[Việt Nam] Việt Điện U Linh Tập (1959)

Chương 9 : Phụ lục: Sự tích đền thờ thần xã An Sở

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 20:48 08-09-2018

Xét Đại Việt Ngoại Sử chép rằng: Gia Thông Đại Vương vốn là người làng Cổ Sở (sau đổi ra An Sở). Lúc bấy giờ thiên hạ loạn ly, kẻ hào kiệt dấu họ dấu tên để tránh nạn. Thưở nhỏ, Đại Vương phong tư hơn người, tài nghệ xuất chúng, nhất là cỡi ngựa bắn cung lại là sở trường, rất có uy đức, sức mạnh voi cũng chịu thua; đến khi thờ Lý Nam Đế (đồng thời với vua Lương Võ bên Tàu) vua trông thấy người khí vũ hiên ngang, thật là một bậc Đại trượng phu, có thể đương nổi một phương, mới bảo vương theo quân ngũ; Vương hằng lập được nhiều kỳ công. Sau vua cho một cõi Đỗ Động là đất biên viễn hiểm trở, nếu không phải là tay Vương thì chẳng ai trị nổi, rồi phong cho Vương chức Đại tướng quân, bảo qua trấn thủ ở đó; mỗi khi có hiệu lệnh của Vương ra thời các kẻ hùng cứ trốn xa, giặc cướp đều đến đầu hàng, nhân dân được an cư lạc nghiệp, trong cõi yên ổn, già trẻ đều mến đội ân đức của Vương. Kịp đến lúc nước Lâm Ấp (tức là Chiêm Thành) vào ăn cướp châu Cửu Đức, biên thư cáo cấp, triều đình bàn kế xuất chinh, các quan đều nói rằng: - Không có quan Tướng quân Đỗ Động thì không thể đánh bại giặc ấy được. Vua mới tuyên chiến triệu Vương thống suất các tướng lãnh đi đánh, đại phá quân Lâm Ap ở Cửu Đức. Tin thắng trận về đến kinh đô, vua thán thưởng giây lâu rồi báo quan thị thần rằng: - Gặp đến rễ quanh đốt cứng mới biết được đồ dùng sắc, nay quan Đỗ Động tướng quân chỉ bắn vài mũi tên mà cả phá được giặc mạnh, thực là kẻ hào kiệt ở Sơn Tây, những bậc can thành đời xưa cũng chẳng lấy gì làm hơn được, nên phải có trọng thưởng mới xứng công lao. Vua mới lục những công phục biên, tứ tính là họ Lý, gả một vị Công chúa tức là Lý Nương và thăng lên chức Thái Uý. Từ đấy ân sủng càng ngày càng thêm, lại khiến làm chức Tham hộ phủ nghi, giám thị cả trăm quan. Quan Lý Thái uý thiên tư trung hậu, tính vốn thanh liêm, mỗi khi có kiến nghị điều gì thì chuyên lo ngay thẳng, ở trong triều nếu có ai lỗi, trước mặt thì bắt bẻ, giữa triều thì can gián chẳng dung tha một ai, cả đến những kẻ quyền quý xin vô việc riêng. Tiếng tăm lừng lẫy, trong ngoài đều gọi là Phục Man Tướng công, kính mến người có đức. Lúc bấy giờ vua Nam Đế chủ tâm việc biên phòng, khiến quan Thiếu uý ra trấn Đường Lâm, binh quyền ở tay, uy lệnh xa khắp, làm lặng bụi trần sa mạc, làm tiêu tan lòng sợ hãi chiến tranh. Nào ngờ trời chán nghiệp nhà Lý, gió đưa binh nhà Lương đến, năm Ất Sửu thứ hai, Trần Bá Tiên đem binh đi đánh ở quận Châu Diên, sông Tô Lịch, lần lượt dẹp yên. Năm Đinh Mão thứ tư (năm đầu vua Lương Văn Trị), binh nhà Lương thừa thắng, đi đến đâu là chỗ đó không có người. Vua tôi triều Lý đâu thất sắc, tan rã như ngói vỡ đất lở, chẳng biết tính làm sao, toan muốn triệu Thái uý. Thái uý ở động Khuất Liệu, nghe được tin ấy, ngậm ngùi than thở, lòng trung kích thích, mới sai người cẩn thủ các nơi yếu hại của dinh đồn. Hốt nhiên, đang đêm lửa cháy đỏ rực cả bốn mặt, đầy đường binh Lương đã bức gần đến trước sân, mới hay lòng người nham hiểm, mệnh trời khôn lường. Vương bèn đem gia tướng đánh thoát vòng vây để tính bề khôi phục. Nhưng đất cùng đường xa, tớ lui không ngõ, Thái uý đành phải chỉ trời vạch đất, thản nhiên uống thuốc tự tận. Người nhà phụng linh cữu đưa về bến Hồ Mã (tức nay là chùa Ngọc Tân, tên sông của bản xã) chôn cất và đắp mộ ở ngoài bãi bản xã.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang