[Dịch] Lạc Vào Liêu Trai

Chương 3 :  Chương thứ ba Lối thoát

Người đăng: Soujiro_Seita

T rời vừa chạng vạng, đã thấy Trương Lão Tam từ trên núi trở về. Tuy nhiên trong số con mồi của hắn cũng không hề có con sói đen lớn kia, hỏi ra mới biết là bị mất dấu rồi. Địa thế ở phía sau núi Phong sơn liên miên phức tạp, có núi cao rừng rậm, nhiều nơi đều không có người đặt chân tới, cực kỳ khó đi; lại thêm sắc trời đã tối, lão thợ săn già truy tung cả buổi mà chẳng phát hiện được gì nên cũng không dám đi quá sâu, đành tức giận mà bỏ về. .... Ngày tháng như thoi đưa trôi đi như không có trọng lượng, lặng lẽ vượt qua mọi người. Nó cũng không vì một người "xuyên qua thế giới" đang ở đây mà thay đổi. Trong nháy mắt thu qua đông tới, tiết trời ngày càng lạnh lẽo. Chế độ chính trị và dòng chảy văn hóa ở thế giới này cực kỳ giống với thời Minh ở Địa cầu, nhất là nội dung khoa cử, cả hai đều có sự tồn tại của "Nho gia", cùng kỳ thi Bát Cổ văn. Thật là kỳ quặc quái gở! Điều này khiến cho Trần Kiếm Thần cảm thấy hơi hoảng hốt mông lung, như là đang nằm mơ mình trở về thời cổ đại ở Địa cầu, chứ không phải là ở không thời gian khác. ----- vương triều Thiên Thống đã nhất thống thiên hạ và lập nước được gần một ngàn năm, có thể nói là thâm căn cố đế, vững như kiềng ba chân. Lúc mới lập nước, Vũ Đế lên ngôi bèn tiếp thu ý kiến của Nội các Đại học sĩ Đổng Trung Húc, bắt đầu thi hành cương lĩnh chính trị "Trục xuất bách gia, chỉ tôn thờ nho học", nhằm giữ gìn trật tự thống trị và thần hóa vương quyền chuyên chế. Phương pháp này có thể nói là cực kỳ hữu hiệu. Nhờ có đời đời vua chúa kiên định chấp hành, hình thái quan niệm này đã thâm nhập vào lòng dân tới tận trong cốt tủy của họ, dần dần hình thành tư tưởng "Đại nhất thống", tiến tới quản lý cả vương triều Thiên Thống tựa như một cái thùng sắt. Ở trong cái thùng sắt này là ngàn ngàn vạn vạn bách tính an phận sinh sống, chẳng khác gì những con kiến vô tri. Chỉ tiếc một điều, Trần Kiếm Thần không phải là một người an phận. Lai lịch của hắn không bình thường, cho nên nhất định không chịu cam lòng mà an phận thủ thường. Nhờ vào góc nhìn từng trải, hắn có thể dễ dàng nhìn rõ nhiều thứ ở cấp độ rất sâu, cho nên khó mà bị lường gạt cho được. Ngoài ra, hắn còn phát hiện không ít điểm khác nhau giữa hệ tư tưởng của nho gia ở vương triều Thiên Thống và hệ tư tưởng nho gia ở Địa cầu mà hắn quen thuộc. Ví dụ như, thủy tổ nho gia của vương triều Thiên Thống chính là khai quốc công thần, nội các Đại học sĩ Đổng Trung Húc, người sống tới 138 tuổi và được người đời sau tôn xưng là "Đổng thánh"; mà con đường trở thành sĩ tử của bất kỳ ai cũng ắt phải trải qua đề mục thi "Bát Cổ văn", phần lớn đều bắt nguồn từ những <Đức thư>, <Lễ thư>, <Trung thư>, <Pháp thư> do Đổng thánh nhân lúc sinh tiền soạn ra, không được phép tự do phát huy, vượt ra ngoài khuôn khổ đó. <Đức thư>, <Lễ thư>, <Trung thư>, <Pháp thư> , cùng nhau được xưng là "Tứ thư" được viết bằng thể "văn ngôn" (*), có "chi, hồ, giả, dã" nhe nanh múa vuốt từ trên xuống dưới. Hơn nữa mấy cái "chi, hồ, giả, dã" này còn khô khan, cứng nhắc hơn cả đạo Khổng Mạnh, giáo điều từ đầu đến đuôi, cứng như củi gỗ, nhạt như nước ốc. Cho nên, tự đáy lòng Trần Kiếm Thần đã cảm thấy phản cảm, căm ghét nó. Mỗi lần cầm lên quyển kinh thư dày cộm, hắn đều có cảm giác kích động đến mức muốn đem xé nát ra để chùi đít. "Tứ thư", mỗi một bộ lại có ba bản lớn, tổng cộng ba bốn mười hai bản, đủ cho hắn chùi đít rất lâu. Chỉ tiếc là hắn chỉ dám nghĩ trong đầu mà thôi, còn lâu mới dám thực hiện --- bất kính với "Tứ thư" cũng chính là bất kính với Đổng thánh, đây là tội lớn chém đầu ở trong pháp điển của vương triều. Dù gì Trần Kiếm Thần cũng không muốn chết. Không chỉ không muốn chết, hắn còn muốn sống thật tử tế, thật thoải mái. Nhưng mà muốn đạt được mức sinh hoạt lý tưởng của hắn, nhất định là phải tham gia khoa cử, viết Bát cổ văn, còn phải kỳ vọng có thể trúng cử thành cử nhân, làm nho sĩ, quan lại nữa. Trừ cách này ra, khó mà có con đường nào khác. Với tình huống của hắn hiện tại, cũng