[Việt Nam] Tĩnh Đô Vương

Chương 3 : (3)

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 23:15 06-09-2018

Nếu Bắc Hà được nhà Minh kế đến nhà Thanh phải kiêng nể, nghĩa là không viện cớ họ Trịnh cướp quyền nhà Lê mà gây cuộc binh đao – và các nước láng giềng về phía Tây Nam phải triều cống, không phải không do một cớ rất quan trọng. Cớ ấy là có một đội quân đầy đủ để chống cự với nước Tàu và có dư để chinh phục các nước láng giềng về phía Tây Nam, trong đó, với Tĩnh Đô vương, người ta có thể kể cả đất Nam Hà của chúa Nguyễn. Binh lực của họ Trịnh cộng tất cả chừng 15 vạn người, trong số, có từ tám nghìn đến một vạn là kỵ binh và 350 con voi. Cách tổ chức thì nhỏ nhất là "ngũ", gồm có năm người, mười ngũ là một đội (50 người); mười đội là một cơ (500 người). Cơ và vệ, quân số cũng như nhau. Theo Lịch triều hiến chương thiên Binh chế chí của Phan Huy Chú thì quân đội của Bắc Hà gồm có những hạng quân sau này: Nội điện vệ binh – Tức là thứ lính được hầu hạ và canh phòng ở gần gũi vua, chúa: Thị kiệu ty cẩm y vệ; Kim ngô tả hữu loan giả ty; Tả hữu Trực đội; Thiên hùng đội. Thị hậu bộ binh– Lính bộ dùng về chiến trận có các đội: Nhưng nhất, Nội nhưng, Tứ nhưng, Tứ Nội bộ, Tứ Nội khuông, Tứ Nội dực, Tứ chẩn, Tứ thắng, Thiện bảo, Tứ Trung mã, Tứ Nội mã. Và các cơ: Tứ Thị trung, Tứ Thị nội, Thiên hùng, Trung hùng. Thị hậu thủy binh– Lính thủy chia làm các "thuyền" : Kiệu nhất, Nội kiệu, Tứ kiệu, Tứ nội thủy, Siêu nhất, Tuyển nhất, Ưu nhất, Trạch nhất, Tứ Siêu, Tứ tuyển, Tử ưu, Tử trạch, Trung hậu, Cận hậu. Và các cơ: Vệ tả, Vệ hữu. Trở lên là "Thị hậu thân quân" tức là thứ lính gần gũi với vua, chúa và được đóng luôn ở kinh thành, trừ khi xảy ra chiến tranh mới phải sai phái đi xa. Hạng lính này mộ ở quê hương nhà vua và nhà chúa, nghĩa là ở Nghệ An và ba phủ đất Thanh Hoa nên cũng có tên là lính "Tam phủ" hoặc "Ưu binh" – thứ lính tốt hơn cả – vì cớ hai trấn ấy đã có công tôn phù hai họ Lê và Trịnh lên đế và vương nghiệp. Bọn Ưu binh lợi dụng sự tin cậy của vua, chúa mà hà hiếp dân chúng nên người Bắc Hà ghét họ mà gọi là "Kiêu binh" . Về đời Trịnh Tạc, kiêu binh đã nổi loạn, giết một quan chức trọng yếu trong chính phủ là Nguyễn Quốc Khôi(59) nên bị Tây vương trừng trị rất nghiêm(60). Sau này, khi Trịnh Sâm đã mất, chúng lại nổi lên một lần nữa. Nhưng lần này vì nhà chúa yếu quá, không dẹp nổi chúng nữa nên mới gây ra một mối loạn hàng bao nhiêu năm không dứt. Ngoài các đội "Thị hậu thân quân" hay "Ưu binh" ra còn có các đội nữa như Tứ trung tượng, Tứ nội tượng, Tả hữu, tiền, hậu tượng. . . Các doanh: Trung tiệp, Trung khuông, Trung hùng, Trung thắng, Trung dũng, Trung nhuệ, Trung dực. . . Các cơ: Tả khuông, Tiền khuông, Hữu khuông, Hậu khuông. . . Các đội thủy quân: Tiền nhất, Hậu nhất, Tiền trung, Hậu trung. . . Lính các trấn (tỉnh) thì thường lấy một vài chữ mà đặt tên như Thanh Hoa thì dùng chữ Trấn (Tiền trấn, Hậu trấn) và chữ Hùng (Tứ hùng, Hùng trung); An Trường dùng chữ Kiên (Kiên nhất, Kiên nhị. . . ); Nghệ An dùng hai chữ Trấn và Ninh. . . Quân Bắc Hà chia làm 413 doanh, cơ, đội và thuyền mà lương bổng khác nhau. Bọn "thân quân" thì sự sinh hoạt được rất dồi dào. Trái lại, lính các trấn thì ngay đến những vật tự phụng rất cần thiết cũng không đủ. Vì có việc phân phát lương lính không đều đó nên khi lên cầm quyền ít lâu. Tĩnh Đô vương liền sai bọn Nguyễn Đình Huấn và Vũ Huy Đĩnh lập các thể lệ mới về việc phát lương cho quân. Tuy nhiên những nỗi bất công về trước cũng không giảm được bao nhiêu. Vì các tướng chỉ huy phần đông là quan hoạn, những người đã thiếu liêm sỉ lại vô học. Tuy nhiên, cũng có kẻ nhờ ở các công trận, leo lên những chức quan võ rất cao như Đề đốc, Tham đốc, Đô đốc. . . hoặc chưởng phủ, thự phủ và quyền phủ là những chức do vương phủ đặt ra. Hàng năm, cứ đến tháng năm thì lại có một cuộc duyệt binh rất lớn, khởi đầu bằng ba loạt đại bác, tiếp đến các tướng lĩnh tỷ thí các môn võ nghệ, và sau rốt, quân lính đi diễu trước bến Thảo Tân hay Ngũ Long lâu là nơi ngự duyệt của chúa Trịnh. Khi nào có sứ Tàu tới Thăng Long thì cuộc duyệt binh lại càng long trọng hơn nữa, nghĩa là y phục của quân đội toàn dùng một thứ da rất tốt và nhuộm các mầu sặc sỡ, do các phà buôn Anh Cát Lợi(61) và Hà Lan mang vào bán ở trong nước. Thủy quân của Bắc Hà có được chỉnh bị như lục quân không? Xa lắm. Và những lý do mà giáo sĩ Richard viện ra dưới đây, không phải không có một phần sự thực: Trong một xứ mà việc giao thông chỉ quanh quẩn ở trong nội bộ của xứ ấy, nghĩa là thuyền bè chỉ qua lại trên các sông ngòi để đánh cá và xa lắm mới đến vịnh Bắc kỳ, thì xứ ấy không thể có một đội hải quân có đôi chút giá trị được. Thủy quân của Bắc Hà thu ở hai ba trăm chiếc thuyền lớn nhỏ, thích hợp với các sông ngòi hơn là ngoài bể: vì thuyền không có cột buồm, không có buồm, đi lại toàn dùng bơi chèo. Những người chèo thuyền lại cũng không có gì che chở cho hết, họ trơ ra đó làm cái bia cho miệng súng và tất cả các môn khí giới dùng vào việc tấn công của quân địch. Chiến thuyền như vậy, nên người ta chỉ dùng nó vào các lễ tiết và trò chơi hơn là vào việc chiến tranh. Phía trước thuyền người ta đặt được một khẩu đại bác nho nhỏ. Ngoài đội thủy quân trên này ra, triều đình con có chừng bốn trăm chiếc thuyền nữa chạy bằng buồm được và rất tiện về việc chở quân lính và đạn dược, chứ dùng để đánh nhau thì yếu ớt quá. Những thuyền này, không luận là lớn hay nhỏ đều xếp trong những cái băng lớn có thể đẩy xuống nước rất dễ dàng, khi nào cần đến. Quân đội của chúng ta không lấy gì làm đông đúc cho lắm. Nhưng các kho chứa khí giới và đạn dược thì không tỉnh nào không có. Về mục này, vị giáo sĩ mà ở các trang trên chúng tôi đã nhắc đến nhiều lần, kể lại một việc rất kỳ quái mà chúng tôi không thấy quốc sử đả động đến bao giờ. Đó là cái kho tàng vĩ đại của chúa Trịnh ở Thanh Hoa. Người ta nói tại tỉnh này có một khoảng đất rất rộng, chung quanh có núi cao và được hóa công vây bọc một cách kín đáo quá đến nỗi người ta không có cách nào len vào được, trừ một lối đi rất nhỏ: đó là cái kho tàng chính, trong chứa chất không biết bao nhiêu súng đạn và nhiều thứ khí giới khác. Người ta lại nói quyết rằng những vật quý giá của nhà chúa cũng đều giấu giếm ở đây, vì nhà chúa coi chỗ này là một nơi thiên hiểm, nếu bất hạnh xẩy ra loạn lạc, có thể về đây mà ẩn tránh được. Nhà chúa lại cho làm một con đường tắt qua các rừng núi, để đi từ kinh thành đến đây và trừ một số người mà nhà chúa đã phái đến thì người ngoài không ai được biết cả. Nhờ có con đường đó, người ta đi từ Kinh vô Thanh mất có một ngày, đáng lẽ phải mất bằng mấy ngày, nếu người ta đi theo quan lộ. Người ta lại nói vị chúa đa nghi đã cầm quyền ở Bắc Hà vào khoảng 1685, có cho đào một con đường ngầm từ vương phủ đến cái kho tàng đó. Chiếc kho ấy có thật chăng? Hay chỉ là một chuyện kiểu "thiên phương dạ đàm" (62) xuất ở khối óc tưởng tượng quá ư dồi dào của một vị giáo sĩ?
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang