[Việt Nam] Sơ Thảo Lịch Sử Phong Trào Cộng Sản Ở Đông Dương
Chương 7 : Thời kỳ Xô viết: Sai lầm và thiếu sót của phong trào Xô viết
Người đăng: Lịch sử Việt Nam
Ngày đăng: 19:45 30-09-2018
.
PHẦN THỨ BA
ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG
(Thống nhất từ ngày 6-1-1930)
Chương VII
THỜI KỲ XÔVIẾT
IX- SAI LẦM VÀ THIẾU SÓT CỦA PHONG TRÀO XÔVIẾT
1. “Khởi nghĩa là một vấn đề lớn. Kêu gọi khởi nghĩa là một lời kêu gọi đặc biệt trịnh trọng. Cơ cấu xã hội càng phức tạp, các tổ chức chính quyền càng cao, kỹ thuật quân sự càng hoàn hảo, thì người ta lại càng phải nghiêm chỉnh xem xét các vấn đề đưa ra khẩu hiệu đó” (Lênin).
Khởi nghĩa quả thật là một nghệ thuật mà người ta không thể đùa bỡn. Trước khi phát động khởi nghĩa vũ trang, cần phân tích cụ thể điều kiện khách quan và chủ quan trong nước, trên cơ sở liên hệ chặt chẽ với tình hình quốc tế. Trước hết cần phải: a) quán triệt tư tưởng tiến hành khởi nghĩa đến cùng (Lênin); b) “chọn đúng thời cơ để đánh đòn quyết định, chọn đúng thời cơ để khởi nghĩa, nghĩa là chọn lúc khủng hoảng đã phát triển gay gắt đến cực độ, lúc đội tiền phong đã nắm chắc được sự ủng hộ của lực lượng dự bị và sẵn sàng chiến đấu đến cùng, lúc hàng ngũ địch hỗn loạn hơn bao giờ hết” (Xtalin); c) “tập trung tại địa điểm quyết định và trong thời gian quyết định thật nhiều lực lượng, nhằm làm cho lực lượng của mình trội hơn hẳn lực lượng địch, nếu không, kẻ địch sẽ tiêu diệt những người khởi nghĩa nếu họ chuẩn bị chu đáo hơn” (Lênin).
Và nếu chưa đủ những điều kiện nêu trên đây thì có nên tung ra khẩu hiệu khởi nghĩa không? Nhất định không: “Người ta không thể nào tung ra khẩu hiệu đó khi những điều kiện chung của cách mạng chưa được chín muồi, khi quần chúng chưa tỏ ra được phát động và sẵn sàng chiến đấu một cách rõ rệt, khi tình hình bên ngoài chưa đưa đến một trạng thái khủng hoảng thực sự” (Lênin).
Xứ ủy Trung Kỳ đã phát động khởi nghĩa vũ trang mà không báo cáo ngay cả Ban Chấp hành Trung ương.
Ban Chấp hành Trung ương đã huy động quần chúng lao động trong nước nhằm mục đích bảo vệ Nghệ An và Hà Tĩnh, và mở rộng phong trào cách mạng ra khắp các tỉnh, mặc dù vẫn nhận định rằng các cuộc khởi nghĩa cục bộ ở miền bắc Trung Kỳ là manh động. Ban Chấp hành Trung ương đã phân tích như sau:
“a) Tuy ở một vài nơi đã có tình thế cách mạng, nhưng trong nước nói chung thì trình độ giác ngộ và tinh thần chiến đấu của giai cấp vô sản và nông dân chưa cao đồng đều nhau.
b) Mặc dù dân chúng ở những làng ấy đã tỏ ra giác ngộ đầy đủ và có tinh thần chiến đấu, nhưng họ chưa được chuẩn bị về mặt vũ trang. Căn cứ vào tình thế hiện tại ở trong nước, căn cứ vào mức độ chuẩn bị của giai cấp vô sản và nhân dân lao động bị bóc lột ở thành thị và nông thôn, căn cứ vào quá trình chuẩn bị của Đảng, căn cứ vào tình hình lực lượng của kẻ thù, người ta có thể nói rằng những cuộc khởi nghĩa lẻ tẻ như thế ở trong một vài địa phương nhất định là những cuộc manh động, chứ không phải là những cuộc khởi nghĩa chân chính” (Thông tri của Ban Chấp hành Trung ương gửi các đồng chí).
Đúng là các cuộc khởi nghĩa ở miền bắc Trung Kỳ không phải tự phát, mà do Xứ ủy Trung Kỳ tổ chức và lãnh đạo. Tuy vậy, Xứ ủy Trung Kỳ đã chuẩn bị một cách vội vàng và kỹ thuật chuẩn bị thì quá thô sơ. Như Ban Chấp hành Trung ương đã nhận xét, quần chúng chưa được huấn luyện để cầm và sử dụng vũ khí. Tuy những người khởi nghĩa có súng trường và súng sáu, nhưng số lượng chẳng thấm vào đâu, còn phần lớn vũ khí của quần chúng nổi dậy là dao rựa và gậy tre. Thiếu sót lớn nhất của các đồng chí chúng ta ở miền bắc Trung Kỳ cũng như ở Đông Dương nói chung là không tuyên truyền có hệ thống tư tưởng khởi nghĩa vũ trang và không phổ biến rộng khắp chiến thuật du kích.
Đảng ta có chú ý làm công tác binh vận nhưng còn yếu ớt cho nên, trong khi có một bộ phận binh lính đồng tình với những người khởi nghĩa thì bộ phận kia (mà lại là bộ phận đông nhất) lại đi đàn áp phong trào cách mạng.
Xứ ủy Trung Kỳ không biết “tập trung tại địa điểm quyết định và trong thời gian quyết định, thật nhiều lực lượng nhằm làm cho lực lượng của mình trội hơn hẳn lực lượng của địch” (Lênin). Như vậy là lúc khởi nghĩa, Xứ ủy Trung Kỳ chưa hiểu hết sự cần thiết phải có một lực lượng vũ trang cách mạng để có thể chiến đấu chống quân đế quốc Pháp được bè lũ tay sai bản xứ giúp sức. Lênin cho rằng “lực lượng vũ trang ấy là của nhân dân cách mạng (chứ không phải của nhân dân nói chung) và nó bao gồm: 1) giai cấp vô sản và nông dân có vũ trang, 2) những đội xung kích có tổ chức đại diện cho các giai cấp đó, 3) những đội quân sẵn sàng quay về với nhân dân. Tất cả những thành phần đó hợp lại thành quân đội cách mạng”.
Muốn có nhiều triển vọng thành công, cuộc khởi nghĩa phải bùng nổ đồng thời, như vậy mới chia xẻ và làm suy yếu được sức kháng cự của quân thù. Ngoài việc phải nổ ra đồng thời khởi nghĩa còn phải tuân theo những chiến thuật sau đây nữa của Lênin: “Mỗi khi đã bắt đầu tiến hành khởi nghĩa phải quyết tâm hành động đến mức tối đa và dù thế nào cũng phải giữ thế tấn công. Phòng ngự là con đường chết của khởi nghĩa. Tìm cách đánh địch bất thình lình, lợi dụng lúc quân địch còn phân tán. Cố gắng giành cho được thắng lợi, hằng ngày dù là không lớn (nếu là ở thành phố thì có thể nói cả hằng giờ) và quyết tâm giữ cho bằng được ưu thế về tinh thần”.
Các đồng chí chúng ta ở miền bắc Trung Kỳ có vận dụng những nguyên lý lêninnít ấy không? Chắc chắn là không. Vì thế mà họ đã tổn thất khá nặng nề và mặc dù đảng viên và quần chúng khá gan dạ và hy sinh, nhưng các huyện lỵ và tỉnh lỵ vẫn còn nằm trong tay bọn đế quốc và quan lại.
Các cuộc khởi nghĩa ở miền bắc Trung Kỳ hoàn toàn có tính chất cục bộ và lẻ tẻ. Do chiến thuật sai lầm ấy của các đồng chí chúng ta mà chủ nghĩa đế quốc Pháp đã có thể tập trung binh lực và đàn áp một cách dễ dàng các cuộc khởi nghĩa lẻ tẻ nổ ra. Nông dân đã nổi dậy ở Hà Tĩnh, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và Can Lộc nhưng các đồng chí chúng ta tại Bến Thủy - Vinh lúc đó lại chưa chuẩn bị sẵn sàng để khởi nghĩa, cho nên không thể phát động phong trào khởi nghĩa nhằm chia xẻ lực lượng đế quốc, vì vậy bọn đế quốc đã đè bẹp được phong trào trong vài tiếng; trái lại sau khi những người khởi nghĩa Hà Tĩnh, Cẩm Xuyên, Can Lộc và Kỳ Anh đã bị đàn áp, Đảng chưa có đủ thì giờ để khôi phục lại kịp thời lực lượng bị hao tổn của mình nên không có lực lượng cần thiết để ủng hộ những người khởi nghĩa tại Nghệ An.
Một sai lầm khác của Xứ ủy Trung Kỳ mà Ban Chấp hành Trung ương đã nghiêm khắc phê phán là: những người cộng sản đã đưa quần chúng ra đương đầu với súng liên thanh và máy bay. Nói chung, các đồng chí cộng sản chúng ta hoàn toàn chưa quán triệt chiến thuật đánh du kích và đánh chướng ngại vật. Trong Những bài học của cuộc khởi nghĩa Mátxcơva, Lênin đã chỉ rõ cho những người cách mạng biết rằng “kỹ thuật quân sự ngày nay không còn giống như hồi giữa thế kỷ XIX nữa. Đem quần chúng ra đối đầu với pháo và cố thủ chướng ngại vật bằng súng sáu thì thật là ngu xuẩn”. Lênin lại nói thêm rằng cuộc khởi nghĩa Mátxcơva “đã sản sinh ra một chiến thuật mới về chướng ngại vật; chiến thuật ấy là chiến thuật chiến tranh du kích. Về tổ chức, chiến thuật ấy đòi hỏi những đội cơ động và rất bé: từng nhóm 10 người, 3 người, thậm chí 2 người”. Những người lãnh đạo ở miền bắc Trung Kỳ không biết đến chiến thuật đó của chiến tranh du kích, nên bọn đế quốc đã có thể giết hại một lúc 250 người.
2. Tại các làng Xôviết, người ta không tịch thu ruộng đất của bọn địa chủ có dưới 100 hécta. Biện pháp đó của các Xôviết chứng tỏ rằng các đồng chí chúng ta ở Nghệ An còn chưa quán triệt tinh thần của cách mạng ruộng đất là phải tiêu diệt hết thảy mọi hình thức bóc lột phong kiến tồn tại trong nền kinh tế Đông Dương, và xoá bỏ hết thảy tất cả địa chủ (lớn cũng như vừa và nhỏ) về mặt giai cấp. Chủ trương một biện pháp như thế có nghĩa là các đồng chí chúng ta còn chưa gạt bỏ được những quan điểm sai lầm của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và Tân Việt Cách mạng Đảng về vấn đề địa chủ, quan điểm mà chúng ta đã nhiều lần phê phán ở các chương trên. Sai lầm đó là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho các Xôviết thất bại nhanh chóng. Bởi vì trong khi bọn địa chủ lớn bị tống cổ thì bọn địa chủ nhỏ và vừa vẫn được ở lại, tiếp tục làm mật thám cho đế quốc và tổ chức các lực lượng phản cách mạng nhằm lật đổ chính quyền Xôviết.
Nếu các Xôviết chỉ tịch thu ruộng đất của những địa chủ có trên 100 hécta mà thôi, thì số ruộng đất chia cho các nông dân lao động không được là bao. Một biện pháp cách mạng như vậy chẳng những chứng tỏ rằng các Xôviết không nắm vững tinh thần cách mạng ruộng đất, một cuộc cách mạng phải được thực hiện triệt để tại các làng Xôviết, mà còn là một trở ngại trong việc lôi cuốn hết thảy mọi tầng lớp đông đảo quần chúng bị bóc lột ở nông thôn, trước hết là những ai ít hoặc không có ruộng đất vào cuộc đấu tranh cách mạng chống đế quốc và giải quyết ruộng đất khắp toàn Đông Dương, bởi vì biện pháp đó không thể nào nâng cao được nhiệt tình và tinh thần chiến đấu cho tất cả nông dân lao động.
Các Xôviết đã cấp ruộng đất cho nông dân nghèo nhưng không cấp cho công nhân nông nghiệp, trung nông và binh lính. Sách lược đó rất nguy hại, vì nó có thể làm suy yếu phong trào cách mạng; công nhân nông nghiệp và trung nông chưa thật giác ngộ, do dự khi thấy chế độ Xôviết không cấp ruộng đất cho mình, có thể nghĩ rằng cách mạng ruộng đất không thể đem lại lợi ích gì cho họ cả, do đó họ có thể xa rời đấu tranh cách mạng.
Nước Cộng hoà Xôviết Hunggari (1919) đã bị khối tư sản phong kiến Hunggari và bọn đế quốc can thiệp (với sự ủng hộ của tập đoàn xã hội - dân chủ phản cách mạng) lật đổ, vì không được tất cả các tầng lớp đông đảo lao động nghèo nhiệt tình ủng hộ; chính quyền Xôviết Hunggari chỉ tịch thu ruộng đất của địa chủ lớn, tiến hành công hữu hoá ruộng đất quá sớm nhưng lại cấp rất ít ruộng cho nông dân lao động. Việc giải quyết đúng đắn vấn đề ruộng đất ở Nga đã làm cho Đảng Bônsơvích được nông dân lao động ủng hộ trong cuộc chiến đấu chống lại những vụ bạo động phản cách mạng của bọn tướng tá Nga hoàng, bọn phong kiến, địa chủ và phú nông, và chủ yếu là trong cuộc chiến đấu chống sự can thiệp của bọn đế quốc (1918 - 1921). Phong trào Xôviết phát triển sâu rộng tại Trung Quốc, năm cuộc công phản của Chính phủ Nam Kinh đều bị thất bại, vì Đảng Cộng sản Trung Quốc anh em của chúng ta, dưới sự lãnh đạo của Quốc tế Cộng sản, đã sửa chữa những sai lầm cũ về vấn đề ruộng đất. Mỗi khi chính quyền Xôviết thành lập tới đâu là Đảng Cộng sản Trung Quốc tịch thu ngay ruộng đất của tất cả bọn địa chủ đem chia cho công nhân nông nghiệp, bần nông, trung nông và Hồng quân. Nếu Đảng Cộng sản Đông Dương của chúng ta thực hiện được một chính sách ruộng đất đúng đắn ở miền bắc Trung Kỳ năm 1930, nếu chúng ta tịch thu ruộng đất của tất cả bọn địa chủ đem cấp cho công nhân nông nghiệp và nông dân lao động thì chắc chắn phong trào khởi nghĩa sẽ đạt được một mức cao hơn, một quy mô lớn hơn, quần chúng lao động sẽ không quản hy sinh tham gia đấu tranh phản đế và phản phong kiến một cách nhiệt tình hơn, nhất là đông đảo hơn, sẽ đương đầu với sự đàn áp của chủ nghĩa đế quốc Pháp, đặc biệt là với chiến dịch “quy thuận” cưỡng bách một cách can đảm hơn, kiên quyết hơn, và chính quyền Xôviết sẽ có thể lan đến nhiều vùng khác nữa và tồn tại lâu dài hơn nữa.
Tại một số làng Xôviết (như tại Nam Đàn), mới trong giai đoạn cách mạng tư sản dân chủ mà nông dân đã sống và làm việc trong các công xã nông nghiệp (kinh tế tập thể hoá), trong các nông trang tập thể. Nếu quần chúng nông dân lao động tự mình yêu cầu tập thể hoá nền kinh tế nông nghiệp, thì hẳn đó là một sáng kiến rất hay mà chính quyền Xôviết phải tán thành và ủng hộ, nhưng ở đây công cuộc tập thể hoá lại tiến hành theo chỉ thị của các Xôviết. Chúng tôi cho rằng việc các Xôviết thành lập nông trang tập thể là một biện pháp chưa chín muồi do đó rất sai lầm. Chúng ta không nên quên rằng tập thể hoá kinh tế nông nghiệp là một việc làm tốt, nhưng điều kiện trước tiên cần phải có là tự quần chúng nông dân, do kinh nghiệm bản thân, đã hiểu rõ ưu thế của hình thức kinh tế tập thể đối với kinh tế cá thể. Hiện nay, công nhân nông nghiệp và nông dân lao động muốn được chia ruộng đất dưới hình thức tập thể hay dưới hình thức cá thể? Nhất định là tư tưởng tư hữu còn khá mạnh trong con người của tất cả nông dân, cho nên nếu các Xôviết đem cấp ruộng đất cho từng cá nhân, thì họ sẽ nhiệt tình hơn trong công cuộc đấu tranh cách mạng. Vả lại, nếu chính thức đặt ra ngay từ bây giờ nhiệm vụ tập thể hoá nông nghiệp, như vậy là Đảng đã đề ra nhiệm vụ thủ tiêu chế độ tư hữu, và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhưng đó lại là nhiệm vụ của cách mạng vô sản, chứ không phải là nhiệm vụ cách mạng tư sản dân chủ.
Hơn nữa, muốn đề ra việc tập thể hoá kinh tế nông nghiệp, còn cần phải có một số điều kiện sơ bộ cần thiết: a) có một nhà nước chuyên chính vô sản dưới hình thức Xôviết để đưa nông dân mặc nhiên đi vào cuộc sống tập thể hoá; b) tống cổ bọn địa chủ và tư bản, tịch thu và quốc hữu hoá ruộng đất và xí nghiệp của bọn chúng; c) có một cơ sở công nghiệp nhất định để nâng cao trình độ kinh tế nông nghiệp (theo con đường Xôviết).
3. Các Xôviết đã phạm sai lầm khi tuyên bố “phong toả các làng lân cận đã vô tình hay cố ý giúp sức cho đế quốc hoặc tổ chức dân đoàn"[40]. Một biện pháp như vậy sẽ làm cho các làng Xôviết bị cô lập về kinh tế, việc tiếp tế vì thế sẽ trở nên khó khăn và đời sống vật chất của quần chúng lao động ngay tại các làng Xôviết ấy có thể biến thành nguy kịch. Về mặt xã hội và chính trị, việc phong toả đó chỉ có lợi cho đế quốc bởi vì các làng lân cận sẽ biến thành những khối thù địch với các làng Xôviết. Không nên xem tất cả dân chúng các làng lân cận là kẻ thù của chúng ta, mà phải giải thích cho quần chúng lao động các làng ấy hiểu rõ họ đã bị bọn địa chủ và cường hào đưa vào con đường lầm lạc, và chẳng những họ phải đấu tranh chống thế lực phản động của bọn áp bức và bóc lột đó, mà còn phải đi đến chỗ lật đổ chúng nữa như các Xôviết đã làm.
4. Chính quyền Xôviết đã đề ra một loạt biện pháp cách mạng có lợi cho nông dân lao động nhưng lại không ban hành một đạo luật nào về mặt xã hội buộc bọn địa chủ[41], phú nông và bọn chủ phải thi hành nhằm bảo vệ lợi ích vô sản nông thôn như ngày làm tám giờ, bảo hiểm xã hội lúc ốm đau, thất nghiệp, lúc bị tai nạn lao động, v.v.; chính quyền Xôviết không buộc bọn chủ cải thiện đời sống và điều kiện lao động cho công nhân nông nghiệp.
Thế là, tuy các xã Xôviết đã được thiết lập ở các làng và do những người cộng sản tiền phong của giai cấp vô sản tổ chức và lãnh đạo, nhưng suốt bốn tháng tồn tại, các Xôviết đã hoàn toàn không nghĩ đến việc cải thiện căn bản đời sống vật chất, chính trị và xã hội của công nhân ở các làng đó.
5. Các đồng chí ở miền bắc Trung Kỳ đã cố gắng hết sức mình để phát triển và củng cố nông hội, nhưng lại không thành lập công hội đỏ độc lập cho công nhân nông nghiệp, không biết bảo đảm thường xuyên cho công nhân nông nghiệp và bần nông vai trò lãnh đạo thực sự trong nông hội. Ngược lại, Xứ ủy Trung Kỳ đã đặt vấn đề hợp nhất công nhân nông nghiệp với nông dân lao động vào chung trong nông hội, nhưng may thay, Ban Chấp hành Trung ương đã biết kịp thời sửa chữa sai lầm đó.
Một thiếu sót khác nữa về vấn đề này là những người cộng sản ở các làng Xôviết không biết đấu tranh chống ảnh hưởng của bọn phú nông trong nông hội, như Ban Chấp hành Trung ương đã từng nhắc nhở.
6. Các Xôviết đã làm lại nhà cho những gia đình nhà bị đế quốc đốt phá, nhưng lại không biết đưa công nhân nông nghiệp và nông dân lao động không có nhà cửa đến ở nhà của bọn phong kiến, địa chủ và cường hào.
7. Chính quyền Xôviết cũng như Đảng Cộng sản không phổ biến rộng rãi những biện pháp do các Xôviết đề ra. Nếu những biện pháp ấy được phổ biến rộng rãi, thì nhất định chúng sẽ tác động lớn đến đông đảo quần chúng và do đó có thể lôi cuốn họ một cách dễ dàng hơn vào công cuộc đấu tranh cách mạng nói chung, và công cuộc bảo vệ hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đỏ nói riêng. Tại một số tỉnh ủy đặc biệt có huy động quần chúng lao động đấu tranh bảo vệ hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, nhưng ngay bản thân tỉnh ủy cũng không hiểu biết tường tận những gì đã diễn ra ở các làng Xôviết.
8. Nói chung, Đảng đã huy động hết thảy mọi tầng lớp lao động tập hợp dưới lá cờ của mình đấu tranh bảo vệ hai tỉnh đỏ. Nhưng phong trào ủng hộ lại quá chậm so với đà tiến triển nhanh chóng của những biến cố xảy ra ở miền bắc Trung Kỳ. So với phong trào ở miền bắc Trung Kỳ, những cuộc đấu tranh do Đảng phát động tại các nơi khác ở Đông Dương để ủng hộ những người khởi nghĩa quả còn rất yếu. Không nói đến Cao Miên và Lào là những nơi - phong trào cách mạng còn phôi thai, ngay cả tại Trung Kỳ, Bắc Kỳ và Nam Kỳ cũng còn nhiều vấn đề, ở những nơi này người ta chỉ thấy có truyền đơn, mà không thấy bãi công, biểu tình tỏ tình đoàn kết với những người khởi nghĩa ở miền bắc Trung Kỳ.
Việc huy động giai cấp vô sản công nghiệp và nông nghiệp bảo vệ các tỉnh đỏ cũng cực kỳ yếu ớt, công nhân một số nhà máy ở Vinh, Bến Thủy, Nam Định, Hà Nội, Hải Phòng và Cẩm Phả đã biết đấu tranh kiên quyết chống khủng bố trắng tại miền bắc Trung Kỳ, nhưng hàng trăm hàng nghìn công nhân khác tại các hầm mỏ và nhà máy ở Bắc Kỳ, tại các đồn điền mênh mông ở miền nam Trung Kỳ và Nam Kỳ, còn đứng ngoài cuộc đấu tranh cách mạng trong phần lớn trường hợp. Điều đó chứng tỏ rằng Đảng Cộng sản chúng ta còn chưa biết biến những xí nghiệp quan trọng thành thành trì của phong trào cách mạng.
9. Ban Chấp hành Trung ương đã biết huy động các tầng lớp lao động đông đảo trong nước bảo vệ hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, sửa chữa những sai lầm của Xứ ủy Trung Kỳ, phê phán chiến thuật biểu tình ban đêm, nhưng cũng phạm phải một số sai lầm trong bức thư gửi Xứ ủy Trung Kỳ nói về vấn đề thành lập các Xôviết. Ban Chấp hành Trung ương đã phạm một sai lầm hữu khuynh. Khi căn dặn những người cộng sản không nên tổ chức luôn những cuộc biểu tình nhỏ và lẻ tẻ để tránh làm mệt mỏi quần chúng và tránh khủng bố. Theo ý kiến Ban Chấp hành Trung ương thì chỉ nên tổ chức những cuộc biểu tình lớn, còn trong ngày thường thì chỉ cần họp mít tinh là đủ để giữ vững tinh thần cho quần chúng.
Đó là những sai lầm càng lớn khi các chỉ thị này lại gửi cho những người cộng sản ở các tỉnh trong đó phong trào khởi nghĩa đang lên rất cao và quần chúng lao động chịu ảnh hưởng của các Xôviết đang chiến đấu hằng ngày ở ngoài đường phố.
Dĩ nhiên, không phải là những người cộng sản không được tổ chức những cuộc biểu tình nhỏ, mà còn phải tận dụng mọi thái độ biểu thị lòng công phẫn của quần chúng dù nhỏ để biến nó thành những phong trào quần chúng lan ra không những khắp cả tỉnh, mà khắp nhiều tỉnh, khắp cả nước nữa, nhằm chuẩn bị dần dần cho quần chúng lao động tiến đến khởi nghĩa vũ trang. Hơn nữa, chúng ta không thể quy định thành nguyên tắc chung là chỉ tổ chức những cuộc biểu tình lớn mà thôi, vì nếu cứ tuân theo nguyên tắc sai lầm đó thì không bao giờ chúng ta có thể tổ chức được biểu tình và thị uy ở các nhà máy nhỏ, các làng xóm nhỏ hoặc ở những nơi ít dân cư.
Chúng ta đừng sợ khủng bố, đừng sợ làm “mệt mỏi” quần chúng, mà phải huy động quần chúng ra đấu tranh chống khủng bố cho kỳ được. Chẳng những chúng ta phải tìm cách giữ vững (như Ban Chấp hành Trung ương đã nói) tinh thần chiến đấu của quần chúng, mà cần phải hoạt động để nâng trình độ chiến đấu của quần chúng lên cao hơn nữa.
__
Chú thích:
40. Đây là nguyên văn câu trích trong một báo cáo của Đảng dịch ra chữ Pháp (H.T.C).
41. Đây nói địa chủ có dưới 100 hécta. Chính quyền Xôviết đã phạm sai lầm rất nặng là không tịch thu ruộng đất của bọn này, những bọn đáng lẽ cũng phải đuổi ra khỏi các làng Xôviết (H.T.C).
42. Như hồi tháng 9-1930, trong khi Ban Chấp hành Trung ương đã căn dặn tất cả các đảng viên đừng tổ chức manh động, thì Xứ ủy Nam Kỳ, nhân ngày kỷ niệm lần thứ 13 Cách mạng Tháng Mười, đã phát hành một tờ truyền đơn kêu gọi binh lính Pháp ở Sài Gòn trong đó có khẩu hiệu: “Hãy tổ chức Xôviết...”. Xôviết là cơ quan khởi nghĩa và cướp chính quyền, cho nên chỉ nên nêu khẩu hiệu này khi có khủng hoảng cách mạng (H.T.C).
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Bình luận truyện