[Việt Nam] Thành Bại Với Anh Hùng

Chương 3 : III

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 22:45 27-12-2018

.
Hôm ấy nhằm ngày sinh nhật chúa Minh Đô vương Trịnh Doanh. Ở Suý phủ, nơi hậu đường, đoàn cung nữ tập điệu múa "Trình tường" đã thành thạo đâu vào đó, cũng vừa ở bên cung vua đưa sang. Cái lệ nhà vua ban vũ nữ mừng sinh nhật hoặc ngày chấp chính của nhà chúa phát sinh tự đời Lê Thần Tông Hoàng đế, đến nay vẫn giữ nguyên câu chuyện thực cũng li kỳ. Duyên do về đời Lê Kính Tông, vua Lê mưu với Trịnh Xuân là con thứ Triết Vương Trịnh Tùng định hại Vương. Sau việc không thành và đáng lẽ vua Kính Tông cùng các hoàng tử đều bị giết cả. Khi ấy, Thái tử Duy Kỳ mới mười ba tuổi, chơi rất thân với Thế tử Trịnh Tạc, cháu đích tôn của Triết Vương, tức Bình An Vương Trịnh Tùng. Thế tử Trịnh Tạc tuy còn nhỏ tuổi mà thông minh lắm. Thấy việc Trịnh Xuân định hành thích Bình An Vương bị vỡ lở, vua Kính Tông bị ép phải tự sát và các hoàng tử phải bắt sang giam bên phủ Liêu, Thế tử vẫn có ý cứu Thái tử Duy Kỳ khỏi chết. Một buổi chiều, Triết Vương đi tản bộ trong vườn ngự uyển, có Thế tử theo hầu. Triết Vương bỗng hỏi Thế tử: - Mày chơi với thằng Lê Duy Kỳ, vậy mày có biết cha nó định giết tao không? Thế tử đáp: - Bẩm, cháu có ngờ đâu thế! Nhưng, bụng dạ người ta không giống nhau, dù là bố con anh em. - Mày lấy gì làm chắc? - Bẩm, chú Thái Bảo Xuân cháu mà còn mưu giết nội tổ thì bố con đã lấy gì làm thân! Trí cháu trộm nghĩ thì trong nội tổ đừng trách Lê Thị. Giòi trong xương giòi ra, nội tổ có làm vỡ lở câu chuyện, chẳng qua là mua cười cho thiên hạ mà thôi. Các hoàng tử còn nhỏ dại như cháu cả, phỏng có tội gì? Triết Vương nghe nói động lòng, liền bảo Thế tử: - Mày cầm cái kim bài này vào thẳng nhà linh ngữ (tù) gọi Thái tử Duy Kỳ ra đây. Nếu nó là đứa khác, ta sẽ dung cho. Thế tử vội vã tuân lệnh. Một lát sau, Thái tử ra. Triết Vương hỏi: - Thái tử có biết số phận Thái tử sẽ ra sao không? Thái tử bình tĩnh đáp: - Phá sào chi hạ, an hữu hoàn noãn. Dưới cái tổ bị phá, còn cái trứng nào lành lặn được ư? Tự tôi đã biết thân phận rồi, đại vương cần chi còn phải hỏi! - Thái tử muốn xin gì ta chăng? - Tôi chỉ muốn xin Hoàng Khảo xuống suối vàng thôi! Do đấy, Trịnh Xuân được tha chết, các hoàng tử được thoát nạn và sau Thái tử lên ngôi vua, tức là Lê Thần Tông Hoàng đế. Thái tử chịu cái ơn tái sinh của Thế tử nên tình giao hữu giữa vua và chúa càng khăng khít. Sau khi Thái tử đăng quang thì Thế tử cũng nhập thừa vương thống. Để mừng nhà chúa, vua Lê kén lấy ba mươi sáu cung nữ nhỏ đẹp, dạy múa khúc Trình tường rồi ban sang Súy phủ. Đến nay, lệ ban ấy lại thi hành. Cảnh tượng bên Súy phủ cực kỳ náo nhiệt. Gian nghị chính đường bữa nay đổi làm nơi đãi yến các triều thần, được trang hoàng một cách huy hoàng xán lạn. Mái ngoài, nơi thết các chính phủ đại thần, cũng như mái trong, chỗ nào cũng san sát những trướng thêu cùng những đối liễn mang đủ lời chúc tụng, ngợi khen của khắp trong triều ngoài trấn. Hai hàng sập chân quỳ chạm tứ quy thếp vàng kê nối nhau từ ngoài thềm son bước vào tới mái trong, trên trải chiếu miến cạp điều. Trong cùng kê bốn sập cao hơn các sập ngoài bằng một lần bệ gỗ sơn đỏ. Sập chính giữa chắc chắn là để Trịnh Vương ngồi. Bên tả, một chiếc trải năm trùng chiếu, dành riêng cho Thái tử Lê Duy Vỹ. Bên hữu, một chiếc trải ba trùng chiếu là của Thế tử Tĩnh Quốc công Trịnh Sâm, chiếc sau cùng xế về mé trước một tí chừng để biệt đãi một vị nào đó, do lệnh của Minh Đô vương. Quanh mỗi sập này đều có hai chiếc ghế bành chạm trổ và sơn thếp rực rỡ. Bàn trong phòng tiệc thì như vậy. Ngoài sân lại càng có vẻ uy nghiêm hơn. Từ cửa chính Súy phủ vào đến thềm son, người ta bày ra hai hàng những giá tàn quạt, lộ bộ. Bốn mươi ba đội thị hầu bộ binh, nón sơn áo nậu, cắp giáo đứng thị lập hai bên tả hữu lối đi, do một viên đô đốc phòng thành quản lĩnh. Hai cây đình liệu to bằng hai cái cót thóc dựng ngay bên trong cổng phủ vào, trời tuy hãy còn sớm, lửa đã cháy ngùn ngụt. Cuối giờ Thân, trăm quan văn võ lục tục kéo nhau đến. Những cỗ kiệu bát cống, những chiếc võng điều võng xanh, những con ngựa bành khấu thêu sặc sỡ như ngựa thờ đỗ chật cả một khúc đường trước cổng Súy phủ. Cứ mỗi vị văn võ tiến lên thềm, lễ phiên lại tiếp đón và hướng dẫn đến chỗ ngồi đã định trước. Người ta chú ý nhất đến bốn sập sau cùng và nhận thấy: Trước sập chính giữa là ngự tọa của Minh Đô vương, có Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc, đầu đội mũ đầu mâu, mình mặc bào tía thêu hổ phù ngồi ở ghế bành bên phía tả; Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm đầu đội mũ văn cánh chuồn, mình mặc bào xanh thêu trăm hoa ngồi ở ghế bành bên hữu. Trước sập bên tả, bảo vị của Đông cung Hoàng Thái tử Lê Duy Vỹ, có ngự sử Đoàn Nguyên Thục, đội mũ đen ba bông đỏ, mặc áo màu tường vi ngồi hầu. Trước sập bên hữu của Thế tử Tĩnh Quốc công Trịnh Sâm có Thế tử giảng quan Nguyễn Hoãn, mũ đen, áo lam ngồi hầu. Trên sập cạnh đấy là các ngài Thiên Đô ngự sử kiêm bí thư các học sĩ Nguyễn Bá Lân, bí thư các học sĩ Lê Quý Đôn, Thự phủ sự Đỗ Thế Giai, và Vương đệ Khanh Quận công Trịnh Kiều. Trong khi chờ đợi Minh Đô vương ra khai tịch, chờ đợi Đông cung Hoàng Thái tử giáng lâm và Thế tử Tĩnh Quốc công, trăm quan cùng thưởng trà Tàu, hút thuốc lào ướp sói và bàn luận về các trí mưu cùng các tài võ dũng của vợ chồng Triêu vương Nguyễn Hữu Cầu mà ai nấy chỉ gọi một cách khinh bỉ bằng cái danh từ là giặc He. Giờ Dậu bắt đầu được một lúc, ai nấy bỗng nghe ngoài cổng phủ trống cái đổ ba hồi chín tiếng, tiếp đến tiếng bách sĩ tung hô: "Thiên tuế!". Các quan văn võ răm rắp đứng dậy cả một lượt và cùng tiến ra sân: Đông cung Thái tử và Thế tử Tĩnh Quốc công ngồi trên hai chiếc kiệu, cùng đến một lúc. Trăm quan lạy chào, binh sĩ bang giáo, Thái tử và Thế tử đáp lễ, đoạn ung dung vào sân, lên thềm. Thái tử mặc chiếc áo bào màu gián hoàng thêu bảy rồng, đội mũ thất long tranh châu, đi hia vàng nom thực là một vị phong lưu hoàng tử, có thể làm ngây ngất các vị thiên kim mỹ nữ. Theo sau Thái tử, Thế tử Tĩnh Quốc công, trái lại, có vẻ đường hoàng lẫm liệt của một thanh niên hào kiệt. Thế tử mặc áo bào màu lửa, đội mũ trụ dát vàng, đi ủng xanh, lưng đeo bảo kiếm. Hai ngài tiến thẳng vào phía trong và, vô tình ngồi lên chiếc sập bên tả ngự tọa của Minh Đô vương. Lễ phiên biến sắc nhìn nhau, nhưng sự đã lỡ, không viên nào dám ho he chi hết. Thị vệ dâng trà. Nhạc sinh bắt đầu cử nhạc, trong khi ngự trà lần lượt bưng đặt lên các sập những chiếc mâm vàng bày đủ các sơn hào, hải vị... Thình lình, một tên tiểu hoàng môn mang lệnh chỉ tiến ra phía trước bảo tọa của Minh Đô vương. Ai nấy im phăng phắc. Tiểu hoàng môn tuyên đọc lệnh chỉ: Vương thượng se mình không ra dự yến. Sẽ có nguyên phi đại diện ra mời các quan. Một lát sau, trăm ngàn ngọn nến cùng cháy sáng một loạt với những chiếc đèn lồng phất the đỏ. Tiếng nhạc từ xa tiến ra rồi một chiếc kiệu hoa do nội giám khiêng từ từ đỗ xuống trước thềm Súy phủ. Trịnh Vương phi, mình mặc áo gấm điều thêu bảy phượng, đầu đội mũ kiều vàng, từ từ lên thềm, do trăm quan đứng dậy nghênh tiếp. Vương phi vào đến nơi, nhắc lại lệnh chỉ của Minh Đô vương. Dứt lời, Vương phi chợt để ý đến chỗ của Thế tử ngồi cùng sập với Thái tử, tỏ vẻ không bằng lòng, liền gọi Thế tử mà bảo rằng: - Thế tử là đấng Trừ quân của cả nước. Thái tử với Thế tử tình trong anh em mà nghĩa thì là vua tôi, vậy không thể đồng tịch được! Vương phi lại hướng vào Đông cung Thái tử mà rằng: - Xin điện hạ chuyển vị sang sập giữa, thay Đại Nguyên Súy làm chủ tịch bữa yến hôm nay. Thái tử Lê Duy Vỹ nghe lời Trịnh Vương phi, nghiễm nhiên đứng dậy tiến sang ngồi ở sập chính giữa. Thái tử vừa yên vị, Trịnh Vương phi lập tức truyền cho nội thị dâng rượu và truyền cho đoàn vũ nữ ca múa, Vương phi mới ra kiệu về nội phủ. Cái vui gượng của trăm quan trước mặt Trịnh Vương phi đến đây mất hẳn. Là vì, Thế tử Trịnh Quốc công cứ nhất định chống đũa ngồi lặng thinh, không ăn uống mà cũng chẳng nói năng một câu nào. Thế tử tuy sợ lệnh mẹ, không dám trái lời, nhưng từ lúc Đông cung Thái tử ngồi riêng sang sập chính, sắc mặt Thế tử cứ tái nhợt đi vì hổ thẹn và căm giận. Trăm quan văn võ cảm thấy rằng cái thù của Thế tử đã trở nên một mối tử thù. Và, trước một tình cảnh quan trọng như vậy, ai nấy đều lặng yên không thể nào vui cười được nữa. Tuy nhiên, tất cả đều ngồi gắng cho tới lúc mãn tiệc. Đông cung Thái tử dùng trà xong liền cáo từ trăm quan, đứng dậy. Thế tử Tĩnh Quốc công lập tức cũng theo ra. Đến cổng Súy phủ, lúc Thái tử sắp sửa lên kiệu hồi cung, Thế tử bỗng tiến lên ngăn Thái tử lại, đoạn rút trong tay áo bào ra một đôi đũa ngà bịt vàng, bẻ gãy làm đôi mà rằng: - Hai chúng ta thể nào cũng phải có một người như đôi đũa này. Vua ấy với chúa này quyết không thể cùng đứng với nhau dưới một vầng mặt trời được! Thái tử Lê Duy Vỹ mỉm cười, đưa mắt nhìn từ đầu đến chân Thế tử, đoạn ung dung lên kiệu. Thế tử Trịnh Sâm nhìn theo, tức quá, hai hàm răng cứ nghiến vào nhau kèn kẹt. Chợt có tiếng giày tiến lại phía sau. Thế tử ngoảnh nhìn thì là Thái giám Phạm Huy Định. Thái giám chắp tay khúm núm hỏi: - Chẳng hay Quốc công có việc gì lại chưa về phủ? Thế tử hằn học nói: - Ngươi không biết chuyện gì à? - Bẩm Quốc công, thần thực không biết chuyện chi! Thế tử liền thuật lại việc xảy ra và kết luận: - Thái giám, ngươi nên nhớ lấy: Ta thề sẽ không đội trời chung với thằng Lê Duy Vỹ. Nó còn thì ta chết, nó chết thì ta còn! Vừa nói Thế tử vừa cúi nhặt đôi đũa gãy trao cho Phạm Huy Định: - Nhà ngươi nên cất đôi đũa này đi cho ta, nghe chưa? Đến cái ngày nào ta được kế thừa vương thống, nhà ngươi nhớ đem trình và nhắc lại cho ta nghe chuyện buổi chiều hôm nay. Dứt lời, Thế tử dằn dỗi lên kiệu, thét bọn thị vệ mau chạy về Lượng Quốc phủ.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
 
Trở lên đầu trang