[Việt Nam] Sơ Thảo Lịch Sử Phong Trào Cộng Sản Ở Đông Dương

Chương 1 : Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1923 - 1929): Đại hội lần thứ nhất của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (5-1929)

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 01:07 17-09-2018

PHẦN THỨ NHẤT NHỮNG NGƯỜI ĐẦU TIÊN MỞ ĐƯỜNG CHO PHONG TRÀO CỘNG SẢN (1923 - 1929) Chương I HỘI VIỆT NAM CÁCH MẠNG THANH NIÊN (1923 - 1929) II- ĐẠI HỘI LẦN THỨ NHẤT CỦA HỘI VIỆT NAM CÁCH MẠNG THANH NIÊN (5-1929) Hội nghị trù bị. Trước Đại hội một tháng, một cuộc Hội nghị trù bị đã được tổ chức, chỉ gồm những phần tử cộng sản. Hội nghị diễn ra trong không khí đấu tranh chia rẽ quyết liệt vì các đại biểu Bắc Kỳ không đồng ý với chính sách chung của Đảng từ đầu chí cuối. Tại Hội nghị, vấn đề thành lập một Đảng Cộng sản ở Đông Dương được nêu lên, các chiến sĩ cách mạng Đông Dương lưu vong ở Trung Quốc đều tán thành ý kiến thành lập một Đảng Cộng sản; họ nghĩ trước hết phải nắm cho được Ban Chấp hành Trung ương của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để sau đó thì chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản. Hội nghị giao cho các đại biểu trở về nước vận động để đến Đại hội toàn quốc thì các đại biểu cộng sản sẽ được cử đi và như vậy thì việc thành lập Đảng Cộng sản sẽ dễ dàng hơn. Về nước, các đại biểu Bắc Kỳ tổ chức một hạt nhân cộng sản[9] gồm bảy người, rồi vào Trung Kỳ vận động, nhưng không thành công. Nhưng mấy ngày trước khi Đại hội khai mạc, một cuộc Hội nghị trù bị thứ hai đã được triệu tập để thảo luận vấn đề thành lập một Đảng Cộng sản; trong hội nghị này, các đại biểu Bắc Kỳ quyết định thành lập ngay một Ban Chấp hành Trung ương để tổ chức Đảng Cộng sản. Đại biểu cộng sản các xứ khác thì nhấn mạnh đến sự cần thiết phải thành lập trước hết một ủy ban trù bị có nhiệm vụ quy định sách lược, điều lệ và tổ chức các chi bộ, chỉ sau khi đã thực hiện xong mấy việc đó mới tổ chức Đảng Cộng sản và bầu Ban Chấp hành Trung ương. Họ cũng nhấn mạnh không nên đem vấn đề thành lập Đảng Cộng sản ra bàn tại Đại hội Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tầm quan trọng của Đại hội. Đại hội họp hơn một tuần lễ vào tháng 5-1929. Đại hội có nhiệm vụ nghe báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương về hoạt động của Đảng. Công việc của Đại hội có một tầm quan trọng trong lịch sử phong trào cộng sản Đông Dương. Đại hội thừa nhận hoàn toàn Cương lĩnh và Luận cương về các vấn đề thuộc địa của Đại hội lần thứ VI Quốc tế Cộng sản, đặt vấn đề liên lạc và cộng tác chặt chẽ với Đảng Cộng sản các nước khác và với Quốc tế Cộng sản. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử phong trào cách mạng Đông Dương một tổ chức cách mạng đã thử phân tích tình hình kinh tế, chính trị và xã hội Việt Nam theo lý luận mácxít. Đại hội đã nghiên cứu các quan hệ giai cấp trong nước và xác định lập trường của mình đối với từng giai cấp. Điều quan trọng hơn trong công tác của Đại hội là xác định tính chất và những nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng Đông Dương. Đại hội thấy cần thiết phải hoạt động trong quần chúng và đi vào quần chúng. Xuất phát từ quan điểm ấy, Đại hội đã đề ra những yêu sách chung và yêu sách bộ phận nhằm huy động quần chúng lao động vào cuộc đấu tranh bảo vệ quyền lợi hằng ngày của họ. Đây là một bước tiến rất lớn bởi vì trong thời gian trước Đại hội, các nhà cách mạng chưa đặt ra một cách rõ ràng vấn đề thâm nhập quần chúng và chưa bao giờ đề ra một chương trình yêu sách bộ phận cho từng loại lao động. Đại hội cũng khẳng định cần phải đấu tranh chống chiến tranh đế quốc mà nguy cơ ngày càng trở nên rõ ràng cần phải bảo vệ Liên Xô, Tổ quốc của giai cấp vô sản thế giới và các dân tộc bị áp bức. Điều lệ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên cũng được Đại hội thảo ra. Xét từ những mặt tích cực đó, chúng ta nhận thấy Đại hội có một tầm quan trọng rất lớn về chính trị bởi vì đó là một bước tiến trong việc vận dụng chiến lược và sách lược của Quốc tế Cộng sản. Bên cạnh những mặt tích cực ấy, Đại hội đã phạm phải một loạt sai lầm trên những vấn đề trọng yếu nhất. Đại hội đã nêu ra những vấn đề về tổ chức mà không quy định hình thức của những tổ chức đó. Trong khi phân tích công việc Đại hội, chúng ta phải vạch ra những sai lầm của nó về các vấn đề chủ yếu. Tính chất và động lực của cách mạng Đông Dương Trước hết, Đại hội đã dựa vào các số liệu để phân tích chế độ bóc lột kinh tế phong kiến - đế quốc. Như vậy là một bước tiến lớn bởi vì đây là lần đầu tiên Đại hội đã thử phân tích tình hình kinh tế Việt Nam theo lý luận mácxít. Nhưng Đại hội đã phạm phải sai lầm là phân tích kinh tế Việt Nam tách rời kinh tế chung của Đông Dương. Đại hội không đả động gì đến cuộc đấu tranh chống bọn đế quốc và địa chủ bản xứ tước đoạt ruộng đất của nông dân và ruộng đất công. Đại hội cũng đã quên phân tích những điều kiện lao động nửa nô lệ trong các đồn điền. Sau khi phân tích các quan hệ kinh tế và xã hội ở Việt Nam, Đại hội đã xác định rằng cách mạng Việt Nam là cách mạng tư sản điền chủ (phản đế và phản phong kiến) rằng trong quá trình phát triển của nó cuộc cách mạng này sẽ chuyển biến thành cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đại hội nói thêm là giai cấp vô sản phải đóng vai trò lãnh đạo trong cuộc đấu tranh nhằm thực hiện những nhiệm vụ cơ bản của cách mạng tư sản dân chủ; nhưng khi phân tích tính chất của cuộc cách mạng, Đại hội đã quên nghiên cứu nó trong mối liên hệ với tình hình quốc tế, và trước hết với phong trào cách mạng thế giới. Hơn nữa Đại hội chỉ đề cập đến cách mạng Việt Nam nghĩa là Trung Kỳ, Bắc Kỳ và Nam Kỳ, chứ không nói đến Cao Miên và Ai Lao là những nơi quần chúng lao động cũng đang rên xiết dưới ách đế quốc và phong kiến và đang cần đấu tranh để tự giải phóng khỏi hai tầng áp bức nói trên. Chỉ đặt vấn đề cách mạng Việt Nam tức là phủ nhận khả năng chiến đấu cách mạng của các dân tộc ít người, và như thế là làm suy yếu phong trào cách mạng ở Đông Dương. Đại hội của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã đề nhiệm vụ phải làm cách mạng ruộng đất. Nhưng vì chưa nhận thức rõ cần phải tiêu diệt hết tất cả bọn địa chủ với tính cách là một giai cấp - cho nên Đại hội đã đề ra khẩu hiệu tịch thu ruộng đất của những địa chủ có 100 hécta trở lên. Về giai cấp tư sản bản xứ, Đại hội đã nêu lên những đặc điểm trái ngược nhau. Một mặt, Đại hội cho rằng “bọn tư bản Pháp đã tìm đủ mọi cách kìm hãm giai cấp tư sản bản xứ lại, nhưng giai cấp này vẫn cứ tự phát triển mặc dù rất chậm: đấy là một lực lượng đấu tranh chống lại chủ nghĩa tư bản Pháp”. Nhưng mặt khác, Đại hội lại quả quyết rằng “giai cấp tư sản đã công khai liên minh với chủ nghĩa đế quốc và chuyển sang phía phản cách mạng”. Do chỗ đánh giá đặc điểm một cách trái ngược nhau như vậy mà Đại hội không có thái độ đúng đối với giai cấp tư sản bản xứ. Cuối năm 1929, Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản đã phê phán những đặc điểm sai lệch đó, và viết: “Giai cấp tư sản bản xứ nói chung yếu ớt, là giai cấp gắn liền với chiếm hữu ruộng đất và giai cấp địa chủ; mặt khác, nó chịu ảnh hưởng của giai cấp tư sản Trung Quốc và lập trường phản cách mạng của chúng, một bộ phận giai cấp tư sản hiện đã hợp tác với chủ nghĩa đế quốc Pháp, một bộ phận khác đang tìm cách thoả hiệp với nó. Điều chắc chắn là toàn bộ giai cấp tư sản không thể vượt khỏi ranh giới của chủ nghĩa dân tộc cải lương, và theo đà phát triển của cuộc cách mạng ruộng đất nó sẽ không tránh khỏi chuyển sang hàng ngũ phản cách mạng. Song, điều đó không gạt bỏ khả năng một vài tầng lớp nào đó của giai cấp tư sản đang muốn đứng ra lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc. Nhưng họ làm như thế là để phá hoại phong trào, phản bội cách mạng. Chính phải căn cứ vào nhân tố đó để quyết định lập trường của chúng ta đối với giai cấp tư sản” (Nhiệm vụ của những người cộng sản Đông Dương). Trong khi nêu đặc điểm của nông dân, Đại hội đã hoàn toàn không nói đến phú nông. Hơn nữa Đại hội đã nhét trung nông và phú nông vào cùng một bị. Đại hội cường điệu vai trò cách mạng của tiểu tư sản tiểu thương, nhưng lại không đả động gì đến vai trò cách mạng của các tầng lớp nửa vô sản và dân nghèo thành thị. Đại hội chưa nhận định đúng đắn động lực[10] của cách mạng Đông Dương, chưa thấy rõ ai là bạn đồng minh thực sự của giai cấp công nhân. Vì vậy mà Đại hội đã đánh giá vai trò giai cấp tiểu tư sản với hai đặc điểm tương phản như sau: một mặt, Đại hội nhìn nhận giai cấp tiểu tư sản (kể cả tiểu thương) là một động lực của cách mạng trong giai đoạn hiện tại; mặt khác lại quả quyết rằng giai cấp tiểu tư sản xuất thân phần lớn từ địa chủ, do đó họ không bao giờ có thể giải quyết vấn đề ruộng đất. Chúng ta không thể nói rằng toàn bộ giai cấp tiểu tư sản thành thị có thể là một động lực của cách mạng tư sản dân chủ. Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản đã phê phán sai lầm đó của Đại hội Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên; Ban Chấp hành nói không nên sắp xếp các xu hướng cách mạng của giai cấp tiểu tư sản thành thị, lại càng không thể xem những phần tử ít cách mạng nhất trong giai cấp tiểu tư sảntiểu thương là động lực của cách mạng (Nhiệm vụ của những người cộng sản Đông Dương 1929). Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản cho rằng, chỉ có những thợ thủ công làm thuê, những người bán hàng rong và tiểu trí thức thất nghiệp mới là bộ phận cách mạng nhất trong giai cấp tiểu tư sản thành thị. Chúng ta cần nói thêm rằng phần lớn giai cấp tiểu tư sản không phải xuất thân từ địa chủ mà từ nông dân, rằng họ không bao giờ muốn làm cách mạng ruộng đất bởi vì họ gắn liền với chế độ tư hữu mà họ không muốn xoá bỏ trái lại muốn tăng cường chế độ đó. Đại hội cũng chưa nhận thức được Đảng theo quan điểm lêninnít. Đại hội không hiểu rằng Đảng phải là một bộ phận giác ngộ nhất, kiên định nhất của giai cấp vô sản, giàu kinh nghiệm và có khả năng đóng vai trò đội tiền phong của quần chúng bị áp bức. Đại hội thừa nhận Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên phải là một tổ chức của giai cấp vô sản, giai cấp vô sản phải độc quyền lãnh đạo phong trào cách mạng, nhưng mặt khác lại nói Đảng là “một tổ chức cách mạng đại diện cho quần chúng lao động Việt Nam”, “phải bảo đảm cho nông dân chiếm đa số trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên”. Đấy là một điều mâu thuẫn và sai lầm, vì Đảng Cộng sản phải là chính đảng của một giai cấp duy nhất: giai cấp vô sản. Nếu Đảng Cộng sản bao gồm hai hoặc nhiều giai cấp thì hệ tư tưởng và kỷ luật cộng sản không bao giờ thuần nhất và do đó Đảng sẽ không thể làm cách mạng thắng lợi. Cần nói thêm rằng những phần tử không vô sản (bần nông, trung nông, thợ thủ công, tiểu trí thức, v.v.) cũng có thể gia nhập Đảng Cộng sản. Nhưng chúng ta phải luôn luôn bảo đảm cho giai cấp vô sản chiếm đa số trong Đảng Cộng sản. Hơn nữa, các phần tử không vô sản gia nhập Đảng chúng ta nhất thiết phải từ bỏ hệ tư tưởng không vô sản và lợi ích giai cấp của họ để toàn tâm toàn ý phục vụ sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản. Để phân định các giai cấp Đại hội không căn cứ vào vai trò của từng giai cấp trong sản xuất, vào các quan hệ của giai cấp đó đối với tư liệu sản xuất, vào vai trò của họ trong tổ chức lao động xã hội và vào vị trí của từng giai cấp bóc lột hay bị bóc lột, và căn cứ vào thu nhập của họ. Vì lẽ đó Đại hội đã phân chia giai cấp vô sản thành nhiều loại. Đại hội so sánh công nhân tiền lương thấp kém với bần nông và binh lính, công nhân lương cao vào cùng loại với phú nông và thợ thủ công. Bản thân việc phân loại giai cấp vô sản thành nhiều tầng lớp đối lập nhau như vậy chẳng những là một sự phủ nhận đối với sứ mệnh lịch sử mà giai cấp vô sản phải đảm nhiệm với tư cách là một giai cấp, mà cũng là một sự chia xẻ phân tán phong trào cách mạng của giai cấp vô sản. Đại hội chưa nhận thức rõ quan hệ giữa Đảng và quần chúng. Theo những đặc điểm và lập luận mà Đại hội nêu lên người ta tưởng rằng quần chúng không có khả năng làm được gì cả và Đảng sẽ làm hết thảy mọi việc. Đấy là một quan điểm tiểu tư sản, quan điểm mà Quốc tế Cộng sản phê phán rất nghiêm khắc. Quốc tế Cộng sản nói: “Đảng hùng mạnh là do ảnh hưởng của mình trong quần chúng; không có quần chúng, Đảng không thể làm cách mạng được. Chính quần chúng đã làm cách mạng, quần chúng chỉ trở nên hùng mạnh và đạt đến thắng lợi khi nào họ được sự lãnh đạo đúng đắn của đảng của giai cấp công nhân, của Đảng Cộng sản. “Tất cả nhiệm vụ của Đảng phải tìm cách lôi cuốn quần chúng bằng các khẩu hiệu của mình, bằng cách động viên và hướng dẫn năng lực cách mạng, sáng kiến của quần chúng, Đảng không có khả năng làm được điều đó thì tuyệt đối chẳng làm được gì hết. Kìm hãm năng lực cách mạng và sáng kiến của quần chúng là phạm một tội ác trước giai cấp công nhân. Chính vì lẽ ấy mà Đảng có nghĩa vụ không những chỉ giáo dục và lãnh đạo quần chúng, mà còn tự giáo dục mình qua kinh nghiệm của phong trào quần chúng. Tin tưởng vào quần chúng, và khả năng cách mạng và sáng tạo của quần chúng, đó là một điều cơ bản của chủ nghĩa bônsơvích” (Nghị quyết của Quốc tế Cộng sản về Đông Dương, trang 29). Vì không nhận thức được mối quan hệ giữa quần chúng và Đảng Cộng sản cho nên Đại hội đã phạm phải mấy sai lầm sau đây khi đặt vấn đề những người cộng sản thu phục quần chúng “khi ấy (khi đa số công nhân và nông dân đã được tổ chức), Hội sẽ xúc tiến hành động quần chúng bằng cách sử dụng tổng bãi công, kháng thuế, tịch thu ruộng đất, biểu tình và cuối cùng sẽ lãnh đạo các hoạt động vũ trang”. Như vậy là Đại hội đã đối lập các cuộc đấu tranh hằng ngày với nhiệm vụ giành chính quyền, trong khi đáng lẽ phải xem những cuộc đấu tranh đó như một bộ phận tổ thành của quá trình đấu tranh giành chính quyền mới đúng. Theo sách lược đó của Đại hội người ta chỉ xúc tiến hành động quần chúng khi đã tổ chức đa số quần chúng. Còn bây giờ thì chưa thể tổ chức bãi công và biểu tình để bảo vệ lợi ích hằng ngày của những người bị bóc lột (đòi tăng tiền công, giảm thuế, v.v.). Lập trường đó của Đại hội cũng là một bằng chứng nữa nói lên rằng những tàn dư của lý luận giai đoạn còn tồn tại[11] ở các đại biểu. Chính qua các cuộc đấu tranh hằng ngày mà quần chúng lao động, do kinh nghiệm bản thân mới nhận thức được sự cần thiết phải đấu tranh, ý thức giai cấp của họ mới phát triển, khả năng chiến đấu của họ mới được nâng và tổ chức mới có thể củng cố và mở rộng. Chính qua các cuộc đấu tranh hằng ngày mà chúng ta chuẩn bị cho quần chúng tiến lên những cuộc đấu tranh cao hơn, cho đến cả khi khởi nghĩa vũ trang bùng nổ; Quốc tế Cộng sản đã phê phán một luận điểm khác của Đại hội cho rằng “khi nào đại đa số công nhân và nông dân được tổ chức thì nhiệm vụ của Hội sẽ là lãnh đạo quần chúng phá tan ách thống trị của bọn đế quốc”. Điều kiện đó trái ngược với thực tế, bởi vì Cách mạng Tháng Mười đã thành công trong lúc Đảng Bônsơvích vẫn chưa tổ chức được đại đa số công nhân và nông dân. Quốc tế Cộng sản nói: Đại hội chưa nhận thức được là dưới chế độ tư bản, kể cả ở các thuộc địa, vấn đề tổ chức được đa số công nhân trước lúc công nông giành chính quyền là một vấn đề rất khó khăn; Đại hội quên mất rằng muốn giành chính quyền, chỉ cần được đa số quần chúng lao động ủng hộ là đủ. Lập trường đối với các đảng khác. Đại hội đề ra nhiệm vụ giúp đỡ Tân Việt Cách mạng Đảng và lôi cuốn họ vào cục diện đấu tranh. Đại hội cũng quyết định tìm cách ngăn cản đảng dân tộc cách mạng phát triển. Chúng tôi tiếc không biết rõ những phương pháp mà Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã dùng để ngăn cản sự phát triển của Việt Nam Quốc dân Đảng nhưng lập trường của Đại hội đối với đảng dân tộc cách mạng cũng đủ để cho chúng ta thấy rằng Đại hội chưa nhận thức được sự cần thiết phải giải phóng quần chúng lao động thoát khỏi ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc. Đại hội cũng không vạch ra sách lược lập Mặt trận thống nhất phản đế với Việt Nam Quốc dân Đảng hoặc với Tân Việt Cách mạng Đảng nữa. Đại hội không xác định lập trường của mình đối với chủ nghĩa dân tộc cải lương và chủ nghĩa đế quốc xã hội ở Đông Dương. Các yêu sách. Lần đầu tiên những người cách mạng Đông Dương đề ra yêu sách bộ phận cho tầng lớp lao động, nhưng Đại hội đã lẫn lộn yêu sách chung với yêu sách bộ phận. Các yêu sách của Đại hội, như Quốc tế Cộng sản đã nhận xét, đều không rõ ràng hoặc không đầy đủ, điều đó chứng tỏ một lần nữa rằng Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên không liên hệ chặt chẽ với quảng đại quần chúng lao động và không am hiểu tình hình đời sống vật chất thật sự của họ. Đại hội cũng phạm một sai lầm khác khi cho rằng chỉ lúc nào thực hiện xong các yêu sách bộ phận người ta mới có thể giành được chính quyền. Quốc tế Cộng sản trả lời là điều đó không phù hợp với thực tế, là quá trình đấu tranh thực hiện các yêu sách bộ phận người ta thu phục quần chúng, là nhiều khẩu hiệu bộ phận chỉ có thể thực hiện khi nào chính quyền đã về tay những người lao động. Đại hội cũng đã đề ra một khẩu hiệu cải lương bị Quốc tế Cộng sản kịch liệt phê phán: “Quy định tô hiện vật bằng một phần tư sản lượng”. Nêu ra khẩu hiệu cải lương đó có nghĩa là những người cộng sản thừa nhận tính hợp pháp của địa tô, và do đó thừa nhận tính cách hợp pháp của chế độ phong kiến. Là khẩu hiệu bộ phận, các yêu sách về địa tô không được đề ra một cách chung chung mà phải tùy từng trường hợp cụ thể. Đại hội cũng đã nêu lên khẩu hiệu “bãi bỏ các bản án trên 10 năm tù”. Một yêu sách như thế cũng có nghĩa là Đại hội đã thừa nhận việc cầm tù những người cách mạng bị kết án dưới 10 năm khổ sai. Khẩu hiệu đó phủ định cuộc đấu tranh đòi tổng đại xá đối với tù chính trị. Vấn đề tổ chức. Đại hội không quán triệt những điều kiện mà mỗi người buộc phải tuân theo khi muốn gia nhập một chính đảng vô sản chân chính. Đại hội không hiểu rằng chỉ những người nào đã tham gia vào một tổ chức của Đảng và hoạt động thật sự trong tổ chức đó thì mới được công nhận là đảng viên. Đại hội cũng phạm phải một sai lầm khi nói trong thời kỳ hợp pháp, các cơ quan cấp dưới đều do các cơ quan cấp trên chỉ định, chỉ có Ban Chấp hành Trung ương là do Đại hội toàn quốc bầu ra. Điều lệ do Đại hội thảo ra phản ánh chủ nghĩa biệt phái của Hội. Chẳng hạn như trong Điều lệ, đoạn nói về nhiệm vụ đảng viên đã viết: “Phải học tập, phê bình, học tập đồng chí, và báo cáo công tác của mình ít nhất mỗi tuần một lần”. Như vậy là công tác của mỗi đảng viên đã bị giới hạn trong khuôn khổ những tổ chức chật hẹp mà không liên hệ với quần chúng. Chủ nghĩa biệt phái tiểu tư sản của Đại hội thể hiện rõ nhất khi Đại hội quy định các điều khoản kỷ luật nội bộ không căn cứ vào những sự việc cụ thể. Bởi thế cho nên Quốc tế Cộng sản đã phê phán rất nghiêm khắc quan niệm sai lệch của Đại hội về vấn đề kỷ luật Đảng: “Bản thân, việc trừng phạt không phải là cơ sở của kỷ luật chúng ta. Kỷ luật sắt vô sản chỉ được cấu thành trên cơ sở thống nhất tư tưởng và tính chất rõ ràng của phong trào, trên cơ sở quảng đại quần chúng đảng viên liên hệ chặt chẽ với quần chúng và tự giác thực hiện những nhiệm vụ của Đảng” (Nghị quyết của Quốc tế Cộng sản về Đông Dương, 1929). Đại hội cũng quy định án tử hình đối với bọn phản bội và khiêu khích. Xu hướng khủng bố cá nhân khá phát triển trong Hội. Chúng ta phải lên án xu hướng khủng bố cá nhân và thay vào đó bằng sự khủng bố của quần chúng, bằng đấu tranh vũ trang của những người lao động nhằm lật đổ các giai cấp thống trị. Vấn đề này tưởng nêu nhắc lại đây lời dạy quý báu của Lênin “chúng ta phải chỉ cho công nhân hiểu rằng việc ám sát bọn mật thám, khiêu khích và phản bội đôi lúc có thể là tuyệt đối cần thiết, nhưng nếu biến việc đó thành một hệ thống thì lại cực kỳ nguy hại và sai lầm. Chúng ta phải ra sức xây dựng tổ chức có khả năng làm cho bọn chúng tê liệt bằng cách khám phá ra chúng và loại trừ chúng. Không thể nào giết hết được tất cả bọn mật thám, nhưng chúng ta có thể và cần phải thành lập một tổ chức quần chúng để phát hiện chúng”. Đại hội cũng đặt vấn đề tổ chức các công hội và liên đoàn phản đế, nhưng lại không đề ra hình thức tổ chức cụ thể. Phân liệt tại Đại hội. Đại hội chia làm hai cánh trong đó cánh hữu chiếm đa số. Khi các đại biểu Bắc Kỳ đặt vấn đề thành lập Đảng Cộng sản, thì những đại biểu này phản đối kịch liệt, còn các đại biểu khác thì tán thành nhưng lại cho rằng nên hoãn việc thành lập lại về sau. Để bác bỏ đề nghị của các đại biểu Bắc Kỳ, cánh đa số trong Đại hội lý luận như sau: a) Nếu Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên không phải là cộng sản thì tại sao lại phải thảo luận vấn đề tổ chức Đảng Cộng sản tại Đại hội? b) Nếu Đại hội thảo luận vấn đề tổ chức Đảng Cộng sản, người ta sẽ nói rằng Đảng Cộng sản là một tổ chức phụ thuộc vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. c) Những phần tử cách mạng dân tộc thuần túy đã tuyên bố rằng chừng nào họ chưa phải người cộng sản thì họ không có quyền bỏ phiếu biểu quyết vấn đề tổ chức Đảng Cộng sản. d) Những phần tử cộng sản cánh hữu nói rằng Đảng Cộng sản phải do riêng những người cộng sản đứng ra tổ chức, chứ không phải tổ chức trong Đại hội Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Những quan điểm bất đồng trên vấn đề thành lập Đảng Cộng sản là nguyên nhân chủ yếu gây ra sự phân liệt trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Đại hội toàn quốc lần thứ nhất của Hội. Chính từ sau sự chia rẽ công khai đó của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên mà các tổ chức cộng sản tương lai đã ra đời, chúng tôi sẽ nói đến đó trong các chương sau. __ Chú thích 9. Ở đây chúng tôi dựa phần lớn vào ý kiến của Ban Thường vụ Quốc tế Cộng sản phân tích, phê phán một cách tỉ mỉ cương lĩnh của đại hội ấy, ý kiến đã nêu trong tập “Nhiệm vụ của những người cộng sản Đông Dương” (H.T.C). 10. Năm 1929, Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản đã xác định rằng động lực của cách mạng Đông Dương trong thời kỳ này gồm có công nhân, nông dân và dân nghèo thành thị do giai cấp vô sản độc quyền lãnh đạo (H.T.C). 11. Trong các giới cách mạng ở Đông Dương, cái gọi là “lý luận giai đoạn” khá phổ biến, nhất là trong các đảng quốc gia cách mạng tiếp thu lý luận này của Quốc dân Đảng Trung Hoa. Theo lý luận này, các nhiệm vụ cách mạng được phân bố thành ba thời kỳ mà cách mạng phải trải qua: 1) thời kỳ chuẩn bị, 2) thời kỳ phá hoại, 3) thời kỳ xây dựng lại.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang