[Việt Nam] Truyện ngắn Phạm Thái Quỳnh

Chương 5 : Hoa tháng tư

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 17:07 21-09-2018

Thấm thoắt, cô sinh viên Trường Y đã đứng ở tuyến đầu đuổi giặc hơn sáu tháng. Tháng tư đỏ nắng đỏ tiếng ve, rừng khoác áo lá long lanh. Tiếng ve đã đánh thức kỷ niệm trong Thu Loan. Tuy miền bắc bị giặc ném bom nhưng Thu Loan, Quốc Thắng, Hoài Nam thỉnh thoảng cũng đi dạo trên đường Cổ Ngư trong rực rỡ mầu đỏ phượng và tiếng ve sôi. Là sinh viên, họ đã trở thành bạn của nhau. Ðặc biệt hơn và thiêng liêng hơn, họ có chung quê gốc Sài Gòn. Năm 1954, họ theo ba má tập kết ra miền bắc. Người nhiều tuổi nhất là Quốc Thắng cũng chỉ mới lên bảy, Hoài Nam năm tuổi, Thu Loan "út ít" mới lên ba. Ra tới miền bắc, ba người lớn lên ở ba miền quê khác nhau. Rời mái ấm gia đình, họ gặp nhau ở Hà Nội, cùng học nghề cứu người, chung trường, khác lớp. Người cùng quê phải tha hương thường nhanh chóng tìm đến nhau. Quốc Thắng, Hoài Nam, Thu Loan không nằm ngoài tình cảm tự nhiên ấy. Cái tình cảm mà dù có thêm nghìn năm nữa cũng không hề cũ. Tiếng là gốc Sài Gòn nhưng trong họ chưa có ký ức về thành phố đầy nắng ấy. May ra chỉ có Quốc Thắng, anh mới lưu giữ được vài hình ảnh mờ nhạt về tuổi thơ. Vì năm rời Sài Gòn, Quốc Thắng đã bảy tuổi. Vậy là hồng cầu trong họ phần lớn do sông Hồng tạo nên. Tuy vậy qua ba má họ cũng hiểu chút ít về mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình. Ra tới miền bắc, thật hạnh phúc, Thu Loan được sống trong sự che chở của cả ba và má. Ba Thu Loan trong Vệ quốc đoàn với cương vị chính trị viên tiểu đoàn. Má Thu Loan là cứu thương. Tập kết ra bắc, chính trị viên Hoàng Ngọc Thảo được nhận công tác ở một quân khu bộ. Ông đã xin cho người bạn tao khang về làm việc với mình. Chín năm gian khổ, ông Thảo may mắn sống gần vị cán bộ cao cấp một thời gian. Ông Thảo đã được vị cán bộ ấy bổ túc cho những bài học sâu sắc về lịch sử, đất nước. Ðến lượt mình, ông lại nói cho con gái nghe những điều thiêng liêng ấy. Cái mốc xa nhất phải kể từ năm 1306, tướng quân Trần Khắc Chung tháp tùng Công chúa Huyền Trân về Chiêm. Hàng trăm trai tráng Ðại Việt đi theo bảo vệ Công chúa đã không thể trở lại Thăng Long. Họ đành sinh cơ lập nghiệp ở Chiêm quốc. Quan trọng nhất có lẽ là cái mốc 1558, tướng quân Nguyễn Hoàng xin vua Lê khai khẩn và trấn thủ Thuận Hóa. Từ đó, các chúa Nguyễn không ngừng tiến về nam. Năm 1697 chúa Nguyễn Phúc Chu cho tạo lập phủ Bình Thuận. Năm sau, ngài cho tướng quân Nguyễn Hữu Cảnh lập phủ Gia Ðịnh (Sài Gòn). Năm 1708, bản đồ Ðại Việt đã vươn tới Ðất Mũi ngày nay. Mười sáu năm sau, kể từ ngày nằm trên vòng tay ba má bước xuống tàu ra miền bắc, Thu Loan đã trúng tuyển vào trường đại học. Ba là người đã chọn nghề chữa bệnh cứu đời cho Thu Loan. Rời miền quê yên ả, Thu Loan ngơ ngác trước sắc mầu phường phố. Ðời sinh viên "ăn theo kẻng, ngủ giường tầng" với vài chục đồng phụ cấp, gian khổ và tằn tiện làm sao. Giữa những ngày nao nao nhớ nhà nhớ má, Thu Loan gặp hai thanh niên gốc Sài Gòn là Quốc Thắng và Hoài Nam. Từ đó, hai người trai đồng hương luôn chia sẻ vui buồn với một nữ sinh viên dịu dàng, đằm thắm. Quốc Thắng và Hoài Nam cầm được tấm bằng đại học phải mặc ngay áo lính. Người ra trường năm trước, người ra trường năm sau. Rất may, hai người được biên chế về một trung đoàn. Quốc Thắng trở thành sĩ quan tham mưu, Hoài Nam hên hơn, được về đại đội Quân y trung đoàn. Diễn biến chiến trường như cơn dông mùa hạ. Miền nam yêu cầu không thể không đáp ứng. Bởi vậy, một số sinh viên đại học Y phải đi chiến trường, dù chưa tốt nghiệp. Tuy thế, về cơ bản họ đã là thầy thuốc... Nhà trường đã cấp chứng chỉ cho những người phải ra tiền tuyến trước khi ra trường, trong số đó có Thu Loan. Thế là cô sinh viên quê gốc Sài Gòn trở thành bác sĩ quân y. Trên đường ra trận, câu thơ: "Mùa xuân này muốn tìm nhau xin hãy lên tuyến một" cứ vang lên trong Thu Loan. Nữ sĩ quan Quân Giải phóng thầm khen thơ "chiến trận" của Giang Nam đã làm rung động hàng ngàn trái tim thanh xuân. Câu thơ ấy đã đưa Thu Loan trở về với kỷ niệm tươi xanh thời sinh viên dưới mái trường. Quốc Thắng, Thu Loan cùng chung ước mơ khoa học, cùng khát khao mơ ước... Họ đã đến với nhau. Hôm chia tay nhập ngũ, Thắng hẹn Thu Loan sẽ làm lễ cưới tại thành phố quê hương, ngày Sài Gòn ngập tràn cờ hoa, biểu ngữ. Quốc Thắng đinh ninh Thu Loan tốt nghiệp, quân giải phóng đã tràn ngập Sài Gòn. Thế nhưng ngày đó chưa đến, Thu Loan đã thành đồng đội cùng chiến tuyến với anh. Khu Viện Quân y nối với các nơi qua một con đường nhỏ. Giáp Tết Ất Mão 1975, công binh mở một con đường rộng. Con đường cách viện chừng hai trăm mét. Ðường làm xong tới đâu được ngụy trang tới đó. Mọi người trong viện đoán chắc là sắp có đánh lớn. Rừng đã loáng thoáng búp non. Ðó đây đã có mấy đốm mai vàng. Thẳm sâu trong lòng, Thu Loan trào lên những nỗi nhớ: "Ba má giờ này đang làm gì ? Quốc Thắng đang ở đâu ? Hà Nội cữ này chắc đào đã bừng đỏ...". Vào một đêm cuối đông, Thu Loan nghe buổi "Tiếng thơ" trên Ðài. Cô bác sĩ quân y giải phóng muốn băng ngay về Sài Gòn bởi hai câu thơ của Lê Anh Xuân: "Cái quầng sáng bồn chồn thương nhớ ấy/ Cứ đêm đêm khắc khoải gọi ta về" qua giọng "vàng" của nghệ sĩ Trần Thị Tuyết. Rồi Thu Loan cầu mong cho điều tiên cảm của Quốc Thắng sớm thành sự thực. Chẳng hẹn, Xuân Ất Mão 1975 vẫn về. Lần đầu tiên trong đời, Thu Loan đón Tết xa nhà. Ðặc biệt hơn, cô gái Sài Gòn lớn lên ở đất bắc đón Tết ở chiến trường. Bài "Xuân chiến khu" của Xuân Hồng rộn rã vang lên. Chưa bao giờ Thu Loan nghe ca khúc này hay đến thế. Có lẽ cảnh rừng xuân chiến trận hợp với lời ca Xuân chiến khu khói mù tỏa lan mái nhà khiến lòng người xao xuyến. Rồi tháng ba đến, sấm sét rung chuyển Tây Nguyên. Cả miền nam vào trận. Thu Loan bồi hồi. Ngày gặp nhau ở thành phố hẳn không còn xa nữa... Một sự ngẫu nhiên, Quốc Thắng biết Thu Loan đã vào chiến trường và đang phục vụ tại Viện Quân y tiền phương N. Anh phóng đi một thư vu vơ. Nào ngờ, phong thư gửi gió gửi mây ấy lại tới tay Thu Loan. Vậy là cô biết Quốc Thắng sẽ hành quân qua viện. Còn Quốc Thắng hy vọng "thông điệp" của mình sẽ tới tay ý trung nhân. Khi yêu nhau, người ta có thể gửi niềm tin vào cái điều chưa xác định. Vào một ngày đầu tháng tư, con đường dã chiến trước viện quân y ùn ùn xe pháo. Từng đoàn xe như những cơn lốc bụi đỏ bay về phương nam. Thu Loan hy vọng... Bỗng một chiếc đại xa khựng lại trước viện. Từ trên xe, một chiến sĩ ôm bó hoa nhảy xuống, hỏi lớn: "Trong... viện... có... ai... là... Thu... Loan... không ? Trong... viện... có... ai... là... Thu... Loan... không ? Không đợi lời đáp lại, Quốc Thắng băng ngay vào viện. Tiếng gọi vọng tới. Thu Loan ngờ ngợ và coi đó chỉ là ảo giác. Tiếng của Quốc Thắng lại vọng tới. Thu Loan giật mình: "Thôi đúng rồi". Ðôi chân son của Thu Loan bay trên cát sỏi, lao về phía có tiếng gọi. Phút chốc, hai người đã nhận ra nhau. - T..h...u... L...o...a...n ! - A...n...h... T...h...ắ...n...g ! Một tay ôm hoa, một tay dang rộng, Quốc Thắng choàng lấy Thu Loan. Những giọt thanh xuân của Thu Loan làm lồng ngực nở nang của Quốc Thắng nóng ran. Từ phía đoàn xe, những tiếng nói dội tới : - Hôn đi ! - Thắng hôn đi chứ ! - Hôn nhanh lên rồi còn vào Sài Gòn, chậm chân chỉ có nhặt ống bơ thôi. Thắng bối rối hôn lên đôi môi nóng bỏng của Thu Loan. Các chiến sĩ vỗ tay hoan hô. Trao vội bó cây hoa cho Thu Loan, Quốc Thắng nói: - Giống hoa quý đấy, gắng chờ anh nhé ! - Em chờ ! Em chờ ! Quốc Thắng hối hả quay ra nhảy lên xe. Chiếc đại xa chìm vào bụi đỏ cuốn về nam. Thu Loan sững sờ vẫy theo. Làn bụi đỏ đã tít tắp cuối trời mà Thu Loan vẫn đứng. Bỗng cơn dông ập tới, mưa rơi xối xả, Thu Loan đành lững thững quay vào viện. Giống hoa Quốc Thắng tặng Thu Loan bén đất đã xanh trở lại thì Sài Gòn giải phóng. Viện quân y vẫn tạm thời trụ lại ở khu rừng già để điều trị cho thương binh nhẹ và bệnh binh. Với những thương binh nặng, viện chuyển ngay lên tuyến trên. Nhớ Quốc Thắng, Thu Loan ngày ngày bón tưới cho cây và chờ đợi. Rồi cây đã đơm hoa. Bông to như hoa đồng tiền, đài xanh thẫm, cánh hồng tươi, nhụy trắng tuyết, hương trong ngần thanh tao. Hai mùa giống hoa quý cho hương, người đi vẫn chưa trở lại. Viện quân y tiền phương giải tán. Thu Loan chuyển về một bệnh viện của quân đội tại Sài Gòn. Sống giữa thành phố quê hương, lòng Thu Loan lại hướng tới những nơi vô định. Ðể khuây khỏa lòng, Thu Loan sớm chiều đăm đắm trông hoa... Một năm qua đi, rồi hai năm qua đi. Năm thứ ba, Thu Loan hy vọng. Ðến năm thứ tư, hy vọng héo dần. Một chiều, Thu Loan đang bâng quơ ngước theo làn mây trắng thì có một người lính xuất hiện. Cái nhìn chằm chằm khiến chị khó chịu. Bỗng người lính lên tiếng : - Thu Loan không nhận ra mình sao ? Thu Loan giật mình: "Có phải tiếng nói của Hoài Nam?". Một thoáng suy nghĩ, Thu Loan chợt hiểu. Râu tóc bù xù cùng thời gian khói lửa đã cướp đi gương mặt thư sinh của Hoài Nam: - Có phải Hoài Nam không ? - Không Hoài Nam thì là ai ? - Trời ơi ! Cậu thật à ! Mấy năm qua, ở đâu ? - Vào Sài Gòn rồi đi biên giới ngay. - Quốc Thắng đâu ? Lúc ấy, Hoài Nam mới quẳng ba-lô xuống và nhìn Thu Loan bằng ánh mắt u buồn. - Sao Hoài Nam cứ im lặng vậy ? Hoài Nam vẫn không hé miệng. Trong một linh cảm không lành, Thu Loan thăm dò: - Sự thực nhiều khi không ngọt ngào nhưng không né tránh được đâu... Hoài Nam vẫn im như phỗng đá. Thu Loan như không kìm lòng hơn được: - Chờ đợi là nỗi khủng khiếp nhưng không khủng khiếp bằng sự chờ đợi mà không biết đến bao giờ mới kết thúc. Hoài Nam đau đớn: - Thắng hy sinh rồi ! Lặng đi một lúc rồi bật khóc. Một lát sau, Thu Loan hỏi : - Ở đâu ? - Bị thương trước cổng Bộ Tổng tham mưu ngụy. Gần năm giờ chiều ngày 30 tháng 4, Thắng đi... Thu Loan nói trong tiếng nấc : - Anh Thắng có nói lại điều gì không ? - Thắng nói là có lỗi vì không cùng Thu Loan mừng quê hương được giải phóng. Thu Loan lại bật khóc. Hoài Nam bùi ngùi: - Thu Loan à... đau đớn lớn... nhưng chiến tranh mà... Trước sự đau đớn tột cùng của Thu Loan, Hoài Nam không dám đưa ra lá thư ký thác của Quốc Thắng có liên quan đến mình. Thuở sinh viên, dẫu Hoài Nam có giấu kín tình cảm như thế nào, Thu Loan cũng biết. Tốt hơn hết, lúc này nên cáo lui. Nghĩ vậy, anh bèn nói : - Sau ngày giải phóng Sài Gòn, mình phải ra ngay biên giới, nằm khàn ngoài đó. Mình mới về Sài Gòn được ít bữa. Còn nhiều việc phải làm. Thu Loan bằng lòng cho mình đi giải quyết một số việc. Mươi ngày nữa, mình quay lại. Thu Loan lau nước mắt đau đớn: - Hoài Nam gắng sớm quay lại. Mình muốn biết khoảng thời gian anh Thắng cùng Hoài Nam lăn lộn ở chiến trường. Hoài Nam chia tay Thu Loan với những bước chân trĩu nặng. Hơn nửa tháng sau, anh quay lại. Tấm hình Quốc Thắng đã ngự trên bàn thờ. Anh thắp hương khấn rồi ngước nhìn bạn. Chợt Hoài Nam nhận ra, một bài thơ có nhan đề "Hoa Tháng Tư" viết nắn nót, lồng trong khung kính, đặt gần bức ảnh. Từng dòng thơ lập lòe trong mắt Hoài Nam : Anh ghé qua một ngày Tháng Tư Trao cho em một loài hoa quý Rồi vội vã ra đi Xe pháo nối nhau tung bụi đỏ Như cơn dông lửa cuốn về nam Mầm hoa đã bao lần dâng hoa Ðài hoa mang màu áo trận Cánh hoa đỏ lửa mặt trời Hoa tên gì anh không kịp dặn Bao năm rồi hoa vẫn không tên Hoa nở đợi anh mòn ngày mòn tháng Bao Tháng Tư qua người vẫn vắng Nhớ thương anh tên tháng hóa tên hoa Hoa Tháng Tư ơi Hoa Tháng Tư Trái tim em mang màu hoa ấy Bên hoa em được bên anh Trăm năm ngàn hoa âm thầm nở Hương nghiêng về phía bình minh... Hoài Nam sững sờ. Anh không thể đưa thư Quốc Thắng cho Thu Loan được nữa. Phó Viện trưởng Viện Quân y Mai Tiến Thuần là người Hà Nội đã để mắt đến Thu Loan từ ngày chị về viện nhận công tác. Là người tự trọng, anh đã cố kìm nén tình cảm... Biết Thu Loan đang trĩu buồn, anh làm những việc cần thiết có thể để Thu Loan vợi niềm đau. Nhưng năm nào cũng vậy, cứ năm giờ chiều ngày 30 tháng 4, Thu Loan lại tới nơi Quốc Thắng ngã xuống để thắp hương và dâng những bông Hoa Tháng Tư đẹp nhất. Tuy vậy, anh không nản chí... Bỗng vào một ngày của năm 1982, Thu Loan đọc được bài thơ "Hoa Tháng Tư" của mình trên một tờ báo. Qua người tổng biên tập, Thu Loan đã tìm ra người gửi bài thơ tới tờ báo ấy. Gặp lại Hoài Nam, Thu Loan rụng rời chân tay. Anh đang nằm trong một viện quân y. Thần chết đã nắm được một tay của anh. Thủ phạm đã tàn phá cơ thể anh là đi-ô-xin. Thu Loan trách Hoài Nam nằm viện mà không báo cho chị biết. Hoài Nam khẽ cười rồi lấy ra từ túi áo ngực một phong thư đưa cho Thu Loan. Bóc vội bì thư, Thu Loan nghiến ngấu đọc. Nước mắt Thu Loan thấm đẫm từng nét chữ. Rồi chị nghẹn ngào: - Sao đến hôm nay anh mới đưa thư này cho em ? - Anh định sau khi đã lập gia đình riêng mới đưa. Nhưng cái ngày ấy với anh không có nữa. Em không đến thăm thì anh cũng nhờ người mang thư đến. Vì đây là ký thác của Quốc Thắng. Anh không thể có lỗi với người đã khuất. Nhìn chằm chằm Hoài Nam. Thu Loan nói : - Ðã là ký thác của anh Thắng, em và anh không thể không làm... Hoài Nam kiên quyết: - Anh không thể ! - Anh không làm thì em làm. Mặc cho Hoài Nam biện minh. Thu Loan nhờ người về mời Phó viện trưởng Mai Tiến Thuần. Phó viện trưởng vừa tới, Thu Loan hỏi ngay: - Anh có thật lòng yêu tôi không ? - Sao lại không thật ? - Vậy anh đọc thư này đi. Ánh mắt của Mai Tiến Thuần nuốt từng chữ, rồi anh hỏi : - Tôi phải làm gì bây giờ ? - Sự sống của anh Nam chỉ còn tính từng ngày, từng giờ. Không làm ngay không kịp đâu. - Phải lo đăng ký đã chứ ? - Không cần. Anh cố lo cho nhanh kẻo... Phó viện trưởng ba chân bốn cẳng lo liệu. Ðám cưới của Hoài Nam và Thu Loan được tổ chức ngay tối hôm đó. Hoa cưới của hai người là những bông Hoa Tháng Tư. Một nữ bác sĩ trong viện đã ngâm bài "Hoa Tháng Tư". Những người dự đám cưới không ai cầm được nước mắt. Với Thu Loan, những ngày Tháng Tư năm 1975 lại đau đáu hiện về... Sau đám cưới của hai người được sáu giờ đồng hồ, Hoài Nam đi vào cõi vĩnh hằng, Thu Loan như người mộng du, đi lang thang, hết gọi Quốc Thắng lại gọi Hoài Nam. Ba người con Sài Gòn rời thành phố quê hương từ lúc đầu còn để chỏm. Họ đã lớn lên bằng dòng sữa Phong Châu và trí tuệ được mở mang dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. Ðiều thiêng liêng là họ cùng nhau tham gia giải phóng quê hương. Máu của hai người đã thắm đỏ mảnh đất nơi họ cất tiếng khóc làm người.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang