[Việt Nam] Việt Điện U Linh Tập (1959)

Chương 0 : Nội dung tác phẩm

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 17:13 08-09-2018

III. Nội dung tác phẩm Năm 1777, Lê Quý Đôn đã đếm được hơn hai mươi chuyện trong Việt Điện U Linh Tâp. Ông viết: “Đầu niên hiệu Khai Hựu nhà Trần, Lý Tế Xuyên phụng ngự chỉ soạn quyển Việt Điện U Linh Tập, chép các việc thần dị, đền miếu, lịch đại đế vương 8 truyện, nhân thần 12 truyện, hạo khí, linh tích” [20]. Như vậy, ngoài 20 truyện về đế vương và nhân thần còn có những truyện về hạo khí anh linh mà Lê Quý Đôn không nói rõ là bao nhiêu. Phan Huy Chú cho là tác phẩm có 28 truyện. Vào đời Lê, tác phẩm được Nguyễn Văn Chất [21] bổ tục thêm 3 hay 4 chuyện thần thoại tuỳ theo các bản chép tay. Đó là những truyện: 1. Sóc Thiên Vương 2. Tam Đảo Thần 3. Nam Tống Công Chúa ở đền Kiền Hải 4. Trịnh Gia và các em. Ngoài ra theo Gaspardone, còn có nhiều bản phụ lục có tiểu sử của Tứ Vị Thánh Lang đền Kiền Hải do Lê Tự Chi viết và đề Hồng Đức năm thứ 5 (1513); bản Trùng Bổ và 1 bản Dẫn đề ngày 7-7 năm Kỷ Vị và ký là Tam Thanh Quán đạo nhân… Những bản khác (A.2879, A.1919 có chỉ một vị An Lục tên là Kim Miễn Muội và gồm có những lời chú bình, tiếm bình của Cao Huy Diệu khi còn làm Giám Tu [22]; một bài tựa của Lê Độn Phủ, tức là Lê Hữu Hỉ [23]. Bản A.335 chép lại năm 1774 gọi là bản Tân Đính, Hiệu Bình có bổ sung đến 41 truyện, đồng thời, vẫn theo Gaspardone, những truyện chính như Sĩ Vương, Hai Bà Trưng vì đã chuyển sang Lĩnh Nam Chích Quái nên đã bị bỏ đi, do đấy, ở trạng thái cuối cùng này, hai tác phẩm có nhiều điểm giống nhau [24]. Các tước hiệu sau khi chết được kể đến năm 1821, năm Minh Mạng thứ 2 (xem chuyện Triệu Xương và phu nhân ở cuối sách). Như vậy, theo bản A.751 mà chúng tôi đã dịch đây, phần Tục Bổ của Nguyễn Văn Hiền (tức Nguyễn Văn Chất theo Gaspardone [25]), phần Trùng Bổ và Phụ Lục của đạo nhân quán Tam Thanh đều không được kể vào phần nội dung Việt Điện U Linh Tập của Lý Tế Xuyên. Phầm tiếm bình của Cao Huy Diệu, phần phụ lục sự tích đền thờ thần xã An Sở cũng thế; nội dung của Việt Điện U Linh chỉ gồm 27 chuyện chia ra 3 phần như sau: A. Lịch Đại Đế Vương (6 chuyện) 1. Sĩ Nhiếp 2. Phùng Hưng 3. Triệu Việt Vương, Lý Nam Đế 4. Thần xã tắc 5. Hai Bà Trưng 6. Mỵ Ê B. Lịch Đại Phụ Thần (11 chuyện) Lý Hoảng Lý Ông Trọng Lý Thường Kiệt Tô Lịch Phạm Cự Lượng Lê Phụng Hiểu Mục Thận Trương Hống và Trương Hát Lý Phục Man Lý Đô Uý Cao Lỗ C. Hạo Khí Anh Linh (10 chuyện) Hậu Thổ Phu nhân Thần Đồng Cổ Thần Long Độ Thần Khai Nguyên Thần Phù Đổng Sơn Tinh Và Thuỷ Tinh Thần Đằng Châu Thần Bạch Hạc Thần Hải Thanh Nam Hải Long Vương Quân Theo bố cục trên, nội dung của tác phẩm rất rõ rệt. Trước hết, tác giả biểu dương vĩ tích của những bậc đế vương đã thấu triệt nhiệm vụ của mình và đã hy sinh thân thế để mang lại hạnh phúc cho dân Việt. Danh từ dân Việt ở đây được hiểu theo nghĩa rộng rãi bởi vì chữ … bao hàm tất cả những dân tộc phía Nam Ngũ Lĩnh; Sĩ Vương cũng là một người Việt theo nghĩa này và chính vì thế tác giả đã kể lại chuyện của Sĩ Nhiếp đầu tiên như là một ông vua tinh thần của người Việt Nam. Việc đặt Sĩ Nhiếp lên đầu chuyện chứng tỏ mục đích của Lý Tế Xuyên khi sáng tác không có tính cách chính trị mà chỉ muốn soi văn hóa như một món ăn tinh thần bổ ích. Trong viễn tượng ấy, Sĩ Nhiếp là một bậc đế vương trên cả Bố Cái Đại Vương, trên cả Triệu Việt Vương và Lý Nam Đế. Nhưng Phùng Hưng cũng đã là một bậc đế vương có một giá trị cao. Nếu Sĩ Nhiếp tượng trưng cho lực lượng văn hóa phương Nam thì Phùng Hưng cũng đã từng là một bậc cha mẹ dân tượng trưng cho tinh thần bất khuất của người Việt. Triệu Việt Vương và Lý Nam Đế cũng thế, mặc dầu chính trị đối lập nhau, vẫn tỏ ra xứng đáng là những vị lãnh đạo thời ly loạn. Người đến thứ tư là thần xã tắc, người mang lại sự no ấm cho nhân dân, người đảm bảo cho đời sống của nhân dân về phương diện vật chất. Sự hiện diện của thần xã tắc chứng tỏ rằng cùng với văn hóa, cùng với chính trị và quân sự, một đời sống ấm no là một điều kiện tất yếu mà các bậc đế vương phải chú ý. Với tinh thần ấy, dù là một nhi nữ như Nhị Trưng cũng có thể liên kết được hào kiệt bốn phương, đánh đuổi quân xâm lăng ra khỏi bờ cõi, mang lại độc lập và hòa bình cho nước nhà. Nhị Trưng đã thất bại về quân sự nhưng Nhị Trưng đã thắng lợi về phương diện nâng cao tinh thần quốc gia; việc Nhị Trưng được Thượng đế sai xuống trần làm mưa chứng tỏ Nhị Trưng vẫn tiếp tục sứ mệnh thiêng liêng của mình đối với dân với nước. Cái chết của Mỵ Ê là một cái chết vẻ vang của một liệt nữ. Giữa lúc mất nước nhà tan, giữa lúc phải làm tù binh nhà Lý, Mỵ Ê đã cho đoàn người chiến thắng một bài học sâu xa. Nàng chết đi mà bảo vệ được sự trinh liệt, còn hơn vua tôi nhà Lý sống mà bị hối hận giày vò. Cách kể lại câu chuyện của tác giả chứng tỏ rằng lòng trung quân ái quốc của ông không làm sai lạc óc phê phán. Đối với tác giả, chỉ có đạo đức là có một giá trị trên hết mọi giá trị. Sau 6 chuyện nói về đề vương là 11 chuyện kể lại hoạt động của những lịch đại phụ thần. Tất cả là những bậc anh hùng tuấn kiệt của Việt Nam. Các vị ấy đã có đại công bảo vệ triều đình, bảo vệ quyền lợi của vua chúa như Lê Phụng Hiểu, nhưng đa số các vị là những người đã hết lòng vì nứơc vì dân, hoặc lo cho dân chúng được có ruộng cày như Lý Hoàng, hết lòng bảo vệ quyền lợi cho dân như Tô Lịch khi chết đã hiện về nói với quan Đô Hộ Lý Nguyên Hỷ: “Nếu sứ quân có giáo hóa cư dân trong thành cho hết lòng hết sức thì mới song được nhiệm vụ của một quan thú mục, mới xứng với trách nhiệm của bậc tùân lương”; Lý Thường Kiệt đã từng làm rung động triều đình nhà Tống; Lý Ông Trọng đã trở thành một vị anh hùng bảo vệ cho nhà Tống chống Hung Nô. Lý Ông Trọng khi còn thanh niên đã nói một câu bất hủ: “Tráng chí của đời người nên như chim Loan chim Phụng, nhất cử vạn lý, đâu lại để cho người thóa mạ, làm nô lệ cho người?” Trương Hống Trương Hát là bộ tướng của Triệu Việt Vương, đã vì Triệu Việt Vương mà thà chết không thà cộng tác với Lý Nam Đế; Lý Phục Man là thuộc tướng của Lý Nam Đế, chết đi vẫn tiếp tục ủng hộ Lý Thái Tổ, phù trợ cho dân gian. Việc sắp đặt các vị anh hùng này bên cạnh nhau biểu lộ lập trường của Lý Tế Xuyên. Ông muốn ở trên mọi đảng phái, ở ngoài mọi triều đại; ông chỉ muốn nhắm đến một điểm là sự phú cường của quốc gia, tinh thần mạnh mẽ của dân tộc. Dù tướng của Triệu Việt Vương có đối lập với tướng của Lý Nam Đế về chính trị chăng nữa, sau khi chết đi là họ chỉ nghĩ đến làm thế nào ích lợi cho nhân dân. Mục Thận sau khi thành thần, mỗi lần sóc vọng có kỳ tế lễ là hiện thành một con rắn nằm tròn ở cột đền, người nào uế tạp thì lập tức bị cắn chết. Chuyện Cao Lỗ cũng rất cảm động. Lòng trung trinh của Cao Lỗ đối với An Dương Vương rất hiếm có. Sau cùng là những bậc hạo khí anh linh. Đây là 10 chuyện thần có nguồn gốc thần thoại như Hậu Thổ phu nhân, thần Đồng Cổ, thần Long Độ, thần Khai Nguyên, thần Phù Đổng, Sơn Tinh và Thuỷ Tinh, v.v… Các thần đều một lòng sốt sắng cứu khổ phò nguy, thường sẵn sàng hiển linh báo mộng cho vua chúa biết đường lành phải theo, điềm dữ phải tránh; các thần lúc nào cũng tìm cơ hội để tham dự vào việc của triều đình, giúp cho nhà vua tránh được những bước khó khăn, cho dân chúng được ấm no sung sướng. Nói tóm lại, nội dung của tác phẩm rất rõ ràng; nội dung ấy đã được tóm lược ngay trong bài Tựa của tác giả. Nội dung ấy có một giá trị mà ta phải cân nhắc và bình luận. __ 20. Trong Hiến Chương, q.45 21. Nguyễn Văn Chất người làng Vũ Di, huyện Bạch Hạc (Vĩnh Yên), tiến sĩ năm 1448, hồi 27 tuổi, Tư Nghiệp Quốc Tử Giám năm 1466, Đô Sát Viện, đi sứ Tàu năm 1480 (Toàn Thư XIII, tờ 29), tác giả Tục Việt Điện U Linh Tập (Đăng Khoa Lục I, 7) (Nhận xét của Gaspardone, trong Bibliographie Annamite). 22. Theo Gaspardone dẫn trong Bibliographie Annamite, Cao Huy Diệu trước là Cao Dương Diệu làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, Bắc Ninh, Tiến Sĩ năm 1715, hồi 35 tuổi, Thượng thư bộ Lại năm 1739 (xem Đăng Khoa Lục, III, 44; Bị Khảo, phần Kinh Bắc, Gia Lâm). 23. Lê Hữu Hỉ, tên hiệu là Độn Phủ, tiến sĩ năm 1700 (xem Đăng Khoa Lục, III, 38b) 24. xem Bibliographie Annamite. 25. Chữ “Hiền” dễ bị lầm với chữ “Chất”.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang