[Việt Nam] Sơ Thảo Lịch Sử Phong Trào Cộng Sản Ở Đông Dương
Chương 4 : An Nam Cộng sản Đảng (Tháng 8-1929 - tháng 1-1930)
Người đăng: Lịch sử Việt Nam
Ngày đăng: 01:16 17-09-2018
.
PHẦN THỨ HAI
NHỮNG TỔ CHỨC CỘNG SẢN ĐẦU TIÊN, 1929 - ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG, AN NAM CỘNG SẢN ĐẢNG VÀ TÂN VIỆT CỘNG SẢN LIÊN ĐOÀN
Chương IV
AN NAM CỘNG SẢN ĐẢNG
(Tháng 8-1929 - tháng 1-1930)
Một vài người lãnh đạo của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã đánh lừa quần chúng rằng Hội là một bộ phận độc lập của Quốc tế Cộng sản. Họ bịa đặt như thế để tranh giành ảnh hưởng trong quần chúng với đảng đối thủ của họ: Tân Việt Cách mạng Đảng. Bởi vậy, khi Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập ở Bắc Kỳ và đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội của các nhà lãnh đạo Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên từ chối không chịu thành lập Đảng Cộng sản thì nhiều hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã khủng hoảng về tinh thần. Tại Bắc Kỳ, nhiều hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ra khỏi Hội; tại Trung Kỳ, tổ chức của Hội tan rã vì số lớn các nhà lãnh đạo bị bắt; tại Nam Kỳ, tổ chức hội vẫn còn nhưng đồng thời, một trạng thái khủng hoảng tinh thần cũng song song tồn tại trong hàng ngũ của hội viên. Như thế là việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương đã gây nên một cơn khủng hoảng lớn trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Hội phái đại biểu đến Bắc Kỳ để thương lượng hoà bình với các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương vừa mới thành lập. Nhưng Đảng Cộng sản Đông Dương không tiếp các đại biểu đó, cho rằng không dính gì với chủ nghĩa cơ hội của Hội cả, Đảng Cộng sản Đông Dương cũng chẳng màng trả lời ngay cả những bức thư mà Ban Chấp hành Trung ương Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên gửi cho mình.
Những hội viên cơ sở của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và những người lao động không đảng phái, những kẻ trước đây đã từng tưởng rằng Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên là một tổ chức cộng sản, cũng không hiểu tại sao Đại hội của Hội lại từ chối thành lập Đảng Cộng sản.
Các nhà lãnh đạo Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên nói tại Đại hội lần thứ nhất của Hội là điều kiện chưa thật đầy đủ để có thể thành lập Đảng Cộng sản, nhưng thử hỏi tại sao Đảng Cộng sản Đông Dương lại ra đời được ở Bắc Kỳ và phát triển nhanh chóng đến thế?
Cho nên Hội buộc phải: hoặc duy trì tổ chức của mình nhưng mất dần hội viên, mất dần ảnh hưởng trong quần chúng; hoặc thành lập một Đảng Cộng sản riêng hay sáp nhập vào Đảng Cộng sản Đông Dương đã thành lập.
Những phần tử cộng sản thuộc cánh hữu trong Đại hội Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, những kẻ trước đây đã nhận thức thật sự cần thiết phải có một Đảng Cộng sản ở Đông Dương, nhưng lại nói rằng chưa có đầy đủ điều kiện khách quan để thành lập một đảng như thế thì mấy tháng sau đã có thể thấy lập trường của họ tại Đại hội là sai lầm. Họ thấy được sai lầm ấy của mình khi ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Đông Dương (1929) phát triển và Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tan rã dần dần. Cuối cùng, sau nhiều phen do dự vì hệ tư tưởng tiểu tư sản của họ chi phối họ sẽ thấy nhất thiết phải thành lập ngay một Đảng Cộng sản, nhưng họ lại chủ trương chỉ thành lập một Đảng Cộng sản riêng rồi sau đó sẽ hiệp thương để hợp nhất chung với Đảng Cộng sản Đông Dương (1929). Các nhà lãnh đạo Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên không muốn kêu gọi hội viên của mình gia nhập từng cá nhân vào Đảng Cộng sản Đông Dương bởi vì họ cho rằng gia nhập từng cá nhân hội viên vào tức là đã đầu hàng trước đảng ấy; họ tưởng nếu các hội viên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên gia nhập từng người vào Đảng Cộng sản Đông Dương thì những người này chỉ có thể được kết nạp làm đảng viên dự bị thôi, do đó họ sẽ không có điều kiện để sửa chữa những sai lầm cơ hội chủ nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương. Các nhà lãnh đạo Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên thừa nhận rằng họ mất quần chúng, rằng họ kém ảnh hưởng hơn Đảng Cộng sản Đông Dương, nhưng họ lại tự hào là không cơ hội chủ nghĩa là vững vàng hơn các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương (1929) rất nhiều về mặt lý luận.
Ít lâu sau Đại hội lần thứ nhất của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, những phần tử cộng sản cánh hữu rời bỏ các phần tử không cộng sản. Họ thành lập một ủy ban trù bị với nhiệm vụ:
a) Thảo điều lệ và định sách lược của một Đảng Cộng sản;
b) Tổ chức chi bộ cơ sở trong các xí nghiệp;
c) Triệu tập Đại hội toàn quốc vào năm 1930 để thành lập Đảng Cộng sản.
d) Duy trì Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên cho đến lúc các hội viên ưu tú nhất của Hội được chọn để chuyển vào Đảng Cộng sản sau này, nhưng vì tổ chức của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Bắc Kỳ đã bị Đảng Cộng sản Đông Dương nắm, tổ chức ở Trung Kỳ đã tan rã, tổ chức ở Nam Kỳ thì khủng hoảng về tinh thần, nên rốt cục ủy ban trù bị phải tuyên bố giải tán. Đến tháng 8, những người cộng sản ở Quảng Châu thành lập một chi bộ cộng sản và tờ báo Đỏ với nhiệm vụ xúc tiến thành lập Đảng Cộng sản. Sau đó ít lâu, An Nam Cộng sản Đảng thành lập và Ban Chấp hành Trung ương của nó được chỉ định.
Cương lĩnh chính trị. Cánh hữu Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên thành lập An Nam Cộng sản Đảng. Thế nhưng họ vẫn tiếp tục dùng Cương lĩnh của Hội đã thông qua tại Đại hội lần thứ nhất. Tuy vậy, đường lối chính trị trình bày trong các báo cáo chính thức của Ban Chấp hành Trung ương An Nam Cộng sản Đảng thường mâu thuẫn với Cương lĩnh Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Chẳng hạn, bản báo cáo chính thức của Ban Chấp hành Trung ương An Nam Cộng sản Đảng đề ngày 15-11-1929 đã trình bày đường lối chính trị của Đảng như sau:
1. Cách mạng tư sản dân chủ, liên minh với giai cấp nông dân, đánh đổ địa chủ, tịch thu tài sản của chúng để đem chia (cho ai?), trung lập phú nông; liên minh với giai cấp tiểu tư sản.
2. Đánh đổ giai cấp tư sản bản xứ.
a) Tịch thu tài sản của bọn tư bản,
b) Tịch thu các nhà băng lớn và các xí nghiệp của bọn đế quốc ở Việt Nam.
3. Liên minh với binh lính.
4. Không đánh đổ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
5. Giải thích bí mật rằng Tân Việt Cách mạng Đảng là bất nhất.
6. Đối với Việt Nam Quốc dân Cách mạng Đảng, áp dụng một sách lược giống như sách lược đối với Tân Việt Cách mạng Đảng.
7. Đối với Đảng Cộng sản Đông Dương, chủ trương hợp nhất trên cơ sở các điều cần giải thích sau đây:
a) Tại sao đảng ấy không có chi bộ?
b) Tại sao nó hợp tác với Việt Nam Quốc dân Cách mạng Đảng? Mà lại đấu tranh chống Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên?
c) Tại sao Đảng Cộng sản Đông Dương lại công bố đến hai tuyên ngôn trong một tháng.
Qua những điểm trên đây Cương lĩnh của An Nam Cộng sản Đảng thực ra chỉ là một mớ chiến lược và sách lược hỗn độn. Cũng như Đại hội lần thứ nhất của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, An Nam Cộng sản Đảng cũng chỉ nghĩ đến cách mạng Việt Nam mà bỏ qua phong trào cách mạng ở Cao Miên và Ai Lao.
An Nam Cộng sản Đảng tán thành phải làm cách mạng dân chủ tư sản trong giai đoạn hiện tại, nhưng không vạch ra nội dung của cuộc cách mạng đó (cách mạng phản đế và cách mạng ruộng đất), không nói đến hình thức Xôviết của nhà nước sau khi công nông đã giành được chính quyền, không vạch rõ những triển vọng phát triển tương lai của cách mạng Đông Dương sau khi chuyên chính công nông đã được thiết lập (hơn nữa, An Nam Cộng sản Đảng cũng không nói gì đến loại chuyên chính này).
An Nam Cộng sản Đảng đã định nghĩa địa chủ một cách trái ngược với học thuyết Lênin. Theo họ, ở Trung Kỳ có những địa chủ chiếm hữu trên 20 hécta. Trong trang trại của những địa chủ loại nhất, có hình thức bóc lột tư bản chủ nghĩa, còn ở trang trại của những địa chủ chiếm hữu dưới 20 hécta (quan lại, cường hào, bọn cho vay nợ lãi) thì tồn tại các hình thức bóc lột phong kiến. Như vậy là An Nam Cộng sản Đảng đã sai lầm khi thâu chia địa chủ theo số lượng diện tích đất đai chiếm hữu đã quy định giai cấp theo thu nhập. An Nam Cộng sản Đảng lại nhận định các hình thức bóc lột trong trang trại địa chủ là tư bản chủ nghĩa và phong kiến, điều đó cũng sai trái với thực tế. Tại các thuộc địa (kể cả Đông Dương), mặc dù một quá trình phát triển tư bản chủ nghĩa đã diễn ra ở nông thôn, mặc dù một số địa chủ sử dụng hình thức lao động trả công, các hình thức bóc lột phong kiến vẫn phổ biến ở nông thôn như Quốc tế Cộng sản đã phân tích trong Luận cương thuộc địa của mình.
“Khắp nơi, chủ nghĩa đế quốc ra sức duy trì và duy trì vĩnh viễn tất cả mọi hình thức bóc lột tiền tư bản chủ nghĩa (nhất là ở nông thôn) vì đó là cơ sở tồn tại của các bạn đồng minh phản động của nó”.
Các nhiệm vụ cơ bản và khẩu hiệu chung của cách mạng Đông Dương thì không đầy đủ và không thích hợp. Về cuộc tịch thu ruộng đất của địa chủ, An Nam Cộng sản Đảng không nói rõ phải đem chia cho ai. Họ cũng nói đến việc tịch thu những nhà băng lớn nhưng lại không đả động gì đến việc tịch thu những nhà băng nhỏ và trung bình.
An Nam Cộng sản Đảng đề ra làm cách mạng tư sản dân chủ, nhưng lại nêu khẩu hiệu tiêu diệt giai cấp tư sản bản xứ về mặt giai cấp. Thế là họ cũng phạm sai lầm như Đảng Cộng sản Đông Dương (1929) và Đại hội lần thứ nhất của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
Bây giờ, chúng ta hãy nghiên cứu vấn đề nông dân. Thật là lạ đời khi chúng ta thấy rằng trong bản báo cáo ngày 15-11-1929 của mình An Nam Cộng sản Đảng đã đề ra khẩu hiệu trung lập phú nông[17] ấy thế mà trong khi An Nam Cộng sản Đảng phân định các giai cấp ở nông thôn, chúng ta lại không thấy phú nông. Một bản báo cáo chính thức khác của An Nam Cộng sản Đảng cũng viết chẳng hạn:
“Giai cấp nông dân phân chia ra làm ba loại:
1. Trung nông (những người có từ 1 đến 2 hécta) chiếm hữu một phần ba ruộng đất. Nói chung, họ là những người cường hào, những người cho vay nợ lãi, bóc lột công nhân nông nghiệp.
2. Tiểu nông là những người có đủ ruộng đất cho cả gia đình, là những người vì có ít ruộng đất nên phải bán sức lao động trong một thời gian nào đó của một năm và đi làm phu, làm thợ mộc, v.v., họ hợp thành đại bộ phận trong nông dân.
3. Công nhân nông nghiệp là những nông dân không có ruộng đất, phải bán sức lao động cho địa chủ để sinh sống; so với tiểu nông thì họ ít hơn, nhưng con số của họ ngày càng tăng, họ có lực lượng và đức tính cách mạng. Vì công việc canh tác thay đổi tùy theo thời vụ và tùy từng địa phương nên công nhân nông nghiệp bắt buộc phải lang thang từ tỉnh này qua tỉnh khác, do đó họ mất hết tập quán địa phương và lề thói gia đình. Họ cùng làm việc chung với nhau (trong đồn điền) cho nên họ có đức tính đoàn kết. Vì bị bóc lột và áp bức nặng hơn, vì phải lao động suốt ngày trong những điều kiện cực nhọc, vì bị chửi bới và hành hạ, vì ăn uống thiếu thốn và sinh sống trong những căn nhà tựa như chuồng trâu, họ là những người giàu tinh thần cách mạng hơn và là người bạn đồng minh vững chắc nhất của giai cấp vô sản”.
Việc phân tích tình hình giai cấp khác nhau ở nông thôn như vậy của An Nam Cộng sản Đảng cho chúng ta thấy mấy sai lầm sau đây:
a) An Nam Cộng sản Đảng lẫn lộn trung nông với phú nông; trung nông không phải là những người bóc lột như An Nam Cộng sản Đảng khẳng định một cách sai lầm trong báo cáo của họ mà là những người lao động (mặc dù có tài sản riêng), An Nam Cộng sản Đảng gán ghép cho trung nông vai trò cho vay nặng lãi, bóc lột, là vai trò đúng ra thuộc về phú nông.
b) An Nam Cộng sản Đảng đã lẫn lộn những người nửa vô sản với bần nông.
Việc phân loại nông dân thành các tầng lớp[18] như đã nói trên kia còn mâu thuẫn với một nhận định khác trình bày trong một bức thư đề ngày 4-10-1929 của Ban Chấp hành Trung ương gửi Đảng Cộng sản Trung Quốc. Căn cứ theo bức thư ấy, người ta thấy ở nông thôn Đông Dương các tầng lớp nông dân như sau:
1. Số nông dân có ruộng đất thừa không đông lắm; họ chiếm không quá 1% tổng số nông dân. Mặc dù họ phát canh đến phần nửa ruộng đất cho những nông dân khác. Họ cũng khó mà đủ ăn quanh năm. Có lúc, họ cũng là nạn nhân của nạn bóc lột nợ lãi, và thường thì họ không đủ sức đóng thuế và họ phá sản.
2. Nông dân lao động gồm 20% tổng số nông dân...
3. Tá điền gồm 50% quần chúng nông dân...
4. Công nhân nông nghiệp gồm 30% nhân số...”.
Thái độ đối với các đảng khác. Trong bản báo cáo ngày 15-11-1929 của mình, An Nam Cộng sản Đảng có nói không nên đấu tranh chống Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên nhưng phải nêu khẩu hiệu “đả đảo Tân Việt Cách mạng Đảng” và “đả đảo Việt Nam Quốc dân Đảng”[19].
Trong bản báo cáo ấy, An Nam Cộng sản Đảng nói phải bí mật giải thích tính chất bất nhất của Tân Việt Cách mạng Đảng, và trong thư gửi Đảng Cộng sản Trung Quốc, An Nam Cộng sản Đảng còn viết: “Chừng nào Tân Việt Cách mạng Đảng còn liên hệ chặt chẽ với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên thì họ vẫn còn chịu ảnh hưởng của cương lĩnh cộng sản và chuyển hướng về phía cách mạng xã hội. Đứng đầu đảng là các thầy giáo: với thời gian, nó sẽ biến thành một tổ chức xã hội dân chủ và như thế nó sẽ đánh lừa giai cấp công nhân và giai cấp nông dân”.
Như vậy là An Nam Cộng sản Đảng đã nhận định rằng Tân Việt Cách mạng Đảng sẽ biến thành Đảng Xã hội dân chủ (nghĩa là phản cách mạng), nhưng không biết phân tích cụ thể tính chất và hoạt động của tổ chức cách mạng ấy. Đáng lẽ phải đặt vấn đề lập Mặt trận thống nhất phản đế với Tân Việt Cách mạng Đảng và Việt Nam Quốc gia Cách mạng Đảng (mặt trận đặt dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản) như chúng tôi đã nói nhiều lần, An Nam Cộng sản Đảng lại nói phải giải thích tính bất nhất của hai đảng ấy nhưng bằng lối bí mật thôi, nghĩa là chỉ giải thích riêng trong hàng ngũ những người cộng sản không phải trước đông đảo quần chúng lao động. Với một sách lược sai lầm như thế, không bao giờ An Nam Cộng sản Đảng có thể làm cho những người lao động thông hiểu tính bất nhất của hai tổ chức nói trên để đưa quần chúng khỏi vùng ảnh hưởng của họ.
Như chúng tôi đã có dịp nói trong bức thư ngày 15-11-1929 của mình, An Nam Cộng sản Đảng đã quyết định tiến hành hiệp thương hợp nhất với Đảng Cộng sản Đông Dương, An Nam Cộng sản Đảng cũng đã đặt vấn đề liên lạc với Quốc tế Cộng sản và với các đảng anh em.
* * *
Có rất nhiều khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa trong An Nam Cộng sản Đảng. An Nam Cộng sản Đảng đã tiến hành đấu tranh chống bọn cơ hội đi tìm những nguyên nhân của cách mạng trong các cuộc chiến tranh đế quốc. Đó là một sách lược đúng đắn, nhưng An Nam Cộng sản Đảng lại rút ra những kết luận sai lầm.
Tiến tới hợp nhất các lực lượng cộng sản. Trong quá trình công tác, những phần tử cộng sản cánh hữu[20] của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên trở thành những người lãnh đạo của An Nam Cộng sản Đảng nhận thức được mối nguy cơ của sự chia rẽ trong các lực lượng cách mạng và sự cần thiết phải có một đảng thống nhất, vì vậy An Nam Cộng sản Đảng đã tập trung mọi sự chú ý vào vấn đề hợp nhất. Tờ báo đó được dành đặc biệt để tuyên truyền cho công cuộc hợp nhất.
Trong số ra ngày 30-10-1930, tờ báo viết: “Trong mỗi địa phương, trong mỗi tổ chức, người ta cứ hành động tùy theo ý mình. Hoạt động như thế chẳng khác nào chia xẻ các lực lượng cách mạng. Căn cứ vào các nguyên tắc tổ chức mà xét thì hình như trong đó có một tư tưởng cục bộ, địa phương. Đứng về phía lợi ích cách mạng mà xét thì dường như chúng ta đã gián tiếp đỡ cho chủ nghĩa đế quốc Pháp. Nhưng có phải là các đồng chí của chúng ta muốn hành động như thế không? Nhất định không. Thực ra chúng ta chỉ hiểu lầm nhau thôi, nhưng nếu chúng ta không chịu giải quyết nhanh chóng những sự hiểu lầm đó, nếu chúng ta không chịu hợp nhất lại thì chúng ta sẽ càng ngày càng xa nhau, có thể người ta sẽ công kích chúng ta, hoạt động của chúng ta sẽ trái với lợi ích của cách mạng, tư tưởng và hành động của chúng ta sẽ bị tổn thương và không thể nào phù hợp với lý luận cách mạng được”.
Tờ báo Đỏ nói thêm về những nhiệm vụ cấp bách của những người cộng sản như sau: chính thức thành lập một Đảng Cộng sản, lãnh đạo công cuộc đấu tranh của quần chúng, đấu tranh chống các vụ khủng bố bắn giết, đày ải và giam cầm những người cách mạng, đấy là nhiệm vụ cấp thiết của những người cộng sản trong giờ phút hiện tại”. An Nam Cộng sản Đảng thừa nhận cần thiết phải đi sâu vào quần chúng, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, bônsơvích hoá hàng ngũ đảng viên cộng sản, nhưng các nhà lãnh đạo ấy lại không muốn tự nhận chính mình là cơ hội chủ nghĩa. Và vì thế mà trong một thông tri gửi cho các đảng viên đã viết: “Chúng ta không phải là những người cơ hội chủ nghĩa”. Các nhà lãnh đạo đó đã hạ thấp tầm quan trọng của việc thành lập An Nam Cộng sản Đảng khi nói rằng chúng ta phải có một tổ chức ngang hàng với Đảng Cộng sản Đông Dương; như vậy chúng ta mới sửa chữa được những sai lầm của họ và họ mới chịu nghe chúng ta”. Như vậy là những nhà lãnh đạo An Nam Cộng sản Đảng luôn luôn tưởng rằng mình là những người bônsơvích vững vàng về tư tưởng hơn các nhà lãnh đạo của các tổ chức cộng sản khác.
Mặc dù người ta cảm thấy sâu sắc sự cần thiết phải hợp nhất các lực lượng cộng sản lại thành một Đảng Cộng sản thống nhất mặc dù các nhà lãnh đạo các nhóm cộng sản cũng tự mình cổ vũ điều đó, nhưng công cuộc hợp nhất, sau kỳ Đại hội triệu tập năm 1929 bàn về vấn đề này cũng chưa tiến hành được. Từng nhóm vẫn còn đấu tranh với nhau khá mạnh, những nhà lãnh đạo các nhóm cộng sản lên án lẫn nhau là cơ hội chủ nghĩa, nhóm nào cũng tự cho mình là cách mạng hơn, cộng sản hơn các nhóm kia, vì thế mà ý đồ thống nhất không thành công.
Cơ cấu tổ chức. Từ khi mới thành lập, An Nam Cộng sản Đảng đã hướng ngay về việc tổ chức quần chúng lao động vào Đảng Cộng sản, Đoàn Thanh niên Cộng sản, công hội đỏ và nông hội cách mạng.
An Nam Cộng sản Đảng quan tâm nhiều đến hoạt động trong các xí nghiệp. Họ chú trọng cải thiện thành phần xã hội của Đảng, họ cũng bắt đầu tổ chức và lãnh đạo các cuộc đấu tranh cách mạng. Không được quên rằng trong các lần hiệp thương giữa hai đảng, Đảng Cộng sản Đông Dương đã thách thức với An Nam Cộng sản Đảng như sau: "Nếu các anh là những người cộng sản chân chính thì các anh hãy tỏ ra bằng hành động đấu tranh. Chúng tôi cam kết thi đua cách mạng với các anh để xem đảng nào có tính chiến đấu cao hơn, được quần chúng nghe theo nhiều hơn”.
An Nam Cộng sản Đảng đã tổ chức được Liên đoàn công hội Sài Gòn (gồm tám công hội), ở Chợ Lớn cũng có nhiều công hội được tổ chức. An Nam Cộng sản Đảng cũng tổ chức được Liên đoàn Nông hội xứ Nam Kỳ (700 hội viên) và Liên đoàn học sinh xứ (300 hội viên).
Dẫn đầu cuộc đấu tranh của quần chúng
So với Đảng Cộng sản Đông Dương (1929) thì An Nam Cộng sản Đảng kém hoạt động hơn, nhưng không phải hoàn toàn biệt phái như thời Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. An Nam Cộng sản Đảng đã bắt đầu hướng vào các xí nghiệp, tìm cách thu phục quần chúng.
Truyền đơn và bươm bướm được phân phát rộng rãi vào tất cả các ngày đấu tranh cách mạng quốc tế. Người ta cũng phát động các đợt đấu tranh chống khủng bố, chống chiến tranh đế quốc, chống chủ nghĩa quân phiệt Trung Hoa, bảo vệ Liên Xô.
Phong trào cách mạng do An Nam Cộng sản Đảng lãnh đạo ở Nam Kỳ không rộng lớn bằng phong trào do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo ở Bắc Kỳ. Tại Nam Kỳ, bãi công tự phát nổ ra nhiều hơn ở Bắc Kỳ, bãi công tự vệ nhiều hơn bãi công tiến công, đấu tranh kinh tế nhiều hơn đấu tranh chính trị.
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp hoặc dưới ảnh hưởng gián tiếp của An Nam Cộng sản Đảng, các cuộc bãi công sau đây (đơn thuần kinh tế) đã nổ ra tại Nam Kỳ trong sáu tháng cuối năm 1929: hãng S.C.A.M.A, đồn điền cao su Hớn Quản, phu kéo xe Thủ Dầu Một, Cần Thơ, Châu Đốc, Bến Tre, Rạch Giá, bồi bếp khách sạn Palátxờ, công nhân in Hoa kiều Chợ Lớn.
Tuy lực lượng An Nam Cộng sản Đảng còn nhỏ bé nhưng ảnh hưởng chính trị của nó lan rộng nhanh chóng trong quần chúng lao động. Như ngày 4-2-1930 (sau Hội nghị thống nhất ngày 6-1-1930 và trước lúc Đảng Cộng sản Việt Nam được thống nhất, thật sự An Nam Cộng sản Đảng đã tổ chức được ở Phú Riềng một cuộc bãi công mãi mãi có tiếng vang trong lịch sử phong trào công nhân Đông Dương, vì đó là cuộc bãi công đầu tiên được những người cộng sản tổ chức chu đáo hơn cả, là phong trào đầu tiên trong đó quần chúng lao động đã tỏ ra dũng cảm và sức chiến đấu hơn cả.
Tên chủ cho bắt một người cai cộng sản mà công nhân rất tin cậy. Nó không cho phép một đoàn 15 công nhân đi đưa đám tang một người bạn họ. Hơn nữa, nó cũng không chịu nghiêm túc thực hiện hợp đồng đã ký kết, bãi công bộ phận nổ ra. Các yêu sách “thả người cai bị bắt, phát ký ninh viên chứ không được phát ký ninh nước, không được nấu cháo chung” đều được tên chủ chấp nhận hoàn toàn. Những người bãi công đã tiến hành tuyên truyền cộng sản cho đám binh lính và bọn đế quốc Pháp điều động đến để bắn vào họ. Sau thắng lợi này, công nhân chiếm đồn điền và thành lập một ủy ban bãi công để chỉ đạo đấu tranh. Bãi công lan rộng ra khắp tất cả các làng. Nhiều yêu sách mới được đề ra: “Ngày làm tám giờ, đuổi bọn giám thị, đưa công nhân đi làm bằng ôtô, bãi bỏ cúp phạt”. Cờ và biểu ngữ đỏ phấp phới khắp nơi. Các cuộc mít tinh cộng sản liên tiếp nổ ra tại rạp hát, trong các nhà lá và ở trên công trường. 150 công nhân bị bắt, 900 công nhân bỏ trốn vào rừng. Những người phu khác trở lại đồn điền nhưng vẫn tiếp tục bãi công bằng cách ngồi khoanh tay không làm việc và đòi: “Thả tất cả những người bị bắt, cải thiện điều kiện sinh hoạt và lao động, trả về Bắc Kỳ”. Sau năm ngày đấu tranh dũng cảm, phu trở lại làm việc với điều kiện là tất cả các yêu sách đưa ra lần đầu tiên phải được chấp nhận và hợp đồng phải được thi hành đúng đắn.
__
Chú thích
17. Cuối năm 1929, Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản nói rằng động lực cách mạng Đông Dương là công nhân, nông dân, và dân nghèo thành thị. Tháng 5-1931, qua quá trình một năm rưỡi đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản thống nhất, một tập hợp lực lượng mới mẻ đã diễn ra, và căn cứ vào đấy Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản sửa đổi lại là các động lực chủ yếu của cách mạng Đông Dương gồm có công nhân, bần nông, trung nông và dân nghèo thành thị. Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản nói: “Giai cấp vô sản phải khai thác tư tưởng chống đối của phú nông; bất kỳ lúc nào, nơi nào tư tưởng đó bộc lộ ra nhưng không bao giờ được liên minh với họ" (H.T.C).
18. "Những quy định về các tầng lớp nông dân của An Nam Cộng sản Đảng đều không đúng. Cần phải nói như sau:
1- Vô sản nông nghiệp gồm có những người làm công nhật, những người ở nông thôn, những người làm thuê từng ngày, từng thời hạn hoặc cả năm, nghĩa là những người nuôi sống mình bằng cách bán sức lao động lấy tiền thuê trong các đồn điền và trang trại nông nghiệp, hoặc tại nhà phú nông và địa chủ.
2- Bần nông là những nông dân có riêng hoặc lĩnh canh một mảnh đất nhỏ và tự mình cày cấy. Vì mảnh đất nhỏ ấy không đủ đảm bảo nhu cầu tối thiểu cho đời sống của gia đình, họ phải đi làm thuê đó đây trong một thời gian nào đó của năm để lấy tiền.
Họ bị “nghèo đói và tất cả mọi hình thức bóc lột tiền tư bản và tư bản giày xéo, phần lớn hoa lợi của họ bị mất ngay trên mảnh đất lĩnh canh, họ bị gạt ra khỏi quá trình sản xuất và chết dần chết mòn vì đói rét và bệnh hoạn” (Luận cương thuộc địa của Đại hội lần thứ VI Quốc tế Cộng sản).
3- Trung nông là những nông dân có riêng hoặc đi lĩnh canh ruộng đất và tự mình cày cấy lấy. Số lượng đất này đem lại cho họ một mức thu hoạch tối thiểu đủ đảm bảo đời sống cho gia đình. Trong các vụ cày, vụ cấy và vụ gặt, có thể có một bộ phận trung nông nào đó cũng thuê mướn tạm thời một số lao động làm thuê nhưng thường thường là rất ít. Vì sưu cao thuế nặng, vì bị tước đoạt dần dần hết cả ruộng đất, vì bị đói khát, nợ lãi và khủng hoảng kinh tế giày xéo trung nông bần cùng hoá rất nhanh chóng.
Phú nông hay nông dân khá giả là những người có ruộng đất hoặc lĩnh canh một số ruộng đất và tự mình đứng ra cày cấy, nhưng có mướn một số lao động làm thuê. Một bộ phận phú nông phát canh ruộng đất thừa của mình để thu tô. Phú nông cũng đóng vai trò cho vay nặng lãi ở nông thôn. Trong điều kiện riêng của những thuộc địa như ở Đông Dương chẳng hạn tuy có sử dụng lao động làm thuê nhưng nói chung phú nông vẫn duy trì các hình thức bóc lột phong kiến trong nông nghiệp (H.T.C)."
19. Nên nhớ rằng An Nam Cộng sản Đảng cũng như Đảng Cộng sản Đông Dương đều sinh ra từ cánh tả của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và mặc dù tổ chức thành một đảng riêng An Nam Cộng sản Đảng vẫn tiếp tục tồn tại song song với Hội (H.T.C).
20. Những phần tử cánh hữu của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên về sau tự xưng là cộng sản đã có những khuynh hướng tả trong một thời gian, nhưng hệ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa ở nơi họ vẫn còn rất mạnh, và ngày càng bộc lộ rõ (H.T.C).
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Bình luận truyện