[Việt Nam] Thành Bại Với Anh Hùng

Chương 6 : VI

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 22:47 27-12-2018

Vua Cảnh Hưng vừa đọc xong bản sớ tấu của Tĩnh đô vương kể tội Thái tử Duy Vỹ dâm loạn, bỗng thấy Thái giám Phạm Huy Định thân dẫn mười tên thị hầu nội sai bên Súy phủ xồng xộc tiến vào cung. Phạm Huy Định quỳ xuống làm lễ triều bái đoạn tâu: - Tiểu thần vâng lệnh Tĩnh đô vương đến khám biệt thự của Thái tử, nhưng không thấy. Thần nghe nói Thái tử hiện ẩn trong cung, cúi xin bệ hạ giao cho thần đem về phục lệnh chỉ của Chúa thượng! Vua Cảnh Hưng tái mặt ngồi lặng đi không nói được câu nào. Phạm Huy Định tiếp: - Thái tử là người loạn luân nhảm nhí, không đáng vị Trừ quân chút nào, cúi xin bệ hạ chuẩn y lời sớ của Trịnh Vương! Cảnh Hưng Hoàng đế thở dài, mắt rơm rớm ướt: - Con trẻ nó dại dột, xin Nguyên súy và đại thần chư khanh nhất thứ khoan dung, trẫm hứa sẽ dạy bảo nó tử tế. - Muôn tâu, Thái tử có tội với quốc pháp, Nguyên súy cùng trăm quan dù muốn cũng không tha được... Biết kẻ thù chẳng tha, và có lẩn trốn cũng vô ích, Đông cung Thái tử liền từ sau bình phong gấm chạy ra trước mặt Phạm Huy Định mà mắng rằng: - Tên yêm hoạn kia! Ta thử xem mày có dám bắt tao ngay trước mặt Thánh thượng không! Phạm Huy Định khoát tay: - Tôi không nói với Điện hạ! Thái giám quay lại vua Cảnh Hưng, lạy phục xuống đất tâu: - Thần xin quỳ đây chờ lệnh bệ hạ. Võ sĩ hiện chờ sẵn dưới đan trì, xin bệ hạ truyền bắt kẻ có tội. Thần xin chết trước long nhan, chứ dung tha kẻ có tội thì thần không dám... Cảnh Hưng Hoàng đế như ngây như dại, không nói năng được câu gì. Đông cung Thái tử Duy Vỹ lúc ấy mới lạy vua mà rằng: - Thôi, con bất hiếu xin từ biệt phụ hoàng. Thằng Trịnh Sâm nó sai võ sĩ đến đây uy hiếp, nhất định cam tâm hại con, phụ hoàng đừng thương tiếc nữa, e lụy đến thánh thể. Con xin chết! Dứt lời, Thái tử đĩnh đạc xuống thềm quát bảo bọn võ sĩ: - Đây, Thái tử nhà Lê đây, bây muốn làm chi cứ việc! Bọn thị hầu nội sai, theo hiệu của Huy Định, lập tức bắt trói Thái tử giải sang Súy phủ. Dọc đường, dân chúng kéo ra xem đông lũ lượt. Có người biết rõ chuyện, thương Thái tử đến khóc thổn thức lên. Tĩnh đô vương Trịnh Sâm đương cùng Hoàng Ngũ Phúc ngồi đợi lâu tỏ vẻ sốt ruột thì võ sĩ giải Thái tử đến. Phạm Huy Định sai cởi trói cho Thái tử. Tĩnh đô vương nhìn Thái tử từ đầu đến chân, đoạn nói giọng chế giễu: - Đức ông lâu nay vẫn mạnh khỏe? Đức ông còn nhớ đôi đũa ngà ở Súy phủ sau buổi dạ yến hôm ấy chăng? Thái tử Duy Vỹ điềm nhiên ngẩng nhìn Trịnh Sâm không thèm đáp lại. Huy Định thét: - Lê Duy Vỹ, sao không lạy? Thái tử hầm hầm nổi giận: - Thế nghịch, phế lập là việc quen làm của chúa tôi nhà chúng mày. Ta là đấng Trừ quân, khi nào phải lạy tên loạn thần tặc tử! Hay dở thế nào, sau này đã có thanh sử biên chép... Tĩnh đô vương tím mặt, truyền giáng Duy Vỹ làm thứ dân và hạ ngục. - Sùng Nhượng công Lê Duy Cấn là người có đức, ta sẽ tâu Hoàng thượng lập ông ta vào ngôi Trừ quân. Trong khi võ sĩ điệu Thái tử xuống ngục đề lĩnh, Tĩnh đô vương tức giận bảo Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc: - Thằng Duy Vỹ bị hạ ngục rồi, nhưng còn lời thề quyết không cùng sống chết của ta vẫn chưa thực hiện! Hoàng Ngũ Phúc đứng dậy, ghé tai Trịnh Vương nói nhỏ mấy câu. Tĩnh đô vương tươi ngay vẻ mặt, gật gù đáp: - Được! Kế ấy hay lắm! Cứ vậy mà thi hành... Vì đêm ấy là đêm cuối tháng nên trời tối như mực. Bóng đen dày đến nỗi người ta tưởng chừng có thể sờ mó được. Nhất là ở chung quanh nhà ngục đề lĩnh, đèn lửa ít, cảnh tượng càng âm thầm chẳng khác một cảnh địa ngục. Từ lúc giam Thái tử Duy Vỹ vào phòng tối, viên quản đề lĩnh vẫn để ý nghe ngóng, nhưng thấy Thái tử rất bình tĩnh. Cái bình tĩnh ấy, viên quản ngục thừa hiểu nó là kết quả của sự tuyệt vọng. Thực thế, trong tình trạng của Thái tử, người ta chỉ còn có thể lặng lẽ chờ sự quyết định của số phận nữa mà thôi. "Thiên hạ vẫn biết là Thái tử bị vu oan nhưng ai dám dây vào! Ai là người không sợ chết, bỗng dưng đi vuốt râu hùm mà chơi!". Nghĩ vậy, ông ta lấy làm yên lòng, gọi đầy tớ ra ngồi đánh chén với một kẻ thuộc hạ thân tín. Viên quản ngục nâng chén rượu làm một tớp, nhăn mặt khà một tiếng, đoạn hạ thấp giọng: - Về câu chuyện vu oan giá họa cho Đức ông Hoàng trừ, Trịnh Vương tỏ ra là một người tàn nhẫn lạ! - Phải, ai lại nỡ tâm làm thế, nhất là khi Tiên Dung Quận chúa đã phải chết về câu chuyện thù hằn giữa Thái tử và Thế tử... - Giá bọn triều thần tốt can ra, tôi chắc chẳng đến nỗi nào. Khốn họ đều là những tay xu nịnh thành tánh cả, chỉ muốn hùa theo ý người trên để mong hưởng phú quý. - Nói đến bọn triều thần bao nhiêu, tôi càng thêm chán! Chẳng có mặt nào ra hồn người. Họ cam tâm làm gia nô cẩu tẩu hết, không một bậc trung thần nghĩa sĩ nào dám bênh vực nhà vua, bênh vực cho Thái tử... Tên thừa sai quản ngục vừa dứt lời, một tiếng bí mật bỗng tiếp theo: - Các ngươi nói láo! Triều đình thiếu chi anh hùng nghĩa sĩ, hết lòng vì nước vì vua! Chứng cớ là các bậc ấy sai chúng ta lại phá ngục để cứu Thái tử đây! Viên quản ngục và tên thừa sai không còn hồn vía nào nữa. Cả hai cùng run lên như cầy sấy, mặt tái nhợt. Đám đông có đến sáu bảy người, toàn lạ mặt hết, tuy đều mặc quân phục lính phòng thành. Họ bảo quản ngục: - Việc là việc nghĩa cử, chúng tôi mong các ông nếu không tán thành thì cũng đừng ngăn cản