[Việt Nam] Tiêu Sơn Tráng Sĩ
Chương 42 : Thầy tướng số
Người đăng: Lịch sử Việt Nam
Ngày đăng: 23:53 11-09-2018
.
Trong sân đền Trấn Võ, dưới góc cây muỗm già, một túp lều dựng sơ sài, bằng bốn cái cọc chống một bức phên nứa có cài lá gồi. Đó là cửa hàng một thầy tướng số.
Thầy tướng số ấy người còn trẻ măng, dù dôi mục kính gọng đồng cố làm tôn vẻ đạo mạo của thầy lên. Mà hình như thầy đã được thụ giáo một Cốc tử tiên sinh người Thiên quốc. Chẳng thế, bức vẽ trên khổ vải lớn treo ở thân cây muổm lại là tướng mạo một người Tàu, với cặp mắt xếch ngược và cái bím thực dài vắt qua vai ra đằng trước ngực. Cho đến cả cái ống bút, cái nghiên mực, cái tráp đen, cái đĩa để gieo âm dương cũng toàn là đồ Tàu. Vì thế, người ta gọi thầy là ông thầy Tàu, tuy thầy mang y phục đặc An Nam: cái khăn nhiễu Tam giang rộng bản, cái áo the La cà dài lượt thượt, cái quần lụa Vạn Phúc ngả màu hồng và đôi giầy Gia Lộc da dê chính hiệu.
Hôm nào, thầy cũng đến đó thực sớm, giở khăn gói lấy vuông vải có hình treo lên cây, rồi mở tráp lấy ra đủ các thúu, nào thẻ hương, nào đĩa, nào tiền, nào chân gà khô bày la liệt trên chõng. Rồi thầy ngồi bó gối chờ khách hàng. Buồn thì thầy mở sách tướng số xem lại, hay đem Đường thi ra ngâm nga.
Ngày rằm, mồng một là những ngày thầy đắt hàng nhất, vì ngoài khách xem tướng, xem số, còn rất nhiều ngưòi nhờ thầy giảng hộ những lá thẻ xin được ở trong đền. Hàng này phần nhiều là đàn bà, con gái, được thầy tướng số đẹ trai khen và nịnh - vì thầy ta mặt mũi rất khôi ngô, mỹ lệ - thì sướng phồng mũi lên, không bao giờ tiếc tiền thưởng.
Nhưng đối với bọn đàn ông, đối với các thầy khóa trẻ tuổi, vãn cảnh đền, mơ màng chờ đợi xem có cô nào ngắt cành mẫu đơn bị trói để cởi áo ra chuộc, đối với những bậc văn nhân, thi sĩ sẵn sàng bầu rượu, túi thơ, tới đền để cảm đề ngâm vịnh, dối với những người ấy, thì thầy tướng rất giữ gìn, rất hà tiện lời khen.
Mà có một điều lạ, là hình như thầy tướng cho rằng người Việt Nam thời bấy giờ ai ai cũng phải phá ngang mới làm nên được. Thường thường thầy dạy:
"Tướng ngài rất quý, nhưng không thể làm nên như bọn tầm thường, nghĩa là không theo đường thi cử tiến thân được". Nếu người xem hỏi vặn, thì thầy tướng sẽ nói tiếp:
- Tôi nói câu này, ngài đừng giận, chứ ngài thì một là mất đầu, hai là công danh phú quý.
Một buổi sáng, thầy tướng đương ngồi nhìn theo những người tấp nập đến lễ đền vì hôm ấy là ngày rằm. bỗng thầy để ý đến một thiền sư đi qua rẽ xuống nhà tổ Chờ lúc thiền sư trở ra, thầy hắn dặng rồi mỉm cười cất giọng trong trẻo mời một câu rất có duyên:
- Nam vô a di đà phật! Bạch sư ông...
- Nam vô a di đà phật!...
- Sư ông có xem tướng không?
Nhà sư dừng lại, tò mò nhìn thầy tướng rồi buồn rầu đáp:
- Thầy tính, bần tăng xuất gia tu hành, còn mong ước một điều gì nữa mà cần biết hậu vận tương lai?
Thầy tướng vẫn mỉm cười:
- Sư ông không cần xem biết sau này có lên tới Nát bàn không ư?
Nhà sư thản nhiên không đáp, toan đi thẳng.
- Bạch sư ông...
- Thầy bảo gì nữa?
- Tôi coi tướng sư ông như... như thế nào ấy.
Thiền sư quay lại đăm đăm nhìn thầy tướng vẻ mặt hơi cau có khó chịu:
- Như thế nào?
- Khó nói quá. Như... như tướng một nhà sư... mà lại như tướng một... một tráng sĩ.
- A di đà phật!
Thầy tướng nói luôn:
- Hai cánh tay cứng cáp kia để mang đại đao ở nơi chiến trường đúng hơn là để cầm dùi gõ mõ thỉnh chuông. Còn hai bàn chân kia mà đặt vào trong bàn đạp thì vững trãi lắm. Nhưng trừ hai mắt sắc, thì vẻ mặt hiền từ ra vẻ một nhà tu hành... Tướng sư ông lạ lắm, giá sư ông để tôi xem kỹ lưỡng hơn thì tôi còn tìm ra nhiều điều mới nữa.
- Nhưng bần tăng làm gì có tiền?
- Được, sư ông muốn trả bao nhiêu, hay không trả đồng nào cũng được. Miễn là sau này sư ông tụng niệm kêu cầu Phật tổ phù hộ ban phúc cho tôi là tôi đa tạ sư ông lắm rồi.
Nhà sư tươi cười lại gần, tuy đã yên trí rằng anh chàng kia chỉ là một viên thám tử của quan tổng trấn nên mới vờ hỏi tò mò như vậy.
- Nếu thế còn nói gì nữa. Nào thì xem tướng.
Thầy tướng ngắm nghía nhà sư một lát rồi nói:
- Cặp mắt phượng này... đáo để lắm... Lại cái miệng hùm với cái hàm én... Giá để râu thì chẳng kém gì Trương Phi... Nhưng đẹp trai hơn Trương Phi nhiều.
Nhà sư rất lưu ý đến diện mạo và giọng nói của thầy tướng số, bỗng phá lên cươl:
- Chịu thầy. Nhưng hình như tôi đã gặp thầy ở đâu thì phải.
- Bạch sư ông ở đâu ạ?
- Ở... ở... vùng...
Thầy tướng nói luôn:
- Hay ở hàng thịt... thịt cầy.
- Nam vô a di đà phật!
Mấy người trong đền đi ra bưng miệng khúc khích cười. Đợi bọn họ ra khỏi cổng, Phạm Thái - vì nhà sư chính là Phạm Thái - ghé gần vào tận tai thầy tướng thì thầm:
- Khá lắm!
- Đã gặp Trần huynh chưa?
- Đã - Nói với đại huynh rằng ngu tỷ vẫn còn sống nhé, không lo gì hết. Công việc vẫn tiến hành như thường. Còn Phạm hiền đệ?
- Ngu đệ vẫn tạm trú tại chùa Trấn quốc. Sư cụ chùa Trấn quốc thế nào rồi cũng vào đảng ta.
Nhị nương vui mừng:
- Thế thì hay lắm. Chùa ấy địa thế rất có lợi...
Lúc bấy giờ, một bọn đàn bà ở trên phố đến lễ. Nhị nương thoáng trông thấy, liền cất tiếng vờ hỏi:
- Bạch sư ông, sư ông làm phúc bạch với sư cụ cho như thế.
- Xin vâng.
Rồi chừng để quảng cáo cho thầy tướng giả trai, Phạm Thái nói lớn cốt các bà ki a nghe rõ:
- Về tiền vận bần tăng, thầy nói không sai một li một tý. Lắm việc xảy ra tôi đã gần quên mà bây giờ nghe thầy nhắc đến tôi vụt nhớ lại.
Mấy người đàn bà thì thào nói chuyện với nhau coi bộ phục tài thầy tướng lắm. Khi họ đã vào đền, Nhị nương bảo Phạm Thái:
- Hành động ở ngay Bắc thành khó thành công được.
- Vâng, ngu đệ cũng nghĩ thế. Người chốn cố đô này họ đã quen sống gần vua, gần chúa, gần các quan to chức lớn, nên sinh ra kính cẩn lễ phép quá, cử chỉ thì khúm núm, ngôn ngữ thì giữ gìn, hành vi thì nhút nhát. Nói với họ một câu hơi táo bạo, họ đã run lên cầm cập, trông trước trông sau, tưởng như có thám tử đang nấp đâu đó...
- Phải, họ coi mạng họ quý hơn danh dự họ nhiều lắm, Đem chí lớn ra bàn với họ làm gì vô ích... Họ kém xa nhân dân trấn Đông, trấn Bắc.
Phạm Thái vốn người trấn Kinh Bắc, nghe Nhị nương tán dương người vùng Bắc, thì tự phụ đứng thẳng lên đáp lại rằng:
- Người trấn Kinh Bắc thì còn phải nói!
Nhị nương cười hỏi lại:
- Còn người trấn Sơn Tây?
- Thôi tôi biết người vùng núi Tản sông Đà giỏi lắm rồi. Những một Nguyễn hiền tỷ cũng làm lệch một bên gánh giang sơn!
- Ta nâng bốc lẫn nhau vô ích nhất là các công việc ta làm cứ liên tiếp nhau mà thất bại mãi. Bây giờ hiền đệ định liệu ra sao?
Phạm Thái suy nghĩ:
- Phải, ở Bắc thành chẳng làm nổi việc gì, tuy trốn tránh có dễ hơn ở các nơi. Bữa qua ngu đệ cũng có bàn với Trần đại huynh, thì đại huynh định để tình thế êm êm đã, rồi phân phát bọn ta mỗi người đi hành động một nơi. Trần đại huynh một mình ở lại Bắc thành, còn Trịnh Trực thì đại huynh cho sang trấn Đông, ngu đệ về vùng Nam.
- Thế ngu tỷ?
- Hiền tỷ không thấy Trần đại huynh nói đến.
Nhị nương bực tức:
- Có lẽ nào thế được...
Nhưng nàng cũng nghĩ đến tấm tình của hai người một ngày thêm khăng khít, tuy bề mặt thì vẫn là tình huynh đệ.
- Không, ngu muội phải đi Sơn Tây mới được. Ba phương: Bắc, Đông, Nam, đều có người, sao phương Tây lại không có ai?
Rồi nàng cười hỏi Phạm Thái:
- Nhưng đảng trưởng cắt hiền đệ đi Sơn Nam hạ hay hiền đệ xin đi?
Phạm Thái lo lắng nhìn Nhị nương:
- Trần đại huynh sai đi đấy chứ... Sao hiền tỷ lại hỏi ngu đệ câu ấy?
- Chả sao cả. À, gửi hiền đệ thăm cô Quỳnh Như nhé?
Phạm Thái đỏ bừng mặt, toan nói cáu, thì mấy người đàn bà vừa vào đền đã đi ra. Chàng yên lặng đứng nhìn vơ vẫn: Nhị nương lễ phép hỏi:
- Bạch sư ông, sư ông có chịu không đã?...
- Chịu thầy.
Khi thấy bọn kia đã đi khuất. Nhị nương cười bảo Phạm Thái:
- Hiền đệ chịu rồi đấy nhé?
Phạm Thái cũng cười:
- Biết thế chẳng nói cho hiền tỷ biết nữa xong, tưởng thuật với hiền tỷ một câu truyện buồn cười, ai ngờ hiền tỷ để bụng.
- Nhưng giá Quỳnh Như vào đảng thì càng hay chứ sao?
- Hay thế này: Để ngu đệ đi Sơn Tây, hiền tỷ xin đi Sơn Nam hạ.
Nhị nương vẫn cười:
- Ai lại trái thượng lệnh như thế?
Phạm Thái tức tối cúi chào Nhị nương rồi quay đi.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Bình luận truyện