[Việt Nam] Việc Làng
Chương 3 : Cái án ông cụ
Người đăng: Lịch sử Việt Nam
Ngày đăng: 10:18 09-09-2019
.
Bấy giờ đã quá trưa. Ánh nắng của mặt trời tháng năm thiêu đốt càng dữ. Trên đường thỉnh thoảng lại thấy khét như lửa cháy.
Bước rảo chừng hơn một tiếng đồng hồ, tôi cố phấn đấu với thần Hạn bạt và đi cho chóng đến cổng làng K.Q. để được nhờ sức che chở dưới bóng mát của một cây đa cổ thụ. Trong làng văng vẳng có tiếng ồn ào. Rồi một lũ tuần phu nghênh ngang đi ra đầu làng với một đoàn tay thước mã tấu, chiêng trống, cờ quạt, coi bộ như sắp có cuộc nghênh tiếp ông quan nào đó. Đôi mắt quáng nắng đã tỉnh, tôi đủng đỉnh đi vào giữa làng để tìm đến nhà người bạn. Tiếng ồn ào mỗi lúc mỗi rõ thêm. Và nó biến ra những câu gào khóc, thét lác, khi tôi thoạt tới đầu đình. Người làng làm gì mà đông như vậy? Họ đứng rải rác khắp trong giải vũ, ngoài tường bao lan, và họ lố nhố ở trước sân đình. Dưới giọt tiền tế, chiếc chiếu cạp đỏ cuộn thành một đống xù xù, như có người nằm ở trong. Cạnh đó, mấy vũng máu tím lênh láng đọng trên mặt gạch, ruồi nhặng bay đến dình dình, mùi tanh nồng nực pha trong hơi nắng. Trên sân tiền tế một người đàn ông lực lưỡng chễm chện ngồi với một con dao nhọn. Tuy hai khuỷu tay bị sợi thiếu cày ghì vào cây cột sau lưng, nhưng coi nét mặt vẫn thấy nhơn nhơn đắc ý.
- Ới anh ơi! Tôi đã can anh không nên gây thù gây oán, anh chẳng nghe tôi! Bây giờ anh chết bỏ mẹ con tôi bơ vơ, tôi biết nương tựa vào đâu! Ới anh ơi! Ới anh Quản ơi!
Một người đàn bà với bộ đầu tóc rũ rợi, gục vào trên chiếc chiếu cạp, vừa đập tay lên mặt đống chiếu vừa khóc bằng giọng thảm thiết. Dứt mấy tiếng tí tỉ, rên rẫm, người ấy bỗng đứng phắt dậy.
Và như con choi choi, chị ta nhẩy xổ đến trước tiền tế, hai tay đen đét đánh song thẳng vào mặt người bị trói, réo mãi tam tộc, ngũ phục nhà hắn, nguyền rủa một cách rất độc. Người kia cũng nham nhảm chửi lại:
- Ông chết thì thôi! Nếu ông còn sống thì ông sẽ giết cả nhà nhà mày; cái mạng của thằng chồng mày, ông coi như mạng chó vậy.
Chồm chồm như con trâu lồng, người đàn bà ấy nhảy vọt lên sân tiền tế, vớ luôn lấy con dao nhọn, chực đâm vào người đàn ông.
Mấy người chung quanh xúm lại kéo chị ta ra và khuyên: - Bà Quản không nên nóng quá. Việc đã có quan. Sát nhân giả tử! Bà không ngại! Lát nữa quan về, quan sẽ phân xử!
Hẳn là một vụ án mạng.
Tôi đoán như vậy và cố nén cơn lợm lòng bởi mùi hôi tanh của vũng máu tươi phơi nắng gây ra, để đi vào coi cái chết của kẻ bất đắc kỳ tử. Người này vào khoảng dưới bốn chục tuổi. Tuy bị chiếc chiếu phủ kín từ cổ đến gối, nhưng đầu và chân còn hở ra ngoài. Hình như hắn chết đã lâu. Một chân co ở trong chiếu, đầu gối dựng lên, làm cho chiếc chiếu thành ra cái hình khum khum. Chân nữa bê bết một lượt màu tím, vẫn duỗi thẳng dẵng trên gạch. Cái mặt anh ta mới đáng sợ chứ! Nó bị bốn năm vết chém rất sâu. Một vết ở má bên trái, rạch hằn gò má thành miếng thịt sắp rơi. Một vết ở mắt bên phải, ngăn đôi con mắt, giống như cái hình chữ thập. Trời nắng, da thịt bị nướng trong bầu không khí nóng nực, nó phải co lại, những vết thương đều rộng hoác ra, chẳng khác những vết nứt nẻ trên mình một con bò thui. Tôi đương rùng mình kinh sợ, đằng sau chợt thấy có người vỗ vai, khiến tôi giật mình quay lại. Đó là bạn tôi, người ở làng ấy. Không kịp chào tôi, anh ta hỏi một cách ngạc nhiên:
- Anh cũng đến xem cái án "ông cụ" đấy à?
- Không! Tôi đến thăm anh! Tình cờ thấy có sự lạ, nên còn đứng lại...
Anh ấy liền kéo tôi về nhà. Rồi vừa đi, anh ta vừa kể cho tôi nghe đầu đuôi vụ án mạng ấy. Thì ra cái người bị trói trên đình tên là Hai Thu, em ruột lý Xuân, chính là hung thủ vụ đó. Còn người bị giết thì là quản Thi, con trai ông Thư, một ông bô lão làng ấy. Sở dĩ xảy ra án mạng, chỉ vì một quân "ông cụ". Cha con ông Thư, trước kia chỉ là những người ngụ cư ở làng K.Q., theo tục lệ nhà quê, hạng dân ngụ cư, bao giờ cũng bị khinh rẻ. Ông ấy mấy lần muốn xin vào ngôi cho con, nhưng mà không được. Bởi vì nhà ấy đến ở làng này chưa được ba đời, cho nên người ta không nhận. Thình lình gặp có khóa lính, quan bắt rất gấp, trong làng không ai chịu đi. Lý trưởng phải gọi cả Thi. Thừa cơ, anh Thi yêu cầu cả làng ký kết cho mình nhập tịch và được hưởng đủ quyền lợi như mọi người khác, mới chịu ứng mộ. Bí quá, dân làng đành phải bằng lòng. Trời kia đất nọ, anh ta ra lính vài tháng thì được đóng bếp. Rồi thì chẳng bao lâu bác bếp Thi đã thành ra ông đội Thi. Đến lúc hưu trí, ông đội ấy nghiễm nhiên về làng với chức phó quản để ngồi vào ngôi tiên chỉ. Bỗng không bị một người ngoài đè đầu cưỡi cổ, cả làng ai cũng cay lắm, nhưng việc đã lỡ, còn biết nói sao.
Một hôm ở bàn tổ tôm trong một đám khao lão, có lý Xuân và ông cụ Thư cùng dự. Trong cỗ tổ tôm, có quân "bạch vạn" bôi đỏ, người ta thường gọi là quân "ông cụ". Khi nào bài ù, hết thảy là quân để trắng, chỉ có một quân "ông cụ" bôi đỏ, ấy là ván bài "kính cụ", được ăn tiền bằng ba những ván ù suông. Lúc ấy, một người trong cuộc, bốc "nọc" gặp phải một quân "ông cụ", hắn đùa và hỏi:
- “Ông cụ" của làng cũng được kính chứ?
Lý Xuân buột miệng trả lời:
- Chỉ kính "ông cụ" của nhà, ai kính "ông cụ" ngụ cư. Ông Thư nghe câu đó lấy làm căm tức, về nhà thuật lại với con; từ đó quản Thi đem lòng thù oán lý Xuân, và luôn luôn bới bèo ra bọ, để kiện lý Xuân. Nhờ có thần thế lại có nhiều tiền, quản Thi đã thành một vị thần thông, có phép đổi đen ra trắng. Kết cục, lý Xuân hết cả cơ nghiệp, bị cách lý trưởng, lại bị phạt tù sáu tháng. Hai Thu là đứa ngỗ nghịch, trước sự oan ức của người ruột thịt, cố nhiên hắn không chịu nhịn. Sáng nay nhân có việc làng, hắn bèn sinh sự cãi nhau với quản Thi, rồi sẵn con dao chọc tiết lợn, hắn đâm và chém quản Thi đến hai chục nhát. Một nhát trúng phổi, quản Thi chết không kịp ngáp. Kể hết câu chuyện bạn tôi nói thêm:
- Ngay lúc xảy ra án mạng, lý dịch làng tôi đã phải phái người lên phủ trình quan. Tử thi còn phải để đó, đợi quan về khám.
Rồi thì anh ta kết luận: - Vụ này có lẽ hai Thu sẽ bị ghép vào án tử hình. Vậy là một quân "ông cụ" giết chết hai mạng.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Bình luận truyện