[Việt Nam] Trong Rừng Nho
Chương 1 : Chương 1
Người đăng: Lịch sử Việt Nam
Ngày đăng: 09:41 09-09-2019
.
Đêm ấy không có trăng.
Phố phường Hà Nội đã theo cảnh tượng trời đất, biến thành một vật đen xì.
Vũ trụ thu lại vùng ánh sáng của mấy cây đình liệu. Gió bấc ào ào thổi.
Chín, mười ngọn lửa lớn bằng chín mười cái bịch, hết thảy điên cuồng lồng phách như muốn lìa những bó đuốc nứa, nhẩy vọt lên tầng mịt mù.
Quang cảnh trường thi hôm nay càng rộn ràng hơn mấy hôm trước.
Dưới lớp ngói ống của nhà "thập đạo", xiêm áo xen với cờ quạt, thấp thoáng hiện trước bóng đèn lồng.
Trong những gian chòi canh lơ lửng gác ở lưng trời, hiệu trống cái đi đôi với hiệu thanh la, thong thả đưa những giọng oai hùng trịnh trọng.
Ngoài dãy phên nứa hùng vĩ như bức tường thành quây kín bốn "vi" nền trường, đội lính trú phòng rầm rập theo vó ngựa của viên giám trường đề điệu, tiếng nhong nhóng của nhạc ngựa hóa lộn tiếng dình dình của trống quân.
Trên nếp cửa tiền, một bức hoành biển dài dằng dặc như chiếc thuyền thoi, nghênh ngang nằm gối đầu vào đôi đồng trụ. Với bông hoa sen chỉnh chọe kết ở chính giữa và đôi trái găng lủng lẳng treo ở đôi đầu, làm "diềm" phủ trên mép biển dường muốn phô vẻ thắm của tấm nhiễu điều. Với màu sơn son lóng lánh in ánh lửa sáng choang: cái khung chữ nhật, như có ý khoe nét vàng của bốn chữ "Tân hưng thịnh điển."
Từ mặt tiền qua phía tả đến mặt hậu, cũng như từ mặt hậu qua phía hữu đến mặt tiền, bốn cửa ở bốn góc đều ngỏ thênh thang. Mấy cái khung bảng chứa hàng mấy nghìn tên người cùng ngảnh cái mặt "rán giấy" ra đường, như đương ngóng các thầy sĩ tử. Mấy chiếc ghế tréo cao chín mười bậc cùng duỗi bốn chân đứng cạnh các cửa, như đương đợi mấy ông khảo quan.
Hai cửa của vi tả vi hữu ở đằng sau, cũng như hai cửa của vi giáp vi ất ở đằng trước, toán lính kiểm soát đã chực ngoài cửa bằng dáng bộ nghiêm trang. Tấm áo nẹp xanh thân đỏ gọn gàng nấp dưới chiếc nón dấu sơn quang dầu. Những sợi dây tòng của tay thước khảm trai, bông bênh rủ trên miếng ban kiên sạc sỡ.
Khoảng đầu canh ba, tiếng ồn ào tự nẻo xa xa đưa lại, học trò các nơi tới tấp kéo đến cửa trường.
Gió bấc thổi càng dữ.
Những cây đình liệu cháy càng nỏ.
Trên miếng đất giá lạnh của trời đông, bóng người đông như đám hội.
Có người đến bảy tám mươi tuổi, mái tóc bạc phất phơ xòa dưới nón sơn. Cũng có người mới độ mười bốn, mười ba, hồng mao còn ngất nghểu ngóng trên vành khăn nhiễu. Có người mặt non mơn mởn chỉ vào trạc mười tám đôi mươi. Cũng có người râu dài lê thê, ít ra phải năm sáu chục tuổi. Có người ra tuồng kiết xác, cái thân gầy guộc co ro sưởi trong mảnh áo đơn. Cũng có người rất mực phong lưu, áo bông quấn sù sù, hàm răng vẫn run cầm cập. Có người hai vai nặng trĩu, khuỷu tay còn đủ sức thích bên kia, gạt bên nọ, len từ ngoài tít vào trong cùng. Cũng có người cất cổ không lên, lều, chiếu đều bị lôi xềnh xệch ở mặt đất. Vênh cái mặt dương dương tự đắc, đó là người mới thi lần đầu.
Dúm trên trán những nét lo âu, ấy là người lao đao trường ốc.
Đủ các nhân vật. Đủ các bộ dạng.
Đêm càng khuya, học trò kéo ra càng nhiều. Ai vào vi nào, lật đật tìm đến cửa vi ấy. Dưới hàng vạn nón chóp lố nhố đứng ở bốn cửa, hàng vạn con người trang thức cùng một lối như nhau: sườn này cái chõng tre và bộ gọng lều, sườn kia thì bó áo tơi và cuộn áo lều hoặc một đôi chiếu cói, trên ngực quả bầu be và chiếc ống quyển, dưới bụng thì cái yên mộc hay cái tráp sơn.
Bấy nhiêu đồ vật nặng có, nhẹ có, lớn có, bé có, dài có, ngắn có, hết thẩy xúm lại và đu lên cổ các ông thư sinh.
Hình như trời bắt bao nhiêu ông cống, ông đồ, trước khi bước lên đường công danh, đều phải tập làm anh phu tải. Kẻ chen vào, người đẩy ra, kẻ du đi, người kéo lại, dưới bóng lửa sáng, đám người bị dồn dập, bị xô đẩy, cồn cộn như lớp sóng nước triều. Tiếng gọi nhau, tiếng hỏi nhau, tiếng mắng nhau, tiếng cãi nhau, tiếng lầm rầm, nói chuyện với nhau, các thứ tiếng ấy hợp lại, thành một cái vọng ầm ầm, bốn khu cửa trường giống như bốn cái chợ lớn.
Sang đầu canh tư, các cây đình liệu đều cháy già một nửa. Tàn nứa đỏ ối theo ngọn gió bấc tản mác bay khắp giữa trời. Rồi từ từ, nó rơi xuống đám đầu người, xuống quãng đất không, xuống những nơi xa tít, nếu nó không bị tắt ở bóng tối.
Trong nhà thập đạo, trống khẩu gióng, kiểng đồng, nện đủ ba hồi chín tiếng, các bóng đèn đều bị lay động, các ông quan trường cắt nhau mỗi người xuống mỗi vi. Bốn ông ngự sử đem hết chức trách đàn hặc lên bốn chòi canh. Hai ông phân khảo tiến ra cửa hai vi tả hữu với cái quyền "nửa nội nửa ngoại. Ông phó chủ khảo theo biển "phụng chỉ" đến cửa vi ất. Còn cửa vi giáp, vẫn là phần ông chánh chủ khảo trông nom.
Hai hàng đèn lồng lấp ló soi hai bên đường, một đôi lọng vàng nghiêm chỉnh rước lá cờ "khâm sai" đi đằng trước đường, ông chủ trường thi và cái mũ cánh chuồn, cái hốt ngà voi, cái đai kim tuyến, cái áo thủy ba, cái hia rát con bướm vàng bằng bạc, khúm núm núp dưới bốn chiếc lọng xanh chóp bạc, thong thả đi từ nhà thập đạo ra cửa trường. Cũng như mấy ông phó khảo phân khảo ở các cửa kia. Ông chánh chủ khảo vâng mệnh lệnh tôn nghiêm của lá cờ vua ban, khoan thai bước lên mặt ghế tréo và ngồi chỉnh choẹ vợi một chồng quyển thi của học trò. Lọng vàng lọng xanh lại lần lượt làm theo phận sự. Nghĩa là bốn cái lọng xanh cùng che vào ông chủ khảo, hai cái lọng vàng thì che cho lá cờ "khâm sai".
Tiếng ầm ầm ở khu đất của trường tự nhiên im bặt, mấy nghìn con mắt đều đổ dồn vào viên đại thần đứng đầu khảo quan.
Bỗng như phá bầu yên lặng: "Báo oán giả tiền nhập! Báo ân giả thứ nhập! Sĩ từ thứ thứ nhập!" - Dứt mấy tiếng loa chiếu lệ, ậm ọc ở trên chòi canh. Người lính đứng cạnh ghế tréo của ông chủ khảo theo miệng người lại phòng cầm sổ cũng đứng chỗ ấy, bắc loa đọc tên họ học trò.
Một tiếng dạ bật lên trong đám đông.
Một người thiếu niên liều mạng lách qua "vòng vây , đệ các đồ đạc kềnh càng đến khu đất trước ông chủ khảo.
Toán lính kiểm soát bắt đầu làm việc.
Họ giở bỏ áo tơi và cuốn áo lều, họ dòm những cái chõng, chân chõng, họ ghé vào ống đựng quyển và quả bầu be đựng nước, họ lần giải lưng và vuốt các gấu áo gấu quần, họ cởi tung cả bộ gọng lều, rồi họ lục soát đến cái tráp sơn.
Ngoài một thoi mực, một cái nghiên, vài cái bút, một cái dùi vở, một tập giấy bản và mấy cái bánh giò, mấy cái bánh dầy, vài cái chả trâu, vài miếng cơm nắm, vài miếng thịt rang, trong tráp không có vật gì khả nghi.
Người thiếu niên ấy được phép lĩnh quyển thi của người lại phòng, và tung tăng đi vào trong trường với các đồ đạc lúc lích, vấn quanh vai quanh cổ.
Đến lượt người khác theo tiếng loa gọi tiến vào.
Người này cũng không có sách thạch bản hay văn cũ chữ kiện chi hết, nhưng các đồ lặt vặt không đựng bằng tráp mà đựng bằng yên, và trong cái yên lại thêm một bộ bàn đèn thuốc phiện. Thuốc phiện không phải vật bị cấm, người ấy cũng được lĩnh quyển vào trường.
Người lính cầm loa lại gọi đến tên người nữa.
Cũng không có thứ gì gian lậu, nhưng ở trong tráp người ấy lại có một dầm con. Thì ra ông có chứng đi kiết, phải dùng thứ khí giới ấy để vùi cái bã văn chương xuống nền lều, nếu khi làm văn chẳng may bệnh phát.
Mang dầm vào trường không có tội gì. Người ấy được qua cứa trường như hai người kia, sau khi đã nhận quyển thi bỏ vào ống quyển.
Tên người khác nữa được nhắc lại trong miệng loa đồng.
Các vật cần dùng của người này không khác gì của mấy người trước. Riêng có thứ đồ đựng nước không phải là quả bầu be mà là một cái lọ sành rộng miệng.
Ngạc nhiên, người lính kiểm soát thò que khoắng dưới trôn lọ, tức thì ở trên mặt nước có vật tròn tròn nổi lên.
Càng lấy làm lạ, người lính kia vội vớt vật ấy ra bửa ra xem. Té ra một mớ giấy bản viết chữ nhỏ hơn con kiến, người ta đã vo tròn lại và trát một lượt sáp ong ở khắp chung quanh.
Của phi pháp liền bị tịch thu, và cái tội "mang sách vào trường" tức khắc đưa học trò gian ngoan ra khỏi nơi thi cử.
Người lại phòng, người lính cầm loa và bọn lính kiểm soát lại tiếp tục làm việc như thường.
Chừng nửa canh năm, sương mù ở các cây đình liệu đã lui xuống gần mặt đất, ánh sáng cũng biến ra sắc úa vàng.
Đám người và đám lều chõng đã chuyển hết ba phần tư vào trường, khu đất ngoài trường chỉ còn lơ thơ vài trăm học trò, tiếng ồn ào dần dần êm dịu.
Mặt trời mọc, các cây đình liệu cũng vừa cháy hết, vũ trụ đã khôi phục cảnh tượng xinh đẹp và mông mênh của ban ngày.
Trong miếng đất giáp với cửa trường, một chàng trai trẻ thơ thẩn đợi sự - khám xét của bọn lính kiểm soát. Bộ mặt tuấn tú cố chọi vẻ kiều diễm với ánh nắng buổi mai. Đôi mắt long lanh như muốn hút cả sơn hà thành quách. Quần áo đồ đạc chàng ấy không có thứ gì phạm cấm, chỉ duy cái ngực sao lại nở nang mẩy lớn, hơi khác với ngực người thường.
Lục hết cái món linh tinh, cố nhiên bọn hạnh kiểm soát không quên soát cái chỗ mà họ đã nghi ngờ đó.
Vừa thục tay vào lần trong áo chàng ta, thì người lính ấy lập tức rút luôn tay ra, dáng bộ giẫy nẩy giống như đụng phải nước nóng.
Những người gần đó hau háu nhìn chàng tuổi trẻ bằng đôi mắt ngờ vực, có kẻ bảo chàng ấy giắt nhiều sách vở giấy má trong mình, có kẻ lại đổ trong mình chàng ta hẳn có hung khí hoặc phù chú chi đó.
- Bẩm quan lớn, người này không phải đàn ông.
Sau tiếng trình giật giọng của người lính kiểm soát, ông chủ khảo trọ trẹ gắt gỏng:
- Sao mi hay Bẩm quan lớn, con thấy...
Rồi ngập ngừng, người lính như không dám nói nốt.
- Mi thấy cái chi?
Người lính lại ngập ngừng:
- Bẩm con thấy. . .
Sự thông minh của chủ khảo đã do sự ngập ngừng đó mà biết được cái người lính đã thấy, ngó mặt người trẻ tuổi, ông ấy hỏi một cách nghiêm nghị:
- Có thật mi là đàn bà không?
Đích thực đàn bà, người ấy không dám chối cãi. Lệnh nghiêm từ trên ghế tréo đưa xuống.
Người đàn bà ấy phải bỏ chiếu, lều, chõng, tráp ở cửa trường, theo luôn sợi thừng của lính kiểm soát để đi ra dinh tổng đốc.
Trong đám đông, những ông sĩ tử còn đợi tiếng gọi, xôn xao người nọ hỏi người kia:
- Cô ả nào mà to gan thế - Quê quán chị ta ở đâu, có ai biết không?
- Cô ta ở phường Khán Xuân, chứ đâu.
- A! Cái cô ái nam ấy ư?
- Phải, chính cô ái nam ấy đấy!
- Hoài của nhỉ! người thế mà ái nam!
- Cô ả học hành khá lắm phải không?
- Chẳng khá lại dám giả trai đi thi? Giỏi lắm đấy chứ, kém gì nàng Văn Tú Tài?
- Các ông dám khen nó giỏi, tôi thì tôi cho là đồ đ...,"Nữ ngôn bất xuất", chữ sách để đâu? Một người con gái đã có đọc sách mà dám len lỏi vào thi với đám con trai, thì còn biết danh giá là cái gì nữa. Dầu hay ! "Tám vạn ngậm tư" cũng là đồ bỏ.
- Chẳng những đồ bỏ mà thôi, lại còn cái tội "khi quân" nữa chứ. Giả làm con trai đi thi đó là khi quân chứ gì! Rồi các ông xem, chị ta được "giảo giam hậu là nhẹ, nếu tội ấy vào người đàn ông thì phải "trảm quyết". Cứ thế, người ta cứ chĩa vào mặt người con gái mà cãi vã với nhau mãi như thế.
Mặc cho những tiếng mỉa mai, những lời khen ngợi bay ngoài lỗ tai, cô gái lạ đời cứ việc đi qua trước mặt mọi người bằng dáng bộ thản nhiên.
Mặt trời lên cao.
Ánh nắng đã làm tan bớt giá rét.
Khu đất ngoài trường dần dần vắng teo.
Câu chuyện "thi gian" của cô ả ái nam, nửa theo các ông học trò vào trong vi giáp, nửa đi với bọn hàng quà hàng bánh ra các phố phường.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Bình luận truyện