[Việt Nam] Nguyễn Thái Học
Chương 37 : Tấm lòng trách nhiệm
Người đăng: Lịch sử Việt Nam
Ngày đăng: 21:42 05-10-2018
.
Anh Song Khê tự tử rồi!
Anh Phó Đức Chính bị bắt rồi!
Đối phương hả lòng bắt bớ, giết chóc, tàn phá. Nhưng một ngày Nguyễn Thái Học còn được tự do, thì một ngày họ còn bận lòng rộn trí. Ngoài những hạng thám tử, gà nòi tung ra tứ phía; họ in hàng nghìn bức ảnh cho dân đi khắp ngả, treo cái giải thưởng năm nghìn đồng cho kẻ nào bắt hay giết được Học, và phái hai trăm lính khố xanh lập thành một đạo quân lưu động, để ngày đêm truy nã tìm tòi!
Một mặt thì các đồng chí có trực tiếp dự vào các cuộc đánh phá, không mấy ai còn thoát thân!
Số bị bắt ở Yên Bái, 51 người binh sĩ, 62 người thuộc đội tiện y; ở Phú Thọ, hai trăm; ở Hà Nội. anh Nho, anh Tôn, cùng 5 anh ném bom, tất cả đều thuộc về Ám sát đoàn; ở Bắc Ninh, Hải Dương 56 người trong đạo quân Phụ Dực, Vĩnh Bảo; ở Hải Phòng, Kiến An, cơ mưu bại lộ, cũng gộp vào số danh dự ngót hai chục tên.
Mà còn nữa, còn nữa. . . Vì tổng cộng lại vừa bị đày vừa bị giết, vừa đảng viên, vừa đoàn viên, tính đến cuối năm, có đến ngót hai nghìn!
Vì các lẽ khó khăn ấy, Anh không dám ở đâu một chỗ đến luôn ba hôm. Tung tích Anh cần phải giữ sao cho thật nghiêu khê. Lúc thì trên một con thuyền lơ lửng mặt sông! Lúc thì trong một phòng tăng (tente) trên sườn non Yên Tử! Lúc thì sang sông, lai vãng trong hai hạt Chí Linh, Nam Sách. Lúc thì về Bắc, lẩn quất trong hai huyện Lương Tài, Tiên Du. . .
Các anh em không biểu đồng tình với anh về việc khởi nghĩa, vì họ cho là thời cơ chưa đến, các anh em về phái trang lập hồi trước biệt lập. khi ấy lại hoà hảo với anh. Cái cớ làm cho ý kiến xung đột kia mất rồi, còn có gì có thể chia rẽ nhau được nữa. Cho nên đối với Anh, chẳng những các đồng chí hết lòng hộ vệ mà khắp cả mọi nơi, còn đua nhau gửi tiền cho Anh nữa. Trong số đó có ông Quách Vy gửi đến năm trăm đồng.
Nói cho thực, thì trong Đảng hồi ấy, phái chủ chiến đã tan nát cả rồi, còn phái trung lập thì cho rằng Anh nên ra ngoại quốc, để tạm lánh sự rình mò của nhà đương cục. Cái tên Anh đã vang khắp trong ngoài nước, anh ra ngoài có lợi cho việc ngoại giao nhiều lắm. Một mặt thì quốc dân coi anh như linh hồn của đảng. Anh ở ngoài, có thể làm cái trụ cột chắc chắn, để anh em nương tựa mà theo đuổi công việc cải tổ ở bên trong.
Cái ý ấy anh Lê Hữu Cảnh, trưởng ban Ám sât sau khi anh Doãn bị bắt, thay mặt anh em là nói với Anh, một hôm Anh ở Tiên Du. Nhưng Anh cười:
- Không thể được! Không thể được!
Rồi anh Đoàn Kiểm Điểm, thay mặt các nhà cách mệnh già của ta ở Tầu, khi ấy cũng lập thành một đảng ở hải ngoại, mà cũng lấy tên là Việt Nam Quốc Dân Đảng, tử Quảng Châu về, ngỏ ý các cụ cho về mời Anh sang, nhưng Anh cũng từ chối. Anh Điểm về mời Anh đến lượt ấy đã là hai lượt. Lượt thứ ba thì bị bắt ở Lạng Sơn, và bị đày ra Côn Lôn.
Sao anh Học lại không chịu ra ngoài?
Anh cho rằng việc thất bại vừa rồi là trách nhiệm tự anh. Tự anh mà bao nhiêu đồng chí bị giết, bị tù; bao nhiêu gia đình tan nát; bao nhiêu làng bị đốt phá, bị triệt hạ. . . Anh cần phải ở lại trong nước, để cùng với các anh em cải tổ lại Đảng giữa một cơn khủng hoảng, giữa một hồi khủng bố. Anh cần phải chịu hết mọi sự nguy hiểm khó khăn, không thể từ chối được.
Nói tóm lại, một là Anh có thể phụng sự Đảng cho đến lúc thành công, để đền ơn nước, để báo thù cho các đồng chí. Hai là Anh phải phấn đấu đến chết, để tạ lại lòng tín nhiệm, trong của các anh em, ngoài của cả Quốc Dân. Chứ bỏ mọi người ở trong vòng gian nan, khốn khổ, rồi nhảy tót ra mà sống cái đời yên hàn chắc chắn ở nước ngoài, dù sao nữa Học cũng không thể vâng lời được. Thực ra thì chỉ một tay lãnh tụ mới có thể bắt buộc mọi người hy sinh cho mình nhiều quá như thế!
Nhưng Anh, Anh không bao giờ dám coi mình là một tay lãnh tụ cả. Anh không có óc lãnh tụ, Anh chỉ có tấm lòng trách nhiệm mà thôi!
Thế rồi, Anh lại theo đuổi các công việc thường ngày, tổ chức lại, tuyên truyền thêm, để có một ngày Đảng lại đủ thế lực mà mưu đồ việc lớn.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Bình luận truyện