[Việt Nam] Sơ Thảo Lịch Sử Phong Trào Cộng Sản Ở Đông Dương

Chương 5 : Hội nghị hợp nhất (Ngày 6-1-1930): Tên Đảng

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 01:20 17-09-2018

PHẦN THỨ BA ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG (Thống nhất từ ngày 6-1-1930) Chương V HỘI NGHỊ HỢP NHẤT (Ngày 6-1-1930) IV- TÊN ĐẢNG Hội nghị hợp nhất đặt tên cho đảng mới thống nhất là "Đảng Cộng sản Việt Nam". Những điều kiện thống nhất đã được Quốc tế Cộng sản nêu lên từ trước ngày thống nhất, nhưng nhiều trường hợp đã xảy ra ngoài ý muốn các đại biểu Hội nghị hợp nhất, làm cho họ không thể thấm nhuần kịp thời những điều kiện đó được. Cố đồng chí Nguyễn Ái Quốc là người đã có sáng kiến đề ra và lãnh đạo công cuộc thống nhất. Nhưng đồng chí đã phạm một loạt sai lầm cơ hội chủ nghĩa trong thời gian Hội nghị hợp nhất mà chúng ta không thể bỏ qua. Tuy vậy, công lao to lớn của đồng chí là đã tập hợp được các lực lượng cộng sản phân tán lại thành một khối, nhờ đó mà đã đưa lại cho những người lao động Đông Dương một đội tiền phong chiến đấu và kiên quyết cách mạng. Hội nghị hợp nhất họp vào ngày 6-1-1930 và chỉ có các đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng tham dự mà thôi. Hội nghị vạch ra những điều hiểu lầm và những sai sót của hai tổ chức và cuối cùng quy định cương lĩnh và sách lược thống nhất. Công việc thống nhất thực sự chỉ tiến hành vào tháng 2-1930 và kéo dài trong nhiều tuần lễ. Các tổ chức sau đây gia nhập tập thể vào Đảng Cộng sản Việt Nam thống nhất: Đông Dương Cộng sản Đảng (85 đảng viên), An Nam Cộng sản Đảng (61 đảng viên), Tân Việt Cộng sản Liên đoàn (119 đảng viên) và phân bộ Đảng Cộng sản Tàu ở Đông Dương (300 đảng viên). Như vậy là khi thống nhất, Đảng có 565 đảng viên, phân ra làm 40 chi bộ. Cần nói thêm là khi thống nhất, còn có 40 người cộng sản Đông Dương ở Xiêm và 14 ở Hồng Kông. Ngày 6-1-1930, Hội nghị quy định số lượng Ban Chấp uỷ Trung ương lâm thời là bảy uỷ viên chính thức và bảy uỷ viên dự khuyết, gồm toàn đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng. Các đại biểu (nghĩa là Đảng Cộng sản của nước Việt Nam: Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ). Nội cái tên ấy cũng đủ chứng minh rằng: a) ở các đại biểu còn rơi rớt những tàn dư của chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi; b) các đại biểu chưa nhận thức được vị trí quan trọng của Cao Miên, Ai Lao và những dân tộc ít người khác trong cuộc tranh đấu phản đế và phản phong ở Đông Dương; c) công cuộc thống nhất chưa hoàn toàn thủ tiêu được hẳn tư tưởng nhóm phái của các nhà lãnh đạo các tổ chức cộng sản (những khuynh hướng chia rẽ của một số người lãnh đạo ở Bắc Kỳ năm 1931 là một bằng chứng). Về việc đặt tên cho Đảng Cộng sản, trước và trong Hội nghị hợp nhất, giữa những người lãnh đạo các tổ chức cũng có những sự bất đồng mang tính chất cơ hội chủ nghĩa chẳng hạn như An Nam Cộng sản Đảng, trong một thông cáo gửi cho các đảng viên, đã viết: "Nếu đặt tên là Đảng Cộng sản Đông Dương thì không đúng, bởi vì Đông Dương bao gồm nhiều nước (Xiêm, Miến Điện, Việt Nam, v.v.). Hơn nữa, đặt tên như vậy sẽ có thể lẫn lộn với tên của Đông Dương Cộng sản Đảng đã sẵn có. Cho nên, chúng tôi đặt tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, đặt như vậy sẽ chính xác hơn, hơn nữa nhiều người đã quen gọi tên Đảng như thế". Quan niệm như vậy nhất định là sai lầm, vì: a) Khi nói đến Đông Dương với tư cách là một thuộc địa, thì không bao giờ người ta lại gộp cả Xiêm và Miến Điện vào. b) Tất cả năm xứ ở Đông Dương đều nằm dưới hai ách đế quốc và phong kiến, cho nên cần phải đoàn kết tất cả những người lao động ở Đông Dương lại thành một khối dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, nhằm tranh đấu chống cái nặng nề hai tròng đế quốc và phong kiến đó. Tại Hội nghị hợp nhất, các đại biểu không muốn chính thức lấy một tên nào của các tổ chức cộng sản hiện đang tồn tại để đặt tên cho Đảng, bởi vì các đại biểu quan niệm rằng nếu nhóm này lấy tên nhóm khác để đặt thì như vậy có nghĩa là nó đã đầu hàng nhóm kia. Sau khi thống nhất, những người cộng sản đã giải thích cái tên Đảng Cộng sản Việt Nam theo ba cách khác nhau: a) Các đồng chí ở Trung Kỳ thì nói rằng tên Việt Nam tượng trưng cho sự hợp nhất giữa An Nam Cộng sản Đảng và Tân Việt Cộng sản Liên đoàn. b) Tại Nam Kỳ, các đồng chí lại giải thích rằng tên An Nam thì quá hẹp, tên Đông Dương thì quá rộng, cho nên cần phải lấy một tên vừa phải là Việt Nam. c) Còn các đồng chí ở Bắc Kỳ thì lại nói, theo nguyên lý lêninnít về quyền tự quyết của các dân tộc bị áp bức, những người cộng sản không có quyền bắt buộc những người lao động Cao Miên gia nhập Đảng Cộng sản thống nhất, vì thế cho nên phải lấy tên Việt Nam để chỉ những xứ của người Việt Nam ở. Tại Hội nghị toàn thể lần thứ nhất, Ban Chấp uỷ Trung ương đã giải thích rằng vì lợi ích của phong trào tranh đấu cách mạng cần phải tập hợp hết thảy mọi tầng lớp bị bóc lột ở trong xứ vào công cuộc tranh đấu chống đế quốc và giành ruộng đất, cho nên từ đấy phải lấy tên là Đảng Cộng sản Đông Dương. Đó là một cách giải thích đúng đắn và phù hợp với lợi ích cuộc tranh đấu chung của những người lao động thuộc tất cả các dân tộc bị áp bức ở Đông Dương. Tuy nhiên, Ban Chấp uỷ Trung ương đã phạm một sai lầm khi nói rằng: "Cùng với các xứ khác của Việt Nam, Cao Miên và Ai Lao kết thành một đơn vị kinh tế không thể tách rời. Ai Lao và Cao Miên không thể sống độc lập nếu tách khỏi Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ". Như vậy là sai lầm bởi vì ở Đông Dương không có một sự thống nhất kinh tế của dân tộc (theo đúng nghĩa danh từ ấy như ở các nước tư bản); hơn nữa nếu chúng ta lập luận rằng không thể tách Ai Lao và Cao Miên ra vì những lý do đơn thuần về kinh tế thì như vậy chúng ta đã phủ nhận khả năng vận dụng ở Cao Miên và Ai Lao nguyên lý Lêninnít về quyền tự quyết của các dân tộc bị áp bức, cho đến lúc các nước ấy có thể tách ra một cách hoàn toàn được.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang