ra. Tựa hồ rất hài lòng với Dương Lăng, Trương Tú mỉm cười nói: - Dương đồng tri nhất biểu nhân tài, kiêm thêm học thức xuất chúng, vào Bách Hy Viên nhất định sẽ có thể được trọng dụng. Tốt lắm, tốt lắm! Dương Lăng kinh ngạc: - Bách Hy Viên? Đại nhân, đó là nơi nào vậy? Trương Tú thoáng sững người, rồi phá lên cười nói: - Ha ha, là bổn quan lỡ lời. Khục khục! Đương kim Thái tử còn nhỏ, ham thích mấy trò mới lạ trong chốn đông cung, ha ha,… Vương công đại thần trong triều thường gọi đông cung là Bách Hy Viên (nơi có nhiều trò vui chơi đùa nghịch – ND.), cho nên bản quan nhất thời cũng thuận miệng. Dương Lăng toát mồ hôi hột, vội khiêm tốn nói: - Đại nhân quá khen rồi, hạ quan chỉ là một tên tú tài, có thể làm Thái tử thị độc đã thấy được yêu quá mà sợ rồi, nào dám hy vọng xa vời! Trương Tú mỉm cười nói: - Anh hùng chẳng ngại xuất thân hèn, hơn nữa ngươi phải biết rằng Thái phó, Thị giảng của Thái tử hiện giờ đều có xuất thân đại học sỹ, học sỹ, nhưng khi thái tử đọc sách, trước giờ lại chưa từng có một Thị độc. Thế mà hôm nay Thái tử lại thích ngươi, cầu xin bệ hạ triệu ngươi vào kinh, đông cung ưu ái ngươi, bệ hạ lại ưu ái đông cung, tức là bệ hạ đã ưu ái ngươi rồi. Ngày mai yết kiến, bệ hạ sẽ ban cho ngươi xuất thân đồng tiến sỹ, sau này ngươi không thể coi mình là tú tài nữa. Dương Lăng lắp bắp: - Đại nhân! Hạ quan ngu muội, vẫn không hiểu vì lẽ gì mà một dịch thừa nho nhỏ ở Kê Minh như hạ quan lại có thể lọt vào mắt xanh của bệ hạ, được lên kinh làm Thị độc vậy? Trương Tú nghe vậy thì phá ra cười lớn, hết sức vui vẻ vỗ bàn đáp: - Lọt vào mắt xanh của bệ hạ? Nào chỉ là lọt vào mắt xanh của bệ hạ! Tuy ngươi ở nơi xa xôi hẻo lánh, thế nhưng ngươi có biết bây giờ bộ Binh, bộ Công, nha môn Tam Pháp ty (9), nha môn Nội Quan, giám sát viện, Ngũ Quân đô đốc phủ, tất cả đều đang quây lại đánh nhau, một nửa quan viên của thành Bắc Kinh bị cuốn vào, tất cả là do Dương đồng tri nhà ngươi mà ra đó! Dương Lăng nghe xong cả kinh, thất thanh: - Cái gì? (1) Thuật ngữ Cờ Tướng chỉ một nước cờ sát cuộc. (2) Hai câu thơ trên được trích trong tập thơ Nhạc Phủ (thơ ca trong dân gian và âm nhạc, soạn theo thể cách những khúc nhạc trong nội phủ) "Bích Ngọc Ca". Bích Ngọc, nhân vật chính trong thành ngữ "tiểu gia bích ngọc" (con gái cưng), là thiếp của Nhữ Nam Vương Tư Mã Nghĩa đời Tấn. Bích Ngọc họ Lưu, nàng không đẹp xuất sắc, nhưng qua sự sủng ái của Nhữ Nam Vương đối với nàng, đoán chừng nàng rất dễ nhìn, rất có ý vị, và còn hát rất hay. Đáp ứng lời thỉnh cầu của Tư Mã Nghĩa, Tôn Xước đã sáng tác hai bài "Bích Ngọc Ca". Bài thứ nhất: Bích ngọc tiểu gia nữ, bất cảm phàn quý đức. Cảm lang thiên kim ý, tàm vô khuynh thành sắc. Dịch thơ - Tiểu Phong: Bích Ngọc khuê nữ tiểu gia Biết lòng chẳng xứng người ta đức tài. Ngàn vàng một tấm tình ai Thẹn mình nhan sắc nhạt phai kém người Bài hai: Bích ngọc phá qua thời, tương vi tình điên đảo. Cảm lang bất tu noản, hồi thân tựu lang bão. Dịch thơ - Tiểu Phong: Bích Ngọc đôi tám vừa tròn, Vì tình điên đảo chẳng còn biết chi. Mến chàng thiếp có ngại gì Quay người nép dưới thân kia trong lòng. (3) Phạn ngữ, ý tăng thêm phật lực để bảo hộ và phù trợ cho chúng sinh. (4) Tứ Hợp Viện là một kiểu kiến trúc điển hình ở Bắc Kinh. Tòa nhà gồm bốn dãy phòng ở các phía đông tây nam bắc, ở giữa là sân trống, cửa vào thường đặt ở phía nam. (5) Vệ sở là biên chế quân đội thời Minh, chia làm hai cấp: vệ và sở. Một phủ lập thành sở, nhiều phủ lập thành vệ. Vệ lập chỉ huy sứ, thống lĩnh năm nghìn sáu trăm binh sĩ. Dưới vệ có Thiên hộ sở (thống lĩnh một nghìn một trăm hai mươi người), dưới Thiên hộ sở lập Bách hộ sở (lĩnh một trăm mười hai quân). Vệ sở ở mỗi huyện phủ sẽ do đô chỉ huy sứ của các chỉ huy sứ ty quản lý, các đô chỉ huy sứ sẽ lại được quản lý bởi trung ương ngũ quân đô đốc phủ. (6) Y phục cao quý của quan lại, có thêu hoa văn hình con cá chuồn. (7) Sắc Mục là tên gọi của một địa vị xã hội dưới thời Nguyên. Trái ngược với sự tin tưởng của số đông, cụm từ Sắc Mục (hiểu nghĩa đen là "mắt màu") không ám chỉ bọn họ có "mắt màu" so với những người Nguyên-Mông mắt đen, mà thật ra, nó có nghĩa là "các sắc danh mục" (各 色 名 目 , nghĩa là "các loại tên gọi, danh mục"), ám chỉ sự đa dạng sắc tộc của người Sắc Mục. (8) Sông Rhine (hay Rhein) dài 1.320 km, là một trong những con sông lớn và quan trọng nhất châu Âu. (9) Tam Pháp Ty là sự kết hợp của Bộ Hình (Tư Pháp), Đô Sát viện (viện Giám sát) và Đại Lý tự (tòa Phá án) nhằm thẩm định các vụ án lớn (còn gọi là “Tam ty hội thẩm”). Triều Nguyễn cũng áp dụng cơ cấu tổ chức này để có những hoạt động cụ thể nhằm giải quyết thỏa đáng những điều khiếu nại của nhân dân.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang