[Việt Nam] Việt Điện U Linh Tập (1959)

Chương 0 : Giá trị của tác phẩm

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 17:13 08-09-2018

IV. Giá trị của tác phẩm Việt Điện U Linh Tập có một giá trị rõ rệt về nội dung và hình thức. A. Giá trị nội dung. 1. Giá trị tôn giáo Trước hết, tác phẩm có một giá trị tôn giáo không thể phủ nhận được. Tin tưởng vào sự bất diệt của linh hồn, tin tưởng vào sự tương quan giữa đời sống bên này và đời sống bên kia, tác giả phô diễn một nếp sống hoàn toàn kiểu mẫu. Theo tác giả thì thần thánh có ai là xa lạ đâu? Đó là những người trần mắt thịt như chúng ta, chỉ khác một điều là các người ấy đã sống một đời sống siêu phàm, trong sự cần lao kham khổ, trong sự phục vụ tích cực, trong nỗ lực chống lại sự quyến dũ của vật chất; thần thánh là những người đã sống hết tất cả kích thước của người, tận cùng biên giới nhân loại. Đến trình độ ấy, giá trị của con người tự nhiên được gia tăng; con người có thể tham dự vào đời sống linh thiêng để tiếp tục quảng bá ơn cương thường như trước; đến giai đoạn này, các vị anh hùng xứng đáng được lòng ngưỡng mộ sùng kính của nhân dân. Việc có đền miếu phụng tự trở thành như một điều kiện phải có. Ta không lạ gì khi thấy có nhiều vị thần hiển linh như muốn được hưởng tế tự lâu dài. Tính cách tôn giáo còn được thể hiện trong tinh thần sùng bái anh hùng liệt nữ. Từ vua chúa đến nhân dân, mọi người đều kính cẩn sự thần, suy tôn các vị thần, công nhận sự tối linh của thần như một nguyên lý. Thần thánh là kiểu mẫu lý tưởng của nhân dân; họ cần được sự phụ trợ của thần, nhưng hơn hết cả, họ mong muốn được nên giống như thần thánh, có can đảm chống lại dục vọng của họ để đi lên cao hơn. Ta có thể nói dân tộc Việt Nam trong căn bản là một dân tộc tôn giáo. Quan niệm người hùng rực rõ trong sử sách chứng tỏ sự thiết tha của người Việt Nam được sống như một siêu nhân, tuấn kiệt và uy dũng. Phản hồi được bầu không khí tôn giáo này, tác phẩm của Lý Tế Xuyên có một giá trị rất đặc sắc. 2. Giá trị luân lý Từ một lòng tin vào một quan niệm luân lý phổ biến, Lý Tế Xuyên trình bày nhiều mẫu người với quan niệm sống rất mãnh liệt. Mỗi người có một cách sống riêng tuỳ theo hoàn cảnh của họ nhưng lúc nào cũng đặt giá trị của tinh thần lên trên hết. Đầu tiên, Sỹ Nhiếp mở đầu cho quyển truyện là một người khoan hậu, khiêm hư đãi kẻ sĩ, hiếu khách và ưu bác về học vấn. Nền chính trị của ông ở Giao Châu rất khôn khéo mềm dẻo; chú trọng về văn hóa và giáo dục, đặt vấn đề trách nhiệm cá nhân lên rất cao, Sĩ Nhiếp không bao giờ xử sự như một người tự bạo tự khí. Nhân cách của ông nổi bật bên cạnh những con người tầm thường đồng thời với ông như Lưu Biểu. Giữ vững được nhân cách của mình, mặc dầu qua những cơn thử thách nghiêng ngửa, đó là biểu hiện của một tâm hồn vững vàng, ý chí mạnh mẽ, ưa tự do một cách say mê. Nhị Trưng phẫn nộ trước những hành động sắp bị xâm phạm. Chưa bao giờ giá trị cá nhân được đề cao như bao giờ. Con người cảm thấy được tôn trọng, được kính nể, đựơc công nhận như một giá trị bất khả xâm. Nhưng được tôn trọng không phải chỉ biết có mình là được tôn trọng; giá trị ấy là một giá trị phổ quát và cá nhân tranh đấu cho giá trị phổ quát ấy tức là tranh đấu cho mình và cho nhân loại. Đến đây, ta thấy sự tương quan chặt chẽ giữa cá nhân và gia đình, giữa cá nhân và xã hội, quốc gia. Từ ngàn xưa, Lý Tế Xuyên đã quan niệm sống là sống với người khác, sống cho người khác, sống vì người khác. Không bao giờ ta thấy nhân vật của ông cô độc; họ luôn luôn hy sinh tận tuỵ vì hạnh phúc của tha nhân; họ lo cái lo của mọi người, đau khổ cái đau khổ của mọi người, lúc nào cũng vượt khỏi cái phạm vi nhỏ bé của bản thân để sống cho người khác. Đối với Lý Tế Xuyên, không bao giờ người khác là hỏa ngục, ngược lại, người khác là một dịp quý báu để cho con người gần người hơn, người khác là một giá trị làm cho giá trị nhân loại được tăng cường. Đẹp biết bao cái vẻ hào hùng của Lý Thường Kiệt, mà cuộc đời là đấu tranh để đề cao lòng tự hào của dân tộc. Cao quý thay cái tinh thần bất khuất của Trương Hống và Trương Hát mà danh vọng cũng không làm cho ngả nghiêng, mà phú quý cũng không làm cho thay đổi, mà uy vũ cũng không làm cho sợ hãi. Luôn luôn trong Việt Điện U Linh Tập, ta bắt gặp những tâm hồn cao quý ấy, ngay thẳng, vững vàng, trong sạch, mạnh mẽ, nghĩa là tất cả những sắc thái của một nền luân lý cao siêu bắt nguồn từ một nhận định cụ thể về giá trị con người. 3. Giá trị lịch sử Mặc dầu Maspéro không công nhận cho Việt Điện U Linh Tập có một giá trị lịch sử [26] nhưng chính Maspéro đã sử dụng tác phẩm của Lý Tế Xuyên để bổ sung những khuyết điểm của lịch sử Trung Hoa về Việt Nam, có lẽ phải nói như Lê Quý Đôn đã nói trong Kiến Văn Tiểu Lục: Lương sử tài dã, tức là khen Lý Tế Xuyên là một sử gia có thực tài. Ta thử xem phương pháp sáng tác của Lý Tế Xuyên, cách sử dụng tài liệu lịch sử của tác giả, sự góp phần của cuốn sách vào sự hiểu biết xã hội đời Lý Trần. Phuơng pháp của tác giả đã được tuyên bộ trong bài Tựa. Tác giả bắt đầu bằng một đinh nghĩa về thần, sau đấy phân biệt ba loại thần và liệt kê những thuộc tính của các vị thần ấy, sau cùng tác giả tuyên bố chép lại sự thực để “phân biệt màu đỏ với màu tía”. Trong các tác phẩm Việt Nam, ít khi ta thấy tác giả trình bày quan điểm của mình một cách minh bạch như Lý Tế Xuyên; ta cũng ít gặp những tác phẩm biết dung hòa tinh thần tôn trọng cổ nhân với tinh thần sáng tác một cách chừng mực vừa phải như Lý Tế Xuyên đã làm. Trong 27 chuyện được coi là của ông, 8 chuyện đã không ghi xuất xứ, và ta có thể chắc rằng 8 chuyện ấy là do sự tìm kiếm riêng của tác giả; 19 chuyện còn lại đã được ghi xuất xứ rõ ràng như sau: a) Theo tục truyền: chuyện 20 và 27 b) Theo Tam Quốc Chí: chuyện 1 c) Theo Giao Châu Ký của Triệu Xương: chuyện 2, 10, 25. d) Giao Châu Ký của Tăng Cổn: chuyện 23 đ) Sử Ký: chuyện 5, 10, 11, 13 e) Sử Ký của Đỗ Thiện: chuyện 14, 15, 17, 24 g) Báo Cực Truyện: chuyện 1, 10, 18, 19, 22 h) Giao Chỉ Ký: chuyện 17 (dẫn trong Sử Ký của Đỗ Thiện) Để có một ý niệm rõ ràng về cách dùng tài liệu của Lý Tế Xuyên ta thử duyệt qua những tác phẩm lịch sử mà tác giả đã dẫn chứng. Cuốn Tam Quốc Chí đã được dùng để viết chuyện Sĩ Nhiếp; cuốn này được viết vào khoảng thế kỷ thứ III sau Thiên chúa giáng sinh và được ấn hành năm 1002; Lý Tế Xuyên đã gần như trích hẳn đoạn nói về Sĩ Nhiếp [27]; đoạn nói về sự hiển linh của Sĩ Nhiếp lại được lấy trong Báo Cực Truyện; như vậy, Lý Tế Xuyên cho ta biết rõ ràng rằng chuyện Sĩ Nhiếp của ông là do hai nguồn tài liệu tạo nên; sự thẳng thắn ấy làm cho chúng ta không hoài nghi sự trung thực của ông, bởi vậy, gán cho tác giả là “đạo văn” thì thực là hơi quá đáng [28]. Chính giáo sư Durand rất khe khắt với Lý Tế Xuyên cũng đã công nhận bản văn của tác giả là bản Ngô Chí được sao lại và biến chế thay đổi đi [29]; như thế, ta có thể thẳng thắn công nhận rằng Lý Tế Xuyên đã sáng tác trong khuôn khổ của bản Ngô Chí, đã triệt để tôn trọng tài liệu và chỉ thêm bớt khi nào cảm thấy cần thiết; cách sử dụng tài liệu theo lối này nằm trong tập quán chung của các nhà văn xưa; năm 1333, Lê Trắc viết về Sĩ Nhiếp trong An Nam Chí Lược (q.VII tờ 4) năm 1377, một tác giả vô danh cũng viết về Sĩ Nhiếp trong Việt Sử Lược (q.I, 4b-5a) ngay cả đến những tác giả của Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục khi viết về Sĩ Nhiếp (Tiền Biên, II, 29, 30, 31, III, 1, 2, 3) cũng không có những sáng kiến gì khác Lý Tế Xuyên; sự chỉ định xuất xứ ở đầu chuyện (phần này không có trong bản A.47) và những phần sáng tác của Lý Tế Xuyên chứng tỏ sự dè dặt của ông khi viết văn, sự tôn trọng những tài liệu của cổ nhân vốn là một đặc tính cổ điển, cái thiện chí của ông sử dụng lịch sử để ghi lại cho hậu thế một bài học kinh nghiệm. Sau Tam Quốc Chí, Lý Tế Xuyên còn dùng tài liệu của Báo Cực Truyện. Theo Gaspardone, sách này còn được gọi là Báo Đức Truyện; ngay năm 1777, Lê Quý Đôn cho biết Báo Cực Truyện đã thất truyền. Trong Cương Mục sự hiển linh của Sĩ Nhiếp sau khi chết là do tục truyền kể lại chứ không phải Báo Cực Truyện [30]. Trong Việt Điện U Linh Tập, xuất xứ của truyện Tô Lịch và Lý Nguyên Hỉ, truyện Phù Đổng là ở trong Báo Cực Truyện; trong Cương Mục xuất xứ của truyện Tô Lịch lấy ở An Nam Kỷ Yếu [31], như vậy, Báo Cực Truyện đã dẫn trong Việt Điện U Linh Tập cũng như trong Lĩnh Nam Chích Quái, Đạo Giáo Nguyên Lưu, Cổ Châu Pháp Vân Phật Bản Hành Ngữ là một tác phẩm ghi chép những truyền thuyết trong dân gian, những thành tích của các làng, những dã sử mà dân chúng truyền tụng. Việc trích dẫn tên sách trong những chuyện Sĩ Nhiếp, thần Tô Lịch, chuyện Hậu Thổ phu nhân, chuyện thần Đồng Cổ tiết lộ căn bản của Báo Cực Truyện là một cuốn sao lục thần tích. So sánh cách bố cục của những chuyện này trong Việt Điện U Linh Tập và trong Cương Mục, ta nhận thấy cách viết của Lý Tế Xuyên vẫn là triệt để căn cứ trên tài liệu để sắp đặt câu chuyện theo kỹ thuật riêng của ông. Loại tài liệu thứ ba là cuốn Giao Châu Ký của Triệu Xương và Tăng Cổn. Theo An Nam Kỷ Yếu, dẫn trong Cương Mục [32], tháng 7 mùa thu năm Tân Mùi (791) Triệu Xương sang Giao Châu làm đô hộ, dụ Phùng An mang quân ra hàng, rồi đi du lịch, xem xét các đền đài miếu vũ chép làm sách Phủ Chí, sau 10 năm hoạt động, vì đau chân nên được đổi về Bắc làm tế tửu; Bùi Thái sang thay Triệu Xương nhưng vì chính trị thấp kém nên bị bộ tướng Giao Châu đánh đuổi; Triệu Xương lại sang Giao Châu lần thứ 2, khoảng tháng 12 năm Quý Mùi (803); quân làm phản liền yên ngay. Như thế, Triệu Xương là một ông quan tốt lại thành thạo về chính trị; có thể nói ông là một chuyên viên về các vấn đề Giao Châu; nhưng cuốn Phủ Chí còn gọi là Giao Châu Ký thường truyền là của ông không thấy được nói tới trong Cựu Đường Thư [33], như vậy Giao Châu Ký (hay Giao Châu Chí) chưa chắc là một tác phẩm đã được ấn hành, có lẽ đấy chỉ là một vài nhận xét rời rạc mà Triệu Xương đã ghi chú một cách vội vàng khi còn ở Giao Châu. Lý Tế Xuyên đã dẫn chứng Triệu Xương để nói về Phùng Hưng và Phùng An bởi vì không có một người nào hiểu hết chuyện này hơn Triệu Xương; Lý Tế Xuyên đã tỏ ra rất hợp lý khi sử dụng những kinh nghiệm bản thân của một chuyên viên duy nhất về vấn đề chính trị Giao Châu năm 791. Sự dẫn chứng Triệu Xương làm cho sự xác thực của câu truyện được hoàn toàn bảo đảm. Sau cùng, ta nhắc đến tài liệu lịch sử cuối cùng của Việt Điện U Linh Tập, đó là cuốn Sử Ký và nhất là Sử Ký của Đỗ Thiện. Hiểu được phương pháp của Lý Tế Xuyên đã sắp đặt tài liệu của Đỗ Thiện như thế nào tức là định đoạt được giá trị lịch sử của tác phẩm. Trước hết, theo Maspéro [34] khi Lý Tế Xuyên dẫn Sử Ký, hay Sử Ký của Đỗ Thiện tức là ta phải hiểu đó là một cuốn Sử: cuốn sử ký của Đỗ Thiện. Như thế, Đỗ Thiện đã được nhắc đến tất cả 8 lần trong những chuyện Hai Bà Trưng, thần Tô Lịch, Phạm Cự Lượng, Mục Thận, Trương Hống và Trương Hát, Lý Phục Man, Cao Lỗ, thần Đằng Châu. Riêng chuyện Lý Phục Man đã làm cho Maspéro chú ý. Đầu tiên, chuyện căn cứ vào Sử Ký của Đỗ Thiện kể lại việc tuần phương của Lý Thái Tổ, sự hiển linh của Lý Phục Man trước kia là thuộc tướng của Lý Nam Đế, sau đấy là việc lập đền theo lời đề nghị của Ngự sử Đại Phu Lương Văn Nhậm. Đến đây câu chuyện được chuyển từ đời Lý đến đời Nguyên Phong nhà Trần (1251-1258) nhắc đến việc thần hiển linh phù trợ cho vua tôi nhà Trần chống Thát Đát. Theo sử, Maspéro chỉ có biết một Đỗ Thiện, Đỗ Thiện mà vào khoảng tháng 2- 1127 trước ngày Lý Nhân Tông băng hà đã đến nhà Sùng Hiền Hầu để báo cho Hầu biết con của Hầu lên ngôi vua. Maspéro nhận thấy năm 1127 cách năm 1257 quá xa, do đó giả định có một Đỗ Thiện khác sống vào đầu thế kỉ XIV. Giả định của Maspéro đã bị Gaspardone bắt bẻ năm 1934, trong Bibliographie Annamite. Gaspardone viết: “Phải nhận rằng giai thoại về việc Thát Đát nhập khấu dẫn ra ở đó cũng như ở truyện tiếp theo sau là ở ngoài truyện Lý Phục Man”. Như thế nghĩa là một đàng không thể có một Đỗ Thiện khác ngoài Đỗ Thiện đời Lý, một đàng phải nhận rằng khi Lý Tế Xuyên dẫn chứng một tác giả ở đầu chuyện là không bắt buộc phải hiểu rằng cả chuyện ấy thuộc về tác giả hay tác phẩm đã dẫn. Mỗi khi Lý Tế Xuyên nhắc đến tên một tác phẩm, bao giờ ông cũng dùng chữ An nghĩa là xét, và như vậy, án không nghĩa là trích, là lấy cả đoạn văn của tác phẩm dẫn chứng làm của mình. Phương pháp của Lý Tế Xuyên là một phương pháp cổ truyền, dẫn một tác giả để tăng thêm uy lực của bằng chứng mà thôi, chẳng khác gì như La Bruyère khi viết cuốn Les Caractère đã phải nhân đề tác phẩm là: “Les Caractères de Théopraste trraduits du grec v.v…” [35]. Nếu không hiểu như thế, làm thế nào ta có thể giải thích được ý định của Lý Tế Xuyên khi ông dẫn 2 hay 3 tác phẩm cùng một lúc ở đầu chuyện, tỉ dụ trong chuyện Tô Lịch, tác giả đã xét Sử, Giao Châu Ký và Báo Cực Truyện. Có lẽ lại phải tạo ra một Đỗ Thiện nữa cũng không biết chừng! Như vậy, phương pháp sử dụng tài liệu lịch sử của Lý Tế Xuyên rất đúng quy tắc, nhờ đấy giá trị lịch sử của tác phẩm rất cao. Giá trị lịch sử của Việt Điện U Linh Tập không phải chỉ cốt yếu trong tính cách ấy mà thôi. Đọc Lý Tế Xuyên, ta đã hiểu cái tôn giáo của người Việt xưa như thế nào, cái luân lý nào đã điều động tinh thần của người Việt Nam; ta còn thấy trong tác phẩm ấy phong tục của người xưa, những nét tâm lý của một hạng người, những màu sắc của một chế độ. Ta thấy trong truyện Bố Cái Đại Vương và trong truyện Lê Phụng Hiểu sự kính phục của nhân dân đối với những bậc nam tử có sức mạnh hơn người, sự cạnh tranh về ảnh hưởng rõ rệt trong truyện Triệu Việt Vương, Lý Nam Đế, sự bạc tình tàn nhẫn của Nhã Lang trở thành độc địa trước sự ngây thơ tin chồng của Cảo Nương rồi tục gửi rể cũng trong truyện này, nỗi lo âu của một người cha khi chỉ có một con gái mà có những hai chàng trai tài như nhau đến xin cưới (chuyện Sơn Tinh và Thuỷ Tinh), rồi tục ăn hỏi, sự đau đớn khi người yêu của mình bị rơi vào tay người khác, đó là những sắc thái của một thời đại lịch sử đã rất xa nhưng vẫn còn nhiều điểm tương đồng với xã hội ta bây giờ. __ 26. Xem bài “Le protectorat général d’Annam vers la T’ang “ (BEFEO X, tr.539) 27. Tam Quốc Chí, Q.III 28. Xem Durand, Dân Việt Nam, số 3, trang 12 29. … La biographie dite de Che Sie était tout simplement une copie, modifiée et altérée du texte de l’Histoire de Wou (Sđd, tr.11). 30. Tiền Biên, III, 2 (lời bàn của Ngô Sĩ Liên) 31. Tiền Biên, IV, 31 32. Tiền Biên, IV, 27, 28 33. Tiểu sử 161, tờ 5‐6 34. Xem Maspéro, Etudes d’Histoire d’Annam 1) La dynastie des Lý Antérieurs (543‐601) trong BEFEO, XVI, 1916. 35. Théophraste là một triết gia Hy Lạp thế kỷ thứ IV trước công nguyên. Phần dịch của La Bruyère là phần phụ thuộc như để cầu sự che chở của nhà văn xưa.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang