[Việt Nam] Truyền Kỳ Mạn Lục

Chương 19 : Cuộc nói chuyện thơ ở Kim Hoa

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 23:08 27-08-2018

Huyện Kim Hoa (1) có người con gái họ Ngô tên Chi Lan, là bậc nội trợ hiền của vị tiên sinh họ Phù. Nàng chữ tốt văn hay, nhất là thơ ca càng giỏi lắm. Đức Thuần hoàng đế (Thánh Tông) triều nhà Lê yêu tài văn mặc, vời nàng vào cung, giao cho việc dạy các cung nữ. Mỗi khi yến tiệc, nàng thường ôm quyển đứng chầu hầu vua, hễ vua phán làm thơ, chỉ thoắt chốc đã làm xong ngay, không cần phải chữa sửa gì cả. Năm ngoài 40 tuổi nàng mất, táng ở cánh bãi Tây Nguyên. Cuối đời Đoan Khánh (2) có người học trò là Mao Tử biên đến du học ở Kinh thành, lâu ngày nhớ nhà, bèn về thăm quê ở huyện Đồng Hỷ thuộc Thái Nguyên. Đường về qua hạt huyện Kim Hoa, chợt gặp cơn mưa gió. Thôn xa đồng vắng, trời lại tối sập xuống. Tử Biên đưa mắt nhìn quanh, thấy ở đàng nam có bóng đèn thấp thoáng, bèn rảo bước đến. Đến nơi thì thấy có mấy gian nhà tranh ở giữa khoảng cây cối rậm rạp. Tử Biên nhân lúc túng bí, nói xin vào ngủ nhờ; song người coi cổng không cho vào. Chàng trông vào trong nhà, thấy một ông già đương ngồi ở giữa giường, bên cạnh có một vị mỹ nhân, trâm ngọc hài cườm, coi như một vị phi tần vậy. Mỹ nhân nói với ra, bảo người coi cổng: - Canh khuya đêm vắng, trời lại mưa gió, người ta xin ngủ nhờ không cho thì người ta ngủ đâu bây giờ. Thấy chủ nhà nói vậy, Tử Biên vén áo bước vào, nghỉ nhờ ở mái hiên phía nam nhà khách. Gần đến trống hai, chàng thấy có một người mày râu đã nửa phần trắng bạc, hai vai cao trội cưỡi một con lừa tía đi đến. Ông già xuống thềm đón tiếp nói: - Đường xa lận đận đến chơi, tiên sinh vất vả quá! Khách nói: - Trót đã ước hẹn, không nỡ sai lời. Chỉ buồn mưa gió đầy thành, Phần Lão thơ ngâm đến đành bỏ dở (3) mất. Chủ khách bèn chia ngôi cùng ngồi đối diện bàn luận văn chương, cả phu nhân cũng dự nhưng ngồi thấp xuống một bậc. Ông khách thấy phu nhân có làm bốn bài từ bốn mùa đề vào bốn bức bình bằng vân mẫu, bèn thử đọc xem: Bức thứ nhất: Xuân từ Sơ tình huân nhân thiên tự túy, Diệm dương lâu đài phù noãn khí. Cách liêm liễu nhứ độ oanh thoa, Nhiễu hạm hoa tu xuyên điệp xí. Giai tiền hồng tuyến nhật thiêm trường, Phấn hãn vi vi tẩm lục thường. Tiểu tử bất tri xuân tứ khổ, Khuynh thân hàm tiếu quá nha sàng. Dịch: Hun người nắng mới, như say, Lâu đài ấm áp nhuốm đầy dương quang. Cách rèm liễu biếc oanh vàng, Quanh hiên cái bướm mơ màng bên hoa. Trước thềm ánh nhật dài ra, Mầu hôi dâm dấp xiêm là đượm xanh. Sầu xuân nặng trĩu bên mình, Ngây thơ gã nhỏ lanh chanh cợt cười. Bức thứ hai: hạ từ Phong xuy lựu hoa hồng phiến phiến, Giai nhân nhàn đủ thu thiên viện. Thương xuân bối lập nhất hoàng oanh, Tích cảnh ai đề song tử yến. Đình châm vô ngữ thúy my đê, Quyện ỷ sa song mộng dục mê. Khước quái quyển liêm nhân hoàn khởi, Hương hồn chung bất đáo Liêu Tê (Tây). Dịch: Gió rung hoa lựu tơi bời, Trên đầu tha thướt dáng người mỹ nhân. Oanh vàng ủ rũ thương xuân, Một đôi én tía họa vần trong cây. Dừng kim rủ thấp đôi mày, Nương song hồn mộng xa bay cuối trời. Cuộn rèm nheo nhéo kia ai, Cho hồn chẳng tới cõi ngoài Liêu Tây. Bài thứ ba: thu từ Thanh thương phù không trừng tễ cảnh, Sương tín dao tương cô nhạn ảnh. Thập trượng liên tàn ngọc tỉnh hương, Tam canh phong lạc Ngô giang lãnh. Phi huỳnh dạ độ bích lan can, Y bạc nan câm tiễn tiễn hàn. Thanh đoạn động tiêu ngưng lập cửu, Dao đài hà xứ mịch tham loan. Dịch: Hơi may hiu hắt bầu không, Tinh sương thấp thoáng cánh hồng xa bay. Sen tàn giếng hãy thơm lây, Ba canh gió thổi lạnh đầy sông Ngô. Bên lan đóm lượn ra vô, Phong phanh áo mỏng hơi lùa căm căm. Tiếng tiêu đã đứt âm thầm, Đài Dao đâu tá khôn nhằm dấu loan. Bức thứ tư: đông từ Bảo lô bát hỏa ngân bình tiểu, Nhất bôi La Phù phá thanh hiểu. Tuyết tương lãnh ý thấu sơ liêm, Phong đệ khinh băng lạc hàn chiểu. Mỹ nhân kim trướng yểm lưu tô, Chỉ hộ vân song phiến phiến hồ. ám lý vãn hồi xuân thế giới, Nhất tru phương tín tiểu sơn cô. Dịch: Lò hương nhóm ngọn lửa hồng, La Phù (4) một chén ấm lòng ban mai. Lọt rèm tuyết lạnh lồng hơi, Gió đưa băng rụng tơi bời mặt ao. Mỹ nhân trướng gấm rủ thao, Cửa hồ phất giấy song cao vắng người. Thần đem xuân lại cho đời, Đầu non chớm nở một trời mai hoa. Ông khách đọc xong than rằng: - Nam Châu nếu không có tôi, biết đâu phu nhân chẳng là tay tuyệt xướng, mà tôi nếu không có phu nhân, biết đâu chẳng là tay kiệt xuất trong một thời. Thế mới biết lời đồn quả không ngoa thật. Phu nhân nói: - Tài tôi nhỏ mọn, đâu dám so sánh với ngài trong muôn một. May mà gặp được tiên triều, hằng chầu hầu nghiên bút, cho nên mới thông lề luật, chắp nối thành bài. Một hôm tôi nhân đi chơi núi Vệ Linh (5), tức là nơi đức Đổng Thiên vương bay lên trời, tôi có đề rằng: Vệ Linh xuân thụ bạch vân nhàn, Vạn tử thiên hồng diệm thế gian. Thiết mã tại thiên danh tại sử, Anh uy lẫm lẫm mãn giang san. Dịch: Vệ Linh mây trắng tỏa cây xuân, Hồng tía muôn hoa đẹp cảnh trần. Ngựa sắt về trời, danh ở sử, Oai thanh còn dậy khắp xa gần. Sau vài tháng, bài ấy truyền khắp trong cung, đức Hoàng thượng rất là khen ngợi, ban cho một bộ áo. Lại một hôm, Hoàng thượng ngự ở cửa Thanh Dương, sai quan Thị thư họ Nguyễn làm bài từ khúc uyên ương. Bài làm xong nhưng Hoàng thượng không vừa ý, ngoảnh bảo tôi rằng: - Văn nàng cũng hay lắm, hãy thử đem tài hoa gấm cho trẫm xem nào. Tôi vâng mệnh, cầm bút làm xong ngay, có hai câu cuối thế này: Ngưng bích phi thành kim điện ngõa, Trứu hồng chức tựu Cẩm Giang la. Dịch: Biếc đọng kết nên ngói đền vàng, Hồng châu dệt thành lụa Cẩm Giang. Hoàng thượng khen ngợi hồi lâu, ban cho 5 đĩnh vàng, lại gọi là "Phù gia nữ học sĩ". Từ đó tôi nức tiếng đương thời, được làng văn mặc coi trọng, đại khái đều do sức giúp của đấng Tiên hoàng cả. Đến khi đức Thuần hoàng đế thăng hà tôi có làm bài thơ viếng rằng: Tam thập dư niên củng tử thần, Cửu chân tứ hải hựu đồng nhân. Đông tây địa thác dư đồ đại, Hoàng đế thiên khôi sự nghiệp tân. Tuyết ủng chân du vô xứ mịch, Hoa thôi Thượng uyển vị thùy xuân. Dạ lai do tác quân thiều mộng, Trướng vọng Kiều Sơn chức lệ cân. Dịch: Ba chục năm hơn ngự điện vàng, Chín châu bốn bể gội ân quang. Quy mô Hoàng đế trời cao cả, Bờ cõi đông tây đất mở mang. Tuyết hộ xe loan mờ mịt bóng, Hoa phô vườn cấm bẽ bàng hương. Quân thiều (6) đêm vắng mơ thường thấy, Xa ngóng Kiều Sơn (7) lệ mấy hàng. Ông khách nói: - Bài thơ tuy không có gì mới lạ nhưng thương nhớ có thừa, rất hợp với ý thái của người đời xưa. Thơ của người đời xưa, lấy hùng hồn làm gốc, bình đạm làm khéo, câu tuy ngắn nhưng ý thì dài, lời tuy gần nhưng nghĩa thì xa. Người thời này thì lại khác hẳn, hễ không có giọng đong đưa tất có giọng mỉa giễu, làm phú Cao đường thì bôi xấu Thần nữ (8), làm ca Thất tịch, thì nói mỉa Thiên Tôn (9), bày chuyện đặt điều, không còn cách nào tệ hơn nữa. Vì thế mà tôi những thương đời chán cảnh. Phu nhân lặng nghe, bất giác ứa hai hàng nước mắt. Ông khách hỏi thì phu nhân nói: - Tôi thờ đức Thánh Tông lâu năm rồi lại thờ đức Hiến Tông (10), nghĩa kết vua tôi, nhưng tình thật như cha con vậy, lúc chầu hầu, khi lui tới, không cần giữ ý tỵ hiềm. Không ngờ vì thế mà những kẻ thiển bạc, bày chuyện nói xằng, thường làm những câu thơ mỉa giễu. Như là câu: Quân vương yếu dục tiêu nhàn hận, Ưng hoán Kim Hoa học sĩ lai. Dịch: Quân vương nếu muốn khuây buồn nản, Hãy gọi Kim Hoa học sĩ vào. Và như: Yến bãi long lâu thi lực quyện, Lục canh lưu đãi hiểu miên trì. Dịch: Tiệc cạn lầu rồng sức thơ mỏi, Canh dài giữ đợi giấc nằm trưa. Sĩ quân tử ở trong danh giáo, thiếu gì thú vui hà tất lại lấy không làm có, trỏ phải ra quấy, đem chữ nghĩa ra mà đùa cợt như vậy. Ông khách nói: - Nào có một mình phu nhân như thế đâu! Xưa nay những người trinh liệt bị ngòi bút trào phúng làm cho bực mình biết bao nhiêu mà kể. Xem như Hằng Nga là tiên trên nguyệt điện, có kẻ vịnh thơ như thế này: Hằng nga ưng hối thâu linh dược, Bích hải thanh thiên dạ dạ tâm. Dịch: Hằng Nga hối trót ăn linh dược (11), Tẻ lạnh trời cao đêm lại đêm. Lộng Ngọc là gái phi thăng, có kẻ vịnh thơ như thế này: Như hà hậu nhật Tần Đài mộng, Bất kiến Tiêu lang kiến Thẩm lang. Dịch: Tần Đài sau giấc mơ đêm đó, Không thấy Tiêu lang, thấy Thẩm lang (12). Vào cửa hầu thì nói mượn Lục Châu (13), mỉa họ Vũ thì đặt chuyện Vũ Hậu thổ (14). Toàn những giọng nói xằng buộc nhảm. Ước sao đem được dòng nước sông Lô để vì người xưa gột rửa những bài thơ xú ác ấy đi. Phu nhân thu nước mắt rồi nói: - Không có tiên sinh biết cho, có lẽ tôi thành một hòn ngọc khuê có dấu vết, lấy gì mài cho sáng, rũa cho sạch được. Song đêm đẹp dễ qua, tiệc vui khó kiếm. Bữa nay vợ chồng tôi cùng tiên sinh hội ngộ, chúng ta chẳng nói những chuyện ấy nữa, chỉ thêm buồn vô ích mà thôi. Nhân bàn đến thơ văn bản triều, ông khách nói: - Thơ ông Chuyết Am (15) kỳ lạ mà tiêu tao, thơ ông Vu Liêu (16) cao vọi mà khích thích, thơ ông Tùng Xuyên (17) như chàng trai xông trận, có vẻ sấn sổ, thơ ông Cúc Pha (18) như cô gái chơi xuân, có vẻ mềm yếu. Đến như ông Đỗ ở Kim Hoa, (19) ông Trần ở Ngọc Tái (20), ông Đàm ở Ông Mặc (21), ông Vũ ở Đường An (22), không phải là không ngang dọc tung hoành, nhưng cầu lấy lời chín lẽ tới, có thể khiến cho làng phong nhã phải phục thì chỉ duy những bài đầy lời trung ái của ông Nguyễn ức Trai (23), lòng lúc nào cũng chẳng quên vua, có thể chen vào môn hộ của Đỗ Thiếu Lăng được. Còn đến giọng thơ biến hóa được khói mây, lời thơ quan hệ đến phong giáo, thì lão phu đây cũng chẳng kém thua ai mấy. Câu chuyện như vậy có thể chép ra đến bốn năm nghìn chữ, nhưng Tử Biên không thể nhớ hết. Chàng đứng nghe lóng ở kẽ vách đến một hồi lâu. Bỗng chàng để có tiếng sột soạt, bị ông khách nhận thấy, ông nói: - Cuộc hội họp hôm nay thật là hiếm được, vậy mà tựa như có người nghe trộm. Những câu chuyện phong lưu của chúng mình, sợ bị họ đem phao truyền ra. Tiên sinh không thấy biết gì ư? Phu nhân nói: - Thì đến những kẻ nho sinh cầm bút sau này họ cho chúng mình là bàn xằng nói nhảm là cùng chứ gì, có hề chi sự ấy. Tử Biên chẳng biết là ý nói thế nào, chàng rảo bước đi vào, phục lạy ở trước chỗ ba người ngồi chơi và hỏi về thi tứ. Ông khách liền rút ở trong lòng ra một quyển sách, ước trăm trang giấy, trao cho chàng mà bảo: - Cứ về mà giở quyển này ra, sẽ tha hồ đọc, bất tất phải tìm ở tập nào khác nữa. Một lúc sau bầu nghiêng chén cạn, chủ khách vái chào từ giã nhau. Ông khách ra rồi, Tử Biên cũng đi nằm ngủ. Đến lúc mặt trời đã mọc, chàng ngồi vùng dậy, té ra thấy mình nằm trên cỏ, áo đầm những sương, chỉ có đông tây hai ngôi mộ nhà ai nằm đó. Mở quyển sách ra xem thấy toàn là những giấy trắng chỉ có bốn chữ "Lã Đường thi tập" nét mực còn óng ánh chưa khô. Bấy giờ chàng mới hiểu ông khách ấy, tức là Lã Đường Sái tiên sinh (24) và hỏi thăm người ở đây, mới biết hai mộ này là mộ vợ chồng quan Giáo thụ họ Phù (25). Tử Biên bèn tìm đến làng Sái tiên sinh, dò hỏi di cảo tập thơ Lã Đường, thấy gián nhấm mọt gặm, tản mác mất cả. Chàng nhân đi xa gần để hỏi han, hết sức cóp nhặt, dù nửa câu, một chữ cũng không bỏ sót. Cho nên từ khi Triều Lê dựng nghiệp thi sĩ có đến hơn trăm nhà, mà duy tập thơ của ông Sái thịnh hành, đại khái đều do công sức của Mao Tử Biên cả. Chú thích (1) Kim Hoa: nguyên chú: "Tên huyện, thuộc xứ Kinh Bắc. Chi Lan người xã Phủ Lỗ", nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Ngô Chi Lan là vợ quan Giáo thu Phù Thúc Hoành, dạy Kinh Dịch ở trường Quốc Tử Giám, sau được thụ chức Hàn lâm học sĩ. Ông người làng Phù Xá cùng huyện. Tên phu nhân họ Phù có sách ghi là Liễu Hạ Huệ. (2) Đoan Khánh: niên hiệu của Lê Uy Mục từ 1505 đến 1509. (3) Phần Lão: tức Phan Đại Lâm đời Tống, Phần Lão là tên tự; đang đêm ông làm thơ, chợt có người đến thúc thuế, cụt hứng phải bỏ dở. (4) Rượu La Phù: La Phù là tên một ngọn núi ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Tương truyền Cát Hồng đời Đông Tấn học được phép thuật của tiên ở đây. Rượu La Phù: rượu tiên. (5) Vệ Linh: nguyên chú: "Núi Vệ Linh ở huyện Kim Hoa, xã Vệ Linh, nay tên là núi Ninh Sóc"; nay thuộc ngoại thành Hà Nội. (6) Quân thiều: khúc nhạc trên trời. Thiều: khúc nhạc; Quân: Quân thiên; vùng trời trung ương, nơi ở của Thượng đế, ý nói đêm thường chiêm bao lên chốn cung trời, được vua cho nghe khúc nhạc trên trời. (7) Kiều Sơn: Hoàng đế, vị vua thời Thái cổ của Trung Quốc mất, táng ở Kiều Sơn, nhưng quan tài chỉ có mũ áo, kiếm, tương truyền Hoàng Đế đã thăng thiên. ở đây nói về lăng mộ vua Thánh Tông. (8) Phú Cao đường của Tống Ngọc, một nhà từ phú nước Sở thời Chiến quốc. Trong tác phẩm nói đến cuộc hội ngộ mây mưa giữa thần núi Vu Sơn và Sở Hoài Vương. (9) Ca Thất tịch: của Trương Lỗi (1054 - 1114), một thi nhân đời Bắc Tống, chịu ảnh hưởng nhiều của Bạch Cư Dị, Trương Tịch, thơ văn bình dị, giàu tính nhân văn. Ông đỗ Tiến sĩ khoảng niên hiệu Hy Ninh (1068 - 1077), từng làm đến chức Thái thường Thiếu khanh. Ông có tên hiệu là Kha Sơn, tự là Văn Tiềm, người đương thời còn gọi là Uyển Khâu tiên sinh. Thiên tôn: chỉ Chức Nữ. (10) Hiến Tông: vua thứ sáu nhà Lê, ở ngôi: 1498 - 1504. (11) Hằng Nga là vợ Hậu Nghệ, lấy trộm thuốc trường sinh của Vương mẫu mà nuốt rồi bay lên cung trăng, Hậu Nghệ nắm áo kéo lại nhưng không được. Câu thơ "Bình hải thanh thiên dạ dạ tâm" là của Lý Nghĩa Sơn đời Đường. (12) Lộng Ngọc là con gái Tần Mục công, vợ Tiêu Sử. Thẩm á Chi trong năm Thái Hòa đời Đường, một hôm ngủ trưa ở nhà trọ, chiêm bao thấy Tần Mục Công triệu tới, nói Tiêu Sử đã chết, đem Lộng Ngọc gả cho, ở với nhau được một năm, Lộng Ngọc cũng mất; tỉnh dậy hóa ra một giấc mơ. (13) Lục Châu: vợ lẽ của Thạch Sùng. Khi bị Triệu Vương Luân cưỡng bức lấy về, nàng gieo mình từ trên lầu cao xuống tự tử. Thôi Giao khi thương tiếc người mình yêu bị bán vào nhà quan Liêu suy Vu Định có câu: Lục Châu thùy lệ thấp la cân (Nàng Lục Châu nhỏ lệ ướt khăn là). (14) Vũ Hậu Thổ: đời Đường Vũ Hậu chiếm ngôi vua của con. Bà có tính hoang dâm; người bấy giờ đặt chuyện thần Hậu Thổ nằm với trai là Vi An Đạo để nói cạnh Vũ Hậu. (15) Chuyết Am: tên hiệu vua Lý Tử Tấn (1378-1454), người làng Triều Đông, huyện Thượng Phúc (Thường Tín, Hà Tây ngày nay), đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) năm 1400 đời nhà Hồ, sau làm quan nhà Lê đến chức Hàn lâm. (16) Vu Liêu: Nguyễn Trực (1417-1473), tự là Công Dĩnh, Vu Liêu có lẽ là hiệu; người làng Bối Khê, huyện Thanh Oai (nay thuộc Hà Tây), đỗ Trạng nguyên năm Đại Bảo thứ 3 (1442), làm quan dưới thời Lê Thánh Tông đến chức Hàn lâm viện Thừa chỉ, Trung thư lệnh kiêm Quốc tử giám Tế tửu, từng đi sứ Trung Quốc, có thi tập. (17) Tùng xuyên: chưa rõ là ai. (18) Cúc Pha: tên hiệu của Nguyễn Mộng Tuân (?-?), người làng Phủ Lý, huyện Đông Sơn (nay thuộc Thanh Hóa), đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) năm 1400 đời Hồ, làm quan đời Lê đến chức Khinh xa đô úy, Tả nạp ngôn, có tập thơ Cúc Pha. (19) Đỗ Nhuận (1446-?): người xã Kim Hoa, huyện Kim Hoa, nay thuộc xã Kim Hoa, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc, đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm Quang Thuận thứ 7 (1466). Thời Lê Thánh Tông làm quan đến chức Thượng thư, Đông các đại học sĩ, Tao đàn phó nguyên súy. (20) Ông Trần ở Ngọc Tái: chưa rõ tiểu sử. (21) Đàm Thận Huy (1463-1526): hiệu Mặc Trai người làng Ông Mặc, huyện Đông Ngàn, nay là thôn Ông Mặc, xã Hương Mạc, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh, đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm Hồng Đức thứ 21 (1490), làm quan đến chức Lễ bộ Thượng thư, khi nhà Mạc đoạt ngôi nhà Lê ông lui về Bắc Giang mộ binh chống lại. Việc không thành, ông uống thuốc độc tự tử; có thi tập. (22) Vũ Quỳnh (1453-1497): người xã Mộ Trạch huyện Đường An, nay là thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Cẩm Bình, tỉnh Hải Dương. Đỗ Hoàng giáp niên hiệu Hồng Đức thứ 9 (1478), làm quan đến chức Binh bộ Thượng thư, Quốc tử giám Tư nghiệp, Quốc sử quán Tổng tài. (23) Nguyễn ức Trai: tức Nguyễn Trãi. Xem chú thích 3, Chuyện kỳ ngộ ở Trại Tây. (24) Sái Thuận (Sái còn đọc là Thái) (1441-?): người xã Liễu Lâm, huyện Siêu Loại, nay thuộc xã Song Liễu, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân năm Hồng Đức thứ 6 (1475), nhiều năm làm quan ở viện Hàn lâm, sau giữ chức Tham chính sứ Hải Dương, hội viên Hội Tao đàn. Sái Thuận tự là Nghĩa Hòa, hiệu Lục Khê, biệt hiệu Lã Đường, hiện còn tập Lã Đường di cảo. (25) Xem chú thích 1, cùng truyện.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang