[Việt Nam] Sơ Thảo Lịch Sử Phong Trào Cộng Sản Ở Đông Dương
Chương 8 : Tiến tới Bônsơvích hóa toàn Đảng: Để thực hiện Nghị quyết của Hội nghị toàn thể lần thứ nhất của Ban chấp hành Trung ương
Người đăng: Lịch sử Việt Nam
Ngày đăng: 16:54 15-12-2018
.
PHẦN THỨ BA
ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG
(Thống nhất từ ngày 6-1-1930)
Chương VIII
TIẾN TỚI BÔNSƠVÍCH HOÁ TOÀN ĐẢNG
III- ĐỂ THỰC HIỆN NHỮNG NGHỊ QUYẾT CỦA HỘI NGHỊ TOÀN THỂ LẦN THỨ NHẤT CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
1. Nghiên cứu Nghị quyết của Hội nghị toàn thể lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương
Liền ngay sau Hội nghị toàn thể lần thứ nhất của Ban Chấp hành Trung ương, Ban Thường vụ đã ra chỉ thị nghiên cứu những nghị quyết của Hội nghị và gửi đến các tổ chức của Đảng những điều chỉ dẫn rất cụ thể nhằm:
a) Tổ chức nghiên cứu thật cẩn thận những nghị quyết ấy;
b) Thực hiện những nghị quyết của Hội nghị tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương.
Như chúng tôi đã nói ở mấy trang trên, ngoài việc ra những nghị quyết về các vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản, Hội nghị toàn thể đã thảo một “Dự án Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản” đưa ra thảo luận trong tất cả các chi bộ.
Nói chung, việc nghiên cứu những văn kiện của Hội nghị ở các cấp bộ đảng đã làm cho sinh hoạt nội bộ của Đảng trở nên sinh động và đã nâng cao được trình độ chính trị cho đảng viên, nhưng ở một số tổ chức việc nghiên cứu đó đã biến thành một cách hình thức và chưa biết vận dụng các nghị quyết của Hội nghị vào thực tiễn. Ở một số tổ chức khác (như ở Bắc Kỳ), một vài cán bộ lãnh đạo đã đối lập đường lối chính trị cơ hội chủ nghĩa của họ với đường lối chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và của Quốc tế Cộng sản.
Tuy nhiên, như chúng ta sẽ thấy ở chương sau, Ban Thường vụ Trung ương Đảng, chịu trách nhiệm thực hiện đường lối chính trị của Hội nghị đã luôn luôn tỏ ra rất cương quyết và không bao giờ chịu nhượng bộ những phần tử cơ hội chủ nghĩa.
2. Hội nghị Xứ bộ Đảng Cộng sản ở Bắc Kỳ (tháng 12-1930)
Hội nghị này không được chuẩn bị trước. Các đại biểu chỉ được biết chương trình nghị sự sau lúc Hội nghị khai mạc. Các công tác của Hội nghị không được biểu quyết theo đúng thủ tục. Hội nghị đã nghe một bản báo cáo về tình hình kinh tế trong nước, về phong trào cách mạng, và về chính sách đàn áp và cải cách của chủ nghĩa đế quốc Pháp. Hội nghị đã quyết nghị về những vấn đề sau đây: phong trào công nhân, phong trào nông dân, phương pháp công tác trong các tổ chức quần chúng, vấn đề cán bộ, vấn đề giáo dục chính trị cho các đảng viên.
Tuy thế, theo báo cáo ngày 17-4-1931 của Ban Chấp hành Trung ương, thì Hội nghị không vận dụng đúng đường lối chính trị của Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương.
Khi phân tích phong trào cách mạng ở Bắc Kỳ, Hội nghị chỉ nhận thấy thất bại mà không biết rút ra những bài học đấu tranh, nhất là những thắng lợi mà quần chúng lao động đã giành được, do đó Hội nghị đã viết một cách sai lầm rằng công nhân và nông dân đã thất bại. Như thế là trái với sự thật, bởi vì những người lao động Bắc Kỳ cũng như những người lao động ở khắp Đông Dương, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đã thu được rất nhiều thắng lợi.
3. Hội nghị Xứ bộ Trung Kỳ (từ ngày 22 đến ngày 27-12-1930)
Mục đích của hội nghị này là vạch ra những biện pháp cụ thể nhằm thực hiện Nghị quyết của Hội nghị toàn thể lần thứ nhất của Ban Chấp hành Trung ương. Chương trình nghị sự gồm có: a) nghiên cứu Dự thảo Luận cương chính trị của Ban Chấp hành Trung ương; b) tình hình nội bộ Đảng; c) những nhiệm vụ của Đảng; d) tự phê bình; e) hợp lý hoá [53]; f) đấu tranh chống chiến tranh đế quốc; g) chống khủng bố trắng và chủ nghĩa dân tộc cải lương; h) chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang; i) biện pháp tổ chức; k) phân công.
Trái với Hội nghị Xứ bộ Bắc Kỳ, Hội nghị Xứ bộ Trung Kỳ nói chung đã vận dụng đường lối chính trị của Ban Chấp hành Trung ương. Tại Bắc Kỳ, các đại biểu ít tham gia thảo luận báo cáo chính trị và nghị quyết, nhưng ở Trung Kỳ thì các đại biểu lại rất tích cực trong việc tham gia mọi cuộc thảo luận.
Hội nghị đã có tám nhận xét về bản Dự thảo Luận cương chính trị của Ban Chấp hành Trung ương. Đặc biệt Hội nghị đã đề nghị Ban Chấp hành Trung ương phân tích vai trò của tư bản Trung Quốc trong nền kinh tế Đông Dương, nói cụ thể về vai trò của tá điền, nêu bật sự yếu ớt trong mối liên hệ của Đảng với quần chúng, v.v.. Tuy vậy, Hội nghị vẫn không nhất trí với Ban Chấp hành Trung ương về việc đổi ngay tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương, vì Hội nghị lập luận một cách sai lệch ở Lào và Cao Miên còn chưa có [54] Đảng Cộng sản.
Khi phân tích sang phong trào cách mạng, Hội nghị đã nhấn mạnh đến vai trò lãnh đạo to lớn của Đảng Cộng sản, sự phát triển nhanh chóng của ảnh hưởng Đảng, việc hàng ngũ Đảng được mở rộng, sự phát triển của các tổ chức quần chúng; Hội nghị cũng đã phê phán rất nghiêm khắc những sai lầm và thiếu sót của các tổ chức đảng và của từng đảng viên một ở Trung Kỳ. Những sai lầm mà Hội nghị nhấn mạnh, nói chung, đều giống những sai lầm mà Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương đã phê phán trong luận cương và nghị quyết.
Về nhiệm vụ của Đảng tại Trung Kỳ, Hội nghị đã nêu ra bốn nhiệm vụ sau đây: a) tăng cường công tác cổ động chính trị; mở rộng phong trào cách mạng; b) đấu tranh nhằm duy trì và củng cố những thắng lợi đã giành được; tìm mọi cách đẩy mạnh cuộc đấu tranh phản đế; c) liên hệ chặt chẽ cuộc đấu tranh chống đế quốc với các yêu sách kinh tế của quần chúng lao động; d) củng cố Đảng và các nông hội nhằm đảm bảo cho Đảng có thể lãnh đạo được toàn bộ phong trào cách mạng.
Qua những nhiệm vụ mà Hội nghị Xứ bộ đã vạch ra trên đây, chúng ta thấy rằng Hội nghị không gắn liền cuộc đấu tranh phản phong kiến với cuộc đấu tranh chống đế quốc, không đề ra nhiệm vụ cho công tác ở các công hội đỏ.
Về việc đấu tranh chống khủng bố, Hội nghị đã quyết định: a) mở rộng Liên đoàn chống đế quốc và các tổ chức cứu tế đỏ; b) tránh phá hoại các cơ quan hành chính và nhà cửa địa chủ, v.v.; c) tổ chức tuyên truyền có hệ thống cho binh lính để kết tình anh em của họ với quần chúng lao động; d) tổ chức những cuộc biểu tình quần chúng chống sự đàn áp của chủ nghĩa đế quốc Pháp.
Đặc biệt Hội nghị thấy cần phải liên kết chặt chẽ cuộc đấu tranh chống chiến tranh đế quốc với cuộc đấu tranh ủng hộ Liên Xô. Chính Hội nghị đã có sáng kiến thành lập Hội những người bạn của Liên Xô tại Đông Dương.
Hội nghị đã phê phán sự phân công không sát đúng giữa các đảng viên. Hội nghị thấy rằng một số “cấp ủy đảng chỉ tồn tại trên giấy”, bởi vì các cấp ủy viên không làm một công tác thực tiễn nào cả. Hội nghị nhận thấy cần phải giao cho các đảng viên mỗi người ít nhất là một công việc.
Thành phần xã hội không tốt của các chi bộ đảng cũng là một thiếu sót rất lớn, cho nên Hội nghị đã quyết định phải cải thiện thành phần xã hội đó bằng cách bảo đảm cho những thành phần công nhân chiếm đa số trong các tổ chức đảng.
Chú thích:
53. Nguyên bản chữ Pháp: “rationalisation”, không rõ tác giả muốn nói hợp lý hoá điều gì (B.T).
54. Chúng tôi đã nói cần phải lấy tên Đảng là Đảng Cộng sản Đông Dương, bởi vì chúng ta cần phải đoàn kết tất cả mọi người lao động ở Đông Dương lại trong cuộc đấu tranh chung chống đế quốc và phong kiến. Để tăng thêm và tập trung lực lượng cách mạng, cần phải có một người lãnh đạo duy nhất, có khả năng, tận tụy và kiên cường dẫn đầu quần chúng: Đảng Cộng sản cho toàn Đông Dương. Chúng ta không đợi đến lúc có các Đảng Cộng sản tại Cao Miên và Lào mới thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, nhưng Đảng Cộng sản Đông Dương (đã thành lập rồi) phải hoạt động cả ở Cao Miên và Lào nữa. Đảng ta không được phép chỉ hoạt động trong quần chúng lao động Việt kiều ở Cao Miên, Lào và ở những vùng dân tộc ít người khác, mà phải tích cực quan tâm đến việc tổ chức và huấn luyện quần chúng lao động ở các xứ và vùng dân tộc ít người ở đó nữa. Chúng ta phải cố gắng đề bạt càng nhiều càng tốt những người lao động ưu tú thuộc các dân tộc ít người này vào các chức vụ lãnh đạo trong Đảng Cộng sản và các tổ chức cách mạng của quần chúng (H.T.C).
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Bình luận truyện