[Việt Nam] Sơ Thảo Lịch Sử Phong Trào Cộng Sản Ở Đông Dương

Chương 10 : Giai đoạn hiện tại: Chuyển biến mới trong chính sách của Đế quốc

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 17:02 15-12-2018

PHẦN THỨ BA ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG (Thống nhất từ ngày 6-1-1930) Chương X GIAI ĐOẠN HIỆN TẠI II- CHUYỂN BIẾN MỚI TRONG CHÍNH SÁCH CỦA ĐẾ QUỐC Đảng ta đã tiến hành một cuộc đấu tranh rất quyết liệt nhằm đánh đổ chế độ đế quốc và phong kiến. Chủ nghĩa đế quốc thừa hiểu rằng Đảng ta là kẻ thù chủ yếu của nó, cho nên, với sự giúp đỡ của bọn đồng minh bản xứ của nó (quan lại, địa chủ, cường hào và tư sản dân tộc cải lương) nó đã thực hiện một chính sách khủng bố đẫm máu nhằm mục đích phá hoại triệt để phong trào cộng sản. Trong cương lĩnh hành động của mình, khi nhận định về cuộc đàn áp đó, Đảng ta đã nói rằng con đường Đảng đã trải qua qua hai năm phát triển cách mạng và vai trò lãnh đạo quyết định của Đảng trong phong trào giải phóng đã chỉ cho chủ nghĩa đế quốc Pháp biết rõ ai là kẻ thù chủ yếu của nó. Bọn đế quốc thừa hiểu rằng chỉ khi nào kẻ thù chủ yếu đó thất bại thì toàn bộ phong trào cách mạng mới có thể bị suy yếu và tan rã. “... Đông Dương đã bị dìm trong biển máu”. Giờ đây, chúng ta hãy tổng kết vắn tắt cuộc khủng bố ấy: năm 1930, có 949 người bị giết trong các cuộc biểu tình của nhân dân; năm 1931 có 672 người. Số người bị thương lên đến hàng nghìn. Số người cách mạng bị tù và đi đày năm 1930 - 1931 lên quá 15.000. Trong ba năm gần đây, có tất cả 164 bản án tử hình, trong đó 38 bản đã được thi hành. Ngoài nạn khủng bố đẫm máu đó, hàng trăm làng mạc bị thiêu hủy. Trong những năm này, chủ nghĩa đế quốc đã tăng cường bộ máy đàn áp. Hàng chục đồn cai trị được thiết lập tại các huyện và tổng. Nhân viên cảnh sát và mật thám tăng lên. Hàng trăm đồn binh đã được dựng lên tại các làng mạc. Tăng cường quân đội ở Đông Dương, chẳng những chủ nghĩa đế quốc Pháp nhằm tích cực đập tan phong trào cách mạng ở đấy, mà còn mưu đồ chuẩn bị vũ trang can thiệp vào Trung Hoa Xôviết, chia xẻ Trung Quốc và sử dụng nó làm bàn đạp chống Liên Xô. Chủ nghĩa đế quốc Pháp có ở Đông Dương một quân đội gồm 50.000 người và 14.000 lính khố xanh. Trong ba năm gần đây chúng lại điều động thêm một số đạo quân mới từ chính quốc và các thuộc địa khác đến thành lập những tiểu đoàn mới ở Cao Miên và Lào, những đơn vị các dân tộc thiểu số, v.v.. Lực lượng hải quân cũng được tăng thêm. Những pháo hạm mới được đưa từ bên Pháp qua, hoặc đóng tại Sài Gòn. Nhiều sân bay và quân cảng mới được thiết lập. Quân cảng Cam Ranh đang được xây dựng. Quân đội tập trung tại biên giới Bắc Kỳ, binh lính đang tiếp tục đồn trú tại các làng mạc. Hành quân diễn ra thường xuyên. Nhiều đường sắt chiến lược mới đang được kiến thiết. Chính sách đàn áp, đấy là bàn tay sắt của chủ nghĩa đế quốc Pháp. Chủ nghĩa đế quốc Pháp còn có một bàn tay bọc nhung, đó là chính sách cải cách. Thực ra, chủ nghĩa đế quốc Pháp đã dùng chính sách cải cách từ mấy năm trước đây, nhưng chưa bao giờ nó lại quảng cáo ầm ỹ như hiện nay, xung quanh cái “chính sách cải cách hào hiệp” ấy. Trong cương lĩnh hành động của mình, Đảng ta đã phân tích một cách bônsơvích nội dung những cải cách của chủ nghĩa đế quốc Pháp và nội dung “bản thỉnh cầu” của bọn dân tộc cải lương bản xứ. Vừa giải thích trước cho quần chúng lao động, Đảng ta đã nhận định rất đúng khi phân tích cho những người lao động thấy rõ rằng “những cải cách và thỉnh cầu đó chỉ nhằm củng cố chính quyền của bọn đế quốc ở trong nước, mở rộng cơ sở xã hội cho chúng, vĩnh viễn đưa giai cấp tư sản bản xứ vào khối phản cách mạng và lôi kéo vào đấy cả các tầng lớp trên của giai cấp tiểu tư sản thành thị cùng những phần tử bóc lột ở nông thôn”. Cương lĩnh hành động nói thêm “chỉ có đấu tranh cách mạng của quần chúng dũng cảm hy sinh mới buộc chủ nghĩa đế quốc đi vào con đường cải cách. Với những cải cách đó không phải chủ nghĩa đế quốc nhằm giúp đỡ quần chúng, trái lại, mưu đồ bẻ gãy các cuộc đấu tranh của họ, lừa phỉnh họ và tăng cường bóc lột họ hơn nữa”. Thế thì những cải cách mà chủ nghĩa đế quốc Pháp thực hiện hoặc đã hứa hẹn là những cải cách nào? Những cải cách sau đây: số lượng ủy viên Việt và Pháp bằng nhau trong Hội đồng quản hạt, trong các phòng thương mại và canh nông ở Nam Kỳ, được quyền cử một “đại biểu” Việt Nam sang Hội đồng thuộc địa tối cao, được phép xây dựng trường đại học luật khoa, các trường đào tạo quan lại, các toà án hoà giải bản xứ, được vào quốc tịch Pháp dễ dàng, người bản xứ có bằng đại học được giữ những chức vụ cao trong ngạch cai trị, v.v. chỉ nhằm phục vụ cho các giai cấp bóc lột bản xứ, khen thưởng công lao phản cách mạng của chúng và giữ chặt chúng vĩnh viễn ở trong phe phản động. Chúng ta hãy phân tích những điều cải cách trực tiếp liên quan đến công nhân và nông dân lao động. Dưới áp lực đấu tranh cách mạng của quần chúng, chủ nghĩa đế quốc Pháp đã hứa hẹn áp dụng ở Đông Dương Luật bảo hộ lao động hiện hành ở chính quốc. Nhưng những lời hứa hẹn đó chỉ là những lời hứa suông. Đảng ta đã giải thích cho công nhân hiểu rõ chỉ bằng đấu tranh cách mạng, họ mới có thể giành được những luật lệ bảo hộ lao động thực sự. Hiện nay đã có những sở mệnh danh là thanh tra lao động, phòng tìm việc và toà án trọng tài thành lập, những sở này không phục vụ mảy may lợi ích của công nhân, mà chỉ phục vụ lợi ích của bọn chủ; trong các toà án trọng tài (đại diện của nhà cầm quyền chủ toạ), đại biểu bọn chủ thì do họ bầu ra, còn đại biểu của công nhân thì lại do những phần tử thối nát, trung thành với đế quốc Pháp và bọn chủ chỉ định. Báo chí tư sản hiện đang gióng trống khua chiêng xung quanh cái chế độ “tự do” mới của các tổ chức thế tục, nhưng sự thật thì nguyên tắc xin phép vẫn tiếp tục được áp dụng, nghĩa là chỉ những kẻ trung thành mới có thể xin được phép lập hội. Những cải cách về việc thành lập các cơ sở cho vay dài hạn và ngắn hạn, quỹ tương tế bản xứ, sở địa ốc, v.v., chỉ có lợi cho bọn thực dân Pháp, địa chủ và phú nông trong nước, còn nông dân lao động thì không bao giờ có thể vay mượn được, vì không có gì bảo đảm. Ngược lại, chính phủ đế quốc còn đánh thêm những thứ thuế mới vào công nhân và nông dân để có tiền giúp đỡ bọn chủ đồn điền và địa chủ. Về điều cải cách gọi là mở rộng diện tư hữu nhỏ, Toàn quyền Pátxkiê viết phép “tham dự vào cuộc phát mãi động sản ở Nam Kỳ năm 1932 và 1933, nhằm hai mục đích: trước hết, ổn định được chừng nào hay chừng nấy giá trị của ruộng đất và ngăn chặn tình trạng mất giá quá đáng, sau đó tạo điều kiện cho diện tư hữu nhỏ mở rộng dễ dàng bằng cách phân bố những điền trang lớn và lập những làng trại khẩn hoang. Một cục khai hoang điền địa sẽ được đặt ra để đảm trách công việc ấy”. Trên thực tế, nội dung điều cải cách này: a) mua những ruộng đất đã mất giá với giá cao để cứu vớt bọn địa chủ; b) đem một phần ruộng đất ấy chia cho những cựu binh Pháp và bản xứ để khen thưởng công lao quá khứ của họ, lôi kéo họ tham gia cuộc chiến tranh thế giới sau này và nhất là xây dựng một cơ sở xã hội mới ở nông thôn cần thiết cho nền thống trị đế quốc; c) gây nên những người trong tá điền những ảo tưởng trở thành tư hữu nhỏ hòng làm cho họ rời bỏ con đường cách mạng. Thật vậy, những điền trang mà chủ nghĩa đế quốc mua lại của bọn địa chủ đều chia nhỏ thành từng lô đem phân phối cho tá điền. Nhưng tá điền chỉ có thể trở thành chủ nhân vĩnh viễn của những lô đó nếu họ trả đủ tiền trong mười năm. Nếu họ không trả nổi, họ phải trả lại đất cho chính phủ nhưng không được bù lại một đồng nào về số chi phí, đã tiêu tốn qua những năm khai thác. Để khai khẩn những lô đất ấy, tá điền phải đến vay tiền của bọn cho vay nợ lãi, nhưng một khi đã bị vòi của lũ đỉa đói ấy bám vào thì họ không tài nào thoát được nữa. Rút cuộc, sau mười năm, đất đai lại quay trở lại về với bọn đế quốc. Như vậy là những trang trại chia thành lô và “phân phối” cho tá điềnđó chỉ là những đồn điền trồng lúa của nhà nước, và những tá điền cũ của địa chủ thì biến thành tá điền của nhà nước đã bỏ tiền ra khai khẩn đất đai cho bọn đế quốc hưởng. Những người lao động còn cần phải hiểu một điều nữa rằng khi tiến hành cái gọi là cải cách để tá điền trở thành người tư hữu nhỏ, chủ nghĩa đế quốc âm mưu gây một mối hận thù giữa những người lao động thuộc các dân tộc khác nhau, bởi vì nó (chủ nghĩa đế quốc) đã “phân phối” đất đai thuộc một địa phương này cho những tá điền quê quán ở một địa phương khác. Chính phủ Pháp đã huy động hết thảy mọi lực lượng phản động sử dụng tên hoàng đế bù nhìn Bảo Đại trong mấy tháng gần đây để biểu diễn tấn hài kịch cải cách. Bảo Đại đã bổ nhiệm hai tên đế quốc cải lương (Phạm Quỳnh, Phó Viện trưởng Viện Dân biểu Bắc Kỳ [58] và Nguyễn Trác, Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ) làm thượng thư. Chính phủ đế quốc đã giao bậc giáo dục tiểu học cho triều đình Huế phụ trách nhằm làm cho bậc giáo dục này đượm tính chất phong kiến hơn, phản động hơn, nô lệ hơn (bằng những bài dạy về đạo đức Khổng Mạnh, về lòng trung thành đối với nền quân chủ và với chủ nghĩa đế quốc. Việc cải cách bậc giáo dục tiểu học đó ở Trung Kỳ giống với tín điều tôn sùng chính quyền của nền giáo dục Phật giáo ở Cao Miên. Chẳng có một cải cách nào nói ở trên mà Bảo Đại đã thực hiện, lại phục vụ lợi ích của nhân dân lao động Trung Kỳ, ngược lại lại làm cho chế độ nô lệ của hắn trở thành ghê tởm hơn, khó chịu hơn. Đảng ta hoàn toàn có lý khi nói rằng chỉ các giai cấp bóc lột bản xứ mới có lợi trong những cải cách này bù lại cho những hoạt động phản bội của chúng: “Hằng ngày bọn tự xưng là đại biểu của nhân dân, bọn phong kiến và giai cấp tư sản bản xứ phản bội lại và bán rẻ lợi ích của quần chúng, đánh đổi đầu lâu của công nhân và nông dân bị hành hình lấy những của bố thí mới “còn những lời hứa hẹn cải thiện đời sống hằng ngày cho công nhân và nông dân chỉ là những dối trá đê hèn”” (Cương lĩnh hành động của Đảng Cộng sản). Chú thích: 58. Tác giả nhầm, Phạm Quỳnh chưa bao giờ làm Phó Viện trưởng Viện Dân biểu Bắc Kỳ (B.T).
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang