[Việt Nam] Việt Điện U Linh Tập (1959)

Chương 1 : Ứng Thiên Hóa Dục Nguyên Trung Hậu Thổ Địa Kỳ Nguyên Quân (Hậu Thổ Phu Nhân)

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 20:54 08-09-2018

Truyện Báo Cực chép rằng: Nguyên Quân tức là Nam Quốc Chủ Đại Địa Thần. Xưa kia, Lý Thánh Tông nam chinh Chiêm Thành, đến cửa biển Hoàn Hải thoắt bị gió to mưa lớn, sóng cuộn ầm ầm, long thuyền dao động cơ hồ muốn chuyển; nguy cấp không ngờ, vua rất lo sợ[139]. Giữa lúc đang bàng hoàng, vua bỗng thấy một người con gái ước độ hai mươi tuổi, mặt tựa hoa đào, mày đậm màu dương liễu, mắt sáng như sao, miệng cười như hoa nở; nàng mặc áo trắng, quần lục, lưng mang đai, dịu dàng bước đến bạch với vua rằng: - Thiếp là tinh của đại địa Nam Quốc, thác cư ở làng Thuỷ Vân đã lâu lắm, xem thời mà ra nếu gặp được lúc tốt. Bây giờ gặp được Long nhan, chí nguyện sinh bình được thỏa, cúi xin Bệ hạ chuyến đi này nên hết sức mẫn cán, toàn thu hoạch thắng lợi. Thiếp tuy là bồ liễu mong manh cũng nguyền đem sức mọn mặc nhiên phù tá Bệ hạ; ngày khải hoàn, thiếp xin chực đây để bái yết. Nói đoạn biến mất. Vua kinh hãi tỉnh giấc, nhưng lại hoan hỉ ngay mới triệu tả hữu đến, thuật chuyện trong mộng cho mọi người nghe; tăng thống Huệ Lâm Sinh tâu rằng: - Thần có nói là thác sinh trên cây, ở làng Thuỷ Vân, bây giờ nên tìm ở cây hoặc giả có linh nghiệm gì chăng? Vua cho là phải, mới bảo ngừơi tuỳ tùng đi tìm ở các bãi sông quả nhiên được một cái cây, đầu rất giống người, hình như có dấu sơn cũ giống như đã trông thấy trong mộng. Vua mới lập hiệu là Hậu Thổ Phu Nhân, đặt hương án ở trong ngự thuyền, tự nhiên sóng gió êm lặng, cây cối hết lay chuyển. Kịp lúc vua đến Chiêm Thành, trong khi giáp trận như có Thần giúp[140], quả được đại thắng. Ngày khải hoàn, ngự thuyền đậu lại chỗ cũ, sắc lệnh lập đền, gió mưa lại nổi lên như xưa. Sư Huệ Lâm tâu: - Để xin một keo, về Kinh Sư sẽ lập đền. Xin một keo liền được ngay; gió mưa lại êm lặng. Về đến kinh đô, vua bảo thầy xem đất, xây đắp đền thờ ở làng An Lãng, rất có linh ứng, hễ có người nào phỉ báng nguyền rủa, lập tức mắc phải tai họa. Thời vua Anh Tông, nhân trời đại hạn, quần thần xin đắp một cái đàn hình tròn ở Nam Giao để tế trời, thỉnh Nguyên Quân làm đàn chủ. Nguyên Quân cho vua nằm thấy rằng: - Bản bộ có thần Câu Mang làm mưa rất giỏi. Vua lấy làm mừng mới hội nghị quần thần lại, định rước thần Hậu Tắc phồn với trời, thần Hậu Thổ phối với đất, lập đàn ở Nam Giao mà đảo. Quả nhiên được mưa to xối xả. Vua cả mừng, sắc hạ rằng: - Hậu Thổ Phu Nhân có Câu Mang Thần Quân là chủ về việc mùa xuân; từ nay về sau phàm đến lễ Lập Xuân có con trâu đất phải đem về nạp ở đền thờ. Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu, sắc phong Hậu Thổ Thần Địa Kỳ Nguyên Quân. Năm thứ tư, gia phong hai chữ Nguyên Trung. Năm Hưng Long thứ hai mươi mốt, gia phong bốn chữ Ứng Thiên Hóa Dục. __ 139. Bản dịch và lời bình của Hoàng Xuân Hãn (Sđd). Trong lúc Lý Thánh Tông vượt bể, hình như có gặp sóng gió to. Sách Việt Điện U Linh còn chép chuyện thần Hậu thổ địa kỳ giúp vua qua bể. Chuyện như sau: “khi Lý Thánh Tôn đến cửa bể Hoàn (?), thình lình bão to mưa lớn, sóng nổi ngùn ngụt. Thuyền vua không tiến được. Đêm đến, vua mộng thấy một đàn bà, áo trắng, quần lục, nói với vua: “Tôi là tinh đất nước Nam, giả làm một cây gỗ đã lâu năm để đợi thời. Nay thời đã đến. Giúp vua không chỉ đánh được giặc, mà nước nhà còn có chỗ nhờ”. Nói xong, biến mất. Tỉnh dậy, vua sợ. Đem việc hỏi chung quanh. Có sư Huệ Sinh nói nên tìm cây gỗ có thần ẩn. Quân lên núi, thấy một cây gỗ hình người. Đem xuống thuyền. Vua sai đem làm tượng, mặc áo quần như thấy trong mộng và ban hiệu Hậu thổ phu nhân, và đặt ở thuyền vua. Thuyền bèn êm không lắc nữa. Lúc được trận về đến chỗ cũ, vua sai lập đền thờ. Nhưng tối đến, mưa gió lại nổi lên. Sư Huệ Sinh xin đem tượng về kinh. Sóng gió bèn lặng. Về đến kinh vua sai lập đền thờ ở làng Yên Lãng”. Chuyện trên này đời sau viết, cho nên có sự lầm. Ví như vị sư Huệ Sinh, thì các bản sao viết Huệ Lâm sinh hay là Huệ Lâm, sách TUTA/57b có chép chuyện tăng thống Huệ Sinh họ Lâm, chắc là vị ấy. Nhưng Huệ Sinh mất năm 1064, trước năm Thánh Tông đánh Chiêm Thành 5 năm. 140. Ngày xuất quân là mồng 8‐3‐1069. Trên đường đi hay đường về đều có rồng vàng hiện long thuyền, như ngày 15‐3, ngày 18‐3 đêm 31‐3. Khi vua đem quân về cũng thấy rồng xuất hiện, đêm 19‐6, ngày 25‐6. Đặc biệt là khi thuyền vào cửa Thi lị bì nại của Chiêm Thành, ngày 3‐4 có 2 con chim bay theo ngự thuyền như muốn dẫn đường (Việt Sử Lược II, 13b). Như vậy rồng vàng và chim là linh ứng của thần chăng?
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang