[Việt Nam] Việt Điện U Linh Tập (1959)

Chương 0 : Tác giả

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 17:01 08-09-2018

Tất cả những bản Việt Điện U Linh Tập chép tay nếu có tên tác giả thì đều đề là Lý Tế Xuyên. Ngay những học giả không cho tác phẩm vào đời Trần cũng không phủ nhận quyền tác giả của Lý Tế Xuyên, nhưng về thân thế và sự nghiệp của ông, hiện nay ta chưa có tài liệu gì rõ rệt. Lịch sử cũng như những văn bản chính thức như Đăng Khoa Lục không thấy nhắc nhở đến tên ông. Phan Huy Chú trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, Lê Quý Đôn trong Nghệ Văn Chí chỉ nói đến ông một cách sơ sài. Ta chỉ có thể căn cứ trên chức vụ và trên tác phẩm để tìm kiếm một đôi nét về thân thế và sự nghiệp của Lý Tế Xuyên. Về chức vụ, mỗi bản chép tay đều chép mỗi khác. Theo 4 bản chép tay của trường Viễn Đông Bác Cổ hiện còn giữ được [18], chức vụ của Lý Tế Xuyên đã được đề như sau: Bản A.2879 ghi: Thủ Đại-Tạng Kinh Trung Phẩm Phụng Ngự Bản A.751 ghi: Thủ Đại Tạng Kinh Thư Hỏa Chính Chưởng Trung Phẩm Phụng Ngự An Tiêm Lộ Chuyển Vận Sứ. Bản A.1919 ghi: Thủ Đại Tạng Thư Văn Chính Chưởng Trung Phẩm Phụng Ngự An Tiêm Lộ Chuyển Vận Sứ. Bản A.47 ghi: Thủ Đại Tạng Thư Văn Chính Chưởng Trung Phẩm Phụng Ngự An Tiêm Lộ Chuyển Vận Sứ. Trong cuốn Lý Thường Kiệt, khi nói về chức vụ của Lý Tế Xuyên giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã viết là “giữ kinh Đại Tạng, thư hỏa chính chưởng, trung phẩm phụng ngự, chuyển vận sứ An Tiêm lộ”, như thế giáo sư đã nói đến chức vụ của Lý Tế Xuyên ghi trong bản chép tay A.751; bản A.751 là một trong bốn bản đã ghi chữ hỏa thay vào chữ văn trong hai bản A.47 và bản A.1919, lại là một bản mới chép gần đây [19], do đấy, Durand kết luận rằng người phụng sao sau này đã lầm chữ hỏa với chữ văn và như vậy, giáo sư Durand xác nhận chức Thư Văn Chính Chưởng đúng hơn nếu đề là Thư Hỏa Chính Chưởng và công nhận bản A.47 là hợp lý nhất. Nhưng nếu đã kết luận như vậy thì chúng tôi thiết tưởng những nỗ lực của giáo sư Durand để xác định chức Thư Hỏa Chính Chưởng vào đời Trần không còn lý do tồn tại nữa, do đấy, ta có thể nói rằng viết như bản A.751 là phù hợp với sự thực lịch sử đời Trần; chức Thư Hỏa Chính Chưởng rõ rệt là một chức phụng vụ vừa giữ sách vừa giữ lửa ở nơi đã để kinh Đại Tạng; nếu đề là Thư Văn thì chức vụ tỏ ra tầm thường, không có gì đặc biệt đối với một người đã viết một cuốn sách về thần thánh như Việt Điện U Linh Tập. Có thể nói rằng chính cái ngọn lửa leo lét ở nơi để kinh Đại Tạng kia, dù ở nghĩa đen hay nghĩa bóng, đã gây cảm hứng cho nhà văn Lý Tế Xuyên, cho nên không trong một chuyện nào là tác giả không nhắc đến từ ngữ “hương hỏa bất tuyệt”. Cái ánh sáng trong tác phẩm là ánh sáng mà bình minh của nho học đang bành trướng không làm cho phai mờ. Giá trị của tác phẩm là ở trong sự thực hiện được cái mâu thuẫn biểu kiến ấy. Những lý luận trên nhằm vào mục đích tìm hiểu chức vụ của Lý Tế Xuyên, để từ đấy tìm hiểu thân thế của nhà văn. Qua chức vụ ấy, Lý Tế Xuyên xuất hiện như một nhà tu hành, âm thầm sống ở một nơi bảo tồn kinh Phật, mà nhiệm vụ là giữ sách như một người quản thủ thư viện ngày nay. Trong thời gian ấy, xa sự náo nhiệt của đô thành, trong một nơi có cây già bóng cả, giữa một không khí yên lặng trang nghiêm, Lý Tế Xuyên có đầy đủ thì giờ để đọc sách, viết văn, sưu tầm tài liệu, nhất là suy nghĩ về người xưa. Ông luôn luôn đi về cái thế giới cổ sơ ấy; ông sống với những nhân vật của ông, thấm nhuần cái không khí bao quanh họ, thấu triệt tinh thần họ. Khoa cử của triều đình đã không cám dỗ được nhà văn. Tên tuổi của ông không được ghi trên bằng cấp nhưng những ngày âm thầm tự học cũng như những sáng tác kia đã làm cho tên tuổi của ông lừng lẫy. Ngoài ra, xét theo nội dung tư tưởng của tác phẩm, Lý Tế Xuyên còn tỏ ra là một nhà văn chẳng những thấu hiểu sâu xa Phật giáo mà còn là một nhà nho say mê. Ngay trong bài Tựa, ông đã trình bày phương pháp của ông khi viết sách, cái phương châm mà ông đã theo. Thận trọng, khiêm tốn, biết phân biệt kỹ càng, có óc thẩm mỹ, vừa thích cái tinh thần tích cực của nhà nho vừa ưa cái vẻ huyền bí thiêng liêng của quá khứ, Lý Tế Xuyên bất cứ ở chỗ nào đã biểu lộ được sự chừng mực, sự giản dị, sự sáng sủa và cân đối. Một con người như vậy phải được sự hâm mộ của đương thời và của hậu lai. __ 18. Theo Duran, Sđd, trang 6 19. Kiến Văn Tiểu Lục, q.IV, thiên Chương, tờ 4a.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang