[Việt Nam] Ngược Đường Trường Thi

Chương 6 : Mặt trời Nam sao chẳng mọc cùng mặt trời Đông?

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 23:59 05-09-2018

.
Năm 1823. Lịch ta vào năm quý vị, niên hiệu Minh Mệnh thứ tư. Ở phủ lỵ phủ Quốc Oai. Một buổi sáng gần tết - Sáng hôm hai mươi nhăm tháng chạp - Ở mọi phủ huyện thì hôm nay trong thành phủ đã tết lắm rồi, mà tên lính lệ hầu trà không phải sắp sửa chuyện lên xuống ở công đường nữa, vì quan đã "hạp ấn" để ăn tết từ lâu rồi. Nhưng phủ này là một phủ to, - một phiền phủ - nên không thể theo tiệc tiễn ông Táo mà đóng cửa công đường được. Và cũng vì là một phiền phủ nên, bên cạnh quan Tri phủ, lại có quan Đồng Tri Phủ giúp việc. Cổng phủ vào, thẳng hai hàng Tử vi là công đường quan Tri phủ. Sau nếp nhà ấy là tư thất quan Tri phủ. Vào cổng, rẽ sang tay trái có một nếp nhà ngói con nấp sau gốc hải đường và dãy rào ô rô, và đứng nấp ngay cạnh bờ thành đất là dinh quan Đồng Tri Phủ. Sáng nay quan Đồng Tri dậy sớm hơn mọi ngày. Trên chòi cổng phủ, trống chưa điểm tan canh, trong dinh quan Đồng Tri, lính canh đã thấy lấp ló ngọn đèn thổ hà. Trong nhà, trên chiếc phản gỗ, cạnh bộ đồ trà đối ẩm, quan Đồng Phủ đường cùng ngồi uống nước sáng với người em út ngài, ông tú Bảy. Quan Phủ, người trạc ngoài ba mươi tuổi, nét mặt xương xương, và dẫu rằng tuổi còn ít, nhưng theo lối nhà nho cổ không bao giờ cạo mặt cạo râu, nên ở cằm, ở môi đã điểm hai chòm râu đen lánh và thưa thưa. Người em, ông tú Bảy, dẫu tuổi chưa tới ba mươi, nhưng trông đã có vẻ chững như người lớn lắm. Ở cái tuổi mà chúng ta, người thế kỷ hai mươi, sinh ra làm dân Bảo hộ, còn đá cầu được, thì lúc trước, bực tiền bối ta, đã trịnh trọng thấy rằng mình gần đến tuổi "nhi lập" rồi. Chè đã chuyên đến ấm thứ ba rồi mà hai anh em vẫn ngồi im, không nói với nhau tiếng nào, ngoài những tiếng mời "anh xơi", "em uống đi". Bây giờ, chúng ta khó lòng tưởng tượng một cuộc đối tọa của hai anh em ruột chí thân mà lại bình tĩnh và âm thầm như thế. Bây giờ mà thế thì là ghẻ lạnh nhạt nhẽo cùng nhau, nhưng xưa kia thế là đằm thắm, vì các ông nhà nho, nhất là các ông con nhà gia thế, đời đời là nhà nho, thì yên lặng tức là yêu nhau kính nhau. Đến tuần chè thứ tư. Tay cầm chén tống chuyên nước vào chén quân, ông anh mới cất một cái giọng thư thái ôn hòa: - Em ạ, nhà hết gạo rồi. Ông em, chẳng kém vẻ bình tĩnh: - Hết sao được, hết rồi lại có. Đến lượt ông anh khẽ thở dài: - Có sao được em? Sáng nay, hai nhăm tết rồi. Sáng nay làm lễ hạp ấn, ai cho nữa! - Anh không lo. Phúc trạch tiên tổ dầy lắm, không lẽ anh em mình hết gạo nhịn đói, không lẽ lũ cháu nhịn đói. Ông anh khẽ liếc vào cửa phòng: - Em nói khẽ chứ, chị ấy hình như đã dậy. Anh không muốn cho chị ấy biết. Chị ấy tính hay lo nghĩ nhảm lắm, mà người thì yếu đuối. Lại vừa mới sinh nở xong. Ông tuy cẩn thận thế, nhưng cũng vô ích, bà đã nghe rõ cả. Lúc canh tư, thấy anh em dậy pha nước, bà giật thức dậy, đã để tai nghe vì đoán rằng cuộc nước sớm quá mực thường ấy tất có cái cớ gì quan trọng. Cánh cửa phòng mở. Tươi cười thung dung bà tiến ra. Ông tú Bảy vội đứng dậy thi lễ: - Bẩm chị đã dậy. - Chú cứ ngồi. Rồi, tiến đến ngồi trên chiếc ghế đẩu kê cạnh chiếc phản, bà khẽ nói giữa nụ cười: - Chú ấy nói phải đấy. Lo gì ông? Lộc của mười đời phúc trạch lại không đủ nuôi sống nhà ta hay sao? Ông cứ an tâm. Lát nữa, ông cứ bình tâm sang công đường làm lễ hạp ấn cùng quan Tri. Việc ấy đã có tôi và chú Bảy. Chuyện vừa tới đấy thì một tên lính lệ hầu trà vào bẩm: - Bẩm Lệnh Ông [1], có người bên Phú Xuyên xin vào hầu. Liếc mắt bảo vợ và em lùi xuống nhà dưới, ông bâo tên lính: - Cho nó vào. Người vào hầu là một người lý trưởng bên huyện Phú Xuyên, huyện mà năm năm trước, ông làm Tri huyện. Khi làm Tri huyện ở đó, ông thấy y là người lanh lợi, được việc, cho y làm lý trưởng và sau này khi y được làm, vì nhà nghèo quá, y cũng chưa có cái tạ ông. Việc ấy ông cũng quên dứt đi rồi. - Bẩm Lệnh Ông, Lệnh Ông tác thành danh mệnh cho, mà con nhà nghèo quá không có gì tạ Lệnh Ông. Năm nay, con được mùa gọi là có thúng gạo mới và quan tiền xanh đến tết Lệnh Ông. - Nhà mày ngồi lại ăn trầu uống nước rồi hãy về. Nhà mày đi từ lúc nào? - Bẩm, con đi từ canh ba. Lệnh Ông cho con về ngay, việc quan tháng củ mật bận lắm. Chạy xuống nhà bảo người nhà lấy trầu nước, ông ghé tai ông em: - Em và chị ấy nói thế mà đúng. Nhà ta có gạo, có tiền ăn tết rồi! Sáng hôm ấy, dự lễ "hạp ấn" xong, quan Tri hỏi quan Đồng: - Này bác, đã có tết chưa? Nếu chưa thì sang tôi, tôi có dăm thúng gạo và dăm quan tiền, anh em ta chia đôi. - Cám ơn bác, lúc nãy vừa có thằng Lý trưởng trên Phú Xuyên nó cho tôi thúng gạo quan tiền rồi. - Chết! Thế tổng lý nó không cho bác thúng gạo con gà nào à? - Có, nhưng họ cho từ lúc đầy cử thằng cháu nhỏ, ăn hết rồi. Cũng may, hồ vơi thì đầy, lộc nước cũng không bao giờ hết. ........................................ Năm hôm sau. Mồng một tết năm Giáp Thân. Người con mới sinh của quan Đồng Tri đã được ngót hai tháng và theo lối tính tuổi ta, đã lên hai. Xong việc cúng vọng cha mẹ ông bà, ông đem mực bút giấy ra khai bút cho cả nhà. Việc ấy là việc quan trọng nhất trong ngày mồng một tết của nhà nho, sau việc khấn ở giường thờ. Ông mở chiếc tủ quẩy - một kiểu tủ trên có chỗ lồng đòn gánh mà quẩy đi, tiếng thật cổ là cái cặp sách (Nhớ lại câu Kiều: Túi đàn cặp sách để huề...) - lấy ra một cái tráp con bằng gỗ ngọc am, trên mặt có khắc mấy chữ: Tùng Tư hầu chi vĩ liệt. (Mực làm ở đất Tùng Tư, vì thế gọi là hầu Tùng Tư. Cái vĩ liệt của hầu Tùng Tư nói bóng là cái sự nghiệp vĩ đại của con nhà bút giấy). Mở cái tráp, ông lấy ra văn phòng tứ bảo: thoi mực áp lục Vạn Niên Chi, thoi mực sắc xanh biếc, óng ánh như màu đầu vịt (áp lục); một ngòi bút điêu thử Hoàng Đình Kinh, làm bằng lông một thứ chuột bạch ngoài dãy Trường Bạch sơn bên Tàu; một cái nghiên Cổ Cầm trạm bằng một phiên đá núi Nhạc, trạm hình khô tùng nguyệt hạ (gốc thông xác dưới trăng), mặt trăng là mặt nghiên, cái hốc gốc tùng là cái mặc trì chứa nước; một tam sơn để gác bút bằng một hòn thủy tinh thạch trong vắt. Băng ấy thức, ông khoan thai lấy cái cái ra một và trịnh trọng ông để từng cái lên cái kỷ con. Sau cùng, ông lấy ra một tờ giấy ngân chu và mấy tờ giấy hoa tiên đỏ. Chận những tờ giấy ấy bằng cái trấn chỉ xong, ông trịnh trọng đến giường thờ lấy một cái hộp con, cái hộp ấn đồng tri của ông. Ngồi ngay ngắn trên chiếc sập trước giường thờ, ông mài thong thả thoi mực, nhấp nhẹ nhàng cái bút rồi viết bắt đầu mấy dòng khai đồ ký [2] lên trên mảnh giấy ngân chu. Hàng giữa. Hoàng Triều Minh Mệnh vạn vạn niên chỉ ngũ, tuế tại Giáp Thân, chính nguyệt, nguyên đán, cát thì cẩn phụng khai đồ ký. Hàng thứ hai, gần mép giấy: Thần, Quản Thành Tử Nguyễn Chí Quản. Giữa dòng và dưới dòng bên, ông đóng hai dấu son, trong có mấy chữ triện: Quốc Oai Phủ Đồng Tri Phủ đồ ký. Dán mảnh giấy ấy lên chiếc xà nhà ở gian giữa, ngay trước giường thờ xong, ông lại ngồi xuống ngay trước cái kỷ và gọi: - Nào, em Bảy, mợ nó và trẻ con ra mà khai bút. Đem cả thằng cu con ra nữa. Một lát sau, sau khi đã khai bút, đã cầm tay cho con khai bút, sau bảy lần khai bút của bảy người đã cử hành một cách trịnh trọng, tờ giấy khai bút dán lên tường, ngay trên chỗ ngồi xem sách. Tờ khai bút cả nhà ấy gồm tám dòng, và tươi tỉnh như một nụ cười đầu xuân với tất cả những chữ thẳng thắn, nét chữ mềm mại nét chữ run run và nét chữ nguệch ngoạc. Dòng thứ nhất là ngày tháng năm, cũng như dòng thứ nhất ở tờ trước, chỉ khác mấy chữ cuối: ... cát thi thí bút. Dòng thứ hai là ông thí bút: Hạo Phủ, Nguyễn Chí Quản. Dòng thứ ba là em ông, ông tú Bảy; dòng thứ tư là vợ ông, dòng thứ năm, sáu, bảy, tám là bốn con ông, chữ còng quèo như là que củi vì còn phải cầm tay. Dòng cuối cùng, dòng thí bút của người con mới được ngót hai tháng, đáng cho ta chú ý, đáng cho ta nói hơn. Nói cho đúng thì cậu bé con kia bị cưỡng ấn bút vào tay chỉ muốn chọc toẹt ngòi xuống. Bà mẹ cầm viết cả. Bà cầm cả bàn tay con mà viết, ngọn bút chỉ gọi là lấy hơi tay đứa trẻ mà thôi. Tuy bé thế mà, theo phong tục nhà nho, cũng đủ cả tên lẫn tự rồi. Cậu bé ấy tên là Nguyễn văn Phú, tự là Hi Bật. Sở dĩ đặt tên là Phú là ông muốn ghi cho nhớ cái thúng gạo cùng quan tiền ở Phú Xuyên đến cho ông giữa lúc tết đến sau lưng tiền gạo không còn. Con nhà đời đời là nhà học hành mà cái tên nghe mới "bình dân" làm sao! Mặc dầu sách vẫn có chữ "đa văn dĩ vi phú" (nhiều văn lấy làm giàu), cái chữ văn nó cũng trót bình dân mất rồi thì cái tên nó vẫn có vẻ bình dân như thường. Cái vẻ "tên thợ cầy" ấy, hai mươi mốt năm sau, vua Thiệu Trị cũng lấy làm khó chịu mà bắt đổi. Năm ấy ông nhị giáp tiến sĩ Nguyễn văn Phú theo mệnh vua mà tự đổi tên là Nguyễn Địch Giản. Rồi vua Tự Đức lại đổi là Nguyễn Tư Giản. Tự là Hi Bật, vì đời Tống ở Trung Quốc có ông Phú Bật, Hi Bật là trông gương ông Phú Bật. Nếu chúng ta được phép tin dị đoan thì cái tên đặt thuở bé, hoặc là một cái trưng triệu đầu của sự nghiệp một người. Ông sau này có lúc hoài bão giống Phú Bật, chỉ khác là cái hoài bão ấy không được thật hành... Nhưng ta hãy kể chuyện từ lúc bé đã. Đáng lý ra thì, theo phép thường, người ta gọi người thiên cố bằng tên trơn tuột, không kèm theo tiếng ông, cụ, tiên sinh chi... chí cả. Nhưng ở chuyện này, nhiều khi tôi đã làm trái phép thường ấy. Tới đây, tôi lại làm trái phép hơn nữa, vì cái cậu bé đẻ ở dinh quan Đồng Tri Phủ phủ Quốc Oai năm Minh Mệnh thứ tư kia là ông nội tôi. Học trò nghe đến đó đều tròn xoe hai mắt nhìn kỹ thầy chúng lần nữa, để nhận xem cái con người lủ khủ lù khù là thầy chúng kia, có cái mặt mũi thế nào mà lại là con cháu một tràng những nghè cùng cống những công cùng hầu như thế. Cái vẻ "tướng chủng" hay là ngày thường nhàm đi rồi, chúng không để ý. Hiểu ý học trò, ông giáo vội tươi cười tiếp chuyện cho lấp đi: - Các anh mới nhận thấy một cái quái hiện tượng gì ở tôi chăng?... Nếu tôi phải là một cái quái trạng ở xã hội này thì cái quái trạng ấy nó cũng ở trong đầu này, trong tâm khảm này chứ nó không ở cái hình thù tôi hay mặt mũi tôi... Thôi, tôi nói nốt. Tôi không thể réo tên cái người mà tôi kính trọng nhất đời được, một là vì người ấy đã đẻ ra người cho tôi ánh sáng mặt trời, hai là vì người ấy, gác cái quan hệ huyết thống ra, cũng là một nhân vật đáng kính trọng trên lịch sử. Nhưng tôi vẫn nhận là, không dám gọi xách mé ba chữ họ tên trơn tuột là trái phép gọi người đã thuộc lịch sử, trái phép gọi người đối với ta đã là cổ nhân. Mà cái phép ấy, cái phép gọi cổ nhân bằng họ tên trơn tuột ấy, các anh đừng tưởng là phép của Tây học. Nó chính là phép cũ của sử học Đông phương. Ở Bắc sử, người ta chép: Thục, Gia Cát Lượng phạt Ngụy ư Nhai Đinh bại tích. (Gia Cát Lượng ở Thục đánh Ngụy ở Nhai Đình, thua) - Sát Tống thừa tướng Văn Thiên Tường, (giết Văn Thiên Tường, Thừa tướng Tống); chứ sau chữ tên họ, người ta không kèm chữ tướng công hoặc công. Cũng như ở sách Tây, người ta gọi Victor Hugo, Corneille trơn tuột, chứ không kèm đầu chữ "me sừ". Mặc dầu đã có phép nhất định như thế, tôi cũng không thể réo tên người tôi sắp kể chuyện đây một cách không ngượng mồm được, nhất là réo xách mé ba chữ họ tên trơn tuột. Và khi đã ngượng thì giọng kể chuyện cũng mất thú. Vậy tôi xin tự đặt ra một phép riêng, không trái phép đã định mà cũng dễ cho tôi theo. Tôi gọi bằng hiệu, bằng tự mà cứ gọi trơn tuột thôi, không cụ, ông, chi chi cả. Bắt đầu hãy dùng cái tự Hi Bật là cái tự đầu tiên. Cổ nhân có người lấy tên tự mà hành ở đời (dĩ tự hành) thì phép của tôi cũng có căn cứ lắm chứ. Tể tướng nhà Đường; Phòng Huyền Linh có phải tên là Huyền Linh đâu, đó là tự. Nhưng Phòng "dĩ tự hành" lâu quá, thành quen đi. Cho đến nỗi rằng, muốn biết danh của Phòng, cũng phải làm một việc khảo cứu con con. Tôn Dật Tiên, Uông Tinh Vệ đều là "dĩ tự hành" cả. Nhưng người ta cũng quen đến nỗi rằng một lần một nhà báo đăng lời tuyên bố của Uông, trong đó Uông xưng tên là Triệu Minh, người duyệt báo ngơ ngác không hiểu cái anh Triệu Minh ấy mới ở lỗ nẻ nào mọc lên! Thôi, tôi kể nốt chuyện các anh nghe. Năm Hi Bật lên năm thì bồ côi mẹ. Rồi ngay năm ấy, ông Đồng Tri Phủ được thăng Tri phủ và bổ đi phủ Bình Giang. Đến năm Hi Bật lên chín, thì cha thăng vào kinh làm Binh Bộ Lang Trung. Năm Hi Bật mười một thì bồ côi nốt cả cha. Năm ấy Nguyễn Lang Trung mới bốn mươi hai. Lang Trung mất đi để lại một người vợ kế mới ba mươi tuổi, năm con trai và hai con gái, người con lớn nhất mới hai mươi mốt tuổi, người con gái bé nhất mới đầy tuổi tôi. Bảy anh em bồ côi, một người mẹ kế còn trẻ, một tên lão bộc, ở giữa nơi đất lạ xứ xa, lại hưởng cả cái đức thanh bạch ưa nghèo của cha, tình cảnh nheo nhóc ỷ eo khốn quẩn, tưởng không cần phải nói nữa. Quyền táng Nguyễn Lang Trung ở Huế, cả nhà cùng tên lão bộc kéo nhau ra Bắc với mấy quẩy sách và mấy gói quần áo sơ sài. Gạo hết, người tan, đó là việc phải xảy ra, đã từng xảy ra và còn xảy ra mãi mãi. Tiền không, gạo hết, cốt nhục cũng phải phân ly, phân ly để mà mỗi người một ngả tìm cách độ thân cho qua ngày tháng. Người anh cả, ngồi bảo học ở một nhà giàu ở Hà Nội. Người thứ hai và thứ ba về nhà quê và phiêu dạt lên tận một tỉnh mạn ngược. Người thứ tư về làng Bối Khê ở với mộ bà dì. Hai người em gái cùng người mẹ kế và người con trai út về làng Thổ Hoàng, nhờ bên ngoại. Người thứ tư, Hi Bật sau một năm ở với bà dì lại bò ra Hà Nội ở với anh vì ở nhà dì, bị ông em con dì khinh rẻ quá. Đành rằng giàu làm chị, khó làm em, Hi Bật, vì cảnh mình, cũng phải vuốt tủi mà chiều chuộng ông em con dì. Nhưng ông ta đã làm nhục quá sức nhịn của Hi Bật khi ông bắt "Anh con nhà già" phải múc nước rửa chân và cầm giày. Hi Bật giận quá, cự lại: - Mày là em tao, láo gì! - Ớ, ờ... thưa anh, xin mời anh về nhà anh. Giá không có câu ỡm ờ trêu cợt ấy thì khi dì mời ở lại, Hi Bật còn chịu ở, nhưng đã có câu ấy thì nhất định đi, cho dẫu rằng không có nhà và nhất là vì không có nhà. Ra Hà, Hi Bật đến chỗ trọ học của anh cả, nói chuyện đầu đuôi. - Thế thì em ở đây với anh vậy, anh nuôi, anh dạy học. Anh tưởng cho về ở đấy để học chứ biết về để hầu thì anh cứ để em ở đây với anh hoặc cho về Thổ Hoàng với cô. Người anh cả lúc bấy giờ có hai nghề: một là nghề dạy học, hai là nghề làm bài thuê. Dạy lũ học trò tiểu tập, bán bài cho những ông con nhà quan, nhà giàu để đến kỳ đại tập được phê, cho có tiếng là học trò không tồi quá. Hai nghề ấy, tiềm tiệm đủ để ăn học và nuôi em học. Đến khi ông anh đỗ thì Hi Bật cũng lại nối được nghề anh, nhưng chỉ nối cái nghề bán bài thôi. Năm Minh Mệnh 18, ông anh cả của Hi Bật đỗ tú tài. Ông cả Hiến nay đã thành ông đồ Hiến mà cậu tư em ông cũng có hy vọng thành cống thành đồ. Năm mười tám tuổi, Hi Bật đỗ tú tài lần đầu. Năm ấy là năm Minh Mệnh thứ 21. Tới đây, có một đoạn tình sử lý thú của Hi Bật. Một hôm cuối năm ấy, Hi Bật ra chợ Huyện đi qua hàng tráp, định ý ngắm trước xem cái tráp nào vừa mắt để phiên sau xoay được tiền thì mua một cái, trước nhất là Hi Bật cũng muốn tự thưởng cho mình một thứ đồ dùng đẹp hơn, sau là cũng định để sang năm mang vào trường thi. Vua Minh Mệnh mất năm ấy; năm sau, vua mới đăng quang, thế nào cũng lại có ân khoa. Lượn đi lượn lại một hàng tráp, Hi Bật ra ý thích cái tráp gỗ trắc bầy ở hàng. Nhà hàng hỏi: - Bác khóa muốn dùng cái nào? Khi đó, nhờ có lời nhà hàng chào, Hi Bật mới đánh bạo - vì Hi Bật tính rụt rè e lệ như con gái - Chỉ cái tráp mình thích. Nhà hàng đưa cho xem. Hi Bật cầm cái tráp ngắm nghía một cách say sưa như Kim Trọng ngắm cành thoa vàng trên ngọn đào tơ. Một là vì mê ngắm vô ý, hai là vì cái tay nhà nho lóng cóng vụng về, chiếc tráp rời khỏi tay mà vỡ tan tành dưới đất. Nhà hàng bắt đền, lẽ cố nhiên: - Quan tư đấy thầy khóa ơi! Cởi tiền ra mà trả cho tôi rồi nhặt mảnh tráp về... Hi Bật ngơ ngác, mặt không còn hạt máu. - ... Hay là quan sáu thì tôi chắp chữa lại cho mà dùng tạm vậy. Giọng Hi Bật run run sợ sệt. - Chết nỗi!... Tôi không có tiền... - Ồ... không có tiền!... Không có tiền thì sờ vào tráp người ta làm gì?... Không có tiền thì chịu khó để tôi trói lại, ngồi đây tan buổi chợ, tôi dẫn anh về nhà anh lấy tiền. - Xin ông để tôi ngồi đây đến lúc vãn chợ vậy... Người xung quanh túm đông lại xem. Mỗi người chêm vào một câu. Có người can: - ... Thôi bác hàng! Thầy ấy đã tự hạ từ gọi bác là ông rồi, lại còn gì nữa. Người ta can thế vì ở đời bấy giờ cái tiếng ông là quý lắm. Người chưa ngoài bốn mươi tuổi, người không thuộc phái sĩ, không được gọi là ông. Ở phái sĩ thì người bốn mươi may ra mới có người gọi là ông mà ở ba phái nông công thương thì chung thân là bác là anh... Ở cái xã hội trọng trật tự xưa, tiếng xưng hô đâu đã lộn ẩu như ngày nay. Hi Bật vì sợ quá mà đánh lộn ẩu cả. Như thế rồi mà chiếc thừng kia nó vẫn không tha. Anh hàng tráp trói Hi Bật, để ngồi xo một xó. Giữa lúc ấy, một tiếng khoan thai nhẹ nhàng: - Bác hàng! Cái tráp vật thử là bao nhiêu mà bác nỡ xử tệ một người học trò! Mọi người quay lại nhìn. Bác hàng cũng dừng tay quay lại. Người vừa nói to là một cô gái mười bảy mười tám, tay cắp rổ, tay xách chiếc nón Nhị thôn. Anh hàng cười gằn: - Cô thương người thì bỏ tiền ra mà đền hộ người. Phúc đức lỗ mồm, ai chẳng phúc đức được! Lần này, giọng người con gái dõng dạc: - Tôi đền cho thầy ta. Cởi trói ra! Rồi cô đưa cho anh hàng quan tư tiền. Rồi thầy dồ Hi Bật được tự do. Thẹn quá, thầy chạy thẳng. Nhưng đến cổng chợ, thầy lại đứng lại để... đợi cái bà tiên đã cứu thầy khỏi tay phường lái buôn. Rồi thầy theo nàng tiên cho biết nơi nàng ở. Về nhà, Hi Bật kể chuyện lại cùng anh rồi ngỏ ý muốn anh sang nói với cụ Cả Đông Dư - tên ông thân người thiếu nữ - xin cô em cho Hi Bật. Người anh cũng tán thành: - Một người con gái có bụng hào hiệp như thế, chắc sau này phải là người vợ thảo mẹ hiền. Em cứ an tâm. Rồi người anh sang nói. Cụ Cả Đông Dư mến Hi Bật là con nhà gia thế liền nhận lời. Cụ cả bà có ý không bằng lòng, vì cũng khi ấy, quan Hà Ninh Tổng đốc Hoàng văn Thu cũng bắn tin muốn hỏi cô em làm thiếp. Cụ bà có ý đậm hơn là vì Hoàng hiện Tổng đốc tỉnh nhà. - Khéo ông! Gả con cho ông Hoàng Giáp tổng đốc không muốn, lại muốn gả cho một anh đồ nghèo! - A! Thế bà đã chắc rằng đồ Phú sau này không đỗ nổi Hoàng Giáp, làm nổi Tổng đốc hay sao! Hơn tháng sau, "nàng tiên Chợ Huyện" đã thành cô đồ Phú chợ Cói. Năm sau, nhà nước mở ân khoa để ghi năm đầu tiên niên hiệu Thiệu Trị. Cụ ông chắc mẩm rể mình sẽ đậu Cử nhân. Không ngờ khoa ấy thầy đồ Phú lại chỉ thành thầy kép Phú: thầy đỗ tú tài khoa nữa. Cụ bà bấy giờ được thể giễu cụ ông: - Đấy rể quý ông đấy. Là cứ đồ suốt đời. - Lo chi nó mới mười chín tuổi, đã lo chi. Khoa mão sau này thì phải Cử nhân, rồi năm sau khoa hội năm Thìn, phải hoàng giáp. Tôi cam đoan với bà thế. Quả nhiên đến khoa Quý Mão, niên hiệu Thiệu Trị thứ ba, Hi Bật đỗ Cử nhân; và năm sau, vào kinh thi hội, đỗ Nhị Giáp Tiến Sĩ. Năm ấy Hi Bật mới hai mươi hai tuổi. Phụng mệnh vua, Hi Bật đổi tên là Nguyễn Địch Giản. Từ đây lịch sử ông dính liền với lịch sử triều Thiệu Trị Tự Đức, và gồm có ba lịch sử: lịch sử thăng trầm ở bể hoạn, lịch sử văn chương và lịch sử duy tân. Tôi cứ nói dần dần. Ngay tháng Chạp năm ấy, sau khi vinh quy bái tổ ở làng, sau khi nhận chức văn trưởng hàng tỉnh và tương kiến cùng quan Ninh Thái tống đốc, Tổng đốc tỉnh nhà, ông vào kinh và làm Hàn Lâm Viện Tu Soạn. Tháng hai năm sau, sung vào bộ biên tập bộ Thiệu Trị Văn Qui. Xong việc ấy, được thăng làm Hành Tẩu ở sở Bản Chương trong Nội Các, tức như Thư Ký Ngự Tiền Văn Phòng, Tháng Giêng năm Thiệu Trị thứ sáu, bổ đi Tri phủ Ninh Thuận, Tri phủ trước ở đấy là ông Nguyễn Bá Nha. Khi ở Ninh Thuận, một hôm ông nằm mộng thấy Bá Nha nói rằng mới được làm Thừa Chỉ. Hỏi là chức gì thì ông Bá Nha nói: "Đó là chức ở trên trời, coi việc hiển đạt đắc thất ở dưới thế gian". - Thế tôi, bác xem rồi làm đến gì? - Bác ấy à? Bác ba lần xuất chinh làm quan, nhưng lần nào cũng chỉ đến Thị Lang. Năm đầu Tự Đức ông lại về kinh làm Binh Khoa Cấp Sự Trung. Thăng mãi, thăng mãi đến năm Tự Đức thứ bảy, làm Hàn Lâm Viện, Thị Độc Học Sĩ, chức là Tham Biện Nội Các Sự Vụ. Đến năm Tự Đức thứ chín, lại thăng Quang Lộc Tự Khanh, giữ chức Sung Biện Nội Các Sự Vụ. Chức ấy tựa như chức Ngự Tiền Đổng Lý Văn Phòng bây giờ. Chức ấy, hàm tuy nhỏ, nhưng vì gần vua nên được trọng, tục gọi là Nội Tướng, đối với ông quan đầu triều là Ngoại Tướng. Vì hai ba lần dâng sớ lên điều trần về việc trị thủy ở Bắc Kỳ nên năm Tự Đức mười ba, nhà vua thăng lên làm Lại Bộ Hữu Thị Lang, lấy chức ấy, sung làm Hiệp Lý Đô Chính Sự Vụ. Sung chức ấy ông đào con sông Thiên Đức. Xong công việc, con sông đào xong, nước chảy không úng nữa, dân được nhờ, nhưng riêng ông thì phải đền mấy vạn quan vào kho vì khi khởi công, vụng tính, ông đã trù một khoản tiền thật chí. Ông trù ít đi, cốt để nhà vua không ngại mà cho ông được thật hành sở kiến của ông nhưng điều khờ là ông đã trù ít quá. Xong công việc này thì gặp lúc giặc Nguyễn văn Thịnh và Tạ văn Phượng nổi lên đánh phá các vùng Kinh Bắc Hải Dương. Miền Hải Dương, Tạ văn Phượng lại càng đáng sợ. Vua xuống chiếu khiến ông làm Tham Tán Quân Vụ giúp Tổng Đốc Quân Vụ Trương Quốc Dụng dẹp giặc. Lệnh trên tuy cử làm Tham Tán Quân Vụ nhưng quân thì bắt ra Nam Định lấy quân Thủy Tê dưới quyền ông Tổng đốc Nam Định Nguyễn Đình Tân. Nguyễn Đình Tân vì giết giáo dân nhiều, không dám phát quân Thủy Tê đi nên thành Hải Dương vào tay quân giặc. Trương Quốc Dụng bị Tạ văn Phượng (Phó Súy Phượng) bắt sống. Triều đình hặc rằng Tham Tán vô lực để đến nỗi quân đổ thành mất, Tổng đốc bị bắt; và ghép ông vào tội, cách tuột cả chức tước, bắt đi tiền quân hiệu lực đái tội lập công. Tiền quân hiệu lực, nghĩa là sung vào tiền quân, nhưng không có chức tước gì cả mà quân thì phải tự mộ lấy. Khi đó ông có người tiểu thiếp thứ ba họ Phan, nhà giầu, bỏ tiền ra thuê người khách Tạ văn Sơn mộ quân Tam Đường. Em ruột ông là Nguyễn Năng Ái khi đó đương Tri phủ Diễn Châu liền xin cùng với anh đi dẹp giặc. Nhờ can đảm và tài thao lược mẫn tiếp của em, nhờ có quân Tam Đường, ông đánh tan cánh quân Phó Súy Phượng ở An Thái. Nhưng công ấy chỉ đủ chuộc tội chứ không được gì cả. Mỉa mai hơn nữa là, anh em ông vì là tiền quân hiệu lực, nên người ta cứ kể cho là ông tướng chính thức bấy giờ thắng trận, chứ không đếm xỉa gì đến cái gian lao ra sống vào chết của người thật sự cầm quân đánh giặc! Giặc tan ông về nghỉ, ngồi dạy học ở làng Đôn Thư huyện Thanh Oai. Năm Tự Đức mười tám nhà vua lại gọi ông vào kinh, khai phục hàm Hàn Lâm Viện Tu Soạn. Đến năm Tự Đức hai mươi mốt, thăng hàm Hồng Lô Tự Khanh và sung làm Giáp Phó Sứ trong bộ Tuế Cống Sứ sang Tàu năm ấy. Năm ấy là năm 1868, năm đầu Minh Trị ở Nhật. Sau khi đi sứ về, ông hiểu rõ tình thế trong ngoài, biết rõ cả việc duy tân ở nước Nhật, định bụng phen này về thì dâng sớ xin nhà vua biến pháp. Đi sứ về, ông sung Biện Nội Các. Ông liền kết nạp với bọn các ông Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Đức Hân, Bùi Viện... đứng đầu Tân Đảng, năm lần dâng sớ lên xin biến pháp. Tôi không thể thuật hết các sớ ấy lên đây được, nhưng đại khái thì chương trình biến pháp của ông như sau đây: Mở cửa bể thông thương với hết thẩy các cường quốc Âu Châu. Họ túm lại đông thì lườm nguýt lẫn nhau, mình không nguy ngay, có đủ thì giờ mà sửa sang mọi công việc. Mỗi năm cho một đoàn du học sinh chừng năm trăm người sang Âu Mỹ học đủ các món kỹ xảo học thuật mới. Mỗi năm một lớp đi học, lớp đầu thành tài đã về; mỗi lớp 500, cho hư hỏng đi nữa, cũng được 100 người thành tài; trong hai mươi năm, ta đủ nhân tài để dùng. Trong khi đợi ấy thì ta thuê người Âu Mỹ làm giúp rồi ta sẽ thay dần bằng người nước ta. Đó là đại lược cái chương trình của ông. Ông lại hơn người hơn nữa là ông biết ông không đứng thật hành nổi, cho nên, trong một bản sớ, ông nói: "... đứng chủ trương cáng đáng công việc duy tân ấy, thần không làm nổi. Đứng chủ trương nổi việc ấy, chỉ có Trần Lục ở Bắc Kỳ. Trừ Trần Lục ra, không ai đương nổi. Đương đầu việc bang giao nội trị lúc mình chưa sửa sang xong công việc, lúc Âu Mỹ họ còn có thể không lườm nguýt nhau mà xé mảnh mình, việc kinh bang tế thế ấy, việc bang giao nội trị ấy, cứ mắt thần, duy có Trần Lục cáng đáng nổi. Thần cùng bọn người thần tiến cử chỉ đứng phù tá được thôi..." Kết quả làm sao? Vua Tự Đức yêu trọng ông về văn thơ bao nhiêu thì lấy ông làm quái vật bấy nhiêu, trong việc nhà vua cho là vu khoát. Nhà vua lại càng cho ông là quái gở nữa là vì ông đã cử Trần Lục, một người đi đạo Gia Tô, làm giám mục đạo Gia Tô. Nhà vua không nghe. Đình thần lại chia ra đảng Nam, đảng Bắc, khuynh loát lẫn nhau. Việc trong Nam Kỳ, ngày càng nghiêm trọng, 1858-1859-1860-1861-1862: nước Pháp đánh lấy ba tỉnh phía đông: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường. Nước Pháp lại rục rịch lấy nốt ba tình phía tây nữa. ° ° ° Niên hiệu Tự Đức thứ 28, lịch tây vào năm 1875. Đã hai năm nay, dương hàm là Thị Lang bộ Lại, ông được bạt bổ Tham Tri, quyền lĩnh Lại Bộ thượng thư, sung Quốc Sử Quán Phó Tổng Tài; rồi được thăng Thự Lại Bộ Thượng Thư, sung Cơ Mật Viện Đại Thần. Trong hai năm nay, ông đứng đầu bộ Lại, quyền cao chức trọng danh to. Đáng lẽ phải vui, cớ sao người nhà vẫn trông thấy vẻ buồn trên mặt ông. Những khi ông vui được một lúc là khi ông tiếp những người khách thường, địa vị xã hội, địa vị theo chức tước kém ông nhưng ông rất trọng, là những khi ông tiếp anh học trò Nghệ An tên là Nguyễn Trường Tộ hoặc anh em họ Bùi ở Trình Phố vào chơi. Người nhà đã phải lấy làm lạ rằng tại làm sao ông yêu cái chú Bùi Lạp răng trắng thế, cái anh nửa học trò nửa nhà thầy xứ Đù thế. Tối hôm nay, người nhà lại thấy ông hoan hỉ khác thường. Cái vẻ hoan hỉ ấy, trời cũng không cắt nghĩa được. Khách ông ưa, đã lâu cũng không đến mà sáng hôm nay ở công đường bộ Lại ông vừa quát tháo mắng ông Thị Lang coi tào Trừng xong. Thì ông vui vì cái lẽ gì. Tối đến, sau bữa nước, ông lấy giấy bút ra ngồi viết và nghĩ ngợi. Canh hai, cô ba hầu ông rón rén ra, tay cầm một cái hộp, ngập ngừng chưa dám nói, đợi ông dừng tay viết, ngửng mặt lên. Một lúc, ông trông thấy, hỏi: - Cái gì thế? - Dạ, ông để cho tôi xin thưa. - ... Cái gì? - Dạ, bẩm cái này của cô Thị tào Trừng. - Đưa ta xem. Ông mở nắp chiếc hộp sơn son ra, cầm những giấy trong đó ra xem lại một lượt rồi lại để vào chỗ cũ. Đoạn ông cười: - Đem giả lão ta... Cô Ba như tắt hơi thở: - Dạ, bẩm ông nghĩ lại. Người ta, bỗng chốc mà làm nên Thượng thư... - Mụ ta sang đây bao giờ và nói thế nào? - Dạ, cô ta sang đây lúc chập tối, lúc ông còn vào chầu Ngài trong điện Văn Minh. Cô ta giao cho tôi hộp này và nói rằng: ngày mai xin quan lớn rửa mặt cho ở công đường vài lời, còn các giấy má xin nộp hầu lại quan lớn, tùy quan lớn... Ông lại cười: - Không được, ta đương nghĩ sớ mạo cữu đây. Nội nhật ngày mai, ta dọn ra ngoài phố. Thôi, vào trong nhà cho ta viết. Cô Ba lấm lét lùi vào. Ông lại cúi đầu viết, miệng lẩm bẩm: - Lũ ròi kia sao hiểu được ta...! Nguyên do câu chuyện như thế này: Hôm đầu tháng Bảy, người em trai cô ba hầu ông, tên là Phan văn Khải vào xin ông một chân cửu phẩm thơ lại và đưa cho ông xem một cái bằng quân công do tỉnh Nghệ phát cho. Có bằng quân công ấy thì sự bổ là đúng lệ. Ông phê chữ cho. Nhưng trước khi làm bằng mới, bổ chức mới, công việc phải qua tào Trừng. Mỗi bộ chia ra mấy tào, mỗi tào coi một việc, tào Trừng coi việc soát lại các giấy má. Ông bảo Phan văn Khải cầm bằng và giấy má có chữ ông phê sang trình tào Trừng. Khi xét, Thị Lang tào Trừng (Thị Lang mỗi tào cũng như ông chef bureau bây giờ) nom kỹ thì bằng quân công là bằng giả. Thị Lang tào Trừng vừa đập tay xuống bàn nói: "Mả, dậu giạ", là Phan văn Khải xanh mặt ngay rồi ù té chạy. Người ta giữ tạm lại. Biết Khải là người nhà, Thị Lang tào Trừng hãy tạm để Khải trong nhà, chưa tống giam vội. Hôm sau, bộ Lại đăng đường. Thị Lang thưa lên với quan Thượng thư: - Bẩm Quan lớn, cái việc tên Phan văn Khải, chúng tôi coi như là hắn làm dấu giả. Quan lớn thảng thốt chưa trông ra, xin xét lại. Viên Thị Lang xử thế, tưởng cũng là phải chăng. Thế mà ông tác sắc: - Giả à? Giả thì thầy cứ việc phong lại rồi làm sớ tiệp tấu mà hặc tôi. Ai kia làm quan chưa từng cách giáng, chứ tôi đây đã từng rồi! Thầy đừng hỗn! Cả hàng tơ thuộc lấy làm kinh ngạc. Kinh ngạc nhất là viên Thị Lang kia. Về nhà, tức lắm, viên Thị Lang đã toan làm như lời quan trên vừa vạch cho. - Ta muốn tròn mà ông ấy lại muốn bẹp. Làm nũng vua cũng có chừng thôi! Vợ ông ta can: - Không nên ông ạ. Việc này làm ra thì ông Thượng phải giáng. Nhưng giáng rồi ông ấy lại lên, mà ông ấy lên thì chóng lắm. Ông chẳng xem đó ư? Năm việc thất thủ Hải Dương, quan Phan Thanh xin chém ông ấy mà rồi Ngài Ngự chỉ cách thôi. Cách xong, ông ấy lại khôi phục. Khôi phục có hàm Tu Soạn mà trong sáu bảy năm lại nhảy ngay lên Tham Tri, quyền Lại Bộ Thượng Thư, làm lục khanh trưởng. Vua yêu ông lắm, nhà mình địch thế nào lại được. Bây giờ làm, ông ấy phải giáng thật, nhưng chỉ ba năm sau là ông ấy lại vào chỗ cũ. Khi bây giờ, biết xử ra sao? Cứ ý tôi thì phong những giấy má lại trả ông ấy, rồi tôi nói với cô Ba nhà ông ấy rửa mặt cho mình mấy lời. Thế là tròn trặn ôm đẹp hơn hết. Viên Thị Lang nghe nói đã xiêu, nhưng vẫn còn tức, chưa nghe ngay: - Ông ta coi vua như người nhà không bằng. - Hẳn chứ, Ngài Ngự yêu ông ấy như con. Vả làm ông Tể tướng mà chỉ thất sát có một việc cho một tên cửu phẩm, tôi tưởng dù có tội nữa, cũng chẳng đặng nào. Trống canh đã điểm canh ba. Ông vẫn chưa đi nghỉ. Cô Ba lại rón rén ra: - Dạ xin ông nghĩ lại. - Nghĩ cái gì, ta đương nghĩ sớ mạo cữu đây. Việc nước lung tung lắm. Ta ở lại để thò tay ký vào hòa ước à? Nhân việc này, ta về thôi. Tới đây, cô Ba mới hiểu cái vui của ông. Ra ông vui rằng đã tìm được cớ để về, tránh cái việc ký hòa ước nhường non sông đất nước cho người. Sáng hôm sau, không những không rửa mặt cho viên Thị Lang kia, ông lại trát vào mặt ông ta một tràng lời thậm tệ nữa. - Thầy định lừa tôi phải không? Thầy định khép thêm vào tội thất sát của tôi một tội khi quân nữa à? Tức nước thì phải vỡ bờ. Tên Phan văn Khải bị tống giam. Sớ mạo cữu của Thượng thư Bộ Lại dâng lên tự nhận lỗi trước. Việc đem ra đình nghị. Cái xẩy nẩy ngay thành cái ung. Ngay chiều hôm sau, ông cho dọn hết đồ đạc ra ngoài phố! Án dấu giả khởi từ tháng Bảy đến tháng Chạp năm Tự Đức 28. Kết quả ông bị cách tuột và ra làm Sơn Phòng Sứ ở Chương Mỹ khẩn ruộng hoang để chuộc tội. Ông lại về dạy học và làm ruộng đọc sách và ngâm thơ, ông lấy tên hiệu là Thạch Nông. Ba năm sau, năm Mậu Dần, (1878) vua lại vời Thạch Nông vào Kinh làm một chức trong viện Hàn Lâm. Được hai năm, lại thăng lên đến Hộ Bộ Thị Lang. Nhưng ông xin về nghỉ dưỡng bệnh. Nhà vua ân cần giữ lại. Ông hẹn xin một năm sau lại ra. Trong thì kỳ làm quan sau cùng này của ông, từ năm Mậu Dần đến năm Nhâm Ngọ (1882) trong nước xảy ra nhiều chuyện chẳng hay mà riêng cái triều đình Huế cũng lắm trò là lạ hay hay. Lúc bấy giờ, ông cử nhân Bùi Viện ở làng Trình Phố vào kinh dâng thơ xin biến pháp. Tuy việc đã muộn rồi, nhưng muộn còn hơn không, Thạch Nông tiên sinh cũng tán thành. Giữa chốn triều đường, Nguyễn văn Tường mắng ông Bùi Viện thậm tệ. - Anh láo! Anh coi cử triều là đồ ngu dốt cả hay sao mà anh dám tự tiện dâng sớ lên Hoàng thượng. Cái tội khinh mạng triều đình, hãy để cho anh đó. Đảng cựu lấy làm khoái lắm. Đảng tân thì lấy làm ngạc nhiên vì thừa biết rằng Tường tuy gian ác nhưng cũng không đến nỗi tối tăm mờ mịt lắm. Khi đó, Bùi Viện thường hay đến hầu Thạch Nông tiên sinh vì là người tri ngộ. Một hôm, mươi hôm sau trận lôi đình của Nguyễn văn Tường, Bùi Viện đến ăn cơm chiều cùng Thạch Nông tiên sinh. Chén say, Bùi chỉ tay ra phía bộ Hộ - lúc đó Tường thượng thư bộ Hộ - mà thóa mạ hết lời: - Thằng Giả Hủ! Thằng Giả Hủ! Nó lại định dụ tôi làm việc càn rỡ! Thong thả, Thạch Nông hỏi Bùi: - Làm sao? Làm sao mà ông gọi quan Tư Không là Giả Hủ. Dụ dỗ gì? - Năm hôm sau việc nó mắng tôi ở điện Cần Chánh, nó cho gọi tôi đến đánh chén. Rồi nó bảo tôi rằng: "Việc ông nói chí phải. Nhưng... chúng nó làm thế nào được. Cái ấy để chúng ta..." Thạch Nông tiên sinh cười: - Ông ấy say nói nhảm đây mà. Ông đừng ngộ nhận. Thôi, cạn chén đi. Lại một hôm, Nguyễn văn Tường đến chơi Thạch Nông. Chuyện vãn đã chán, Tường ngó trước ngó sau rồi nói: - Quan lớn cho đuổi hết tả hữu, tôi có câu chuyện muốn ngỏ... Tả hữu lui rồi, Tường mới hỏi: - Việc nước, quan lớn nghĩ thế nào? - Tôi chẳng biết nghĩ thế nào cả. Chúa thượng không chịu nghe thì chúng ta biết nghĩ thế nào cho phải. Tường nói thẻ thót: - Tôi thiết tưởng thế này. Bây giờ nó như cái nhà nát. Nay ta thay cái rui, mai ta chữa cái xà, ngày kia ta đổi cái hoành, chung quy ngày kia nó cũng đổ sập và ta đều chết bẹp ở trong. Chẳng biết có ai biết cho cái công chạy chữa đâu. Cứ ý tôi thì ta nên giật phăng cổ nó xuống, làm cái nhà khác lên thay... Quan lớn nghĩ thế nào? Có phải cùng chăng? Thạch Nông tiên sinh cười: - Tôi hủ lậu biết thế nào được... Giật nó xuống... Ai giật? Quan Lớn, chứ tôi thì tôi chịu. Tôi chỉ biết chạy chữa hoặc bỏ mà chạy ra ngoài, có thế thôi. Vì thế mà Thạch Nông tiên sinh nhất định về nghỉ. Tiên sinh nóng về nghỉ hơn nữa là vì tiên sinh ở lại thì nay mai sắp thăng lên Tham Tri mà người Pháp thì sắp đổi thế hòa ra chiến. Ở lại thì tất cái địa vị chạy ra cửa Thuận ký hòa ước cùng Harmant là đến. Tiên sinh về năm 1881, và ngụ ở Hà Nội, phố Hàng Bồ. Năm sau, nhà vua khiến quan Tổng đốc Hà Nội ra thăm xem đã khỏe chưa. Tiên sinh không muốn làm quan nữa, nên không tiếp khách. Tổng đốc Hà Nội bấy giờ là ông Hoàng Diệu, người mà mấy năm trước, khi làm Thượng thư, Thạch Nông tiên sinh cử ra làm Hà Ninh tổng đốc. Ông Hoàng Diệu ra thăm năm bảy lần không được tiếp. Lần cuối cùng, ông bảo người nhà tiên sinh rằng: - Cậu bẩm Quan lớn rằng bất tất Quan lớn phải giấu tôi. Tôi rõ lắm. Bây giờ, ai đứng lại là hấng lấy than đỏ lửa hồng vào tay chứ báu gì. Tôi không tâu vào kinh rằng Quan lớn khỏe đâu mà Quan lớn sợ. Tình thần tâu vào là tiên sinh yếu. Vua Tự Đức dụ ra có chữ rằng "Hà khả cưỡng, vô thực ngôn" (Cưỡng khanh chi, khanh đừng ăn lời thôi). Sở dĩ có chữ ấy là vì tiên sinh có hứa rằng một năm lại vào kinh. Nhưng tình thế ấy, tâm sự ấy, hoài bảo ấy, tiên sinh cũng đành ăn lời cùng ông vua quân tử nhưng hôn mê, yêu tiên sinh mà không biết yêu cho ra yêu. Năm tiên sinh ở Hàng Bồ, được tiếp hai người khách, câu chuyện có dính dáng đến chuyện nước nhà. Người thứ nhất là ông Bùi Viện ở kinh từ quan ra. Bùi nói rằng Tường tiếc tiên sinh lắm, thường nói với Bùi rằng: - Ông Nguyễn Tư Giản ông ấy làm được việc mà ông ấy nhất định bỏ về, thật đáng tiếc. Có ông ấy, tôi quyết xoay lại thì cơ. Người thứ hai là ông Nguyễn Trường Tộ. Nhưng có một việc mà ít người biết là việc tiên sinh mang người con út xuống Hải Phòng, chờ "chú Bùi Lạp" để đi sang Hương Cảng. Tiên sinh chờ đó hơn tuần nhật, sau người nhà xuống tìm về; một sợ bị lộ, hai vì quá chán nản tiên sinh lại về. ° ° ° Năm 1889, trên Ấn Độ Dương mộ con tầu rẽ sóng trùng dương quay mũi về đông. Đó là chuyến tầu King EdWard Steamer của hãng hàng hải Anh Cát Lợi chở khách từ Thái Tây sang Thái Đông. Trên tầu có đoàn phái bộ của ta vừa sang dự xem hội Triển Lãm ở Paris về. Trong đoàn, có ông sư vì chính phủ Bảo Hộ muốn đem đủ mặt nhân vật nơi thuộc địa mới về nơi thủ đô thượng quốc. Sư Đại Tráng quan không phải, dân không phải, thành ra không thân mật với ai trong phái bộ cả. Hàng tháng lềnh bềnh trên mặt trùng dương nhà sư chỉ còn cái thú chơi với một ông Tàu. Ông Tàu ấy, ngồi ở hạng nhất cũng buồn vì quanh mình toàn "phán quẩy" (phiên quỷ, nghĩa là người da trắng) nên lò dò xuống hạng nhì chơi với nhà sư An Nam. Sư Đại Tráng một hôm giở những tập danh thiếp tự tích, các người danh nhân An Nam ra cho ông bạn Tàu xem. Nhìn tờ hoa tiên nào, ông Tàu cũng nhìn một cách lơ đễnh vì chữ không tốt mà văn cũng không hay lắm. Đến một tờ, ông Tàu cầm lấy, nhìn kỹ, đọc rồi bút đàm với nhà sư: - Tờ này chữ tốt, thơ cũng hay. Của ai thế? Thơ ai thế? Chữ ai thế? Nhà sư cũng bút đàm: - Thưa đó là ông Nguyễn Tấn Cảnh, đỗ cử nhân, con trai thứ tư quan cố Lại Bộ thượng thư Nguyễn Tư Giản. - Hiệu Vân Lộc? - Vâng? - Đã sang sứ Yên Kinh? Thế thì tôi quen. Vân Lộc khi sang sứ có cùng tôi xướng họa và là thi hữu của tôi dạo ấy. - Dám hỏi đại nhân là ai? - Tôi là Trương Âm Hoàn, hiện đương khâm mệnh trụ Luân Đôn Khâm Sứ Đại Thần. Hoàng đế có dụ gọi tôi về vì việc quân quốc trọng sự. Thế bây giờ Vân Lộc tiên sinh làm gì, ở đâu? - Vân Lộc phu tử bây giờ ngồi dạy học kiếm ăn ở nhờ đất một ông bạn vì phu tử nghèo lắm, không có nhà, không có ruộng chi chi cả. - Thế là phải... Đã may mắn gặp nhà sư đây lại biết tin người bạn cũ, thì tôi gửi mộ bức thư và một bài thơ. Về nước, nhà sư cũng vì tôi mà nói với cố nhân rằng tôi vẫn nhớ lắm. Năm gặp ở Yên Kinh, tôi có hẹn có ngày sang Việt Nam thì đến thăm vườn Vân Lộc, đánh chén một bữa. Thế mà thấm thoát hai mươi năm rồi... Tới bến, sư Đại Tráng vội đến Kim Sơn trình Vân Lộc tiên sinh bức thư. Thì là một bức thư thật dài, dưới kèm bài thơ Đường luật: Đô hạ tương phùng nhị thập niên. Bắc Nam tung tích cự mang nhiên... Chỉ ưng phần tẩm tiêu đồng trụ! Trùng thính thi ca hựu tửu diên. Vãng sự hồi tư tăng bạch phát! Tuế hàn tương thủ hữu thanh chiên. Mang mang thâm phụ thừa sà ý. Nghĩ khất Oa Hoàng bổ viễn thiên! Bài thơ ấy, tôi không dịch làm gì vì vô ích. Cái hay nó chỉ ở chữ nho, sang tiếng Việt khó lòng mà hay được, nhất là tiếng Việt của tôi. Tiếp bài thơ ấy được mấy tháng thì Vân Lộc tiên sinh mất. Khi tiên sinh gần mất, con cháu hỏi rằng tiên sinh có muốn giối giăng gì không thì tiên sinh nói: - Ta đỗ Nhị Giáp Tiến Sĩ, làm quan đến Thượng thư, theo thói tục ở đời thì là vô hám. Nhưng ta có một điều mang hận cho đến bây giờ. Nhưng thôi... ° ° ° Chuyện cổ đến đây là hết. Nay nói đến chuyện kim để nối cái ý ở đầu: quẩn quanh mãi rồi về chỗ cũ. Họ nhà tôi thế là tám lần đỗ to, tám lần hiển hách mà sáu lần đầu đều quanh quẩn theo con đường Paul Bert, Borgnis Desbordes, Duvillier... Hai lần sau đỗ ở Huế cả. Năm 1922, tôi học ở trường Nam Sư Phạm Hà Nội, năm ấy tôi thi cuối năm được đến ba bốn bài đầu lớp rồi. Năm ấy, đặc biệt, ở trường Sư Phạm cũng cho mỗi lớp một cái Phần Thưởng Ưu Hạng (Prix d’Excellence) vì năm ấy, không rõ vì lẽ gì, nha Học Chánh Đông Dương định tổ chức một cuộc phát phần thưởng thật vĩ đại ở Nhà Hát Tây. Tôi phát hoảng nhớ đến lời ông thầy đoán số cho họ tôi từ hơn 300 năm trước: bắt đầu hiển hách ở đất Bãi Cỏ rồi sau lại hiển hách ở đất Bãi Cỏ lần cuối, để rồi tắt. Ngày ấy tôi tin dị đoan như đàn bà. Tôi cứ tin chắc rằng cái chỗ xướng danh người lĩnh thưởng ở Nhà Hát Tây nó đúng cái chỗ xướng danh khoa thi ở Bãi Cỏ đời Trịnh Tùng. Sợ rằng "Bảng tùng để thơm" đến đó là hết nếu tôi chiếm Prix d’Excellence, vào Nhà Hát Tây để hiển hách cái đời học trò. Vì thế tôi bỏ luôn ba bài không thi. Tôi ngốc nghếch cứ tin rằng vào Nhà Hát Tây mà lĩnh thưởng thì họ nhà tôi tắt. Tôi lại ngờ nghệch đến rằng phàm các chỗ lân bàng Nhà Hát Tây tôi đều sợ cả. Trường Cao đẳng cũ ở phố Paul Bert, gần Nhà Hát Tây. Trường Cao đẳng mới ở phố Bobillot, cũng gần Nhà Hát Tây. Cứ quanh cái vùng Nhà Hát Tây mà mua danh là chết. Vì tôi ngốc nghếch như thế nên không dám học trường Cao đẳng. Đỗ xong, xin ra làm anh giáo cùn ngay. Ngày nay tôi khôn rồi, nhưng đã luống tuổi. Vì thế, đành làm cái nghề cùn này, chẳng danh vọng gì, nhưng có cái thú là không có thể làm hại ai được, cho dẫu làm hại một cách vô tình. Chắc các anh cười tôi lắm đó. Nhưng đừng, vì nếu không, thì sao tôi lại gặp gỡ các anh đây để kể câu chuyện tất niên này. Trống trường một hồi đỗ. Trường tan. Ông giáo Nguyễn Lý Viên lại lủi thủi trên con đường Hàng Đẫy, thủng thẳng bước một về nhà... __ Viết ở Vinh Juin - Juillet 1939. __ [1] Xưa kia gọi Tri phủ Tri huyện là Lệnh Ông. Quan tỉnh trở lên mới gọi là ông lớn. Quan to lắm mới gọi là quan lớn. [2] Đấu của quan nhỏ là đồ ký.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
 
Trở lên đầu trang