[Việt Nam] Sơ Thảo Lịch Sử Phong Trào Cộng Sản Ở Đông Dương

Chương 7 : Thời kỳ Xô viết: Cuộc khởi nghĩa

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 19:35 30-09-2018

PHẦN THỨ BA ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG (Thống nhất từ ngày 6-1-1930) Chương VII THỜI KỲ XÔVIẾT II- CUỘC KHỞI NGHĨA Ở chương trên, chúng tôi có nói rằng công nhân Nhà máy điện Bến Thủy đã tiến hành bốn cuộc bãi công trong vòng hai tháng. Đảng Cộng sản đã biến được những cuộc biểu tình của nông dân ủng hộ công nhân Bến Thủy thành những cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Để chứng minh tính đúng đắn về sự kiện này, chúng tôi muốn trích dẫn ra đây một đoạn trong thông tri của Ban Chấp hành Trung ương nói về việc bảo vệ hai tỉnh đỏ Nghệ An và Hà Tĩnh: “Anh chị em chúng ta ở Bến Thủy đã đấu tranh trên hai tháng chống bọn tư bản để bảo vệ quyền sống... đấu tranh là quyền của những người lao động, nhưng bọn tư bản đã câu kết với bè lũ quan lại để bắt bớ, giam cầm, đày ải, hành hình anh chị em chúng ta nhằm phá tan cuộc đấu tranh của họ từ trứng nước. Bọn bóc lột, những bọn chỉ nghĩ đến việc đi áp bức hàng triệu người bị bóc lột, gian ác và nguy hiểm biết dường nào. Nhưng anh chị em chúng ta không sờn lòng nản chí, họ đã tổ chức mít tinh, biểu tình và thị uy nhằm đấu tranh chống khủng bố, ngăn chặn bàn tay bọn tay sai phá hoại bãi công. Tinh thần hy sinh ấy, tình cảm khốn cùng ấy (của công nhân Bến Thủy - ghi chú của H.T.C) làm xúc động hết thảy anh chị em chúng ta ở Nghệ An và Hà Tĩnh, vì vậy nông dân đã giương cao ngọn cờ khởi nghĩa, nổi dậy từng loạt hàng chục vạn người để ủng hộ công nhân đấu tranh cho đến lúc thắng lợi. Tình đoàn kết đó giữa công nhân và nông dân cũng làm xúc động cả binh lính cho nên, chẳng những họ không bắn mà còn tỏ cảm tình với những người biểu tình. Vinh quang thay! Đây là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng nước ta, công nhân, nông dân và binh lính đã cùng nhau siết chặt nắm tay trên bãi chiến trường (chúng tôi nhấn mạnh - H.T.C). Bè lũ đế quốc, tư bản run sợ, buộc phải nhượng bộ anh chị em ở Bến Thủy của chúng ta; chúng chịu chấp nhận tất cả mọi yêu sách của họ, chịu để cho nông dân Nam Đàn, Thanh Chương, Nghi Lộc tự do biểu tình, và tự quyết định lấy vận mệnh của mình. Đó là một thắng lợi lớn không những đối với công nhân và nông dân Nghệ An, Hà Tĩnh, mà cả đối với hết thảy công nhân và nông dân cả nước” (Tuyên cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam). * * * Cuộc khởi nghĩa có tính tổ chức, vì đã được chuẩn bị trước một thời gian ở hai tỉnh. Một số đồng chí tưởng rằng các cuộc khởi nghĩa ở miền bắc Trung Kỳ có tính chất hoà bình. Đó là một sai lầm lớn, bởi vì những người khởi nghĩa đều được vũ trang không những chỉ bằng gậy gộc, liềm hái mà cả bằng súng sáu và súng trường nữa. Ta hãy xem những người khởi nghĩa đã tấn công các thành phố như thế nào: “Trái với những biến cố xảy ra ở Nam Kỳ, ở đấy các cuộc biểu tình ít nhiều đều có tính chất hoà bình, những biến cố ở Trung Kỳ lại có tính chất hoàn toàn cách mạng. Từng đoàn người khởi nghĩa lớn, từ 500 đến 1.000 người, đôi khi còn đông hơn, vũ trang bằng liềm hái và gậy tre, mang theo cờ đỏ và khẩu hiệu Xôviết, đã tấn công vào các trung tâm hành chính, các đồn trại khố xanh và các nhà ga. Họ phá hủy và đốt cháy trường học, công sở, nhà cửa bọn cường hào. Vùng đất này của Trung Kỳ luôn luôn gây nên những khó khăn lớn cho Chính phủ Pháp” (L’ Asia française). Cần nói thêm rằng trước khi tấn công một trung tâm hành chính nào đó, những người khởi nghĩa đã cử những đội tự vệ đặc biệt đi phá hoại cầu cống, cắt đứt đường xe lửa, dây điện tín và điện thoại, v.v. nhằm ngăn chặn viện binh đến tiếp ứng. Tuy những cuộc tấn công vào các trung tâm hành chính và đồn trại khố xanh tiếp diễn mãi cho đến đầu năm 1931 như chúng tôi đã nói ở trên. Nhưng ở đây chúng tôi chỉ kể ra vài thời kỳ quan trọng phong trào khởi nghĩa tháng 9, lúc sản sinh ra các Xôviết (nên nhớ rằng chính quyền Xôviết đã được thiết lập ở Nghi Lộc, nhưng chúng tôi không có một tư liệu nào nói về phong trào khởi nghĩa ở huyện này trước lúc thành lập các Xôviết). Phong trào khởi nghĩa bắt đầu ngày 30-8-1930. Tuy gặp rất nhiều khó khăn và phải hy sinh ghê gớm, hai nghìn nông dân Nam Đàn đã chiếm được công đường huyện. Những người khởi nghĩa chiếm nhà lao và thả tất cả những người bị giam. Tên tri huyện đầu hàng và nhận hết thảy mọi yêu sách của những người biểu tình. Sau ngày 30-8-1930, biểu tình tiếp diễn không ngừng trong suốt cả tháng 9. Ngày 1-9-1930, nhà cửa bọn hào lý ở huyện Thanh Chương đều bị đập phá. Ngày 6 và 7, những người khởi nghĩa đã đốt cháy nhà tên chánh tổng Bích Hào và làm chủ tình hình trong tổng; họ xé những tờ giấy bạc nhà băng tìm được tại nhà tên chánh tổng. Ngày 7, những người khởi nghĩa tiến công đồn Đô Lương. Máy bay đế quốc Pháp đã ném 10 quả bom và giết hại 15 người. Ngày 7, những người khởi nghĩa đồng thời tấn công các huyện Kỳ Anh, Can Lộc, Cẩm Xuyên và tỉnh lỵ Hà Tĩnh từ 10 giờ đến 16 giờ, nhưng đã bị lính kéo đến giải tán. Đêm ngày 7 rạng ngày 8, công đường huyện Cẩm Xuyên đã bị những người khởi nghĩa chiếm lĩnh. Họ tịch thu và thiêu hủy tất cả mọi hồ sơ lưu trữ. Nhưng sau khi thắng lợi, những người khởi nghĩa không thiết lập chính quyền cách mạng của mình để thay thế cho chính quyền của tên tri huyện, cho nên cuộc tấn công lần thứ hai vào ngày 9 đã bị đẩy lùi (4 người chết, 4 người bị thương). Ngày 8, ba đoàn người khởi nghĩa chiếm phủ Anh Sơn. Ngày 9, khởi nghĩa nổ ra ở huyện lỵ Kỳ Anh, những người khởi nghĩa đã chiếm được công đường trong một thời gian, và công đường đã bị hoàn toàn phá hủy. Họ phá cả ty đại lý rượu và giải thoát tù nhân. Cuộc khởi nghĩa bị thất bại nhanh chóng: hai người chết, nhiều người bị thương. Cùng ngày hôm đó, khởi nghĩa cũng nổ ra ở Quán Nha (Kỳ Anh) (năm người chết, nhiều người bị thương). Ngày 11, binh lính và những người khởi nghĩa ở Thanh Chương (2.000 người) đã xung đột nhau và cuối cùng nông dân đã thắng. Bọn lính đã bỏ chạy trốn. Ngày 12, phủ lỵ Hưng Yên (cách Vinh 5 km bị tấn công dưới khẩu hiệu tiến về Vinh (tỉnh lỵ) và Bến Thủy (trung tâm công nghiệp). Công nhân Bến Thủy đã cung cấp 300 cán bộ lãnh đạo của khởi nghĩa. Con số những người khởi nghĩa lên đến 20.000 người, chia thành hai đoàn: một đoàn từ Yên Xuân sang và một đoàn từ Nam Đàn xuống. Phần lớn những người khởi nghĩa đều vũ trang bằng vũ khí thô sơ và gậy gộc. Các đường giao thông bị cắt đứt, nhà ga bị chiếm cứ. Cũng như ở Hà Tĩnh, Kỳ Anh và Cẩm Xuyên, binh lính tỏ cảm tình với những người khởi nghĩa, ở Hưng Nguyên cũng vậy, binh lính không chịu bắn vào quần chúng. Bọn đế quốc buộc phải điều động quân đội và máy bay từ Bắc Kỳ vào. Để bào chữa cho sự đàn áp dã man của bọn đế quốc sau cuộc khởi nghĩa ấy, tất cả báo chí tư sản đã viết rằng: “Nếu máy bay đến chậm chỉ 15 phút thôi, thì nhất định cả hai thành phố Vinh và Bến Thủy bị dân khởi loạn chiếm mất rồi”. Ném bom, đốt phá ở thành phố quân đế quốc được bọn quan lại, địa chủ và cường hào bản xứ giúp sức đã không từ một tội ác nào mà không dùng đến. 250 người chết, 800 người bị thương, đây là con số tổng kết của ngày đấu tranh anh dũng 12-9. Đêm 12, lại có 1.500 người tấn công ba đợt vào huyện lỵ Nam Đàn. Kết quả: bảy người chết, nhiều người bị thương.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang