[Việt Nam] Sơ Thảo Lịch Sử Phong Trào Cộng Sản Ở Đông Dương
Chương 9 : Đảng sau khi các Xô viết ở miền Bắc Trung Kỳ tan rã: Tình hình nội bộ Đảng
Người đăng: Lịch sử Việt Nam
Ngày đăng: 17:02 15-12-2018
.
PHẦN THỨ BA
ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG
(Thống nhất từ ngày 6-1-1930)
Chương IX
ĐẢNG SAU KHI CÁC XÔVIẾT Ở MIỀN BẮC TRUNG KỲ TAN RÃ
III- TÌNH HÌNH NỘI BỘ ĐẢNG
1. Phát triển ảnh hưởng Đảng
Cho đến Hội nghị toàn thể lần thứ nhất (tháng 10-1930) Ban Chấp hành Trung ương, Đảng ta có 1.600 đảng viên, nhưng đến Hội nghị toàn thể lần thứ hai (cuối tháng 3-1931), thì Đảng lại có thêm 800 đảng viên nữa. Ảnh hưởng Đảng ta trong các nông hội cũng phát triển. Tính đến ngày 1-10-1930, có tất cả 53.000 hội viên trong các nông hội, đến tháng 3-1931 có 64.000 hội viên. Số lượng hội viên công hội mà Hội nghị toàn thể lần thứ hai cung cấp (1.500 người) đã bộc lộ một sự giảm sút rất nghiêm trọng trong lực lượng các công hội đỏ. Nguyên nhân của sự giảm sút ấy phần lớn là do khủng bố trắng và phương pháp công tác của nhiều đồng chí lãnh đạo công hội chúng ta chưa được tốt. Các đồng chí này chưa biết tổ chức công nhân trong các cuộc bãi công, chưa biết làm việc có hệ thống để củng cố và phát triển các công hội.
Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản lần thứ hai đã tổng kết một năm rưỡi đấu tranh của Đảng ta kể từ hồi thống nhất trở đi. Hội nghị đã thừa nhận rằng mặc dù phạm sai lầm và thiếu sót, phần lớn xảy ra vì Đảng ta còn trẻ và thiếu kinh nghiệm. Đảng ta là một đảng quần chúng, một người bảo vệ trung thành lợi ích của những người lao động Đông Dương, một đảng nói chung đã đi theo đường lối chính trị lêninnít của Quốc tế Cộng sản. Vì vậy trong phiên họp ngày 11-4-1931 của mình, Hội nghị đã chính thức công nhận Đảng ta là một chi bộ độc lập của Quốc tế thứ ba.
Đảng ta đã tổn thất lớn trong ba tháng 4, 5 và 6-1931. Nhiều cán bộ lãnh đạo bị bắt, một số cơ quan lãnh đạo bị bọn lính cẩm phát hiện. Đảng ta phải chuyển vào tình thế hoạt động bất hợp pháp hoàn toàn. Đảng ta phải dành thời giờ tập hợp lại các cơ quan lãnh đạo chắp lại các mối liên lạc. Đảng ta đã tốn rất nhiều thời giờ để tổ chức lại nội bộ, một công việc rất khó khăn lúc bấy giờ. Trong khi những điều kiện khách quan của phong trào cách mạng ngày càng phát triển, thì nhân tố chủ quan, tức là Đảng Cộng sản, người lãnh đạo và tổ chức quần chúng lao động đấu tranh lại tạm thời bị suy yếu từng bộ phận vì sự đàn áp của bọn tư bản. Đấy là nguyên nhân chủ yếu làm cho phong trào cách mạng, đặc biệt ở miền bắc Trung Kỳ, suy yếu trong thời gian sau tháng 5-1931, và cũng là nguyên nhân của tình trạng “im lìm” tương đối từ tháng 8-1931 đến tháng 4-1932.
2. Tự phê bình
Chúng ta hãy nhớ lại rằng Hội nghị toàn thể lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương đã đề ra khẩu hiệu bônsơvích hoá toàn Đảng. Nhưng tiến hành bônsơvích hoá như thế nào? Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, trong luận cương ngày 6-4-1925 của mình, đã viết rằng “tiến hành bônsơvích hoá các chi bộ của Quốc tế Cộng sản tức là học tập và vận dụng vào hành động những kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Nga tích lũy được qua ba cuộc cách mạng và dĩ nhiên cả những kinh nghiệm của tất cả các chi bộ tổng kết được từ các cuộc đấu tranh quan trọng. Dưới ánh sáng của kinh nghiệm đó, các chi bộ của Quốc tế Cộng sản phải quán triệt những nhiệm vụ đề ra cho mình và khái quát hoá kinh nghiệm của bản thân mình”; rằng tiến hành bônsơvích hoá tức là phải biết vận dụng những nguyên lý phổ biến của chủ nghĩa Lênin vào tình hình cụ thể của mỗi nước. Bônsơvích hoá còn là nghệ thuật để nắm vững “khâu” quan trọng nhất đặng có thể lôi kéo được toàn bộ cả sợi dây chuyền. “Khâu” ấy không thể giống nhau ở tất cả các nước bởi vì điều kiện xã hội và chính trị ở mỗi nước đều khác biệt nhau”.
Như vậy, đấu tranh để bônsơvích hoá Đảng ta cũng có nghĩa là đấu tranh để vận dụng những nguyên lý lêninnít cho hợp với những điều kiện xã hội và chính trị cụ thể của Đông Dương. Cuộc đấu tranh để bônsơvích Đảng đòi hỏi phải đấu tranh quyết liệt chống tất cả mọi hành động cơ hội chủ nghĩa nhằm xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, cả về lý luận lẫn về thực tiễn. Vì thế cho nên, ngay từ Hội nghị toàn thể lần thứ nhất của Ban Chấp hành Trung ương, Đảng ta đã phát động một chiến dịch tự phê bình nhằm sửa chữa hết thảy mọi sai lầm và thiếu sót để đi vào con đường bônsơvích hoá. Hội nghị toàn thể lần thứ nhất đã phê phán mọi sai lầm chủ yếu của Đảng kể từ hồi thống nhất trở đi. Sau Hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Trung ương đã tự mình nêu lên những tấm gương tốt về tự phê bình bônsơvích bằng cách tự phê bình về những sai lầm của mình và của các đảng bộ trong thông tri, Luận cương chính trị và báo chí cộng sản. Muốn có hiệu quả, tự phê bình phải được tổ chức thật tốt và luôn luôn dựa trên nguyên lý và thực tiễn cách mạng; phải luôn luôn lấy lợi ích chung của cách mạng làm trụ cột cho tự phê bình nhằm nâng cao trình độ lý luận và cải tiến phương pháp công tác của những người cộng sản. Tờ Tạp chíCộng sản (cơ quan của Đảng Cộng sản) trong số ra ngày 1-2-1931 đã viết về ý nghĩa và phương pháp tự phê bình như sau: “Tự phê bình thật sự bônsơvích đòi hỏi phải xem lợi ích của giai cấp vô sản là quan trọng hơn cả; tự phê bình thật sự bônsơvích nhằm mục đích tăng cường và củng cố Đảng. Tự phê bình thật sự bônsơvích có nghĩa là phê phán hết thảy mọi sai lầm chính trị để sửa chữa, nhằm cải tiến công tác thực tiễn. Muốn tự phê bình cần phải có mấy điều kiện như sau:
1) tự mình phê phán những sai lầm và thiếu sót của mình;
2) tự phê bình phải được thực hiện căn cứ vào các phương pháp, có nghĩa là Ban Chấp hành Trung ương Đảng phải đích thân tiến hành, lãnh đạo, phát triển tự phê bình và lãnh đạo thực hiện những điều đã được phê bình, nếu không tự phê bình sẽ trở nên vô ích và thiếu phương pháp; 3) từ trên xuống dưới mỗi đảng viên đều phải có trách nhiệm về phương diện chính trị, như vậy Đảng mới tìm hiểu được nguyên nhân ở những người chịu trách nhiệm, mỗi khi không thành công, cần phải đấu tranh chống tư tưởng gia đình chủ nghĩa che đậy sai lầm cho nhau; 4) phải tự nguyện tìm cách sửa chữa những sai lầm của bản thân. Chỉ trong những điều kiện đó, tự phê bình mới thật sự là bônsơvích. Tự phê bình thật sự bônsơvích là một điều cần thiết đối với Đảng ta trong giờ phút này. Nếu chúng ta không phát triển rộng tự phê bình trong Đảng, thì làm thế nào mà có thể nhận thức rõ ràng được những sai lầm đã phạm phải từ trước đến nay? Tự phê bình chúng ta không thể có cách nào khác để khắc phục những sai lầm đó”.
3. Đấu tranh trên hai mặt trận
Trong khi vừa phát triển tự phê bình bônsơvích từ Hội nghị toàn thể lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương trở đi, Đảng ta cũng đồng thời tiến hành một cuộc chiến đấu quyết liệt chống những khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa đủ các loại. Hội nghị toàn thể lần thứ hai của Ban Chấp hành Trung ương (cuối tháng 3-1931) cho rằng tất cả những khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa ở trong Đảng đều là phản ánh, biểu hiện của hệ tư tưởng do dự và ngả nghiêng của các phần tử tiểu tư sản run sợ trước nạn khủng bố trắng của chủ nghĩa đế quốc Pháp.
Có nhiều khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa, nhưng chúng ta sẽ chỉ đề cập đến những khuynh hướng chủ yếu mà thôi.
Trước hết chúng ta hãy xem xét đến những quan niệm sai lệch và những vấn đề tổng quát. Ban Chấp hành Trung ương, trong báo cáo ngày 17-4-1931 của mình đã viết rằng trong hàng ngũ cộng sản còn có nhiều đồng chí (cả cán bộ lãnh đạo nữa) chưa nhận thức được rằng Đảng Cộng sản phải là đảng duy nhất của giai cấp vô sản, cho nên họ nói rằng Đảng Cộng sản là đảng của tất cả những người bị bóc lột, tất cả các giai cấp (và trước hết là của hai giai cấp công nhân và giai cấp nông dân). Chỉ một mình Ban Chấp hành Trung ương hiểu được cần thiết phải luôn luôn gắn chặt cuộc đấu tranh phản đế với cách mạng ruộng đất, còn các đảng bộ địa phương thì chưa hiểu hết tầm quan trọng của cách mạng ruộng đất. Bởi vậy, cho nên chúng ta thấy rằng, trong các cuộc biểu tình và mít tinh của nông dân năm 1931, khẩu hiệu tịch thu ruộng đất công và ruộng đất của địa chủ, đem chia cho công nhân nông nghiệp, bần nông và trung nông rất hiếm hoặc không được nêu lên, ngay tờ Tin tranh đấu Trung Kỳ, cơ quan ngôn luận của Xứ ủy Trung Kỳ, ở bài xã luận đăng trong số ra ngày 10-1-1931, cũng viết rằng “chỉ có cách mạng vô sản mới có thể lấy ruộng đất của địa chủ chia cho dân cày nghèo”. Như vậy là tờ báo đó đã phạm hai sai lầm, không biết rằng: “a) cách mạng ruộng đất là cái trục của cách mạng tư sản dân chủ; b) dân cày nghèo không phải là những người độc nhất được hưởng thắng lợi của cách mạng ruộng đất, mà chúng ta còn phải đưa lại ruộng đất cho công nhân nông nghiệp và trung nông nữa".
Thấy khủng bố ngày càng tăng, những phần tử “khuynh tả” ở trong Đảng đã la ó: “Không có súng, quần chúng sẽ không đấu tranh nữa!”, “nếu Đảng không có những phương tiện khác, thì đấu tranh sẽ không tồn tại nữa!”. Những phần tử đó muốn dẫn Đảng đi đến con đường manh động. Họ đề nghị tổ chức những cuộc bãi công vũ trang và những cuộc khởi nghĩa lẻ tẻ. Nhiều người đã đi đến chỗ phát ngôn: “Vì chủ nghĩa đế quốc đàn áp chúng ta một cách tàn bạo, nên cần phải có một ít vũ khí và nổi dậy chống lại nó cho thoả chí căm thù, bất chấp tất cả mọi hậu quả có thể dẫn đến”. Gắn liền với những biểu hiệu “khuynh tả” ấy, những hành động khủng bố cá nhân cũng xảy ra ngày càng thường xuyên và nhiều hơn. Ban Chấp hành Trung ương đã phê phán thật nghiêm khắc những khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa “khuynh tả” ấy, Ban Chấp hành Trung ương nói rõ rằng các quan điểm sai lầm ấy đã phản ánh một cách trung thành nhất tâm trạng của những con người tuyệt vọng và run sợ trước ách khủng bố trắng, mất hết tin tưởng ở bản thân mình và ở lực lượng quần chúng. Đảng ta đã nhận định một cách đúng đắn rằng những phần tử “khuynh tả” đó, dù rất hăng hái nhưng đều trở thành tiêu cực, họ tưởng cứu cánh của mình là những hành động khủng bố cá nhân, những vụ manh động và xem nhẹ việc tổ chức và huy động quần chúng lao động chống lại khủng bố. Ban Chấp hành Trung ương đã giải thích rõ lực lượng to lớn nhất đấu tranh chống ách khủng bố đế quốc chủ nghĩa không phải là một vài người hoặc một vài nhóm người có khả năng chịu đựng mọi hy sinh mà là sự giác ngộ và đấu tranh có tổ chức của các tầng lớp quần chúng đông đảo bị bóc lột. Cho nên Ban Chấp hành Trung ương đã căn dặn hết thảy các đảng bộ không được sa vào con đường khủng bố cá nhân, manh động, mà phải “tổ chức quần chúng đấu tranh, mở rộng các cuộc bãi công, các cuộc biểu tình, ủng hộ những yêu sách hằng ngày của quần chúng, đấu tranh chống khủng bố, giữ vững đoàn kết trong đấu tranh, lấy sức mạnh của quần chúng chống lại khủng bố...” (Thông tri của Ban Chấp hành Trung ương ngày 3-1-1931).
Những phần tử thủ tiêu và những phần tử khuynh hữu cũng đều run sợ trước khủng bố như những phần tử “khuynh tả”. Bọn thủ tiêu và bọn khuynh hữu nói: “Quần chúng luôn luôn thất bại, mà chưa bao giờ giành được thắng lợi, cho nên họ không muốn đấu tranh nữa! Vì thế, trước hết chúng ta phải tổ chức rồi sau đó mới đấu tranh. Ban Chấp hành Trung ương của chúng ta cũng phê phán công khai những quan điểm sai lầm ấy. Ban Chấp hành Trung ương chứng minh rằng đúng là quần chúng lao động có bị thất bại nhiều, nhưng họ cũng giành được nhiều thắng lợi (tịch thu các kho thóc, chia ruộng đất địa chủ cho dân cày nghèo, giảm thuế, bỏ sưu, tăng lương v.v.) nhiều nơi. Ban Chấp hành Trung ương cũng đặc biệt nhấn mạnh rằng có thể trong nhiều cuộc biểu tình và bãi công người ta không thấy được ngay những thắng lợi từng phần nhưng cuộc bãi công hay biểu tình thất bại đó lại làm nổ ra một loạt cuộc đấu tranh tại nhiều nơi khác và gây thành một phong trào quần chúng. Ban Chấp hành Trung ương nói thêm là tất cả những cuộc đấu tranh hằng ngày đó là một bộ phận khăng khít của quá trình đấu tranh giành chính quyền, do đó chúng ta không hề được nản chí, nếu chúng ta chưa thu được thắng lợi. Hơn nữa, Ban Chấp hành Trung ương còn nhấn mạnh rằng trong đấu tranh cách mạng, không hy sinh thì không bao giờ có thể đạt được thắng lợi cuối cùng.
Ban Chấp hành Trung ương nói rằng không nên tưởng lầm là quần chúng đã mất hết tinh thần chiến đấu bởi vì tuy kẻ thù ra sức khủng bố trắng, và mở chiến dịch “quy thuận”, quần chúng lao động vẫn tiếp tục đấu tranh dũng cảm dưới lá cờ của Đảng ta để chống lại kẻ thù giai cấp.
Đối với quan điểm “trước hết chúng ta phải tổ chức, rồi sau đó mới đấu tranh” Ban Chấp hành Trung ương đã nhận xét không thể bao giờ tách rời tổ chức với đấu tranh, công tác tổ chức và đấu tranh gắn liền với nhau một cách mật thiết. Tiến hành công tác tổ chức là để xây dựng lực lượng, nhưng chính trong quá trình đấu tranh hằng ngày mà công tác tổ chức mới có thể mở rộng và tăng cường. Nếu tách rời công tác tổ chức với đấu tranh, thì chúng ta sẽ rơi một cách thảm hại vào lý thuyết giai đoạn của giai cấp tiểu tư sản.
Đảng ta đã phải đấu tranh chống các khuynh hướng kinh tế chủ nghĩa đơn thuần. Những khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa này cho rằng đấu tranh kinh tế và đấu tranh chính trị cách biệt nhau như có một bức vạn lý trường thành chắn giữa, rằng hai hình thức đấu tranh ấy giống hệt như “hai vật thể đất liền và mặt biển, người ta chỉ có thể đến mặt biển sau khi đi qua bãi cát, và đến bờ sau khi đã được vượt biển” (theo Tạp chí Cộng sản ngày 1-2-1931). Bọn cơ hội chủ nghĩa đó không hiểu như tạp chí trung ương trên đã viết, là không đấu tranh chính trị thì không thể lật đổ được ách của giai cấp thống trị. Nếu một mặt Đảng ta phải đấu tranh chống các khuynh hướng kinh tế chủ nghĩa đơn thuần thì mặt khác, Đảng cũng phải đấu tranh chống những khuynh hướng chỉ chủ trương đề ra các khẩu hiệu chính trị mà xem nhẹ các yêu sách kinh tế. Trong thông tri ngày 3-1-1931, Ban Chấp hành Trung ương đã nhận thấy cần phải nâng cao trình độ chiến đấu của quần chúng bằng cách biến các cuộc đấu tranh của họ thành đấu tranh chính trị: “Trong giai đoạn hiện nay chúng ta phải chuyển hướng về đấu tranh chính trị. Tuy nhiên các tổ chức đảng phải nhắc nhở các chi bộ quan tâm lãnh đạo và ủng hộ quần chúng ở các làng và nhà máy đấu tranh đòi những yêu sách sống còn của họ, dù là những yêu sách thông thường nhất”. Ban Chấp hành Trung ương lại nói thêm rằng, chỉ bằng cách hằng ngày bảo vệ những yêu sách thông thường của quần chúng mà chúng ta có thể tranh thủ họ hướng về phía mình, rèn luyện cho họ đi vào các cuộc đấu tranh cao hơn, vào cuộc đấu tranh chính trị.
Trong khi đấu tranh chống những khuynh hướng kinh tế chủ nghĩa, Đảng ta đã lãnh đạo và giúp đỡ các công hội đỏ thực hiện những nghị quyết của Đại hội thế giới lần thứ V của Quốc tế công hội đỏ (tháng 8-1930) trong đó có ba đại biểu công nhân Đông Dương tham dự. Đảng ta đã công bố Nghị quyết của Quốc tế công hội đỏ về phong trào công hội ở Đông Dương và đăng lên báo Trung ương những bài báo rất rõ ràng để hướng dẫn các cán bộ lãnh đạo công hội biết cách thực hiện nghị quyết ấy.
Tạp chí Cộng sản, cơ quan trung ương của Đảng, trong số ra ngày 1-2-1931, đã cho chúng ta biết là có nhiều đồng chí, ngay cả những đồng chí, còn chưa hiểu vai trò và các hình thức tổ chức của Đảng và của các tổ chức quần chúng tức là sợi dây chuyền để cho Đảng có thể thâm nhập quần chúng. Vì vậy, họ đã xếp các tổ chức cách mạng như sau:
“Đảng Cộng sản, với tư cách là tổ chức chính trị của giai cấp kiên quyết cách mạng, là cách mạng hơn bất cứ chính đảng nào, cho nên đứng hàng đầu.
Liên đoàn chống đế quốc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, có ý thức cộng sản, nhưng là một tổ chức cách mạng, chính trị v.v., cho nên đứng hàng thứ nhì.
Công hội là một tổ chức kinh tế của công nhân, nó không tính chất chính trị, cách mạng, mà là một tổ chức nhân dân thuần túy, cho nên đứng hàng thứ ba.
Nông hội là một tổ chức nhân dân của nông dân, cho nên hàng thứ ba.
Cứu tế đỏ là một tổ chức tương tế thông thường, cho nên hàng thứ tư" (Tạp chí Cộng sản, ngày 1-2-1931).
Vì các đồng chí đó đã xếp hạng các tổ chức cách mạng theo “mức độ triệt để và không triệt để của chúng, cho nên các đồng chí đó đã tiến hành kết nạp quần chúng lao động vào các tổ chức ấy căn cứ vào “trình độ kinh tế” của họ. Thành viên của liên đoàn chống đế quốc được xem là giác ngộ hơn hội viên công hội đỏ; hội viên công hội đỏ giác ngộ hơn hội viên cứu tế đỏ! Vì những lẽ ấy mà một số đảng viên trẻ không muốn công tác trong Đoàn Thanh niên Cộng sản vì Đoàn “kém” cách mạng hơn Đảng Cộng sản... Có những trường hợp ở các đảng bộ địa phương khi muốn thi hành kỷ luật đối với một số đồng chí phạm vài sai lầm nhỏ nhặt, người ta đã đem họ đến công tác ở các công hội hay nông hội.
Ban Chấp hành Trung ương đã đấu tranh rất kiên quyết chống những nguyên tắc sai lệch đó. Đảng ta là đội tiền phong, tinh hoa của giai cấp vô sản; chính Đảng phải tổ chức và lãnh đạo phong trào cách mạng. Nhưng nếu cứ tưởng một mình Đảng phải làm cách mạng như một số đồng chí thì sai. Đảng không thể làm cách mạng nếu không có đông đảo quần chúng cùng tham gia và chính các tổ chức quần chúng là sợi dây chuyền giữa Đảng và quần chúng. Công hội, nông hội, cứu tế đỏ, v.v. không phải là những tổ chức nhân dân đơn thuần kinh tế, hoặc tương tế, mà là những tổ chức cách mạng thật sự, chẳng những đấu tranh cho các yêu sách kinh tế của những người lao động mà còn nhằm đi tới lật đổ ách phong kiến và đế quốc nữa. Mặc dù tất cả “những tổ chức ấy chỉ phục vụ một giai cấp duy nhất: đó là những người vô sản” (Xtalin). Mỗi tổ chức vẫn có lãnh vực hoạt động và đấu tranh riêng của mình. Bởi vậy cho nên tất cả những sợi dây chuyền của Đảng đều quan trọng và chúng ta không thể nào quy định “trình độ cách mạng của chúng” được. Và vì tất cả những tổ chức đó đều hoạt động theo một phương hướng duy nhất, cho nên chính đảng là “tổ chức trung ương đầy đủ kinh nghiệm và đề ra đường lối chung đó, nhờ uy tín của mình có khả năng thúc đẩy tất cả những tổ chức ấy đi theo mình, thực hiện được quyền thống nhất lãnh đạo và loại trừ được mọi khả năng nảy sinh những hành động không ăn khớp nhau” (Xtalin).
Giống như Đại hội Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, các đồng chí lãnh đạo của Đảng tại Bắc Kỳ vẫn tiếp tục chia công nhân thành hai loại: loại tiền công cao và loại tiền công thấp. Họ đối lập thợ công cao với thợ công thấp, và cho rằng chỉ có công nhân công thấp mới thực sự cách mạng.
Từ quan điểm sai lầm ấy, trên ý nghĩa giai cấp và sứ mệnh lịch sử của toàn bộ giai cấp vô sản, những cán bộ lãnh đạo đó đã quyết định: “Chỉ công nhân không lành nghề và bần nông từ 23 đến 28 tuổi mới được nhận vào các lớp huấn luyện chính trị”.
Nói chung, những khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa thô bạo nhất đều biểu hiện nhiều nhất ở Bắc Kỳ, tại đấy các cán bộ lãnh đạo Xứ ủy đều là những trí thức tiểu tư sản dao động và vô kỷ luật. Ngay có một số đồng chí lãnh đạo ở Bắc Kỳ đã có chủ trương rằng “đối với bọn phản cách mạng không được sử dụng bạo lực mà trước hết phải tiến hành công tác tuyên truyền với chúng” (theo Báo cáo ngày 17-4-1931 của Ban Chấp hành Trung ương). Nhưng “tiến hành công tác tuyên truyền với bọn phản cách mạng” nghĩa là gì? Phải chăng việc đó có nghĩa là không nên đấu tranh chống lại chúng, mà nên giải thích và thương lượng một cách hoà bình để chúng không phản lại chúng ta! Nhất định đó là một điều sai trái, vì chủ trương một sách lược như thế có nghĩa là mặc nhiên từ bỏ đấu tranh chống lại bọn phản cách mạng.
Tại Bắc Kỳ cũng còn thể hiện cả những mầm mống khuynh hướng chia rẽ. Toàn thể Xứ ủy Bắc Kỳ đã đứng về phía một cán bộ lãnh đạo viết trong bài tựa cuốn Những nhiệm vụ của những người cộng sản Đông Dương rằng “Quốc tế Cộng sản không am hiểu những điều kiện cụ thể của Đông Dương, cho nên không thể ra những chỉ thị cụ thể cho Đảng Cộng sản Đông Dương được”.
4. Hội nghị toàn thể lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương (cuối tháng 3-1931)
Hội nghị toàn thể lần thứ hai họp đúng vào lúc chủ nghĩa đế quốc Pháp đang tăng cường khủng bố, và quần chúng lao động đông đảo, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, đã bước qua phản công.
Trong kỳ họp toàn thể lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương đã tổng kết lại công tác đã thực hiện từ Hội nghị toàn thể tháng 10. Hội nghị đặc biệt nghiên cứu hoạt động của các đảng bộ địa phương thực hiện Nghị quyết của Hội nghị toàn thể lần thứ nhất và nghiên cứu quá trình bônsơvích hoá của Đảng đã tiến hành ra sao.
Hội nghị toàn thể lần thứ hai đã phê phán cực kỳ nghiêm khắc hết thảy những sai lầm cơ hội chủ nghĩa trong Đảng. Hội nghị toàn thể đã đặc biệt lên án đường lối phản lêninnít của Xứ ủy Bắc Kỳ, xứ ủy này không thực hiện đường lối chính trị của Hội nghị toàn thể lần thứ nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương và của Quốc tế Cộng sản.
“Hội nghị toàn thể lần thứ hai thấy rằng chủ nghĩa cơ hội trắng trợn đã diễn ra ở Bắc Kỳ, rằng tất cả những tháng vừa qua đã chứng minh là tất cả mọi phần tử thuộc hệ tư tưởng của các nhóm cũ đều liên kết với nhau để chống lại đường lối mới nhằm thống nhất tư tưởng và chính trị của Đảng. Nếu cho đến nay công tác của chúng ta đã quá chậm trễ, việc lãnh đạo quần chúng không được tốt lắm, chính là do sự kìm hãm đó. Cho nên cần phải khẩn thiết tiến hành một cuộc đấu tranh tư tưởng rất tích cực trong Đảng chống chủ nghĩa cơ hội và khuynh hướng hoà bình chủ nghĩa trong Đảng” (Báo cáo ngày 17-4-1931 của Ban Chấp hành Trung ương).
Hội nghị toàn thể lần thứ hai đã đề ra những nhiệm vụ sau đây:
a) Lập một Xứ ủy chân chính của Đảng ở Bắc Kỳ.
b) Bảo đảm cho thành phần công nhân chiếm đa số trong xứ ủy đó.
c) Thanh Đảng.
d) Hướng về quần chúng. Đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, chủ yếu chống các luận điệu khuynh hữu: “Trước hết chúng ta hãy tổ chức, sau đó mới đấu tranh”. v.v..
e) Tổ chức các đội tự vệ.
f) Tổ chức chống lại khủng bố trắng.
g) Thâm nhập vào các đồn điền và xí nghiệp lớn. Tổ chức các đội xung kích để nối liên lạc với các xí nghiệp, để tiến hành bước đầu công tác tổ chức trong các xí nghiệp.
Hội nghị toàn thể lần thứ hai của Ban Chấp hành Trung ương cũng đã dùng những biện pháp thực tiễn để chuẩn bị ngày 1-5, chuẩn bị một chiến dịch quần chúng rất rộng lớn chống khủng bố, để đấu tranh chống chiến tranh đế quốc và chống can thiệp vào Liên Xô.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Bình luận truyện