[Việt Nam] Sơ Thảo Lịch Sử Phong Trào Cộng Sản Ở Đông Dương

Chương 3 : Cương lĩnh chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 19:18 30-09-2018

PHẦN THỨ HAI NHỮNG TỔ CHỨC CỘNG SẢN ĐẦU TIÊN, 1929 - ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG, AN NAM CỘNG SẢN ĐẢNG VÀ TÂN VIỆT CỘNG SẢN LIÊN ĐOÀN Chương III ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG (Tháng 5-1929 - tháng 1-1930) TÂN VIỆT CỘNG SẢN LIÊN ĐOÀN (Cuối năm 1929 - tháng 2-1930) I- CƯƠNG LĨNH CHÍNH TRỊ CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG Cương lĩnh tuyên bố thừa nhận đường lối chính trị của Quốc tế Cộng sản nhưng đấy là một bản dài dày đặc những lý luận hỗn độn phân chia làm hai phần: chủ nghĩa cộng sản và cương lĩnh của Đảng Cộng sản. Phần thứ nhất định nghĩa: a) Đấu tranh giai cấp; lịch trình phát triển của chủ nghĩa tư bản; sở hữu tư nhân, nền tảng của xã hội tư bản; những mâu thuẫn của xã hội tư bản. b) Xã hội cộng sản chủ nghĩa. c) Chuyên chính vô sản (định nghĩa chuyên chính vô sản), liên minh với giai cấp nông dân, cách mạng thế giới). Phần thứ hai phân tích tình hình trong nước, nền kinh tế trong nước, định nghĩa tính chất và những nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Đông Dương, xác định các quan hệ giai cấp và lập trường đối với các đảng khác. Chủ nghĩa cộng sản, Đảng Cộng sản giải thích lịch sử xã hội loài người từ trước đến nay là một chuỗi đấu tranh giai cấp không ngừng, nhưng Cương lĩnh lại định nghĩa giai cấp một cách mơ hồ như là một hạng người, mà không nhấn mạnh đến vai trò của hạng người đó trong sản xuất, quan hệ của nó trong tổ chức xã hội và vị trí của nó - bóc lột hay bị bóc lột. Đảng giải thích là trong xã hội cộng sản, không còn đấu tranh giai cấp, bởi vì giai cấp và chế độ tư hữu sản sinh ra giai cấp đã bị tiêu diệt. Nhưng Đảng không nói là trong xã hội chủ nghĩa cũng không còn giai cấp. Đảng đã phạm một sai lầm cải lương chủ nghĩa khi nói rằng: nếu đời sống hằng ngày của tư bản và vô sản đều như nhau thì họ có thể hợp sức với nhau. Tư tưởng hợp tác giai cấp đó trái ngược với quan điểm đấu tranh giai cấp mà Cương lĩnh đã thuyết minh phát triển. Cương lĩnh thừa nhận chuyên chính vô sản nhưng đã nêu lên một cách sai lệch rằng người ta có thể từ chế độ tư bản hiện nay tiến thẳng lên xã hội cộng sản không giai cấp. Quan điểm sai lầm ấy do Đảng đã nhầm lẫn những điều kiện của cách mạng xã hội chủ nghĩa với những điều kiện xây dựng xã hội cộng sản, do đó mà cho rằng hiện nay đã có tất cả những điều kiện cần thiết để thiết lập ngay xã hội cộng sản hoàn toàn. Theo Cương lĩnh, những điều kiện để thiết lập xã hội cộng sản hoàn toàn là như sau: a) Sự phát triển cao của chủ nghĩa tư bản. b) Sự tập trung của kinh tế tư bản chủ nghĩa. c) Tổ chức của giai cấp vô sản. d) Sự tập trung và hình thức tập thể của nền sản xuất. Đặt vấn đề thiết lập ngay xã hội cộng sản, Đảng Cộng sản Đông Dương chưa hiểu rõ rằng “giữa xã hội tư bản và xã hội cộng sản có cả một thời kỳ chuyển biến cách mạng, tương ứng với nó là một thời kỳ quá độ chính trị trong đó nhà nước chỉ có thể là một thể chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản” (Cương lĩnh của Quốc tế Cộng sản), rằng giai đoạn cao của chủ nghĩa cộng sản - nghĩa là lúc xã hội cộng sản đã có thể dựa trên tự cơ sở của bản thân nó mà phát triển, lúc sự phát triển nhịp nhàng của con người kéo theo một sự phát triển kỳ diệu của lực lượng sản xuất lúc xã hội đã có thể ghi lên lá cờ của mình: “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” nhất thiết đòi hỏi phải có một giai đoạn phát triển thấp hơn, giai đoạn xã hội chủ nghĩa như là điều kiện lịch sử tiên quyết. “Ở đây xã hội cộng sản xuất hiện thẳng từ xã hội tư sản; nó xuất hiện từ xã hội tư bản trong đời sống kinh tế và tinh thần của thế giới, nhưng về mọi mặt còn đầy rẫy những tàn tích của xã hội cũ mà nó thoát thai. “Lực lượng sản xuất của xã hội xã hội chủ nghĩa còn chưa phát triển đầy đủ để bảo đảm phân phối sản phẩm lao động theo nhu cầu cho nên còn phải phân phối theo lao động. Phân công lao động - tức là giao phó một số chức năng đặc biệt cho những nhóm người nhất định - còn được duy trì. Sự đối lập giữa lao động trí óc và lao động chân tay nói riêng, chưa được xoá bỏ tận gốc, mặc dù giai cấp đã bị xoá bỏ, những vết tích của sự phân công trong xã hội cũ vẫn tồn tại, nhất là những tàn tích về quyền uy, bạo lực, và pháp quyền. Những tàn dư của sự bất bình đẳng cũng vẫn còn rơi rớt. Sự khác nhau giữa thành thị và nông thôn chưa hoàn toàn bị thanh toán hoặc giảm bớt, nhưng chẳng còn một lực lượng xã hội nào ủng hộ hoặc bảo vệ những tàn tích ấy của xã hội cũ nữa. “Gắn liền với một trình độ phát triển nhất định của lực lượng sản xuất, những tàn tích đó sẽ dần dần biến mất chừng nào xã hội loài người, mỗi khi thoát khỏi xiềng xích của chế độ tư bản, đã nhanh chóng làm chủ các lực lượng tự nhiên, tự rèn luyện mình trong tinh thần của chủ nghĩa cộng sản và chuyển từ chủ nghĩa xã hội lên chủ nghĩa cộng sản hoàn toàn” (Cương lĩnh của Quốc tế Cộng sản). Chính vì Đảng Cộng sản Đông Dương (1929) chưa quán triệt ý nghĩa của thời kỳ quá độ là chuyên chính vô sản cho nên Đảng đã khẳng định với những người lao động Đông Dương rằng chủ nghĩa cộng sản hoàn toàn đã tồn tại ở Liên Xô. Như vậy là sai bởi vì Liên Xô chưa tiến đến chủ nghĩa cộng sản hoàn toàn, và còn ở giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tình hình quốc tế. Khi phân tích tình hình thế giới, Cương lĩnh có nói là thế giới chia làm hai phe: chính quốc và thuộc địa. Nhưng một mặt, Đảng không đối lập thế giới Xôviết (Liên Xô) với thế giới tư bản, mặt khác, lại không nêu bật tình đoàn kết quốc tế rất chặt chẽ hiện có giữa những người lao động Liên Xô với những người lao động ở các nước tư bản và các thuộc địa trong công cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản và cho cách mạng thế giới. Nhận định về lực lượng của tư bản, Cương lĩnh viết: “Bọn tư bản có nhiều tiền bạc và súng ống, nhưng lực lượng của chúng không đông, lại chia rẽ, cho nên phải suy yếu”. Như thế là đánh giá thấp lực lượng kẻ thù giai cấp, có thể dẫn chúng ta đến chỗ xem nhẹ công tác chuẩn bị, tập hợp lực lượng cách mạng để đấu tranh chống bọn đế quốc và tay sai. Tính chất nền kinh tế Đông Dương. Cương lĩnh có nêu lên những đặc điểm mập mờ về nền kinh tế Đông Dương. Một mặt, Đảng chưa hiểu rằng những hình thức bóc lột tiền tư bản chủ nghĩa cũng có thể gọi là hình thức bóc lột phong kiến, trung cổ nên đã nói là các hình thức bóc lột tiền tư bản chủ nghĩa hầu như cũng cùng một loại với các hình thức bóc lột tư bản chủ nghĩa. Như thế là không biết phân biệt hai hình thái xã hội khác nhau. Mặt khác, Đảng lại nói rằng ở những miền rừng núi, trong các bộ lạc ít người, chế độ phong kiến còn tồn tại rất ít. Từ đặc điểm đó, người ta có thể kết luận rằng các hình thức bóc lột tư bản chủ nghĩa là phổ biến tại các miền rừng núi lạc hậu của các bộ lạc ít người. Nhưng thực tế thì lại khác hẳn, vì ở một số nơi trong những vùng lạc hậu đó (như ở Svéctum) các hình thức bóc lột theo lối gia trưởng còn khá phổ biến. Nói chung, lúc nhận định về tình hình kinh tế Đông Dương, Cương lĩnh không nghĩ tới vai trò của tư bản thương nghiệp và tư bản cho vay, không nhấn mạnh đến sự thống trị của các hình thức bóc lột phong kiến trong nền kinh tế của đất nước, bỏ qua vai trò của giai cấp tư sản bản xứ ở thành thị, không đả động một lời tới sự đấu tranh của nông dân chống bọn địa chủ và cũng không nói ngay cả đến tình hình phân hoá giai cấp trong nông dân. Tính chất và nhiệm vụ của cách mạng Đông Dương. Chúng tôi sẽ trích lại dưới đây ba đoạn khác nhau của Cương lĩnh để chúng ta hiểu rõ Đảng Cộng sản Đông Dương đã quy định tính chất và nhiệm của cách mạng Đông Dương như thế nào. Đoạn trên của tuyên ngôn viết: “a) Đánh đổ chủ nghĩa đế quốc. b) Đánh đổ chủ nghĩa tư bản. c) Xoá bỏ chế độ phong kiến. d) Giải phóng công nhân và nông dân. e) Thiết lập chuyên chính vô sản. f) Xoá bỏ giai cấp. g) Thực hiện một xã hội thực sự bình đẳng tự do, bác ái, nghĩa là xã hội cộng sản chủ nghĩa". Trong đoạn của Cương lĩnh nói về đường lối chính trị chung của Đảng, có đề ra mấy khẩu hiệu sau đây: “1) Đánh đổ bọn đế quốc, địa chủ, phong kiến. 2) Đông Dương hoàn toàn độc lập, thống nhất đất nước. 3) Thiết lập chính quyền Xôviết công, nông, binh. 4) Thành lập Hồng quân. 5) Tịch thu các tư liệu sản xuất, vận tải, tài chính của chủ nghĩa đế quốc. Quốc hữu hoá các tư liệu đó. 6) Tịch thu và quốc hữu hoá ruộng đất của bọn đại địa chủ, quý tộc, nhà chung, v.v.. 7) Giải phóng nông dân khỏi ách bóc lột tiền tư bản hoặc tư sản, chia ruộng đất cho nông dân để cày cấy làm ăn chung. Quốc hữu hoá ruộng đất. Cấm mua bán ruộng đất. 8) Tổ chức tất cả vô sản vào công hội. Thực hiện ngày làm tám giờ cho đàn ông, sáu giờ cho đàn bà và trẻ em... Bảo hiểm cho công nhân, cứu tế cho những người thất nghiệp, đảm bảo vai trò lãnh đạo cho giai cấp vô sản. 9) Tổ chức công tác binh vận. Cải thiện đời sống cho binh lính. 10) Bãi bỏ quốc trái. 11) Đặt thuế lợi tức. 12) Công nhận quyền tự quyết cho các dân tộc. 13) Liên minh với Liên Xô, với giai cấp vô sản cách mạng ở các nước tư bản và với nhân dân các nước thuộc địa và nửa thuộc địa”. Nói về nhiệm vụ của cách mạng dân chủ ở Đông Dương, Cương lĩnh viết: “1) Phát triển công nghiệp theo hình thức Xôviết. 2) Thiết lập chuyên chính công nông. 3) Tổ chức, củng cố giai cấp vô sản, bảo đảm bá quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản. 4) Đoàn kết chặt chẽ với các nước chuyên chính vô sản”. Từ những đoạn trên đây, nói chung người ta thấy rằng Đảng Cộng sản Đông Dương (1929) khi thì thừa nhận phải làm cách mạng tư sản dân chủ và thiết lập chuyên chính công nông, khi thì thừa nhận chuyên chính vô sản, khi thì lại nói phải tiến thẳng từ chế độ tư bản lên chế độ cộng sản hoàn toàn. Nên chú ý rằng Đảng chưa bao giờ nhận thức được rõ ràng và chính xác tính chất của cách mạng Đông Dương sau này. Đảng Cộng sản Đông Dương có nói đến việc xoá bỏ giai cấp. Như thế là Đảng đã lẫn lộn nhiệm vụ của cách mạng tư sản với nhiệm vụ của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Những động lực. Cương lĩnh nhận định rằng: “Tiểu địa chủ, tiểu thương đều muốn bóc lột và phát triển, nhưng bị bọn đế quốc đánh thuế nặng nề nên họ muốn liên kết với giai cấp vô sản để đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc”. Sắp xếp tiểu địa chủ cùng hàng với tiểu thương là hoàn toàn sai lầm. Dù lớn dù nhỏ, địa chủ vẫn cấu thành một giai cấp phản động mà chúng ta cần tiêu diệt. Một số phần tử trí thức của chế độ cũ mà người ta gọi là “sĩ phu” trước và trong chiến tranh còn có ý thức phản đế, nhưng sau chiến tranh, thế hệ ấy không còn đóng vai trò cách mạng nữa và đã rút lui khỏi vũ đài. Trong khi nông dân, dưới sự lãnh đạo của người bạn đồng minh vững chắc nhất của mình là giai cấp vô sản, đã bắt đầu đấu tranh giành lại ruộng đất, thì bọn địa chủ dù là đại hay tiểu cũng không thể nào cùng đi với giai cấp vô sản được, mà chỉ đi theo đế quốc để chống lại giai cấp vô sản và giai cấp nông dân. Theo Đảng Cộng sản Đông Dương (1929), bạn đồng minh của giai cấp vô sản trong giai đoạn hiện tại của cách mạng tư sản dân chủ là nông dân, trí thức tiểu tư sản và tiểu thương. Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Đông Dương (1929) nhận định rằng ngoài giai cấp nông dân, giai cấp vô sản còn có thể liên minh với trí thức tiểu tư sản và tiểu thương. Nhận định về bạn đồng minh của giai cấp vô sản như thế là không chính xác lắm. Năm 1929, Quốc tế Cộng sản viết rằng động lực của cách mạng Đông Dương trong giai đoạn cách mạng tư sản dân chủ là giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và dân nghèo thành thị (thợ thủ công bị bóc lột, những người bán hàng rong, tiểu trí thức nghèo), rằng giai cấp vô sản phải nắm lấy quyền lãnh đạo phong trào cách mạng. Lập trường đối với các đảng khác. Đảng Cộng sản Đông Dương đã nhận định một cách sơ lược rằng Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và Tân Việt Cách mạng Đảng là hai tổ chức “không phải cộng sản nhưng cũng không chống cộng sản” rằng “Việt Nam Quốc dân Đảng là một đảng vừa chống cộng sản vừa chống đế quốc”. Trong Cương lĩnh, Đảng Cộng sản Đông Dương không đặt vấn đề lập Mặt trận thống nhất (dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản) với các đảng cách mạng tiểu tư sản đó để đấu tranh chống đế quốc. Đảng Cộng sản Đông Dương đã hoạt động để xoá bỏ hai tổ chức có rất nhiều cảm tình với chủ nghĩa cộng sản là Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và Tân Việt Cách mạng Đảng, nhưng lại hợp tác chặt chẽ với đảng dân tộc cách mạng. Tại Bắc Kỳ, ngay một số đảng viên cộng sản đã giúp đỡ Việt Nam Quốc dân Cách mạng Đảng thảo ra cương lĩnh chính trị của mình. Nhưng họ không biết tận dụng những cơ hội như thế để phát huy ảnh hưởng cộng sản trong hàng ngũ những người quốc gia cách mạng có cảm tình với chủ nghĩa cộng sản và để lôi kéo toàn bộ Việt Nam Quốc dân Cách mạng Đảng vào Mặt trận thống nhất phản đế. Đảng Cộng sản Đông Dương đã đánh giá thấp ảnh hưởng của Đảng độc lập và Việt Nam Quốc dân Cách mạng Đảng, cho rằng Đảng độc lập chẳng có chút ảnh hưởng nào, uy tín của Việt Nam Quốc dân Cách mạng Đảng thì đã hoàn toàn tan rã (cách vài tháng trước cuộc khởi nghĩa Yên Bái). Về chủ nghĩa dân tộc cải lương, Cương lĩnh nhận định như sau: “Bọn dân tộc cải lương đều là tư sản làm cách mạng dân tộc, nhưng thường thường họ lại hợp tác với chủ nghĩa đế quốc cho nên họ là phản cách mạng”. Thế là, theo Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Đông Dương, bọn dân tộc cải lương vừa là cách mạng, vừa là cải lương. Đối với chủ nghĩa dân tộc cải lương, Đảng Cộng sản Đông Dương không có một sách lược đúng đắn nhằm đấu tranh một cách kiên quyết nhất chống ảnh hưởng của nó trong quần chúng, ảnh hưởng này là nguy cơ chủ yếu cho phong trào cách mạng (Nghị quyết của Quốc tế Cộng sản về Đông Dương 1929).
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang