[Việt Nam] Sơ Thảo Lịch Sử Phong Trào Cộng Sản Ở Đông Dương

Chương 2 : Tân Việt Cách mạng Đảng và Tân Việt Cộng sản liên đoàn

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 01:07 17-09-2018

PHẦN THỨ NHẤT NHỮNG NGƯỜI ĐẦU TIÊN MỞ ĐƯỜNG CHO PHONG TRÀO CỘNG SẢN (1923 - 1929) Chương II TÂN VIỆT CÁCH MẠNG ĐẢNG VÀ TÂN VIỆT CỘNG SẢN LIÊN ĐOÀN Cũng như Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Tân Việt Cách mạng Đảng lúc đầu cũng là một tổ chức cách mạng dân tộc tiểu tư sản. Nếu Đảng đã có một vài khuynh hướng cộng sản, thì những khuynh hướng ấy cũng còn khá mờ, mâu thuẫn nhau và điều đó, cũng như trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, chủ yếu là do thành phần xã hội không tốt của Đảng, ở đây các phần tử tiểu tư sản chiếm ưu thế. Năm 1929, Đảng có hơn 1.000 đảng viên, nhưng chỉ 11% là công nhân, trong khi đó thì ủy viên các ban lãnh đạo đều hầu hết là trí thức. Tân Việt Cách mạng Đảng do một nhóm năm người cách mạng (một nhà nho dân tộc cách mạng và bốn giáo viên trong đó có các đồng chí Trần Phú (Lý Quý) và Ngô Đức Diễn) thành lập hồi tháng 7-1924 [12] tại Vinh. Lúc đó Đảng gọi là Phục Việt. Đảng không có cương lĩnh thành văn, chương trình của Đảng không rõ ràng và do các đảng viên truyền miệng cho nhau từ người này đến người khác. Cũng như Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Tân Việt Cách mạng Đảng lúc đầu chỉ là một tổ chức dân tộc cách mạng tả khuynh thuần túy. Vài tháng sau khi Đảng thành lập, sinh viên Trường đại học Hà Nội đều biết đến tên Phục Việt; họ đã chiếm cái tên ấy và thường hành động dưới danh nghĩa của Đảng, vì thế các nhà lãnh đạo Đảng Phục Việt đã đổi tên Đảng thành Việt Nam Cách mạng Đảng. Tháng 7-1927, Hội nghị hợp nhất toàn quốc của Đảng với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được triệu tập ở Huế. Hội nghị hợp nhất toàn quốc quyết định tên đảng mới thống nhất là Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí. Nhưng quyết định của Hội nghị hợp nhất không được thực hiện và, tuy đã hợp nhất từ trên (tháng 7-1927) hai đảng vẫn tiếp tục tồn tại riêng biệt như trước kia. Tuy nhiên Tân Việt Cách mạng Đảng vẫn mang tên Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí từ tháng 7-1927 cho đến tháng 7-1928. Đấy là một bằng chứng biểu lộ lòng chân thành của Tân Việt Cách mạng Đảng trong vấn đề hợp nhất. Chỉ đến tháng 7-1928, sau khi dự định hợp nhất thất bại đến lần thứ tư, họ mới quyết định lấy hẳn tên Tân Việt Cách mạng Đảng, và cũng từ sau Đại hội toàn quốc lần thứ nhất (tháng 7-1928) trở đi Tân Việt Cách mạng Đảng mới được nhiều người trong nước biết đến. Như đã nói trong chương đầu, một trong những nguyên nhân thất bại chủ yếu của việc thống nhất hai đảng chính là ở chỗ các nhà lãnh đạo Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đều là những phần tử tiểu tư sản, không nhận thức được sự cần thiết phải tập trung các lực lượng cách mạng để mở rộng và tăng cường đấu tranh giải phóng dân tộc. Như đã nói ở trên, Tân Việt Cách mạng Đảng không có cương lĩnh ghi thành văn mà các nhà lãnh đạo đảng ấy cũng không có khả năng để thảo ra một bản cương lĩnh chính trị. Từ khi liên hệ với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Tân Việt Cách mạng Đảng chuyển hướng về chủ nghĩa cộng sản, nhưng cũng như Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, các đảng viên chỉ hiểu biết lý luận cộng sản một cách mơ hồ, và trong chương trình, công tác của mình họ cũng sử dụng cuốn sách của đồng chí Nguyễn Ái Quốc như Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên hợp nhất tháng 7, Cương lĩnh chính trị và Điều lệ của Tân Việt Cách mạng Đảng đã được thảo ra với sự cộng tác của các đồng chí Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên trên thực tế cương lĩnh và điều lệ đó chỉ là một bản sao cương lĩnh chính trị của hội này mà thôi. * * * Phần lớn lịch sử của Tân Việt Cách mạng Đảng liên quan đến những mối quan hệ và hiệp thương với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên nhằm giải quyết vấn đề hợp nhất hai tổ chức. Tân Việt cách mạng luôn luôn tỏ ra thụ động thiếu sáng kiến. Đáng lẽ phải đề ra phương hướng cho các tổ chức quần chúng nhằm phát triển công tác cách mạng thì ban lãnh đạo của Đảng lại khư khư chờ đợi ngày hợp nhất và cho rằng việc ra chỉ thị cho các tổ chức cơ sở là nhiệm vụ của Ban Chấp hành Trung ương mãi sau của Đảng thống nhất. Tân Việt Cách mạng Đảng cũng có lựa chọn những đảng viên ưu tú của mình gửi sang Quảng Châu chịu huấn luyện chủ nghĩa cộng sản dưới sự điều khiển của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên nhưng tất cả những người được phái sang Trung Quốc đều chạy sang hàng ngũ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Vì Hội khẳng định với họ rằng về phương diện tư tưởng cũng như về phương diện tổ chức Hội triệt để hơn và hùng mạnh hơn Tân Việt Cách mạng Đảng. Về nước, những học viên ấy phê phán đảng cũ của họ; những điều phê phán này không căn cứ trên một cương lĩnh chính trị nào mà nói chung chỉ căn cứ trên những vấn đề thuộc về cá nhân hoặc những vấn đề chính trị vụn vặt. Nói chung các nhà lãnh đạo Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở trong nước phần lớn đều là những học viên cũ do Tân Việt Cách mạng Đảng cử sang học ở Trung Quốc trước đây. Năm 1925, Đảng cử đại biểu đầu tiên của mình sang Trung Quốc, và năm 1926 thì cử thêm hai phái đoàn nữa. Tháng 7-1927, hai đảng họp Hội nghị hợp nhất toàn quốc lần đầu tiên, thành phần Hội nghị gồm toàn những người do đại biểu của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tự mình lựa chọn. Ban Chấp hành Trung ương của Đảng thống nhất được thành lập, các Ban Chấp hành Xứ bộ Bắc Kỳ và Trung Kỳ cũng đã được dự kiến, nhưng các hội viên Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam Kỳ không chịu phục tùng các quyết định của Hội nghị hợp nhất. Vì thế, công cuộc hợp nhất lần đầu tiên bị thất bại. Từ tháng 7-1927 đến tháng 3-1928 cũng có hai lần dự định hợp nhất nữa nhưng không thành công. Năm 1928, Ban Chấp hành toàn quốc Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đồng ý tiến hành hợp nhất hai đảng nhưng với ba điều kiện: a) Tại các tỉnh miền bắc Trung Kỳ, Ban Chấp hành của Tân Việt Cách mạng Đảng có thể tham gia các ban lãnh đạo của Đảng thống nhất. b) Tại các tỉnh khác, đảng viên của Tân Việt Cách mạng Đảng chỉ được tham gia vào các chi bộ mà thôi. c) Triệu tập Đại hội toàn quốc của Đảng thống nhất vào tháng 7-1929 để tiến hành bầu cử các ban lãnh đạo ở các cấp. Tân Việt Cách mạng Đảng chấp nhận hoàn toàn ba điều kiện ấy, nhưng đến ngày 17-3-1928, lúc Hội nghị hợp nhất khai mạc, các đại biểu Việt Nam Cách mạng Thanh niên không đếm xỉa quyết định của Ban Chấp hành Trung ương của mình và đòi giải tán hẳn Tân Việt Cách mạng Đảng để kết nạp từng đảng viên Tân Việt Cách mạng Đảng vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đại biểu Tân Việt Cách mạng Đảng phản đối việc giải tán Đảng và thế là dự định hợp nhất lần thứ tư thất bại luôn. Trong nhiều trường hợp, hai đảng vẫn hợp tác với nhau và trao đổi sách vở, báo chí cho nhau. Tân Việt Cách mạng Đảng vẫn tiếp tục gửi đảng viên sang học tập ở Trung Quốc; các hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên cũng hoạt động trong hàng ngũ Tân Việt Cách mạng Đảng, nhưng thường với mục đích lôi kéo các đảng viên ưu tú của đảng này về với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đồng thời để thăm dò hoạt động của Tân Việt Cách mạng Đảng luôn thể. Suốt mấy năm cùng tồn tại với nhau, hai đảng không bao giờ tổ chức mặt trận đấu tranh thống nhất trong các cuộc bãi công và biểu tình. Mỗi đảng đều đứng ra lãnh đạo riêng các phong trào, đảng nào cũng muốn giành quyền lãnh đạo phong trào và tình hình đó chỉ làm cho phong trào càng suy yếu thêm mà thôi. Tân Việt Cách mạng Đảng thường quan hệ với Thanh niên Cao vọng Đảng[13]. Những người sáng lập ra Thanh niên Cao vọng Đảng có mời Bí thư Xứ bộ của Tân Việt Cách mạng Nam Kỳ làm một ủy viên sáng lập của Đảng. Nhưng đồng chí đó đã dứt khoát từ chối. Thanh niên Cao vọng Đảng cũng chủ động tổ chức nhiều cuộc hội nghị đại biểu với đại diện của Tân Việt Cách mạng Đảng để bàn việc hợp nhất hai đảng. Nhưng các nhà lãnh đạo Tân Việt Cách mạng Đảng từ chối, viện lẽ rằng cương lĩnh của tổ chức họ là một cương lĩnh “cộng sản”. Tuy vậy, cũng cần nói rằng một số đảng viên Tân Việt Cách mạng Đảng Nam Kỳ có ý muốn hợp nhất hai đảng lại cho nên đến tháng 12-1928 hai đảng viên Tân Việt Cách mạng Đảng ở một chi bộ tại Sài Gòn đã thảo ra một dự án cương lĩnh khá dài nhằm mục đích hợp nhất với Thanh niên Cao vọng Đảng. Nhưng dự án đó đã bị các đảng viên khác bác bỏ. Việt Nam Quốc dân Cách mạng Đảng cũng phái nhiều đoàn đại biểu đến Tân Việt Cách mạng Đảng thương lượng hợp nhất, nhưng đảng này một mực từ chối, viện lẽ rằng cương lĩnh hai đảng khác nhau. Trong công tác cổ động và tuyên truyền miệng, các đảng viên Tân Việt Cách mạng Đảng công kích chủ nghĩa dân tộc cải lương nhưng một vài trường hợp họ chưa nhận thức được tính chất phản động của chủ nghĩa dân tộc cải lương nên thường đã giúp đỡ nó trong hoạt động hằng ngày, chẳng hạn như một số đảng viên Tân Việt Cách mạng Đảng đã giúp đỡ thủ lĩnh nhóm quốc gia cải lương ở Trung Kỳ là nhà cách mạng dân tộc Huỳnh Thúc Kháng[14] thành lập tờ báo Tiếng dân và cộng tác với tờ báo đó. Tân Việt Cách mạng Đảng và Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên không phê phán đường lối chính trị và hành động phản cách mạng của Đảng Lao động Đông Dương ở Nam Kỳ. Cho nên, năm 1928 khi công nhân nhà in báo Trung lập tại Sài Gòn tổ chức bãi công, khi Đảng Lao động Đông Dương vờ phê bình mị dân tôn chỉ tờ báo, Tân Việt Cách mạng Đảng và Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đều biết rõ việc ấy, nhưng họ vẫn không có một biện pháp nào để bênh vực công nhân nhà in báo Trung lập và vạch mặt Đảng Lao động. * * * Cũng như Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Tân Việt Cách mạng Đảng là một tổ chức rất biệt phái, tiêu cực, xa rời quần chúng[15], nhiệm vụ của mỗi đảng viên Tân Việt Cách mạng Đảng chỉ là tổ chức và kết nạp đảng viên mới, tự học các vấn đề chính trị và tham gia sinh hoạt đảng. Tất cả những công việc đó cũng đủ để chứng minh cho chúng ta biết rằng Đảng không có liên hệ với quần chúng, và tự thu mình vào trong các nhóm tuyên truyền nhỏ hẹp. Mặc dù Đảng dự định tổ chức chi bộ theo từng xí nghiệp, từng làng và từng khu phố nhưng nguyên tắc tổ chức theo từng khu phố luôn luôn thắng thế. Chỉ sau Đại hội toàn quốc tháng 7-1928, Đảng mới bắt đầu nghĩ tới công nhân và chuyển hướng vào xí nghiệp, đồng thời bắt đầu đào tạo cán bộ để hoạt động ở xí nghiệp, hầm mỏ, v.v.. Đảng có những tổ chức quần chúng như hợp tác xã, quỹ cứu tế, nhóm đọc sách báo, v.v. nhưng tất cả các tổ chức quần chúng đó đều quá hẹp và không có tính chất thật sự cách mạng. Mặc dù điều lệ công hội, nông hội, hội học sinh, v.v. đã được thảo ra từ đầu năm 1927, nhưng việc tổ chức các công hội, nông hội ấy chỉ mới bắt đầu từ năm 1928 cho nên, cũng chỉ từ năm 1928 Đảng mới bắt đầu thành lập các tổ chức quần chúng cho những người lao động: hội ái hữu của tài xế, hội của phu kéo phụ xe của thủy thủ, công nhân xe lửa, phu đồn điền, nhóm học tập, công nhân đồn điền, v.v.. Cũng cần nói thêm là năm 1926, Đảng có mở những lớp học buổi tối mỗi lớp có đến 130 người lao động theo học nhưng vì phương pháp của các cán bộ chỉ đạo, vì bọn đế quốc ra sức đàn áp các cán bộ chỉ đạo ấy, nên hoạt động trong các lớp nói trên không thu được kết quả khả quan. Trong thời gian tồn tại, Đảng đã lãnh đạo một vài cuộc bãi công và biểu tình; chẳng hạn như năm 1926, Đảng đã lãnh đạo một cuộc tổng bãi khoá rất lớn của học sinh thành phố Vinh và một cuộc bãi công khác của công nhân Nhà máy điện Vinh, tháng 3-1927, tổ chức nhiều cuộc tổng biểu tình của công nhân, học sinh và công chức thành phố Vinh nhân dịp kỷ niệm năm thứ nhất ngày mất của nhà cải lương Phan Châu Trinh. Tháng 4-1927, Đảng lãnh đạo cuộc bãi khoá của học sinh thành phố Huế, năm 1928, các cuộc bãi công của công nhân xe lửa Biên Hoà, của Phú Mỹ, Nhà Bè, năm 1929, một vài cuộc bãi công ở Trung Kỳ, v.v.. Đảng lãnh đạo rất kém các phong trào quần chúng; các cuộc bãi công và biểu tình đều chuẩn bị kém và lãnh đạo kém. Như ở Vinh Đảng đã bị những lời lẽ đường mật của tên công sứ lừa phỉnh, và cuộc bãi khoá đã thất bại. Sau cuộc bãi khoá của học sinh thành phố Vinh, công nhân và phu kéo xe ở Vinh và Bến Thủy đề nghị với Đảng tổ chức một cuộc biểu tình lớn phản đối vụ sa thải độc đoán một giáo viên nhưng Đảng ngập ngừng và cuối cùng không đồng ý. Vì vậy, chẳng những Đảng không dẫn đầu quần chúng, mà cũng không biết khai thác tinh thần chiến đấu của công nhân để tạo nên một phong trào quần chúng to lớn. Tháng 3-1927, trong các cuộc biểu tình nhân dịp kỷ niệm năm thứ nhất ngày mất của Phan Châu Trinh, một đại biểu công nhân đã đứng lên diễn thuyết và đặt vấn đề thành lập một công hội cách mạng, nhưng Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên cũng như Tân Việt Cách mạng Đảng đều không hưởng ứng. Tháng 4-1927, học sinh Huế tổng bãi khoá, hai đảng tranh giành nhau quyền lãnh đạo phong trào, nhưng không chịu tổ chức mặt trận đấu tranh thống nhất, cho nên sự lãnh đạo phong trào bị chia xẻ và suy yếu, cuối cùng cuộc bãi khoá đã thất bại sau hơn một tháng đấu tranh. Năm 1928, tất cả phu đồn điền Phú Mỹ đều chịu ảnh hưởng của một vài đảng viên hoạt động trong đồn điền; dưới sự lãnh đạo của những người cách mạng này, cuộc bãi công đã thắng lợi: tên giám đốc bị đuổi, thẻ căn cước của phu được trả lại. Tuy nhiên, các đảng viên không biết nắm cơ hội ấy để tổ chức công nhân và tăng cường ảnh hưởng của mình. Tại Biên Hoà cũng vậy, cuộc bãi công của công nhân xe lửa do một đảng viên lãnh đạo cũng thành công (tăng tiền công, giảm giờ làm) nhưng Đảng cũng vẫn không biết tổ chức công nhân vào các công hội, trong khi bãi công đang diễn ra cũng như sau khi bãi công đã kết thúc; tại Nhà Bè hai đảng cũng tranh chấp nhau quyền lãnh đạo phong trào bãi công (tháng 12-1928). __ Chú thích 12. Đúng ra là tháng 7-1925 (B.T). 13. Thành phần xã hội các đảng dân tộc cách mạng như Thanh niên Cao vọng Đảng và Việt Nam Quốc dân Đảng đều là tiểu tư sản, nhưng các đảng ấy lại đại diện cho lợi ích của giai cấp tư sản dân tộc. Cương lĩnh của họ là tư sản dân chủ và đó là điều phân biệt họ với các tổ chức cách mạng khác như Tân Việt hoặc Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tuy có những truyền thống dân tộc chủ nghĩa khá mạnh, hai đảng sau này đã có những khuynh hướng cộng sản, nhưng còn mập mờ, thể hiện nguyện vọng đang phát sinh của phong trào công nhân (H.T.C). 14. Huỳnh Thúc Kháng: Xem bản chỉ dẫn tên người vần H (B.T). 15. Tân Việt Cách mạng Đảng và Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên có tiến hành tổ chức giới lao động Việt kiều ở Cao Miên và Ai Lao nhưng nói chung rất yếu (H.T.C).
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang