[Việt Nam] Trần Khắc Chung

Chương 5 : 5

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 23:11 16-09-2018

Sau khi đã hoàn thành sứ mạng một cách mỹ mãn, Đoàn Nhữ Hài lập tức trở về Thăng Long báo tin. vua Anh Tôn rất mừng. Ngài nói: - Không ngờ công việc thành tựu dễ dàng đến thế! Dân ta lại có thêm một số đất đai để làm ăn! Ta có Nhữ Hài chẳng khác chi Hán Cao tổ được Trần Bình! Các đại thần đều vui vẻ chúc mừng. vua Anh Tôn lại nói: - Vậy là mọi phía đều ổn. Đất nước ta được mở rộng thêm mà không tốn xương máu! Rồi đây một số trong các khanh sẽ được giao trọng trách trấn nhậm vùng đất mới. Dân mới, đất lạ, việc điều hành, chăn dắt không dễ dàng gì. Phải chọn người có thực tài, biết uyển chuyển, tế nhị mới gánh vác được! Trẫm nói trước để các khanh chuẩn bị tinh thần. Chuyến ra đi của Huyền Trân công chúa là một cống hiến lớn cho tổ quốc mà xưa nay hiếm thấy. Tất cả con dân Đại việt đều phải biết ơn công chúa. vì vậy trẫm phải chuẩn bị thật chu đáo để đưa công chúa lên đường. Hành trang công chúa sẽ mang theo không phải vàng bạc châu báu mà là lòng dũng cảm, đức hi sinh, tính lạc quan để dễ dàng thích nghi với hoàn cảnh mới. Mớ hành trang đó phần lớn ta trông cậy vào đám giảng quan các khanh, nhất là Khắc Chung và Trà Hoa. Thời gian không còn bao lâu nữa, ta mong các khanh sẽ vì ta, vì công chúa mà gắng sức! Các quan đều thưa: - vì việc quốc gia cả, chúng thần đâu dám tiếc sức! Thế rồi vua Anh Tôn truyền lấy vàng, lụa thưởng công Đoàn Nhữ Hài và cho mở đại yến đãi bá quan. ° ° ° Từ khi Trà Hoa dạy tiếng Chiêm cho công chúa, vua Anh Tôn luôn theo dõi việc học hành của em gái mình. Trà Hoa tuổi đã lớn, dáng người lại hơi cục mịch, thật thà. Ông rất chu đáo với công việc được giao phó. Trà Hoa thường giảng giải chữ nghĩa, cách phát âm rất rành mạch, tường tận nên công chúa cũng tiếp thu khá dễ dàng. Thấy việc học tiếng Chiêm của công chúa tiến bộ rõ rệt, vua Anh Tôn rất mừng. Một hôm vua nói với Trà Hoa: - Theo như hẹn ước, chỉ còn sáu tháng nữa Chiêm vương sẽ cho người sang rước công chúa. Lâu nay ta vẫn theo dõi việc học hành của em ta. về văn chương chữ nghĩa, kiến thức xã hội coi như tạm được cả. Riêng về ngôn ngữ và những hiểu biết cần thiết về đất nước Chiêm Thành thì em ta còn yếu. Điều đó rất bất lợi cho em ta khi về Chiêm. vậy, kể từ hôm nay Huyền Trân sẽ chỉ chuyên tâm học về ngôn ngữ và phong tục Chiêm Thành. Các môn khác đều ngưng hết. việc này chỉ có Trà Hoa mới giúp ta được. Khanh nên hi sinh nhiều thì giờ hơn để giảng dạy cho công chúa. Liệu có gì trở ngại không? Trà Hoa vui vẻ thưa: - Bệ hạ đã dạy, hạ thần xin cố gắng hết mình. Khắc Chung nghe vua ban lệnh mới thì giật mình. Nếu làm theo lệnh ấy thì từ nay ông khó còn dịp để gặp gỡ Huyền Trân. Tự nhiên ông cảm thấy bàng hoàng như mất mát một cái gì to lớn. Trong số học viên của ông, người mà ông luôn cảm thấy gần gũi, thân thiết nhất chỉ có Huyền Trân. Cốt cách cao sang, vẻ đẹp rực rỡ tự nhiên, đầu óc thông minh nhanh nhẹn, cách đối xử thân mật với mọi người, tất cả những điểm đó của công chúa đã gieo vào lòng Khắc Chung một niềm cảm mến sâu xa. Mối tình cảm đó đã đôi lúc khiến trong đầu Khắc Chung dậy lên những mơ ước hồ đồ. Công chúa sắp lấy chồng xa xứ, biết đâu lại chẳng xa cách ông vĩnh viễn? Khắc Chung làm sao tránh khỏi bùi ngùi xúc động? Phút chốc đầu óc bén nhạy của ông liền hoạt động, ông tâu với vua Anh Tôn: - Bệ hạ yên chí. Nếu bệ hạ không chê thần bất tài, thần xin hiệp sức với Trà Hoa để cùng dạy công chúa. Thần xin bảo đảm, tới khi được rước về Chiêm Thành, công chúa đã thành thục mọi mặt như một người Chiêm thứ thiệt. Vua Anh Tôn nhìn Khắc Chung ái ngại: - Trẫm thấy khanh công việc hơi bề bộn nên không muốn phiền khanh. Khắc Chung thưa: - Xin bệ hạ chớ ngại. Hằng ngày hạ thần sẽ vào triều sớm hơn để giải quyết xong xuôi công việc trước khi vào giảng dạy cho công chúa. Vua Anh Tôn thấy Khắc Chung nói chắc như vậy cũng nghe theo, ngài nói: - Khanh đã có thành ý như vậy thì tùy khanh. Hai khanh hợp sức với nhau để làm việc. Trẫm sẽ thưởng công xứng đáng cho hai khanh. Nhiều vị đại thần vốn ghét Khắc Chung láy mắt nói nhỏ với nhau: - Bon chen tới nước đó là cùng! - Y muốn mượn sức người khác để mưu lợi cho mình! Có lẽ Khắc Chung cũng đoán biết sẽ có những lời lẽ dèm chê ấy. Nhưng ông đâu màng lý tới. Ông cũng chẳng cần biết Trà Hoa có vui vẻ với sự góp sức của ông không. Nhà vua đã phán như vậy Trà Hoa biết làm gì hơn được? Dù sao Khắc Chung cũng là ân nhân của Trà Hoa, Trà Hoa đâu dám có ý kiến gì? Từ hôm ấy, Khắc Chung luôn thu xếp thì giờ để có mặt hầu hết các buổi dạy của Trà Hoa. Những ngày đó, ông thức dậy thật sớm, đến chỗ làm, tất bật giải quyết công việc. Sau đó lại lật đật vào cung cùng Trà Hoa giảng dạy. Khắc Chung rất khéo léo trong vai trò diễn giảng. Ông đã làm sáng tỏ thêm những lời Trà Hoa nói để công chúa dễ hiểu hơn. Nhưng việc làm ấy của Khắc Chung vẫn chỉ là đề tài để các đồng liêu của ông đàm tiếu với nhau. Dưới mắt họ, sự năng nổ của Khắc Chung vẫn có tính cách trình diễn hơn là thực tâm. Để kiểm nghiệm những gì công chúa đã học được, một hôm, vua cho lựa ba kiều dân Chiêm Thành đưa vào cung nói chuyện với công chúa trước sự chứng kiến của ngài. Ngài cho phép ba người Chiêm hỏi công chúa bất cứ điều gì. Chính Trần Khắc Chung là người thông ngôn cuộc nói chuyện ấy cho vua nghe. Khi thấy công chúa đối đáp với những người này một cách trôi chảy, vua Anh Tôn vui vẻ nói: - Không ngờ em ta lại giỏi đến thế! Từ nay ta có thể yên lòng rồi! Thế rồi nhà vua truyền ban thưởng cho Khắc Chung và Trà Hoa. Ngài cũng khen ba kiều dân Chiêm Thành, thưởng công cho họ rồi cho về. Với Huyền Trân, Trần Khắc Chung vẫn luôn là vị giảng quan được nể phục nhất. Chính Khắc Chung đã khơi sáng tinh thần quốc gia dân tộc đầu tiên trong đầu óc nàng. Khắc Chung cũng đã truyền thụ cho nàng ý niệm phụng sự tổ quốc như thế nào. Những hiểu biết của ông về các anh-thư đã lập nên những thành quả hiển hách thời trước đã được công chúa triệt để tiếp thu. Những kiến thức này đã kích thích mạnh mẽ lòng háo động của công chúa. Từ một cô gái yểu điệu nhu mì, công chúa đã trở thành một người cứng rắn, giàu nghị lực. Nàng càng ra sức học hành, đồng thời cũng háo hức mong chóng đến ngày được thực hiện ý nguyện của mình. Để đền đáp công lao dạy dỗ, công chúa đã mấy lần xin vua Anh Tôn cho mở tiệc trà đặc biệt thết đãi Khắc Chung và Trà Hoa. vua Anh Tôn thương em nên lần nào cũng chiều ý. Sự biệt đãi này đã làm các giảng quan khác càng ganh ghét Khắc Chung. Một lần Huệ vũ vương Quốc Chẩn nói chuyện về Huyền Trân, phu nhân hỏi: - Thiếp không hiểu sao hoàng thượng lại tin tưởng Khắc Chung đến thế? Công chúa đã được hứa hôn với Chiêm vương, tức đã là gái có chồng, dù Khắc Chung là thầy học cũng phải giữ gìn khuôn phép lễ nghĩa chứ? Sao để hắn muốn gặp công chúa lúc nào cũng được vậy? Hắn thuộc loại đàn ông tuấn mỹ, ăn nói lưu loát, lại đa mưu túc kế, trong khi công chúa thì ngây thơ dễ tin, nếu hắn toan tính gì ai biết mà ngăn chận? Huệ vũ vương đáp: - Quan gia sợ khi công chúa về Chiêm phải bỡ ngỡ vì phong tục tập quán khác biệt, ngôn ngữ lại không thông, nên thúc đẩy các giảng quan lo giảng dạy gấp rút các môn đó cho công chúa. Khắc Chung là người thông hiểu phong tục, ngôn ngữ Chiêm Thành nên làm việc nhiều hơn những người khác. Có vậy thôi chứ ông ta vi phạm lễ nghĩa gì đâu? Phu nhân thắc mắc: - Có chắc hắn thông hiểu được phong tục, ngôn ngữ Chiêm Thành không? Chẳng qua hắn học lỏi làm chàm một ít chi đó với tên hàng tướng Trà Hoa thôi. Chỉ nhờ giỏi cái miệng, lại biết lợi dụng lão Trà Hoa nên có người tưởng hắn rành rọt ngôn ngữ phong tục nước Chiêm lắm. Những lần Trà Hoa vào dạy công chúa hắn đi theo để làm gì? Chẳng phải hắn tìm cách để gần gũi công chúa sao? Nếu không lo ngăn ngừa biết đâu lại chẳng có chuyện không hay xảy ra? Huệ vũ vương cười: - Phu nhân lo xa quá. Bộ Khắc Chung coi những người trong nhà giảng học là tượng đất cả hay sao? Đó là chưa nói công chúa luôn có ba bốn thị nữ theo hầu bên mình, có gì mà ngại? Huệ vũ phu nhân nghiêm mặt: - vương gia không tin lời thiếp ư? Thiếp nghe Quan gia cứ cho công chúa mở tiệc đãi các thầy học, nhiều lần chỉ đãi riêng Khắc Chung với Trà Hoa. Nếu Khắc Chung có mưu đồ riêng ai biết được? Trà Hoa và những kẻ tùy tùng cũng chỉ là người của hắn thôi. Nói ra sợ vương gia hiểu lầm, công chúa còn quá ngây thơ, biết đâu mà tránh được cạm bẫy? Huệ vũ vương hỏi lại: - Những điều dị nghị ấy ai nói với phu nhân? - Nhiều người. Nhất là Hưng Nhượng vương phu nhân. Phu nhân cho biết là Hưng Nhượng vương ghét Khắc Chung lắm. vương gia là anh của công chúa, vương gia phải lo ngăn chận những chuyện đáng tiếc có thể xảy ra để công chúa khỏi bị tai tiếng chứ! Huệ vũ vương ngẫm nghĩ giây lát rồi nói: - Ta nghĩ Khắc Chung được Thượng hoàng và Quan gia yêu chuộng nên hợm mình một chút, vì thế bị người ta ghét bỏ thêm thắt cho thành chuyện thôi. vả lại, ông ta lớn tuổi hơn cả Thượng hoàng, làm sao dám tính toán quấy quá như vậy được? - Chắc vương gia cho thiếp vì lòng đố kị giữa chị dâu em chồng mà đặt điều? Thôi được, nếu sau này có chuyện gì xảy ra vương gia đừng trách thiếp nhé! - Phu nhân chớ nghĩ thế. Ta thật tâm không muốn làm Khắc Chung cảm thấy khó chịu. Ông ta là người có tài, nhà nước đang cần dùng. Thôi, để ta nói chuyện với Huyền Trân cũng xong. Mấy hôm sau Huệ vũ vương đến thăm Huyền Trân công chúa. Mở đầu Huệ vũ vương ân cần hỏi thăm việc học hành. Huyền Trân đáp: - Nhờ các giảng quan hết lòng hết lòng dạy dỗ nên em tiến bộ khá nhanh. Nhất là nhờ hai thầy Khắc Chung và Trà Hoa, lúc này em đã có thể nói chuyện với bất cứ người Chiêm nào mà không sợ vấp váp. về phong tục nước Chiêm em cũng đã biết được khá nhiều. Huệ vũ vương lại hỏi: - Phải lấy chồng dị chủng, em có thấy buồn lắm không? - Sao không buồn được! Nhưng may em lại có niềm vui là sẽ thực hiện được đạo trung hiếu, phục vụ được quốc dân. Đó cũng là một niềm an ủi lớn lao cho em phải không vương huynh? Nghe Huyền Trân nói, Huệ vũ vương rất mừng. Có được những tư tưởng lạc quan như thế là tốt lắm. vương biết ngay đó chính là những ý niệm Khắc Chung đã truyền thụ cho em gái mình. Đáng lý vương phải cám ơn Khắc Chung mới phải chứ! vương nghĩ Khắc Chung dạy dỗ Huyền Trân nhiệt thành chẳng qua vì tình thầy trò quí mến nhau, hay tình cha con. Cũng có thể ông ta muốn lấy lòng hoàng thượng, muốn lập công, chứ lẽ nào vì tà tâm sắc dục? vương trầm ngâm một hồi rồi hỏi Huyền Trân: - Em thấy giảng quan Trần Khắc Chung thế nào? Huyền Trân đáp: - Thầy Khắc Chung là người học cao hiểu rộng, giảng dạy rất tận tâm. Chính nhờ thầy Khắc Chung mà em tiến bộ nhiều mặt. Em rất kính trọng thầy và sẽ nhớ ơn thầy suốt đời! - Anh nghe nói em vẫn xin hoàng thượng tổ chức những bữa tiệc để đãi riêng Khắc Chung phải không? vì sao em làm như vậy? - Sao vương huynh lại hỏi điều đó? Em đã nói với vương huynh em kính trọng thầy Khắc Chung, em cũng kính trọng và nhớ ơn thầy Trà Hoa là hai người đã tận tâm dạy em về phong tục tập quán và ngôn ngữ Chiêm Thành. Em muốn tỏ lòng biết ơn sâu của hai thầy, có thế thôi! - Em bày tiệc đãi riêng từng người hay đãi chung? - Em chỉ đãi chung hai thầy, không bao giờ đãi riêng một ai. Nhưng sao vương huynh hỏi kỹ như vậy? - Bởi anh nghe dư luận không hay về việc này. Anh phải bảo vệ danh dự của em. Huyền Trân tỏ vẻ khó chịu: - Em làm gì sai quấy mà vương huynh phải bảo vệ danh dự cho em? Chính hai thầy Khắc Chung và Trà Hoa đã giúp em yên tâm, tự tin khi biết mình sẽ lấy chồng xa xứ. Sang Chiêm Thành em sẽ đỡ bỡ ngỡ, lúng túng trong việc ăn ở. Em dành một chút ưu đãi cho hai thầy không phải là việc tốt ư? Sao lại phải bảo vệ danh dự? Huệ vũ vương nói: - Việc em làm không phải không đẹp, nhưng chưa hoàn hảo. Nhất tự vi sư, bán tự vi sư, tất cả những người góp phần vào việc mở mang trí thức cho em đều là bậc thầy cả, sao em không mời một lượt nhiều người cho vui hơn? Anh nghĩ em không nên đối xử bên trọng bên khinh như vậy. Chính sự đối xử thiên lệch ấy đã tạo nên những sự đàm tiếu không hay cho Khắc Chung. "Nhất khuyển phệ hình, bách khuyển phệ thanh [1]", từ đó người ta có thể tiến tới suy nghĩ sai lạc về em. Anh không muốn để xảy ra chuyện đó! - vương huynh nghe người ta nói về thầy Khắc Chung thế nào? Huệ Vũ vương chậm rãi nói: - Anh không nghĩ Khắc Chung là người xấu đâu. Nhưng Khắc Chung vốn là người có tài, tánh tình cao ngạo, lại được Quan gia trọng dụng, tất nhiên ông ta bị nhiều người ganh ghét. Giờ đây lại được em ưu ái trân trọng, ông ta làm sao khỏi bị người ta xuyên tạc thêm? Em thật tình tôn kính ông ta thì từ nay không nên bày ra tiệc tùng riêng biệt với ông ta nữa. việc ấy chỉ tổ làm người khác càng ganh ghét ông ta thôi! Huyền Trân buồn rầu nói: - Thật tình em không ngờ chuyện đó xảy ra. vương huynh đã dạy thì từ nay em sẽ nghe. - Em hứa như vậy anh cũng yên tâm. ° ° ° Hôm ấy Tá Thiên đại vương Trần Đức việp tổ chức ăn mừng ngày đầy tháng đứa cháu đích tôn ở vương phủ. Hoàng thân quốc thích và quan viên lớn nhỏ trong triều đến dự rất đông. Trong khi uống rượu vui vẻ, nhiều người lại nhắc đến việc Huyền Trân công chúa sắp đi lấy chồng. Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng lúc đó đã ngà ngà, sực nhớ đến những lời dị nghị về công chúa, ông nổi giận quay nhìn Khắc Chung rồi nói lớn: - Này, quan Nhập nội đại hành khiển, ta báo cho ông biết, công việc của ông là dạy dỗ công chúa chứ không phải dụ dỗ công chúa nghe chưa! Nếu có chuyện lôi thôi chớ trách ta hồ đồ! Nhiều người cười rân lên. Khắc Chung ngượng đỏ mặt phân trần: - vương gia nghĩ oan cho tôi rồi. Tôi được hoàng thượng giao phó trọng trách phải làm sao cho công chúa nói thông thạo tiếng Chiêm Thành và hiểu biết rộng rãi phong tục nước Chiêm trước khi xuất giá nên phải gắng sức mà làm đấy thôi. việc làm của tôi có ý gì bất chính hay không đã có hoàng thượng biết. Nếu vương gia không tin, xin cứ hỏi hoàng thượng. Hưng Nhượng vương cười mỉa mai: - Ngươi cho là thiên hạ đui mù cả hay sao? Có thân thì lo giữ lấy! Các quan bình thường vẫn sợ tài lý lẽ của Khắc Chung, nay thấy Khắc Chung bị đàn áp giữa cuộc tiệc đều thích chí. Tả bộc xạ Trần Hùng Thao khi ấy ngồi cùng mâm với Khắc Chung nhân men rượu cũng nói đùa: - Có lỗi thì nhận đi, vương gia sẽ bỏ qua cho. Học sĩ Nguyễn Sĩ Cố ngồi cạnh Khắc Chung nhân hứng đùa thêm: - Ông làm gì ai mà chẳng biết? Khắc Chung bình thường không ai dám đụng đến, nay bỗng bị Hưng Nhượng vương mắng trước mặt bá quan đã ngượng chín người. Những lời đùa cợt của Trần Hùng Thao và Nguyễn Sĩ Cố càng làm ông quê thêm. Khắc Chung không kiềm chế nổi cơn giận, ông thẳng tay tát vào mặt Sĩ Cố một cái nẩy lửa: - Đồ tồi! Chính ngươi cũng ăn nói như vậy sao? Nguyễn Sĩ Cố bị đánh bất thần ném chén rượu đang cầm vào mặt Khắc Chung. Khắc Chung đỡ kịp nhưng chén rượu đổ văng tung tóe bốn phía. Sĩ Cố nạt Khắc Chung: - Ta là đồ tồi hay ngươi là đô tồi? Cả tiệc trở nên huyên náo. Hưng Nhượng vương ngồi ở chiếu trên vùng đứng dậy chỉ mặt Khắc Chung quát: - Tên Khắc Chung càn rỡ kia! Ngươi thật quá đáng! Đây là chỗ nào ngươi biết không? Ngươi coi phép nước không ra gì ư? Tá Thiên đại vương Đức việp vội vàng bước ra can ngăn mọi người: - Các ông phải nể mặt ta mà bỏ qua hết đi! Hôm nay là ngày vui của cháu ta mà! Chiêu văn vương Trần Nhật Duật cũng đứng dậy tiếp tay dàn xếp. Lát sau mọi việc lại ổn định. Tuy thế, không khí vui vẻ giảm đi nhiều. Nguyễn Sĩ Cố tuy bị ăn một tát tai nhưng làm ra vẻ xuề xòa, dễ tính. Khi ra về, ông chủ động làm hòa với Khắc Chung: - Có gì bỏ qua nhé! Tôi với ông chứ ai đâu mà hung tợn dữ vậy? Khắc Chung cười gượng gạo: - Xin lỗi ông bạn. Thật tình tôi đâu muốn đụng tới ông. Chỉ tại lúc tôi đang tức giận kẻ khác ông lại xía vô nên phải chịu đòn oan, ráng chịu vậy! Ông biết ai phao đồn những điều thị phi ấy ra không? - Ai phao đồn cũng phao đồn rồi. Ông làm sao ngăn được nữa? Tìm hiểu làm gì cho mệt óc? - Tôi hận chúng. vì chúng mà hôm nay tôi bị sỉ nhục. Tôi sẽ không tha thứ chúng! ° ° ° Vụ đụng chạm xảy ra trong bữa tiệc ở phủ Tá Thiên đại vương đã làm Khắc Chung buồn bực suốt mấy ngày. Lần đầu tiên ông cảm thấy bị mất mặt trước các bạn đồng liêu. Ông giận Hưng Nhượng vương lắm. Nhưng giận chỉ để trong lòng chứ nào dám nói với ai? Hưng Nhượng vương là vai anh của Thượng hoàng, vai bác và cũng là nhạc gia của đương kim Hoàng đế, ông làm gì được? vương vốn bộc trực, nóng nảy, đụng tới vương khác gì húc đầu vào đá? Suy nghĩ lại, ông hơi sợ! Ông thấy mình đã lỡ chơi dại! Chính ông đã tự tạo kẽ hở cho những người khác chê cười ông, công kích ông. Lúc nào triều đình cũng có sẵn một số giảng quan chuyên nghiệp, chỉ làm độc một công việc là giảng dạy trong cung. Khi mới xuất chính, ông đã từng được đặt để trong hàng ngũ ấy. Ông có tài giảng dạy, rất được bề trên lẫn các học viên yêu thích. Sau này, khi ông được phân bổ vào những nhiệm vụ khác, nhiều người vẫn tiếc rẻ. Ông đã tận dụng ưu điểm đó, tình nguyên hi sinh một ít thì giờ ngoài công việc chính thức để giảng dạy trong cung như trước. Thấy ông năng nổ làm việc, Thượng hoàng lẫn Quan gia đều rất hài lòng. Ông đã được thăng quan tiến chức khá nhanh. Dĩ nhiên dưới mắt các đồng liêu của ông, sự thăng tiến ấy không vẻ vang cho lắm. Đáng lẽ ông nên dừng ở mức độ đó mới phải. Đằng này mới đây, khi nghe vua Anh Tôn ngỏ ý nhờ Trà Hoa giảng dạy cho công chúa gấp rút hơn, ông lại tình nguyện hi sinh thêm nhiều thì giờ để giúp Trà Hoa. Ông đóng vai trò giải thích rộng rãi những lời Trà Hoa dạy cho công chúa dễ hiểu hơn. Chỉ có ông và Trà Hoa biết rõ giá trị đích thật của vai trò đó. Người Chiêm lưu vong này thông thạo cả tiếng Đại việt, tiếng Xiêm, tiếng Chân Lạp lẫn tiếng Tàu, y có cần thiết sự phụ giảng của ông không? Nghĩ đến điều này ông hơi ngượng. Thật tình ông đã dối trá. Chính ông đã dựa dẫm, đã cướp một phần công sức của y. Ông phải tìm cách chạy tội... Hôm sau, Khắc Chung gặp Trà Hoa và nói: - Trước đây nghe Thánh thượng yêu cầu ông dạy gấp những điều cần thiết cho công chúa, sợ ông vất vả quá, tôi tình nguyện giúp ông một phần. Nhưng nay công chúa đã khá rồi, lại nhằm lúc công việc của tôi hơi nhiều, ông gắng một mình chu toàn công việc ấy được không? Liệu có khỏi bị thất hứa với Thánh thượng không? Trà Hoa nghĩ là Khắc Chung nói thật tình, bèn đáp: - Thưa vâng, nếu đại nhân quá bận, tiểu nhân xin gánh vác một mình. Tiểu nhân sẽ gắng sức để đại nhân khỏi bị thất hứa với Thánh thượng. - vậy, bắt đầu từ nay ông cứ một mình vào giảng dạy cho công chúa nhé. ° ° ° Sau khi viện cớ bận việc để không vào dạy công chúa nữa, Khắc Chung lại cảm thấy hối hận. Càng suy nghĩ ông lại càng căm giận Hưng Nhượng vương. Ông cũng thắc mắc không hiểu công chúa sẽ có thái độ ra sao khi không thấy ông vào dạy. vài lần ông định đến hỏi Trà Hoa nhưng lại thôi. Ông sợ sự thật thà của người Chiêm này có thể bị những người ganh ghét ông khai thác. Cuối cùng, ông tìm tới Nguyễn Sĩ Cố. Dù sao ông này cũng tin cậy được. Sau khi lôi cỗ bài ra chơi với nhau một hồi, Khắc Chung bắt đầu đi vào vấn đề. Nguyễn Sĩ Cố mới nghe sơ đã hiểu thấu tim đen của Khắc Chung. Ông cười ha hả nói đùa: - Quả là "chó đâu chó sủa lỗ không, chẳng thằng ăn trộm cũng ông ăn mày" nhé! Kể ra ông cũng có lòng đấy chứ! Xa nhau chưa được mấy ngày đã không chịu nổi, Như vậy Hưng Nhượng vương đâu có nói oan cho ông? Khắc Chung cười giả lả: - Cái miệng ông quả là ăn mắm ăn muối! Hèn gì ăn một cái tát là phải! Muốn biết tình nghĩa thầy trò thời nay một chút không được sao? Nguyễn Sĩ Cố nghe nhắc chuyện "cái tát" chợt nổi giận. Nhưng ông cố giữ thái độ hiền hòa: - Thế Trà Hoa nó không nói gì với ông sao? Hay cứ thu xếp vào cung giảng dạy công chúa trở lại là biết ngay chứ cần gì phải hỏi. Khắc Chung trầm ngâm giây lát rồi nói: - Giờ cũng khó nói đi nói lại đấy! Vừa rồi Nguyễn Sĩ Cố có nghe chuyện Huệ vũ vương không muốn Huyền Trân tiếp xúc thân mật với Khắc Chung. Ông cứ tưởng Khắc Chung không vào cung dạy nữa vì lý do đó. Nay nghe Khắc Chung nói "khó nói đi nói lại", Sĩ Cố muốn gợi lại chuyện trên để trả thù: - Ông vào cung do lệnh của hoàng thượng, há lẽ Huệ vũ vương lại dám cản trở? Khắc Chung nghe nói tới Huệ vũ vương thì chưng hửng. Ông hỏi lại: - Ông nói cái gì Huệ vũ vương? - Không phải Huệ vũ vương không muốn cho ông giảng dạy công chúa nữa sao? Khắc Chung giật mình: - Có chuyện đó nữa ư? Ông biết sao nói lại tôi nghe thử nào! Thế là Sĩ Cố kể cho Khắc Chung nghe những gì ông biết được. Dĩ nhiên Sĩ Cố cũng không quên phịa thêm những lời nặng nề như Huệ vũ vương bảo Khắc Chung là kẻ khát tình, kẻ tham lam... Khắc Chung nghe xong nổi giận đùng đùng: - Ta đâu ngờ lão ấy nhỏ nhen đến thế! Hèn gì lão mượn tay Hưng Nhượng vương để mạt sát ta! Thật tức chết đi được! Nguyễn Sĩ Cố khoa tay ngăn cản: - Ấy, chớ phát ngôn ẩu tả mà mang họa! Dẫu có tức cũng không làm gì ai được. Hãy tiếp tục giải trí đi! - Thôi, đánh đá gì nữa! Khắc Chung nói với giọng hậm hực, lùa quân bài lại một bên rồi đứng dậy ra về. Cũng từ đó, Khắc Chung trở nên thù ghét Huệ vũ vương... __ 1. Nhất khuyển phệ hình, bách khuyển phệ thanh: Một chó thấy hình mà sủa, trăm chó nghe tiếng mà sủa theo.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang