[Việt Nam] Sơ Thảo Lịch Sử Phong Trào Cộng Sản Ở Đông Dương
Chương 10 : Giai đoạn hiện tại: Đà phát triển mới của cách mạng
Người đăng: Lịch sử Việt Nam
Ngày đăng: 17:02 15-12-2018
.
PHẦN THỨ BA
ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG
(Thống nhất từ ngày 6-1-1930)
Chương X
GIAI ĐOẠN HIỆN TẠI
III- ĐÀ PHÁT TRIỂN MỚI CỦA CÁCH MẠNG
Như chúng tôi đã nói ở trên, vì những cán bộ lãnh đạo ưu tú nhất của chúng ta bị bắt và nhiều cơ quan lãnh đạo bị bại lộ, Đảng ta buộc phải xây dựng lại lực lượng, tổ chức lại bộ máy và các tổ chức quần chúng phụ trợ, nhưng bọn tờrốtxkít phản cách mạng lại luôn luôn la ó rằng Đảng ta đã bị thủ tiêu hoàn toàn suốt trong một thời kỳ dài của lịch sử, rằng phong trào cách mạng đã hoàn toàn bị đập tan. Trên thực tế, mặc dù bị khủng bố trắng dữ dội, Đảng ta vẫn tiếp tục tồn tại, phát triển và lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Phong trào cách mạng tạm thời bị suy yếu vì bị đàn áp kéo dài trong nhiều tháng (từ tháng 8-1931 đến tháng 4-1932), lại nhóm lại vào những tháng cuối năm 1932. Tuy nhiên, phong trào cách mạng năm 1932 vẫn còn rất yếu so với phong trào hai năm về trước.
Đặc điểm của phong trào cách mạng năm 1932 là: nhiều tầng lớp mới, còn lạc hậu trong quần chúng lao động (phu đào đất, phu lò sát sinh, v.v.) đã bước vào cuộc đấu tranh cách mạng của công nhân và nông dân lao động thuộc các dân tộc ít người trở nên sôi nổi hơn trước. Dù bị khủng bố trắng, cuộc đấu tranh bền bỉ (công nhân Nhà máy in Tétxtơlinh bãi công đến bốn lần trong vòng ba tháng cho đến khi đạt được các yêu sách từng phần), các tầng lớp tiểu tư sản bị bóc lột ở thành thị tích cực tham gia đấu tranh (nhiều cuộc bãi thị của những người bán hàng rong đã nổ ra, một số cuộc bãi công đã nổ ra dưới ảnh hưởng những thắng lợi do những người lao động cùng ngành ở các vùng khác đạt được (phu xe kéo)). Nhiều cuộc bãi công đó đã thắng lợi. Tuy vậy, chúng ta nhận thấy rằng phong trào cách mạng năm 1932 không rộng bằng trước kia. Yêu sách chính trị ít hơn yêu sách kinh tế. Trừ các cuộc biểu tình của nông dân ở Hóc Môn ngày 18-4 và trận tấn công vũ trang của đồng bào dân tộc ít người Phờnông (tháng
1-1933) đánh đồn binh Xtơréctum đã diễn ra với khẩu hiệu chính trị, còn những cuộc bãi công khác của công nhân và biểu tình của nông dân nói chung đều nổ ra với những khẩu hiệu kinh tế.
Bọn dân tộc cải lương tìm cách giành lấy quyền lãnh đạo phong trào quần chúng để nhằm phản bội quần chúng (như tại Hải Phòng). Bọn tự xưng là đại biểu nhân dân ở Hải Phòng đã biến cuộc bãi thị của tiểu thương thành một cuộc thương lượng hoà bình với tên đốc lý Pháp của thành phố ấy.
Năm 1930 - 1931, phong trào công nhân tại Bắc Kỳ và phong trào nông dân tại Trung Kỳ là mạnh hơn cả. Năm 1932, phong trào ở Nam Kỳ lại phát triển hơn, vì ở đây các đảng bộ được chấn chỉnh lại sớm hơn các xứ bộ khác ở Đông Dương.
* * *
Về phong trào công nhân năm 1932, chúng ta còn phải kể đến những cuộc bãi công của công nhân Nhà máy in Ácđanh, phu lò sát sinh Chợ Lớn, phu xe kéo ở Huế, Gia Định, Sài Gòn, nữ công nhân Hoa kiều ở 13 xưởng dệt tại Chợ Lớn, công nhân Nhà máy điện Phôm Pênh, công nhân Nhà máy in Tétxtơlinh, Ôpiniông, Công luận, cuộc diễu hành của 2.000 công nhân nông nghiệp thất nghiệp từ Hà Tiên đi Sài Gòn, các cuộc bãi công của một đồn điền cao su ở tỉnh Côngpôngchàm và đồn điền cao su Dầu Tiếng (3 người hy sinh, 7 người bị thương) và một đồn điền khác ở Nam Kỳ mà báo chí tư sản giấu tên, v.v.. Tháng 1-1933, có một cuộc bãi công của anh em phu ở Phú Mỹ (Sài Gòn) đòi bọn chủ trả tiền công.
Chúng ta thấy rằng năm 1932 có rất ít biểu tình nông dân. Tháng 3, tại Hương Sơn có một cuộc mít tinh chống khủng bố trắng. Tháng 4 có 3 cuộc biểu tình (kết quả: 4 người hy sinh, 3 người bị thương, 40 người bị bắt) gồm 1.400 người biểu tình ở Hóc Môn chống khủng bố trắng và chống thuế. Hai tháng sau, có những cuộc diễu hành đói của hàng ngàn nông dân: Nha Trang, Phan Rang và Phan Thiết tiến về Sài Gòn. Ngày mồng 5-9 ở Hoà An (Cao Bằng) nổ ra một cuộc biểu tình gồm 200 nông dân đòi bãi bỏ chế độ làm đường không công.
Các tầng lớp tiểu tư sản bị bóc lột đã tích cực tham gia phong trào cách mạng. Chúng ta thấy có những cuộc bãi thị của tiểu thương chống cảnh sát hành hung và chống tăng thuế. Có hai cuộc bãi thị vào tháng 11 ở Hải Phòng, một cuộc vào tháng 12 ở chợ Bến Thành (Sài Gòn) và một cuộc khác ở Thốt Nốt (Nam Kỳ) vào tháng 1-1933. Tháng 1, trên 2.000 người nghèo ở Sài Gòn và các vùng lân cận đến bao vây nhà một tên tư sản bản xứ tên là Sáu Nhiên tại Sài Gòn, nhưng cảnh sát đã phái 70 tên có vũ trang đầy đủ đến giải tán họ (kết quả: 1 em bé bị giết, 14 người bị thương). Tháng 12-1932, một cuộc bãi công của những người bán báo Impartial [59] đã bùng nổ, công nhân và nhân viên hãng Sácne ở Sài Gòn cũng rục rịch bãi công. Học sinh tham gia phong trào bãi khoá (ở các trường Nguyễn Ang Bon, Hồng Bàng).
Chúng tôi đã nói tới những cuộc bãi công của công nhân công nghiệp (nhà máy điện) và nông nghiệp ở Cao Miên. Hoạt động cách mạng trong năm 1932 tại Cao Miên còn nổi lên ở việc tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ tại Phnôm Pênh. Sự kiện nổi bật nhất trong phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng lao động các dân tộc ít người ở Đông Dương là cuộc đấu tranh dũng cảm của người Phờnông (bộ tộc đến ngày nay vẫn không chịu khuất phục nền thống trị Pháp); họ sống ở một vùng giáp Trung Kỳ, Cao Miên và Nam Kỳ, họ đã đương đầu hơn một năm (từ tháng 12-1931) chống lại sự chinh phục vũ trang của hai đại đội địch từ Cao Miên và Buôn Ma Thuột đến; ngày 10-1-1933, đồng bào Phờnông đã tấn công đồn Xtơréctum; phụ nữ Phờnông cũng tham gia đấu tranh giữ vững nền độc lập của bộ tộc họ. Công nhân ngoại kiều, trước hết là nữ công nhân Hoa kiều đã biểu thị một tinh thần chiến đấu khá cao.
Đảng ta không thể tổ chức bãi công và biểu tình quần chúng trong những ngày đấu tranh cách mạng quốc tế nhưng lần nào cũng vậy, chúng ta đều có rải truyền đơn và bươm bướm cộng sản. Chúng ta đã tái bản được một phần các tờ báo không hợp pháp của chúng ta (Cờ đỏ, Thợ thuyền, v.v.).
Phong trào cách mạng ngày càng mở rộng. Hàng trăm đảng viên cộng sản đã bị bắt năm 1932 (đặc biệt ở Nam Kỳ) trong khi hoạt động cách mạng. Tình hình hoạt động của các đảng cách mạng tiểu tư sản cũng sôi nổi trở lại. Việt Nam Quốc dân Đảng, tạm thời bị đế quốc Pháp đập tan sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái, đã nhóm lại phần nào và bắt đầu hoạt động phản đế. Các đảng quốc gia cách mạng (Việt Nam Độc lập đồng chí hội, Tứ dân Liên hiệp đoàn, Bình dân Cấp tiến cách mạng Đảng) là những lực lượng phản đế khác, đã tăng cường hoạt động trong những thời gian gần đây:
Tù chính trị thường lên tiếng luôn để tỏ tình đoàn kết với công nhân và nông dân đấu tranh tại các xí nghiệp và ở nông thôn. Hầu hết mọi nơi chúng ta đều thấy có tuyệt thực của tù chính trị nhất là tại Hà Nội, Hải Phòng, Kon Tum, Phan Thiết và Sài Gòn. Tháng 12-1932, nhiều cuộc tuyệt thực đã nổ ra tại Sài Gòn.
Chú thích:
59. Impartial: Trung lập (B.T).
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Bình luận truyện