[Việt Nam] Sơ Thảo Lịch Sử Phong Trào Cộng Sản Ở Đông Dương

Chương 8 : Tiến tới Bônsơvích hóa toàn Đảng: Sơ kết hoạt động của Đảng trong ngày Hội nghị toàn thể Ban chấp hành Trung ương lần thứ nhất khai mạc

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 16:54 15-12-2018

PHẦN THỨ BA ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG (Thống nhất từ ngày 6-1-1930) Chương VIII TIẾN TỚI BÔNSƠVÍCH HOÁ TOÀN ĐẢNG I- SƠ KẾT HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẢNG TRONG NGÀY HỘI NGHỊ TOÀN THỂ BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG LẦN THỨ NHẤT KHAI MẠC Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương lần thứ nhất là bước đầu bônsơvích hoá của Đảng ta. Thật thế, cương lĩnh chính trị do Hội nghị thống nhất thảo ra có rất nhiều điểm sai lầm. Từ ngày 6-1-1930 (ngày thống nhất Đảng) Ban Chấp hành Trung ương không bao giờ hội họp toàn thể được cho nên chưa thể thảo ra một cương lĩnh mới đúng đắn thay thế cương lĩnh của Hội nghị thống nhất. Hội nghị toàn thể thừa nhận rằng cho đến lúc đó, trong Đảng chưa thật thống nhất tư tưởng, các đảng bộ địa phương, thiếu một cương lĩnh đúng đắn và sự chỉ đạo cụ thể từ Trung ương, nên trong nhiều trường hợp đã hành động theo sáng kiến của riêng mình đối với những vấn đề chính trị rất quan trọng, đáng lẽ phải do Ban Chấp hành Trung ương quyết định. Khi tổng kết công tác của Hội nghị toàn thể, ngày 9-12-1930, Ban Thường vụ nói rằng: Hội nghị này thực tế đã phải làm những nhiệm vụ của một hội nghị hoặc một đại hội thành lập một Đảng Cộng sản mới, bởi vì nó phải giải quyết mọi vấn đề chủ yếu về lý luận và thực tiễn của Đảng. Hội nghị toàn thể lần thứ nhất họp vào lúc phong trào khởi nghĩa đang sôi nổi ở miền bắc Trung Kỳ, lúc chính quyền Xôviết đã làm chủ tình hình hàng chục làng mạc thuộc tỉnh Nghệ An, và lúc cuộc đấu tranh cách mạng đã đạt tới đỉnh cao nhất không những tại hai tỉnh đó, mà cả khắp trong nước. Song song với phong trào cách mạng, quân thù cũng tăng cường khủng bố trắng. Trên trường quốc tế, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới lan rộng và ngày càng sâu sắc, Liên Xô đã bước vào giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hồng quân Trung Hoa Xôviết đã đẩy lùi các cuộc tiến công vũ trang của Chính phủ Nam Kinh, đồng thời giải phóng nhiều vùng đất đai mới và thành lập chính quyền Xôviết ở đấy. Làn sóng cách mạng ở Ấn Độ lan rộng từ tỉnh này qua tỉnh khác. Vì vậy trong nghị quyết của mình, Hội nghị toàn thể phải đề ra những sách lược đúng đắn, phù hợp với tình hình chính trị từng lúc, trong nước cũng như trên phạm vi quốc tế. Cố nhiên, nếu không dựa vào kinh nghiệm đấu tranh cách mạng của Đảng từ trước cho đến lúc đó, không phân tích những sai lầm và học tập những bài học bổ ích nhất của cuộc đấu tranh ấy, thì chắc chắn là Hội nghị toàn thể sẽ không thể thảo ra được những nghị quyết thực sự lêninnít. Vậy công tác của Đảng trong thời gian trước ngày họp Hội nghị toàn thể tổng kết lại là như thế nào? Phần lớn công tác tổng kết lại cố nhiên là sự thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản, các công hội đỏ, nông hội, v.v., công tác quần chúng rộng lớn, những cuộc bãi công của công nhân, những cuộc biểu tình của nông dân trong cả nước và chủ yếu là những cuộc khởi nghĩa vũ trang, việc thành lập các Xôviết ở miền bắc Trung Kỳ, những thắng lợi bộ phận của quần chúng lao động khắp Đông Dương và ảnh hưởng ngày càng lớn của Đảng trong đông đảo quần chúng. Đấy là sự nghiệp vẻ vang nhất của Đảng ta. Vai trò lãnh đạo và tổ chức của những người cộng sản trong các cuộc đấu tranh ấy thật là to lớn. Còn tình hình nội bộ Đảng lúc Hội nghị toàn thể bắt đầu họp thì sao? Ở những trang trên (về những bài học của phong trào Xôviết) chúng ta đã nói rằng hàng ngũ Đảng được mở rộng và củng cố, ảnh hưởng Đảng ngày càng tăng trong các tầng lớp quần chúng lao động đông đảo, nhưng thành phần xã hội của Đảng vẫn còn rất xấu. Trong số 1.108 đảng viên (tại một số tỉnh Bắc Kỳ và Trung Kỳ), có 54 công nhân công nghiệp, 100 công nhân nông nghiệp, 15 công nhân thất nghiệp, 288 bần nông và trung nông, 34 tiểu tư sản, 36 trí thức, 1 phú nông, 1 hào mục và 579 người nữa mà trong văn kiện Đảng không thấy ghi địa vị xã hội. Trong số 529 người có ghi rõ địa vị xã hội, chỉ có 169 công nhân công nghiệp và nông nghiệp. Như vậy là, dù Đảng đã cố gắng nhiều, những phần tử tiểu tư sản vẫn còn chiếm ưu thế trong hàng ngũ Đảng, và đó là nguyên nhân chủ yếu sinh ra những khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa mà Hội nghị đã và đang đấu tranh một cách kiên quyết. Trong thời gian trước Hội nghị toàn thể, đôi khi những khẩu hiệu do những người cộng sản thuộc một đảng bộ nào đó đưa ra lại mâu thuẫn [42] với những khẩu hiệu của các đảng bộ khác. Địch càng tăng cường khủng bố, tư tưởng đó của những phần tử tiểu tư sản càng bộc lộ rõ rệt trong hàng ngũ những người cộng sản. Hội nghị toàn thể lần thứ nhất tự đặt nhiệm vụ vạch ra những biện pháp thiết thực nhằm bônsơvích hoá Đảng Cộng sản, tất nhiên phải tổng kết cuộc đấu tranh tư tưởng trong Đảng. Một số những người cộng sản hoặc đảng bộ riêng lẻ đã phạm phải những sai lầm chủ yếu nào đó về lý luận. Những khuynh hướng chung tồn tại trong phần đông đảng viên là những tàn dư của thuyết khủng bố cá nhân và của chủ nghĩa biệt phái tiểu tư sản. Một số đồng chí không hiểu mục đích cuối cùng của Đảng là thiết lập một xã hội cộng sản chủ nghĩa hoàn toàn, không có giai cấp, cho nên trong báo chí và truyền đơn, họ đã viết một cách mơ hồ rằng “lý tưởng của Đảng là xoá bỏ hết thảy mọi giai cấp trong xã hội để cấu thành một giai cấp duy nhất, là lật đổ chủ nghĩa tư bản, tiêu diệt ảnh hưởng của kẻ mạnh áp bức những người yếu, nói tóm lại, là thực hiện lý tưởng tự do, bác ái và bình đẳng”. Một số cán bộ lãnh đạo khác của Đảng không hiểu rằng tính chất của mỗi cuộc cách mạng đều do nền kinh tế của đất nước, do những nhiệm vụ lịch sử mà cách mạng phải giải quyết và do lực lượng so sánh giai cấp quyết định, cho nên họ đã viết rằng “tính chất của tập đoàn [43] đông đảo nhất, mạnh nhất tham gia phong trào quyết định”, rằng cách mạng tư sản dân chủ ở Đông Dương chỉ tiến hành bằng những cải cách (theo Tạp chí Đỏ). Tại nhiều địa phương (như ở Huế, Chợ Lớn), nhiều đồng chí không phân biệt bọn cải lương với các đảng tiểu tư sản phản đế, nên trong truyền đơn đã hô hào: “Đả đảo các đảng phái quốc gia cải lương! Đả đảo các đảng phái dân tộc cách mạng!”. Nếu trong thời kỳ khủng bố, các khuynh hướng thủ tiêu chiếm ưu thế, thì trong cao trào cách mạng, xu hướng “tả khuynh” (như chủ nghĩa manh động, thuyết bãi công vũ trang, v.v.) lại nổi lên. Sinh hoạt nội bộ Đảng còn chưa thật sinh động. Tại nhiều chi bộ, các đồng chí hoàn toàn xa rời công tác quần chúng và hầu như chẳng bao giờ tham gia đấu tranh cách mạng hằng ngày. Tại những chi bộ đó, giữa các đảng viên không có sự phân công với nhau. Công việc chủ yếu của đảng viên ở các chi bộ biệt lập ấy nói chung là ngồi nghe báo cáo về công tác kết nạp đồng chí mới. Nói chung trong toàn bộ, Đảng chưa chú ý nâng cao trình độ lý luận cho đảng viên bằng cách tổ chức cho các đảng viên tham gia thảo luận những vấn đề chính trị có tính chất thời sự liên quan đến các đảng bộ địa phương, đến toàn Đảng và Quốc tế Cộng sản. Sinh hoạt nội bộ của các tổ chức thanh niên cộng sản, công hội đỏ, nông hội và các tổ chức quần chúng khác cũng không được sinh động lắm. Công tác cổ động và tuyên truyền của Đảng quá lạc hậu với trình độ cấp tiến hoá rất nhanh chóng của quần chúng và sự phát triển của cuộc đấu tranh cách mạng. Số đầu của tờ Tranh đấu, cơ quan trung ương của Đảng, đến tháng 8-1930, nghĩa là bảy tháng sau khi thống nhất Đảng mới phát hành được. Hơn nữa, so sánh với các báo trung ương khác xuất bản sau Hội nghị toàn thể lần thứ nhất, thì tờ Tranh đấu không cao mấy về trình độ chính trị và lưu hành rất kém. Các báo cộng sản địa phương (Tin đấu tranh của Bắc Kỳ, Người bị bóc lột, Tin đấu tranh của Trung Kỳ, Cờ đỏ, Cần lao, v.v.) phát hành rất hạn chế, hơn nữa vì điều kiện giao thông liên lạc rất khó khăn, cho nên tại nhiều tỉnh, các đồng chí (ngay cả những cán bộ lãnh đạo) không bao giờ được đọc báo Đảng. Sách dịch và viết của Đảng thường thường không đủ cho cán bộ đọc. Như vậy, nhiệm vụ của Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương lần thứ nhất, mà chúng tôi sắp phân tích bản tổng kết hoạt động ở dưới đây, là vạch ra cho Đảng Cộng sản một đường lối chính trị đúng đắn và quy định một loạt biện pháp thiết thực nhằm sửa chữa những sai lầm và thiếu sót cũ, thanh toán tình trạng chậm trễ trong sự phát triển của những điều kiện chủ quan so với các điều kiện khách quan. Chú thích: 42. Như hồi tháng 9-1930, trong khi Ban Chấp hành Trung ương đã căn dặn tất cả các đảng viên đừng tổ chức manh động, thì Xứ ủy Nam Kỳ, nhân ngày kỷ niệm lần thứ 13 Cách mạng Tháng Mười, đã phát hành một tờ truyền đơn kêu gọi binh lính Pháp ở Sài Gòn trong đó có khẩu hiệu: “Hãy tổ chức Xôviết...”. Xôviết là cơ quan khởi nghĩa và cướp chính quyền, cho nên chỉ nên nêu khẩu hiệu này khi có khủng hoảng cách mạng (H.T.C). 43. Theo Tạp chí Đỏ, Cách mạng Pháp năm 1789 là một cuộc cách mạng tư sản, bởi vì giai cấp tư sản là tập đoàn đông đảo nhất tham gia phong trào cách mạng! (H.T.C).
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang