[Việt Nam] Sơ Thảo Lịch Sử Phong Trào Cộng Sản Ở Đông Dương

Chương 3 : Đảng Cộng sản Đông Dương (Tháng 5-1929 - tháng 1-1930), Tân Việt Cộng sản Liên đoàn (Cuối năm 1929 - tháng 2-1930)

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 01:07 17-09-2018

.
PHẦN THỨ HAI NHỮNG TỔ CHỨC CỘNG SẢN ĐẦU TIÊN, 1929 - ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG, AN NAM CỘNG SẢN ĐẢNG VÀ TÂN VIỆT CỘNG SẢN LIÊN ĐOÀN Chương III ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG (Tháng 5-1929 - tháng 1-1930) TÂN VIỆT CỘNG SẢN LIÊN ĐOÀN (Cuối năm 1929 - tháng 2-1930) Cuối năm 1929, ba tổ chức cộng sản xuất hiện ở Đông Dương. Đấy là Đảng Cộng sản Đông Dương ở Bắc Kỳ, An Nam Cộng sản Đảng ở Nam Kỳ và Tân Việt Cộng sản Liên đoàn ở Trung Kỳ. Các tổ chức ấy đều từ hai tổ chức có khuynh hướng cộng sản trước kia: Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và Tân Việt Cách mạng Đảng mà ra. Nhưng sau khi ba tổ chức cộng sản thành lập, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và Tân Việt Cách mạng Đảng vẫn cứ tiếp tục tồn tại và tiến hành đấu tranh chung với các nhóm mới nói trên. Năm 1929, toàn bộ Ban Chấp hành Trung ương Tân Việt Cách mạng Đảng bị bắt. Vì vậy các kỳ bộ, tổng bộ, v.v. không thể liên lạc với nhau được nữa. Nhưng đến cuối năm 1929, những phần tử ưu tú nhất của Tân Việt Cách mạng Đảng tập hợp lại được các lực lượng bị phân tán và thành lập nên một tổ chức cộng sản: Tân Việt Cộng sản Liên đoàn. Trong các cuộc khám xét, bọn cảnh sát Pháp đã đánh cắp mất những tài liệu của chúng ta về hoạt động cách mạng của liên đoàn cộng sản đó, cho nên trong mấy trang này, chúng tôi không thể trình bày lại để hiểu qua cương lĩnh chính trị và các phương pháp công tác của tổ chức này trong thời gian trước khi nó sáp nhập vào Đảng Cộng sản Việt Nam (Đảng Cộng sản thống nhất). Tất cả ba tổ chức cộng sản (Đảng Cộng sản Đông Dương, An Nam Cộng sản Đảng và Tân Việt Cộng sản Liên đoàn) đều có chi bộ ở Trung Kỳ, Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Tuy vậy, mỗi tổ chức đều độc quyền ảnh hưởng tại mỗi xứ: Đảng Cộng sản Đông Dương: Bắc Kỳ. Tân Việt Cộng sản Liên đoàn: Trung Kỳ. An Nam Cộng sản Đảng: Nam Kỳ. Trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam (Đảng Cộng sản thống nhất) ra đời, các đảng viên Tân Việt Cộng sản Liên đoàn ở miền bắc và miền trung Trung Kỳ muốn hợp nhất với Đảng Cộng sản Đông Dương. Nhưng các đảng viên của Liên đoàn ở miền nam Trung Kỳ thì lại muốn hợp nhất với An Nam Cộng sản Đảng. Trong ba tổ chức cộng sản sáp nhập vào Đảng Cộng sản Việt Nam thì Tân Việt Cộng sản Liên đoàn có đông đảng viên hơn cả (119) so với 85 của Đảng Cộng sản Đông Dương và 61 của An Nam Cộng sản Đảng. Ảnh hưởng lớn nhất của Liên đoàn là ở các tỉnh miền bắc Trung Kỳ, nơi đã nổ ra phong trào Xôviết hồi tháng 9-1930. Căn cứ vào những tài liệu mà chúng tôi có, thì thấy rằng Tân Việt Cộng sản Liên đoàn đã tổ chức nông hội ở miền bắc Trung Kỳ, công hội đỏ ở Vinh, Bến Thủy, Huế, Đà Nẵng, v.v. lãnh đạo các cuộc bãi công của công nhân xe lửa Trường Thi, của tài xế Đà Nẵng. Ba đại biểu Bắc Kỳ tại Đại hội toàn quốc Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đều là ủy viên chấp hành kỳ bộ của Hội. Ban Chấp hành kỳ bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã thuyên chuyển những người lãnh đạo các ban chấp hành tỉnh bộ và thay họ bằng những đảng viên cộng sản. Người ta đã thành lập Ban Chấp hành Trung ương gồm ba ủy viên và đã bố trí công nhân đứng đầu các ban lãnh đạo. Người ta cũng đem những người cộng sản vào hoạt động các xí nghiệp. Bản tuyên ngôn đầu tiên về việc thành lập Đảng Cộng sản cũ ở Đông Dương được phổ biến rộng khắp trong quần chúng trước tuyên ngôn của Đại hội Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Mặc dù số lượng đảng viên rất ít, nhưng do hoạt động cách mạng của mình và do đã phát hành nhiều sách báo cộng sản trong các tầng lớp lao động, Đảng đã có một ảnh hưởng khá rộng lớn trong quần chúng. Mới thành lập xong Đảng đã phái ngay một đại biểu vào hoạt động ở Trung Kỳ, nhưng bị bắt. Do đó, công tác tổ chức ở Trung Kỳ bị đình trệ. Đại biểu mà Đảng phái vào Nam Kỳ công tác không được thuận lợi bởi vì các tổ chức cách mạng ở Nam Kỳ vẫn tiếp tục chịu sự lãnh đạo của hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Vài tuần lễ sau khi công bố bản tuyên ngôn đầu tiên, Đảng lại đưa ra một bản tuyên ngôn - cương lĩnh thứ hai mà chúng tôi phân tích trong mấy trang sau đây: Đảng Cộng sản Đông Dương thừa nhận đường lối của Quốc tế Cộng sản, thừa nhận tính tất yếu về bá quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản trong phong trào cách mạng và truyền bá trong nhân dân, thừa nhận mục đích cộng sản chủ nghĩa và chiến lược của Đảng. Ưu điểm lớn của Đảng là đã tuyệt giao với chủ nghĩa biệt phái của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Mặc dù phạm sai lầm, Đảng Cộng sản Đông Dương cũ là người đầu tiên giương cao ngọn cờ cộng sản trong giai cấp vô sản Đông Dương.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
 
Trở lên đầu trang