không làm được việc gì khác. Kinh thương? Làm nông? Làm thợ thủ công? Thôi đừng đùa nữa. Kinh thương mà không có tiền vốn, tài nguyên, kinh nghiệm thì phải bắt đầu từ đâu? Còn nông dân, thợ thủ công thì thuộc về thân phận "Hạ dân", càng chẳng làm nên trò trống gì được. Ấy là chưa kể dưới hạ dân còn có "Tiện dân", chính là giai cấp nô lệ cùng những người từng phạm tội. "Tất cả đều là hạ phẩm, chỉ có đọc sách là cao quý." Chế độ giai cấp sâm nghiêm đã thể hiện ra hàm nghĩa hoàn chỉnh của câu nói này một cách rõ ràng. Kỳ thực khoa cử có chia làm thi văn và thi võ, người có võ lực hơn người cũng có thể làm quan trong triều. Vấn đề ở chỗ, với thân thể này mà để Trần Kiếm Thần tham gia thi võ chẳng phải càng nực cười hơn? Bởi vậy, trước mặt của hắn chỉ có một con đường duy nhất là "thi văn". Về căn bản khoa cử không giới hạn tuổi tác, chỉ cần đạt được thân phận tú tài là sẽ không bị mất đi, có thể tiếp tục thi, thi mãi thậm chí đến chết--- cho nên ở trên trường thi không thiếu những lão tú tài già lọm khọm. Trong cái quá trình "phấn đấu" suốt cả cuộc đời này, thủ đoạn mưu sinh chủ yếu của những tú tài gia cảnh nghèo khó chính là đến trường tư giảng bài, hoặc là bán tranh, bán chữ, nhằm sống tạm qua ngày. Nhưng Trần Kiếm Thần xuyên qua thế giới tới đây, không phải chỉ vì sống tạm bợ. Vậy thì phải làm sao? Con đường trước mắt thì không muốn đi, mà cũng chưa chắc có thể thuận buồm xuôi gió mà đi tiếp được. Có câu "nghèo quá ắt phải thay đổi", nhưng rốt cuộc thì lối thoát nằm ở nơi đâu? Trần Kiếm Thần không biết, chí ít là trước mắt, hắn cảm thấy rất mê man, rất bàng hoàng. Ai.... Thở dài một hơi não nề, hắn lại tiếp tục gượng ép chính mình mở ra cuốc <Đức thư> ở trước mặt. Vốn là định ôn cố tri tân (**), nhưng mà sau khi giở lung tung mấy tờ, chẳng thấy "mới" đâu mà "cố" cũng dần trôi đi sạch. Thật là đáng chết. Nên biết rằng tham gia khoa cử cơ bản nhất chính là trí nhớ, học thuộc lòng. Phải đem tứ thư mười hai bản gồm hơn một trăm ngàn chữ mà thuộc lòng lưu loát toàn bộ. Nếu mà đọc thuộc làu làu được là coi như đạt tiêu chuẩn. Trần Kiếm Thần "cũ" hẳn là có thể làm được. Tuy nhiên đấy là trước đây. Còn sau khi xuyên qua thế giới đến đây, sinh viên đại học thời hiện đại mặc dù được thừa hưởng ký ức của con mọt sách kia, thế nhưng những ký ức ấy cũng không phải là không hề có sai sót, hơn nữa việc học thuộc lòng sách vở cần phải thường xuyên ôn tập; nếu không theo thời gian, người ta sẽ quên đi sạch sành sanh. Mà từ khi xuyên qua thế giới, Trần Kiếm Thần đã không ôn tập gần ba tháng rồi... "FUCK!" Hắn dùng sức cầm lấy quyển <Đức thư> ném cái đùng vào góc phòng, sau đó đi ra khỏi căn thư phòng nhỏ như cái lồng chim của mình. Thật tình là hắn không tiếp tục đọc sách nổi nữa, xe đi tới núi ắt có đường, dù có chuyện gì cũng đợi đến khai giảng đầu xuân rồi tính sau. Nhân lúc này còn có một chút thời gian chuẩn bị, hắn cần suy nghĩ kỹ càng hơn mới được. Mạc Tam Nương lúc này đang dệt cửi trên một bộ khung dệt cũ kỹ đang vang lên kẽo cà kẽo kẹt. Bà có một đôi tay khéo léo, dệt ra vải vóc chất lượng rất cao, cho nên không lo mối tiêu thụ. Chính nhờ có nàng khổ sở canh cửi từ sáng tới tối mới nuôi nổi gia đình này. Việc này thì Trần Kiếm Thần không thể giúp gì được. "Lưu Tiên, con muốn đi ra ngoài ư?" Trần Kiếm Thần đáp: "Vâng, dạo này con hơi buồn bực trong người, muốn ra ngoài dạo một chút." "Thế con đi đi, nhớ mặc nhiều áo nhé." Quần áo trên người Trần Kiếm Thần đều là Mạc Tam Nương tự tay làm, tuy kiểu dáng quê mùa nhưng vừa dày lại vừa bền. "Du tử thân thượng y, từ mẫu thủ trung tuyến." - "Áo trên người kẻ lãng tử, sợi chỉ trong tay người mẹ hiền" Đại khái là vậy. Khí trời lạnh lẽo nên Trần Kiếm Thần cũng không có đi bao xa, chỉ tới một khu rừng nhỏ hẻo lánh cách phía nam thôn Cảnh Dương khoảng mấy trăm mét. Trong rừng cây lúc này yên tĩnh không hề có tiếng động. Hắn đi vào phía trong rồi bắt đầu luyện quyền, chính là Tiệt Quyền đạo. Chương trình ủng hộ thương hiệu Việt của Tàng Thư Viện:
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang