[Việt Nam] Việt Điện U Linh Tập (1959)

Chương 0 : Kỹ thuật của tác giả

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 17:13 08-09-2018

IV. Kỹ thuật của tác giả 1. Kỹ thuật hành văn Tác giả đã viết văn phẩm của mình bằng chữ Hán, đó là một khuyết điểm, nhưng ta cũng không trách được ông, bởi vì đến năm 1329, chữ nôm mới được hình thành từ năm 1282 có lẽ chưa đủ từ ngữ để diễn đạt những tình tiết của một câu chuyện. Lại nữa, cách viết của Lý Tế Xuyên rất đơn giản, không có những câu dài với những vế đối nhau, không có những điển tích xa xôi phải giải thích; tác giả toàn dùng những từ ngữ hiện nay đã trở thành phổ thông; có nhiều câu chỉ cần phiên âm ra quốc ngữ là đã trở thành một câu văn Việt. Bản dịch của chúng tôi theo sát nguyên văn có thể gợi cho độc giả một ý niệm đúng về cách hành văn của Lý Tế Xuyên. 2. Kỹ thuật mô tả và tự sự Đáng chú ý hơn hết là kỹ thuật mô tả và tự sự của tác giả. Một phong cảnh đẹp, một ngôi đền ẩn trong đám lá xanh, một dòng sông quanh co hay bóng dáng e ấp của một thiếu nữ, vẻ bệ vệ của một tiên ông, cách đi đứng hùng hổ của một võ tướng, lý Tế Xuyên đều ghi chú trong một vài nét tinh tế. a) Tả cảnh Cảnh thường có công dụng làm khung cho câu chuyện được xảy ra một cách tự nhiên. Lý Tế Xuyên có một kỹ thuật tả cảnh rất nhịp nhàng. Đây là cảnh Dâm Đàm (Hồ Tây), nơi đã xảy ra câu chuyện Lê Văn Thịnh hóa cọp định hãm hại Lý Nhân Tông: “Một hôm vua Nhân Tông ngự ra Tây Hồ xem cá; thuyền bồng thung dung, mái chèo khoan nhặt lượn chơi trên hồ rất vui vẻ; hốt nhiên thấy mây mù kéo đến trên mặt hồ mù mịt, đối diện không trông thấy nhau, vẳng nghe tiếng cọc chèo vùn vụt lướt mù tiến đến, thấp thoáng có một con hổ lớn đang hé mồm nhe răng như muốn cắn” (Chuyện Mục Thận). Đây là ngôi dã thự của Lý Thường Minh, tọa lạc giữa cảnh trời cao sông rộng: “Lý Thường Minh qua làm Đô Đốc Giao Châu thấy đất đai bằng phẳng nghìn dặm, núi sông bao bọc đến ngã ba sông Bạch Đằng, liên tiếp đến ngã ba sông Bạch Hạc, mới dựng quán Thông Linh, đặt tượng Tam Thanh, mở riêng ở trước một ngôi nhà gọi là tiền mạc” (Chuyện thần Bạch Hạc). Cảnh hoang phế đã được Lý Tế Xuyên mô tả với một niềm ngậm ngùi làm cho người đọc phải bâng khuâng. Đây là ngôi nhà đổ nát của Lý Ông Trọng: “Nhân đó Triệu Xương mới hỏi thăm nhà cũ của Vương hồi xưa, chỉ thấy mù khói ngang trời; sông nước mênh mông, rêu phong đường đá, xanh rơi cụm hoang, một mảnh nhàn vân phất phơ trên đám cỏ thôn hoa rụng” (Chuyện Lý Ông Trọng). Cảnh gió bão nổi lên làm cho Cao Biền cũng phải kinh hoảng. “Hốt nhiên gió mưa ào đến làm cho bay cát đổ cây, sập nhà lở đất, lôi cả đồng sắt lên mà nghiền tan như tro bụi” (Chuyện thần Long Độ). Những cảnh tráng lệ của đền đài miếu vũ cũng đã được mô tả một cách sắc bén; đây là thành Đại La do Lý Nguyên Hỷ xây: “Cửa kép tường đòi, bốn hướng vây tròn, nhà cửa san sát” (Chuyện Tô Lịch). b) Tả người Giữa những khung cảnh ấy, ta thấy nhiều bóng người linh động với những bộ điệu, những ngôn ngữ riêng. Đây là vẻ tiên cốt của thần Tô Lịch: “Đêm ấy, Nguyên Hỉ đang yên lặng nằm bên cửa sổ, hốt nhiên một trận thanh phong ào ào thổi đến, bụi cuốn cát bay, rèm lay án động, có một người cỡi một con hươu trắng từ trên không chạy xuống, mày râu bạc phơ, áo xiêm sặc sỡ…” (Chuyện Tô Lịch) Y phục của thần bao giờ cũng giàu màu sắc: “Một người tác chừng 60, đội mão giải trại, bận áo tử hà, thắt lưng, tay cầm đao Thăng Long Yển Nguyệt đến trước mặt vài chào” (Chuyện Lý Hoằng). Những thần kỳ dị được phô diễn một cách hết sức tả chân; đây là thần Cao Lỗ: “Một dị nhân thân dài chín thước, y quan chỉnh túc, ngôn mạo lăng tằng, lấy dùi búi tóc, gài dao làm trâm, lưng giắt gậy đỏ, bạch vua…” (Chuyện Cao Lỗ). Đây là Đồng Cổ, dáng dấp cổ lỗ không kém gì Cao Lỗ: “Một người kì dị, thân dài tám thước, tu mi như kích, y quan nghiêm nhã, mình mặc nhung phục, tay cầm binh khí, cúi đầu…” (Chuyện thần Đồng Cổ). Những lúc nói đến thanh niên, ngòi bút của Lý Tế Xuyên sắc sảo vô cùng. Đây là hình ảnh oai hùng của Phùng Hưng và Phùng Hãi: “Vương gia tư hào hữu, sức lực dũng mãnh, đánh được hổ, vật được trâu; người em tên là Hãi cũng có sức mạnh kỳ dị, vác được tảng đá nặng mười nghìn cân hay một chiếc thuyền con chở nhìn hộc mà đi hơn mười dặm” (Chuyện Bố Cái Đại Vương). Đây là Lê Phụng Hiểu: “Vương thân hình cao đại kỳ dị, mày râu dài và rậm, sức mạnh hơn người… Vương lấy tay nhổ cả khóm trúc mà đánh, không một người nào dám chống cự” (Chuyện Lê Phụng Hiểu). Bên cạnh những chàng trai uy dũng kia, nổi bật xiêm áo của những thiếu nữ sắc đẹp mê hồn. Đây là Hậu Thổ Phu nhân: “Giữa lúc đang bàng hoàng, vua thấy một người con gái ước độ hai mươi tuổi, mặt tựa hoa đào, mày đậm màu dương liễu, mắt sáng như sao, miệng cười như hoa nở; nàng mặc áo trắng, quần lục, lưng mang đai, dịu dàng bước đến” (Chuyện Hậu Thổ Phu nhân). Cách ăn mặc của hai chị em bà Trưng lại khác hẳn mặc dầu vẻ mặt cũng gần tương tự. “Vua mừng liền qua xem, hốt nhiên ngủ mộng thấy hai thiếu nữ mặt hoa mày liễu, áo lục quần hồng, mão đỏ, thắt lưng cỡi ngựa sắt mà đi qua” (Nhị Trưng Phu nhân). Nhiều khi tác giả không cần mô tả nữa; ông chỉ gợi lên cho ta một hình ảnh bằng cách mô tả phản ừng của những người chung quanh, tỉ dụ trong chuyện Sơn Tinh và Thuỷ Tinh, Mỵ Nương không cần xuất hiện mà qua sự tha thiết của hai chàng thanh niên, ta có thể biết được rằng nàng đẹp lắm. c) Tả tình Nghệ thuật tả tình của Lý Tế Xuyên có nhiều điểm đặc sắc. tác giả chú trọng đến sự tương quan giữa thể chất và tâm hồn, sự thuần nhất của tình cảm trong thời gian, sự biểu hiệu của tình cảm qua cử chỉ và ngôn ngữ. Cảnh tả tình của ông liên hệ chặt chẽ với cách tả người. ta còn thấy Lý Tế Xuyên chú trọng đến việc sắp đặt tình tiết của câu chuyện cho phù hợp với sự phát lộ của tình cảm; tỉ dụ trong chuyện Triệu Việt Vương và Lý Nam Đế, sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa hai vương hữu giữa lúc đang kịch liệt tự nhiên đi đến một sự thỉnh hòa. Cảo Nương đang bơi lội trong hạnh phúc không thấy sự giả tạo của mối tình hờ, thêm vào đấy vẻ đẹp trai của Nhã Lang, ngôn ngữ dịu dàng của chàng làm cho Cảo Nương càng sung sướng hơn nữa trong duyên mới. Thế rồi cái phải xảy ra đã xảy ra. Cảo Nương ngay khi chết vẫn không nghi ngờ dã tâm của chồng. Sự yên lặng của nàng trước sau khi chết mang rất nhiều ý nghĩa. Lý Tế Xuyên đã chuẩn bị mọi chi tiết để cho tình cảm được phát biểu một cách tuần tự, hồn nhiên, sâu sắc và cảm động. Nghệ thuật tả tình còn già giặn hơn nữa trong chuyện Sơn Tinh và Thuỷ Tinh. Tác giả cho biết hai chàng là một đôi bạn thân; đó là một điểm quan trọng để cho ta thấy tất cả những ngang trái, những đau khổ trong sự thù hằn mà nhan sắc của một thiếu nữ đã mang đến để chia rẽ hai người bạn. Thêm vào đấy sự nhu nhược của nhà vua, sự khéo léo của Lạc hầu, bằng ấy tình tiết để làm cho câu chuyện rắc rối hơn, cho sự căm thù giữa hai người bạn thêm kịch liệt tàn nhẫn. Mỗi lần mùa thu đến, cùng với gió lạnh trở về khơi nhớ nhung, Thuỷ Tinh lại dâng nước lên như muốn làm cho Sơn Tinh chết đuối trong cơn phẫn nộ của chàng. 3. Kỹ thuật đối thoại Phần đối thoại là một trong những phần quan trọng trong kỹ thuật sáng tác. Lý Tế Xuyên đã biết sử dụng đối thoại để làm cho nhân vật linh động, suy nghĩ và nói năng hoạt bát. Ta thử theo dõi cuộc nói chuyện giữa Nhã Lang và Cảo Nương mà xem; lời nói của Nhã Lang dịu dàng, êm ái, đầy yêu đương; chàng cố ý hạ thấp giọng xuống để cho lời nói trầm trầm; chàng dùng những câu dài, những từ ngữ rất kêu như “thiên duyên tác hợp, tao ngộ kỳ duyên… chẳng lẽ cứu lưu luyến tình chiếu chăn riêng tư mà bỏ khuyết việc thần hôn phụng dưỡng… Nhưng mà đường sá xa xôi, đi về cách trở, không dễ một hồm một mai mà trở lại được, sum họp ít mà chia phôi nhiều, anh thật ân hận quá v.v…” Cảo Nương im lặng ngồi nghe; có lẽ nàng cảm động lắm khi nghe lời nói như ru của Nhã Lang; nàng có biết đâu chính những lời ngon ngọt ấy sẽ làm cho nàng phải chết. Cuộc đàm thoại giữa Lê Ngọa Triều khi còn là Khai Minh Vương với thôn dân Đằng Châu cũng rất tự nhiên và phù hợp với tính tình của nhân vật. Tính độc ác, hung hãn và tự phụ, Lê Ngọa Triều có một giọng nói gắt gỏng, xẵng, ngược lại, người trong thôn hiền lành thì giọng nói dài hơn, lễ phép hơn. “Thấy trên bờ cao có đền thờ mới hỏi người trong thôn rằng: - Đền ấy thờ thần gì? Thôn dân thưa: - Ấy là đền cổ thờ thần Thổ địa của Đằng Châu. Vua hỏi: - Có linh không? Thôn dân thưa: - Dân trong châu này nương nhờ vị thần ấy, cầu mưa đảo tạnh lập tức thấy linh ứng. Vua mới lớn tiếng gọi rằng…” (Chuyện thần Đằng Châu) Nhưng linh động và hồn nhiên nhất là cuộc đàm thoại giữa Hùng Vương và Lạc Hầu trong chuyện Sơn Tinh và Thuỷ Tinh. Hùng Vương trong chuyện này là một ông vua nhu nhược, ba phải, không có phán đoán; Lạc Hầu ngược lại là một ông vua thông minh, có mưu kế, nói lời nào là nhà vua “cho là phải” ngay; bởi vậy, tác giả không để cho nhà vua nói nhiều; những câu vắn tắt “vua muốn gả, vua sợ, vua bảo, Hùng Vương cả mừng, Hùng Vương cho là phải, Hùng Vương mừng lắm v.v…” giữa những lời nói khôn ngoan của Lạc Hầu làm nổi bật hai cá tính khác hẳn nhau. Tài viết chuyện của Lý Tế Xuyên là ở đấy. Ông làm cho độc giả say mê theo dõi câu chuyện trong từng chi tiết nhỏ nhặt. Độc giả sung sướng đọc từ chuyện này sang chuyện kia, mỗi chuyện có một kỹ thuật riêng, càng đọc càng thấy thích thú.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang