[Việt Nam] Sơ Thảo Lịch Sử Phong Trào Cộng Sản Ở Đông Dương

Chương 6 : Đấu tranh Cách mạng trước tháng 9-1930: Quần chúng lao động đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản (B)

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 19:28 30-09-2018

PHẦN THỨ BA ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG (Thống nhất từ ngày 6-1-1930) Chương VI ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG TRƯỚC THÁNG 9-1930 II- QUẦN CHÚNG LAO ĐỘNG ĐẤU TRANH DƯỚI SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN B- Phong trào công nhân Theo số liệu thống kê mà chúng tôi sưu tầm được thì trong năm 1930 đã nổ ra 98 cuộc bãi công với 31.680 người tham gia. Như thế là năm 1930 là năm mà số lượng bãi công và người tham gia bãi công nhiều hơn hết. Để chứng minh tầm quan trọng đó của phong trào công nhân năm 1930, chúng ta cần so sánh những số liệu của những năm về trước. (***Bảng thống kê xin xem ở nguồn***) Nhất định những con số chúng tôi cung cấp trên đây còn ở dưới sự thật, bởi vì có những cuộc bãi công nổ ra mà Đảng ta chưa biết. Con số 31.680 người bãi công (trung bình mỗi cuộc bãi công có 718 người) chỉ mới là số lượng người tham gia của 44 cuộc bãi công mà thôi (45%). Tuy chúng tôi nêu lên số liệu của cả năm 1930, nhưng chúng tôi sẽ phân tích các cuộc bãi công nổ ra sau ngày 31-8 ở chương sau để gắn với cuộc khởi nghĩa Xôviết. Tính chất của những cuộc bãi công trước tháng 9 như thế nào? Nói chung đó là những cuộc bãi công, tiến công; nhưng tính chất kinh tế (30 cuộc) nổi bật hơn tính chất chính trị (25 cuộc). Cuộc bãi công chính trị đầu tiên là ở Phú Riềng, nhưng nên nhớ rằng trước hết nó đã nổ ra dưới những khẩu hiệu kinh tế. Bảng thống kê trên đây còn chỉ rõ là tính chất chính trị chỉ lấn át tính chất kinh tế vào sau ngày 1-5. Để dễ dàng phân định tính chất các cuộc bãi công, chúng tôi chỉ chia ra các cuộc bãi công ra hai loại: chính trị và kinh tế, nhưng như thế không có nghĩa là trong các cuộc bãi công chính trị không có những yêu sách kinh tế. Nếu chúng ta chia các cuộc bãi công trước tháng 9 theo từng xứ thì chúng ta thấy Bắc Kỳ (có nhiều công nghiệp hơn) chiếm hàng đầu; Nam Kỳ đứng thứ hai và Trung Kỳ đứng thứ ba. Công nhân ngoại kiều, đồng bào dân tộc ít người cũng đã tham gia đấu tranh. Những yêu sách chủ yếu do công nhân đưa ra là: tăng tiền lương, giảm giờ làm, đuổi cai ký gian ác, phản đối giãn thợ, bãi bỏ làm khoán, hồi hương các công nhân nông nghiệp, bãi bỏ cúp phạt và đánh đập, bãi bỏ các thể lệ nhục nhã khám xét công nhân ra vào nhà máy, trả tiền công đầy đủ trong lúc bãi công; phụ cấp cho gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động ..... 27 được sử dụng nhiều nhất trước tháng 9-1930 là: chống khủng bố trắng, thả ngay các chính trị phạm, hồi hương binh lính Việt Nam ở Pháp, Trung Quốc và ở các thuộc địa, rút quân đội Pháp ra khỏi Đông Dương, đoàn kết cách mạng với những người lao động cách mạng toàn thế giới tổ chức ngày 1-5 và ngày 1-8, ủng hộ Liên Xô. Chúng ta cũng cần phải nhắc lại sự kiện quan trọng này: hầu hết trong các cuộc bãi công đều có rải truyền đơn cộng sản; nói chung những truyền đơn ấy đều nói đến các nhiệm vụ kinh tế và chính trị cơ bản của cách mạng Đông Dương. Những thắng lợi bộ phận là nhân tố đã động viên tinh thần những cuộc bãi công. Theo những tài liệu mà chúng tôi hiện có trong tay, có mười cuộc bãi công đã kết thúc thắng lợi. Các cuộc bãi công của công nhân Phú Riềng, Nhà máy điện và Công ty dầu lửa Nam Định, Cam Tiêm, Cẩm Phả, Nhà máy điện Hà Nội, công nhân xe lửa Tháp Chàm, Biên Hòa, Bến Thủy, Nhà máy tơ lụa Nam Định, v.v đều kết thúc thắng lợi. Những cuộc bãi công tỏ tình đoàn kết là một sự kiện khác, một mặt chứng tỏ trình độ giác ngộ cao về giai cấp của công nhân, mặt khác nói lên năng lực của Đảng Cộng sản có thể mở rộng các khu vực đấu tranh của công nhân. Như tại Nam Định, công nhân đã đấu tranh suốt hai ngày, nhưng vì các chiến sĩ bị bắt, nên họ nổ tiếp một cuộc bãi công khác gồm 4.000 người. Cuộc bãi công ở Nhà máy điện Hải Phòng vừa mới nổ ra, thì công nhân ở Hà Nội liền tổ chức một cuộc bãi công ủng hộ; theo sáng kiến của tổ chức cộng sản địa phương, công nhân Hà Nội đã phái đại biểu đến Đáp Cầu vận động các bạn đồng nghiệp ở thị trấn đó đồng tình và ủng hộ họ. Nói chung, các cuộc bãi công đã có tính chất tổ chức. Ở đầu chương này, chúng tôi đã nói đến cuộc bãi công Phú Riềng, một cuộc bãi công được tổ chức rất tuyệt. Bây giờ chúng ta hãy xem cuộc bãi công ở Nhà máy sợi Nam Định. Cuộc bãi công này do phân bộ công hội đỏ của nhà máy tổ chức. Người ta đã bầu ủy ban bãi công và các đội bảo vệ bãi công. Biểu tình diễn ra trong nhà máy và ngoài đường phố; công nhân và bọn lính cẩm xô xát nhau. Truyền đơn và biểu ngữ rải khắp nơi. Người ta đã rút ra những bài học và nguyên nhân thất bại của cuộc bãi công và đăng lên các báo Đảng và công hội đỏ. Những người bãi công đã được các công hội trong nhà máy và cả công nhân các nhà máy khác giúp đỡ về vật chất. Điều quan trọng hơn là công nhân đã hiểu được rằng phong trào của họ là một bộ phận của phong trào cách mạng thế giới. Ngày mồng 1-5-1930, lần đầu tiên trong lịch sử phong trào công nhân Đông Dương, công nhân đã biểu tình ngoài đường phố dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản để tỏ tình đoàn kết cách mạng với anh em đồng nghiệp của họ ở trên thế giới. Thật vậy, trước ngày mồng 1-5-1930, trong các cuộc bãi công hoặc nổi dậy, nhiều công nhân đã bị giết chết vì hoạt động cách mạng của họ, nhưng ngày mồng 1-5-1930, lần đầu tiên những người vô sản Đông Dương bắt đầu ăn đạn (nhiều người bị chết) vì tình đoàn kết cách mạng quốc tế của họ; ý nghĩa lịch sử quan trọng và tính đặc thù của ngày này là ở chỗ đó. Sau cuộc vận động chính trị và các cuộc đấu tranh quần chúng trong ngày mồng 1-5, Đảng lại mở một vận động khác chống lại “lễ quốc khánh phá ngục Baxti”. Đảng đã vạch trần những thủ đoạn của giai cấp tư sản Pháp trong dịp ấy. Truyền đơn do Đảng Cộng sản Việt Nam ký tên kêu gọi những người lao động dừng tham dự ngày lễ 14-7 này. Đảng giải thích cho những người lao động hiểu rằng đánh chiếm ngục Baxti chẳng qua chỉ là một sự thay thế ở Pháp chế độ phong kiến bằng ách thống trị tư sản, rằng những người lao động Pháp trước năm 1789 là nô lệ của bọn lãnh chúa thì kể từ ngày lịch sử đó đã biến thành nô lệ của bọn tư bản mà hiện nay họ đang đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Pháp. Việc giai cấp tư sản Pháp kỷ niệm ngày lễ “tự do” ở Đông Dương - chính bản thân Đông Dương cũng là nhà ngục Baxti khổng lồ - là một hành vi lừa bịp đối với 20 triệu người lao động bị bóc lột. Những người cộng sản đã rút ra một kết luận đúng đắn cho quần chúng lao động: “Giai cấp tư sản Pháp đã đánh đổ phong kiến để được tự do; vậy các bạn hãy đánh đổ bọn đế quốc Pháp, bọn phong kiến, địa chủ và cường hào bản xứ để khôi phục lại tự do cho các bạn”. Quần chúng lao động đã nghe theo tiếng gọi của Đảng Cộng sản. Năm 1930, số người dự lễ kỷ niệm ngày hạ ngục Baxti ít hơn mấy năm trước. Ngày 13-7, các đường phố tràn ngập truyền đơn tẩy chay ngày lễ quốc khánh của chủ nghĩa đế quốc áp bức. Chiều ngày 13, cuộc biểu tình của công nhân Sài Gòn chống lễ kỷ niệm ngày hạ ngục Baxti đã biến thành cuộc biểu tình chống bọn quốc gia cải lương; công nhân đến đập phá trụ sở tờ La Tribune Indochinoise(Diễn đàn Đông Dương) của bọn Hội đồng thuộc địa người Việt và của Hội giáo dục tương tế (dưới sự lãnh đạo của Đảng Lập hiến). Qua ngày sau, bãi công lại nổ ra ở Tân Thạnh Tây, ở hãng dầu Thị Nghè phản đối lễ kỷ niệm “quốc khánh”. Sau các cuộc vận động ngày mồng 1-5 và ngày 14-7 đến cuộc vận động ngày mồng 1-8. Đây là lần đầu tiên ở Đông Dương, công nhân Đông Dương xuống đường biểu tình phản đối chiến tranh đế quốc và ủng hộ Liên Xô, Tổ quốc của những người lao động toàn thế giới. Ban Chấp hành Trung ương đã đóng một vai trò rất lớn trong phong trào công nhân và nông dân hồi tháng 8-1930. Nhân ngày 1-8, Đảng ta đã thảo một luận cương rất dài (phát hành dưới hình thức sách nhỏ) kêu gọi quần chúng lao động đấu tranh chống chiến tranh đế quốc và ủng hộ Liên Xô. Luận cương đó là một trong những tài liệu lêninnít đầu tiên do Ban Chấp hành Trung ương soạn thảo kể từ ngày thống nhất Đảng. Luận cương đã chỉ rõ cho những người lao động Đông Dương hiểu rõ ý nghĩa quốc tế của ngày mồng 1-8, đã giải thích cho họ hiểu rõ cần truy tầm nguyên nhân sâu xa của chiến tranh đế quốc trong chế độ tư bản chủ nghĩa. Dựa vào các số liệu, Ban Chấp hành Trung ương đã vạch rõ các chính phủ tư bản đã chuẩn bị chiến tranh đế quốc, chuẩn bị can thiệp vũ trang chống lại các nước chuyên chính vô sản đầu tiên như thế nào. Tiếp theo đó, Ban Chấp hành Trung ương đã ca ngợi giai cấp vô sản Liên Xô đang xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội. Ban Chấp hành Trung ương đã chứng minh cho công nhân và nông dân hiểu rõ tại sao và phải làm như thế nào để ủng hộ các cuộc chiến tranh cách mạng dân tộc, để đấu tranh chống chiến tranh đế quốc. Ban Chấp hành Trung ương kết thúc bản luận cương bằng mấy câu như sau: “Chiến tranh đế quốc đang đến gần! Để tránh đem thân làm bia đỡ đạn cho chủ nghĩa đế quốc, giai cấp vô sản Đông Dương phải liên kết lực lượng của mình với lực lượng của công nhân và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới nhằm đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, nhằm tận dụng ngày quốc tế đỏ, “mồng 1-8”. Ngày đó, cần biểu dương lực lượng của chúng ta, cần bãi công, biểu tình, thị uy để đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, ủng hộ Liên Xô và phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa, chống khủng bố trắng ở Đông Dương”. Ban Chấp hành Trung ương đã đề ra mười lăm khẩu hiệu (có một số khẩu hiệu về những nhiệm vụ chính trị và kinh tế cơ bản của cách mạng Đông Dương). Nói chung những khẩu hiệu đó đều đúng. Trong số khẩu hiệu này, chúng ta có thể kể: 1) chống chiến tranh đế quốc; 2) bảo vệ Liên Xô và phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa;... 10) chống khủng bố trắng thả ngay tù chính trị; 11) Đả đảo Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long và phe lũ (đó là bọn lãnh tụ quốc gia cải lương - H.T.C) đả đảo Đảng Lập hiến, Đảng Lý nhân (đảng của cường hào, đại địa chủ và quan lại), đả đảo bọn Hội đồng thuộc địa, tức là bọn chó săn của chủ nghĩa đế quốc Pháp. Bản luận cương lêninnít, chống quân phiệt đó của Ban Chấp hành Trung ương đã có ảnh hưởng lớn về chính trị trong hàng ngũ những người cộng sản cũng như trong quần chúng lao động không đảng phái. Các tổ chức cộng sản địa phương đã cụ thể hoá các khẩu hiệu của Ban Chấp hành Trung ương vào các truyền đơn và bươm bướm có kèm thêm các khẩu hiệu bộ phận. Quần chúng đã nghe theo lời hiệu triệu chống chiến tranh đế quốc của Ban Chấp hành Trung ương và đã tổ chức những cuộc bãi công to lớn của công nhân cũng như nhiều cuộc biểu tình của nông dân để hưởng ứng. Ba tuần lễ sau ngày mồng 1-8, Ban Chấp hành Trung ương lại mở cuộc vận động chính trị đòi thả Xáccô và Văngdétti. Hưởng ứng lời hiệu triệu của Đảng Cộng sản, những người lao động đã biểu lộ một trình độ giác ngộ giai cấp khá cao. Trong tất cả những cuộc đấu tranh của công nhân trước tháng 9-1930 ta không nên quên cuộc biểu tình tuyệt diệu của công nhân nông nghiệp ở đồn điền Baocan tại Pờracu (Kon Tum). Chẳng những công nhân người Việt đã tham gia cuộc biểu tình này mà cả đến anh em phu dân tộc ít người cũng có tham dự. Nguyên là một cuộc biểu tình kinh tế, cuộc bãi công đó về sau đã chuyển thành một cuộc đấu tranh chính trị, chống khủng bố trắng, chống bọn chủ giết hại một người lao động. Bọn chủ đã đầu hàng, buộc phải tăng tiền công cho phu và bồi thường cho gia đình nạn nhân. Thắng lợi đó chỉ cho những người lao động thuộc các dân tộc ít người hiểu rõ rằng để bảo vệ lợi ích của họ, cần phải thành lập mặt trận đấu tranh phản đế và giành ruộng đất. Với những người lao động Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương dũng cảm. Một cuộc bãi công lịch sử khác là cuộc bãi công ở Nhà máy điện Bến Thủy. Cuộc bãi công này diễn đi diễn lại đến bốn lượt trong vòng hai tháng, ngày 16 và 27-6, ngày 1 và 18-8. Nó đấu tranh cho năm khẩu hiệu sau đây: a) đuổi tên giám thị Học; b) cấm hành hạ công nhân; c) cấm đuổi công nhân vì những lý do vu vơ; d) cấm bắt bớ công nhân bãi công và biểu tình; e) tăng tiền công. Ngày 20-8, tất cả công nhân ở Bến Thủy đã tổng biểu tình để tỏ tình đoàn kết với những người bãi công. Sau ngày 20-8, nông dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã liên tiếp biểu tình để tỏ tình đoàn kết với công nhân Bến Thủy. Đấy là một bằng chứng tốt đẹp về sự liên minh cách mạng giữa công nhân và nông dân. Nhưng giai cấp vô sản - thông qua đội tiền phong của mình là Đảng Cộng sản - đã biến các cuộc biểu tình nông dân đó thành những cuộc biểu tình quần chúng. Chúng tôi sẽ trở lại cuộc bãi công lịch sử này của Nhà máy điện Bến Thủy trong chương sau, chương nói về phong trào Xôviết. * * Sở dĩ tất cả các cuộc đấu tranh lịch sử trước tháng 9 đã có thể đạt tới một quy mô rộng lớn như thế là vì nói chung đều do Đảng Cộng sản của chúng ta tổ chức và lãnh đạo, nhưng như vậy không hề có nghĩa là không phạm sai lầm và thiếu sót. Nói chung, các cuộc bãi công của công nhân đều có tính cách địa phương, và không gắn chặt với phong trào nông dân. Về vấn đề này, báo Cờ đỏ có đăng những bài khá bổ ích của các thông tín viên nông dân phê phán sự liên hệ yếu ớt đó của vô sản thành thị với những người lao động nông thôn. Nhất là đầu năm 1930, trong Đảng đã tồn tại những khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa về phong trào bãi công: kinh tế đơn thuần, không thể bãi công trong thời gian khủng hoảng kinh tế. Sở dĩ có những khuynh hướng đó là vì các đồng chí của chúng ta không hiểu rõ rằng “mục đích cuối cùng của đấu tranh bãi công dưới chế độ tư bản là phá hủy bộ máy nhà nước, lật đổ chính quyền nhà nước của một giai cấp nhất định” (Lênin). Trong một số cuộc bãi công, Đảng Cộng sản chúng ta không biết tăng cường hiệu quả chiến đấu của quần chúng trái lại lại làm cho họ thụ động. Chẳng hạn như ở Nhà máy rượu Sài Gòn, người ta đã để cho những người bãi công nằm ngủ ở nhà trong khi đáng lẽ phải lôi cuốn họ vào các đội tự vệ, các tốp thợ, tuyên truyền viên, lạc quyên cứu tế, v.v. (người cộng sản tại Nhà máy rượu đã bỏ qua tất cả những hình thức tổ chức đó). Tất cả mọi công tác (lạc quyên, truyền đơn, bươm bướm) đều do một nhóm ít cán bộ lãnh đạo công hội phụ trách. Trong các cuộc bãi công khác, các uỷ ban bãi công đều do cấp trên chỉ định. Khuynh hướng khủng bố cá nhân khá phát triển trong hàng ngũ những người cộng sản và trong quần chúng. Tại Nhà máy Tétxtuyđô, đáng lý phải lập mặt trận đấu tranh thống nhất giữa công nhân nhà máy với thợ học việc có lương ở bốn xưởng mộc, thì những người cộng sản lại đến thương lượng với bọn chủ các xưởng mộc đó mà không hỏi ý kiến của thợ học việc. Một trong bốn tên chủ không chấp nhận đề nghị của những người cộng sản, những người cộng sản đã bắn nó một phát súng lục nhưng hụt, lính cảnh sát đã can thiệp và cuộc bãi công thất bại. Tại Nhà máy thủy tinh Hải Phòng, những người cộng sản đều thụ động, họ đã để cho bọn quốc gia cách mạng lãnh đạo bãi công, cuộc bãi công sau đó đã thất bại. Nói chung, ảnh hưởng của Đảng Cộng sản và các công hội đỏ ngày càng tăng sau mỗi cuộc bãi công, nhưng vì khủng bố trắng, vì ảnh hưởng đã giành được không được củng cố nên số lượng hội viên công hội đỏ trước tháng 9 lúc tăng lúc giảm, và đôi khi chính đó là nguyên nhân làm cho số lượng hội viên công hội giảm sút. Chẳng hạn như ở Nhà máy rượu Phôngten, trong số 200 hội viên công hội (50% công nhân) sau khi bãi công thất bại chỉ còn lại có 8. Tại Bắc Kỳ, một vài người cộng sản không chịu tổ chức bãi công trong các xí nghiệp lớn, viện lý do một cách cơ hội chủ nghĩa là công tác tại các xí nghiệp nhỏ dễ tiến hành hơn. Thỉnh thoảng có người đã dùng bạo lực đối với các tầng lớp lạc hậu trong giai cấp vô sản để cưỡng bách họ tham gia đấu tranh (sách lược sai lầm này được Ban Chấp hành Trung ương phê phán công khai). Một số người cộng sản lầm tưởng một cách cơ hội chủ nghĩa rằng những người cách mạng chỉ phải lo về chính trị thôi, chứ không phải về kinh tế; quan điểm sai lầm này làm cho họ trở thành biệt phái, và họ không chịu bảo vệ những lợi ích kinh tế hằng ngày của quần chúng. Sau tháng 8-1930, Đảng ta đã dìu dắt được quần chúng lao động tiến lên một trình độ đấu tranh cao hơn, bởi vì Đảng tiến hành một số cuộc đấu tranh kiên quyết nhằm khắc phục mọi thiếu sót và sai lầm cơ hội chủ nghĩa của các tổ chức cộng sản địa phương hoặc của từng đảng viên riêng lẻ. Nói chung, bài học mà phong trào công nhân trước thời kỳ khởi nghĩa Xôviết đã dạy cho Đảng ta bài học khá phong phú. Phong trào đó chỉ rõ cho chúng ta thấy rằng nguồn sức mạnh duy nhất, nhưng vô địch của giai cấp công nhân là ý thức giác ngộ của công nhân và quy mô của cuộc đấu tranh, nghĩa là sự tham gia của tất cả quần chúng công nhân làm thuê vào cuộc đấu tranh (Lênin). Chúng ta cần nhắc lại một lần nữa là qua mấy tháng đấu tranh từ khi thống nhất, Đảng ta đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, uy tín của Đảng trong những người lao động đã tăng lên rất nhiều. Được vũ trang bằng kinh nghiệm ấy và với sự tín nhiệm của quần chúng đông đảo, giai cấp vô sản - thông qua đảng của giai cấp - là Đảng Cộng sản - sẽ lãnh đạo phong trào Xôviết, một phong trào góp thêm những trang oanh liệt không những vào lịch sử phong trào cách mạng Đông Dương, mà cả lịch sử của phong trào cách mạng thế giới do Quốc tế Cộng sản lãnh đạo.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang