[Việt Nam] Sơ Thảo Lịch Sử Phong Trào Cộng Sản Ở Đông Dương

Chương 10 : Giai đoạn hiện tại: Cương lĩnh hành động của Đảng và những nhiệm vụ trước mắt

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 17:02 15-12-2018

.
PHẦN THỨ BA ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG (Thống nhất từ ngày 6-1-1930) Chương X GIAI ĐOẠN HIỆN TẠI IV- CƯƠNG LĨNH HÀNH ĐỘNG CỦA ĐẢNG VÀ NHỮNG NHIỆM VỤ TRƯỚC MẮT Đế quốc càng tăng cường đàn áp, thì những bạn đường của chúng ta len lỏi được vào Đảng ta trong thời kỳ cao trào cách mạng, càng bộc lộ rõ hơn hệ tư tưởng dao động của họ, tư tưởng của chính giai cấp tiểu tư sản mà họ xuất thân. Họ không tin tưởng vào lực lượng cách mạng của quần chúng, vào vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản, vào thắng lợi tất yếu của cách mạng, do đó họ hay kêu ca khi gặp thất bại và bị khủng bố. Những phần tử thủ tiêu chủ nghĩa và tập đoàn tờrốtxkít phản cách mạng đều bất lực không thể đánh giá đúng đắn giai đoạn hiện tại của phong trào cách mạng và vạch ra những nhiệm vụ đúng đắn, phù hợp với tình hình. Họ cứ tưởng rằng phong trào cách mạng phát triển theo con đường thẳng tắp, chứ không phải theo con đường ngoằn nghèo, cho nên khi gặp thất bại, họ không ngớt miệng kêu la “cách mạng đã đến lúc thoái trào, những cố gắng của chúng ta đã thất bại thật sự, nội bộ giai cấp công nhân đã nứt rạn sâu sắc, Đảng đã sa vào nguy cơ diệt vong hoàn toàn trong một thời kỳ lịch sử lâu dài”. Họ đã đi đến chỗ vu khống rằng chính Đảng ta đã tổ chức chiến dịch “quy thuận”. Họ xem ngay những cuộc khởi nghĩa ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi và những cuộc biểu tình lớn của quần chúng nổ ra ngày 1-5-1931 như "những mưu đồ tuyệt vọng nhằm phục hồi phong trào”, trong khi ấy, Đảng ta nhận định đó là những đỉnh cao của cuộc đấu tranh cách mạng kể từ năm 1930 trở đi. Đảng ta đã đấu tranh chống lại những luận điệu sai lệch của bọn thủ tiêu ở trong Đảng và của bọn tờrốtxkít phản cách mạng. Đảng ta luôn cho rằng “bọn thủ tiêu và bọn luôn mồm kêu ca đều là những kẻ nối giáo cho kẻ thù”, rằng “nếu có xảy ra thất bại từng phần trong quá trình đấu tranh cách mạng thì những thất bại đó đều là những bài học có tác dụng giáo dục quần chúng, và thắng lợi cuối cùng của cách mạng nhất định sẽ đến”. Đảng ta không hề ca thán khi gặp thất bại. Sự thật “bằng chính sách khủng bố trắng trợn của mình, chủ nghĩa đế quốc đã phá được trong một thời gian các tổ chức của phong trào quần chúng” (Cương lĩnh hành động của Đảng Cộng sản). Nhưng Đảng ta luôn luôn ghi nhớ rằng “để đánh giá công tác cách mạng, không phải chỉ căn cứ vào kết quả trước mắt của nó mà phải căn cứ vào cả việc nó đã tranh thủ được một số đông quần chúng như thế nào hoặc tranh thủ được một thái độ đồng tình để tham gia hành động chính trị phối hợp như thế nào. Có thể là chúng ta chưa đạt ngay kết quả đó: Đảng ta là một chính đảng vô sản có tổ chức, và vì lẽ ấy, chúng ta không được nản chí, ngã lòng khi gặp những thất bại tạm thời. Ngược lại, chúng ta phải tiến hành công tác một cách bền bỉ, liên tục kiên quyết, ngay cả trong những điều kiện khó khăn nhất” (Lênin). Noi gương Đảng Bônsơvích, Đảng ta đã phê phán thật nghiêm khắc những sai lầm, thiếu sót của mình, hết sức quan tâm học tập những bài học bổ ích nhất trong công tác đã qua. Cương lĩnh hành động của Đảng ta công bố năm 1932 chứng tỏ Đảng ta quyết tâm sửa chữa mọi sai lầm của mình, quyết tâm lãnh đạo cuộc đấu tranh của quần chúng lao động một cách kiên quyết và có tổ chức hơn. * * * Cương lĩnh hành động của Đảng là một văn kiện lêninnít chân chính. Đường lối chính trị đúng đắn, phân tích sâu sắc tình hình kinh tế, chính trị và xã hội ở Đông Dương, quy định cụ thể những nhiệm vụ cơ bản và trước mắt của cách mạng Đông Dương, những điều đó chứng minh Đảng Cộng sản chúng ta đã được bônsơvích hoá trong đấu tranh và bằng đấu tranh. Những thắng lợi về sau này của công cuộc bônsơvích hoá phần lớn tùy thuộc vào cách thức mà Đảng ta thực hiện cương lĩnh hành động đó trong quần chúng. Sau khi phân tích chính sách của chủ nghĩa đế quốc Pháp ở Đông Dương, cương lĩnh đã đề cập đến vấn đề quan hệ giai cấp. Về vấn đề này, Đảng ta viết: “Như những con đỉa đói, chúng (bọn đế quốc) hút máu xứ sở khốn cùng của chúng ta, máu nhân dân Đông Dương để nuôi béo bọn chúng. Bọn đế quốc thoả thuận dành một phần của cải cướp bóc cho lũ vua chúa Việt Nam, Cao Miên và Lào, cũng như bọn địa chủ, cường hào và quan lại. Bằng cách dựa vào bè lũ phong kiến đồng thời tìm cách nâng đỡ bọn này bọn thực dân củng cố tất cả mọi lực lượng của ách phong kiến và nạn cho vay nợ lãi, cùng với bọn chúng ra sức vơ vét Đông Dương. Tư sản bản xứ, dù chỉ là một tầng lớp mỏng manh trong nước, cũng xâu xé được một phần của cải cướp bóc. Tuy có mâu thuẫn ít nhiều với chủ nghĩa đế quốc Pháp, nó vẫn trở thành bạn đồng minh của chủ nghĩa đế quốc Pháp trong cuộc đấu tranh chống lại phong trào cách mạng của quần chúng. Gắn liền với tầng lớp đại địa chủ, bọn tư sản dân tộc cải lương thoả hiệp với đế quốc Pháp bất chấp lợi ích của nhân dân lao động Đông Dương”. Sau đấy, Đảng ta chứng minh rằng giai cấp công nhân là giai cấp duy nhất trung thành với đấu tranh cách mạng, giai cấp duy nhất có thể và phải nắm giữ vai trò bá quyền lãnh đạo cuộc đấu tranh ấy: “Giai cấp vô sản Đông Dương còn non trẻ và không đông lắm, nhưng đã đứng vững ở vị trí tiên phong của công cuộc đấu tranh cách mạng. Đảng Cộng sản đã liên tục đấu tranh giành vai trò lãnh đạo cho giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, giai cấp vô sản đã và đang lãnh đạo quần chúng nông dân và dân nghèo thành thị; chỉ dưới sự lãnh đạo đó mà khối cách mạng của quần chúng lao động Đông Dương - công nhân, nông dân lao động và dân nghèo thành thị - mới có thể giành được thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống khối phản cách mạng của bè lũ đế quốc, phong kiến, địa chủ, quan lại, cường hào, tư sản bản xứ phản bội”. Đảng ta đã giải thích cho quần chúng lao động hiểu rõ chính sách vừa khủng bố, vừa cải cách của chủ nghĩa đế quốc Pháp trong giai đoạn hiện tại, và không quên nhấn mạnh rằng “bọn xã hội Pháp ở Đông Dương đang đóng vai trò tiên phong của khối phản cách mạng đế quốc”. Về chủ nghĩa dân tộc cải lương, cương lĩnh đã chỉ rõ rằng các đảng phái dân tộc cải lương đều là các đảng phái của địa chủ, tư bản quan lại cao cấp, trạng sư và cảnh sát, rằng sức mạnh và quy mô phong trào cách mạng của công nhân và nông dân đã đẩy chúng về phe phản cách mạng. Đảng rất có lý khi nhấn mạnh nguy cơ những thủ đoạn của các phần tử “phái tả” (như Dương Văn Giáo và phe lũ), của các đảng phái dân tộc cải lương, nghĩa là những phần tử ba hoa rất nhiều “về khả năng giành độc lập từ tay chủ nghĩa đế quốc Pháp, v.v., gieo rắc trong quần chúng lao động ảo tưởng có thể cải thiện tình cảnh của mình mà không cần đấu tranh chống ách áp bức thuộc địa”. Đảng đã kết luận rằng: “Việc phát động những cuộc đấu tranh quyết định giành độc lập cho Đông Dương, thắng lợi của cách mạng ruộng đất và phản đế không thể nào thực hiện được nếu không vạch trần một cách kiên quyết chủ nghĩa dân tộc cải lương, nhất là “phái tả” của nó, trước mắt quần chúng đông đảo”. Đảng ta đã chỉ rõ tính chất không kiên quyết của Việt Nam Quốc dân Đảng. Đảng nhận định rằng "việc các đảng mới, dân tộc cách mạng (Bình dân Cấp tiến cách mạng đảng, Việt Nam Độc lập đồng chí hội, v.v.) xuất hiện và hoạt động trở lại trong thời gian gần đây là triệu chứng phát triển của Mặt trận phản đế ở trong nước. Trong công cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc những người cộng sản tổ chức Mặt trận thống nhất của tất cả mọi lực lượng thật sự phản đế, và cùng hành động chung (biểu tình, bãi công v.v.) ngay cả với những tổ chức và nhóm quốc gia cách mạng nhưng, như chúng ta đã biết trước, họ chỉ là những người bạn đường của chúng ta trong chốc lát mà thôi. Đồng thời, những người cộng sản giải thích cho hết thảy quần chúng lao động hiểu rằng công nhân và nông dân càng gần thắng lợi thì ranh giới giai cấp sẽ càng rõ nét, giai cấp tư sản Đông Dương càng yêu cầu chủ nghĩa đế quốc đàn áp phong trào công nhân và nông dân, các tổ chức quốc gia cách mạng càng mất hết những tàn dư cách mạng cuối cùng và sẽ càng ngả sang lập trường của chủ nghĩa dân tộc cải lương”. Đảng ta đã phân tích một cách bônsơvích những sai lầm và thiếu sót của mình, chứng minh cho bọn thủ tiêu chủ nghĩa thấy rõ cách mạng không đi xuống, trái lại, một làn sóng cách mạng mới lại đang dâng lên. Đảng nhấn mạnh đến tình đoàn kết cách mạng giữa những người lao động Đông Dương và lao động trên toàn thế giới. Đảng chỉ rõ rằng bằng con đường khởi nghĩa vũ trang, Đảng sẽ hướng dẫn quần chúng lao động đấu tranh giành độc lập cho xứ sở và ruộng đất, rằng bằng cuộc cách mạng với hai nhiệm vụ phản đế và phản phong kiến đó, Đảng sẽ đưa quần chúng bị bóc lột tiến lên đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội. Đảng ta xác định những nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Đông Dương như sau: "1. Độc lập kinh tế và chính trị đầy đủ và toàn vẹn cho Đông Dương. Đánh đổ nền thống trị Pháp, tống cổ tất cả mọi lực lượng quân sự, lục quân, hải quân, không quân và cảnh sát ra khỏi lãnh thổ Đông Dương công nông. 2. Lật đổ các triều đại phong kiến bản xứ, triều đình Việt Nam, bọn vua chúa Cao Miên và Lào cùng bè lũ quan lại và cường hào của chúng. Tịch thu hết thảy tài sản của chúng. 3. Tổ chức một chính phủ cách mạng công nông, thành lập các Xôviết và một quân đội cách mạng công nông. Vũ trang và tự do huấn luyện quân sự cho tất cả nhân dân lao động. 4. Nhà nước công nông chiếm (quốc hữu hoá) tất cả các nhà băng và xí nghiệp của Pháp và nước ngoài, tất cả các đồn điền, đường sắt, vận tải đường thủy, công trình thủy lợi. 5. Tịch thu không bồi thường tất cả đất đai và rừng núi, tất cả tài sản của bọn đế quốc, nhà chung, địa chủ, bọn cho vay nặng lãi, hoàng tộc, quan lại, cường hào. Đem chia tất cả đất đai đó cho những người làm công hằng ngày, cho bần nông và trung nông không bóc lột lao động của người khác. Trả lại ruộng đất công cho những người lao động đã bị tước đoạt trước kia. Trao lại những ruộng đất ấy cho bần nông và trung nông. 6. Xóa bỏ hết mọi khoản nợ làm cho những người lao động trở thành nô lệ của bọn vay nặng lãi và bọn nhà băng. Hủy bỏ tất cả mọi trái khoản và khế ước của nhà nước đối với bọn nhà băng và bọn tư sản Pháp. 7. Liên minh anh em giữa tất cả các dân tộc Đông Dương. Quyền tự quyết cho các dân tộc Cao Miên, Lào và các dân tộc khác ở Đông Dương. 8. Ngày làm tám giờ và cải thiện căn bản điều kiện lao động. Bọn chủ và nhà nước phải thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội trong những trường hợp bệnh hoạn, già yếu, thất nghiệp, mất sức lao động và phụ nữ thai nghén. Bảo đảm tự do tổ chức và hành động hoàn toàn cho các công hội giai cấp. 9. Bình đẳng hoàn toàn về chính trị, kinh tế, pháp lý cho phụ nữ Đông Dương. 10. Đoàn kết anh em với cách mạng Trung Hoa, với công nông và cách mạng Ấn Độ". Xuất phát từ những yêu sách cơ bản của cách mạng tư sản dân chủ Đông Dương, Đảng ta đã thảo ra cương lĩnh những yêu sách từng phần. Có những yêu sách chung cho tất cả mọi tầng lớp nhân dân lao động ở thành thị và nông thôn; có những yêu sách riêng cho mỗi tầng lớp đó. Đấy là những yêu sách kinh tế và chính trị đối với công nhân công nghiệp và nông nghiệp, nông dân, binh lính thủy thủ, tiểu thương, thợ thủ công, viên chức, dân nghèo thành thị, phụ nữ lao động, thanh niên và các dân tộc ít người. Cương lĩnh nói rằng “cuộc đấu tranh cho những yêu sách đó sẽ góp phần huy động quần chúng nhân dân tiến hành khởi nghĩa cách mạng giành tự do cho nhân dân Đông Dương. Chỉ bằng đấu tranh, những người lao động Đông Dương mới giành được thắng lợi cho các yêu sách của mình”. Đảng ta đã không quên nhắc thêm là muốn cho cuộc đấu tranh thu được thắng lợi chúng ta cần phải có tổ chức. Đảng thấy cần phải củng cố các công hội đỏ và nông hội, phải kết hợp những khả năng hợp pháp với công tác không hợp pháp, củng cố và phát triển ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản trong quần chúng, xây dựng một tổ chức không hợp pháp có kỷ luật để lãnh đạo quần chúng cách mạng: Đảng Cộng sản. Đảng ta đã đề ra việc thành lập xung quanh các công hội đỏ và nông hội cách mạng những cơ quan cách mạng của phong trào quần chúng: ủy ban hành động, ủy ban bãi công, ủy ban nông dân; các cơ quan này phải do quần chúng trong đấu tranh cử ra. Sau đó, cương lĩnh nhắc nhở những người lao động thành lập các đội tự vệ công nhân và nông dân. Cuối cùng, trong cương lĩnh hành động của mình, Đảng ta đã nhắc nhở là trong các cuộc đấu tranh hằng ngày, cần phải gắn liền các yêu sách từng phần với những khẩu hiệu chung của cách mạng Đông Dương. Đây là đại thể nội dung bản cương lĩnh hành động của Đảng ta [60]. Chú thích: 60. Chương trình này đã được xuất bản hai lần bằng chữ Việt năm 1932 và cũng đã in bằng chữ Pháp trong La Correspondance internationale, số 63 (tháng 8-1932), trong La Revue internationale communiste tháng 11-1932, v.v. (H.T.C).
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
 
Trở lên đầu trang