[Việt Nam] Việt Điện U Linh Tập (1959)

Chương 7 : Thái Úy Trung Tuệ Võ Lượng Công (Mục Thận)

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 20:41 08-09-2018

Xét Sử ký và đời truyền: Ông họ Mục tên Thận, lấy việc chài lưới bắt cá làm nghề sinh nhai. Thời xưa Lý Thái Tông có quan Thái sư Lê Văn Thịnh[126] nuôi được một người gia nô người Đại Lý, giỏi về thuật chú ảo, hay biến hóa mây mù, khiến người thực hóa ra hình beo, cọp. Văn Thịnh dỗ dành nó mà học được thuật ấy[127] rồi thiết kế giết đứa ở ấy đi, mưu tính việc tiếm ngôi vua. Một hôm vua Nhân Tông ngự ra Dâm Đàm xem cá; thuyền rồng thung dung, mái chéo khoan nhặt, lượn chơi trên hồ rất vui vẻ, hốt nhiên thấy mây ù kéo đến trên mặt hồ mù mịt, đối diện không trông thấy nhau, vẳng nghe tiếng cọc chèo vùn vụt lướt mù tiến đến, thấp thoáng có một con hổ lớn đang há mồm nhe răng như muốn cắn, vua trông thấy cả kinh. Lúc bấy giờ Mục Thận đang vung lưới bắt cá, trông thấy rõ ràng mới nói “việc gấp rồi”, lập tức vung lưới chụp bắt được con hổ lớn, lại hóa ra là Lê Văn Thịnh[128]. Vua truyền lấy giây sắt trói lại, cũi gỗ giam vào, rồi đày lên thượng lưu sông Thao[129]. Vua khen Mục Thận có đại công bảo hộ, phong ông làm Đô Uý Tướng Quân, quan giai lần lần tới Phụ Quốc Tướng Quân. Ông mất, vua tặng chức Thái Uý, dựng từ đường và tạc tượng ông mà phụng sự. Đền thờ ông rất linh dị, có con mãng xà ở trong lỗ cột đền, mỗi khi đến ngày sóc vọng có kỳ tế lễ, nó từ dưới đá tảng bò lên, khoanh tròn mà nằm; nhân dân vãng lai chẳng lấy gì làm kinh hãi, nhưng người nào tà uế mà vào trong đền thì liền bị nó cắn; đêm tối, nó lại chui xuống lỗ cột mà ở. Đến nay, từ vũ thêm trang nghiêm, thôn dân phụng làm Phúc thần. Niên hiệu Trùng Hưng năm thứ tư, sắc phong Trung Tuệ Công. Năm Hưng Long thứ hai mươi mốt, gia phong hai chữ Võ Lượng. __ 126. Lê Văn Thịnh: Hoàng Xuân Hãn dẫn trong cuốn Lý Thường Kiệt trang 430: “Theo gia phả họ Lê Quát ở xã Phủ Lý thì Lê Văn Thịnh người Đông Cứu (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh ngày nay). Vợ họ Lê, người làng Phủ Lý này. Văn Thịnh gặp bà, lúc thân phụ bà làm quan ở Thăng Long. Có lẽ chỉ vì vậy, con Văn Thịnh sau nhập tịch quê mẹ. Nhưng cũng có thể vì cớ thứ hai là Văn Thịnh đã bị đày vào Thanh. Lê Văn Thịnh đậu đầu khoa thi đầu tiên của nước ta năm 1075, sau được vào cung dạy vua Nhân Tông; năm 1084, dẫn đầu phái đoàn điều đình về việc phân chia địa giới với Tống tại trại Vĩnh Bình; năm 1085 được bổ nhiệm Thái sư và giữ chức đến năm 1096, là năm xảy ra chuyện này. 127. Việc Lê Văn Thịnh giỏi về thuật chú ảo là một việc có thực. Việt Sử Lược cho câu chuyện xảy ra ban ngày (Việt Sử Lược II, 192). Cương Mục không nói rõ ngày giờ. Chỉ nói là tháng 3, mùa xuân. Việt Sử Lược nói là vào tháng 11, mùa đông. 128. Chuyện này tiêu biểu cho sự mê tín có ảnh hưởng lớn đến chính trị ở triều Lý. Sử còn cho biết nhiều chuyện chứng rằng Nhân Tông, cũng như các vua Lý về sau, rất tin ảo thuật, và có thần kinh dễ cảm xúc. Cho nên chỉ vì một việc xảy ra rất thường mà Văn Thịnh suýt bị chết. Về tháng mười một, trận mù thình lình tới trên hồ, đó là một sự thường có. Nhưng với tâm thần hay bị xúc cảm của vua Lý, khi thấy trời tối mà mình còn ở trên mặt nước thì vua đâm ra hoảng hốt. Có lẽ Văn Thịnh cũng vì thấy trời tối mà vội vã sai chèo thuyền gấp tới để hộ vua về. Ngồi trong thuyền bị trùng triềng không vững, Văn Thịnh phải ngồi khom mình, tay chống vào thuyền cho vững. Hình dáng trông như con hổ. Một mặt khác có lẽ Văn Thịnh cũng tin vào các thuật, và có tiếng sẵn là đã học được phép hóa hổ. Cho nên, kẻ trông thấy hình con hổ trong thuyền lại càng nghi cho y muốn hại vua. Cũng may cho y. Tuy vua tin dị đoan, nhưng đạo Phật đã gieo mối từ tâm, cho nên Văn Thịnh không bị tru di tam tộc như Nguyễn Trãi đời sau. Các nhà bình luận phái nho ở đời sau, như Ngô Sĩ Liên còn trách rằng: “Nhân thần mà mưu giết vua cướp ngôi, thế mà còn tha tội. Làm sai hình chính như vậy, ấy bởi vì lỗi vua quá sùng Phật” (Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt tr.421‐422). 129. Sông Thao ở phía Bắc huyện Tam Nông, tỉnh Hưng Hóa (Cương Mục, IV 2). Theo Việt Sử Lược thì Lê Văn Thịnh bị đày lên một trại ở thượng lưu sông Lương (Việt Sử Lược II, 192). Việt Sử Lược không nói đến Mục Thận. Lê Văn Thịnh bị đày vào sông Lương tức Thanh Hóa có lẽ đúng hơn vì con cháu của Lê Văn Thịnh như Lê Quát đều ở Thanh Hóa.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang