[Việt Nam] Sơ Thảo Lịch Sử Phong Trào Cộng Sản Ở Đông Dương

Chương 6 : Đấu tranh Cách mạng trước tháng 9-1930: Những bài học của cuộc khởi nghĩa Yên Bái

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 19:23 30-09-2018

PHẦN THỨ BA ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG (Thống nhất từ ngày 6-1-1930) Chương VI ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG TRƯỚC THÁNG 9-1930 I- NHỮNG BÀI HỌC CỦA CUỘC KHỞI NGHĨA YÊN BÁI Yên Bái là đỉnh cao nhất hoạt động của đảng dân tộc cách mạng trong những năm gần đây. Yên Bái thất bại, Đảng Cộng sản Việt Nam vừa mới thống nhất bước lên vũ đài cách mạng và từ đấy là chính đảng duy nhất lãnh đạo các giai cấp bị bóc lột tiến hành đấu tranh cách mạng. Yên Bái bị dìm trong biển máu, nhưng những bài học của Yên Bái đã giúp cho Đảng Cộng sản học tập và tránh được những sai lầm về sách lược của nó trong hoạt động hằng ngày của mình, mặt khác, cũng giúp cho quần chúng thấy đảng nào là đảng thực sự kiên quyết bảo vệ lợi ích của các tầng lớp bị bóc lột. Đại để dưới đây là những bài học chủ yếu của khởi nghĩa Yên Bái: a) Những người dân tộc cách mạng đã tổ chức một cuộc khởi nghĩa mà không chú ý xem trong nước đã có tình thế cách mạng hay chưa. Trên thực tế Việt Nam Quốc dân Đảng đã “đùa với khởi nghĩa” vì sau khi Yên Bái thất bại, các vị lãnh tụ của nó đã tuyên bố “chúng tôi biết trước chắc chắn là cuộc khởi nghĩa sẽ thất bại, nhưng chúng tôi vẫn cứ làm bởi vì chúng tôi biết rằng nhất định chúng tôi phải làm như thế!”. Thế là Việt Nam Quốc dân Đảng không biết “lựa chọn thời cơ để có thể đánh được miếng đòn quyết định, lựa chọn thời cơ để khởi nghĩa, nghĩa là lựa chọn lúc mà khủng hoảng đã gay gắt đến cực độ, lúc đội tiền phong, dựa chắc vào lực lượng dự bị, đã sẵn sàng chiến đấu đến cùng, lúc hàng ngũ của kẻ thù hỗn loạn hơn bao giờ hết (Xtalin: Những vấn đề của chủ nghĩa Lênin). Cuộc khởi nghĩa tổ chức kém. Nó chỉ thu hẹp ở Yên Bái và ở tỉnh lỵ một số tỉnh lân cận. Song tất cả mọi hoạt động khởi nghĩa tại các tỉnh lỵ đó chỉ là đặt mấy quả bom trước các cơ quan hành chính. Các lãnh tụ cách mạng dân tộc suy nghĩ một cách ngây thơ rằng lúc bọn thực dân Pháp đã bị giết chết rồi thì họ có thể chiếm các trại lính và thành phố mà không hao tổn gì cả. Chính những phong trào bị thu hẹp trong vài địa phương, mà lại không nổ ra đồng thời với nhau nữa. Yên Bái đã bị đàn áp, các người lãnh đạo đã bị giết hoặc bị bắt, nhưng năm, sáu ngày sau một vài cuộc nổi dậy khác nhỏ bé hơn là không quan trọng vẫn còn nổ ra. Thế là phong trào không được phối hợp chặt chẽ, các lực lượng cách mạng thì phân tán, và điều đó đã giúp cho bọn đế quốc Pháp với sự hỗ trợ của bè lũ tay sai bản xứ, tiến hành đàn áp phong trào một cách dễ dàng. b) Binh lính khởi nghĩa đã biểu lộ một tinh thần dũng cảm đáng nêu gương suốt trong thời gian khởi nghĩa cũng như trước toà án. Nhờ có 200 binh sĩ tham gia, thành Yên Bái và trại lính đã lọt được vào tay những người cách mạng trong vòng mấy tiếng đồng hồ, nhưng cũng vì chưa tranh thủ được tất cả binh lính ngả về phía cách mạng mà một bộ phận binh lính không tham gia khởi nghĩa đã bắn vào bộ phận kia và làm cho cuộc khởi nghĩa thất bại nhanh chóng. Những sự kiện đó cho những người cộng sản thấy rằng cần phải tiến hành công tác binh vận một cách có hệ thống nhằm thu phục binh lính vào mặt trận cách mạng. Cuộc khởi nghĩa đã nói lên là nếu không có sự giúp đỡ của binh lính thì rất khó mà giành và giữ chính quyền. Việc 200 binh lính tham gia khởi nghĩa tại một thành phố nhỏ bé như Yên Bái chỉ rõ cho những người cộng sản biết họ có thể làm tốt công tác binh vận. c) Chẳng những Việt Nam Quốc dân Đảng không biết dựa vào quần chúng, mà còn không thể lôi cuốn quần chúng nữa. Họ tưởng chỉ cần một nhóm đảng viên trung thành của Đảng cũng đủ để làm cách mạng, vì vậy họ đã giấu kín quần chúng công việc chuẩn bị khởi nghĩa, ngay cả mục đích của khởi nghĩa họ cũng không phổ biến công khai trong quá trình của phong trào để tranh thủ sự ủng hộ của các giai cấp bị áp bức. Họ không biết rằng những động lực của cách mạng Đông Dương đều nằm ngay ở trong nước. Họ không thấy công nhân và nông dân là những người đào hố trực tiếp chôn vùi chế độ phong kiến, đế quốc ở Đông Dương, vì thế họ đã mưu đồ cầu viện các chính phủ Xiêm, Lào và Quốc dân Đảng Trung Hoa để đánh đổ chủ nghĩa đế quốc Pháp. Họ không hiểu tầm quan trọng của công tác quần chúng trong xí nghiệp và ở nông thôn. d) Mặc dù Việt Nam Quốc dân Đảng là một đảng tiểu tư sản nói chung, nhưng nó lại bảo vệ chẳng những lợi ích của giai cấp tư sản bản xứ, mà cả lợi ích của bè lũ quan lại, cường hào và địa chủ nữa. Mục đích của họ là đánh đổ chủ nghĩa đế quốc Pháp để cho giai cấp thống trị bản xứ hiện nay có thể dễ dàng bóc lột những người lao động trong nước hơn. Những người cách mạng dân tộc không nêu một khẩu hiệu nào nhằm bảo vệ lợi ích của công nhân và nông dân, nhưng họ lại tuyên bố không đụng chạm đến địa chủ, nhà chung và tài sản của giai cấp tư sản. Thế là những người cách mạng dân tộc chỉ đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chứ không làm cách mạng ruộng đất. e) Thái độ của các lãnh tụ cách mạng quốc gia sau cuộc khởi nghĩa chứng tỏ cho quần chúng lao động biết rằng Việt Nam Quốc dân Đảng là một tổ chức cách mạng không kiên định. Ngay cả lãnh tụ của Đảng là Nguyễn Thái Học trước khi lên máy chém, cũng đã gửi cho nghị viện một bức thư nói rằng sở dĩ những người cách mạng dân tộc khởi nghĩa, chính là vì họ đã bị mê hoặc khi các ngài toàn quyền “thuộc phái tự do” hứa hẹn những điều cải cách mà không thực hiện. Thế là, theo Học, chỉ cần ban cho các giai cấp thống trị bản xứ một số cải cách thì như vậy sẽ không có cách mạng nữa. Thế là vị lãnh tụ dân tộc chủ nghĩa nổi bật nhất, trong khi phải chết vì sự nghiệp cách mạng Đông Dương cũng đã ngã vào con đường cải lương, một lập trường không triệt để như thế cũng đủ để tỏ cho những người lao động thấy rằng “công nông càng gần đến thắng lợi thì ranh giới giai cấp càng rõ ràng, giai cấp tư sản Đông Dương ngày càng yêu cầu chủ nghĩa đế quốc dẹp tan phong trào công nông và các tổ chức cách mạng dân tộc chủ nghĩa càng nhanh chóng mất hết mọi dấu vết cuối cùng của tinh thần cách mạng và sẽ chuyển qua lập trường của chủ nghĩa dân tộc cải lương” (Cương lĩnh hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương 1932). f) Qua cuộc khởi nghĩa Yên Bái, quần chúng đã có thể hiểu rõ sự phản bội của chủ nghĩa dân tộc cải lương và chủ nghĩa đế quốc xã hội. Trong lúc các dân biểu người Việt ở Bắc Kỳ bắt những người cách mạng giao cho chính phủ đế quốc thì phân bộ Đảng Xã hội Pháp ở Bắc Kỳ đã đòi áp dụng những biện pháp kiên quyết đối với những người khởi nghĩa. Bọn đế quốc xã hội đã tỏ tình anh em với cảnh sát. Báo Le Petit populaire ở Bắc Kỳ đã viết về vấn đề này của chúng: “Hôm qua, bạn Xanh Giơni của chúng ta, đội trưởng cảnh sát, đã bị bọn côn đồ làm bị thương tại cầu Đume [25]. Phải thẳng tay vây bắt, truy nã bọn thủ phạm, không chút thương hại”. Một công nhân Pháp phản đối sự phản bội của phân bộ Đảng Xã hội tại Bắc Kỳ, đã bị đuổi. Cả bọn dân tộc cải lương ở Trung Kỳ cũng như ở Nam Kỳ, đều không dám lên tiếng bênh vực những người cách mạng, trái lại, còn không tiếc lời chửi rủa họ. g) Ngay sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái, Đảng Cộng sản Pháp, Hội Quốc tế cứu tế đỏ và phân hội Pháp của nó, Liên đoàn chống đế quốc quốc tế, v.v. đã huy động quần chúng đông đảo ủng hộ cách mạng Đông Dương. Tình đoàn kết cách mạng thực sự đó của những người lao động quốc tế là một bằng chứng hiển nhiên tỏ rõ cho những người lao động Đông Dương biết là họ luôn luôn được các giai cấp bị áp bức trên toàn thế giới ủng hộ. Tình đoàn kết quốc tế đó sau này đã khích lệ tinh thần cách mạng của những người bị bóc lột đang nổi dậy ở Đông Dương. Tuy không tránh khỏi thiếu sót và sai lầm vì hệ tư tưởng và sách lược của chính đảng lãnh đạo nó đề ra - đó là điều dĩ nhiên - cuộc khởi nghĩa Yên Bái là một biến cố có một tầm quan trọng cách mạng không thể chối cãi. Kể từ sau trận chiến tranh đế quốc, đây là cuộc vũ trang nổi dậy quy mô lớn của những người lao động Đông Dương chống chủ nghĩa đế quốc Pháp. Đúng là phong trào công nông rộng lớn nổ ra năm 1930 - 1931 sau Yên Bái đã chín muồi trước Yên Bái, nhưng thực ra, chính cuộc nổi dậy ở lưu vực sông Hồng đã thúc đẩy phong trào rộng lớn đó, đã làm mồi lửa đốt cháy lò lửa cách mạng to lớn ấy. Và chính với ý nghĩa đó mà cuộc khởi nghĩa này đáng được chúng ta quan tâm và xứng đáng được ghi lên những trang sử quang vinh của phong trào giải phóng dân tộc ở Đông Dương. * * * Thái độ của Đảng Cộng sản Việt Nam chúng ta đối với cuộc khởi nghĩa Yên Bái như thế nào? Tuy Hội nghị thống nhất họp ngày 6-1-1930, nhưng công cuộc thống nhất thực sự đã diễn ra trong suốt cả tháng 2. Những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương cũ biết rõ công việc chuẩn bị của cuộc khởi nghĩa Yên Bái, nhưng họ đã tỏ ra bàng quan đối với phong trào này. Họ không biết giải thích cho những người cách mạng dân tộc hiểu rõ là cuộc khởi nghĩa còn thiếu những điều kiện khách quan cần thiết và hiểu rõ mối nguy cơ của tư tưởng manh động. Chính vì thái độ bàng quan cơ hội chủ nghĩa đó của những người cộng sản mà đảng dân tộc cách mạng không muốn thông báo cho họ về ngày khởi nghĩa. Đi bào chữa cho lập trường cơ hội chủ nghĩa đó, các đồng chí lãnh đạo hồi ấy viện lý do là Đảng đang bận rộn về nhiệm vụ thống nhất, do đó họ không thể nghĩ đến mọi biến cố quan trọng như thế mà lại chuẩn bị không cho họ biết. Lịch sử luôn luôn lên án sai lầm đó của các đồng chí chúng ta. Trong thời gian khởi nghĩa, Đảng Cộng sản không kêu gọi những người lao động ủng hộ Yên Bái, và ngay báo chí của Đảng cũng không có một tin tức nào về phong trào Yên Bái cả. Chỉ sau khi đế quốc Pháp đã đốt cháy làng mạc và gây nên những tội ác tày trời, những người cộng sản mới tổ chức các cuộc mít tinh để học tập những bài học của Yên Bái và bảo vệ những người dân tộc cách mạng chống khủng bố trắng. Cần nói thêm một cách thành thật là các cuộc mít tinh đó đều chỉ dành riêng cho những người cộng sản, do đó không bổ ích gì cho quần chúng ngoài Đảng. Những bài báo viết về Yên Bái sau thất bại đều non yếu vì không phân tích những mặt tích cực và tiêu cực của cuộc khởi nghĩa. Tuy nhiên mặc dầu có sai lầm, những người cộng sản là những kẻ duy nhất đứng ra bảo vệ những người dân tộc cách mạng chống sự đàn áp của đế quốc. Còn phân bộ Đảng Xã hội ở Bắc Kỳ thì yêu cầu áp dụng những biện pháp kiên quyết đối với những người khởi nghĩa; giai cấp tư sản bản xứ thông qua bọn “dân biểu” đã cho bắt những người khởi nghĩa giao lại cho đế quốc Pháp. Ngay sau khi chiến hạm Waldek Rousseau cập bến cảng Hải Phòng, những người cộng sản đã cho phân phát hàng trăm truyền đơn ký tên “Hội binh sĩ cách mạng” trong đám thủy thủ nhằm tranh thủ tình cảm của họ. Những truyền đơn đó đã có ảnh hưởng tốt đến những người thủy thủ Pháp, nhiều người đã tỏ cảm tình với cách mạng Đông Dương. Một sự kiện khác cho chúng ta biết là một số binh lính khởi nghĩa ở Yên Bái chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản. Báo chí Đông Dương hồi đó có thuật lại rằng những người khởi nghĩa đã treo cờ đỏ, hát Quốc tế ca trước lúc đầu hàng.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang