[Việt Nam] Trong Rừng Nho
Chương Phụ lục : Những điều ít biết về tiểu thuyết Trong rừng Nho của nhà văn Ngô Tất Tố (Cao Đắc Điểm)
Người đăng: Lịch sử Việt Nam
Ngày đăng: 09:45 09-09-2019
.
Tiểu thuyết Trong rừng Nho hay Hồ Xuân Hương nhìn qua dã sử là tác phẩm độc đáo của nhà văn Ngô Tất Tố (1894 – 1954), lần đầu tiên tác giả cho đăng trên tuần báo Tiểu thuyết thứ ba năm 1937, sau đây viết gọn là Bản 1937. Năm 1990, Nhà xuất bản Đà Nẵng đã xuất bản sách Trong rừng Nho – Dã sử Hồ Xuân Hương (sau đây viết gọn là Bản 1990). Đến năm 1997, Tập IV của bộ Ngô Tất Tố toàn tập và trong sách Ngô Tất Tố tiểu thuyết của Nxb. Văn học đều có in Trong rừng Nho – Dã sử Hồ Xuân Hương, sau đây viết gọn là Bản 1997.
Thư viện Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh hiện đang lưu giữ bản gốc các số 29, 30, 31 và 32 của tuần báo Tiểu thuyết thứ ba trên đó có đăng Trong rừng Nho.
*
“Trong rừng Nho hay Hồ Xuân Hương nhìn qua dã sử” ra đời là dấu ấn độc đáo, ghi nhận tài năng và nghệ thuật sáng tác đặc sắc về “lối viết mới” của một trong những tác phẩm văn chương đầu tay của Ngô Tất Tố.
Tác giả nhấn mạnh “nhìn qua dã sử”, ngụ ý là, từ nguồn gốc dân gian tác giả viết về Hồ Xuân Hương mà không từ “chính sử”, càng không phải là chuyện “hư cấu”.
Từ kho tàng thơ văn bất hủ của Hồ Xuân Hương, tác giả dầy công chọn lọc, sử dụng những bài hay nhất và hóa thân nhuần nhuyễn “vào vai nữ thi sĩ” để giới thiệu một cách tao nhã, linh thiêng những điều trần tục dân dã, tự nhiên trong đời thường của con người.
Kết quả đối chiếu, so sánh nội dung của ba bản (Bản 1937 với 4 kỳ đăng báo, Bản 1990, Bản 1997) cho thấy:
1. Bản 1997 đã bỏ qua lối viết theo hướng hiện đại, với chủ tâm muốn nêu bật những điều cần diễn đạt, nhằm tạo sự quan tâm đặc biệt của người đọc trong văn phong tác phẩm Trong rừng Nho của Ngô Tất Tố
Là người “vừa từ bỏ bút lông sang dùng bút sắt”, giữa lúc chữ quốc ngữ “còn đang nhất sơ thành lập”, trong cách viết ở Bản 1937, Ngô Tất Tố đã sớm hiện đại hóa, đã có chủ tâm in chữ trong ngoặc kép, đặc biệt là in chữ nghiêng để nhấn mạnh và khơi gợi những điều cần lưu ý bạn đọc.
a. Về bản lĩnh xử thế của Hồ Xuân Hương, Ngô Tất Tố cố ý cho in nghiêng các chữ: “ta cứ sống bằng ý muốn của ta, ta không sống theo sở thích của người”.
Bản 1990 đã trung thành, nghiêm túc thực hiện đúng theo bản gốc. Ngược lại, Bản 1997 đã không in nghiêng mà in tất cả thành kiểu chữ thường.
b. Khi hóa thân vào vai nữ sĩ để tức cảnh viết bài “Tát nước gầu sòng”, Bản 1937 cũng hết sức chú trọng việc phải cho in chữ nghiêng như sau:
“Xưa nay thi gia vẫn dùng những chữ gió, trăng, mây, móc, gấm, vóc, ngọc, vàng kia chứ, ai dám đem những tiếng ấy vào thơ?… Phải! Có nắng cực mới phải tát nước, đã tát nước thì phải dạng hang, tức cảnh “tát nước gầu sòng” dùng mấy tiếng đó kể cũng sát lắm, thế thì dù có chớt nhả cũng không can chi, sao lại có kẻ bẻ vành bẻ vẻ?” (Xin lưu ý: “dạng hang” ở đây có thể là cách đọc biến âm của “dạng háng”).
Một lần nữa, Bản 1997 đều cho in tất cả thành chữ thường, khiến bạn đọc không tiếp cận hết biệt tài “ẩn dụ” khi sắp xếp ngôn từ trong thơ văn của nữ sĩ.
Nếu chỉ đọc lướt qua hoặc cảm thụ văn học hạn hẹp, sẽ cho rằng đây là những điều nhỏ mọn, không nhận ra được tài năng lạ thường, sâu lắng, rất ấn tượng, rất mới về sức sáng tạo nghệ thuật của bút lực hiện thực khi tác giả viết Trong rừng Nho. Đây không phải chỉ là “hình thức” mà là cách diễn tả cô đọng, súc tích rất cao trong cách viết “hiện đại hóa” của tác giả vốn xuất thân từ “cựu học”.
2. Bản 1997 có nhiều chỗ in sai, tự ý thêm bớt so với Bản 1937
Những lỗi in sai, thêm bớt gồm: “trường thành” in sai là “tường thành”, “cái hia rát con bướm bằng bạc” đã thêm chữ “vàng” in thành “cái hia rát con bướm vàng bằng bạc”, “với nhau mãi mãi như thế” đã bỏ đi một chữ “mãi”, “ấu học ngũ ngôn thi” in sai thành “ấu học ngũ ngôn thiên” (đây là lỗi sai nghiêm trọng), “vê mồi thuốc lào dặt vào nõ điếu”, “dặt” là ấn nhẹ nhàng, in sai thành chữ “đặt”.
3. Những chỗ Bản 1997 sao chép y hệt nội dung mà Bản 1990 đã sửa nhưng không đúng so với Bản 1937
Bản 1997 đã sao chép nội dung từ Bản 1990 gồm: “các đồ đạc xúc xích”, đổi “xúc xích “ thành “lúc lích”, “chừng khoảng thửng buổi”, thay chữ “thửng” thành “nửa”, “đĩ lỗng”, chúng tôi không tìm thấy từ “lỗng” trong các tự điển Hán, Hán Nôm (ở đây có thể là “đĩ lộng” tức là “đĩ bợm”, rất sành sỏi), “một người sư ông chắp tay”, bỏ chữ “người” trước chữ “sư ông”, “một lũ sư ông ở đằng sau”, thay chữ “lũ” thành chữ “nhóm”.
4. Tiểu thuyết Trong rừng Nho từ đăng báo chuyển sang in thành sách do nhà xuất bản nào thực hiện, vào năm nào?
Trong Lời dẫn khi in Trong rừng Nho, Bản 1997 đã viết: “Tiểu thuyết Trong rừng Nho lần đầu tiên được Nhà in Mai Lĩnh xuất bản” nhưng không ghi cụ thể “xuất bản” năm nào, xuất bản dưới dạng gì khiến bạn đọc dễ ngộ nhận là Nhà Mai Lĩnh đã từng in Trong rừng Nho thành sách. Hàng loạt “trang mạng xã hội” trong những năm gần đây, khi đăng Trong rừng Nho đều “cứ ghi ào ào” là “in năm 1942” (!?).
Hơn 50 năm sau, lần đầu tiên mới xuất hiện Bản 1990 do Nxb. Đà Nẵng in, Lời nói đầu viết: “Bản thảo được ra đời rời rạc trên các số báo, chưa kịp tập hợp thành sách”. Việc làm của Nxb. Đà Nẵng được giới nghiên cứu văn học và đông đảo công chúng hoan nghênh. Nhà văn Nguyễn Đức Hùng tức Đà Linh, thay mặt Lãnh đạo nhà xuất bản đã cám ơn nhà văn Hồng Diệu kịp thời có bài viết trân trọng, đánh giá cao việc in Trong rừng Nho thành sách của Nxb. Đà Nẵng.
Kết quả tìm rất kỹ thư mục của Thư viện Quốc gia tại Hà Nội, của Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh và nhiều thư viện khác, kể cả trong quyển Nhà xuất bản Mai Lĩnh của Nxb. Hội Nhà văn in năm 1993, cho biết đều không tìm thấy sách Trong rừng Nho do nhà Mai Lĩnh xuất bản năm nào, ở đâu mà chỉ thấy có Bản 1990 của Nxb. Đà Nẵng.
Kết luận
Dù mới chỉ dựa vào nội dung của 4 kỳ đăng trên tuần báo Tiểu thuyết thứ ba cũng đã thấy những điều mà Bản 1997 không trung thực, không theo đúng với Bản 1937.
Ước nguyện của chúng tôi là tiếp tục tìm thấy toàn bộ nội dung Trong rừng Nho in trên Tiểu thuyết thứ ba. Nhân dịp này, chúng tôi mong nhận được hồi âm từ bạn đọc, từ giới sưu tầm, nghiên cứu về các phần còn lại của tác phẩm gửi cho chúng tôi thông qua Tuần báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.
Mặc dầu đã tồn tại 20 năm nay nhưng do có những lỗi sai, đặc biệt là sự sai khác so với Bản 1937 mà chưa từng được phát hiện và có những dấu hiệu là Bản 1997 đã sao chép lại những lỗi sai của Bản 1990, nên không thể dùng bản này để tiếp tục tái bản Tiểu thuyết Trong rừng Nho.
Để tái bản Tiểu thuyết Trong rừng Nho phải xuất phát từ nội dung Bản 1937, kết hợp với nội dung của Bản 1990, đồng thời cần phải có chú giải về văn bản học, về giải nghĩa các từ, các cụm từ khó hiểu. Làm như vậy, vừa là tôn trọng, vừa là bảo vệ vô thời hạn quyền nhân thân của tác giả, vừa phù hợp với yêu cầu nghiêm cẩn của khoa văn bản học đồng thời góp phần bảo tồn lâu dài, bền vững di sản văn chương của tiền nhân để lại.
Tháng 9-2017
Cao Đắc Điểm
(Quận Cầu Giấy, Hà Nội)
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 477
http://tuanbaovannghetphcm.vn/nhung-dieu-it-biet-ve-tieu-thuyet-trong-rung-nho-cua-nha-van-ngo-tat-to-so-477/
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Bình luận truyện