[Việt Nam] Việt Điện U Linh Tập (1959)

Chương 8 : Khước Địch Thiện Hựu Trợ Thuận Đại Vương Uy Địch Dũng Cảm Hiển Thắng Đại Vương (Trương Hống, Trương Hát)

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 20:44 08-09-2018

Xét Sử ký của Đỗ Thiện chép thì hai Vương là hai anh em. Thời Nam Tấn Vương nhà Ngô đi đánh giặc Lý Huy ở Long Châu, đóng quân ở cửa Phù Lan[130], đêm ngủ mộng thấy hai người y quan kỳ vĩ, diện mạo khôi ngô, đến ra mắt vua và thưa rằng: - Bọn nghịch tặc hoành hành đã lâu lắm, chúng tôi xin tòng quân trợ chiến. Vua lấy làm lạ, hỏi rằng: - Bọn khanh là người nào. Cô này chưa hề biết mặt; đã có lòng thông cảm thì nên cho biết tính danh. Hai người đều sụp xuống lạy, thưa rằng: - Bọn thần là anh em, vốn người Phù Lan, nguyên họ Trương, anh tên là Hống, em tên là Hát, đều làm tướng của Việt Vương[131]. Việt Vương bị Lý Nam Đế đánh bại, Nam Đế đem lễ vật đến rước bọn thần có ý muốn cho làm quan. Bọn thần thưa lại rằng: Tôi trung chẳng thờ hai vua, gái trinh chẳng đổi hai chồng, huống hồ ngươi là người bội nghĩa mà còn muốn khuất cái tiết bất di dịch này ư? Mới trốn vào ở núi Phù Long; Nam Đế nhiều lần cho người đến truy nã không được, mới treo ngàn vàng cầu người bắt. Bọn thần không còn đường tiến thối nên đều uống thuốc độc mà qua đời. Thượng đế thương bọn thần vô tội chết chẳng phải mệnh, sắc bỏ chức Than Hà Long Quân Phó Sứ, tuần hai sông Vũ Bình và Lạng Giang đến tận trên nguồn, hiệu là Thần Giang Đô Phó Sứ. Trước kia Tiên Chúa[132] trong chiến dịch Bạch Đằng, bọn thần đã hiệu lực trợ thuận. Vua tỉnh dậy, bảo đem cỗ rượu đến điện tế, khấn rằng: - Quả có anh linh, hãy phù trợ chiến dịch này, nếu được thắng lợi, tức thì dựng miếu và phong tước, hương hỏa đời đời. Vua mới tiến quân vây núi Côn Lôn, giặc ỷ thế hiểm trở, không ai có thể vịn trèo mà lên được. Đóng đồn lâu quá, quân sĩ đều có ý trở tâm. Đêm ấy vua mộng thấy hai Vương đốc binh, bộ ngũ liên thuộc đều có mặt mày như quỷ thần cả, hàng ngũ rất nghiêm, bộ lạc rất chỉnh tề hội tại cửa Phù Lan. Binh ông anh đóng từ sông Vũ Bình đến sông Như Nguyệt tiến đến đầu nguồn sông Phú Lương; Binh ông em đi từ men sông Lạng Giang vào sông Nam Bình[133]. Vua tỉnh dậy bảo với tả hữu, quả nhiên trận ấy được toàn thắng. Bình xong giặc Tây Long, vua sai Sứ chia chỗ lập đền thờ, đều phong làm Phúc Thần một phương, chiếu phong anh là Đại Đương Giang Đô Hộ Quốc Thần Vương, lập đền ở cửa sông Như Nguyệt. Còn em là Tiểu Đương Giang Đô Hộ Quốc Thần Vương, lập đền ở cửa sông Nam Bình. Thời vua Nhân Tông nhà Lý, binh Tống nam xâm kéo đến biên cảnh; vua sai Thái uý Lý Thường Kiệt dựa bờ sông đóng cừ để cố thủ. Một đêm kia quân sĩ nghe trong đền có tiếng ngâm to rằng: Sông núi nhà Nam Nam đế ở Phân minh trời định tại thiên thư. Cớ sao nghịch lỗ sang xâm phạm? Bọn chúng rồi đây sẽ bại hư.[134] Quả nhiên quân Tống chưa đánh đã tan rã. Thần mộng rõ ràng, mảy lông sợi tóc chẳng sai.[135] Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu, sắc phong Như Nguyệt Khước Địch Đại Vương, năm thứ tư gia phong Thiện Hựu Dũng Cảm. __ 130. Phù Lan là sông Lục Đầu 131. Theo Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca, Trương Hống và Trương Hát đã can Triệu Việt Vương đừng gã Cảo Nương cho Nhã Lang: Có người: Hống, Hát họ Trương Vũ biền nhưng cũng biết đường cơ mưu, Rằng: “Xưa Trọng Thuỷ, Mỵ Châu, Hôn nhân là giả, khấu thù là chân. Mảnh gương vãng sự còn gần, 132. Tiên chúa tức Ngô Quyền 133. Sông Nam Bình tức sông Thương. Đền thờ của Hống ở cửa sông Nam Bình, ở làng Phượng Nhãn, bắc ngạn sông Thương. 134. Bản dịch của Hoàng Xuân Hãn: Sông núi nước Nam, vua Nam coi Rành rành phận định ở sách Trời. Có sao lũ giặc sang xâm phạm! Bay sẽ tan tành chết sạch toi. (Sđd, tr.287) 135. Chuyện này bất quá vì là lòng sùng bái của người ta mà bịa đặt ra, và nhà nho phụ họa cho thêm linh. Sự thật có lẽ như tôi đã theo ý Trần Trọng Kim, nhận rằng thơ là của Lý Thường Kiệt. Nhưng nói chắc là Lý Thường Kiệt làm thơ được thì không có gì làm bằng cớ. Ngày nay cả vùng lân cận hai sông Cầu và Thương, có đến hơn 290 ngôi đền thờ hai vị thần họ Trương. Đền chính thờ Trương Hống ở làng Vọng Nguyệt, cạnh làng Như Nguyệt; và đền thờ chính Trương Hát ở làng Phượng Nhỡn ở cửa sông Thương. Vị trí đền phù hợp với việc quân Tống qua sông ở bến đò Như Nguyệt, cho nên câu chuyện thần ám trợ kể trong Việt Điện U Linh có căn cứ vào sự thật ít nhiều (Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt, tr.303).
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang