[Việt Nam] Tĩnh Đô Vương

Chương 6 : (6)

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 23:17 06-09-2018

.
Đến lần Nam Hà làm cái đích xâm lược cho họ Trịnh. Dẫy núi Hoành Sơn phải chăng là một tòa thành bất di dịch mà sức người không thể vượt qua được? Hay hai trấn Thuận, Quảng có một cái thế lực vô đối mà Bắc Hà không sao bằng? Không. Không phải thế? Nam Hà, so về đất đai, không bằng một nửa khu vực của họ Trịnh. Mà dân số thì chỉ bằng độ một phần ba. Đến như nhân tài, hai trấn Thuận, Quảng cũng không sản xuất được nhiều. Thuận Hóa lấy làm vinh hạnh vì đã tạo tác nên được một mưu sĩ là Đào Duy Từ. Nhưng Đào Duy Từ là người ngoài Bắc, vì không đắc dụng nên mới trốn vô Nam. Thuận Hóa hết sức nhồi phấn và thoa son cho Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật(71) để đặt họ lên cái giai cấp vĩ nhân. Nhưng Tiến và Dật chẳng qua cũng chỉ là những kẻ dung tài(72), không thấm vào đâu với Hoàng Ngũ Phúc và Phạm Đình Trọng(73). Các chúa Trịnh Tráng, Tạc và Căn sở dĩ không chinh phục nổi miền Nam, có người cho là vì quân Bắc Hà phải đi đánh xa nên cũng gặp những trở lực như khi người Tàu sang xâm lấn Việt Nam. Điều đó cũng có một phần sự thực. Nhưng cái sự thực bất di dịch là mỗi lần xuất quân, họ Trịnh tuy có ép cả vua Lê đi theo để mua chuộc lòng người, nhưng bọn sĩ phu cũng như các tướng tá Bắc Hà đều thừa hiểu rằng chinh phục Thuận Hóa, chúa Trịnh chỉ noi có một mục đích là mở rộng cái thế lực của mình xuống miền Nam, chứ không có ý gì tôn phù nhà Lê cả. Vì có sẵn cái tâm lý đó, quân Bắc Hà không bao giờ nhiệt tâm phấn đấu cả và hễ trong quân có ít nhiều người không may chết vì tật bệnh thì nhao nhao ngay lên là thủy thổ không phục, làm cho bọn tướng lĩnh phải rút quân về. Từ đời Uy Nam vương (Trịnh Giang) trở về sau giữa Bắc và Nam Hà lại hiện ra một bức thành kiên cố hơn lũy Trường Dục là đảng Lê Duy Mật ở Trấn Ninh. Đứng xen vào giữa hai châu Bắc và Nam Bố chính, vị hoàng tử thứ mười một của nhà Lê (Duy Mật) vô tình đã tự hiến thân làm tấm bia đỡ đạn cho chúa Nguyễn ở phương Nam. Lê Duy Mật có hiểu như vậy không? Người ta chỉ biết rằng khi bị quân Bùi Thế Đạt bức bách, viên thủ lĩnh đảng Trấn Ninh vội vã viết thư vào cầu viện với Phú Xuân. Trong thư đại lược nói: "Ngày xưa nhà Lê chúng ta bị nghịch Mạc lấn cướp. Lòng người xao xuyến, ai nấy đều nhớ họ Lưu(74). Bấy giờ Chiêu Huân Tiên công(75) xướng nghĩa lên, lấy việc phù Lê diệt Mạc mà hiệu triệu thiên hạ, rồi đón vua Lê ở Ai Lao về mà tôn lên ngôi báu. Trong việc truy công, công của Chiêu Huân tiên công là đứng trên hết tất cả. Họ Trịnh bấy giờ còn ở dưới trướng của Tiên công. Đến khi mọi việc đã yên ổn rồi, họ ấy mới lập mưu gian mà cướp lấy chính quyền, đuổi họ Nguyễn xuống miền Nam. . . . . . Nhà Lê bị kẻ quyền thần là họ Trịnh hiếp chế đã lâu lắm vậy. Là dòng dõi nhà vua. Mật nay trong lòng uất ức, muốn rửa sạch quốc thù. Nhưng thế yếu mà giặc mạnh, cho nên bao lần cử binh mà việc vẫn không thành. Ngày nay, ở nơi nước cũ, trăm họ đều trông ngóng mặt trời. Nhà Lê là chủ cũ của ta đó, họ Trịnh là cừu thù của ta kia. Việc phù Lê diệt Trịnh chỉ còn trông cậy ở miền Nam kéo quân lên, xin sơm sớm định các cơ nghi và chọn ngày tốt tiến quân, để cùng với Mật này cùng ứng tiếp. Như vậy giặc mới có thể trừ, mối thù của chúng ta có thể rửa được và các vị tiên vương(76) cũng được thêm vinh dự vậy. (77) Chúa Nguyễn hồi đó là Võ vương, vì không muốn khiêu khích với họ Trịnh, viết thư khước từ. Võ vương không hiểu rằng chính phủ Thuận Hóa và đảng Trấn Ninh có quan hệ mật thiết với nhau như môi và răng. Lê Duy Mật tức là mỗi đã bị hở rồi thì răng là Thuận Hóa thế tất phải lạnh. Chỉ tiếc rằng người chịu những ảnh hưởng khốc liệt của cái chính sách lười biếng và vụng về này không phải là Võ vương nữa. Vì khi Lê Duy Mật, vì thất cơ mà thiệt mạng thì Võ vương cũng đã tạ thế rồi. Người đương cầm vận mệnh Nam Hà là con trai thứ 16 Võ vương là Định vương, một vị chúa lúc lên ngôi mới 12 tuổi. Vì có chí muốn xâm lược Nam Hà nên các tướng lĩnh vào trấn thủ Nghệ An thường được Tĩnh Đô vương mật dụ là phải để ý dò xét nội tình của Thuận Hóa. Tháng năm năm Cảnh Hưng thứ 35, trấn tướng Nghệ An là Bùi Thế Đạt mật khải về Thăng Long nói Thuận Hóa có cơ chiếm được, vì chúa Nguyễn nhỏ tuổi, trong thì có quyền thần Trương Phúc Loan hãm hại những người trung lương; ngoài thì giặc Tây Sơn nổi lên quấy nhiễu. Tĩnh Đô vương đem việc này ra bàn tại chính phủ: các đại thần như Hoàng Ngũ Phúc, Nguyễn Nghiễm, Lê Quý Đôn đều chủ trương việc cất quân. Vương lập tức khởi phục Hoàng Ngũ Phúc làm đại tướng(78), Phan Lê Phiên, Uông Sĩ Điển làm Tùy quân Tham biện, Đoàn Nguyên Thúc làm Nghệ An Đốc thị, thống lĩnh ba mươi ba doanh tướng, sĩ cùng các đạo quân Thanh Nghệ và Đông, Nam, vừa thủy vừa bộ, tất cả ba mươi vạn người, tiến vào Nghệ An trước. Các danh tướng ở Bắc Hà như Hoàng Phùng Cơ và Hoàng Đình Thể đều thuộc quyền Ngũ Phúc sai phái. Lại cho cả bọn Nguyễn Nghiễm và Hoàng Đình Bảo theo đi để tùy việc điều khiển. Vì Thuận Hóa luôn mấy năm bị mất mùa, quân đội không thể trông cậy vào đó mà có lương thực được nên Tĩnh Đô vương đặt ra một phép chở lương riêng. Theo phép đó thì chỗ vận lương đầu tiên là Mỹ Lộc (Sơn Nam). Người chủ trương là Nguyễn Đình Diễn. Đình Diễn lấy tiền kho mua thóc, gạo ở Bắc Hà, rồi cho tải xuống thuyền mà chở vào Hà Trung (Nghệ An) giao cho Đoàn Nguyên Thúc. Nguyên Thúc nhận lấy số thóc gạo ấy và lại đong thêm thóc gạo của các nhà giàu ở Nghệ An nữa mà tùy tiện theo đường thủy hoặc bộ chở vào Động Hải (Quảng Bình) giao cho Phạm Ngô Giao. Tại Quảng Bình, Ngô Giao giữ lấy số lương này, rồi điều độ mà phát cho quân dùng. Khi cất quân lên đường, Tĩnh Đô vương còn cầm tay Hoàng Ngũ Phúc, dặn: - Tới Nghệ An, ông nên tùy cơ mà hành động. Trước hết hãy viết thư cho biên tướng nói thác rằng mình cất quân vào có ý là phòng quân Tây Sơn tràn ra Bắc, để cho họ yên lòng. Nếu họ đã dẹp yên được quân Tây Sơn rồi thì cũng liệu lời mà viết thư cho họ, rồi cất quân về, chẳng nên làm cho họ ngờ vực mà gây ra sự xung đột ở nơi biên khổn. Theo đúng ý trên, khi mang quân vào tới Hà Trung (Nghệ An), Hoàng Ngũ Phúc tuyên bố rằng mục đích việc xuất sư của mình là vì họ Nguyễn mà dẹp giặc, nhưng ngầm sai người mua chuộc bọn quân lính coi giữ biên giới của Nam Hà, rồi đương đêm, mang quân qua sông Linh Giang. . . Tướng trấn thủ Bố Chính doanh là Tôn Thất Tiệp (Nam Hà) sai bọn cai đội là Quý Lộc và Kiêm Long ra đón quân Hoàng Ngũ Phúc, nói quân Tây Sơn hiện đương tự diệt, bất tất phải phiền quân Bắc Hà vào giúp. Nhưng Ngũ Phúc mật sai người mua chuộc sứ giả nên bọn Kiêm Long có ý làm phản, nói: "Đường không đi không tới, chuông không đánh không kêu." Ngũ Phúc hiểu ý, tiến quân lên đánh Bố Chính doanh. Tôn Thất Tiệp phải lui về giữ Động Hải. Ông lại sai Hoàng Đình. Thể tiến đánh lũy Trấn Ninh. Nam tướng là Hoàng Văn Bật và Lê Thập Thức tự biến mình làm nội ứng, mở cửa lũy cho quân họ Trịnh, Đình Thể chỉ còn có việc mở cờ đánh trống tiến quân vào lũy. Trấn tướng Nam Hà là Luận Chính và Thành Tín đầu hàng. Quân họ Trịnh thừa thế tiến thẳng vào Quảng Bình doanh; bọn Tôn Thất Tiệp và Khiêm Chính phải bỏ chạy. Tháng mười một năm Cảnh Hưng thứ 35, Tĩnh Đô vương thân mang quân vào Nghệ An, đóng tại Hà Trung, rao lên rằng vương vào đây để làm thanh viện cho Hoàng Ngũ Phúc. Nhưng cùng trong thời gian này, quân Ngũ Phúc đã tiến vào gần đến Thanh Hóa. Ông truyền hịch cho dân Nam Hà, nói ngoài việc trừ Trương Phúc Loan là kẻ tàn dân hại nước ra, ông không có ý gì xâm lược xứ này cả. Chính phủ Thuận Hóa vội bắt Trương phúc Loan nộp Ngũ Phúc. Từ đó, Ngũ Phúc không nói gì đến Trương Phúc Loan nữa. Nhưng lại đạt thư cho chúa Nguyễn, hẹn cùng hội quân ở Phú Xuân để dẹp Tây Sơn. Định vương biết rằng Hoàng Ngũ Phúc chỉ cốt tìm cách để lừa dối mình nên vội sai Tôn Thất Tiệp làm thống binh ra giữ và bọn Tuyên Chính và Thành Đức trá hàng để dụ quân họ Trịnh. Tiếp, lại sai cai, đội là Phẩm Bình ra dụ bọn hào mục ở Quảng Bình và Bố Chính khởi nghĩa để chẹn đường về của quân Ngũ Phúc. Không may Phẩm Bình bị quân họ Trịnh Bắt được, Tôn Thất Tiệp bị Hoàng Phùng Cơ và Nguyễn Tiến Khoan đánh thua, quân Bắc Hà từ đó thanh thế rất mạnh, không tài nào ngăn ngừa được nữa. Thua mặt bộ, chính phủ Thuận Hóa xoay chống về mặt thủy, nhưng thủy quân cũng không lợi, thành ra bọn tướng lĩnh như: Tôn Thất Doanh, Nguyễn Văn Chính kế nhau mà chết trận hoặc xin hàng. Tháng chạp năm ấy, Ngũ Phúc sai Hoàng Đình Thể vòng đường núi qua bến Trầm Than đánh vào đô thành. Túng thế, Định vương phải xuống thuyền chạy ra cửa Tư Dung để trốn vào Quảng Nam. Được tin Ngũ Phúc đã chiếm được Thuận Hóa rồi, Tĩnh Đô vương sai Nguyễn Quỳnh mang vào thưởng cho Ngũ Phúc một trăm lạng vàng và gửi cho ông một phong thư, trong nói: "Đã lấy được Thuận Hóa rồi thì Quảng Nam không bao lâu nữa cũng dẹp yên. Việc này ngoài nguyên lão(79) ra thì không ai đương nổi. Vậy mọi việc đánh dẹp nguyên lão cứ tự ý mà làm." Vương lại thưởng cho các tướng sĩ năm nghìn lạng bạc, rồi kéo quân về, lưu Ngũ Phúc lại làm đại trấn phủ. Kế tiếp công việc bình phục Nam Hà, Ngũ Phúc tiến đánh Quảng Nam, Nguyễn Văn Nhạc bị thua, phải dâng biểu xin hàng. Hoàng Ngũ Phúc thuận cho. Thế là hai trấn Thuận, Quảng về cả uy quyền họ Trịnh. Có kẻ trách Tĩnh Đô vương là nhãn giới hẹp hòi, vì không theo mưu của Lê Quý Đôn mà đánh giấn lên để trừ cái họa Tây Sơn sau này. Nhưng điều trách đó không khỏi quá đáng, vì, sau khi đóng lâu ở Ô Lý, quân Hoàng Ngũ Phúc, bị dịch lệ không thể đánh được nữa mà có đánh cũng vị tất đã giữ nổi sau này. Vương theo lời Ngũ Phúc mà bãi binh, chẳng qua chỉ là làm một việc mà thế tất phải làm. Chỗ đáng khen là Tĩnh Đô vương đã đạt tới một cái mục đích mà các chúa Trịnh trước vẫn mong mỏi là chỉ trong khoảng mười năm, đã xóa bỏ được những di tích của họ Nguyễn ở phương Nam, làm cho Thuận Hóa, từ chính trị đến phong tục, hoàn toàn như Bắc Hà cả.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
 
Trở lên đầu trang