chúng tôi. Muốn cho chắc chắn, chúng tôi phiền hai ông hãy vui lòng để cho chúng tôi trói tạm vào cột này. Thấy gươm đao sáng quắc, viên quản đề lĩnh và kẻ thuộc hạ đành cúi đầu chịu theo. Họ bị đám đông nhét giẻ đầy miệng rồi trói riệt vào cột. Làm xong việc ấy, bọn kia liền kéo nhau sang phá cửa ngục. Họ chém khóa ầm ầm, công nhiên như không biết kiêng nể gì hết. Giữa lúc đám đông đương hoành hành, một đoàn giáp sĩ thình lình từ xa ập lại. Họ vừa đông, vừa hành động nhanh như chớp nhoáng, nên bọn phá ngục bị bắt ngay tại chỗ. Thái giám Phạm Huy Định, chỉ huy cuộc vây bắt, lớn tiếng hỏi bọn kia: - Chúng bây muốn sống phải khai cho thật, ai xui chúng bây phá ngục toan cướp trọng tù của Nhà nước? Bọn cướp ngục răm rắp thưa: - Chúng con phận dưới, chỉ biết sai đâu tới đó, xin Công công sinh phúc cho! - Nhưng ta hỏi bây, ai xui làm việc này? - Bẩm chủ chúng con... - Ô, ai còn không biết chủ chúng bây có sai, chúng bây mới dám làm việc phi pháp ghê gớm thế này, nhưng chủ chúng bây là ai chứ? - Chủ chúng con là gia thần của Đức Đông cung Thái tử. - Bọn Vũ Bá Cảnh, Nguyễn Lệ và Lương Giản phải không? - Dạ! - Ba tên phản tặc này giỏi thực! Chúng dám không coi quốc pháp ra gì. Quân bây, mau đi trói cổ ba thằng giặc đem về nộp Đại Nguyên súy! Vũ sĩ hò reo kinh động, lập tức rầm rộ kéo nhau đi. Nhờ một sự ngẫu nhiên, Lương Giản có người báo trước nên thoát. Chỉ còn Vũ Bá Cảnh và Nguyễn Lệ. Bọn Phạm Huy Định kéo đến nhà Nguyễn Lệ giữa lúc viên Ngự tiền Hiệu điểm này dẫn mấy tên quân đi tuần phòng về. Hai bên vừa gặp nhau, Phạm Huy Định thét vũ sĩ trói nghiến ngay Nguyễn Lệ lại. Vị thanh niên võ tướng tin cẩn của Thái tử Lê Duy Vỹ điềm nhiên cười nhạt, trong khi Phạm Huy Định làm oai làm phách ầm ĩ: - Nguyễn Lệ, mi dám cả gan định cướp ngục cứu tên trọng tù Lê Duy Vỹ, thực không còn coi phép nước ra gì cả! - Phép nước! Hừ, tao hãy hỏi mày: tao có vào tâu trước long nhan bắt trói vị Trừ quân của cả nước không đã? Còn sự mưu phá ngục, cướp Thái tử, chẳng qua cũng chỉ là một mưu gian của chúa tôi nhà mày định tìm cớ giết êm Thái tử đó thôi, chứ làm gì có sự ấy! Chàng cười gằn và tiếp: - Thái tử có tội gì mà bây dám hạ ngục? Đối với sự bạo hành của chúng bay, trăm họ ai mà không bất bình. Mưu phá ngục cứu Thái tử là một việc làm của kẻ bề tôi trung dũng, ta tiếc không được dự mà thôi. Vả lại, trong khi Thái tử bị giam, dù cho vợ con cũng không được phép lại gần, chúng bây bảo ta mật mưu cùng Thái tử thì ta mật mưu bằng cách nào? Bây muốn giết, hà tất phải bày trò ra như vậy! Thái giám Phạm Huy Định không đáp, truyền quân giải hai người về Súy phủ.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang