[Việt Nam] Sơ Thảo Lịch Sử Phong Trào Cộng Sản Ở Đông Dương
Chương 9 : Đảng sau khi các Xô viết ở miền Bắc Trung Kỳ tan rã: Phong trào cách mạng năm 1931
Người đăng: Lịch sử Việt Nam
Ngày đăng: 16:54 15-12-2018
.
PHẦN THỨ BA
ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG
(Thống nhất từ ngày 6-1-1930)
Chương IX
ĐẢNG SAU KHI CÁC XÔVIẾT Ở MIỀN BẮC TRUNG KỲ TAN RÃ
II- PHONG TRÀO CÁCH MẠNG NĂM 1931
Mặc dù tại Hội nghị toàn thể lần thứ nhất, Ban Chấp hành Trung ương đã nhận xét một cách đúng đắn về tính cục bộ của phong trào cách mạng đồng thời nhận thấy cần thiết phải mở rộng phong trào cách mạng ra khắp cả nước, nhưng phong trào năm 1931 vẫn tiếp tục bị thu hẹp trong một vài tỉnh thôi. Trong các thư ngỏ gửi Đảng Cộng sản Đông Dương hồi tháng 5-1931, Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản đã viết về phong trào cách mạng trong nước như sau: “Các đảng bộ địa phương của Đảng đã liên kết một cách không đầy đủ, hoạt động cách mạng của mình và công tác nội bộ Đảng với những nhiệm vụ của Đảng và của toàn bộ phong trào. Người ta không đề cập đến việc giải quyết những vấn đề được đặt ra trên cơ sở những nhiệm vụ cơ bản hiện tại của Đảng và những chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, người ta thường không tìm hết mọi cách để kết hợp và thống nhất phong trào ở một vùng nào đó với cuộc đấu tranh quần chúng ở các vùng khác, với toàn bộ phong trào, các đảng bộ địa phương không chú trọng đúng mức đến việc báo cáo tình hình kịp thời cho Ban Chấp hành Trung ương. Về phương diện tổ chức, vì không lập được một hệ thống liên lạc vững chắc và đều đặn giữa Trung ương và các đảng bộ địa phương, nên công tác không được bảo đảm đều như nhau trong phạm vi toàn quốc.
“Hoạt động yếu kém của Đảng ở các địa phương trên toàn quốc sẽ dẫn đến hậu quả tai hại là phong trào sẽ bị phân tán và yếu đi, các phong trào quần chúng ngay cả những phong trào quan trọng, sẽ không được mở rộng mà chỉ bó hẹp ở những địa phương nhất định. Nhược điểm đó không đảm bảo được sự thống nhất của đường lối chính trị và sự thống nhất hành động của tất cả các tổ chức đảng” (Thư của Quốc tế Cộng sản gửi Đảng Cộng sản Đông Dương).
So với phong trào năm 1930, phong trào cách mạng năm 1931 yếu hơn cả về chất lượng lẫn về số lượng. Phong trào công nhân trở nên rất yếu sau tháng 2-1931, còn phong trào nông dân thì tương đối im lìm từ tháng 8-1931 đến tháng 4-1932.
