[Việt Nam] Tĩnh Đô Vương
Chương 8 : (7)
Người đăng: Lịch sử Việt Nam
Ngày đăng: 23:36 06-09-2018
.
Những thành tích về chính trị và quân sự không khỏi nuôi lớn mãi tính tự ái nó đã chứa sẵn trong lòng Trịnh Sâm, ngay từ khi ông mới bắt tay vào cầm quyền. Vì, chinh phục được Thuận Hóa và anh em Nguyễn Nhạc chịu xưng thần, Tĩnh Đô vương tự thấy mình là vị quốc trưởng có thế lực nhất ở phương Đông, sau hoàng đế nhà Thanh. Trong nước thì giặc giã yên hẳn. Guồng máy chính trị của nước Nam lại xoay theo dịp dàng tự nhiên của nó: thứ dịp dàng đã đẩy bao xã hội Đông phương vào một cuộc đời nửa là an nhàn, nửa là lười biếng.
Cân nhắc những kết quả mà mình vừa thu được, Tĩnh Đô vương bất giác có cái khí tự hào như vua Louis XIV nước Pháp, khi thốt ra câu nói: "Nhà nước là ta!" Vì nhà viết sử dù nghiêm khắc đến đâu cũng không thể chối cãi được rằng vị chúa thứ chín(82) của họ Trịnh đã mở rộng cương giới của nước Việt Nam: vị chúa ấy đã mưu sự cường thịnh cho xứ này; và sau rốt, cũng vị chúa ấy mới có cái uy quyền tuyệt đối trên mệnh hệ của mười triệu dân Nam Việt.
Nhưng, về danh nghĩa thượng, cái uy quyền của Tĩnh Đô vương chỉ là uy quyền mượn - nếu không phải là lạm quyền - mà cái uy quyền chân chính vẫn về nhà Lê, kẻ được quốc dân tôn trọng hơn, sùng bái hơn, tuy không có tài năng gì và không tốn một giọt mồ hôi nào bao giờ cả.
Đứng trước những việc thực tế, Tĩnh Đô vương không tự thấy mình là kẻ quyền thần đã chen lấn lên uy quyền của nhà Lê nữa.
Ông chỉ thấy rằng nhà Lê đã lạm hưởng cái uy quyền mà chính ông đã xây đắp nên.
Ông cần phải kê lại một chỗ chênh lệch của lịch sử: Ông muốn truất bỏ nhà Lê đi mà tự đặt mình lên ngôi hoàng đế!
Để đạt tới cái mục đích thứ nhất, ngay hồi mới lên cầm quyền, Tĩnh Đô vương đã tự dọn sẵn một con đường: trừ bỏ Thái tử Duy Vỹ.
Và để thực hành câu của Trần Thủ Độ: "Nhổ cỏ, phải nhổ tận rễ", vương cho Vũ Huy Đĩnh đuổi lên tận Sơn Tây, bắt vợ và ba con Duy Vỹ là Duy Khiêm, Duy Tụ và Duy Chỉ về hạ ngục.
Đối với vua Lê, việc giết Thái tử Duy Vỹ là tất cả một cuộc khiêu khích. Dù chẳng phải sành sỏi về khoa tâm lý, chúng ta cũng có thể biết được rằng Tĩnh Đô vương chỉ chờ một cử chỉ có tính cách phản động của vua Lê Hiển Tôn mà đẩy ngã cái đế nghiệp của nhà Lê. Nhưng vua Hiển Tôn đã thừa hiểu chỗ đó. Nhà vua tỏ ra nhẫn nại đến một mực mà không ai ngờ tới. Để đáp lại cái thái độ hung hãn của Tĩnh Đô vương, nhà vua dạy cho các cung nữ tập trận ở trong điện, làm cách tiêu sầu.
Cuộc khiêu khích của Tĩnh Đô vương không có kết quả. Tuy nhiên vương vẫn không chịu bỏ dở cái chương trình tranh cướp đế nghiệp của nhà Lê. Thí dụ, ông tự tiện cử hành lễ Nam giao là một lễ xưa nay vẫn dành riêng cho các vua đương trị vì, lấy cớ rằng vua Hiển Tôn đương có tang mẹ. Nhưng cũng không may cho ông, trong nước năm đó mùa màng không được tốt. Người ta đổ là tại Tĩnh Đô vương, đã tranh vua trong việc tế trời. Rồi, trong các giấy má đi lại, ông tự xưng là "thánh" mà bắt các quan phải xưng là "thần" .
Về hình thức cũng như về tinh thần, Tĩnh Đô vương đã tranh cướp trọn vẹn những vinh dự và quyền hạn của nhà vua.
Tuy ông không phải là vua.
Đó là một điều Tĩnh Đô vương không thể tha thứ được. Vì dân nước vẫn dùng niên hiệu của nhà Lê và triều đình Trung Hoa vẫn không chịu thừa nhận ai hết làm chủ nhân của nước An Nam, ngoài dòng dõi vua Lê Thái Tổ.
Năm Cảnh Hưng thứ 38, nhân có việc triều cống nước Tàu, Tĩnh Đô vương sai thảo một tờ biểu riêng giao cho Chánh sứ là Vũ Trần Thiệu và dặn Thiệu phải tâu lên vua Tàu rằng hiện con cháu nhà Lê không có ai là người hiền, xin cho họ Trịnh được thay nhà Lê mà giữ ngôi nguyên thủ nước An Nam. Đồng thời, vương lại sai một viên quan hoạn rất thân tín đi làm Phó sứ và mang nhiều của cải đi theo, để hối lộ bọn quan lại Tàu, nhờ tán thành giúp cho.
Kế hoạch của Tĩnh Đô vương rất khôn khéo. Chỉ tiếc rằng ông kén người không được sành. Vì Vũ Trần Thiệu là người mà ông gửi gắm cỗ ngai hoàng đế, không phải như nhiều quan lại khác mà lương tâm đã bị mù quáng vì cái bả lợi danh.
Trần Thiệu là một trong những sĩ phu rất hiếm, biết để tiếng thơm về muôn thủa lên trên cái phú quý của một đời người: tới hồ Động Đình, vị Chánh sứ (Trần Thiệu) giả bệnh, ngừng lại. Đêm đến, ông gọi cả sứ bộ đến trước giường mình mà đốt biểu cầu phong, rồi uống thuộc độc mà từ trần.
Sứ bộ như rắn mất đầu, phải quay lại Thăng Long.
Cái mộng làm hoàng đế của Tĩnh Đô vương bỗng đổi thành một cơn ác mộng.
Nhưng sau cuộc thất bại nhỏ nhen đó, vương có chịu gột rửa khối óc tham lam quá bạo và yên phận "giữ chùa thờ Phật thì ăn oản" là lời Nguyễn Bỉnh Khiêm khuyên Trịnh Kiểm khi trước hay không?
Quyết không! Tuy chính ngôi chùa của ông cũng không được xây đắp trên một cái nền tảng hoàn toàn vững chãi.
Theo lệ thường, việc kế tập bao giờ cũng về ngành trưởng. Mà ngành trưởng của họ Trịnh là Trịnh Bồng.
Nhưng Bồng vì thiếu can đảm phải gửi thân vào cửa Phật để tránh sự thù oán và ngờ vực của những kẻ đã lập tâm tranh cướp tòa lâu đài phú quý của mình.
Tĩnh Đô vương không phải lo về ngành trưởng nữa.
Nhưng ông lại phải lo lắng về một trong những người thân nhất với mình là Trịnh Lệ, một người con khác của Minh Đô vương.
Cùng chung những máu mủ với Tĩnh Đô vương và tự cho là cũng có những tài trí như Tĩnh Đô vương, Trịnh Lệ tự vấn tại sao một việc anh ruột mình làm được mà mình lại không làm. Rồi bị lòng tham thúc giục, Lệ nuôi bọn mưu sĩ ở trong nhà mình như bọn Nguyễn Huy Cơ, Nguyễn Huy Bá, Dương Trọng Tế(83). . . chờ cơ hội để tranh cướp lấy chính quyền.
Song, sự thực, những tài năng của Trịnh Lệ có lẽ không tương đương với tấm lòng tham vọng quá ư to tát của vị vương tử này. Trọng Tế tự liệu là việc không thể thành được, mang cơ mưu ra tố giác với Tĩnh Đô vương.
Trọng Tế được trả lại quan chức cũ và thăng ba cấp.
Trịnh Lệ bị hạ ngục.
Cái tính mệnh cũng như ngôi chúa của Tĩnh Đô vương không hề bị lay chuyển một ly nào.
Tuy nhiên, cuộc suy vong của họ Trịnh không phải ở triều đình Mãn Thanh, một lực lượng mà các chúa Trịnh đều phải nể sợ; cũng không phải ở Trịnh Lệ hoặc Trịnh Bồng, tuy người thứ nhất vẫn thèm muốn cái ghế Nguyên thủ Bắc Hà và người thứ hai có rất đủ những danh nghĩa để leo lên ghế ấy.
Họ Trịnh cũng như hầu hết các triều đại ở Đông phương, sở dĩ bị đạp đổ là vì cái nhan sắc một người đàn bà. Và người đàn bà này có thể nói là cũng độc ác như Đát Kỷ và gian hiểm như Bao Tự, hai con nghiệt phụ đã xô đổ nhà Thương và dắt nhà Chu vào cuộc suy vong. Tuy lúc nhỏ nàng chỉ là một cô thiếu nữ hiền lành, con một nhà binh dân ở làng Phù Đổng (Kinh Bắc). Tên nàng là Đặng Thị Huệ.
Tại sao Thị Huệ được tiến vào cung và nhất là được đóng một vai quan trọng trong lịch sử Việt Nam về thế kỷ XVIII?
Giản dị lắm.
Nguyên trước Tĩnh Đô vương đã có hai vợ:
Chính phi Hoàng Thị Ngọc Khoan là con gái Hậu Huệ công, người xã Linh Đường, huyện Thanh Trì. Bà này sinh được hai người con gái là Ngọc Anh và Ngọc Lan, rồi mất.
Thứ phi Dương Thị Ngọc Hoan, người xã Long Phúc, huyện Thạch Hà, sinh ra Trịnh Khải.
Số vợ nhiều hay ít, đối với các vua chúa Đông phương, thật ra không quan hệ mấy. Vì, ngoài hai bà phi này ra, tình yêu của Tĩnh Đô vương còn san sẻ cho một số rất đông những gái đẹp gọi là cung nữ mà người ta ước lượng rằng trong vương phủ có tới hai hoặc ba trăm. Nhưng, sau khi đã chinh phục được Nam Hà rồi, thì con số ấy lại tăng bội lên rất nhiều. Vì, cho rằng trong nước không còn gì đáng quan tâm nữa, vương chỉ mải miết trong các cuộc truy hoan và tuyển gái đẹp ở bốn phương về, để gây cái sinh thú cho vương ở nội phủ.
Thị Huệ là một trong những cung nữ mới ấy.
Nhưng, lúc đầu, cũng như các bạn gái khác cùng một cảnh ngộ, nàng phải sống một đoạn đời tối tăm với những việc sai bảo vặt vãnh của bọn đầy tớ và con hầu. Song "sớm là cô gái dãi vải nước Việt, chiều làm vương cơ nước Ngô" (84) đã là cái công lệ của bạn gái có cái sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành thì Đặng thị Huệ có khi nào phải trọn đời ở trong cảnh bần hàn.
Một hôm, nhân Thị Huệ tiến hoa lên dâng chúa, Tĩnh Đô vương thấy nàng có nhan sắc thì để ý, rồi bất giác sinh ra quyến luyến nàng. Từ đó, vương không muốn cho phi thiếp nào đến gần nữa mà chỉ cùng với cô gái làng Phù Đổng xoắn xuýt suốt ngày đêm. Từ là một cung nữ rất hèn hạ, Thị Huệ được thăng lên làm Tiệp dư, chức mà các chúa Trịnh đặt ra để trỏ những vợ lẽ ở dưới ngôi vương phi một bậc.
Về danh nghĩa, tuy nàng chưa phải là chính thất của chúa Trịnh, song về thực tế thì Thị Huệ đã chiếm hết cả tình yêu của Tĩnh Đô vương. Vì, bữa cơm, khi có nàng ngồi cạnh, vương ăn mới được ngon và mỗi lần vương đi thăm các thắng cảnh hoặc chơi thuyền, thế tất phải có nàng đi theo và cùng với vương cùng ngồi một kiệu.
Tả tình quyến luyến của Tĩnh Đô vương với Đặng thị Huệ, trong bài Thưởng liên đình phú của Ngô Thì Nhậm có câu:
賞相師之巧裁兮
Thưởng tương sư chi xảo tài hề
誇仙娥之善剪
Khoa tiên nga chí thiện tiễn(85)
Mà tác giả thích nghĩa là mỗi lần có trà sen Hoàn Quận công (Nguyễn Hoàn) thường cho phi ngựa lên tiến Thịnh vương (Tĩnh Đô vương). Vương lập tức cho pha trà, rồi triệu Tuyên phi (Đặng Thị Huệ) đến cùng thưởng. Vì Tuyên phi rất thích hương sen. (86)
Song muốn biết Tĩnh Đô vương âu yếm nàng đến bậc nào, tưởng chúng ta có thể nhận biết được trong truyện dưới đây thuật bằng ngọn bút rất tài tình của tác giả Hoàng Lê nhất thống chí:
Khi vào đánh Quảng Nam. Tĩnh Đô vương có bắt được một hòn ngọc mà vương rất quý nên thường cài ở trên khăn.
Một hôm, Thị Huệ lấy ra chơi. Vương dặn:
- Nhè nhẹ tay chứ nhé. Đừng làm rơi vỡ mất!
Nàng lập tức vất hòn ngọc ấy xuống đất, khóc:
- Quý gì hòn ngọc ấy! Bất quá vào Quảng Nam lấy ra hòn khác đền chúa chứ gì. Sao chúa lại trọng của hơn người thế!
Nói rồi bỏ vương đó, trở về phòng riêng mà nằm. Tĩnh Đô vương phải hết sức dỗ dành, nàng mới chịu vui vẻ như trước.
Thị Huệ có một người em trai là Đặng Mậu Lân tuy không có công trạng gì cả, cũng được Tĩnh Đô vương phong là Lân Trung hầu.
Mậu Lân là kẻ vô học và rất hung hãn, vì cậy thế chị nên thường làm những việc rất độc ác mà coi pháp luật không vào đâu cả. Hắn xây nhà ở phía Tây Nam thành Thăng Long mà ở, cũng lầu tạ, cũng ngựa xe, tôi tớ có hàng trăm người, lộng lẫy và hách dịch không kém gì vương phủ.
Ngày thường, Mậu Lân cũng với hàng trăm thủ hạ cầm gươm đao, nghênh ngang đi trong kinh thành, hễ đụng chạm phải xe ngựa của ai thì lập tức gây sự đánh nhau. Dù là quan to trong triều, hắn cũng không từ, thường mắng nhiếc người ta đến thậm tệ. Hắn lại nuôi hàng đàn chó dữ. Khi đi săn thì thả cho chạy trước, tha hồ cho cắn những khách qua đường. Nếu gặp người con gái nào mà hắn vừa mắt thì lập tức sai đầy tớ buông màn ngay cạnh đường mà hiếp tróc. Người nào không chịu, đều bị hắn cắt hai vú mà vất đi. Nếu chồng hoặc bố mẹ người con gái đó can thiệp, hắn đánh vỡ đầu, gãy răng, có khi đến chết hẳn.
Tuy biết Mậu Lân làm việc phi pháp, nhưng các quan kinh doãn, vì sợ thân thế của Đặng Thị Huệ, cũng phải ngơ đi. Dân đô thành sợ hắn như hùm beo, hễ trông thấy hắn thì phải tránh xa ra để khỏi bị tai vạ.
Một hôm, Tĩnh Đô vương cùng với Thị Huệ đi kiệu ngang qua đường phố. Mậu Lân từ ngõ hẻm chạy xổ ra, gạt cái màn che trước kiệu lên mà gọi:
- Chị ơi, chị!
Thị Huệ thất kinh, mắng:
- Ô hay. Sao mày lại vô lễ thế?
Các quan hầu thấy hắn đường đột như vậy thì cũng sợ liên lụy đến mình, đều luống cuống, không biết xử trí thế nào. Tĩnh Đô vương nguyên không biết mặt Mậu Lân, truyền giữ hắn lại, hỏi, hắn thưa:
- Chị tôi đây, từ nhỏ vẫn ở chung với tôi. Từ khi chị tôi vào cung hầu chúa, tôi không được thấy mặt nên tôi nhớ lắm. Hôm nay được tin chị tôi theo chúa ngự ra ngoài, nên tôi đánh liều nhìn mặt chị tôi một chút cho hả lòng.
Khi Tĩnh Đô vương biết rằng đứa con trai ngỗ ngược đó là em vợ mình thì tự nhiên đổi giận làm lành, khen hắn là đứa em hiền, hết lòng thân yêu với chị.
Như trên chúng tôi đã nói, Tĩnh Đô vương chỉ có hai con gái. Người lớn là quận chúa Ngọc Anh thì đã gả cho con trai Bùi Thế Đạt là Bùi Thế Toại, làm trấn thủ Thanh Hoa. Còn người bé là Ngọc Lan hình dung rất yểu điệu và tính khí tao nhã nên vương yêu dấu như hoa ngọc quý không lúc nào muốn rời tay.
Từ nhỏ, nàng Ngọc Lan vẫn được nuôi trong một cung riêng, chung quanh lát toàn thủy tinh nên gọi là Thủy Tinh cung, không bao giờ cho ra đến nắng gió cả và kẻ hầu hạ, vương cũng cấm không cho nói to, sợ kinh động đến nàng.
Nàng Ngọc Lan tuy đã đến tuần cập kê rồi, nhưng Tĩnh Đô vương cũng vẫn coi như lúc còn tấm bé, nghĩa là khi vương ra ngự triều, thường cho nàng được ngồi bên và có nói năng điều gì đều được vương nghe theo.
Nhiều con cháu các đại thần muốn xin nàng làm vợ, nhưng vương không thuận, bắt họ phải vào cung cho nàng xem mặt để tự kén lấy, nhưng nàng cũng không ưng một ai cả.
Mậu Lân nghe biết việc này, vội vào nói với chị, nhờ hỏi Ngọc Lan về làm vợ mình. Song khi Tĩnh Đô vương cho đòi hắn vào xem mặt thì cái hình dung to lớn và thô bỉ của hắn phản trái hẳn với cái cốt cách tao nhã của quận chúa, khiến cho ai nấy đều phải phì cười!
Tuy vậy, hắn vẫn không chịu thua, cố nài chị hỏi cho kỳ được Ngọc Lan mới thôi. Đặng Thị Huệ vì thương em, hết sức van xin. Tĩnh Đô vương bất đắc dĩ phải nhận lời. Nhưng hôm làm lễ vu quy cho con gái mình, vương có ý hối, tự nghĩ Ngọc Lan ẻo lả, kham thế nào được đứa con trai cường bạo như Mậu Lân. Vương vội lấy cớ con gái mình chưa lên đậu, không thể làm lễ hợp cẩn được, sai một viên nội giám là Sử Thọ hầu, ngồi ở cửa phòng Ngọc Lan, để phỏng giữ không cho Mậu Lân xâm phạm đến quận chúa.
Mậu Lân thấy Sử Thọ hầu theo giữ Ngọc Lan không rời một phút nào cả thì giận lắm, mắng:
- Chúa tưởng con gái chúa đã đẹp lắm đấy à? Cứ như con mắt ta thì nó dẫu xách giầy cho ta cũng không đáng. Ta có phải ham mê cái nhan sắc của nó đâu. Chỉ nghĩ rằng ta đã tốn bao nhiêu tiền mới lấy được nó về thì dù nó chẳng ra cái hình thù gì nữa, ta cũng chơi cho biết. Nếu mày muốn yên thân thì lập tức xéo ngay, kẻo lại trách là ta không bảo trước.
Sử Thọ hầu lúng túng đáp:
- Chúa dặn thì tôi biết thế, chứ tự tôi có dám ngăn trở gì ông đâu?
Mậu Lân quát:
- Mày thử hỏi chúa mày xem, xử vào địa vị tao thì có nhịn được không? Nói thí dụ tao giữ chúa mày cho đến với chị tao thì chúa mày làm thế nào?
- Ấy chết, ông không nên nói quá thế, ví chúa với người thường sao được!
Mậu Lân lại càng tức giận:
- Mày lấy chúa mà dọa tao à? Chúa là gì?
Liền đó tuốt gươm chém Sử Thọ hầu làm hai đoạn và sai người đóng cửa dinh lại, không cho ai ra vào cả, toan chôn giấu cái xác ấy đi. Ngọc Lan biết việc, vội sai một thị tỳ lẻn ra cửa mạch(87), vào phủ báo Tĩnh Đô vương. Vương giận lắm, sai cung nữ ra bắt. Nhưng Mậu Lân đã cầm gươm đứng cửa dinh quát tháo:
Đứa nào vào thì ông chém.
Tĩnh Đô vương phải sai Huy Quận công Hoàng Tố Lý mang quân đến vây nhà, Mậu Lân mới chịu cho trói, giải về ngục.
Tĩnh Đô vương định khép Đặng Mậu Lân vào tử tội, nhưng Đặng Thị Huệ kêu khóc luôn mấy ngày, cố van xin, nói là chỉ có một em trai để nối dõi tông đường, nếu chết là tuyệt tự, và xin chịu tội thay em. Vương nể lời, giảm tội chết cho Mậu Lân xuống đầy đi viễn châu.
Tuy nhiên, hôm Mậu Lân xuống thuyền ra An Quảng để chịu đầy, dưới thuyền cũng vẫn đàn hát om xòm và bọn quan lại, vì muốn lấy lòng Thị Huệ, đi tiễn đông như đi chợ.
Sau khi Mậu Lân bị phát lưu ra An Quảng, tấm lòng âu yếm của Tĩnh Đô vương đối với Đặng phi không những không giảm; trái lại, nó còn tăng lên gấp bội. Và sau rốt, kết tinh thành một vương tử: Trịnh Cán.
Vì sinh vào cô sủng phi Đặng Thị Huệ nên Trịnh Cán được Tĩnh Đô vương yêu dấu đến cực điểm, một tình yêu mà vương không thể chứa chất được hết ở trong lòng mình nên phải để nó tràn lấn ra cả Bắc Hà. Vì bọn triều thần đoán biết rằng sự sinh hạ vương tử là một mối hạnh phúc phi thường của nhà chúa nên các trấn đều nô nức dâng khải về mừng và dư luận trong nước không chỗ nào là không nhắc nhỏm đến cậu bé con may mắn ấy.
Để tán tụng tài đức của Tĩnh Đô vương, những tài đức mà người ta cho là sẽ chuyển sang cho vương tử, một đứa bé vừa dứt ba tiếng khóc - các nhân viên trong chính phủ mừng vương sáu chữ: "Tinh trùng huy hải trùng nhuận", nghĩa là: "Sao lồng nhau mà sáng, bể lồng nhau mà to." Vương cũng tự tin rằng con mình là chỗ gặp gỡ của tất cả những tinh hoa trong vũ trụ nên nhân gặp phủ Phụng Thiên có khoa thi Hương, thân ra lấy đầu bài:
山川毓英河海鐘秀
Sơn xuyên dục anh, hà hải chung tú.
Có ý ám chỉ vào vương tử Cán
Cậu bé này thực ra cũng không đến nỗi không xứng đáng với nỗi lòng kỳ vọng của Tĩnh Đô vương và những lời chúc tụng của bọn triều sĩ, vì khi đầy tuổi tôi, cậu đã tỏ ra thông minh xuất chúng và có một cái diện mạo khôi ngô khác hẳn các trẻ con thường. Một đôi lần, vương cho Cán ra tiếp các quan thì cậu bé nói năng rất đúng mực và có người, hàng năm mới gặp một lần. Cán cũng nhớ mặt và tên. Cậu lại thuật lại được cả những câu đã nói năng lần trước. Vương thường mang thơ chữ Hán ra dạy Cán theo cách truyền khẩu. Cán thuộc rất mau và đọc thông vanh vách, không sai một chữ nào cả.
Cán thực đã gây được một cái vinh dự chính đáng cho những người đã may mắn sinh ra cậu.
Nếu Trịnh Cán cứ tuần tự lớn lên, để sau rốt, kế tiếp cái công nghiệp vĩ đại của ông cha cậu thì còn gì hạnh phúc cho họ Trịnh bằng. Nhưng khốn một nỗi "tạo vật đố tài" . để giữ thế quân bình với tài mạo của Trịnh cán, Hóa công giam hãm cậu bé này vào một cái thân hình rất bạc nhược và ốm yếu quanh năm.
Từ 6 tuổi trời đi, Cán không được trực tiếp với ánh sáng mặt trời nữa: suốt ngày cậu bị giam cấm trong một gian phòng rất thâm u, ra vào duy có một bọn thầy lang do Tĩnh Đô vương truyền triệu từ bốn phương về. Bọn này danh là chữa thuốc cho "Thế tử", nhưng sự thực là giết dần Thế tử. Vì, dùng thuốc của họ, bệnh Cán mỗi ngày một tăng. Sau cùng, cậu đã được theo Tĩnh Đô vương lên thế giới cực lạc.
Cán mắc phải bệnh gì?
Triệu chứng của nó như thế nào?
Dưới đây là lời Lê Hữu Trác tức Hải Thượng Lãn Ông, một vị danh y đương thời đã được vinh hạnh vào chẩn mạch cho Trịnh Cán:
Tôi thấy thế tử hình dung gầy guốc lắm: bụng to, da bóng, gân xanh, rốn lồi hơn một tấc. Hơi thở thì ậm ạch, mạch trầm tế mà vô thần. Tôi tự nghĩ lúc trước mình mới trông, thấy Thế tử còn có xương thịt, mạch còn hồng huyền, Bây giờ đến thế này thì còn chữa làm sao được nữa. Bệnh của thế tử là bệnh 'cổ', một trong bốn chứng(88) của cổ nhân liệt vào hạng khó chữa. Nhưng trong vương phủ, người ta kiêng chữ 'cổ' mà gọi là 'cam' để tránh cho mọi người khỏi nỗi ghê sợ, khi đọc lên tiếng ấy.
Để chữa cho Trịnh Cán, người ta mượn tất cả các thầy lang có chút tiếng tăm trong nước do các quan địa phương tiến cử lên hoặc tự vương phủ tuyên triệu.
Để bốc thuốc cho Cán người ta dùng tất cả các vị thuốc quý giá có sẵn trong kho của vương phủ hoặc mua từ Tàu sang.
Cán ốm lâu quá đến nỗi trước chỗ nằm của cậu, người ta phải dọn riêng ra một phòng làm chỗ sắc thuốc và bàn bạc y lý của các thầy lang. Nhưng phòng này đáng lẽ gọi là phòng chế thuốc mà người ta kiêng mà gọi là "phòng trà", và những bài thuốc nan y đáng ngàn vàng mà người ta tiến lên cho cậu uống, cũng không gọi là thuốc nữa mà gọi là "chè" để đánh lừa cậu. Cuộc đời ngắn ngủi của Cán thực ra không có hứng thú gì cả, vì trong mấy năm liền, thân thể của cậu đã bị tàn phá vì những vị thuốc cay đắng của một bọn thày lang phần đông là ngu dốt và hiếu danh. Thậm chí, khi Lãn Ông vào lạy tạ để cáo về, Cán còn buột miệng bảo với ông lang già này: "Chè của thầy già ngọt lắm, dễ uống. Ta muốn uống nữa!" Lý do là tự Lãn Ông đã cho Cán uống những vị thuốc dịu dàng hơn các thầy lang kia một chút.
Trịnh Cán sống ít, nhưng sống một cuộc đời rất tốn kém mà hàng muôn người thường, dù đều sống đủ một trăm tuổi cả cũng không bằng. Những một cái phòng ngủ của cậu cũng đã thành một giải quán quân về xa xỉ, và được và xem mạch cho cậu là một vinh dự không phải thầy lang nào cũng có thể mong mỏi được:
Đi được độ vài trăm bước, qua mấy lần cửa ngăn, mới đến cái điếm Hậu mã quân túc trực điếm làm ở một bên cái hồ lớn, có các thứ cây lạ lùng và những hòn núi non bộ kỳ quái, cột với câu lơn(89) thì lượn ra ngoắt vào coi rất tinh xảo. . .
. . . Đến một cái cửa lớn, lính thị vệ thấy tôi ăn mặc lạ mắt, liền giữ lại hỏi. Vị quan truyền chỉ phải nói là có "thánh chỉ truyền triệu" họ mới cho đi. Rẽ sang dẫy hành lang mé Tây, qua một tòa nhà rất cao lớn và rộng rãi, hai bên nhà, bày hai cỗ ngự kiệu, các nghi trượng đều thiếp vàng nuột cả. Gian giữa kê một cỗ sập ngự thiếp vàng; trên sập mắc một cái võng điều. Đàng trước sập và hai bên tả hữu, bầy nhiều kỷ, án và đồ chơi, mà người ta không trông thấy tại các nhà thường. Tôi chỉ liếc mắt trông qua, rồi cúi đầu mà đi. Lại qua một lần bích môn nữa, tới một cái gác vừa cao, vừa rộng. Những rường cột trong gác đều sơn son thiếp vàng. Tôi hỏi nhỏ vị quan truyền chỉ thì vị này nói: Tòa nhà giao góc vừa đi qua đó là Đại đường hoặc cũng gọi là Tử các. Hiện Thế tử ngự trà ở đó nên cũng gọi là "Trà phòng" Vì kiêng tiếng "thuốc" nên gọi là "trà" ).
Quan chánh đường sợ tôi lạc lối nên bảo tôi đi sát sau lưng ông. Chợt đến một chỗ màn gấm mở rộng, trong tối om, chẳng biết có cửa ngõ hay không. Màn gấm thì trùng trùng điệp điệp, hết vòng nọ đến vòng kia mà vòng nào cũng có thắp một cây nến để dẫn đường. Qua độ bốn năm lần trướng gấm, tới một cái phòng rộng, giữa kê một cỗ sập thiếp vàng, trên có một cậu bé chừng năm sáu tuổi mặc áo lụa đỏ ngồi. Hai bên cậu, có ít nhiều người đứng hầu. Giữa phòng thắp một ngọn nến to gắn trên một cây nến bằng đồng.
Cạnh sập, kê một cỗ long kỷ, sơn son vẽ vàng, trên trải nệm gấm. Gần Long kỷ có một cái màn cẩm sa mắc ngang qua. Phía trong màn, bọn cung nhân đứng xúm xít, nhờ có ánh sáng chiếu rọi, nên tôi nhận ra rằng họ đều áo đỏ, mặt hoa hương đưa ngào ngạt. Chắc là Thánh thượng (Tĩnh Đô vương) vừa ngự trên long kỷ, nhưng tạm lánh sang bên, để tôi xem mạch cho được tinh tường.
Tôi nín thở, đứng nép vào một bên để chờ lệnh. Chợt quan Chánh đường truyền cho tôi lậy bốn lậy. Thế tử trông tôi, cười: "người này lạy khéo quá!"
Quan Chánh đường lại nói lớn:
"Thầy già yếu, cho phép được ngồi hầu mạch!"
Tôi bèn lom khom đến trước ngự sàng, ngồi xem mạch. Xem xong, nghe trong màn cẩm sa có tiếng nói: "Hãy xem cả hình trạng nữa xem!" Liền đó, một viên nội giám tiến lên trước ngự sàng thỉnh vời Thế tử. Thế tử lập tức cởi áo, rồi đứng ra cạnh giường ngự cho tôi xem. Sau khi tôi nhìn nhận rất kỹ càng, quan Chánh đường bảo tôi lậy tạ. Tôi liền lậy bốn lậy, rồi lui ra 'trà phòng' lúc trước. . .
Những nghi lễ phiền phức cũng như tất cả những môn bài trí xa xỉ mà người ta dàn bầy ở chung quanh cậu, thật ra chẳng đưa lại cho Trịnh Cán một mảy may hạnh phúc nào hết, vì cậu còn nhỏ tuổi quá, chưa tiêm nhiễm phải bệnh hiếu thắng là một bịnh đã gây ra bao nhiêu nỗi thống khổ cho loài người. Và, nếu những người thân nhất với Cán có một nhiệt tâm mong mỏi cho cậu sống thì, họ cũng vì cậu rất ít mà phần chính là vì họ muốn mượn cậu làm bậc thang để đạt tới những mục đích danh lợi của họ.
Và khi đã biết đích rằng con mình cũng như chính mình được Tĩnh Đô vương yêu dấu đến cực điểm, Đặng Thị Huệ liền nẩy ra cái tham vọng muốn giựt lấy ngôi chúa cho con mình. Việc đó không phải là dễ. Vì, cứ bình tình ra thì quyền kế tập phải về tay con trai lớn của Tĩnh Đô vương là Trịnh Khải, một thanh niên vừa có học thức vừa có tài, nhưng bất hạnh sinh vào làm con Dương Thị Ngọc Hoan, một người vợ bị Tĩnh Đô vương rẻ rúng nên cũng không được vương thương yêu một chút nào cả.
Để đánh đổ Trịnh Khải, Đặng phi thừa hiểu rằng mình cần phải có vây cánh nên Phi thừa lúc viên đốc trấn Nghệ An là Hoàng Tố Lý bị Tĩnh Đô vương ngờ ghét, liền dùng lời khôn khéo mà nói lót hộ Tố Lý với Tĩnh Đô vương.
Tố Lý được thoát nạn.
Hơn nữa, ông lại được từ chức đốc trấn Nghệ An mà thăng lên làm Thự phủ, một trong những chức quan trọng nhất ở phủ liêu.
Được nắm cả chính lẫn binh quyền trong nước, Hoàng Tố Lý không thể quên được rằng người tác thành cho mình là Đặng thị Huệ nên tuy ngoài miệng không nói ra, nhưng trong thâm tâm, Tố Lý đã bầy sẵn những mưu kế để trừ bỏ con lớn của Tĩnh Đô vương mà lập Trịnh Cán.
Sự liên lạc về quyền lợi gây ra một mối tình thân mật giữa Hoàng Tố Lý và Thị Huệ. Và, Huy quận xây đắp vào Trịnh Cán một mối hy vọng quá ư vững vàng, thành ra cuộc âm mưu của ông không phải là việc bí mật đối với ai nữa. Mấy câu giản dị dưới đây của Hải Thượng Lãn Ông tưởng đã mô tả được gần hết cái tâm sự của Hoàng Tố Lý bấy giờ:
Tôi xem mạch (cho Trịnh Cán) rồi lạy tạ lui ra. Đến cung Thập tự, quan Chánh đường (Tố Lý) ghé tai, hỏi nhỏ tôi: "Ông xem thế nào?" Tôi đáp: "Tinh thần suy kiệt lắm rồi. Thế không qua được!" Ông nghe tôi nói như vậy thì phát phiền, thở dài một tiếng, rồi nằm vật xuống sập. Tôi hiểu ngay rằng Thánh thượng (Tĩnh Đô vương) sở dĩ cất nhắc ông lên, đãi ông như ruột gan, lấy ông làm vây cánh, chỉ là định mang Thế tử mà ỷ thác cho ông. Nay ông nghe tôi nói như vậy thì không buồn sao được?
Trịnh Cán ở vào một tình cảnh rất vô vọng.
Nhưng Đặng Thị Huệ và Hoàng Tố Lý vẫn không thất vọng.
Hai người nhân khám phá ra được cuộc âm mưu đảo chính của Trịnh Khải, liền xin với Tĩnh Đô vương, bắt Khải hạ ngục và chém giết hoặc giam cầm những người đồng mưu với Khải như Nguyễn Khắc Tuân, Nguyễn Khản. . .
Thế là họ đã thắng được kẻ thù hữu tình. Nhưng còn số mệnh là kẻ thù vô hình thì họ vẫn không thắng được một mảy may, vì bệnh tình của Cán mỗi ngày một tăng. Mưu việc ở người, nhưng thành việc vẫn là quyền của tạo vật.
Muôn vật thường phải theo một cái thế quân bình mà hóa công hình như đã định sẵn. Sau một nửa đời hết sức hoạt động - và không khỏi có lẫn cả trác táng - Tĩnh Đô vương bị giam cầm trong buồng bệnh hàng mấy năm liền. Vì mắc phải chứng kinh phong nên vương phải nằm ép trong cung thẳm và không được hưởng một chút ánh sáng nào khác, ngoài ánh sáng của những ngọn bạch lạp(90) mà người ta thắp suốt ngày đêm. Hàng năm, bất đắc dĩ vương phải ra dự lễ đại triều một lần thì chỗ ngồi lại phải quây màn và kiệu phải có cửa kính để tránh được sự trực tiếp với nắng gió. Hãn hoặc, các quan có tấu đối việc gì, đều do nội giám trình lên và vương tự trong màn kín truyền ra. Cho nên những người thân mật nhất với nhà chúa có khi cũng hàng năm mới được trông thấy mặt Tĩnh Đô vương một lần. Nhân đó, Đặng thị Huệ và Hoàng Tố Lý được tùy ý muốn làm gì thì làm. Đối với các quan, họ nói là theo lệnh nhà chúa, nhưng sự thực, chính chúa, họ cũng không cho biết.
Khi xẩy ra việc Trịnh Khải mưu loạn - mà các nhà làm sử quen gọi là "vụ án năm Canh Tý", bệnh của Tĩnh Đô vương có thuyên giảm đôi chút, nhưng vì vương ngự ra cung Vọng hà xem bơi thuyền nên bị cảm và bệnh cũ lại phát ra. Rồi, từ đó không thuốc nào làm cho lui bệnh được nữa.
Bàn về bệnh thế của Tĩnh Đô vương, nhà làm thuốc Hải Thượng Lãn Ông, người sau cùng đã được xem mạch cho vương, viết:
Thánh thượng hình thể đã gầy guộc lắm rồi. Da dẻ của ngài thì khô khan, nước dãi thì vàng và đục, đại tiện thì táo, thỉnh thoảng ợ hơi, miệng khát lưỡi nẻ. Khi ho thì mất cả tiếng đi. Những chứng như thế thì bởi tinh huyết đã khô kiệt. . .
Sau khi bàn bạc với Hoàng Tố Lý, Lãn Ông tiến lên là đơn dưới đây, để tùy vương liệu định:
Tiểu thần Lê Hữu Trác cẩn khải:
Kê:
Xin dùng bài "Bát vị hoàn" gia giảm chế thành cao:
熟地: Thục địa: 5 lạng.
山藥: Sơn dược: 3 lạng, hấp cơm rồi sao ba lần.
山茱: Sơn thù: 2 lạng, nhặt hột ra, rồi bỏ vào rượu luộc.
牡丹: Mẫu đơn: 1 lạng rưỡi, sao kỹ.
白茯苓: Bạch phục linh: 1 lạng rưỡi, tẩm sữa.
麥門: Mạch môn: 1 lạng hai đồng.
五味: Ngũ vị: 5 đồng dùng sống.
製附: Chế phụ: 5 đồng.
肉桂: Nhục quế: 5 đồng, kỵ lửa.
Tất cả các vị trên này bỏ vào nồi đất nấu thành cao, hòa thêm hai lạng cao lộc nhung, một lạng cao khởi tử, đun chẩy quấy đều, đổ ra trộn với bột nhục quế, đổ vào lọ bịt kín. Mỗi lần ngự dùng một thìa, uống với thang thần thảo sắc đặc.
Nay cẩn khải
Phương thuốc của Lãn Ông mấy hôm đầu rất có hiệu lực, vì vương đã khỏi sốt và ăn, ngủ được. Nhưng chỉ một tuần sau, thì nó lại trở nên trầm trọng. Thầy thuốc đoán là vị khí của vương đã bại rồi mà vị khí bại thì không thuốc nào chuyển được nữa.
Tĩnh Đô vương tự lượng rằng mình không thể qua khỏi được, liền gọi Hoàng Tố Lý đến ỷ thác cho việc lập Trịnh Cán sau này. Nhưng Huy quận sợ rằng một mình mình chẳng đủ chế phục được cả nước nên xin vương lập một hội đồng phụ chính, trong có tất cả bảy người:
Huy Quận công Hoàng Tố Lý;
Hoàn Quận Công Nguyễn Hoàn;
Diễm Quận công Trịnh Kiều;
Châu Quận công Lê Đình Châu;
Thùy Trung hầu Tạ Danh Thùy;
Tứ Xuyên hầu Phan Lê Phiên;
Thanh Quận công Trần Xuân Huy.
Liền đó, Huy quận sai Tứ Xuyên hầu thảo di chiếu và chức Thiêm sai là Nhữ Công Điền thảo sắc phong Đặng Thị Huệ chức Tuyên phi. Nhưng hai người vừa thảo xong, vương chưa kịp cho chữ, đã tắt nghỉ.
Hôm đó là ngày 11 tháng chín năm Cảnh Hưng thứ 43.
Vương thọ 41 tuổi.
Sau khi Tĩnh Đô vương mất, bọn Hoàng Tố Lý theo lời di chúc, tôn Trịnh Cán lên làm chúa, lấy hiệu là Điện Đô vương.
Cán mới tám tuổi(91), cố nhiên không hiểu chính sự là gì hết nên chính quyền ở cả trong tay Đặng Tuyên phi mà người giựt dây ở phía sau là viên Thự phủ họ Hoàng.
Tuyên phi từ đó đóng vai Ỷ Lan Thái phi, ngồi trong rèm xử đoán mọi việc thay con. Mà Hoàng Tố Lý, cũng muốn đóng vai Gia Cát Võ hầu mang cái túi kinh luân của mình ra giúp ấu chúa.
Nhưng cả ba người ngồi chưa ấm chỗ, thì lính Tam phủ nổi lên, giải phóng cho Trịnh Khải; Tố Lý vì vô mưu nên bị chúng giết chết. Điện Đô vương phải truất bỏ và Đặng Thị huệ bị bắt giam. Công xếp đặt của hai người trong bao nhiêu năm rút lại thành một giấc kê vàng(92). Ngôi chúa của Bắc Hà sau rốt lại trở về con trưởng: Trịnh Khải.
Muốn tỏ ra rằng mình có lượng, Khải phong cho Cán tước Cung Quốc công và cũng dụng công tìm thầy chữa thuốc cho Cán như khi Tĩnh Đô vương hãy còn. Nhưng hết phải ra phủ đường dự lễ triều hạ(93), lại bị bọn nội giám bế đi trốn tránh. Cán vì bị kích động luôn mãi, bệnh lại tăng lên gấp bội và tắt thở ngày 13 tháng mười một năm Cảnh Hưng thứ 43, nghĩa là sau Tĩnh Đô vương vừa hai tháng.
Mất chính quyền, Đặng Tuyên phi còn có thể tự an ủi được. Nhưng đến con chết thì đời nàng trở nên đau khổ vô hạn và không còn lưu lại lấy một chút sinh thú nào.
Tuy nhiên để "làm cho, cho hại cho tàn cho cạn", tôn công lại đầy cô gái đẹp làng Phù Đổng vào một cái khổ thứ ba nữa là phải chịu đựng cái ghen quá mùa của nàng Dương Thị Ngọc Hoan là vợ Tĩnh Đô vương và là mẹ đẻ của Đoan Nam vương Trịnh Khải.
Thoạt đầu, Dương Thái phi bắt đưa Tuyên phi đến trước mặt mình mà kể hết các tội lỗi của nàng khi trước và bắt nàng phải lậy tạ.
Tuyên phi không chịu.
Thái phi liền sai cung nữ kéo tóc mà rập đầu Tuyên phi xuống đất. Nhưng Tuyên phi cũng nhất định giữ cái thái độ cương ngạnh khi trước và không chịu nói năng một câu gì.
Thái phi tức giận, sai cung nữ nhổ vào mặt Tuyên phi, rồi bắt giam ở sau vườn, hàng ngày lại mắng nhiếc thậm tàn, hình như để dốc hết những nỗi ghen tức mà bà vẫn chứa chất ở trong lòng, vì sinh thời Tĩnh Đô vương, bà không có can đảm dốc vợi nó đi được.
Một hôm, Tuyên phi nhân lúc vắng người, lấy vạt áo che mặt, do cửa Tuyên vũ trốn ra ngoài thành. Thái phi biết tin, cho đuổi theo bắt về giam giữ rất nghiêm khắc và từ đó, không hỏi han đến nữa.
Sang năm sau, bọn lính hộ lăng chợt về báo rằng các đồ thờ trong lăng Tĩnh Đô vương tự nhiên đổ vỡ tan nát cả. Dương Thái phi lấy làm lạ, cho đòi bọn đồng cốt đến hỏi. Bọn này có lẽ ái ngại cho cái tình cảnh của Đặng Tuyên phi, nói hiện Đoan Nam vương đã phạm vào hai tội bất hiếu: hành hạ người yêu (Tuyên phi) và đổi đồ khâm liệm của cha(94) làm cho hài cốt không được yên nên Tĩnh Đô vương ứng ra các điềm đó để bao cho người sống biết mà hối cải lại.
Dương Thái phi lo sợ, bảo Đoan Nam vương làm lễ tạ và cho Đặng Tuyên phi ra ở lăng Tĩnh Đô vương để coi giữ tẩm miếu. Nhưng từ đó, Tuyên phi chỉ vật vã khóc lóc không lúc nào ngơi.
Đến ngày lễ đại tường(95), nàng uống thuốc độc mà tự tận.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Bình luận truyện