[Việt Nam] Sơ Thảo Lịch Sử Phong Trào Cộng Sản Ở Đông Dương

Chương 6 : Đấu tranh Cách mạng trước tháng 9-1930: Quần chúng lao động đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản (A)

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 19:23 30-09-2018

.
PHẦN THỨ BA ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG (Thống nhất từ ngày 6-1-1930) Chương VI ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG TRƯỚC THÁNG 9-1930 II- QUẦN CHÚNG LAO ĐỘNG ĐẤU TRANH DƯỚI SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN A- Vai trò tiền phong của giai cấp vô sản Một số người nghĩ rằng phong trào khởi nghĩa hồi tháng 9-1930 nổ ra một cách đột nhiên ở miền bắc Trung Kỳ. Đấy là một trong những sai lầm to lớn nhất. Trước phong trào Xôviết đã có một làn sóng bãi công của công nhân và biểu tình của nông dân khá rộng lớn. Phong trào Xôviết hồi tháng 9 sẽ không phát triển rộng lớn như vậy, nếu trong mấy tháng trước đây, Đảng Cộng sản không tích lũy được một số kinh nghiệm nào đó trong công tác động viên, tổ chức và lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Một mặt, với vai trò lãnh đạo của mình Đảng Cộng sản đã đưa lại cho phong trào một phương hướng cách mạng; mặt khác, do kinh nghiệm bản thân, quần chúng lao động đã thấy sự cần thiết phải tham gia đấu tranh cách mạng; mỗi cuộc bãi công hoặc biểu tình thường lại gây nên những cuộc bãi công hoặc biểu tình khác tiếp theo, những thắng lợi bộ phận trong một nhà máy hay tại một làng xã thường là cái đà xuất phát của một loạt phong trào khác, hay là một mối khích lệ tốt nhất để hiệu triệu các tầng lớp lạc hậu khác trong nhân dân lao động đấu tranh. * * * Trước tháng 9-1930, nhiều ủy viên của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta bị bắt, các ủy viên còn lại mỗi người phải phụ trách lãnh đạo nhiều tỉnh trong điều kiện chủ nghĩa đế quốc Pháp khủng bố cực kỳ dã man, các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Trung ương hội họp rất khó; mối liên lạc giữa các cơ quan Đảng thường bị gián đoạn vì những vụ bắt bớ hàng loạt. Hơn nữa, Đảng ta lại còn trẻ, cán bộ lãnh đạo chưa tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong công tác tổ chức và lãnh đạo phong trào cách mạng. Chính vì những lẽ ấy mà Ban Chấp hành Trung ương không thể nào quán xuyến lãnh đạo được toàn bộ phong trào cách mạng trong nước năm 1930 - 1931. Trong bức thư ngỏ ngày 28-5-1931 gửi cho Đảng Cộng sản Đông Dương, Quốc tế Cộng sản đã phân tích phương pháp lãnh đạo phong trào của Ban Chấp hành Trung ương như sau: “Ban Chấp hành Trung ương chưa đủ khả năng nắm cũng như lãnh đạo phong trào kịp thời và đầy đủ, chưa xác định một cách có hệ thống những nhiệm vụ hiện tại của Đảng. Phong trào hoạt động hình như không thấy rõ triển vọng; những người cộng sản hình như không hiểu các nhiệm vụ trước mắt và mục tiêu đấu tranh, các tổ chức địa phương không nghiên cứu đầy đủ những nghị quyết chính xác và cụ thể của Ban Chấp hành Trung ương về vấn đề đó. Những biến cố chủ yếu ở địa phương hoặc có tính chất chung không bao giờ được tổng kết, mặt khác, các tổ chức địa phương của Đảng kết hợp không đầy đủ hoạt động cách mạng của mình và công tác nội bộ Đảng với những nhiệm vụ của Đảng và toàn bộ phong trào”. Ý kiến phân tích một cách bônsơvích này của Quốc tế Cộng sản đặc biệt nhằm vào thời kỳ từ lúc thống nhất Đảng đến phong trào khởi nghĩa tháng 9-1930. Nhưng các đồng chí không thường xuyên theo dõi phong trào cách mạng của Đảng ta, lại có thể tưởng rằng trước thời kỳ khởi nghĩa, tất cả phong trào công nhân và nông dân Đông Dương luôn luôn là tự phát. Đó là một phán đoán sai lầm. Thực vậy, tuy Ban Chấp hành Trung ương không thể lãnh đạo phong trào trong toàn bộ được, nhưng các tổ chức cộng sản địa phương căn cứ vào đường lối chính trị của Đảng đã dẫn đầu quần chúng. Chúng tôi không bao giờ phủ nhận rằng bên cạnh phong trào do Đảng Cộng sản tổ chức, còn có những cuộc đấu tranh tự phát, như trường hợp 400 công nhân Mỹ Tho đưa cho chủ một bản kiến nghị đòi tăng tiền công. Nhưng đến năm 1930 thì đấu tranh tự phát còn lác đác, đấu tranh có tổ chức lại chiếm ưu thế. Sau thất bại của Việt Nam Quốc dân Đảng ở khởi nghĩa Yên Bái, chỉ còn một mình Đảng Cộng sản Việt Nam tồn tại trên vũ đài cách mạng, do đó Đảng là người duy nhất tổ chức quần chúng đấu tranh. Những người cộng sản đều là những người khởi xướng các cuộc bãi công và biểu tình. Chính họ đã diễn thuyết trong các cuộc mít tinh để cổ động mà thu phục quần chúng, đã dẫn đầu trong các cuộc biểu tình để tăng cường lòng tin tưởng và dũng cảm cho các chiến sĩ, chính họ là những đội viên chủ yếu của các đội “cảm tử”; là những người trở về nhà máy sau cùng và luôn luôn có một trật tự sau khi các vụ bãi công thất bại; chính họ là những người bị giết ở hàng đầu trong các cuộc biểu tình. Những khẩu hiệu của các phong trào có tổ chức nói chung, đều do các tổ chức cộng sản chuẩn bị. Những sự kiện đó cũng đủ để nói lên chí khí anh dũng của các đồng chí chúng ta trong các cuộc đấu tranh của quần chúng. Nhờ tinh thần chiến đấu, đức tính tận tụy hy sinh và lòng vị tha của đảng viên mà Đảng đã chinh phục được lòng tin của quần chúng lao động. Tinh thần chiến đấu.....[26] là điều bảo đảm tốt nhất để thuyết phục những người bị bóc lột nhảy vào cục diện đấu tranh chống ách áp bức. Thế là, mặc dù có nhiều nhược điểm và khuyết điểm, Đảng ta đã đóng một vai trò tiền phong lớn lao trong phong trào cách mạng trước tháng 9-1930. Đảng đã đấu tranh chinh phục và giữ vững bá quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản trong phong trào.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
 
Trở lên đầu trang