1. Phong trào công nhân
Để thấy rõ sự lên xuống của phong trào công nhân năm1931, chúng tôi thấy cần phải lập một bảng thống kê chung nho nhỏ như sau:
Qua bảng thống kê trên đây, chúng ta nhận thấy phong trào công nhân mạnh nhất vào tháng 1 và tháng 2 (23 trong tổng số 31 cuộc bãi công và biểu tình). Trái với năm 1930, trong năm 1931 số bãi công nêu yêu sách kinh tế nhiều hơn bãi công chính trị. Năm 1930, bãi công chính trị nổ ra trong tất cả những ngày đấu tranh cách mạng quốc tế, còn năm 1931 thì chỉ có bãi công và mít tinh trong kỷ niệm bảy năm ngày mất của Lênin và một năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Trong những ngày đấu tranh quốc tế khác, hoạt động cách mạng của công nhân chỉ biểu thị bằng rải truyền đơn cộng sản và treo cờ đỏ. Ngoài những cuộc bãi công tự phát có tính chất tự vệ nổ ra hồi tháng 12-1931, các cuộc bãi công khác đều có tổ chức và tấn công. Cuộc bãi công được tổ chức chu đáo nhất là cuộc bãi công của “hãng dầu Xtăngđa và công ty” ở Sài Gòn, 200 công nhân đã bãi công để phản đối tên chủ đánh đập tàn bạo một nữ công nhân; ngoài việc phản đối, công nhân còn đưa một bản yêu sách kinh tế, họ đã tổ chức các đội tự vệ và các đội này đã tước được súng sáu của bọn cảnh sát. Cuộc bãi công kết thúc có thắng lợi phần nào (ba yêu sách được chấp nhận). Ban Chấp hành Trung ương đã phân tích những bài học và các nhược điểm của cuộc bãi công đó. Các đặc điểm khác của phong trào công nhân là: a) cuộc bãi công hãng dầu Xtăngđa đã đưa đến ba cuộc bãi công đoàn kết ủng hộ khác; b) tinh thần chiến đấu của những người bãi công thật là đặc sắc (các thủy thủ tàu Pôn Đume đã bãi công đến ba lần trong vòng một tuần lễ và luôn luôn giành được thắng lợi, công nhân Nhà Bè đã đấu tranh đến bốn lần trong năm 1931.
2. Phong trào nông dân
Khác với phong trào công nhân, phong trào nông dân lại nổi bật về tính chất chính trị (115 trong tổng số 135 cuộc biểu tình, tức là 85% biểu tình chính trị). Số người tham gia biểu tình trung bình mỗi cuộc ước độ 1.000 người (so với 1.537 người trong năm 1930). Năm 1930 có những cuộc biểu tình đông đến 30.000 người. Năm 1931, những cuộc biểu tình lớn không bao giờ đông quá 3.000 người. Để độc giả hình dung được toàn bộ phong trào nông dân năm 1931, chúng tôi lập bảng thống kê tổng quát dưới đây:
Trung bình mỗi cuộc biểu tình đó có 1.007 người tham gia
Sau đây là những nét chủ yếu của phong trào nông dân năm 1931:
Như chúng tôi đã nói, trong thời gian từ tháng 8-1931 đến tháng 4-1932, phong trào nông dân tương đối “im lìm”. Trong dịp ngày mồng 1-8, chỉ có bốn cuộc biểu tình nhỏ nổ ra ở miền bắc Trung Kỳ. Ngày mồng 7 và 11-12-1931, chỉ có một số truyền đơn cộng sản rải ở các làng mạc lẻ tẻ. Trong số 115 cuộc biểu tình chính trị, có 50 cuộc nổ ra nhân những ngày đấu tranh cách mạng quốc tế (28 cuộc trong ngày 21-1, 1 cuộc nhân dịp kỷ niệm Công xã Pari, 14 cuộc ngày mồng 1-5, 3 cuộc ủng hộ cách mạng Trung Hoa và 4 cuộc ngày mồng 1-8).
Tính chất phản đế trong phong trào nông dân năm 1931 nổi hơn tính chất phản phong kiến. Mặc dù nông dân có phần nào đấu tranh chống quan lại, cường hào, chống thuế và địa tô, chúng ta cũng không được quên rằng năm 1931 khẩu hiệu tịch thu ruộng đất công và ruộng đất của địa chủ không được đề ra. Chúng tôi chỉ thấy một cuộc đấu tranh ngày mồng 7-4 tại Cao Lãnh (Sa Đéc) đòi hủy bỏ địa tô và trong vụ này tá điền đã giết mụ địa chủ Lê Quang Hiền.
Còn số các cuộc tấn công vũ trang vào trụ sở hương chức, các huyện lỵ và đồn lính thì rất nhiều. Tất cả những vụ tấn công ấy, nói chung, đều do bọn quan lại và cường hào khiêu khích gây nên, bọn chúng đã cưỡng bách nông dân lao động đầu thú, song những người nhà quê, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, đã phản công để trả lời lại. Do đó, ta hiểu được vì sao ngày mồng 2-1 nông dân đã giết tên tri huyện Nghi Lộc (huyện này trước đây đã Xôviết hoá), tấn công nhiều lần vào các đồn lính Chu Lệ, Đô Lương, đốt trụ sở các làng, phá nhà của bọn cường hào và địa chủ, giết bọn cường hào. Trong năm 1931, có tất cả 672 người biểu tình bị giết (345 người bị giết hồi tháng 4). Những cuộc biểu tình đó diễn ra lẻ tẻ ở các địa phương nhưng có tổ chức hơn và vũ trang đầy đủ hơn năm 1930. Ngày 14-4-1931, rất đông người đã đi biểu tình tại Lai Thạch và Lạc Thiện (Hà Tĩnh), họ đều có vũ trang và tổ chức rất chu đáo. Trong nhiều giờ quân lính chính phủ không dám tiến lại gần địa điểm biểu tình. Những người biểu tình đã áp dụng chiến thuật du kích và kiên trì chống cự lại quân lính đế quốc.
...
Năm 1931, công tác binh vận được tăng cường hơn nhưng một vài đảng bộ địa phương vẫn chưa biết phải làm như thế nào đối với binh lính để lôi kéo họ về phía cách mạng.
Tại miền bắc Trung Kỳ, đôi lúc một vài đảng viên đã tổ chức đánh vào một số cá nhân binh lính, cho nên ở một vài nơi binh lính đã căm thù công nhân và nông dân, và đã gây ra đổ máu. Xứ ủy Trung Kỳ đã phê phán thật nghiêm khắc thái độ sai lầm ấy đối với binh lính.
Nói chung, các cuộc biểu tình đều bị chủ nghĩa đế quốc Pháp dìm trong máu, nhưng tại nhiều nơi lại giành được thắng lợi. Tại Ninh Bình, thuế khoá được hoàn lại, ở Chinh Vi (Nghệ An), mấy vụ tăng thuế đều phải bãi bỏ. Tại Nghệ An, nông dân đã tịch thu của cải (lúa gạo, tiền bạc) của hơn 20 cường hào và địa chủ.
3. Sự tham gia của các tầng lớp tiểu tư sản, những người lao động chưa được tổ chức và các dân tộc ít người
Giống như năm 1930, năm 1931 cũng có nhiều tầng lớp tiểu tư sản bị bóc lột nhất tích cực tham gia phong trào cách mạng. Chúng ta thấy có nhiều trường hợp tiểu thương buôn thúng bán mẹt đã bãi thị và mít tinh. Bồi bếp và phu xe ở Lào, công nhân nông nghiệp ở tỉnh Cờrachiê Cao Miên đã bãi công. Năm 1931 công nhân Hoa kiều đã sát cánh đấu tranh với anh chị em đồng nghiệp Đông Dương. Ngày 26-3-1931, Nam Kỳ 1.500 tiểu thương Hoa kiều đã trả môn bài lại cho chính phủ để phản đối tăng thuế.
4. Tuyên truyền và cổ động cách mạng
Khác với năm 1930, như đã nói ở trên, ngày 7-11 và ngày 11-12-1931 không có biểu tình và mít tinh, chỉ có truyền đơn rải lẻ tẻ ở một vài vùng. Trong năm tháng đầu năm 1931, Đảng đã phát động nhiều chiến dịch chính trị chống lại chiến dịch “quy thuận” cưỡng bách của bọn đế quốc, kỷ niệm ngày mất của Lênin, Các Lípnếch và Rôda Lúcxămbua (ngày 21-1, kỷ niệm Yên Bái (ngày 9-2) ngày Phụ nữ quốc tế (8-3), Công xã Pari và ngày Quốc tế cứu tế đỏ (18-3) và kỷ niệm ngày 1-5. Trong những dịp này (trừ dịp chiến dịch quy thuận và kỷ niệm Yên Bái), Đảng đã chuẩn bị những bản tuyên ngôn chính trị để phát cho quần chúng đông đảo.
Chúng tôi đã nói đến chiến dịch của Đảng chống lại chiến dịch “quy thuận” do bọn hào lý tổ chức.
Ý nghĩa của cuộc đấu tranh chính trị trong dịp kỷ niệm ngày mất của Lênin, Lípnếch và Rôda Lúcxămbua là như thế nào?
Đảng ta đã tuyên truyền rộng khắp trong đông đảo quần chúng sự nghiệp cách mạng của ba chiến sĩ vĩ đại ấy của giai cấp vô sản. Đặc biệt, Đảng đã nhấn mạnh vai trò to lớn của Lênin trong phong trào cách mạng thế giới, giải thích Lênin đã phát triển chủ nghĩa Mác trong thời đại của chủ nghĩa đế quốc và cách mạng vô sản thế giới như thế nào, chỉ rõ Lênin đã tổ chức Đảng Bônsơvích, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội và chống chiến tranh đế quốc như thế nào, lãnh đạo giai cấp vô sản Nga cướp chính quyền và tổ chức Quốc tế thứ ba như thế nào. Trong những luận cương và lời hiệu triệu của mình Đảng đã nêu bật tầm quan trọng của sách lược lêninnít về quyền tự quyết của các dân tộc bị áp bức, lý luận về sự chuyển biến của cách mạng tư sản dân chủ thành cách mạng xã hội chủ nghĩa, và lý luận về sự phát triển của các nước thuộc địa không qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa. Chiến dịch ba L [56] do Đảng tiến hành không những chỉ nhằm mục đích tuyên truyền rộng rãi chủ nghĩa Lênin trong đông đảo quần chúng lao động trong nước. Đảng ta đã biết gắn liền chặt chẽ nhiệm vụ đó với nhiệm vụ tuyên truyền những thắng lợi của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, bảo vệ xứ sở của chuyên chính vô sản, chống lại sự can thiệp vũ trang của các chính phủ tư bản, đấu tranh chống chiến tranh đế quốc.
Nhân dịp kỷ niệm lần thứ nhất cuộc khởi nghĩa Yên Bái, Đảng ta đã phát động một chiến dịch chính trị. Ban Chấp hành Trung ương của chúng ta đã giải thích trước cho quần chúng lao động hiểu rõ là kỷ niệm cuộc khởi nghĩa đó, không có nghĩa là chúng ta tán thành đường lối chính trị không triệt để của Việt Nam Quốc dân Đảng hoặc chúng ta muốn tái diễn lại một cuộc bạo động như thế. Chính vì Yên Bái là một phong trào chống đế quốc nên ngày 9-2-1930 là một ngày tàn sát đẫm máu chưa từng thấy của phía chủ nghĩa đế quốc Pháp; vì khởi nghĩa Yên Bái đem lại nhiều bài học cho Đảng Cộng sản và quần chúng lao động và đó là một việc làm rất đúng. Ban Chấp hành Trung ương đã phân tích một cách tỉ mỉ ba bài học chủ yếu của cuộc khởi nghĩa đó: a) nó nổ ra một cách đơn độc, kém chuẩn bị và kém tổ chức;
b) Việt Nam Quốc dân Đảng cho rằng lực lượng cách mạng chỉ là một tầng lớp các nhà cách mạng trung thành chứ không phải là quần chúng lao động; c) Việt Nam Quốc dân Đảng là một đảng cách mạng tiểu tư sản không triệt để và không giải quyết được những vấn đề cơ bản của cách mạng Đông Dương, trước hết là cách mạng ruộng đất. Ban Chấp hành Trung ương đã kết luận rằng chỉ có Đảng Cộng sản là có khả năng giải phóng quần chúng lao động khỏi ách đế quốc và phong kiến.
Nhân dịp ngày 9-3 và 1-5, trên các tuyên ngôn và báo chí của mình, Đảng ta đã nhấn mạnh đến sự cần thiết của tình đoàn kết cách mạng giữa những người lao động Đông Dương. Cần nhắc lại là trong những ngày này, Đảng đã đề ra các khẩu hiệu chủ yếu sau đây: Đả đảo chủ nghĩa đế quốc Pháp! Đả đảo bọn quan lại, địa chủ và cường hào! Đả đảo khủng bố trắng! Đả đảo chiến tranh đế quốc! Bảo vệ Liên Xô! Đảng đã luôn luôn tuyên truyền rộng khắp sự nghiệp của Liên Xô bằng cách đem so sánh nó với tình cảnh khốn khổ của những người lao động Đông Dương. Trong khi đề lên các khẩu hiệu chính trị chung, Đảng không bao giờ quên nhắc nhở các tổ chức cơ sở của mình đem những yêu sách chính trị gắn liền chặt chẽ với các yêu sách kinh tế cơ bản nhất của các tầng lớp lao động.
Năm 1930, Đảng ta đã cho rải truyền đơn khắp nơi chống cuộc đi thăm Đông Dương của tên Toàn quyền Nam Dương và tên quốc gia cải lương Ấn Độ Tagorơ. Năm 1931, Đảng ta cũng rải truyền đơn nhân lúc tên Toàn quyền Philíppin (tháng 3) và tên Bộ trưởng Thuộc địa Pôn Râynô (tháng 10) đến Đông Dương.
Sau Hội nghị toàn thể lần thứ nhất của Ban Chấp hành Trung ương, Đảng ta đã xuất bản hai tờ báo là cơ quan trung ương: Cộng sản (2.000 số), Cờ vô sản (3.000 số). Các tờ báo địa phương như: Lao khổ ở Trung Kỳ và Tin đấu tranh ở Trung Kỳ, Bắc Kỳ, Cờ đỏ ở Nam Kỳ,Lao động, cơ quan của công hội Nam Kỳ, v.v. thường phát hành trên 3.000 số ở Trung Kỳ và hơn 2.000 số ở Nam Kỳ. Đảng còn cho ấn hành các tờ báo xí nghiệp như Simoong ở Hải Phòng.
5. Công tác binh vận
Đảng ta luôn luôn quan tâm đến vấn đề tổ chức binh lính, nhưng năm 1930, chúng ta chưa có báo riêng cho binh lính, thỉnh thoảng đọc được tờ báo chống quân phiệt - Giác ngộ. Tờ báo này đã vạch rõ cho binh lính tình cảnh khổ cực của họ, trình bày cho họ hiểu những điều kiện sinh hoạt vật chất và chính trị tốt đẹp của các chiến sĩ Hồng quân ở Liên Xô và Trung Hoa Xôviết, chỉ cho họ thấy sự cần thiết phải đấu tranh cách mạng, nhưng tờ báo lại chứa toàn là tư tưởng yêu nước. Chúng ta gặp nhiều trường hợp binh lính đồng tình với cách mạng trong năm 1930. Ngày 1-8-1930, một bộ phận binh lính ở Xoài Hột (Mỹ Tho) đã đồng tình với những người biểu tình. Cùng ngày ấy, tại các nơi khác, binh lính đã biểu lộ cảm tình của mình đối với những người biểu tình đến nỗi bọn sĩ quan không dám ra lệnh bắn. Tháng 9, trong thời kỳ khởi nghĩa, binh lính đã biểu đồng tình với những người khởi nghĩa ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh, Vinh, Thanh Chương, Nam Đàn. Tại Hà Tĩnh một cai ngục và một lính đã tự tử vì bị tố cáo đã vận động cách mạng trong quân đội; tại Phú Thọ, một người cai đã lấy bốn khẩu súng và tổ chức cho 15 tù chính trị trốn thoát. Năm 1930, có một cuộc biểu tình của 200 lính Pháp thuộc Trung đoàn thuộc địa thứ 2 tại Sài Gòn. Tháng 9, một lính lê dương Đức rải truyền đơn cộng sản tại Vinh. Tại Đáp Cầu, binh lính lấy súng trong trại đem cho những người cách mạng. Đấy là những kết quả tốt đẹp nhất trong công tác binh vận của Đảng ta. Nhưng công tác binh vận còn quá yếu, vì thế cho nên phần đông binh lính còn là đao phủ của phong trào cách mạng. Ban Chấp hành Trung ương đã thấy thiếu sót đó và đã chỉ thị cho tất cả các tỉnh ủy phải tìm đủ mọi cách gần gũi binh lính để giáo dục, tổ chức và lôi kéo họ vào cuộc đấu tranh. Vì thế, từ tháng 12-1930, Đảng ta đã cho xuất bản tờ báo Kêu gọi lính, được binh lính rất hoan nghênh. Truyền đơn được rải ngày càng tăng nhiều trong binh lính bản xứ, Pháp và thuộc địa. Như vậy là công tác binh vận có được đẩy mạnh, nhưng Đảng ta cũng còn phạm một số sai lầm trong công tác này.
Đáng lý phải nhắc nhở những người bị động làm tốt công tác tuyên truyền và tổ chức trong quân đội, để quay súng lại khi thời cơ quyết định đến sẽ bắn vào bọn đế quốc đã bắt mình đi lính, Xứ ủy Nam Kỳ lại mở một chiến dịch tuyên truyền chống bắt lính, rải rất nhiều truyền đơn để tẩy chay chống bắt lính tại Chợ Lớn, Gia Định, Sài Gòn, Gò Công, v.v.. Ngay tại Rạch Kiến (Gò Công), đảng bộ địa phương cũng tổ chức một cuộc biểu tình lớn phá hủy trụ sở hương chức, đốt cháy văn khố lưu trữ để tránh việc bắt lính. Dĩ nhiên, việc tẩy chay quân dịch đó đã thu được một số kết quả: 60 lính thuộc Trung đoàn pháo thủ thuộc địa thứ 5 đã đào ngũ hồi tháng 6-1930, trước lúc xuống tàu sang Pháp.
Tuy kết quả như vậy nhưng chúng ta vẫn thấy khẩu hiệu tẩy chay quân dịch là một khẩu hiệu của bọn hoà bình “cấp tiến” và bọn xã hội dân chủ “tả phái”, chứ không phải của Đảng Cộng sản. Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VI đã nói rằng: a) từ chối quân dịch là một khẩu hiệu ảo tưởng làm suy yếu cuộc đấu tranh thực sự chống chiến tranh đế quốc; b) nếu “việc tẩy chay của đông đảo quần chúng có phần nào thành công đi chăng nữa thì kết quả là trong quân đội sẽ không có những công nhân kiên định nhất, giác ngộ nhất. Nếu những công nhân và nông dân tiên tiến không có ở trong quân đội, thì công tác binh vận của những người cách mạng sẽ không hoàn thành".
Tuy vậy Quốc tế Cộng sản cũng nói trước rằng trong khi đấu tranh chống khẩu hiệu tẩy chay, một khẩu hiệu tác hại và gây nhiều ảo tưởng, thì Đảng Cộng sản lại không được tiến hành cổ động khuyến khích quần chúng lao động gia nhập quân đội tư sản. Nhiệm vụ của chúng ta là làm cách mạng và tổ chức quần chúng trong quân đội đế quốc, vũ trang cho những người lao động, biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến.
Chú thích:
55. Bản tiếng Pháp của tác giả viết là chín cuộc thắng lợi, cộng đúng thì là năm cuộc thắng lợi (B.T).
56. Ba L là ba lãnh tụ vĩ đại của phong trào cách mạng thế giới có tên bắt đầu bằng chữ L = Các Lípnếch, Rôda Lúcxămbua và Vlađimia Ilích Lênin (B.T).
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Bình luận truyện