[Việt Nam] Sơ Thảo Lịch Sử Phong Trào Cộng Sản Ở Đông Dương

Chương 7 : Thời kỳ Xô viết: Sự nghiệp của các Xô viết

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 19:45 30-09-2018

PHẦN THỨ BA ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG (Thống nhất từ ngày 6-1-1930) Chương VII THỜI KỲ XÔVIẾT VII- SỰ NGHIỆP CỦA CÁC XÔVIẾT Sự nghiệp của các Xôviết mà chúng tôi trình bày dưới đây chưa được đầy đủ. Song những biện pháp chúng tôi nêu ra cũng đủ chứng minh sự nghiệp vĩ đại mà các Xôviết đã thực hiện trong hơn bốn tháng. Những biện pháp ấy chứng tỏ những người lao động thấy rằng: do sức đấu tranh của chính bản thân họ và dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, họ có thể thiết lập chế độ cách mạng của mình để chống lại với bộ máy thống trị đế quốc - phong kiến. Đây là những biện pháp chủ yếu: 1. Đuổi bọn phong kiến, đại địa chủ và hào lý ra khỏi các làng Xôviết; 2. Thành lập nền chuyên chính công nông dưới hình thức Xôviết; 3. Tịch thu ruộng đất của đại địa chủ có trên một trăm hécta. Tịch thu công điền; 4. Chia ruộng đất đã tịch thu cho dân cày nghèo; 5. Thành lập công xã nông thôn (như tại Nam Đàn) để nông dân tập thể hoá, làm chung và sinh sống chung với nhau; 6. Xoá bỏ sưu thuế, thuế chợ, thuế đò, nợ lãi; 7. Tước bỏ quyền chính trị của bọn bóc lột; 8. Nam nữ hoàn toàn bình đẳng về kinh tế, chính trị, xã hội (dưới chế độ Xôviết, phụ nữ và thanh niên đã công khai tham gia các công việc của Xôviết, tham gia bầu cử đại biểu, v.v.; 9. Thành lập toà án nhân dân cách mạng. Giải quyết êm thấm những vụ bất đồng giữa những người lao động Xôviết. Xét xử bọn mật thám, bọn Lý nhân và những phần tử phản cách mạng; 10. Bãi bỏ dân đoàn. Thành lập các đội tự vệ; 11. Thành lập các trường chính trị bình dân để giáo dục chính trị phổ thông và nhất là giải thích báo chí cộng sản cho những người lao động; 12. Cấm trộm cướp, thuốc phiện, đánh bạc, mãi dâm, du đãng; 13. Làm nhà cho những gia đình mà nhà đã bị đế quốc đốt phá; 14. Giúp đỡ vật chất (gạo, khoai, v.v.) cho những người lao động thất nghiệp hay túng thiếu; 15. Cứu tế cho nạn nhân của khủng bố trắng, quyên tiền và hiện vật ủng hộ các gia đình ấy; 16. Tịch thu công quỹ đem chia cho dân cày nghèo; 17. Bao vây37 kinh tế và xã hội những làng cố ý hay vô tình giúp sức cho đế quốc và tổ chức dân đoàn; 18. Thành lập những đội “cảm tử” để đi đầu các cuộc biểu tình, đi đầu các cuộc tấn công trung tâm hành chính và các cuộc xung đột với binh lính. Báo chí tư sản luôn luôn rêu rao rằng chế độ Xôviết thiết lập tại miền bắc Trung Kỳ là một chế độ vô chính phủ, hỗn loạn. Sự thật thì trái lại. Tại các làng Xôviết, một trật tự hoàn toàn được thiết lập. Dưới chế độ Xôviết, nhân dân lao động được tự do biểu tình hằng ngày. Chẳng hạn, chúng ta hãy hình dung tinh thần đoàn kết và lòng hăng hái của những người lao động Xôviết Nam Đàn: 30.000 trong số 50.000 dân của huyện đã tập hợp tại huyện lỵ ngày 23-9-1930 để mít tinh truy điệu các chiến sĩ cách mạng bị giết. Dự mít tinh có đông đủ đại biểu của tất cả các tổ chức cách mạng ở Đông Dương. Những cuộc mít tinh lớn như vậy thường cũng diễn ra tại hai huyện Xôviết. Tại nhiều làng chưa thành lập Xôviết, bọn địa chủ và hào lý đã bỏ trốn. Tại nhiều làng khác chưa thành lập Xôviết, để tránh sự trả thù của những người cộng sản mỗi khi chính quyền Xôviết thiết lập, bọn địa chủ đã hiến một phần ruộng đất cho nông dân lao động; dưới sự thúc ép của quần chúng, bọn chúng còn buộc phải cứu tế gạo, các thứ lương thực khác và tiền nong cho những người túng thiếu. Như chúng tôi đã nói ở trên, bản thân báo chí tư sản cũng buộc phải thừa nhận rằng chính quyền đã bị tấn công tơi bời ngay cả tại những làng chưa có Xôviết, nghĩa là tại tất cả các phủ huyện thuộc hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đỏ. Tại các làng chưa có Xôviết, về danh nghĩa chính quyền còn thuộc bọn hào lý, nhưng trên thực tế thì lại thuộc về tay nông dân, như tờ Lao khổ, cơ quan của Xứ ủy Trung Kỳ đã xác nhận ngày mồng 5-10-1930: “Từ ngày mồng 1-9, nông dân Nghệ An và Hà Tĩnh đã đấu tranh kiên quyết. Tại các làng, tất cả quyền hành thuộc về nông hội. Ở một số làng, phụ nữ cũng tham gia công việc làng nước. Kiện cáo, áp bức không còn nữa. Nông dân tự mình giải quyết mọi sự xích mích, không cần đến tri huyện”.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang