-
Số truyện
1
-
Số chương
N/A
-
Thành tích
N/A
Lê Hoằng Mưu (1879-1941) có sách ghi là Lê Hoàng Mưu, bút hiệu Mộng Huê Lầu (đảo các mẫu tự họ tên), là nhà văn, nhà báo Việt Nam trong những năm đầu của thế kỷ 20.
Cuốn tiểu thuyết đầu tay và cũng là cuốn gây nhiều tai tiếng nhất cho Lê Hoằng Mưu là tác phẩm Hà Hương phong nguyệt. Độc giả khen ngợi, bênh vực ông cũng nhiều và người đả kích, phê phán cũng không ít. Truyện bắt đầu được đăng trên báo Nông Cổ Mín Đàm từ ngày 20 tháng 7 năm 1912 với nhan đề Truyện nàng Hà Hương, đến năm 1915 tác phẩm này được nhà in J. Viết xuất bản với tên là Hà Hương phong nguyệt. Truyện kể chuyện của Nghĩa Hữu, một thanh niên con nhà giàu có ăn chơi lêu lỏng. Nghĩa Hữu cưới Hà Hương, một cô gái con nhà giàu, có nhan sắc nhưng tính nết xấu xa, vì thế chẳng bao lâu hai người đường ai nấy đi. Nghĩa Hữu lấy vợ sau là Nguyệt Ba, một cô gái nhà nghèo nhưng đẹp người đẹp nết. Hà Hương sau một thời gian ăn chơi chán chê lại dụ dổ Nghĩa Hữu trở lại với mình. Do ngòi bút có phần táo bạo khi miêu tả những cảnh ăn chơi trác táng, ông đã bị kết án là xúc phạm thuần phong mỹ tục. Công Luận báo thời đó đã gọi ông là “đứa tội nhơn lớn nhứt của An Nam”. Đã có những cuộc bút chiến xảy ra quanh tác phẩm này và cuối cùng chính quyền thuộc địa đã ra lệnh tịch thu và tiêu huỷ tác phẩm.
Hơn mười năm sau khi Hà Hương phong nguyệt ra đời, Lê Hoằng Mưu có nói về lý do viết Hà Hương phong nguyệt và nguyên nhân của những cuộc bút chiến này: “Dòm thấy trong xứ cứ ôm truyện Tàu mà dịch mãi, chưa thấy ai viết bộ tiểu thuyết nào cả. Tưởng rằng dầu hay dầu dở cũng của mình. Tôi khởi đầu viết bộ Hà Hương phong nguyệt. Hay dở tự người xem, tôi mô dám biết. Viết ra từ mười năm không ai nói chi. Sau này trong phe viết báo lắm kẻ người ưa đọc sanh lòng ganh gổ, kích bác; mà không nói hay dở gì, chỉ thích điều lả lơi phong nguyệt. Tôi mĩm cười! Cười mấy ông này mắt mang kiếng đen, chưa hề có xem phong nguyệt của người các nước, còn lả lơi quá mười của tôi. Tôi thầm nghĩ nếu phong hóa vì tiểu thuyết tình tự lả lơi mà ra thì phong hóa các nước suy đồi biết mấy. Thoảng lại phong hóa nhà Nam suy đồi từ chưa có bộ Hà Hương phong nguyệt”.
Ngoài Hà Hương phong nguyệt, ông còn có các tiểu thuyết Ba gái cầu chồng (1915), Tô Huệ Nhi ngoại sử (1920), Oán hồng quần tức Phùng Kim Huê ngoại sử (1920), Oan kia theo mãi tức Ba mươi hai đêm Hồ Cảnh Tiên tự thuật (1922), Đầu tóc mượn (1926), Đỗ Triệu kỳ duyện (1928), Đêm rốt của người tội tử hình (1929), Người bán ngọc (1931).