[Việt Nam] Sơ Thảo Lịch Sử Phong Trào Cộng Sản Ở Đông Dương

Chương 7 : Thời kỳ Xô viết: Vai trò phụ nữ trong phong trào Xô viết

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 19:38 30-09-2018

PHẦN THỨ BA ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG (Thống nhất từ ngày 6-1-1930) Chương VII THỜI KỲ XÔVIẾT VI- VAI TRÒ PHỤ NỮ TRONG PHONG TRÀO XÔVIẾT Trước năm 1930, đã có những người phụ nữ tham gia phong trào cách mạng. Nói chung, chị em xuất thân từ các tầng lớp tiểu tư sản. Tư tưởng của họ nói chung còn ngả nghiêng, do dự. Tuy vậy, một vài người trong số đó đã đóng một vai trò cách mạng rất lợi, họ đã hy sinh hoàn toàn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Năm 1930 đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong phong trào phụ nữ. Ngay từ tháng 2-1930, đã có hàng trăm phụ nữ tại Phú Riềng tham gia cuộc nổi dậy ở đây. Từ ngày Đảng thống nhất của chúng ta đứng ra lãnh đạo quần chúng đấu tranh làm cách mạng phản đế và phản phong, nhiều tầng lớp phụ nữ công nhân và nông dân rộng rãi đã bước đông đảo lên vũ đài cách mạng. Trước phong trào Xôviết, chúng ta đã thấy nhiều phụ nữ lao động tham gia hoạt động cách mạng. Tại Tân Dương, phụ nữ bắt giữ một tên quan cai trị người Pháp; tại Cao Lãnh, chị em quật ngã một tên cẩm; tại Vĩnh Long, chị em đánh lui một đội lớn, và thay mặt đoàn biểu tình ăn nói với bọn hào lý; tại Chợ Mới, chị em đã đỡ những người bị thương dậy, tại Đức Hoà, chị em đã chỉ huy phong trào. Phụ nữ đã đóng một vai trò lớn lao trong thời kỳ Xôviết. Dưới ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp của chế độ Xôviết, phong trào phụ nữ đã phát triển rất nhanh. Chỉ riêng tỉnh Nghệ An đã có 800 phụ nữ vào tổ chức. Tại những làng đã có thiết lập Xôviết phụ nữ tham gia tự do vào các cuộc bầu cử Xôviết, và tất cả các công việc chung, v.v.. Nhưng tại rất nhiều làng khác chưa có Xôviết, do ảnh hưởng của nông hội, chị em cũng tham gia vào việc bầu cử hào lý và vào tất cả mọi công việc làng (tại Đại Định, Dinh Chu, Thanh La). Phụ nữ là những người liên lạc và tuyên truyền giỏi nhất; nói chung người ta thường hay nghe phụ nữ hơn nam giới bởi vì tinh thần dũng cảm của chị em thường động viên được cả những người trong nam giới còn do dự và nhút nhát. Tại Bắc Kỳ, các cuộc biểu tình trong tháng 9 bao giờ cũng có phụ nữ tham gia. Hầu hết khắp nơi phụ nữ đã phát biểu ý kiến trong những cuộc mít tinh và biểu tình. Trong những ngày đầu của cuộc khởi nghĩa, phụ nữ đã mang cờ và biểu ngữ đỏ đi đầu một đoàn biểu tình. Đa số trong uỷ ban chuẩn bị khởi nghĩa ở Hương Sơn cũng là phụ nữ. Trong tháng 10 và tháng 11, chúng ta đã thấy nhiều vợ con họ gia nhập các tổ chức cách mạng của phụ nữ (Can Lộc, Thanh Chương, Nam Đàn, Cát Ngạn, v.v.). Tại Tiền Hải, không những phụ nữ đã lãnh đạo phong trào mà còn phát biểu ý kiến ở khắp nơi, kêu gọi binh lính biểu đồng tình với nông dân; những chị em dũng cảm nhất đã vào các đội “cảm tử”. Tại Thạch Hà, Ngọc Sơn, chị em sung vào các đội tự vệ. Tháng 12-1930, phụ nữ lao động đã giải thoát được tất cả những người cách mạng bị hai tên cai tổng và lý trưởng tay sai của đế quốc bắt giữ. Ngày 15-12, tại Hưng Nguyên, lúc nghe tiếng trống của bọn đế quốc nhiều anh em nông dân không muốn đi biểu tình nữa, nhưng phụ nữ đã đến động viên họ và họ lại tiếp tục đấu tranh một cách dũng cảm bất chấp sự trả thù của bọn đế quốc sát nhân. Và ngày 12-12, phụ nữ còn tự mình tổ chức một cuộc biểu tình chống bọn lính đã hãm hiếp một nữ thanh niên. * * * Như vậy là Đảng ta đã không nên quên phát triển công tác phụ nữ. Những ví dụ mà chúng tôi nêu ra trên đây chứng tỏ rằng phụ nữ lao động rất hăng hái chiến đấu, và chúng ta có nhiều khả năng để tiến hành tốt công tác phụ vận trong các tầng lớp phụ nữ bị bóc lột nhiều nhất. Hiện nay, tại một số tỉnh, những người cộng sản không nhận thức rõ vai trò của phụ nữ trong phong trào cách mạng, cho nên các đồng chí đó đã lãng công tác phụ vận.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang