[Việt Nam] Sao Khuê Lấp Lánh

Chương 1 : 1

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 15:43 06-09-2018

TU HÚ...TU HÚ...TU HÚ... Cứ hàng năm vào mùa vải chín rộ, những con chim tu hú từ miền rừng núi xa xôi nào bay về đậu trên những cành cay cao bên kia vườn Thượng Lâm, hót chĩa xuống mái lầu nghiêm vắng, là ở nơi cung cấm bên này, những cô tú nữ ngây thơ lại cảm thấy lòng bâng khuâng, luyến tiếc... Tiếng chim thổn thức gọi mùa hay tiếng gọi thổn thức hướng về những kỷ niệm êm đềm, xa xót? Tu hú...tu hú... Hai cô tú nữ cùng một lứa tuổi mười tám đôi mươi, một cô mặc áo xanh màu lá trúc - đang lúi húi cọ rửa những chiếc bình sứ trong "dục đường" (phòng tắm) ở hoàng cung. Hai cô nghe tiếng chim xối xả đều muốn ngừng tay và không thể không trò chuyện trò giây lát. - Đến mùa tu hú kêu rồi đó, giá bà Lộ còn sống, chị nhỉ, - tú nữ áo xanh lá đào gợi chuyện - cánh mình lại đã theo bà ấy về trẩy vải ở vườn Lệ Chi, tha hồ bay nhảy thoả thích...bây giờ làm gì có được thế nữa nhỉ? Bây giờ tìm đâu ra khắp hoàng cung cho được người như bà Lộ? Làm đến chức "lễ nghi học sĩ" giảng bài cho hoàng tử, công chúa chứ có phải chơi đâu, thế mà đối với cánh mình, những lúc rảnh rỗi cũng chịu khó xuống dạy cho chị em mình dăm ba chữ. Rồi thỉnh thoảng có đi chơi đâu cũng cho đi theo, miếng ngọt miếng bùi gì cũng đem chia đều cho kẻ dưới. Tú nữ áo xanh lá trúc nghe thế, thở dài ngao ngán: - Chán thật, chị ạ. Cuộc đời hình như bất công: kẻ ác thường khi gặp may, người hiền lại hay gặp rủi. Đấy, con người tài đức như bà “học sĩ” ngờ đâu phải chịu tai hoạ thảm khốc đến như thế! Có đúng không nào? Em nghĩ bà Lộ chết, vì bà ấy là vợ thiếp nhan sắc của quan thửa chỉ Nguyễn Trãi. Ở ngoài, họ lại bàn tán ngược hẳn lại: “Vì bà Nguyễn Thị Lộ mà ông Nguyễn Trãi mới bị tru di cả ba họ...” Tú nữ áo xanh lá đào trả lời một cách lững lờ: - Chả rõ thực hư thế nào... Em chỉ biết cái hôm hành hình ông Nguyễn Trãi, tất cả cha mẹ, vợ con, anh em nhà ông đều bị dẫn ra pháp trường! Giời ơi là giời!... Một người đã từng trốn quan về ở ẩn còn để ba họ bị vạ lây. Đến đây, tú nữ chớp chớp mi mắt, nhìn trước nhìn sau mới hạ giọng tiếp: - Nghe đâu cùng ngày xử án ông Trãi, có hai đao phủ bị chết chém. Mà hai đao phủ này có phải là những tay không thiện nghệ đâu! Mấy chục lần họ khoa đao đều mấy chục lần hạ thủ ngọt xớt. Nhưng khi hành hình đến ông Trãi thì người đao phủ thứ nhất ngập ngừng... Lập tức quan cấm vệ ở pháp trường cho đao phủ thứ hai vào thay thế. Người này cũng vậy, vung tay mãi mà dao không bén cổ. Chị nghĩ thế nào, cổ ông Trãi cũng bằng xương bằng thịt như xương thịt của mọi người chứ có phải bằng đồng, bằng sắt hay có bùa phép gì đâu? Em nghe các anh sinh đồ bên trường Quốc Tử Giám kháo nhau rằng ngay lúc ấy, hay người đao phủ bị khép vào tội “kiêng nể nghịch thần, âm mưu giải thoát cho Trãi” rồi cùng bị xử trảm với quan thừa chỉ. Ghê lắm, trước khi chết, họ la to át cả tiếng loa của hình quan: “Chúng tao thà mất đầu đi theo quan thừa chỉ xuống âm phủ hầu hạ ngài, còn hơn là nhắm mắt làm theo bọn bay giết oan một bậc đại thần:. Cô bạn xoay xoay cái bình sứ, giọng nửa ai oán, nửa châm biếm: - Thì ra dưới cái gầm trời này, kẻ được công nhận làm nghề cầm dao chém người không phải kẻ nào cũng mất hết lương tâm. Trái lại, có người như bà hoàng hậu, mẹ của đức vua ta... Biết mình lỡ lời, cô tú nữ bỗng im bặt. Bấy giờ cô bạn áo xanh lá trúc mới nhắc lại cái ý ban nãy: -Em cũng chưa hiểu vì sao ở ngoài người ta lại bàn tán như vậy... Người ta bảo bà Lộ là... là... không phải... người! -Thì là ma chứ gì? -Ừ - cô bạn thủng thỉnh đáp. – Còn hơn cả ma nữa kia. Người ta bảo Nguyễn Thị Lộ là một con xà tinh tu luyện lâu năm hoá thân thành người... Bấy lâu nay chẳng riêng gì chốn hoàng cung mà ở nhiều nơi khác người ta cũng hay nói đến chuyện ma quái, hồ tinh. Trò đời, người nhút nhát rất sợ bóng sợ vía ma quỷ nhưng lại thích nghe chuyện yêu quái! Và mỗi người trong bọn họ, mỗi lần bí mật kể lại với người khác, thường cố gắng tìm cách tô điểm, thêu dẹt câu chuyện theo cách tưởng tượng của mình, hình như chuyện càng vô lý huyền hoặc thì làm cho người nghe càng say đắm, dễ tin. Chính vì vậy chuyện “Thị Lộ hoá rắn” lan đi khắp kinh thành, rồi dựng lên sự tích vụ án Lệ Chi Viên. Ở các trấn, lộ xa xôi, nhiều ông già bà cả, ban đêm quanh ngọn đèn tù mù, đã kể đi kể lại cho con cháu nghe đến mức thuộc lòng rằng: “Nguyễn Trãi khi còn dạy học ở Côn Sơn có lần muốn xây dựng một ngôi trường mới, bèn sai học trò khai phá khoảnh rừng thuộc phần đất ông ngoại để lại. Trước khi khởi công, Nguyễn Trãi đêm nằm mộng thấy một người đàn ông mặc áo trắng đến năn nỉ: “Vợ tôi đang bụng mang dạ chửa, xin tướng công làm phúc ra lệnh cho các môn sinh chậm lại vài hôm hãy đẵn cây để chúng tôi kịp thu xếp rời nhà đi nơi khác”. Sáng hôm sau, Nguyễn Trãi đi về phía khoảng rừng cũ thì học trò đã phát quang xong cây cối, đang san đất làm nền trường. Họ trình thầy rằng trong lúc san gò đẵn gỗ, họ phát hiện được một cái hang có hai con rừng khá lớn và học đã xúm nhau giết được cả đôi. Nguyễn Trãi đến tận nơi xem, thấy rõ xác hai con bạch xà, trong đó một con bụng đang có chửa. Ông có ý phân vân rồi truyền lệnh cho học trò đem chôn. Tối hôm đó, ông đang ngồi cặm cụi dưới ánh đèn, bỗng nhiên có một giọt máu rơi xuống thấm đỏ liền ba trang sách. Ông ngẩng đầu nhìn lên xà nhà thấy thấp thoáng bóng một con rắn trườn qua... Đến thời kỳ Nguyễn Trãi được vời vào triều làm quan, một buổi chiều nhàn tản, nhân đi hóng mát Tây Hồ, ông bắt gặp một người con gái đẹp gánh chiếu gon đi bán. Đang lúc cao hứng, quan thừa chỉ đọc bông lơn mấy câu thơ: Ả ở đâu ta bán chiếu gon? Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn? Xuân xanh chừng độ bao nhiêu tuổi Đã có chồng chưa, được mấy con? Không dè người con gái ứng khẩu hoạ luôn một tứ tuyệt: Thiếp ở Tây Hồ bán chiếu gon Cớ sao người hỏi hết hay còn? Xuân xanh vừa độ trăng tròn lẻ Chồng còn chưa có, hỏi chi con? Mến cảm tài văn chương, triều quan Nguyễn Trãi nhờ người manh mối hỏi cô hàng chiếu làm thiếp. Người vợ thiếp đó chính là Nguyễn Thị Lộ. Tiếng Thị Lộ hay chữ đến tai vua Thái Tổ. Nhà vua triệu vào kinh phong cho chức “lễ nghi học sĩ” giữ việc giảng dạy trong cung. Đến đời vua kế nghiệp là Lê Thái Tông, một hôm nhà vua đi tuần miền Đông, ghé vào thăm lão thần Nguyễn Trãi ở Côn Sơn rồi về nghỉ lại ở vường Lệ Chi ( Trại Vải ), đêm hôm ấy, Nguyễn Thị Lộ mới đầu độc nhà vua. Khi vua băng hà, triều đình cho là Nguyễn Trãi mưu giết vua, xử giết ông cả ba họ. Khắc chót cuộc hành hình đem Nguyễn Thị Lộ ra chém thì Lộ hoá thành con rắn trắng”. Sự tích ma quái, thần bí của vụ án Lệ Chi Viên có thể đánh lừa những kẻ cả tin, nhẹ dạ. Còn ở chốn kinh sư, bậc túc nho, hay thức giả, nghe những câu chuyện trên đây chỉ im hơi lặng tiếng hoặc kín đáo thở dài. Ngẫm lại từ cuối đời Thái Tổ Cao hoàng đế Lê Lợi, trải chín năm vua Thái Tông ở ngôi cho đến nay, họ đã từng chứng kiến biết bao chuyện đau lòng. Họ hiểu vì đâu Nguyễn Trãi phải mang thảm hoạ, nhưng cũng do nhìn thấy thảm hoạ của Nguyễn Trãi mà họ cảm biết thân phận mình chẳng qua như con sâu, cái kiến. “Có miệng thì cắp, có nắp thì đậy”, “vạ tay không tày vạ miệng”, họ tự răn mình và răn dạy vợ con như vậy. Nhất là sau khi hoàng đế tắt mệnh, thái tử lên nối nghiệp chưa đầy ba tuổi, mọi việc triều chính đều do tay một người đàn bà nổi tiếng lộng quyền là mẹ vua, tức hoàng thái hậu Nguyễn Thị Anh định đoạt... ° ° ° Vào khoảng cuối canh tư. Cả kinh thành còn đang say giấc. Cảnh vật chìm đắm trong một màn sương mù dày đặc. Đứng ở bên này hồ Dâm Đàm (Hồ Tây) trông về mạn hoàng cung, nếu không có ánh đèn le lói ở tháp canh trên cửa Đoan Môn thì người ta không tài nào phân biệt nổi đâu là Đông Tràng Anh, Tây Tràng An đâu là vườn Thượng Lâm, khu hí viện v.v... Vào giờ này, vua Nhân Tông không ngự trên cỗ sập vang. Đức vua nương mình trên tấm võng tía mắc vào một cái giá bằng sừng tê ngưu đặt ở góc phía tây cung Vạn Phúc có cửa vòm cuốn thông với cung của hoàng thái hậu. Tấm võng của nhà vua quả là một công trình tuyệt mỹ. Gần ba mươi thợ khéo ở xưởng thủ công “bách tác” hoàng gia đã gắng sức ròng rã nủa năm trời mới làm xong những chi tiết khác nhau của nó. Bên trong võng, lót gấm hồng thêu hình rồng cuốn, còn thành võng là hai bức diềm viền kim tuyến rủ hàng tua vóc vàng đính đầy những hạt trân châu óng ánh. Mười hai tú nữ xiêm áo lượt là thay phiên nhau chầu chực quanh tấm võng quý đó. Họ đã được hoàng thái hậu lựa chọn rất kỹ trong số hàng nghìn mỹ nhân cung tần. Những người này không phải chỉ cần có nét mặt thanh tú, giọng nói ngọt ngào, bước đi uyển chuyển. Họ còn phải thành thạo rất nhiều công việc: chế biến thức ăn, bày biện hoa quả, trang trí đèn lồng, khâu vá, thêu thùa, múa hát. Hơn thế nữa, họ còn phải biết tận tuỵ săn sóc nhà vua và phải hết sức thông minh. Phải thuộc lòng từng nết ăn, nết ngủ của ngài, phải đoán biết rất đúng ý nghĩa trong từng cái cựa mình, vươn vai, đạp chân nhỏ nhẹ... Khi nào cần giảm bớt vị ngọt trong bình sữa sơn dương, khi nào cần thay nước tắm ngũ vị hương bằng nước mưa ủ nhị hoa sen, khi nào cần cuốn cao rèm ngọc cho ánh sáng tự nhiên tràn vào, v.v... Những bàn tay của họ phải cung đốn đức vua chưa đầy ba tuổi được toại nguyện đúng như một vì thiên tử. Lúc này Ngài đang thiêm thiếp ngủ, một khúc ca êm ái soạn theo điệu nhạc Chiêm Thành thay cho lơờiru nhẹ nhàng bay theo điệu võng đu đưa... Bà hoàng thái hậu Nguyễn Thị Anh rón rén đến bên tấm võng tía, vén màn nhìn đức vua phập phồng cánh mũi ngáy đều đều một cách thoả mãn, ròi bà mới bước lên ngai ngồi uy nghi và lạnh lùng như một pho tượng đá. Từ khi hoàng thượng về chầu tiên đế, ngay cả ban đêm lúc ngủ thái hậu cũng bận tang phục, ngày thì ba lần đến thái miếu tự tay dâng lễ thắp hương kêu khóc thảm thiết, tưởng như tình thương của tất cả những người vợ trên thế gian này cộng lại cũng không bằng tấc lòng thành của bà đối với Thái Tông hoàng đế. Bà ngồi đó, nếu thỉnh thoảng không nhếch mép để ánh lên màu hạt na của mấy chiếc răng nanh hơi khểnh thì toàn thân là một khối trắng toát: chiếc vương miện phủ khăn lụa trắng, và đôi hài trắng. Cả cái nhìn cũng gây cảm giác ghê lạnhu vì lớp nhãn cầu sáng loá. Đúng là thái hậu có hai con mắt khác lạ. Mắt bên phải lớn hơn mắt bên trái tới hai phần mười. Con mắt này khi hàng mi cụp xuống trông tình tứ, dịu dàng, nhưng khi nhìn thẳng thì lông mày dựng lên dữ tợn, đồng tử nở xoè ra và loé lên những tia sáng sắc lạnh. Ngày xưa, khi bà còn là một thiếu nữ, mới chạm mặt lần đầu, vua Thái Tông đã muốn tuyển làm phi, chỉ hơi ngại vì con mắt ấy. Đoán trúng ý vua, bố đẻ ra cô thiếu nữ biện bạch ngay: “Tâu bệ hạ, biết bao bậc quyền quý đều chưa lọt được vào mắt con gái kẻ quê mùa này. Xin bệ hạ đánh chứ đại xá cho, nào có phải tiện nữ đây mình ngọc vàng vóc gì, chẳng qua chỉ nhờ cái tướng “mục dị” kia. Dạ, đúng thế, quý tướng có hai loại: một là nốt ruồi, ẩn tướng của các vị cao sang; hai là “ mục dị” thì...bẩm... các nhà lý số nói đó mới là đặc điểm dung mạo hạng người làm nên quốc mẫu”. Đó là lời tâu của một người giàu có nhất vùng, trong dịp xa giá đi qua trấn Thanh Hoa, huyện Đông Sơn, làng Bố Trạch và dừng lại đấy một đêm. Thế rồi nhà vua trẻ không “ ngại” con mắt ấy nữa, và mấy tháng sau, lão phú hộ ở huyện Đông Sơn nghiễm nhiên trở thành bậc quốc trượng. Với con mắt khác lạ ấy, trong đêm tĩnh mịch, thái hậu không ngước lên nhìn ai cả mà lại nhìn thẳng vào chính lòng mình. “ Sự đổi thay nhanh chóng quá. Ta... chính ta đã làm những việc ghê rợn đến thế ư ? Ôi, xin tiên đế và các bậc thần minh lượng xét cho, nếu Thị Anh này không bạo tay trừ khử tên lão thần bướng bỉnh thì ai tôn kẻ cô quả này lên ngôi thái hậu?... Và có thật ta đang là hoàng thái hậu, là người ngồi rủ rèm thính chính cho vua, là người có quyền hành lớn nhất trong khắp nước Đại Việt này không? Hay là ta đang sống trong mở?”. Thái hậu cắn mạnh vào ngón tay út. Mi mắt trái giật thót lên. Đau điếng người đi! Đúng là sự thật hiển nhiên rồi. Bà mở to mắt ra ngắm nhìn cảnh tượng mình đang ngự trị. Trước mặt bà, một là khói thơm nhè nhẹ toả lan từ chiếc lư ngọc bích gọt hình trái phật thủ. Sau lưng bà dựng lên một quả non bọ kết bắng trúc gọi là “ Vạn Thọ Nam Sơn”. Quả núi này có năm ngọn, mỗi ngọn mang một tên khá cầu kỳ mà các quan đông các phải tra cứu kinh sách rất lâu mới đặt nổi. Hai bên bà, hai phi tần mặc áo kiểu Giáng Hương nhẫn nại quỳ xuống nền đá cẩm thạch, đầu đội những chiếc khay đồi mồi khảm xà cứ : một khay dâng hoả lò đặt sẵn ấm đun nước pha trà, một khay dâng bát mẫu nhân sâm cách thuỷ. Chỗ bà ngồi thông với hậu cung có lối đi ngầm dưới đất gọi là Vạn An Lộ, ban ngày cũng như ban đêm đều đốt nến sáng trưng. Bọn cận thần và lũ hoạn quan đánh bạc, uống rượu, hát xướng mặc sức trong các ngách của lộ Vạn An đấy. Hoàng thái hậu đang nóng ruột đợi quan tả hình Tạ Thanh, tên cầm đầu các nội quan tới. Chỉ ở nơi cung cấm mới có những buổi chầu lạ lùng vào giờ này. Tả hình Tạ Thanh xuất thân là một tên ăn chơi đang điếm. Vì mê đào hát và có chút hơi hướng họ ngoại với quan lễ bộ Lương Đăng nên hắn được Đăng tuyển vào ban nhã nhạc trong cung đình. Ít lâu sau thấy hắn không có năng khiều về âm nhạc, lại nhân trong cung thiếu một chân thị vệ, Đăng mới xin với Huệ phi cho hắn vào làm hoạn quan. Từ đó, Thanh đâm ra bài bạc và ăn của đút lót, đã nhiều lần được Huệ phi che chở. Khi Huệ phi bị giáng truất, Thanh làm sớ tâu vua vạch thêm tội của phi. Quan hành khiển Nguyễn Trái biết việc đó, than với Thái Tông rằng : - Bình nhật Tạ Thanh hết lời tán tụng Huệ phi, nay ân nhân bị lâm nguy, hắn đã không thương xót thì chớ, lại đi tố giác người ta một cách a dua, vu khống. Như thế trước hết là hắn tự tốc giác cái bản tâm hèn hạ của hắn, sau nữa hắn đã làm tổn xúc đến cái đạo sáng đời thịnh trị. Hạng như Thanh bưng bát cơm ăn nhưng chưa hiểu lẽ làm người. Xin bệ hạ hãy bỏ ngoài tai : Vua bẻ lại : - Thanh vạch tội một kẻ đáng trị tội thì đó cũng là hợp với lẽ làm người chứ sao ? Nguyễn Trãi lại tâu : - Có người vì đại nghĩa, phải lau nước mắt gạt tình riêng, nhưng tâu bệ hạ, thần trộm nghĩ hạng người như Tạ Thanh chư thể vươn tới cái lẽ đó. Vua ậm ừ cho qua chuyện rồi vẫn để Thanh về hầu cận Nguyễn Thị Anh. Càng ngày họ Tạ càng được tin dùng. Chuyện gì phi cũng đem bàn bạc với Thanh. Thanh tâu điều gì, phi cũng khen là hợp ý. Hai tâm địa giống nhau như hai cái đáy nghiên mực cùng đúc một khuôn. Hồi vợ chồng Nguyễn Trãi đồng lòng cứu thoát bà phi Ngô Thị Ngọc Dao- một người vợ khác của vua Thái Tông, - xúc xiểm vua không được, Thị Anh trợn tròn mắt, giậm chân nói với Tạ Thanh : - Còn Trãi thì ta và bọn các người chưa biết lúc nào mới mở mày mở mặt được! Tên hoạn quan cười nham hiểm : - Trãi còn hay không, theo ngu ý, chính là do ở nguyên phi... Tả hình Tạ Thanh vào cung không vận triều phục. Hắn ngái ngủ, chỉ kịp chụp vội lên đầu chiếc mũ bì biện kiểu quan võ. Hắn sắp phủ phục xuống chân ngai thì Nguyễn Thị Anh xua xua tay : - Thôi! Miễn lễ cho khanh (chỉ có Tạ Thanh mới được hưởng đặc ân ấy ). - Rồi bà hỏi luôn: - Công việc đến đâu rồi? - Muôn tâu hoàng thái hậu...- tả hình hơi ấp úng...- Lũ thần đã cho lùng sục khắp nơi nhưng vẫn... chưa thấy tông tích Phạm Thị Mẫn đâu cả. - H... ừ...m..., bọn khanh lùng sục ở những nơi nào? - Dạ...suối sâu, rừng rậm, hang cũng ngõ hẻm. Khắp vùng Côn Sơn và bất kỳ một chốn nào có hơi hướng quen thuộc của Nguyễn thừa chí và Phạm Thị trước đây. - Hỏng! Hỏng!...- Thái hậu đập tay xuống thành ngai, giọng mỉa mai: - Các ngươi đi lùng chuột chớ không phải đi vây bắt vợ của kẻ phản nghịch!... Hãy nghe ta, cho quân rút ngay khỏi Côn Sơn và những nơi cũ! Mở cuộc thám nã ở huyện Sơn Nam! Ngừng một lát, thái hậu rít qua kẽ răng : - Mà khanh phải nói cho cái lũ quân lính toi cơm của khanh hiểu rằng lần nay nếu không tìm bắt bằng được tội phạm thì bọn chúng trở về đừng có trách hoàng thái hậu độc ác. Ta gian hạn cho đúng một tuần nữa đó... Khi tên gian thần họ Tạ nhận mệnh lệnh xong đã đi khuất và nẻo Vạn An Lộ, Nguyễn Thị Anh còn ngồi lưỡng lự suy tính : “ Thị Mẫn sắp đến ngày mãn nguyệt khai hoa rồi. Biết đâu nay mai nỏ chẳng đẻ ra một đứa con nối dõi thừa chỉ... Hừ...m... Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc... Cần ngầm báo cho Tạ Thanh biết : nếu không tiện bắt sống thì bằng cách nào cũng tốt, miễn là thủ tiêu được Thị Mẫn và cái thai trong bụng... Cố nhiên phải có bằng cớ mang về để cho ta đủ tin...”. Ý nghĩ ấy làm cho Thị Anh khoan khoái thực sự. Mụ không thèm nhấp giọng nữa, đứng dậy hất ông tay áo gạt đổ bát nhân sâm xuống chân ngai... Hai tú nữ sợ hết vía. Họ vẫn không dám nhúc nhích, cứ đội những chiếc khay quỳ mọp tại chỗ. Lúc này họ cảm thấy khắp nơi trong cung điện đâu đâu cũng hiện ra những con mắt mang đồng từ sáng loá, kỳ quái, cứ mỗi lúc một nở to mãi ra, long lên sòng sọc, xuyên những cái nhìn sắc lạnh vào vai, vào cổ, vào lưng, vào... số phận đáng thương của họ. ° ° ° Cách kinh thành sáu mươi dặm về phía đông nam, ở huyện Sơn Nam, trên bờ sông Đáy có một làng tên là làng Đoài, dân cư không đông lắm nhưng đất đai trù phú. Cả làng sống bằng nghề trồng dâu nuôi tằm. Riêng cí một tên giàu nhất làng, ngoài mấy chục mẫu nương dâu, còn có thêm một vườn cây ăn quả. Đời Thái Tông hoàng đế, có lần vào dịp Tết Nguyên Đán, hắn bấng một cây quất sai quả nhất đem vào cung dâng vua. Bà phi Nguyễn Thị Anh bứt một quả nếm thử và khen là giống quất quý. Phi cho rằng khắp nước Đại Việt chỉ có đất làng Đoài mới ưa trồng quất, liền nảy ra một ý quái gở: bắt gần ba trăm hộ trong làng dời đi nơi khác cho tên nhà giàu kia phá tất cả mấy trăm mẫu dâu tơ, đem trồng giống quất thế vào. Nếu không có quan thừa chỉ Nguyễn Trãi can ngăn, chắc chắn bấy giờ vua Thái Tông đã làm theo ý Nguyễn Thị Anh và như vậy, làng Đoài...còn đâu nữa? Trong lúc ba họ Nguyễn Trãi bị thảm sát, bà Phạm Thị Mẫn trốn thoát rồi tình cờ lưu lạc đến bên bờ sông Đáy... Ngày một ngày hai dân làng biết chuyện . Để đền ơn tri ngộ năm xưa, làng Đoài từ ông già bà cả đến đứa bé để chỏm đều bẻ que ăn thề quyết nuôi giấu bà Mẫn gìn giữ bằng được dòng máu của vị đại nhân. Họ không ngờ tên nhà giàu kia đã manh tâm trốn vào kinh đi báo với Nguyễn Thị Anh. Tin tả hình Tạ Thanh nay mau mang binh về bao vây làng Đoài lùng bắt thân thích của Nguyễn Trãi phút chốc lan đi khắp chòm trên ngõ dưới. Lập tức người xã trưởng cho đánh một hồi chín tiếng mõ khẩn cấp triệu bà con vào họp kín trong núi. Ai cũng lo cho tính mạng bà Mẫn. Người ta tranh nhau hiến kế: - Cứ tạm thời giữ Phạm phu nhân trong hang rồi chúng tôi thay phiên nhau đem cơm nước vào, có được không? - Không được. Cả địa thế làng ta chỉ nổi lên một quả núi. cả quả núi chỉ có một cái hang, ẩn trong đó, sớm muộn bọn Tạ Thanh cũng đánh hơi thấy. - Tôi có người em ruột ở phủ Thiên Trường. Hay là gửi phu nhân về náu mình ở đó một thời gian? - Phải bàn kỹ nữa đi! Có nên đem phu nhân uỷ thác cho một người phu nhân chưa hề quen biết hay không? Mà phủ Thiên Trường sát quốc lộ là nơi bọn quan quân hay qua lại... Xét ra kế nào cũng chưa thật ổn. cuối cùng người xã trưởng nói: - Tôi biết, chỉ có một người cứu được phu nhân trong lúc này mà thôi. - Là ai, là ai vậy? Nói mau lên cụ xã trưởng. - Xin đừng có nôn nóng... Tôi chưa thể tiết lộ ngay tên, tuổi... Chỉ biết là tôi có thể đi tìm được người ấy về đây để hộ tống phu nhân đến một nơi hoàn toàn yên ổn, nếu bà con chúng ta chịu ưng thuận cho một điều.... - Cứ nói lên xem nào! Cứu được phu nhân thì dù có gặp trăm điều khó khăn, chúng tôi cũng không quản nữa là một điều. - Vân, tôi xin nói, bà con ạ. Trong khi tôi đi vắng, nếu tên tả hình Tạ Thanh đến đây lùng nã phu nhân thì xin bà con cứ làm đúng theo lời tôi dặn như thế này... Nghe xong, mọi người reo lên sung sướng: - Cụ xã trưởng cao kiến lắm! Có khó gì điều đó. Chúng tôi sẽ làm dúng như lời cụ dặn. ° ° ° Đất nước lại phải bước vào vòng binh lửa! Cái chí hận thù nung nấu đánh giặc phải van xin đầu hàng, cái tâm đồng cam cộng khổ cùng ba quân thiên hạ “nêu hiệu, gậy làm cờ, tụ tập khắp bốn phương manh lên, thết quân, rượu hoà nước, dưới trên đều một bụng cha con” như các bậc thánh quân thì đã lùi xa vào thời kỳ quá vãng. Nguyễn Trãi, bậc lão thần tài kiêm văn võ, ngôi sao rực sáng ở phương Nam..., ánh hùng tinh đó đã lịm tắt trong bầu trời đầy mây mù oan khuất. Các bậc đại thần dũng lược như Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Bảo, Lê Yên, Lê Bôi... tuy đội mũ mặc áo đương triều nhưng lại không được tin dùng! Vua còn nhỏ tuổi, quyền hành ở cả trong tay thái hậu Nguyễn Thị Anh và bè lũ hoạn quan xiểm nịnh... Tình trạng ấy tạo thời vận lăm le kiếm chác cho bọn giặc cướp bên ngoài vốn dĩ đã mon men nhòm ngó bờ cõi nước Đại Việt từ lâu. Trước nguy cơ bị ngoại xâm, hoàng thái hậu và triều đình không bàn tính đến kế luyện võ bị, lại gây thêm ta thán lòng người bằng những việc mưu hại bà Phạm Thị Mẫn... Trong khi tả hình Tạ Thanh hùng hổ mang quân về bủa vây làng Đoài thì bọn tướng giặc ngoại bang cũng bí mật mang quân đến cướp phá thành Châu Hoá (Thừa Thiên). Bấy giờ vào cuối mùa hạ năm Bính Dần. Tin cấp báo về kinh sư, thái hậu Nguyễn Thị Anh ôm vua Nhân Tông vào lòng, rồi cuống quýt triệu tập lũ hoạn quan cận vệ. Bọn này đứa cáo ốm, đứa vin vào tuổi tác mỏi mệt, đứa thì kiếm cớ lảng tránh... không còn cách nào khác, cùng đường, thái hậu đành chịu muối mặt “hỏi thăm” đến các vị cựu thần của tiên triều. Đương nhiên khi nước có biến, các vị không bao giờ khước từ lời hiệu triệu cứu nguy cho xã tắc. Thế là thái bảo Lê Bôi lại thống lĩnh mười vạn quân gấp rút lên đường. Biết quân ta thế mạnh, quân giặc bỏ trống mặt tiền cho ta nhập thành dễ dàng rồi chúng lặng lẽ rút lui về án ngữ dọc hai phía tả và hữu ngạn sông Hương. Ở đây thuỷ quân cảu chúng hoạt động ráo riết. Đường tiếp viện, chuỷen lương của ta các ngả đều bị cắt đứt. tiến thoái lưỡng nan, quân sĩ ta bắt đầu xao xuyến. Trước tình thế ấy, thái bào Lê Bôi hội các tướng lĩnh lại bàn rằng: “Ta tiến binh đại phá giặc, không dè lại rơi vào giữa vòng vây cảu chúng; bây giờ rút cũng chết. Chỉ còn một kế là lấy nguy giải nguy, tìm cáhc đột nhập vào sào huyệt của giặc, bắt sống tướng giặc. Nhưng quân ta không quen đánh nhau dưới nước mà chiến thuyền giặc san sát mặt sông, làm sao có thể nhận ra đâu thuyền chỉ huy của chúng. Ai là người dám nhận làm nổi việc đó...?” Đến đây cần nhắc lại việc tên hoạn quan họ Tạ vâng mệnh thái hậu Nguyễn Thị Anh đi lùng bắt bà Phạm Thị Mẫn. Gần tới địa phần làng Đoài, Tạ Thanh cho rải quân bao quanh vùng rồi hắn tự thân đi tìm người xã trưởng. không tìm thấy cụ đâu cả, hắn nổi xung doạ nạt những người dân chung quanh: - Ta là quan tả hình Tạ Thanh cầm quân triều đình về quê các người lùng bắt vợ tên nghịch thần Nguyễn Trãi còn sống sót ở đây (hắn vừa nói vừa chỉ tở chiếu chỉ nhà vua ra). Ta đã sức lệnh trước cho chức dịch trong làng phải tìm bắt bằng được tội phạm đem giải nộp, tại sao bọn bay dám trái lệnh hử? Tên xã trưởng bỏ nhà đi đâu? Phạm Thị Mẫn ẩn náu ở đâu? Các người phải tường khai ngay, nếu không muốn chém đầu cả lũ. Nhưng mọi người đã được cụ xã trưởng dặn dò từ trước, đều trả lời một phách giống nhau: - Bẩm thượng quan... Đúng là có một người đàn bà xa lạ, bụng chửa vượt mặt, lâu nay vẫn sống quanh quất ở vùng chúng tôi. Hôm tiếp được tờ sức của quan trên, so sánh nhận dạng tội phạm trong căn cước với hình dạng người thực, dân làng chúng tôi mới vỡ lẽ đó là Phạm Thị... Cụ xã trưởng tức khắc cho bắt trói lại để giải nộp thượng quan. Không ngờ tội phạm gan góc quá, ngay đêm hôm ấy cắn lưỡi tự vẫn. Cụ xã trưởng lo mắc tội lớn với triều đình nên đã bỏ trốn, dạ... dân làng chúng tôi phải xúm lại chôn cất người đàn bà xấu số mới được vài hôm nay... Ngẫm nghĩ lại một lát, Tạ Thanh ranh mãnh hỏi: - Thế các người có giữ lại vật gì để làm bằng chứng không? một người tự nhận là chức dịch trong làng vội xin phép trở về nhà lấy mấy thứ rồi trở lại, khúm núm thưa: - Dạ... đây là một đôi khuyên đeo tai bằng vàng, một chiếc hộp đựng trầu sơn màu sáp ong và một cái độn tóc, hạ chức còn niêm phong nguyên vẹn, xin đem nộp lại thượng quan. Tạ Thanh trông thây của, híp cả mắt. Hắn nhẩm xong ngay một con tính: Đôi khuyên tai vàng thì đút túi làm của riêng. Còn chiếc hộp đựng trầu và cái đọn tóc (đáng gì những thứ ấy!) sẽ đem dâng lên thái hậu, ch...ậc để gọi là tang vật, chứ Tạ Thanh này còn phải đến tận nơi tra xét tường tận chú... Rồi tả hình bắt viên chức dịch sở tại phải dẫn hắn đến ngôi mả mới ở bãi tha ma đầu làng. Mặc dù đã đọc đi đọc lại mấy hàng chữ viết trên tấm thẻ tre thay cho mộ chí: mộ phần bà Thị Mẫn, họ Phạm, thác mệnh ngày... tháng... năm..., dân làng mai táng tại..., đặt tên thuỵ là..., Tạ Thanh vẫn nửa tin nửa ngờ. Hắn bắt nọn nguời chức dịch bằng một câu nói lấp lửng: - Ta khó lòng có thể tin được ở bọn các ngươi... Thay cho lời đáp lại hắn là những nhát cuốc bổ xuống ngôi mộ tới tấp. Đến khi từ lòng đất lộ ra một góc chiếc quan tài xông lên mùi thịt thối đến nôn mửa, bấy giờ Tạ Thanh mới thở phào nhẹ nhõm. Hắn xua tay ra hiệu: - Lấp huyệt mau! Thế là đủ rồi... Tên gian thần ngu ngốc ấy yên trí tự cho hắn là kẻ khôn ngoan quỷ quyệt nhất đời. Hắn có biết đâu rằng ngôi mộ hắn vừa đến tra xét chỉ là ngôi mộ giả, trong lớp áo quan đựng xác một con dê đã thối rữa mà thôi... và trong khi thái hậu Nguyễn Thị Anh hý hửng tưởng đã “làm cỏ” tận gốc sạch sành sanh ba họ nhà quan thừa chỉ thì, theo kế sách người xã trưởng, một chiếc thuyền nhỏ đã vượt eo sông Đáy giong buồm mải miết không kể ngày đêm, hộ tống bà Phạm Thị Mẫn đến tận đất Bồn Man (Lào). Người lái chiếc thuyền đó cứu thoát Phạm phu nhân là một chàng trai lực lưỡng, môn sinh cũ của Nguyễn Trãi, tên gọi Lê Đàm. Đến Bồn Man, Lê Đàm gửi Phạm phu nhân ngụ nhờ gia đình một người Việt cũng là bạn trong đạo đồng môn, không may người này vừa lâm bệnh, chết. Phạm phu nhân lại sắp đến ngày sinh đẻ, không thể kham những việc nặng nhọc. Thế là Đàm phải cùng ở lại với phu nhân, giúp đỡ cách sinh nhai. Người ta thấy chàng thanh niên ấy suốt ngày xoay trần ra, làm đủ mọi việc nào là đẵn gỗ, chặt tre dựng lán, nào là khai mương, đốt rẫy, trồng ngô, tỉa lúa. Lúc rảnh việc, lại tìm nơi thanh vắng ôn văn, luyện võ. Tuy nhiên, Đàm vẫn dành thời giờ, lân la thăm hỏi hoặc giúp đỡ những gia đình neo đơn chung quanh. Nhờ vậy, khi Phạm phu nhân sinh ra một chú bé và đặt tên là Anh Võ, bà con người Việt và cư dân người Bồn Man lui tới thân thiết lắm. Người cho lon muối, người tặng chiếc khăn dệt bằng thổ cẩm, người không có của thì giúp công, đến khâu vá, giặt giũ cho mẹ, cho con. Ròng rã nửa năm trời ở đất khách, mẹ con đang sống chung với nhau ấm cúng, bỗng dưng một ngày kia bà Phạm gọi Lê Đàm vào nhủ: - Anh Võ đã cứng cáp, bây giờ một mình mẹ cũng đủ chăm sóc em được rồi. Bên kia dãy Trường Sơn, giặc ngoại bang đang tàn sát quê hương, con phải mau về lo trả nợ nước! Lê Đàm cúi đầu ngẫm nghĩ... “Ngày xưa thầy dạy ta: làm trai thời bình lo văn nghiệp, lúc quốc gia hữu sự phải xếp bút nghiên đeo gươm ra trận, đó là lẽ thường tình”. Rồi không dám trái lời Phạm phu nhân, Đàm đành gạt nước mắt chia tay... Lê Đàm về nước vừa lúc thái bảo Lê Bôi sắp khoá sổ tuyển binh. Chàng không kịp trở lại thăm xóm cũ bên hồ Dâm Đàm và các bạn đồng môn ở phường Bảo Thiên (Thăng Long) mà chỉ kịp dừng lại ở huyện Sơn Nam. Chàng tìm gặp cụ xã trưởng làng Đoài, báo cho cụ biết việc nghĩa được giao đã làm tròn, rồi chàng xin cụ cho ghi tên vào danh sách những tráng đinh đại phương tình nguyện sung vào đội quân của quan thái bảo... Lúc này đây nghe những lời cáo cấp truyền xuống hàng quân, Lê Đàm mặt đỏ bừng, cắn bật cả máu môi, đầu nóng hầm hập. “Kiêu ngạo đến như bọn tướng tá nhà Minh mà đối mặt với quân binh Đại Việt cũng từng phải sợ vỡ mật, chạy tháo thân, đến nỗi mãu chảy đầy đồng, thây chồng thành núi, cứu binh hai lộ kéo sang chửa quay chân đã bại, cường khẩu các thành khiếp sợ đều cởi giáp ra hàng, huống hồ bọn giặc nhãi nhép này bây giờ lại dám liều lĩnh vây hãm quân ta? Phải cho chúng biết tay mới được! Nhưng xưa kia, thầy cũng từng dạy ta: “Dũng không bằng mưu, mà muốn đạt mưu cao, trước hết phải có gan vàng dạ sắt... “ Đêm hôm ấy trời không trăng sao, Đàm chỉ đóng một cái khố đỏ. Chàng hít một hơi thật mạnh rồi nín thở ngụp xuống dòng Hương Giang. Đây là lúc người con trai bên hồ Dâm Đàm trổ hết tài bơi lặn. Đàm lướt mình như cá, lườn qua những dải nước sáng là khu vực dàn trận của thuỷ quân giặc. Chàng lần đến chiếc thuyền chỉ huy, ló đầu nhìn vào lâu thuyền, thấy tên đô soái giặc đang ngật ngưỡng ngồi uống rượu. Chàng men đến sát chỗ hắn, du nhẹ mình lên khoang... và nhanh như cắt, tên tướng giặc chưa kịp trợn mắt há mồm, bằng một miếng võ hiểm chàng đã khiến hắn phải ngồi cứng đờ tại chỗ, chân tay trở thành vô dụng. Ung dung, Đàm cởi áo ngoài của hắn khoác vào mình, lấy gươm của hắn đeo vào bên hông, tước thẻ hiệu cài vào ngực, đội mũ kim cương lên đầu, xong đâu đấy rồi, chàng mới đánh thức hai tên lính hộ vệ dậy. Bọn này chỉ là đồ nhát gan! Vừa định thần nhìn thấy chủ soái ngồi thất đảm, mặt trắng bệch, và đứng trước là một vị tướng khác lạ, như người mới ở thuỷ quân hiện lên, chúng “ngượng” cả chân tay, sụp xuống lạy rối rít. Lê Đàm bèn ra hiệu hai đứa phải lẳng lặng làm theo mệnh lệnh của mình: lái chiến thuyền chỉ huy của đô soái ra khỏi ngã ba sông để đi về phía quân ta... Sự việc kết thúc nhanh chóng bất ngờ. Sáng hôm sau, tin tướng giặc bí mật kẻn về đầu hàng quan thái bảo loan đi khắp thành Châu Hoá. Quân ta đốt pháo ăn mừng. Còn quân, tướng giặc thì bàng hoàng, hốt hoảng. Chúng tranh nhau tháo lui, chiến thuyền ca vào nhau nhấn chìm xuống sông Hương hàng nghìn xác chết... Sau chiến công đó, Lê Đàm được trọng thưởng. Thái bảo Lê Bôi triệu chàng đến trung quân phong cho chức tước. Chàng sẽ sàng thưa: - Tôi vốn quen cầm bút lông, gặp lúc nước có biến mới phải vớ lấy cung kiếm. Nay giặc đã tan, xin tướng công cho tôi được trở lại cuộc đời kẻ sĩ. Bấy giờ bài phi Ngô Thị Ngọc Dao đã được cởi án về sống riêng biệt ở chùa Huy Văn. Con trai bà là Tư Thành cũng được phong làm Bình Nguyên Vương. Bình Nguyên vương còn trẻ tuổi, phủ đệ cần một chức quan thân tuỳ kiêm học sĩ. Thấy Lê Đàm vừa có tài văn võ, vừa có đức khiêm nhường, quan thái bảo đem lòng mến phục mới tiến cử chàng tòng giữ chức ấy. Từ đây, họ Lê lại về sống giữa kinh sư, nhưng khác xưa, không còn là một người học trò nghèo bên hồ Dâm Đàm mà trở thành một đường quan ngồi trong vương phủ có nhiều dịp tiếp xúc với các bậc công, hầu, khanh, tướng. ° ° ° Đến gốc cây đa đầu làng, trang thành niên ghìm cương cho còn tuấn mã đứng lại, nhẹ nhàng nhảy xuống đất rồi bước vào một quán nước. Có tới hàng chục nam nữ ngồi la liệt trên hai chiếc chõng tre kê ở phía trong quầy hàng. Thấy khách từ xa tới, một người đứng tuổi nhất trong bọn họ rót ra một bát nước chè tươi bốc khói, đứng lên đon đả: - Mời công tử dùng tạm rồi nghỉ chân cho đỡ mệt. Hôm nay cụ chủ quán bận chút việc, nhưng không sao... nếu công tử muốn lên núi cứ gửi ngựa lại, sẽ có người trông nom tử tế. Chàng thanh niên lễ độ chào và tự nhiên đỡ lấy bát nước nóng uống một cách ngon lành. Trong quán bắt đầu nổi lên những tiếng xì xào: - Chắc là ở kinh sư mới về? - Trông quen quen... ờ... mà không lẽ! Cậu khoá năm xưa có đâu cao lớn chóng thế này? - Này... ăn mặc không có gì kiểu cách sao vẫn ra dàng hơn cánh trai làng mình? - Gớm, chưa gì đã say như điếu đổ... - Thôi đi, đừng có bạ ăn, bạ nói, cô mình! Đúng là trang thanh niên có tướng mạo khôi ngô thật: mặt vuông chữ điền, mũi cao, trán rộng, đôi mắt ngời sáng và đăm chiêu. Chàng không để ý đến những lời bàn tán vì còn mải quan sát ngôi hàng. "Ừ... cũng không có gì khác với những năm trước là mấy... Vẫn trên cùng là tấm ván mỏng manh đỡ bằng hai sợi dây mây đã ám khói, thay cho bàn thờ gia tiên. Vẫn chiếc án thư cũ kỹ kê sát ở vách gian giữa, ở đó còn giữ nguyên những nét chữ nguyên những nét chữ chân phương viết trên nền giấy hồng điều: Xã tắc từ đây vững bền Giang sơn từ đây đổi mới Kiền thôn bĩ rồi lại thái Nhật nguyệt hối rồi lại minh Vẫn đôi câu dồi chúc têt dán vào thành cột luồng, cột bên phải mắc một vành khăn đã sờn ố ngả màu nứơc dưa, cột bên trái treo một cây đàn tì bà mạng nhện chăng đầy các phím. Vẫn chiếc điếu cày bằng tre nơi tay cầm lâu ngày lên nước bóng sáng như sừng. Vẫn những chiếc vùa úp theo hình chữ nhật trên quầy hàng đan bằng những nan tre vót nhỏ. Cảnh trí không thay đổi nhưng chủ nhân thì sao? Hay là cụ chủ quán... không còn nữa? Và những người túm tụm ở đây là ai? Sao hôm nay không phải ngày cúng tuần mà lại thoang thoảng mùi hương...” Chàng thanh niên đang lưỡng lự thì một ông cụ từ trong nhà bước ra, bên vai lủng lẳng một chiếc ống quyển. Chàng hết sức mừng rỡ, vội bước tới nắm lấy tay ông già: - Lão trượng còn nhớ cháu không? Ông cụ dụi mắt hai ba lần, ngước lên ngắm nghía khách, sung sướng reo lên: - Trời ơi, cậu Đàm..., a... quan thân tuỳ Lê Đàm!... Giẫm phải vết chân thần Phù Đổng hay sao mà cậu, à... quan thần tuỳ lớn như thổi. Nếu không nghe tiếng nói và không nhìn kỹ vết sẹo ở đuôi mắt thì không tài nào nhận ra được! Lê Đàm ngượng nghịu: - Xin lão trượng phu cú coi cháu như những ngày ông cháu mình còn sống chung với nhau. Cụ chủ quán cười vui vẻ rồi hướng về đám đông, hăng hái nói như phân bua: - Hồi đội quân của thái bảo thắng trận trở về, đâu đâu người ta cũng nhắc đến chiến công Lê Đàm, bấy giờ lão đoán ra ngay là cậu Đàm môn sinh nhỏ nhất của quan thừa chỉ, ngày xưa vẫn trọ học ở quán lão, thế mà chẳng đúng là gì? Chà! Hồi đó quan thân tuỳ mới mười bốn, mười lăm tuổi mà nét chữ già dặn đáo để! Lão vẫn còn giữ bút tích. Tờ giấy hồng điều dán ở vách kia kìa! Đám đông trở nên náo nhiệt: - Đấy nhé, tôi đã bào mà! Cứ ngờ ngợ mãi, hoá ra là cậu khoá Đàm ngày xưa thật! - Có phải hồi ấy chúng mình thả trâu trên bãi đồi, chiều về nước lên to phải đội cỏ trên đầu cưỡi trâu qua sông không? Còn cậu ấy thì học ở bên kia bãi về, cứ một tay ôm quần áo, một tay cầm bút sách, lội ùa xuống sông, hai chân đạp nước thẳng lưng như người đi bộ, bọn mình cố thúc trâu bơi nhanh để trêu mà không đuổi kịp... Thảo nào, bơi lội tài như thế cho nên mới bắt sống được tướng giặc dễ dàng như thế chứ. Mỗi người tranh nhau góp một đôi câu. Không còn ai phân biệt chủ, khách nữa. Người ta coi Lê Đàm thực sự như người anh em lâu ngày đi xa về. Người ta cứ líu tíu tranh nhau hỏi Lê Đàm đủ thứ chuyện; chuyện đánh nhau ở Châu Hoá, chuyện hộ tống Phạm phu nhân đi Bồn Man, chuyện làm quan ở phủ Bình Nguyên vương... một thôn nữ người nhỏ nhắn, chít khăn mot quạ, mặc yếm xẻ nhuộm nâu non, ngồi sát bên cạnh chủ quán, nhìn Lê Đàm một cách hóm hỉnh rồi mới cất giọng: - Hàng ngày em từ dưới xóm lên rừng Côn Sơn đi hái củi, trèo núi phải qua một cái động gọi là động Thanh Hư, xuóng khe phải qua một cái cầu gọi là cầu Thấu Ngọc. Em chỉ biết những cái đó gần gũi với cụ Trãi, còn sự tích ra sao mà lại đặt tên như thế thì em chịu. Xin được các bác, các anh và nhất là người học rộng tài cao như quan thân tuỳ ở đây dẫn giải cho. Lê Đàm mưôn yên lặng, hiềm một nỗi mọi người đều đồng tình với thôn nữ, khẩn khoản muốn được nghe chàng nói, thành ra chàng phải đứng dậy. - Thưa bà con, - Lê Đàm dẫn tích rành rọt - động Thanh Hư trên đỉnh Côn Sơn nguyên là di tích am Bạch Vân, nơi trú ẩn của sư Pháp Loa thuở xưa. Đến đời Trần, động này mới biến thành nơi dưỡng nhàn của ông ngoại quan thừa chỉ là quan tư đồ Trần Nguyên Đán. Như bà con biết, tuổi nhỏ, quan thừa chỉ thường sống ở đây với ông ngoại. Sau này, khi cáo quan, rời bỏ kinh sư, Người lại trở về đây ẩn dật. Theo Người dẫn giải thì động Thanh Hư nghĩa là cái động có “bóng mát để nghỉ, chỗ vắng để ngồi, mùi thơm để ngửi, sắc màu để ngắm; xa vời mà hư không, sâu thẳm mà yên lặng”... Nghe có tiếng xì xào ở phía cuối, thôn nữ tỏ ra sốt ruột: - Xin các bác, các anh thư thư đã hãy bàn luận, để cho quan thân tuỳ dể nối đi đã nào! Lê Đàm quay về phía thôn nữ lúc này hai gò má đang ửng đỏ. Chàng nói tiếp: - Còn cái cầu thôn nữ vừa mới nhắc đến chính là chiếc cầu do quan tư đồ cho bắc. Trong bài ký “Thanh Hư động” của thân phụ quan thừa chỉ có nói đến sự tích cầu Thấu Ngọc. Vâng, ngày xưa từ động Thanh Hư, thao hướng đông nam, vạch lau lách đi xuống, có một cái khe khúc khuỷu. Bở khe kia chênh vênh một tảng đá phẳng phiu, màu gan gà, rộng bằng chiếc nong lờn. Thuở sinh thời, quan tư đồ cũng như cháu ngoại của Người là quan thừa chỉ, những buổi trời trong gió mát thường lội qua khe để trèo lên tảng đá nằm ngâm thơ hoặc nghe lá rụng. Thuở dó, khe bao giờ cũng đầy ắp và nước chảy xiết tuôn mau nên quan tư đồ mới cho bắc chiếc cầu bằng đá và đặt tên là cầu Thấu Ngọc. Lê Đàm vừa dứt lời, cụ chủ quán nói: - Lão tiếc rằng lão già rồi, không sống được bao lâu nữa. Nhưng chừng nào múc bát nước chè mời khách còn thấy được hơi khói bốc lên thì chừng đó lão còn chăm đọc sách. Đa, những điều quan thân tuỳ vừa tả về động Thanh Hư, về cầu Thấy Ngọc... ở trong tập sách cũ này - cụ chủ quán rút từ trong ống quyển ra một cuốn sách chữ nho - đều có thuật tỉ mỉ cả. Tập “Băng Hồ di sư lục” này, - cụ chủ quán giơ cao cuốn sách lên – trong đây quan thừa chỉ đã ghi lại tất cả những kỷ niệm của ngài đối với ông ngoại là Băng Hồ tiên sinh Trần Nguyên Đán, là bản chép tay di cảo duy nhất của thừa chỉ mà lão còn cất giấu được sau cuộc lùng xét của quan quân... Cụ chủ quán vẫn nói không biết mệt mỏi: - Quan thừa chỉ mất đi nhưng môn sinh của Ngài, người kế nghiệp của Ngài còn lại rất nhiều. Dân làng ta không sợ thiếu chỗ học! Lão liếc mắt, ý tứ nhìn Lê Đàm: - Lão biết ở ngay chùa Tư Ân bên cạnh chùa Tư Phúc cách đây không đầy hai dặm có một nhà sư thật hay chữ. Nếu ở đây ai muốn tới đó học, lão sẽ nói với quan thân tuỳ đảm đương bằng được nhà sư nhận lời cho... Lê Đàm nhận thấy cụ chủ quán vẫn sống hồ hởi với mọi người như xưa... Đến khi từ tạ bà con dân làng, chàng vẫn còn văng vẳng bên tai những lời lẽ của cụ. Lão trượng khuyên mọi người phải học, tìm sách, tìm thầy mà học. Còn ta, ta phải tự răn mình: Học thầy, học sách chưa đủ. Ta còn phải tìm học ở nhiều thứ khác nữa. “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, thì học ngay ở tấm lòng nhân nghĩa, tinh thần hiếu học của cụ chủ quán và bà con dân làng, chớ còn phải học ở đâu xa nữa? Lòng lâng lần, chàng đi về phía chân núi. ° ° °
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang